Giải SGK Kinh tế Pháp luật 12 Bài 14 (Chân trời sáng tạo): Khái quát chung về pháp luật quốc tế

279

Lời giải bài tập Giáo dục kinh tế Pháp luật lớp 12 Bài 14: Khái quát chung về pháp luật quốc tế sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập môn KTPL 12. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập KTPL 12 Bài 14: Khái quát chung về pháp luật quốc tế

Mở đầu trang 103 KTPL 12: Hãy nêu một số hiểu biết của em về pháp luật quốc tế

Lời giải:

- Pháp luật quốc tế là hệ thống những nguyên tắc và quy phạm pháp luật được các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế thoả thuận tạo dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa các quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế.

1. Khái niệm, vai trò của pháp luật quốc tế

Câu hỏi trang 103 KTPL 12: Dựa vào thông tin trong bài, em hãy: Cho biết pháp luật quốc tế là gì. Nêu vai trò của pháp luật quốc tế.

Lời giải:

- Pháp luật quốc tế là hệ thống những nguyên tắc và quy phạm pháp luật được các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế thoả thuận tạo dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa các quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế.

- Pháp luật quốc tế có các vai trò sau:

+ Cơ sở để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế;

+ Cơ sở để xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia trong các lĩnh vực của đời sống;

+ Cơ sở để bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới.

Câu hỏi trang 103 KTPL 12: Dựa vào thông tin trong bài, em hãy: Xác định vai trò của pháp luật quốc tế trong trường hợp.

Lời giải:

Trong trường hợp trên, pháp luật quốc tế có vai trò:

+ Là cơ sở để xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

+ Là cơ sở để duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực.

2. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế

Câu hỏi trang 104 KTPL 12: Dựa vào thông tin trong bài, em hãy: Cho biết vấn đề trong các trường hợp được giải quyết theo nguyên tắc nào của pháp luật quốc tế và giải thích.

Lời giải:

Trường hợp 1:

- Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế.

- Trong trường hợp này, Việt Nam tham gia vào một Điều ước quốc tế nội dung có những cam kết mang tính chất nghĩa vụ. Khi tham gia, Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các cam kết này thể hiện nội dung của nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế.

Trường hợp 2:

- Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia và Nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế.

- Trong trường hợp này, Việt Nam và Thái Lan đã đàm phán trên cơ sở hoà bình và tôn trọng chủ quyền của nhau để giải quyết vấn đề tranh chấp tại vùng biển chồng lấn.

3. Mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và luật quốc gia

Câu hỏi trang 106 KTPL 12: Dựa vào thông tin trong bài, em hãy: Nêu mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế và lấy ví dụ minh hoạ.

Lời giải:

- Mối quan hệ:

+ Pháp luật quốc gia có ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự hình thành và phát triển của pháp luật quốc tế.

+ Pháp luật quốc tế có tác động tích cực nhằm phát triển và hoàn thiện pháp luật quốc gia.

- Ví dụ: Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là cơ sở để xây dựng Hiến chương Liên hợp quốc và các văn bản pháp luật quốc tế về quyền con người khác. Việt Nam nội luật hoá các văn bản pháp luật quốc tế như: Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em thành Luật Trẻ em, ...

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 107 KTPL 12: Cho biết quan điểm của em đối với các nhận định sau về pháp luật quốc tế.

a. Pháp luật quốc tế do các quốc gia thoả thuận xây dựng nên.

b. Pháp luật quốc tế điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia và các chủ thể khác trong tất cả các lĩnh vực của đời sống quốc tế.

c. Pháp luật quốc tế hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện giữa các quốc gia. d. Pháp luật quốc tế không điều chỉnh các mối quan hệ giữa các cá nhân, tổ chức của các quốc gia khác nhau.

Lời giải:

- Nhận định a sai vì chủ thể của pháp luật quốc tế còn có các tổ chức quốc tế.

- Nhận định b đúng vì pháp luật quốc tế là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ của các chủ thể của pháp luật quốc tế trong mối quan hệ quốc tế.

- Nhận định c đúng vì pháp luật quốc tế hình thành dựa trên cơ sở thoả thuận, bình đẳng giữa các quốc gia.

- Nhận định d đúng vì chủ thể của pháp luật quốc tế là các quốc gia và tổ chức quốc tế trong quan hệ quốc tế.

Luyện tập 2 trang 108 KTPL 12: Em hãy cho biết pháp luật quốc tế có vai trò gì trong việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia trong trường hợp sau:

Somalia và Kenya là hai quốc gia có bờ biển tiếp liền ở khu vực Đông Phi, bên bờ Ấn Độ Dương, tranh chấp một vùng biển rộng hơn 100 000 km2. Ngày 22 -8-2014, cho rằng các hành động đơn phương của Kenya (khảo sát và khoan) trong vùng biển tranh chấp đã xâm phạm đến chủ quyền của mình, Somalia đưa vụ việc với Kenya ra Toà án Công lí Quốc tế (ICJ). Ngày 12 - 10 - 2021, ICJ công bố Phán quyết cuối cùng về phân định biển Somalia và Kenya, trong đó kết luận Kenya không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế thông qua các hoạt động trên biển tại khu vực tranh chấp.

Lời giải:

- Vai trò của pháp luật quốc tế trong trường hợp trên:

+ Pháp luật quốc tế là cơ sở pháp lí để giải quyết tranh chấp về lãnh thổ giữa Somalia và Kenya;

+ Pháp luật quốc tế ràng buộc nghĩa vụ pháp lí của các bên trong giải quyết tranh chấp giữa Somalia và Kenya;

+ Pháp luật quốc tế bảo đảm việc giải quyết tranh chấp diễn ra trong hoà hình và bằng phương pháp thoả thuận hoặc cơ chế tài phán quốc tế.

Luyện tập 3 trang 108 KTPL 12: Em hãy đọc các trường hợp, thông tin sau sau và trả lời câu hỏi.

a. Cuộc xung đột vũ trang tại quốc gia H không có dấu hiệu giảm bớt. Trước tình hình đó, Hội động Bảo an Liên hợp quốc căn cứ Hiến chương Liên hợp quốc và pháp luật quốc tế, đã họp và soạn thảo Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an cho phép áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả các biện pháp quân sự để duy trì hoà bình tại quốc gia H. Trong thời gian chờ đợi Nghị quyết được thông qua, quốc gia K, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, đã đưa một số tàu quân sự của mình tiến vào lãnh thổ của quốc gia H.

- Việc làm của quốc gia K vi phạm nguyên tắc nào của pháp luật quốc tế?

- Để không vi phạm nguyên tắc của pháp luật quốc tế trong trường hợp này quốc gia K cần phải làm gì?

b. Có quan điểm cho rằng các nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền; không can thiệp vào công việc nội bộ; quyền dân tộc tự quyết trong Hiến chương Liên hợp quốc xuất phát từ nội dung của "Sắc lệnh về hoà bình" của Nhà nước Xô Viết, trong đó kêu gọi chính phủ các bên tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất phải đình chiến và tiến hành những cuộc thương lượng. Quy định về quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao trong công ước Viên năm 1961 có nguồn gốc từ quyền bất khả xâm phạm đối với sứ giả trong luật La Mã, Hy Lạp cổ đại.

Em có nhận xét gì về mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế trong trường hợp trên?

Lời giải:

- Nước K vi phạm nhiều nguyên tắc:

+ Vi phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác vì đưa phương tiện quân sự vào lãnh thổ nước khác;

+ Vi phạm nguyên tắc nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực vì nước K uy hiếp nước H bằng cách đe doạ sử dụng vũ khí;

+ Vi phạm nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế vì nước K có hành vi đưa phương tiện quân sự vào lãnh thổ nước H nhằm mục đích uy hiếp nước này;

+ Vi phạm nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế vì nước K vi phạm quy định của pháp luật quốc tế khi đưa khí tài vào lãnh thổ nước H.

- Để không vi phạm, nước K cần kiềm chế, không thực hiện hành vi đưa vũ khí vào lãnh thổ nước H khi chưa có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoài ra, nước K cần tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế để bảo đảm xung đột được giải quyết trong hoà bình và đối thoại.

Trường hợp b. Pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia có mối quan hệ qua lại. Nhiều văn bản pháp luật quốc tế có nguồn gốc từ văn bản pháp luật quốc gia, pháp luật quốc gia là một nguồn tham khảo khi xây dựng các văn bản pháp luật quốc tế.

Vận dụng

Vận dụng trang 108 KTPL 12: Tìm hiểu về một điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và chia sẻ lợi ích từ việc tham gia điều ước quốc tế đó.

Lời giải:

- Việt Nam là một trong các nước đầu tiên ký thông qua văn kiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như phê chuẩn để UNCLOS có hiệu lực vào tháng 11/1994. 

- Ý nghĩa của việc: Việt Nam tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982: Việt Nam là một quốc gia ven biển và có nhiều hoạt động trên biển, từ các hoạt động truyền thống như khai thác dầu khí, đánh bắt cá, hàng hải cho đến những hoạt động mới như phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Chiến lược biển Việt Nam 2018 đã xác định kinh tế biển, sử dụng bền vững biển là một trọng tâm lớn trong chiến lược phát triển của đất nước. Chính vì vậy, với ý nghĩa như nêu trên, UNCLOS có ý nghĩa rất lớn đối với môi trường hoà bình, ổn định cũng như phát triển lâu dài của Việt Nam. 

+ Thứ nhất, nhờ các quy định của UNCLOS, mặc dù còn những phức tạp nhất định, chúng ta đã xác lập và thực thi, quản lý được các vùng biển, các quyền và lợi ích trên biển, xác định cương vực của đất nước một cách phù hợp luật pháp quốc tế, được tuyệt đại đa số các nước công nhận. Trên cơ sở UNCLOS, ta đã đàm phán phân định biển với nhiều nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc (trong Vịnh Bắc Bộ)… Đây là căn cứ quan trọng để xác định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển.

+ Thứ hai, trên cơ sở UNCLOS, ta đã triển khai được nhiều hoạt động kinh tế biển lớn, mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước trong nhiều giai đoạn khác nhau, từ khai thác dầu khí tới khai thác, xuất khẩu thuỷ hải sản, thúc đẩy thương mại, góp phần thiết yếu vào sự phát triển kinh tế xã hội của ta trong những năm qua. 

+ Thứ ba, UNCLOS là căn cứ để Việt Nam hợp tác với các nước liên quan để giải quyết nhiều thách thức từ suy thoái môi trường và hệ sinh thái biển, cũng như các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, như mực nước biển dâng, acid hóa đại dương hay các thiên tai, thảm họa thiên nhiên.

+ Thứ tư, trên cơ sở bảo đảm các chính sách, luật pháp, quy định của Việt Nam đều phù hợp với UNCLOS, ta có thêm điều kiện để khẳng định các cam kết, đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để thực hiện đầy đủ UNCLOS, cũng như giúp tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế đối với các vấn đề biển của Việt Nam.

Xem thêm các bài giải bài tập Kinh tế Pháp luật lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 11: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong học tập

Bài 12: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ và đảm bảo an sinh xã hội

Bài 13: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ di sản văn hoá, môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Bài 14: Khái quát chung về pháp luật quốc tế

Bài 15: Một số nội dung cơ bản của Công pháp quốc tế về dân cư, lãnh thổ, biên giới quốc gia

Bài 16: Một số nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới và hợp đồng thương mại quốc tế

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 12 Bài 14: Khái quát chung về pháp luật quốc tế

1. Khái niệm, vai trò của pháp luật quốc tế

- Pháp luật quốc tế là hệ thống những nguyên tắc và quy phạm pháp luật được các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế thoả thuận tạo dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa các quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế.

- Pháp luật quốc tế có các vai trò sau:

+ Cơ sở để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế;

+ Cơ sở để xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia trong các lĩnh vực của đời sống;

+ Cơ sở để bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới.

Lý thuyết KTPL 12 Chân trời sáng tạo Bài 14: Một số vấn đề chung về pháp luật quốc tế | Kinh tế Pháp luật 12

Luật Biển quốc tế (UNCLOS) là một trong những cơ sở pháp lí quốc tế để Việt Nam

vận dụng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo

2. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế

Lý thuyết KTPL 12 Chân trời sáng tạo Bài 14: Một số vấn đề chung về pháp luật quốc tế | Kinh tế Pháp luật 12

- Nguyên tắc cấm dùng vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực trong các quan hệ quốc tế.

- Nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.

- Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.

- Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác.

- Nguyên tắc quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc.

- Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia.

- Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế.

3. Mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và luật quốc gia

+ Pháp luật quốc tế có tác động tích cực nhằm phát triển và hoàn thiện pháp luật quốc gia;

+ Pháp luật quốc gia ảnh hưởng quyết định tới sự hình thành và phát triển của pháp luật quốc tế.

Đánh giá

0

0 đánh giá