Giải Địa Lí 12 Bài 28: Vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp

3.1 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Địa Lí lớp 12 Bài 28: Vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp lớp 12.

Giải bài tập Địa Lí Lớp 12 Bài 28: Vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 125 SGK Địa lí 12: Dựa vào sơ đồ 28.1, hãy phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức lãnh thổ công nghiệp.

Giải Địa Lí 12 Bài 28: Vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp (ảnh 1)

Phương pháp giải:

Phân tích.

Trả lời:

Các nhận tố chủ yếu ảnh hưởng đến tổ chức lãnh thổ công nghiệp:

* Các nhân tố bên trong:

- Vị trí địa lí:  vị trí gần nguồn nguyên liệu, trục đường giao thông, vùng kinh tế hay khu dân cư, cảng biển...quy định sự hình thành, có mặt của các tổ chức lãnh thổ công nghiệp khác nhau.

 Các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp có trình độ cao như khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm công nghiệp phát triển mạnh ở những nơi có vị trí giao thông thuận lợi, dân cư đông đúc, cơ sở hạ tầng phát triển....

- Tài nguyên thiên nhiên:

+ Khoáng sản: vị trí các mỏ, trữ lượng, chất lượng và sự đa dạng của các tài nguyên khoáng sản ảnh hưởng đến sự phân bố các nhà máy, quy mô, cơ cấu ngành khai thác và chế biến khoáng sản.

Ví dụ. Trung du miền núi Bắc Bộ có khoáng sản đa dạng tuy nhiên trữ lượng nhỏ và phân bố ở vùng núi xa xôi, vì vậy chủ yếu hình thành các điểm công nghiệp nhỏ là các điểm khai thác chế biến khoáng sản phân bố rời rạc.

+ Nguồn nước: là điều kiện cần để phát triển công nghiệp, đặc biệt các ngành công nghiệp nặng.

+ Biển cung cấp nguồn hải sản phong phú cho công nghiệp chế biến, tạo mối giao lưu phát triển công nghiệp dễ dàng hơn thông qua các cảng biển, tuyến giao thông nội địa – quốc tế.

+ Đất: là nơi xây dựng các công trình cơ bản, nhà máy xí nghiệp....

+ Sinh vật: cung cấp nguồn nguyên liệu cho công ngiệp chế biến.

- Điều kiện kinh tế - xã hội:

+ Dân cư và lao động: là lực lượng sản xuất và tiêu thụ quan trọng của ngành công nghiệp

 Lực lượng sản xuất: nguồn lao động trẻ năng động, đông thuận lợi để phát triển các ngành chế biến đòi hỏi nhiều lao đôngh (chế biến lương thực thực phẩm, may mặc, da giầy); các ngành đòi hỏi chất xám tri thức cao (kĩ thuật điện tử - tin học...).

 Dân cư đông là thị trường tiêu thụ rộng lớn, thúc đẩy sản xuất phát triển.

- Trung tâm kinh tế và mạng lưới đô thị: là nơi thu hút, tập trung đông dúc dân cư – lưc lượng lao động. Là nơi có cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật hiện đại đông bộ hơn, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

* Nhân tố bên ngoài:

- Thị trường: thị trường quốc tế có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển công nghiệp, là động lực của quá trình sản xuất. Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của nước ta chủ yếu gồm sản phẩm nông sản, thủy sản đã qua chế biến, hàng gia dụng, may mặc...mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn..Thị trường xuất khẩu chủ yếu thuộc khu vực Đông Nam Á, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ.

- Hợp tác quốc tế:

+ Vốn: gồm các nguồn vốn ODA, FDI, FBI; nước ta đã và đang thu hút ngày càng lớn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhờ đó hình thành nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với đa dạng các ngành sản xuất.

+ Công nghệ: trong phát triển công nghiệp trình độ công nghệ là điều kiện quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao. Xu thế hội nhập hiện nay là cơ hội để nước ta du nhập, chuyển giao công nghệ hiện đại từ các nước phát triển (Nhật Bản, Mỹ, một số nước Châu Âu) đẻ đưa sản xuất đi lên.

+ Tổ chức quản lí: bên cạnh việc chuyển giao công nghệ hiện đại, việc học hỏi nâng cao trình độ, kinh nghiệm tổ chức quản lí là điều kiện cần để vận hành, phát triển một doanh nghiêp, nhà máy có hiệu quả nhất. Đồng thời tạo mối liên hệ, hợp tác giữa các hệ thống sản xuất kinh doanh, tiền đề để hình thành các tổ chức lãnh thổ công nghiệp ở trình độ cao.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 126 SGK Địa lí 12: Căn cứ vào kiến thức đã học ở lớp 10, hãy nêu các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp.

Phương pháp giải:

Liên hệ.

Trả lời:

Các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp: điểm công nghiệp, khu công nghiệp tập trung, trung tâm công nghiệp, vùng công nghiệp.
Trả lời câu hỏi thảo luận số 3 trang 126 SGK Địa lí 12: Dựa vào kiến thức đã học ở lớp 10, hãy nêu những đặc điểm chính của điểm công nghiệp.

Phương pháp giải:

Liên hệ.

Trả lời:

Đặc điểm chính của điểm công nghiệp:

- Là hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp ở cấp thấp nhất.

- Đồng nhất với một điểm dân cư.

- Gồm 1 đến 2 xí nghiệp nằm gần nguồn nguyên nhiên liệu công nghiệp hoặc vùng nguyên liệu nông sản.

- Không có mối liên hệ giữa các xí nghiệp.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 4 trang 126 SGK Địa lí 12: Hãy xác định một số điểm công nghiệp trên hình 26.2 (hoặc Atlat địa lí Việt Nam).
 
Giải Địa Lí 12 Bài 28: Vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp (ảnh 2)

Phương pháp giải:

Đọc bản đồ.

Trả lời:

Một số điểm công nghiệp như: Tĩnh Túc (Lào Cai), Yên Bái, Đồng Hới, Hà Tĩnh, Kon Tum, Buôn Ma Thuật, Đăk Nông…

Trả lời câu hỏi thảo luận số 5 trang 126 SGK Địa lí 12: Tại sao các khu công nghiệp tập trung lại phân bố chủ yếu ở Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng và Duyên hải miền Trung?

Phương pháp giải:

Phân tích.

Trả lời:

Các khu công nghiệp tập trung lại phân bố chủ yếu ở Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng và Duyên hải miền Trung vì:

- Đây là những vùng nằm trong các vùng kinh tế trọng điểm (phía Bắc, miền Trung và phía Nam).

- Có nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản tại chỗ phong phú.

+ Đông Nam Bộ có nguồn nguyên nhiên liệu về nông sản (cà phê, tiêu điều...), dầu mỏ khí đốt. Nằm gần vùng nguyên liệu giàu có ở Tây Nguyên.

+ Đồng bằng sông Hồng nguyên liệu về lương thực, gần Trung du Bắc Bộ là vùng giàu có về khoáng sản, nông sản, thủy sản.

+ Duyên hải miền Trung giàu có về nguồn lợi thủy sản, khoáng sản.

- Đây là những vùng có vị trí địa lí thuận lợi, tiếp giáp vùng biển, có hệ thống cảng biển lớn nước sâu, gần các đường hàng hải hàng không quốc tế, tập trung các đầu mối giao thông vận tải lớn nhất cả nước (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh).

- Dân cư đông đúc, nguồn lao động dồi dào.

- Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ công nghiệp khá tốt (Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng).

- Thị trường tiêu thụ rộng lớn ở trong và ngoài nước.

- Chính sách của nhà nước.

- Thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt Đông Nam Bộ thu hút hơn 50% vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 6 trang 127 SGK Địa lí 12: Hãy trình bày những đặc điểm chính của trung tâm công nghiệp?

Phương pháp giải:

Liên hệ kiến thức lớp 10.

Trả lời:

Những đặc điểm chính của trung tâm công nghiệp:

- Là hình thức ở trình độ cao, được hình thành chủ yếu trong quá trình công nghiệp hóa ở nước ta.

- Là khu vực tập trung công nghiệp gắn với các đô thị vừa và lớn, có vị trí địa lí thuận lợi.

- Mỗi trung tâm công nghiệp có thể gồm một hoặc một nhóm các xí nghiệp công nghiệp của nhiều ngành khác nhau, trong đó có các xí nghiệp hạt nhân hay nòng cốt. 

- Các xí nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với nhau về mặt kĩ thuật sản xuất, kinh tế và quy trình công nghệ.

- Có các xí nghiệp bổ trợ nhằm tiêu thụ sản phẩm, cung cấp nguyên liệu, sửa chữa máy móc, thiết bị, cung cấp hàng tiêu dùng cho nhu cầu dân cư.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 7 trang 127 SGK Địa lí 12: Quan sát hình 26.2 (hoặc Atlat Địa lí Việt Nam) hãy xác định các trung tâm công nghiệp rất lớn và lớn, nêu cơ cấu ngành của mỗi trung tâm?
Giải Địa Lí 12 Bài 28: Vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp (ảnh 3)

Phương pháp giải:

Đọc bản đồ.

Trả lời:

- Trung tâm công nghiệp rất lớn: TP. Hồ Chí Minh: Luyện kim đen, luyện kim màu, cơ khí, điện tử, sản xuất ô tô, đóng tàu, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, chế biến nông sản, sản xuất giấy, xenlulô.

- Các trung tâm công nghiệp lớn:

+ Hà Nội: Luyện kim đen, cơ khí, sản xuât ô tô, điện tử, hóa chất, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, sản xuất giấy, xenlulô.

+ Hải Phòng: Luyện kim đen, cơ khí, điện tử, đóng tàu, nhiệt điện, dệt may, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng.

+ Vũng Tàu: Luyện kim đen, cơ khí, đóng tàu, nhiệt điện, hóa chất, dệt may, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng.

+ Biên Hòa: Cơ khí, điện tử, hóa chất, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, sản xuất giấy, xenlulô.

+ Thủ Dầu Một: Cơ khí, điện tử, hóa chất, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, sản xuất giấy, xenlulô.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 8 trang 127 SGK Địa lí 12: Trình bày những đặc điểm chính của vùng công nghiệp?

Phương pháp giải:

Liên hệ kiến thức lớp 10.

Trả lời:

Đặc điểm của vùng công nghiệp:

- Là vùng lãnh thổ rộng lớn, trong đó bao gồm nhiều điểm công nghiệp, khu công nghiệp và trung tâm công nghiệp.

- Có mối liên hệ mật thiết với nhau về mặt sản xuất.

- Có những nét tương đồng trong quá trình hình thành công nghiệp trong vùng.

- Trong vùng có vài ngành công nghiệp chủ yếu, tạo nên hướng chuyên môn hóa của vùng.

Câu hỏi và bài tập (trang 127 SGK Địa lí 12)

Bài 1 trang 127 SGK Địa Lí 12: Thế nào là tổ chức lãnh thổ công nghiệp?

Trả lời:

Tổ chức lãnh thổ công nghiệp là sự sắp xếp, phối hợp giữa các quá trình và cơ sở sản xuất công nghiệp trên một lãnh thổ nhất định để sử dụng hợp lí các nguồn lực sẵn có nhằm đạt hiệu quả cao về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Bài 2 trang 127 SGK Địa Lí 12: So sánh các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp ở nước ta?

Phương pháp giải:

Tổng hợp và so sánh.

Trả lời:

Bảng so sánh các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp ở nước ta:
Giải Địa Lí 12 Bài 28: Vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp (ảnh 4)
Bài 3 trang 127 SGK Địa Lí 12: Dựa vào kiến thức đã có, bản đồ Công Nghiệp chung (hoặc Atlat Địa lí Việt Nam), hãy giải thích tại sao TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 trung tâm công nghiệp lớn nhất nước ta?

Phương pháp giải:

Đọc bản đồ và phân tích.

Trả lời:

TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 trung tâm công nghiệp lớn nhất nước ta vì hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lí, tự nhiên, kinh tế xã hội:

- Về vị trí địa lí:

+ Cả hai đều nằm trong vùng kinh tế trọng điểm: Hà Nội là trung tâm của Đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Băc và nằm trong tam giác tăng trưởng phía Bắc; TP. Hồ Chí Minh là trung tâm của Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

+ Nằm gần các cảng biển lớn và thông ra vùng biển phía Đông rộng lớn, có ý nghĩa giao lưu quốc tế vô cùng quan trọng. (Hà Nội gần cảng Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh có cảng TP. Hồ Chí Minh).

+ Nằm gần các vùng giàu có về nguyên, nhiên liệu (phía Bắc có Trung du miền núi Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng; phía Nam có Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long).

- Về tự nhiên: khí hậu nhiệt đới, địa hình đồng bằng rộng lớn bằng phẳng thuận lợi để xây dựng các nhà máy xí nghiệp; nguồn nước dồi dào.

- Sự phát triển của các ngành kinh tế khác: Hai TP có ngành nông nghiệp phát triển giúp cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến.

- Về kinh tế - xã hội:

+ Là nơi có dân cư tập trung đông đúc nhất cả nước, có trình độ dân trí cao và năng động. Đây vừa là lực lượng sản xuất vừa là thị trường tiêu thụ lớn.

+ Là hai thành phố đô thị từ lâu nên cơ sở vật chất kí thuật, cơ sở hạ tầng của cả hai đều khá hoàn thiện, có sức hút mạnh các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Là hai đầu mối giao thông vận tải lớn nhất cả nước (Hà Nội ở phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh ở miền Nam)-> rất thuận lợi cho hoạt động vận chuyển nguyên nhiên liệu, sản phẩm.

+ Nhà nước đang thực hiện chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp ở hai thành phố lớn này. Đây cũng là nơi đầu tiên được áp dụng các thành quả công nghệ hiện đại nhất.

+ Thu hút mạnh vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Lý thuyết Bài 28: Vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp

I. Khái niệm

- Tổ chức lãnh thổ công nghiệp là sự sắp xếp, phối hợp giữa các quá trình và cơ cấu sản xuất công nghiệp trên một lãnh thổ nhất định để sử dụng hợp lí các nguồn lực sẵn có nhằm đạt hiệu quả cao về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

 - Là một trong những công cụ hữu hiệu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

II. Các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp (Giảm tải)

Giải Địa Lí 12 Bài 28: Vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp (ảnh 5)

III. Các hình thức chủ yếu về tổ chức lãnh thổ công nghiệp

a. Điểm công nghiệp

- Chỉ bao gồm 1 hoặc 2 xí nghiệp đơn lẻ, các xí nghiệp thường được phân bố gần nguồn nguyên nhiên liệu hoặc nơi tiêu thụ.

- Ở nước ta có nhiều điểm CN.

b. Khu công nghiệp

- Đặc điểm:

+ Có ranh giới địa lí xác định.

+ Chuyên sản xuất công nghiệp và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp.

+ Không có dân cư sinh sống.

- Tình hình phát triển:

+ Hình thành từ những năm 90 của thế kỉ XX cho đến nay.

+ Đến tháng 8/2007 cả nước đã hình thành 150 KCN tập trung, khu chiết xuất, khu công nghệ cao.

- Phân bố: Tập trung nhất ở ĐNB, ĐBSH, Duyên hải miền Trung.

c. Trung tâm công nghiệp

- Là hình thức tổ chức lãnh thổ cao nhất ở trình độ cao. Đó là khu vực tập trung CN gắn với các đô thị vừa và lớn.

- Dựa vào vai trò của TTCN phân thành các nhóm:

+ Các trung tâm có ý nghĩa quốc gia: Hà Nội, TP. HCM.

+ Các trung tâm có ý nghĩa vùng: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ…

+ Các trung tâm có ý nghĩa địa phương: Việt Trì, Thái Nguyên, Vinh, Nha Trang…

- Dựa vào giá trị sản xuất CN: các trung tâm rất lớn, lớn, trung bình, nhỏ.

d. Vùng công nghiệp

- Có diện tích rộng bao gồm nhiều tỉnh, thành phố nhưng ranh giới chỉ mang tính quy ước.

- Theo qui hoạch của Bộ Công nghiệp (2001) cả nước được phân thành 6 vùng công nghiệp.


Đánh giá

0

0 đánh giá