Sách bài tập Sinh học 10 Chủ đề 1 (Cánh diều): Giới thiệu khái quát chương trình môn sinh học

5.5 K

Với giải sách bài tập Sinh học 10 Chủ đề 1: Giới thiệu khái quát chương trình môn sinh học sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Sinh học 10. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Sinh học 10 Chủ đề 1: Giới thiệu khái quát chương trình môn sinh học

Bài 1.1 trang 4 SBT Sinh học 10: Đối tượng nghiên cứu của sinh học là

A. thế giới sinh vật gồm thực vật, động vật, vi sinh vật, nấm,… và con người.

B. cấu trúc, chức năng của sinh vật.

C. sinh học phân tử, sinh học tế bào, di truyền học và sinh học tiến hóa.

D. công nghệ sinh học.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Sinh học là môn khoa học về sự sống → Đối tượng nghiên cứu của sinh học là thế giới sinh vật gồm thực vật, động vật, vi sinh vật, nấm,… và con người. Các nhà sinh học nghiên cứu về cấu trúc, chức năng, sự sinh trưởng, nguồn gốc, tiến hóa và sự phân bố của các sinh vật.

Bài 1.2 trang 4 SBT Sinh học 10Việc xác định được có khoảng 30 000 gene trong DNA của con người có sự hỗ trợ của

A. thống kê.

B. tin sinh học.

C. khoa học máy tính.

D. pháp y.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Việc xác định được có khoảng 30 000 gene trong DNA của con người có sự hỗ trợ của tin sinh học. Tin sinh học là một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành, kết hợp dữ liệu sinh học với khoa học máy tính và thống kê; đây chính là phương pháp thu thập, xử lí và phân tích các thông tin và dữ liệu sinh học bằng phần mềm máy tính, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu cho phép thực hiện các liên kết giữa chúng.

Bài 1.3 trang 4 SBT Sinh học 10: Thứ tự chung các bước trong tiến trình nghiên cứu khoa học là

A. Quan sát → Đặt câu hỏi → Tiến hành thí nghiệm → Làm báo cáo kết quả nghiên cứu.

B. Quan sát → Hình thành giả thuyết khoa học → Thu thập số liệu → Phân tích và báo cáo kết quả.

C. Quan sát và đặt câu hỏi → Tiến hành thí nghiệm → Thu thập số liệu → Báo cáo kết quả.

D. Quan sát và đặt câu hỏi → Hình thành giả thuyết khoa học → Kiểm tra giả thuyết khoa học → Làm báo cáo kết quả nghiên cứu.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Thứ tự chung các bước trong tiến trình nghiên cứu khoa học là:

- Bước 1 - Quan sát và đặt câu hỏi: Quan sát là bước đầu tiên để nhận ra vấn đề cần giải quyết. Qua quan sát đặt ra những câu hỏi, từ đó tìm ra “vấn đề” nghiên cứu.

- Bước 2 – Hình thành giả thuyết khoa học: Từ việc quan sát và đặt câu hỏi, người nghiên cứu đưa ra một giả định sơ bộ về bản chất của sự vật và hiện tượng. Giả thuyết có thể để chứng minh hoặc để bác bỏ.

- Bước 3 – Kiểm tra giả thuyết khoa học: Kiểm tra giả thuyết khoa học chính là làm thực nghiệm để chứng minh hoặc để bác bỏ giả thuyết. Nếu kết quả thử nghiệm không ủng hộ giả thuyết đưa ra thì cần phải kiểm tra lại quá trình thực nghiệm hoặc sửa đổi giả thuyết hay đưa ra một giả thuyết mới.

- Bước 4 – Làm báo cáo kết quả nghiên cứu: Làm báo cáo kết quả nghiên cứu là quá trình phân tích số liệu và rút ra kết luận nghiên cứu. Một kết luận được coi là đúng khi trả lời được câu hỏi nghiên cứu ban đầu bằng các dữ liệu tin cậy.

Bài 1.4 trang 4 SBT Sinh học 10: Phân biệt đối tượng nghiên cứu với lĩnh vực nghiên cứu trong sinh học.

Lời giải:

Phân biệt đối tượng nghiên cứu với lĩnh vực nghiên cứu trong sinh học:

- Đối tượng nghiên cứu của sinh học là thế giới sinh vật gồm thực vật, động vật, vi sinh vật, nấm,… và con người.

- Các nhà sinh học nghiên cứu về cấu trúc, chức năng, sự sinh trưởng, nguồn gốc, tiến hóa và sự phân bố của các sinh vật theo các lĩnh vực: sinh học phân tử, sinh học tế bào, sinh lí học, sinh hóa học, sinh thái học, di truyền học và sinh học tiến hóa.

Bài 1.5 trang 4 SBT Sinh học 10Sinh học là gì? Nhà sinh học làm công việc gì?

Lời giải:

- Sinh học là môn khoa học về sự sống.

- Công việc của nhà sinh học: Nhà sinh học mô tả những đặc điểm và tập tính của sinh vật, cách thức các cá thể và loài tồn tại, những tác động qua lại lẫn nhau và với môi trường. Ví dụ:

+ Nhà vi sinh vật học: tập trung nghiên cứu các vi sinh vật khác nhau, chẳng hạn như nấm, vi khuẩn hoặc tảo. Tùy theo đối tượng nghiên cứu chuyên sâu mà có thể có các chức danh công việc như nhà virus học, nhà kí sinh trùng học hoặc nhà vi khuẩn học. Một số nhà vi sinh vật học có thể áp dụng công việc của họ để phát triển các sản phẩm mới, như vaccine hoặc thực vật biến đổi gen.

+ Nhà hóa sinh học và nhà lí sinh học: Các nhà hóa sinh học nghiên cứu hóa học của các sinh vật và các quá trình, trong khi các nhà lí sinh học nghiên cứu các hiện tượng và quy luật vật lí đằng sau các hệ thống và quá trình sinh học. Các nhà khoa học này cũng thường làm việc trong môi trường phòng thí nghiệm và trình bày những phát hiện của họ trong các báo cáo và giấy tờ. Tuy nhiên, nghiên cứu của họ có thể tập trung vào việc phân tích các phân tử sinh học hoặc ảnh hưởng của các biến số khác nhau đối với các quá trình sinh học. Các nhà khoa học này có thể nghiên cứu các vấn đề cụ thể trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả y học.

- Nhà động vật học và nhà sinh vật học động vật hoang dã: Những người yêu động vật có thể muốn theo đuổi sự nghiệp như nhà động vật học hoặc nhà sinh vật học động vật hoang dã, vì những nhà khoa học này tập trung nghiên cứu vào các loại động vật khác nhau. Họ có thể nghiên cứu hành vi, môi trường sống, sinh sản, các kiểu di chuyển của động vật và hơn thế nữa. Các nhà khoa học này cũng làm việc để theo dõi các quần thể và giúp bảo tồn các loài khi cần thiết. Đối với nghiên cứu của họ, các nhà động vật học và sinh vật học động vật hoang dã có thể quan sát hoặc thu thập mẫu và sau khi họ đã phân tích dữ liệu của mình, sau đó báo cáo phát hiện của họ trong các bài báo khoa học. Nhiều nhà khoa học trong số này tiến hành nghiên cứu thực địa bên ngoài và sau đó có thể phân tích dữ liệu của họ trong văn phòng hoặc phòng thí nghiệm.

- Các nhà khoa học và chuyên gia môi trường làm việc để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường bằng cách thu thập các mẫu môi trường và thực hiện các dự án nghiên cứu và điều tra khác nhau. Khi một vấn đề hoặc thậm chí là vấn đề tiềm ẩn được phát hiện, họ làm việc để tạo ra các giải pháp khả thi và thực hiện phương án tốt nhất. Các nhà khoa học này cũng có thể làm việc trong các văn phòng hoặc phòng thí nghiệm phân tích dữ liệu, nhưng cũng có thể tiến hành một số nghiên cứu thực địa để thu thập mẫu và dữ liệu.

Bài 1.6 trang 4 SBT Sinh học 10Nêu một số vật liệu, thiết bị nghiên cứu và học tập môn Sinh học.

Lời giải:

Một số vật liệu, thiết bị nghiên cứu và học tập môn Sinh học:

- Dụng cụ: kính hiển vi, kính lúp, bộ đồ mổ, bình tam giác, cốc đong, pipet nhựa,…

- Máy móc, thiết bị: tủ lạnh, tủ cấy vi sinh, cân điện tử, các bộ cảm biến,…

- Các phần mềm: thí nghiệm ảo, phần mềm dạy học, các phần mềm xử lí số liệu thống kê,…

- Tranh ảnh, mô hình, mẫu vật.

- Thiết bị an toàn: găng tay, kính bảo vệ mắt, áo bảo hộ,…

Bài 1.7 trang 4 SBT Sinh học 10Hãy chỉ ra các bước trong tiến trình nghiên cứu khoa học sau.

Khi quan sát chậu cây cảnh của gia đình để bên cửa sổ, bạn An thấy cây mọc uốn cong, vươn ra ngoài cửa sổ. Bạn An đặt câu hỏi: “Vì sao cây lại uốn cong ra phía cửa sổ?”. Bạn An cho rằng “có thể ánh sáng là yếu tố tác động làm cho cây uốn cong, vươn ra phía ngoài cửa sổ”. Sau đó, bạn An là một thí nghiệm như sau: Chuẩn bị hai chậu cây đậu non giống nhau. Chuẩn bị hai hộp giấy đen có kích thước như nhau (có thể đặt được chậu cây đậu non vào trong). Cả hai hộp đều có nắp đậy ở phía trên. Hộp giấy 1 có cửa sổ phía trên nắp hộp, hộp giấy 2 có cửa sổ ở một mặt bên của hộp. Đặt chậu cây A vào hộp giấy 1 và chậu cây B vào hộp giấy 2. Để cả hai hộp ngoài ánh sáng, sau hai tuần, bạn An quan sát thấy ở chậu A cây đậu mọc thẳng hướng lên cửa sổ phía trên nắp hộp 1, chậu B cây đậu mọc uốn cong về phía cửa sổ ở một mặt bên của hộp 2. Sau khi thu thập và phân tích kết quả thí nghiệm, bạn An kết luận “ánh sáng là yếu tố kích thích ngọn cây đậu phản ứng hướng về phía ánh sáng”.

Lời giải:

Các bước trong tiến trình nghiên cứu khoa học trên là:

Bước 1. Quan sát và đặt câu hỏi

Khi quan sát chậu cây cảnh của gia đình để bên cửa sổ, bạn An thấy cây mọc uốn cong, vươn ra ngoài cửa sổ. Bạn An đặt câu hỏi “Vì sao cây lại uốn cong ra phía cửa sổ?”.

Bước 2. Hình thành giả thuyết khoa học

Bạn An cho rằng “có thể ánh sáng là yếu tố tác động làm cho cây uốn cong, vươn ra phía ngoài cửa sổ”.

Bước 3. Kiểm tra giả thuyết khoa học

Bạn An làm một thí nghiệm như sau: Chuẩn bị hai chậu cây đậu non giống nhau. Chuẩn bị hai hộp giấy đen có kích thước như nhau (có thể đặt được chậu cây đậu non vào trong). Hộp giấy 1 có cửa sổ phía trên nắp hộp; hộp giấy 2 có cửa sổ ở một mặt bên của hộp. Đặt chậu cây A vào hộp giấy 1 và chậu cây B vào hộp giấy 2. Để cả 2 hộp ngoài ánh sáng trong hai tuần liên tục.

Bước 4. Làm báo cáo kết quả nghiên cứu

(1) Vấn đề nghiên cứu: Tác động của ánh sáng tới sinh trưởng của thực vật.

(2) Tên nhóm nghiên cứu: An.

(3) Mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu: Kiểm tra “Vì sao cây lại uốn cong ra phía cửa sổ?”.

(4) Giả thuyết khoa học: “Có thể ánh sáng là yếu tố tác động làm cho cây uốn cong, vươn ra phía ngoài cửa sổ”.

(5) Kiểm tra giả thuyết khoa học:

- Thiết kế mô hình thực nghiệm: Chuẩn bị hai chậu cây đậu non giống nhau. Chuẩn bị hai hộp giấy đen có kích thước như nhau (có thể đặt được chậu cây đậu non vào trong). Hộp giấy 1 có cửa sổ phía trên nắp hộp; hộp giấy 2 có cửa sổ ở một mặt bên của hộp. Đặt chậu cây A vào hộp giấy 1 và chậu cây B vào hộp giấy 2. Để cả 2 hộp ngoài ánh sáng trong hai tuần liên tục.

- Mô tả cách thu thập dữ liệu thực nghiệm: Quan sát cây đậu sinh trưởng (ngọn cây đậu mọc hướng về phía có ánh sáng).

- Kết quả thực nghiệm: Sau hai tuần, bạn An quan sát thấy ở chậu A, cây đậu mọc thẳng hướng lên cửa sổ phía trên nắp hộp 1; ở chậu B, cây đậu mọc uốn cong về phía cửa sổ ở một mặt bên của hộp 2.

- Phân tích kết quả thực nghiệm và rút ra nhận xét: Kết quả thực nghiệm cho thấy sự sinh trưởng cây đậu A và cây đậu B khác nhau tùy thuộc vào hướng ánh sáng chiếu vào qua cửa sổ mỗi hộp.

(6) Kết luận: Ngọn cây đậu luôn mọc hướng về phía có ánh sáng.

Bài 1.8 trang 5 SBT Sinh học 10:Hoàn thành các câu sau đây bằng cách sử dụng các từ/cụm từ cho trước ở trong ngoặc (sinh thái học, sinh vật, môi trường, tài nguyên, nạn phá rừng, các thế hệ).

a) Lòng tham của con người đang đe dọa ………(1)………

b) Sự khai thác quá mức ………(2)……… tự nhiên đe dọa sự tồn tại của ………(3)……… tương lai.

c) Lĩnh vực ………(4)……… đề cập đến việc nghiên cứu mối quan hệ giữa ………(5)……… và môi trường tự nhiên của chúng.

Lời giải:

Điền từ/cụm từ thích hợp:

(1): môi trường

(2): tài nguyên

(3): các thế hệ

(4): sinh thái học

(5): sinh vật

Xem thêm các bài giải SBT Sinh học lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Chủ đề 1: Giới thiệu khái quát chương trình môn sinh học

Chủ đề 2: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

Chủ đề 3: Giới thiệu chung về tế bào

Chủ đề 4: Thành phần hóa học của tế bào

Chủ đề 5: Cấu trúc của tế bào

Đánh giá

0

0 đánh giá