Giải Chuyên đề Lịch sử 10 Di sản văn hóa | Chân trời sáng tạo

2.5 K

Với giải Chuyên đề Lịch sử 10 Di sản văn hóa Chân trời sáng tạo chi tiết trong Chuyên đề 2: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản và văn hóa ở Việt Nam giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Chuyên đề Lịch sử 10. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Chuyên đề Lịch sử lớp 10 Chuyên đề 2: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản và văn hóa ở Việt Nam

1. Khái niệm di sản văn hóa 

Mở đầu trang 18 Chuyên đề Lịch sử 10: Vậy di sản văn hoá là gì? Cách phân loại và xếp hạng ra sao? Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của di sản văn hoá được thực hiện như thế nào?

Trả lời :

* Khái niệm di sản văn hoá: là hệ thống những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần, mang tính đặc trưng của một nền văn hóa cụ thể, được lưu giữ và trao truyền qua các thế hệ.

* Cách phân loại di sản văn hóa: có nhiều cách để phân loại di sản văn hoá, tuy nhiên, cách phân loại phổ biến là dựa theo hình thái biểu hiện của di sản văn hoá, theo đó, di sản văn hóa được phân thành hai loại:

- Di sản văn hoá phi vật thể: là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hoá; có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng; không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian.

- Di sản văn hoá vật thể: là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

* Cách xếp hạng di sản văn hóa: các di sản văn hoá của Việt Nam được xét duyệt theo những tiêu chí cụ thể về di sản phi vật thể và di sản vật thể. Việc xếp hạng di sản văn hoá chỉ áp dụng cho các di sản văn hoá vật thể, cụ thể là các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh.

- Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia: là những di sản văn hoá phi vật thể mang tính tiêu biểu cho quốc gia, khi đáp ứng đủ các tiêu chí như có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người…

- Di sản văn hoá vật thể quốc gia:

+ Di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh (xếp hạng theo 3 cấp): di tích cấp tỉnh; di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt

+ Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia: là những hiện vật độc bản, độc đáo, có giá trị văn hóa - lịch sử đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận danh hiệu.

* Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của di sản văn hoá được thực hiện qua các nhóm giải pháp sau:

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lí nhà nước về di sản văn hoá; phân cấp quản lí, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền và nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng để người dân hiểu sâu sắc và toàn diện hơn về di sản, tự hào và trân trọng các giá trị di sản.

- Xử lí nghiêm theo pháp luật các trường hợp vi phạm về công tác bảo vệ và khai thác di sản.

- Sử dụng và phát huy có hiệu quả nguồn lực xã hội hoá, xây dựng cộng đồng trách nhiệm, thu hút các thành phần kinh tế tham gia trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá.

- Đưa dạy học di sản vào trường học thông qua nhiều hình thức như dạy học tại di sản, tham quan, trải nghiệm,... góp phần hình thành ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của mỗi học sinh.

A - CÂU HỎI GIỮA BÀI

Câu 1 trang 21 Chuyên đề Lịch sử 10: Em hiểu thế nào là di sản văn hoá?

Trả lời :

- Di sản văn hoá được hiểu là hệ thống những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần, mang tính đặc trưng của một nền văn hóa cụ thể, được lưu giữ và trao truyền qua các thế hệ.

Câu 2 trang 21 Chuyên đề Lịch sử 10: Hãy chọn một di sản văn hoá của quê hương em và nói về những giá trị tiêu biểu của di sản đó

Trả lời :

* Hướng dẫn: HS chọn và giới thiệu một di sản văn hóa ở quê hương mình và phân tích những giá trị tiêu biểu của di sản đó.

* Bài tham khảo:

a. Giới thiệu di tích: Hoàng thành Thăng Long

- Hoàng thành Thăng Long là một trong những di sản văn hóa nổi tiếng ở Hà Nội. Đây là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội.

- Quần thể kiến trúc này được các triều đại phong kiến cho xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những di tích quan trọng bậc nhất ở Việt Nam.

- Năm 2010, Tổ chức UNESCO đã công nhận khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới.

b. Những giá trị tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long:

- Giá trị về khoa học, lịch sử, văn hoá:

+ Là minh chứng về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt qua các thời kì tiền Thăng Long và thời kì phong kiến.

+ Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm.

+ Là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa.

Giá trị về giáo dục: Hoàng thành Thăng Long phản chiếu trong đó trí tuệ và tâm hồn của người Việt qua các thời kì lịch sử, đồng thời là nơi chứng kiến nhiều biến động của lịch sử. Do đó, đây là nguồn tài nguyên tri thức vô tận để thực hiện mục tiêu giáo dục. Thông qua giáo dục sẽ hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức về giá trị của di tích và thái độ giữ gìn, bảo tồn di tích, hiện vật còn lại đến ngày nay.

- Giá trị về kinh tế: Mỗi năm, khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, mang lại nguồn lực để phát triển kinh tế và phục vụ cho công tác bảo tồn di tích.

- Giá trị về gắn kết dân tộc: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng thu hút tình cảm của người dân khi sống xa Tổ quốc hướng về quê hương, bản xứ.

2. Phân loại và xếp hạng di sản văn hóa 

Câu hỏi trang 22 Chuyên đề Lịch sử 10: Căn cứ vào cách phân loại di sản văn hoá ở Hình 2.6, em hãy kể tên các di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam mà em biết.

Trả lời :

- Một số di sản văn hoá vật thể của Việt Nam: quần thể di tích Cố đô Huế; đô thị cổ Hội An; thánh địa Mỹ Sơn; đền Hùng; chiến trường Điện Biên Phủ; Dinh Độc Lập; khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; thành nhà Hồ; trống đồng Ngọc Lũ; thạp đồng Đào Thịnh;...

- Một số di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam: nhã nhạc cung đình Huế; không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca Quan họ Bắc Ninh; ca trù; hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; đờn ca tài tử Nam Bộ; dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; nghi lễ và trò chơi Кéо со; tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ; hát Xoan Phú Thọ;...

Lưu ý: Học sinh trình bày theo sự hiểu biết của bản thân

Câu 1 trang 24 Chuyên đề Lịch sử 10Hãy kể tên một số di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng ở địa phương em.

Trả lời :

(*) Lựa chọn: Một số di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng ở Hà Nội:

- Di tích cấp thành phố: đình - đền Liễu Giai, chùa Châu Long, đình Kim Mã, đình Ngọc Hà, đền Núi Sưa, đình Ngũ Xã,...

- Di tích quốc gia: cột cờ Hà Nội; chùa Hòe Nhai; đền Ngọc Sơn;...

- Di tích quốc gia đặc biệt: khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; đền Hai Bà Trưng, thành Cổ Loa;...

Bảo vật quốc gia: lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long; 82 tấm bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám; bộ tượng 18 vị la hán ở chùa Tây Phương,...

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Câu 2 trang 24 Chuyên đề Lịch sử 10: Quan sát các hình 2.11, 2.12, 2.13, 2.14, em hãy cho biết ý nghĩa của việc xếp hạng các di sản văn hoá Việt Nam.

Chuyên đề Lịch sử 10 Chuyên đề 2 : Bảo tồn và phát huy giá trị di sản và văn hóa ở Việt Nam  - Chân trời sáng tạo  (ảnh 1)

Trả lời :

- Ý nghĩa của việc xếp hạng các di sản văn hoá Việt Nam: ghi danh các di sản vào danh mục các nhóm di sản được biết đến trong phạm vi thế giới, quốc gia hay địa phương, từ đó có cơ sở pháp lí để xác định trách nhiệm của từng cấp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Xem thêm các bài giải Chuyên đề Lịch sử lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

II. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

III. Di sản văn hóa và di sản thiên nhiên tiêu biểu của Việt Nam

Đánh giá

0

0 đánh giá