Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (thơ song thất lục bát) | Kết nối tri thức Ngữ văn lớp 9

8.3 K

Tài liệu soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (thơ song thất lục bát) Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 9. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (thơ song thất lục bát)

* Yêu cầu:

- Giới thiệu khái quát về tác phẩm thơ song thất lục bát (tên tác phẩm, tên tác giả), nêu được nhận định chung của người viết về tác phẩm.

- Làm rõ được nội dung chủ đề tác phẩm.

- Phân tích được những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm, tập trung vào những yếu tố đặc trưng của thể thơ song thất lục bát và tác dụng của thể thơ này trong việc thể hiện nội dung của tác phẩm.

- Triển khai được hệ thống luận điểm chặt chẽ; sử dụng lí lẽ, bằng chứng xác đáng từ tác phẩm để làm sáng tỏ ý kiến nêu trong bài viết.

- Khẳng định được ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

* Phân tích bài viết tham khảo

Văn bản “Hồn tôi vang tiếng trống trường”

1. Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm, nêu nhận định chung về tác phẩm.

- Tác giả Hồ Dzếnh (1916 - 1991), là tác giả đã khẳng định được tên tuổi từ phong trào thơ mới.

- Bài thơ Trưa vắng in trong tập thơ Quê ngoại (1942) là một sanngs tác tiêu biểu cho giọng thơ, hồn thơ của thi sĩ.

2. Phân tích để làm rõ nội dung chủ đề của bài thơ.

- Phân tích các từ ngữ “hồn tôi”, hình ảnh ngôi trường. => Làm rõ nội dung: lời chia sẻ về thế giới ăm ắp kỉ niệm, những cảm xúc thân thương của tác giả.

- Phân tích từ ngữ miêu tả “những giờ vui trước” và cảm xúc của hai anh em trong buổi trưa hè. => Làm rõ nội dung: Kỉ niệm không thể nào quên.

- Phân tích hình ảnh cỏ cây, trời đất, bạn trường thay đổi => Làm rõ nội dung: Nỗi xót xa về thời gian chảy trôi nhanh.

- Phân tích hình ảnh chim cành động nắng, lá, buổi trưa. => Làm rõ nội dung: Những kỉ niệm xưa không bao giờ phải trong tâm trí tác giả.

3. Chỉ ra những đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của thể thơ song thất lục bát trong việc thể hiện nội dung chủ đề.

- Trong bốn câu thơ đầu:

+ Hình ảnh ngôi trường được cảm nhận qua cả thị giác, khứu giác và thính giác.

+ Những câu thơ song thất lục bát giàu vần điệu (mỗi khổ thơ goomg một cặp câu 7 chữ và một cặp lục bát có tới 7 tiếng được gieo vần, điều không một thể thơ nào khác có được) dẫn dắt người đọc vào thế giới tâm hồn thi sĩ.

- Trong bốn câu thơ từ “Sâu rộng quá… bắt đuôi chuồn chuồn”:

+ Biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, dùng cảm nhận không gian để miêu tả thời gian giúp thi nhân thể hiện những xúc cảm.

+ Phép đối trong câu thơ thứ tư.

- Bốn câu thơ từ “Đời đẹp quá… làm thơ suốt đời”:

+ Tác dụng của cách ngắt nhịp 2/2/2/2 hoặc 2/6 trong câu thơ thứ tư.

+ Câu hỏi tu từ.

- Trong bốn câu thơ từ “Có mấy bận…tóc nay dần hết xanh”:

+ Tác dụng của dấu chấm lửng ở câu thư thứ hai.

- Trong bốn câu thơ cuối:

+ Tác dụng của dấu chấm lửng cuối bài.

- Tóm tắt nghệ thuật của cả bài:

+ Ngôn ngữ tự nhiên, mộc mạc, giàu biểu cảm thể hiện những rung cảm nhẹ nhàng mà sâu lắng.

+ Thể thơ song thất lục bát xen kẽ từng cặp câu thơ bảy chữ và câu thơ lục bát đầy biến tấu, giàu vần điệu, ngắt nhịp đa dạng, có khả năng chuyển tải những xúc c ảm muôn màu, phù hợp để nhà thơ bộc bạch lòng mình.

4. Phân tích các phần kế tiếp nhau theo bố cục của bài thơ.

- Phân tích theo bố cục 5 phần:

+ Bốn câu thơ đầu.

+ Từ Sâu rộng quá… bắt đuôi chuồn chuồn”.

+ Từ “Đời đẹp quá… làm thơ suốt đời”.

+ Từ Có mấy bận…tóc nay dần hết xanh”.

+ Bốn câu thơ cuối.

5. Liên hệ, mở rộng.

- Liên hệ với bài thơ Nhớ đồng của Tố Hữu.

6. Khẳng định giá trị, ý nghĩa của bài thơ.

- Tóm tắt lại nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

* Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

Nhớ lại các tác phẩm thơ song thất lục bát mà em đã học hoặc đã đọc, chẳng hạn: Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân), Khóc Dương Khuê (Nguyễn Khuyến), Hai chữ nước nhà (Trần Tuấn Khải), Đêm khuya tự tình với sông Hương (Hàn Mặc Tử), Tiếng đàn mưa (Bích Khê),… Chọn trong số đó một tác phẩm em thấy thú vị, có nhiều xúc cảm để phân tích.

b. Tìm ý

Ví dụ: Viết bài văn nghị luận một tác phẩm thơ song thất lục bát.

Để tìm ý cho bài văn phân tích một tác phẩm thơ song thất lục bát, em cần thực hiện các bước sau:

- Tìm hiểu thông tin về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm (nếu có) và những thông tin khác có liên quan để viết phần Mở bài và liên hệ, mở rộng khi phân tích.

- Xác định bố cục của tác phẩm và nội dung chính của từng phần.

- Xác định những nỗi niềm tâm tư, xúc cảm chủ đạo trong tác phẩm.

- Tìm hiểu các yếu tố nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng để truyền tải nội dung chủ đề như đặc điểm của thể thơ song thất lục bát (vần, nhịp,…), từ ngữ (đặc biệt là các từ ngữ chỉ xúc cảm, trong đó có cả từ tượng thanh, từ tượng hình,…), biện pháp tu từ (điệp thanh, điệp vần, so sánh, ẩn dụ),…

Nghị luận về một tác phẩm thơ song thất lục bát, bài viết nên kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật để làm rõ sự hô ứng, hòa quyện của hai phương tiện này trong cùng một (hoặc một nhóm) câu thơ. Việc triển khai bài sẽ thuận lợi hơn khi lần lượt phân tích theo trình tự các phần của tác phẩm thơ.

c. Lập dàn ý

Tổ chức, sắp xếp các ý đã tìm được ở trên thành một dàn ý chặt chẽ, hợp lí, gồm các phần:

- Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác phẩm thơ song thất lục bát (nhan đề, tên tác giả) và nêu ý kiến chung về tác phẩm.

- Thân bài: Lần lượt phân tích các phần theo bố cục tác phẩm thơ:

+ Phần 1 (từ câu…đến câu…): phân tích những tâm tư, nỗi niềm, khát vọng,…và một số nét đặc sắc về nghệ thuật.

+ Phần 2 (từ câu…đến câu…): phân tích những tâm tư, nỗi niềm, khát vọng,…và một số nét đặc sắc về nghệ thuật.

+…

Ngoài cách phân tích tác phẩm theo bố cục, có thể phân tích theo lần lượt đi từ nội dung đến hình thức nghệ thuật hoặc ngược lại.

- Kết bài:

Khẳng định ý nghĩa, giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thơ.

2. Viết bài

Việc thực hiện bài viết đòi hỏi triển khai đầy đủ các ý đã có trong dàn ý. Mỗi ý trong phần Thân bài nên được viết thành một đoạn văn. Khi viết, lựa chọn những từ ngữ chính xác, phù hợp, thể hiện được quan điểm và tình cảm của người viết, tránh sử dụng những từ ngữ sáo rỗng, cầu kì. Nên sử dụng hiệu quả các thông tin ngoài tác phẩm (nếu có), giúp cho việc phân tích các giá trị của tác phẩm được rõ ràng, nổi bật hơn.

Lưu ý: Với trường hợp tác phẩm thơ dài, có thể trích dẫn ở mỗi phần những câu thơ, đoạn thơ quan trong và phân tích sâu. Tùy điều kiện, thời gian làm bài để có cách xử lí thích hợp.

Bài viết tham khảo

Cách 1: 

      Đã từ lâu, tình bạn đã được đề cập đến trong các tác phẩm văn học. Nguyễn Khuyến là nhà văn sở hữu số lượng lớn các bài thơ mang chủ đề rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày như thế. Nếu như trong Bạn đến chơi nhà, ông dùng giọng văn hóm hỉnh, khôi hài để nói về tình bạn không màng vật chất, thì sang bài thơ Khóc Dương Khuê, giọng thơ đã thay đổi hẳn. Cả bài thơ như tiếng khóc nấc lên trong sự buồn bã của Nguyến Khuyến khi đến đám tang của người bạn Dương Khuê. Đặc biệt trong 16 câu thơ cuối:

Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,

Tôi lại đau trước bác mấy ngày.

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

Nỗi xót thương cho người bạn quá cố càng được thể hiện đậm nét.

     Nguyễn Khuyến xuất thân là nhà nho, có tài văn chương, đỗ đầu cả ba kỳ thi nên còn được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Ông thường viết về gia đình, bạn bè, quê hương và châm biếm bọn thực dân. Bài thơ Khóc Dương Khuê ban đầu được viết bằng chữ Hán, sau được Nguyễn Khuyến dịch lại bằng chữ Nôm. Dương Khuê là bạn của Nguyễn Khuyến, mặc dù kém tuổi nhưng Dương Khuê cũng đỗ chức tước cao, trở thành tri âm của Nguyễn Khuyến. Mười sáu câu thơ cuối là nỗi đau đáu, thương xót của Nguyễn Khuyến trước sự ra đi đột ngột của bạn.

     Hai câu thơ mở đầu được nhà thơ viết bằng giọng văn khôi hài, nhưng chua xót, bộc lộ sự đau lòng của ông:

Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,

Tôi lại đau trước bác mấy ngày.”

Quả thật, Nguyễn Khuyến hơn Dương Khuê bốn tuổi, nhưng Nguyễn Khuyến vẫn gọi Dương Khuê bằng giọng thân mật “tôi - bác”. Câu thơ “đau trước bác mấy ngày” sử dụng biện pháp ẩn dụ, ý chỉ sự ra đi của Dương Khuê quá đột ngột, khiến tác giả không thôi giật mình và đau đớn.

     Trong bốn câu thơ tiếp theo, nhà thơ tiếp tục mạch cảm xúc trầm lắng, đau thắt lòng:

Làm sao bác vội về ngay,

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.

Ai chẳng biết chán đời là phải,

Sao vội vàng mà mải lên tiên.”

Tác giả sử dụng biện pháp nói giảm, nói tránh và biện pháp nói quá rất khéo léo,, ý nhị. Để chỉ sự ra đi của người bạn thân, ông dùng những từ “vội về ngay”, “chán đời”, “vội vàng”, “lên tiên”, với mục đích để giảm đi sự đau thương, nhưng sao câu thơ vẫn đau bội phần như vậy. Nói tránh đi sự ra đi của bạn, Nguyễn Khuyến phóng đại nỗi đau của mình “chân tay rụng rời”. Chắc hẳn, vì quá bất ngờ, ông đã không kìm được cảm xúc mà suy sụp, đau như “chân tay rụng rời”.

     Trước kia, tất cả những thú vui trên cõi đời đều có ông và Dương Khuê hưởng thụ. Nhưng nay, những niềm vui đó bỗng trở nên chán chường, vô nghĩa bởi đã mất bạn rồi:

Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua.

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai, ai biết mà đưa;

Giường kia treo cũng hững hờ,

Đàn kia gãy củng ngẩn ngơ tiếng đàn.”

Rượu luôn là thức uống yêu thích của thi nhân, thế nên mới có thi tửu. Nhưng rượu chỉ ngon khi được uống cùng bạn hiền. Biện pháp điệp từ “không” ba lần liên tiếp trong một câu thơ như nhân lên ba lần sự vô vị, không ham muốn thi tửu của Nguyễn Khuyến khi không có bạn. Hôm nay không mua rượu, không phải do không có tiền, mà là do không còn tri âm.

    Bài thơ vẫn còn dang dở, chưa viết xong, bởi với ông, mất bạn rồi thì còn ai để đọc. Một lần nữa, biện pháp điệp ngữ lại xuất hiện, điệp từ “ai” và”đưa” hai lần, kết hợp với biện pháp chơi chữ “viết đưa ai” - “ai biết mà đưa”. Đây như một vòng luẩn quẩn, viết xong cũng không biết đưa cho ai, mà cũng không có ai để đưa. Mất đi Dương Khuê, Nguyễn Khuyến gần như mất đi cả một người đọc tri kỉ của mình.

   Các sự vật tạo niềm vui khác như giường, đàn cũng mất đi sự sống, trở nên “hững hờ” và “ngẩn ngơ”. Đây là hai từ láy rất đặc sắc trong đoạn thơ, đồng thời là hai từ ngữ nhân hóa, khiến các sự vật tưởng như vô cảm ấy cũng đang hòa dần với nỗi đau mất mát bạn của nhà thơ. Sau cùng, thú vui để thưởng ngoạn với bạn, mất bạn rồi, thú vui cùng dần trở thành nỗi buồn sâu lắng.

    Đau đớn là vậy, xót thương là vậy, nhưng Nguyễn Khuyến cũng đành chấp nhận sự thật rằng bạn đã đi xa:

Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,

Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương.

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

Nguyễn Khuyến trách móc, hờn dỗi bạn khi “Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở”. Đây là một điều vô lý nhưng hết sức hợp lý. Vô lý bởi Dương Khuê mất do tuổi già, nên cho dù nhà thơ có trách móc, van nài thì Dương Khuê cũng đâu thể nghe thấy được. Nhưng hợp lý là bởi, Nguyễn Khuyến quá nhớ thương Dương Khuê, mong muốn bạn ở lại với mình, nên mới buông lời mà trách nhẹ nhàng thế.

    Mãi đến tận cuối bài thơ, ta mới thấy xuất hiện giọt nước mắt của nhà thơ. Nhưng sao giọt nước mắt ấy lại “như sương”, mà còn phải ‘ép” mới ra? Đọc đến đây, ta chợt nhớ lại giọt nước mắt cũng phải “ép” mới ra của Lão Hạc trong tác phẩm của Nam Cao. Một phần cũng là do tuổi cao nên khó chảy nước mắt. Nhưng phần nhiều, do lão quá đau khổ vì mất cậu Vàng, nên không thể khóc thành dòng được nữa. Cũng như vậy, Nguyễn Khuyến cũng nói một phần do “tuổi già”, nhưng thật ra, sâu trong thâm tâm, ông đau lòng đến độ thật khó để có “hai hàng chứa chan”. Nước mắt chảy ngược vào trong, như thể ông đang “nuốt” cái thương bạn vào trong bụng.

     Bằng những câu thơ sử dụng ngôn ngữ bình dân mộc mạc, gần gũi, từng câu thơ chất chứa cảm xúc mãnh liệt, sử dụng tài tình biện pháp nhân hóa, phép điệp ngữ, biện pháp so sánh, Nguyễn Khuyến đã bộc lộ lòng thương bạn, đau đớn muôn phần khi mất bạn, nhưng đồng thời cũng thể hiện thái độ chấp nhận sự thật. Đọc bài thơ, ta càng thêm trân trọng hơn những tình bạn đẹp đẽ, trong sáng giữa đời thường.

Cách 2: 

Trong rất nhiều những sáng tác văn chương được lưu hành công khai trên văn đàn hợp pháp ba mươi năm đầu thế kỉ XX, bài thơ Hai chữ nước nhà nhận được sự đón chào nồng nhiệt của công chúng độc giả. Bởi lẽ sáng tác đó đã nói hộ tấm lòng và trái tim yêu nước của người dân Việt Nam lúc bấy giờ.

Là người có trái tim yêu nước sôi nổi, thiết tha, Trần Tuấn Khải xót xa tận đáy lòng trước hiện tình đau thương của đất nước. Để giãi bày tâm sự của mình, ông hoá thân vào các nhân vật lịch sử. Tâm trạng phẫn uất, đau thương của các nhân vật lịch sử trước cảnh nước mất nhà tan cũng chính là tâm trạng của ông. Tình cảm ấy đã trở thành nguồn cảm hứng chân thành và xúc động cho mạch thơ yêu nước của Trần Tuấn Khải tuôn chảy vào lòng người.

Bài thơ Hai chữ nước nhà nằm trong tập Bút quan hoài, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1924. Lấy đề tài lịch sử thời quân Minh xâm lược, Trần Tuấn Khải đã chọn một khoảnh khắc lịch sử đặc biệt để câu chuyện thêm phần xúc động. Đó là giờ phút chia li vĩnh biệt của hai nạn nhân vong quốc: cha con ông Nguyễn Phi Khanh. Cảnh tình ấy khiến lời dặn dò của người cha hoá thành lời trăng trối thấm đầy máu và nước mắt.

Tâm trạng phẫn uất đau thương cùng với lời trăng trối thấm máu và lệ được nhà thơ diễn tả bằng một lời thơ lâm li, thống thiết của thể song thất lục bát nên có sức rung động và truyền cảm mạnh mẽ.Cuộc chia li của hai cha con diễn ra ở chốn ải Bắc, nơi tận cùng của đất nước.

Người cha li biệt gia đình, quê hương xứ sở để lê tấm thân tàn tới chốn lưu đày biệt xứ. Người con quay trở lại quê hương đất nước mình nhưng tình cảnh cũng chua xót không kém cha: cũng chỉ là một nạn nhân vong quốc! Trong tâm trạng u uất của hai cha con, cảnh vật nhuốm một màu thê lương, tang tóc:

Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm,

Cõi giời Nam gió thổi đìu hiu,

Bốn bề hổ thét chim kêu

Và cảnh vật thê lương tang tóc càng làm tăng thêm nỗi sầu muộn, buồn đau trong lòng người:Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình.Bốn câu song thất lục bát với những từ ngữ, hình ảnh cũ mòn, ước lệ mà lại có sức gợi cảm, tạo được không khí đau thương của cả thời xưa và nay!

Trong không khí tang tóc đau thương của đất nước, tình cảnh của hai cha con càng éo le, chua xót: người con những muốn đi theo cha để làm tròn đạo hiếu, người cha phải dằn lòng khuyên con quay trở lại để lo tính việc trả thù nhà, đền nự nước. Tình cha con tuy thật da diết, nhưng nghĩa nước còn sâu đậm hơn nhiều! Tình nhà nghĩa nước giằng xé, khiến cả hai cha con đều tột cùng đau đớn, xót xa:

Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước,

Chút thân tàn lần bước dặm khơi,

Trông con tầm tã châu rơi

Con ơi, con nhớ lấy lời cha khuyên

Trong bối cảnh không gian và tâm trạng như thế, lời trăng trối của người cha thật thiêng liêng, xúc động và có sức truyền cảm mạnh mẽ, khiến người con phải khắc cốt ghi xương. Để lời trăng trối của mình tăng thêm sức mạnh, người cha chỉ ra cho người con tội ác tày trời của quân giặc và hiện tình bi thảm của đất nước:

Than vận nước gặp khi biến đổi,

Để quân Minh thừa hội xâm lăng,

Bốn phương khối lửa bừng bừng

Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông!

Nơi đô thị thành tung quách vỡ,

Chốn nhân gian bỏ vợ lìa con,

Làm cho xiêu tán hao mòn,

Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!

Lời thơ tràn đầy sự phẫn uất và xót đau da diết, làm xúc động tận tâm can người đọc. Người đọc những năm 20 của thế kỉ XX cũng là những nạn nhân vong quốc, dễ dàng cảm nhận nỗi đau của cha con ông Nguyễn Phi Khanh như chính nỗi đau của mình. Sau khi miêu tả hiện tình đất nước và tội ác của quân giặc, người cha trực tiếp bày tỏ nỗi lòng của mình:

Thảm vong quốc kể sao xiết kể,

Trông cơ đồ nhường xé tâm can,

Ngậm ngùi đất khóc giời than,

Thương tâm nòi giống lầm than nỗi nàyỊ

Khối Nùng Lĩnh như xây khối uất,

Sông Hồng Giang nhường uất cơn sầu,

Con ơi! Càng nói càng đau

Lấy ai té độ đàn sau đó mà?

Tám câu song thất lục bát cũng là tám câu cảm thán với những từ ngữ, hình ảnh đầy cảm xúc: kể sao kể xiết, xé tâm can, ngậm ngùi, khóc, than, thương tâm… đã có tác dụng diễn tả sâu sắc, mạnh mẽ nỗi đau đớn, xót xa trong tâm trạng người cha.Dường như người cha đã quên đi nỗi đau và số phận của bản thân mình, ông chỉ nghĩ đến nỗi đau thương và số phận của cả đất nước, dân tộc.

Một tấm lòng như thế, thật xiết bao cảm phục! Từ trong đau thương, nhân vật trữ tình vụt lớn lên. Và lòng nhiệt tình yêu nước của ông còn làm rung động cả ngàn đời sau.Nhiệt tình ấy được kí thác vào lời trao gửi cho con, cho cả thế hệ sau: Con ơi! Con nhớ lấy lời cha khuyên.

Câu chuyện của người cha xưa hay chính nỗi lòng của nhà thơ luôn trăn trở về đất nước? Sự trăn trở ấy đã làm nên một giọng thơ tâm huyết đầy bi phẫn có tác dụng rung vào dây đàn yêu nước thương nòi của mọi lòng người” (Xuân Diệu).

3. Chỉnh sửa bài viết

Đọc lại bài viết, căn cứ vào yêu cầu đối với bài văn phân tích một tác phẩm thơ song thất lục bát và dàn ý đã lập, rà soát các phần chỉnh sửa. Việc chỉnh sửa có thể thực hiện theo gợi ý sau:

Yêu cầu

Gợi ý chỉnh sửa

Kiểm tra việc triển khai dàn ý

- Rà soát xem đã triển khai đầy đủ các ý chưa, nếu thiếu thì phải bổ sung.

- Rà soát xem bài viết đã phân tích các giá trị nội dung và nghệ thuật (đặc biệt là đã khai thác những đặc điểm của thể thơ song thất lục bát) của tác phẩm chưa. Nếu thiếu thì phải bổ sung.

- Đối chiếu quy mô và dung lượng thông tin giữa các ý. Nếu chưa cân đối thì cần điều chỉnh.

Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt.

Chỉnh sửa các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, tạo lập đoạn văn và văn bản (nếu có).

Xem thêm các bài soạn văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Một thể thơ độc đáo của người Việt (Dương Lâm An)

Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (thơ song thất lục bát)

Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học)

Củng cố, mở rộng trang 61

Nỗi sầu oán của người cung nữ (trích Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều)

Kim – Kiều gặp gỡ (trích Truyện Kiểu, Nguyễn Du)

Đánh giá

3.7

3 đánh giá

2
1
hỏi lm j

hỏi lm j

2024-06-28 15:38:41
như sh*t