Chọn phân tích một tác phẩm thơ song thất lục bát mà em yêu thích

560

Trả lời Câu 4 trang 60 Ngữ văn 9 Tập 1 Kết nối tri thức chi tiết trong bài Củng cố, mở rộng lớp 9 trang 59 giúp học sinh dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 9. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Củng cố, mở rộng lớp 9 trang 59 Tập 1

Câu 4 (trang 60 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Chọn phân tích một tác phẩm thơ song thất lục bát mà em yêu thích.

Trả lời:

Cách 1:

      Cảnh chia ly của những cặp vợ chồng trẻ luôn chạm đến trái tim người đọc một cảm giác đau thắt, hiu quanh. Nếu như trong Tống biệt hành, người con gái đang tiễn người chồng đi tìm cái lí tưởng cao đẹp: “Đưa người ta không đưa sang sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng?” thì trong 12 khổ thơ cuối của đoạn trích Nỗi niềm chinh phụ của Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm dịch, cũng là người vợ ấy, cũng là người con trai đang tìm công danh ấy, nhưng sao thật đắng cay, bởi người chồng đang cất bước ra chiến trường. Cả đoạn thơ là lời than thở, buồn đau, hi vọng được gặp chồng của người chinh phụ khi “tống biệt” chồng ra trận:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.

Ngàn dâu xanh ngắt một màu,

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

        Mười hai câu thơ trên thuộc phần cuối của đoạn trích Nỗi niềm chinh phụ, trích trong tác phảm Chinh phụ ngâm, nguyên tác của Đặng Trần Côn, bản dịch của Đoàn Thị Điểm. Tuy nhiên, cho đến nay, bản dịch này chắc chắn của Đoàn Thị Điểm không lại là vấn đề mà chưa ai dám khẳng định, nhưng phần đông các nhà nghiên cứu đều cho rằng bà là người dịch nguyên tác của Đặng Trần Côn ra chữ Nôm. Tác phẩm Chinh phụ ngâm (hay Khúc ngâm của người phụ nữ có chồng ra trận) được Đặng Trần Côn sáng tác trong khoảng năm 1710 - 1712 bằng chữ Hán. Cả bài ngâm khúc là lời tâm sự, giãi bày của người chinh phụ tiễn chồng ra trận. Trong mười hai câu thơ cuối bài, nỗi niềm ai oán, nhớ nhung của người chinh phụ càng đậm nét hơn cả.

      Người chinh phụ mang nỗi hờn tủi, cô quạnh sau khi tiễn chồng đi:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió,

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.”

Thủ pháp đối được tác giả sử dụng vô cùng tài tình và ý nhị. Chàng thì “đi”, còn thiếp thì “về”, nơi chàng đi là ‘cõi xa mưa gió”, nơi nàng về là “buồng cũ chiếu chăn”. Khoảnh cách giữa người chinh phụ và người chinh phu ngày càng bị kéo dài ra. “cõi xa mưa gió” là hình ảnh ẩn dụ, chỉ nơi chiến trường mà người chinh phu phải đến, hoặc cũng có thể, đây là hình ảnh chỉ sự hi sinh của người chinh phu trên trận mạc. Còn hình ảnh “buồng cũ chiếu chăn” ý chỉ nơi mà hai vợ chồng từng mặn nồng với nhau, giờ đây chỉ còn lại mình nàng. Người chinh phụ phải cô đơn lẻ bóng, lo lắng chồng mình ở chiến trường, không biết rồi mai, liệu chồng còn trở về bên mình.

        Người chinh phụ nhìn mãi, ngóng theo chồng nơi xa, nhưng càng trông theo lại càng không thấy bóng dáng chồng:

Đoái trông theo đã cách ngăn,

Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh.”

Nàng nhìn về phía chồng, không thấy đạn khói của chiến tranh, chỉ thấy “mây biếc” và “núi xanh”. Màu xanh bao trùm lấy hai câu thơ, không chỉ miêu tả khung cảnh trước mắt người chinh phụ, mà còn gợi cảm giác heo hút, lãnh lẽo, cô đơn trong cõi lòng của nàng. Biện pháp đảo ngữ “tuôn màu mây biếc” và “trải ngần núi xanh” khiến không gian thiên nhiên như trải dài vô tận,

        Xa mặt nhưng không cách lòng, người chinh phụ và người chinh phu luôn nhớ đến nhau:

Chốn Hàm Kinh chàng còn ngoảnh lại.

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.”

Hàm Dương và bến Tiêu Tương “cách mấy trùng”, nhưng hai người ở hai bên luôn gửi những nỗi nhớ mong, hi vọng cho nhau. Người chinh phu “ngoảnh lại”, nhìn về phía quê nhà, nơi vợ con đang ngóng chông chàng. Trước khi lên ngựa đi xa, chàng bịn rịn vợ con: “Nhủ rồi nhủ lại cầm tay,/ Bước đi một bước dây dây lại dừng”, chàng đi một bước, lại ngoảnh đầu nhìn người vợ một lúc. Và giờ đây, khi đã ra chiến trường, chàng cũng vẫn ngoảnh đầu nhớ thương vợ. Còn người chinh phụ ở nhà luôn “trông sang”, trông đến nơi chiến trường đổ máu. Biện pháp đối tài tình vẫn tiếp tục được sử dụng trong các câu thơ, như đang thể hiện sự đối lập giữa hoàn cảnh của hai người, nhưng lại có sợi dây vô hình gắn kết trái tim của người chinh phu và người chinh phụ.

           Niềm hi vọng chồng trở về của người chinh phụ ngày càng le lói, thay vào đó là nỗi nhớ đến đỉnh điểm, nỗi đau đớn dâng trào:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Ngàn dâu xanh ngắt một màu,

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

Màu xanh lại xuất hiện trong mắt người chinh phụ, nhưng đây không phải màu xanh tươi mát của bầu trời, mà là màu xanh ngắt trải dài của ruộng dâu. Biện pháp điệp ngữ ‘cùng…”, điệp từ “thấy”, “ngàn dâu” như đang diễn tả sự luẩn quẩn, sự sầu đau không thể diễn tả của người chinh phụ. Nàng nhìn ra xa, ngóng chồng mãi, nhưng chỉ thấy ruộng dâu xanh ngắt. Một cảm giác cô đơn, hiu quạnh ngập tràn trong lòng người đọc. Cũng dùng màu sắc để diễn tả cuộc chia tay, nhưng có lẽ, sắc đỏ trong bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn My phần nào mang cảm giác hi vọng hơn: “Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ/ Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa.” Kết thúc đoạn thơ là một câu hỏi tu từ mà mãi sẽ không bao giờ có câu trả lời: “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”. Thiếp và chàng đều mang trong mình những nỗi đau khắc khoải, không biết chàng hay thiếp, ai mang nỗi sầu đau hơn? Câu hỏi cất lên như giãi bày hết mọi sầu đau, như tiếng thét đau đớn tột cùng cất lên.

        Như vậy, với cách sử dụng biện pháp đảo ngữ, phép đối, câu hỏi tu từ hết sức khéo léo, ngôn ngữ bình dân kết hợp với ngôn ngữ bác học, Đặng Trần Côn đã diễn tả sâu sắc hơn nỗi niềm xót thương, lo lắng, nhớ nhung chồng và ai oán cho thân phận mình của người chinh phụ. Qua đó, ta càng hiểu hơn về những mất mát mà chiến tranh đã gây ra với nhân dân ta.

Cách 2:

Trong nền thơ văn Việt Nam đã in dấu hơn một nghìn năm lịch sử của dân tộc, nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng đóng góp một phần vẻ vang trong đó. Những bài thơ của ông mang những tình cảm chân thực đẹp đẽ của người Việt Nam, được diễn đạt bằng ngôn ngữ Việt Nam gần gũi và giản dị. Trong số các bài thơ ấy tiêu biểu là bài “Khóc Dương Khuê”.

Nguyễn Khuyến và Dương Khuê cùng đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều Nguyễn, tuy nhiên sau năm 1884, đất nước rơi vào tay thực dân Pháp, Nguyễn Khuyến cáo quan về làng nhưng Dương Khuê thì không có cái chí hướng đó, ông tiếp tục làm quan cho triều đình bấy giờ là tay sai cho thực dân, cho tới lúc ông qua đời ở tuổi 64. Cái chết đột ngột của Dương Khuê là một đau của Nguyễn Khuyến. Chẳng màng đến những chuyện khác, lúc đó Nguyễn Khuyến chỉ nghĩ rằng mình đã mất đi một người bạn thân, một tình cảm quý già không có gì có thể thay thế được. Tự ông hiểu được tình bạn ấy đến chính ông cũng không đo lường hết được chiều sâu, và rồi ông kêu lên những tiếng thảng thốt:

“Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.”

Chẳng còn sự trau chuốt văn chương chữ nghĩa, câu thơ chỉ còn là nỗi đau, một nỗi đau chân thành và trọn vẹn. Tiếng “thôi” nghe dân giã mà tự nhiên làm sao, bộc phát từ chính sự đau đớn trong cõi lòng tác giả, trong hoàn cảnh xã hội mà người ta luôn đề cao sự “cao nhã” trong văn chương thì ta thấy Nguyễn Khuyến đã coi trọng sự chân thực đời thường đến mức nào. Tuy là nói đến cái chết nhưng ông lại không dám nói hẳn từ “chết”, thay vào đó là “thôi đã…thôi rồi”, vậy là coi như hết, hết thật rồi, ông đã mất đi người bạn thân mãi mãi. Kẻ quyền quý có đánh rơi viên ngọc quý độc nhất vô nhị cũng chỉ kêu đến vậy mà thôi, nếu như không đau nỗi đau thật làm sao có thể khóc tiếng khóc thật đến thế. Chỉ có điều nỗi đau ấy của Nguyễn Khuyến không thể thét lên, ông khóc với chính mình, tự mình khóc mình nghe, tiếng khóc đi vào lòng chứ chẳng thấu đến ai. Lúc này ông muốn ngồi một mình, ngồi với người bạn đã mất để cùng nhớ lại những kỉ niệm đã có từ những ngày đã rất xa xôi:

“Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước…
Trong khi gặp gỡ biết đâu duyên trời.”

Tình bạn ấy được gắn bó từ khi hai người cùng đi thi Hương và đỗ cùng nhau, hai người vốn khác quê, xa lạ, chẳng quen biết gì nhưng cứ như duyên trời định sẵn, họ cứ thế gắn bó cùng nhau. Đọc câu từ của Nguyễn Khuyến ta cảm thấy thật bình dị mà gần gũi, thân mật “sớm hôm”, “tôi bác”, “cùng nhau”, chan chứa tình cảm gắn bó, sự “kính yêu từ trước đến sau”.

“Cũng có lúc chơi nơi dặm khách…
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.”

Đôi bạn tâm đầu ý hợp đã từng trải qua những ngày tháng vui vẻ, thú vị, có tâm hồn biết thưởng thức và chia sẻ những niềm vui của kẻ cao nhân mặc khách. Tâm hồn nhà thơ như đang rung động trước những kỉ niệm, đang sống lại vói những cảm giác “từng gác cheo leo”, lắng nghe tiếng đàn tiếng hát “ả đào”. Là những người bạn đến với nhau như duyên số, thân vì lòng mến mộ nhau, nên tình bạn của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê như là chỗ tri âm tri kỉ, “Cũng có lúc rượu ngon cùng nhấp…Biết bao đông bích, điển phần trước sau.” Chỉ nhấp chén rượu để thưởng thức vị đậm và mùi thơm, vừa ngẫm nghĩ để cho bầu thơ thêm lai láng. Cùng phụng sự dưới một triều đại, đôi bạn thân đã cùng chi sẻ nỗi đau mất nước, ông cũng cảm thấy mình bất lực, cam chịu nặng nề. Không chỉ thương cho người bạn đã ra đi mà đây còn là sự thương mình, thương mình đã mất đi một người tri kỉ. Nguyễn Khuyến đã mang trong mình cả nỗi đau mất tri kỉ, cả nỗi đau thời thế:

“Ai chẳng biết chán đời là phải
Vội vàng chi đã mải lên tiên.”

Sự ra đi mãi mãi của người bạn tri kỉ là sự mất mát quá lớn đố với ông, sự thiếu vắng lẻ loi trong cuộc đời.

Bài thơ Khóc Dương Khuê mang một nỗi niềm tiếc nuối sâu sắc về một tình bạn tri kỉ, góp phần khẳng định về tình cảm giữa những con người với nhau. Bài thơ đã để lại cái nhìn cao đẹp về tình bạn cũng như nhân cách cao đẹp của Nguyễn Khuyến.

Đánh giá

0

0 đánh giá