Chuyên đề Lịch sử 10 Chuyên đề 2: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản và văn hóa ở Việt Nam | Chân trời sáng tạo

14 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 10 Chuyên đề 2: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản và văn hóa ở Việt Nam sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Chuyên đề học tập Lịch sử 10. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 10 Chuyên đề 2: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản và văn hóa ở Việt Nam

I. Di sản văn hóa

1. Khái niệm di sản văn hóa 

Mở đầu trang 18 Chuyên đề Lịch sử 10: Vậy di sản văn hoá là gì? Cách phân loại và xếp hạng ra sao? Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của di sản văn hoá được thực hiện như thế nào?

Trả lời :

* Khái niệm di sản văn hoá: là hệ thống những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần, mang tính đặc trưng của một nền văn hóa cụ thể, được lưu giữ và trao truyền qua các thế hệ.

* Cách phân loại di sản văn hóa: có nhiều cách để phân loại di sản văn hoá, tuy nhiên, cách phân loại phổ biến là dựa theo hình thái biểu hiện của di sản văn hoá, theo đó, di sản văn hóa được phân thành hai loại:

- Di sản văn hoá phi vật thể: là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hoá; có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng; không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian.

- Di sản văn hoá vật thể: là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

* Cách xếp hạng di sản văn hóa: các di sản văn hoá của Việt Nam được xét duyệt theo những tiêu chí cụ thể về di sản phi vật thể và di sản vật thể. Việc xếp hạng di sản văn hoá chỉ áp dụng cho các di sản văn hoá vật thể, cụ thể là các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh.

- Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia: là những di sản văn hoá phi vật thể mang tính tiêu biểu cho quốc gia, khi đáp ứng đủ các tiêu chí như có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người…

- Di sản văn hoá vật thể quốc gia:

+ Di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh (xếp hạng theo 3 cấp): di tích cấp tỉnh; di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt

+ Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia: là những hiện vật độc bản, độc đáo, có giá trị văn hóa - lịch sử đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận danh hiệu.

* Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của di sản văn hoá được thực hiện qua các nhóm giải pháp sau:

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lí nhà nước về di sản văn hoá; phân cấp quản lí, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền và nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng để người dân hiểu sâu sắc và toàn diện hơn về di sản, tự hào và trân trọng các giá trị di sản.

- Xử lí nghiêm theo pháp luật các trường hợp vi phạm về công tác bảo vệ và khai thác di sản.

- Sử dụng và phát huy có hiệu quả nguồn lực xã hội hoá, xây dựng cộng đồng trách nhiệm, thu hút các thành phần kinh tế tham gia trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá.

- Đưa dạy học di sản vào trường học thông qua nhiều hình thức như dạy học tại di sản, tham quan, trải nghiệm,... góp phần hình thành ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của mỗi học sinh.

A - CÂU HỎI GIỮA BÀI

Câu 1 trang 21 Chuyên đề Lịch sử 10: Em hiểu thế nào là di sản văn hoá?

Trả lời :

- Di sản văn hoá được hiểu là hệ thống những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần, mang tính đặc trưng của một nền văn hóa cụ thể, được lưu giữ và trao truyền qua các thế hệ.

Câu 2 trang 21 Chuyên đề Lịch sử 10: Hãy chọn một di sản văn hoá của quê hương em và nói về những giá trị tiêu biểu của di sản đó

Trả lời :

* Hướng dẫn: HS chọn và giới thiệu một di sản văn hóa ở quê hương mình và phân tích những giá trị tiêu biểu của di sản đó.

* Bài tham khảo:

a. Giới thiệu di tích: Hoàng thành Thăng Long

- Hoàng thành Thăng Long là một trong những di sản văn hóa nổi tiếng ở Hà Nội. Đây là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội.

- Quần thể kiến trúc này được các triều đại phong kiến cho xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những di tích quan trọng bậc nhất ở Việt Nam.

- Năm 2010, Tổ chức UNESCO đã công nhận khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới.

b. Những giá trị tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long:

- Giá trị về khoa học, lịch sử, văn hoá:

+ Là minh chứng về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt qua các thời kì tiền Thăng Long và thời kì phong kiến.

+ Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm.

+ Là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa.

Giá trị về giáo dục: Hoàng thành Thăng Long phản chiếu trong đó trí tuệ và tâm hồn của người Việt qua các thời kì lịch sử, đồng thời là nơi chứng kiến nhiều biến động của lịch sử. Do đó, đây là nguồn tài nguyên tri thức vô tận để thực hiện mục tiêu giáo dục. Thông qua giáo dục sẽ hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức về giá trị của di tích và thái độ giữ gìn, bảo tồn di tích, hiện vật còn lại đến ngày nay.

- Giá trị về kinh tế: Mỗi năm, khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, mang lại nguồn lực để phát triển kinh tế và phục vụ cho công tác bảo tồn di tích.

- Giá trị về gắn kết dân tộc: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng thu hút tình cảm của người dân khi sống xa Tổ quốc hướng về quê hương, bản xứ.

2. Phân loại và xếp hạng di sản văn hóa 

Câu hỏi trang 22 Chuyên đề Lịch sử 10: Căn cứ vào cách phân loại di sản văn hoá ở Hình 2.6, em hãy kể tên các di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam mà em biết.

Trả lời :

- Một số di sản văn hoá vật thể của Việt Nam: quần thể di tích Cố đô Huế; đô thị cổ Hội An; thánh địa Mỹ Sơn; đền Hùng; chiến trường Điện Biên Phủ; Dinh Độc Lập; khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; thành nhà Hồ; trống đồng Ngọc Lũ; thạp đồng Đào Thịnh;...

- Một số di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam: nhã nhạc cung đình Huế; không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca Quan họ Bắc Ninh; ca trù; hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; đờn ca tài tử Nam Bộ; dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; nghi lễ và trò chơi Кéо со; tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ; hát Xoan Phú Thọ;...

Lưu ý: Học sinh trình bày theo sự hiểu biết của bản thân

Câu 1 trang 24 Chuyên đề Lịch sử 10Hãy kể tên một số di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng ở địa phương em.

Trả lời :

(*) Lựa chọn: Một số di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng ở Hà Nội:

- Di tích cấp thành phố: đình - đền Liễu Giai, chùa Châu Long, đình Kim Mã, đình Ngọc Hà, đền Núi Sưa, đình Ngũ Xã,...

- Di tích quốc gia: cột cờ Hà Nội; chùa Hòe Nhai; đền Ngọc Sơn;...

- Di tích quốc gia đặc biệt: khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; đền Hai Bà Trưng, thành Cổ Loa;...

Bảo vật quốc gia: lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long; 82 tấm bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám; bộ tượng 18 vị la hán ở chùa Tây Phương,...

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Câu 2 trang 24 Chuyên đề Lịch sử 10: Quan sát các hình 2.11, 2.12, 2.13, 2.14, em hãy cho biết ý nghĩa của việc xếp hạng các di sản văn hoá Việt Nam.

Chuyên đề Lịch sử 10 Chuyên đề 2 : Bảo tồn và phát huy giá trị di sản và văn hóa ở Việt Nam  - Chân trời sáng tạo  (ảnh 1)

Trả lời :

- Ý nghĩa của việc xếp hạng các di sản văn hoá Việt Nam: ghi danh các di sản vào danh mục các nhóm di sản được biết đến trong phạm vi thế giới, quốc gia hay địa phương, từ đó có cơ sở pháp lí để xác định trách nhiệm của từng cấp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

II. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

1. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa 

Câu 1 trang 26 Chuyên đề Lịch sử 10Bảo tồn di sản văn hoá là gì?

Trả lời :

- Bảo tồn di sản văn hóa là các nỗ lực nhằm bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của di sản theo dạng thức vốn có của nó.

Câu 2 trang 26 Chuyên đề Lịch sử 10Theo em, việc phát huy giá trị di sản văn hoá có mâu thuẫn với công tác bảo tồn hay không? Nếu có, em hãy phân tích và nêu quan điểm của cá nhân em về vấn đề này.

Trả lời :

- Việc phát huy giá trị di sản văn hoá không mâu thuẫn với công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không phải là hai mặt đối lập mà là một thể thống nhất, luôn gắn kết chặt chẽ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

+ Bảo tồn di sản thành công thì mới phát huy được các giá trị văn hoá.

+ Ngược lại, phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa cũng là cách để bảo tồn di sản, nâng cao ý thức trách nhiệm của xã hội đối với việc bảo vệ di sản văn hoá dân tộc.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

2. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Câu 1 trang 27 Chuyên đề Lịch sử 10: Theo em, thành tựu của khoa học sẽ hỗ trợ như thế nào cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản? Lấy ví dụ minh hoạ.

Trả lời :

- Thành tựu của khoa học sẽ góp phần xác định giá trị của di sản, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản.

- Ví dụ:

+ Thành tựu của sử học, Khảo cổ học góp phần xác định lịch sử hình thành và phát triển của di sản.

+ Các ngành Sinh học, Hóa học góp phần xác định giá trị của di sản, đưa ra các giải pháp bảo tồn di sản (đối với di sản thiên nhiên, di sản văn hóa).

+ Ngành văn hóa học góp phần xác định giá trị, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản (đối với di sản văn hóa phi vật thể).

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Câu 2 trang 27 Chuyên đề Lịch sử 10Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật có vai trò như thế nào trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá?

Trả lời :

- Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là các nghị quyết, nghị định và luật về di sản sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức của cá nhân, tổ chức, cơ quan, đoàn thể,... trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

3. Vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan 

Câu 1 trang 28 Chuyên đề Lịch sử 10: Em hãy cho biết vai trò và trách nhiệm của các nhóm chủ thể liên quan tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá.

Trả lời :

- Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cần có sự phối hợp giữa các bên, phát huy được vai trò và trách nhiệm của bốn nhóm chủ thể, bao gồm: nhà quản lí, nhà đầu tư, nhà khoa học và cộng đồng cư dân:

+ Nhà quản lí có vai trò định hướng, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện, đưa các chủ trương, chính sách vào đời sống; tổ chức tuyên truyền giáo dục về di sản qua các kênh khác nhau.

+ Nhà đầu tư tham gia xã hội hoá các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản (phối hợp phục hồi các di sản, tổ chức phát huy giá trị di sản, tôn vinh các nghệ nhân dân gian, giao lưu văn hoá,...).

+ Nhà khoa học thực hiện nghiên cứu, nhận diện các giá trị của di sản; đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

+ Cộng đồng cư dân là chủ sở hữu di sản, tham gia thực hành di sản, cùng chia sẻ lợi ích; có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy tài nguyên văn hoá tại địa phương.

Câu 2 trang 28 Chuyên đề Lịch sử 10Hãy cho ví dụ về vai trò của cộng đồng cư dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Trả lời :

- Ví dụ: Vai trò của cộng đồng cư dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, được thể hiện ở một số hành động:

+ Giữ gìn và bảo tồn các nhạc cụ truyền thống (cồng, chiêng);

+ Thực hành nghi thức hát, múa với cồng chiêng trong các nghi lễ truyền thống;

+ Truyền nhạc cụ và nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng cho qua các thế hệ để luôn duy trì và phát huy loại hình nghệ thuật này,...

III. Di sản văn hóa và di sản thiên nhiên tiêu biểu của Việt Nam

1. Một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu

Câu 1 trang 32 Chuyên đề Lịch sử 10: Theo em, những di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá thế giới trên đây có giá trị gì nổi bật?

Trả lời:

- Những di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá thế giới được nêu trên:

+ Là những di sản nổi bật và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

+ Những di sản đó vừa mang tính lịch sử, vừa mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện sự sáng tạo của người Việt trong công cuộc xây dựng nền văn hóa dân tộc.

Câu 2 trang 32 Chuyên đề Lịch sử 10: Em hãy xác định trên Hình 2.22 vị trí phân bố các di sản văn hoá phi vật thể được giới thiệu trong bài học và rút ra những nhận xét.

Lời giải:

- Vị trí phân bố các di sản văn hoá phi vật thể được giới thiệu trong bài học:

+ Nhã nhạc cung đình Huế => Phân bố chủ yếu ở: Thừa Thiên Huế

+ Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên => Phân bố chủ yếu ở: các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng

+ Ca trù => Phân bố chủ yếu ở một số tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, như: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…

+ Đờn ca tài tử Nam Bộ => Phân bố chủ yếu ở các tỉnh Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận) và toàn bộ khu vực Nam Bộ.

+ Nghi lễ và trò chơi Kéo co => Phân bố chủ yếu ở các tỉnh Bắc Bộ: Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh.

- Nhận xét:

+ Phân bố không đồng đều, các di sản thường phân bố ở những nơi có truyền thống văn hóa gắn liền với di sản.

+ Một số di sản văn hóa có tên gọi gắn liền với địa phương phân bố của di sản đó, ví dụ: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử Nam Bộ.

2. Một số di sản văn hóa vật thể tiêu biểu

Câu 1 trang 36 Chuyên đề Lịch sử 10: Chọn một trong các di sản văn hoá vật thể đã được giới thiệu, em hãy nói về bức tranh lịch sử của quá khứ được hàm chứa trong di sản văn hoá đó.

Trả lời:

(*) Lựa chọn: Bức tranh quá khứ hàm chứa trong di sản Quần thể di tích Cố đô Huế:

- Quần thể di tích Cố đô Huế gồm những di tích lịch sử - văn hoá nằm dọc hai bên bờ sông Hương thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Di sản này gắn liền với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa Việt Nam thời chúa Nguyễn, vương triều Tây Sơn và nhà Nguyễn (từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XX).

- Huế từng là thủ phủ của các đời chúa Nguyễn, là kinh đô của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng tổ hợp các công trình kiến trúc lịch sử - văn hoá có giá trị tại kinh đô Huế như Đại nội Huế, Lăng các vua, các công trình thành quách phòng thủ, đàn tế, chùa chiền,... phục vụ cho sinh hoạt, phòng thủ, đời sống kinh tế, văn hóa,...

- Ngày nay, thông qua các di tích này, chúng ta có thể hiểu hơn về đời sống của vua chúa và nhân dân Việt Nam trong các thế kỉ XVI - XX.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Câu 2 trang 36 Chuyên đề Lịch sử 10: Theo em, việc bảo tồn các di sản văn hoá này có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

- Ý nghĩa của việc bảo tồn các di sản văn hoá:

+ Góp phần lưu giữ, bảo vệ và lan tỏa giá trị của những di sản thời trước để lại, nhắc nhở con người nhớ về cội nguồn, hình thành ý thức trách nhiệm với tổ tiên, với cộng đồng xã hội đương đại và với các thế hệ mai sau.

+ Góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc, đem lại những hiệu quả thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

3. Một số di sản thiên nhiên và di sản hỗn hợp tiêu biểu

Câu 1 trang 40 Chuyên đề Lịch sử 10: Những di sản thiên nhiên tiêu biểu được giới thiệu phản ánh điều gì về tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam?

Trả lời:

- Những di sản thiên nhiên tiêu biểu được giới thiệu phản ánh sự giàu có, đa dạng và phong phú của tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam (về địa chất học, địa lí tự nhiên, sinh vật học,...).

Câu 2 trang 40 Chuyên đề Lịch sử 10: Phân tích những “giá trị nổi bật toàn cầu” của các di sản thiên nhiên đã được UNESCO ghi danh.

Trả lời:

 “Giá trị nổi bật toàn cầu” của các di sản thiên nhiên đã được UNESCO ghi danh:

Tiêu chí đánh giá: Chứa đựng các hiện tượng thiên nhiên siêu việt hay các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên khác thường và tầm quan trọng thẩm mỹ. Ví dụ: Vịnh Hạ Long là minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển của Trái Đất, là một tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên với hàng trăm, nghìn đảo đá “muôn hình vạn trạng”.

Tiêu chí đánh giá: Là những ví dụ nổi bật, đại diện cho những giai đoạn quan trọng của lịch sử hình thành Trái Đất, bao gồm cả việc phản ánh đời sống, các quá trình địa chất lớn đang tiếp diễn trong sự phát triển của các địa mạo, hay những đặc điểm địa chấn và địa hình lớn. Ví dụ:

+ Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mĩ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hoá lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa;

+ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có các kiến tạo đá vôi đặc biệt với hệ thống hang động phong phú như Hang Sơn Đoòng, Động Phong Nha,...;

+ Đỉnh núi của Khu di tích - danh thắng Yên Tử ngày nay vẫn còn lưu dấu tích kiến tạo vỏ Trái Đất cách đây 10 triệu năm với bãi đá điệp trùng, rừng đại ngàn che phủ.

Tiêu chí đánh giá: Chứa đựng các môi trường sinh sống thiên nhiên quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn tại chỗ đa dạng sinh học. Ví dụ: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Quần thể danh thắng Tràng An có chứa các loài động, thực vật đa dạng, độc đáo, đặc biệt là các loài động, thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.

Câu 1 trang 41 Chuyên đề Lịch sử 10: Những di sản thiên nhiên tiêu biểu được giới thiệu phản ánh điều gì về tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam?

Trả lời:

- Những di sản thiên nhiên tiêu biểu được giới thiệu phản ánh sự giàu có, đa dạng và phong phú của tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam (về địa chất học, địa lí tự nhiên, sinh vật học,...).

Câu 2 trang 41 Chuyên đề Lịch sử 10: Em hiểu như thế nào về di sản phức hợp? Hãy lấy ví dụ minh hoạ.

Trả lời:

- Di sản phức hợp (hay còn gọi là di sản kép) là di sản có những giá trị nổi bật cả về văn hoá và thiên nhiên.

- Ví dụ: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là một phức hợp các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.

+ Nằm trên bờ phía nam của đồng bằng sông Hồng, Tràng An là một cảnh quan núi đá vôi ngoạn mục tạo dựng với rất nhiều thung lũng, một số chìm trong nước, bao quanh bởi những vách đá dốc. Đây cũng là khu vực có hệ sinh thái phong phú, đa dạng, vừa trên cạn, vừa dưới nước (có chừng hơn 300 loài thực vật quý hiếm như tuế đá vôi, sưa, lát, nghiến, phong lan, hoài sơn, kim ngân, bách bộ, rau sắng, v.v.; các loài động vật quý hiếm đặc biệt như sơn dương, báo gấm, chim phượng hoàng, vượn yếm trắng,...).

+ Bên cạnh những giá trị nổi bật về cảnh quan và địa chất, quần thể danh thắng Tràng An còn có giá trị về mặt văn hóa với những di chỉ khảo cổ học như hang Búi, hang Trống, núi hang Chợ…, minh chứng cho quá trình sinh tồn của người cổ đại tại mảnh đất này từ hàng vạn năm trước. Là hệ thống phòng thủ phía Nam của kinh đô Hoa Lư xưa, nơi đây còn có sự hiện hữu của những di tích gắn liền với ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý, kết nối với quần thể di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, trong đó nổi bật là đền thờ và lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ và lăng mộ vua Lê Đại Hành, nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ, trung tâm văn hóa tâm linh chùa Bái Đính,...

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

- CÂU HỎI CUỐI BÀI

Luyện tập 1 trang 42 Chuyên đề Lịch sử 10: Tại sao nói: “Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”?

Trả lời:

- “Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam” vì: nó được kết tinh từ trái tim và khối óc của nhiều thế hệ, được truyền lại từ đời này qua đời khác.

-Đất nước Việt Nam sở hữu kho tàng di sản phong phú cả về vật thể và phi vật thể. Đó là tài sản vô giá của dân tộc, vì vậy trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá thuộc về từng cá nhân, cộng đồng, của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Luyện tập 2 trang 42 Chuyên đề Lịch sử 10: Từ tiêu chí phân loại và xếp hạng di sản, em hãy lập bảng thống kê về một số di sản được giới thiệu trong bài học theo các gợi ý sau:

Chuyên đề Lịch sử 10 Di sản văn hóa và di sản thiên nhiên tiêu biểu của Việt Nam  – Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Trả lời:

Học sinh chọn một số di sản tiêu biểu cho các loại hình di sản được giới thiệu trong bài học để lập danh sách.

TT

Tên di sản

Địa điểm

(tỉnh)

Loại hình di sản

Giá trị nổi bật

1

Nhã nhạc cung đình Huế

Thừa Thiên - Huế

Di sản văn hóa phi vật thể

- Là di sản âm nhạc cổ điển bác học của Việt Nam, loại hình âm nhạc chính thống được sử dụng trong các lễ nghi của triều đình Nguyễn.

- Được vinh danh là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

2

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng

Di sản văn hóa phi vật thể

- Được vinh danh là kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (năm 2005) và Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2008).

3

Ca trù

Các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Di sản văn hóa phi vật thể

- Âm nhạc truyền thống của Việt Nam, gắn liền với lễ hội, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng và triết lí sống của người Việt.

- Là Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

4

Đờn ca tài tử Nam Bộ

Một số tỉnh Nam Trung Bộ và toàn bộ khu vực Nam Bộ.

Di sản văn hóa phi vật thể

- Hình thành và phát triển trên cơ sở của nhạc lễ, Nhã nhạc Cung đình Huế và văn học dân gian.

- Được vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

5

Nghi lễ và trò chơi Kéo co

Các tỉnh Bắc Bộ

Di sản văn hóa phi vật thể

- Là một biểu hiện của nền văn minh lúa nước.

- Được vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

6

Hoàng thành Thăng Long

Hà Nội

Di sản văn hóa vật thể

- Là một “bộ lịch sử sống” gắn với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của dân tộc theo chiều dài lịch sử.

-Là Di sản văn hoá thế giới.

7

Trống đồng Đông Sơn

Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Di sản văn hóa vật thể

- Phản ánh trình độ cao về kĩ thuật chế tác đồng và những yếu tố văn hoá bản địa của người Việt.

- Được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

8

Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Hà Nội

Di sản văn hóa vật thể

- Quần thể di tích mang ý nghĩa biểu trưng cho tiến trình phát triển văn hoá của Việt Nam.

- 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình kí ức thế giới toàn cầu, được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

9

Thành nhà Hồ

Thanh Hóa

Di sản văn hóa vật thể

- Công trình kiến trúc quân sự hiếm có, thể hiện cho sự giao thoa giá trị nhân văn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Là Di sản văn hóa thế giới.

10

Quần thể di tích Cố đô Huế

Thừa Thiên - Huế

Di sản văn hóa vật thể

- Quần thể công trình kiến trúc lịch sử - văn hoá gắn với lịch sử Việt Nam thời kì chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.

- Là Di sản văn hóa thế giới.

11

Thánh địa Mỹ Sơn

Quảng Nam

Di sản văn hóa vật thể

- Là điển hình nổi bật về sự giao lưu và hội nhập văn hoá; phản ánh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hoá Chăm-pa.

- Là Di sản văn hóa thế giới.

12

Cao nguyên đá Đồng Văn

Hà Giang

Di sản thiên nhiên

- Chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mĩ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hoá lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.

- Là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

13

Vịnh Hạ Long

Quảng Ninh

Di sản thiên nhiên

- Chứa đựng nhiều dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của Trái Đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, là một tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên với hàng trăm, nghìn đảo đá “muôn hình vạn trạng”.

- Là Di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mĩ, địa chất, địa mạo.

14

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Quảng Bình

Di sản thiên nhiên

- Có các kiến tạo đá vôi đặc biệt với hệ thống hang động phong phú, được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu. Có hệ sinh thái đa dạng và cảnh quan kì bí, hùng vĩ.

- Là Di sản thiên nhiên thế giới.

15

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ

Thành phố Hồ Chí Minh

Di sản thiên nhiên

- Có quần thể các loài động, thực vật đa dạng, độc đáo điển hình của rừng ngập mặn.

- Là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

16

Quần thể danh thắng Tràng An

Ninh Bình

Di sản hỗn hợp

- Là một cảnh quan núi đá vôi ngoạn mục tạo dựng với rất nhiều thông lũng, một số chìm trong nước, bao quanh bởi những vách đá dốc.

- Là khu vực có hệ sinh thái phong phú, đa dạng.

- Có nhiều di tích lịch sử từ thời nguyên thuỷ đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần.

- Là Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.

17

Khu di tích - danh thắng Yên Tử

Quảng Ninh

Di sản hỗn hợp

- Là kinh đô của Phật giáo Việt Nam, là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm thời nhà Trần.

- Lưu giữ nhiều di sản văn hoá vật thể, phản ánh khá rõ nét về sự phát triển của kiến trúc, mĩ thuật, điêu khắc Việt Nam qua các triều đại.

- Là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Luyện tập 3 trang 42 Chuyên đề Lịch sử 10: Em hiểu mục tiêu phát triển bền vững trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá như thế nào?

Trả lời:

- Mục tiêu phát triển bền vững trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá được hiểu là bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị di sản vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ngày hôm nay và chuyển giao tài sản đó cho các thế hệ mai sau.

Luyện tập 4 trang 42 Chuyên đề Lịch sử 10: Theo em, nhà trường có vai trò như thế nào trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá?

Trả lời:

Vai trò của nhà trường trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá: hoạt động dạy học về di sản của nhà trường thông qua nhiều hình thức như dạy học tại di sản, tham quan, trải nghiệm,... sẽ góp phần hình thành ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của mỗi học sinh.

Vận dụng 1 trang 42 Chuyên đề Lịch sử 10: Chọn một di sản văn hoá vật thể hoặc phi vật thể đã được xếp hạng và thuyết minh những đặc điểm, giá trị của di sản ấy.

Trả lời:

(*) Bài tham khảo về: Hoàng thành Thăng Long

- Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) là quần thể di tích gắn liền với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ, thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và là thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Quần thể kiến trúc này được các triều đại phong kiến cho xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những di tích quan trọng bậc nhất ở Việt Nam. Năm 2010, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới.

Hoàng thành Thăng Long là một quần thể kiến trúc thành quách và các công trình được xây dựng làm nơi ở, làm việc của triều đình phong kiến. Những di tích trên mặt và khai quật được trong lòng đất tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt là Phật giáo và Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

- Những giá trị tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long:

+ Giá trị về khoa học, lịch sử, văn hoá: Hoàng thành Thăng Long là minh chứng về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt qua các thời kì tiền Thăng Long và thời kì phong kiến. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội cũng là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa.

+ Giá trị về giáo dục: Hoàng thành Thăng Long phản chiếu trong đó trí tuệ và tâm hồn của người Việt qua các thời kì lịch sử, đồng thời là nơi chứng kiến nhiều biến động của lịch sử. Do đó, đây là nguồn tài nguyên tri thức vô tận để thực hiện mục tiêu giáo dục. Thông qua giáo dục sẽ hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức về giá trị của di tích và thái độ giữ gìn, bảo tồn di tích, hiện vật còn lại đến ngày nay.

+ Giá trị về kinh tế: Mỗi năm, khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, mang lại nguồn lực để phát triển kinh tế và phục vụ cho công tác bảo tồn di tích.

+ Giá trị về gắn kết dân tộc: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng thu hút tình cảm của người dân khi sống xa Tổ quốc hướng về quê hương, bản xứ.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Vận dụng 2 trang 42 Chuyên đề Lịch sử 10: Thực hiện dự án trải nghiệm thực tế: lập kế hoạch bảo tồn một di sản văn hoá gắn với cộng đồng nơi em sống.

Trả lời:

Hướng dẫn: Học sinh chọn một di sản văn hóa vật thể hoặc phi vật thể gắn với cộng đồng nơi mình sinh sống để lập kế hoạch bảo tồn theo dàn ý sau:

a) Đối với di sản văn hóa vật thể

- Xếp hạng di sản.

- Kế hoạch tu bổ, bảo quản di sản.

- Kế hoạch ngăn chặn và xử lí các hành động vi phạm di sản.

- Kế hoạch giới thiệu di sản tới du khách thông qua các kênh truyền thông, báo chí, internet,...

- Kế hoạch tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với không gian di sản.

b) Đối với di sản văn hóa phi vật thể

- Ghi danh di sản.

- Xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong hoạt động duy trì và bảo tồn di sản.

- Quảng bá, giới thiệu di sản với nhân dân và khách du lịch thông qua các kênh truyền thông, báo chí, internet,...

- Kế hoạch đào tạo truyền nhân để lưu giữ di sản qua các thế hệ.

- Kế hoạch tổ chức lễ hội, hoạt động biểu diễn gắn liền với di sản.

Đánh giá

0

0 đánh giá