Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Thuyết minh giải thích Hiện tượng thiên văn Ngữ văn 8 Kết nối tri thức gồm 6 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới.
Thuyết minh giải thích Hiện tượng thiên văn
Đề bài: Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên - hiện tượng thiên văn (nhật thực, nguyệt thực, mưa sao băng...).
Thuyết minh giải thích Hiện tượng thiên văn - siêu trăng
Siêu trăng là một hiện tượng tự nhiên còn khá mới mẻ và lạ lẫm so với nhật thực hay nguyệt thực.
Hiện tượng này xảy ra khi Mặt Trăng bước vào thời kì trăng tròn hoặc trăng non, có vị trí trùng với điểm cận địa. Nghĩa là Mặt Trăng nằm ở vị trí gần với Trái Đất nhất trên quỹ đạo quay của mình. Lúc này, nếu đứng từ Trái Đất sẽ thấy kích thước của Mặt Trăng lớn hơn hẳn ngày thường. Đây là một hiện tượng tự nhiên khá bình thường và không gây nên nhiều hiệu ứng đặc biệt như mưa sao băng hay nguyệt thực. Do đó, nó chỉ gây sự chú ý vào thời gian đầu được công bố mà thôi.
Có một nhóm người đã đưa ra các giả thuyết về sự liên kết giữa thủy triều của đại dương với hiện tượng siêu trăng. Họ cho rằng siêu trăng sẽ đẩy cao nguy cơ xuất hiện các hiện tượng tự nhiên cực đoan như động đât và sóng thần. Thậm chí là thúc đẩy những thế lực xấu xa, tàn ác bên trong con người. Tuy nhiên, giả thuyết này là hoàn toàn vô căn cứ và không có bất kì chứng minh nào cả. Bởi vì sự thay đổi của thủy triều khi có hiện tượng siêu trăng là do Mặt Trăng ở gần Trái Đất dẫn đến lực hút gây nên thủy triều mạnh hơn bình thường mà thôi. Nhưng dù lúc lực hút mạnh nhất thì chênh lệch của thủy triều cũng chỉ đạt mức vài inch mà thôi.
Hiện tượng siêu trăng không quá phổ biến và được nhiều người chú ý. Dù vậy, đây vẫn là một hiện tượng thú vị về tự nhiên cho chúng ta khám phá và theo dõi.
Thuyết minh giải thích Hiện tượng thiên văn - nhật thực
Một trong những hiện tượng tự nhiên được nhiêu người biết đến và săn đón, chính là hiện tượng nhật thực.
Nhật thực là tên gọi của hiện tượng được xảy ra khi Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời nằm trên cùng một đường thẳng. Lúc này, Mặt Trăng nằm ở giữa, nên nếu nhìn từ Trái Đất sẽ thấy Mặt Trăng che khuất đi mặt trời, khiến Trái Đất lâm thời chìm vào bóng tối hoàn toàn. Các nhà khoa học đã nghiên cứu quỹ đạo quay của các hành tinh, và kết luận rằng trong một năm có ít nhất hai lần và nhiều nhất là năm lần xảy ra hiện tượng nhật thực.
Tùy vào mức độ che khuất Mặt Trời của Mặt Trăng, hiện tượng nhật thực được chia thành ba loại. Thứ nhất là nhật thực toàn phần tức là hiện tượng Mặt Trăng hoàn toàn che khuất Mặt Trời. Tiếp theo là nhật thực hình khuyên tức là khi Mặt Trời và Mặt Trang cùng nằm chính xác trên cùng một đường thẳng, nhưng kích thước Mặt Trăng nhỏ hơn, nên vẫn có thể nhìn thấy một vòng khuyên tròn bao quanh Mặt Trăng. Loại thứ ba nhật thực một phần, lúc này Mặt Trời và Mặt Trăng không hoàn toàn thẳng hàng, nên Mặt Trăng chỉ che khuất được một phần nào đó của Mặt Trời mà thôi.
Thời gian diễn ra hiện tượng nhật thực không dài, chỉ trong một vài phút mà thôi. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã phải tính toán rất kĩ dựa vào chu kì quay và góc quay, cùng vị trí đứng, để có thể dự đoán được chính xác thời gian nhật thực xuất hiện.
Nhật thực là một hiện tượng thiên nhiên thú vị, hoàn toàn không có hại và ít khi xuất hiện, nên rất được săn đón. Nhiều người dân thích thú với việc chờ xem và chụp ảnh lưu niệm về hiện tượng này. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, chúng ta không được nhìn thẳng vào nhật thực bằng mắt thường, mà cần sử dụng các công cụ như mắt kính râm, ống nhòm… để bảo vệ đôi mắt của mình.
Thuyết minh giải thích Hiện tượng thiên văn - mưa sao băng
Mưa sao băng là một hiện tượng tự nhiên rất đẹp và ấn tượng, được nhiều người hào hứng chờ đón. Đi cùng với nó, là rất nhiều những truyền thuyết vô cùng thú vị.
Mưa sao băng là hiện tượng một nhóm những ngôi sao băng bay vụt qua bầu trời. Đó không phải là những ngôi sao mà chúng ta vẫn nhìn thấy trên cao rơi xuống, mà là các mảnh thiên thạch, hoặc bụi của sao chổi cũ, mảnh kim loại từ các tiểu hành tinh vỡ ra khi va chạm với nhau… Chúng bay xuyên qua khí quyển của Trái Đất với vận tốc rất lớn đến mức bốc cháy, tạo ra tia lửa và trở thành mưa sao băng mà chúng ta vẫn thấy. Trong đó, thường gặp nhất chính là các bụi khí của Sao Chổi bởi các ngôi sao chổi vốn là tổ hợp của băng và bụi, đá luôn bay quanh Mặt Trời. Chính dựa vào đặc điểm này, các nhà khoa học đã nghiên cứu quỹ đạo bay của Sao Chổi và Trái Đất để tìm ra giao điểm giữa chúng. Các số liệu này chênh lệch rất ít, nên hầu như chúng ta luôn có thể tính ra chu kì của các trận mưa sao băng. Tuy nhiên các con số này cũng mang tính tương đối vì cực điểm của các cơn mưa khi đã đi qua bầu khí quyển là không cố định và thay đổi theo năm. Chỉ khi gần đến ngày nó xuất hiện thì nhà thiên văn học mới đưa ra con số chính xác được.
Mỗi năm mưa sao băng có thể xuất hiện vài lần, thậm chí vào năm 2018 nó xuất hiện đến 30 lần. Nhưng không dễ để nhìn thấy chúng. Bởi các trận mưa này thường xảy ra vào ban ngày và chớp nhoáng. Dưới ánh sáng Mặt Trời thì thật khó để con người có thể quan sát chúng bằng mắt thường. Chỉ khi mưa sao băng xảy ra vào ban đêm, thì chúng ta mới có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của nó.
Nhiều người cho rằng mưa sao băng là điềm lành và nó có thể thực hiện được điều ước của người nhìn thấy nó. Một số nơi lại cho rằng mỗi khi có sao băng rơi xuống sẽ báo hiệu sự ra đi của một người hoặc một triều đại nào đó. Tuy nhiên đó chỉ là các lời suy đoán vô căn cứ, chưa được bất kì nghiên cứu nào chứng mình. Mặc dù vậy, việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hiện tượng tự nhiên này vẫn là một trong những điều mà con người đặc biệt yêu thích.
Thuyết minh giải thích Hiện tượng thiên văn - nguyệt thực
Nguyệt thực là hiện tượng thiên văn khi Mặt Trăng đi vào hình chóp bóng của Trái Đất, đối diện với Mặt Trời. Điều này chỉ có thể xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng hoặc xấp xỉ thẳng hàng với nhau, với Trái Đất ở giữa. Do vậy, nguyệt thực chỉ có thể xảy ra vào những ngày trăng tròn. Kiểu và chiều dài của nguyệt thực phụ thuộc vào vị trí của Mặt trăng so với các điểm nút quỹ đạo của nó.
Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi ánh sáng mặt trời trực tiếp bị bóng của Trái Đất che khuất hoàn toàn. Ánh sáng duy nhất nhìn thấy được là khúc xạ qua bóng tối của Trái Đất. Ánh sáng này có màu đỏ vì cùng lý do hoàng hôn có màu đỏ, do sự tán xạ Rayleigh của các tia sáng màu có bước sóng ngắn hơn. Bởi vì màu đỏ của nó, nguyệt thực toàn phần đôi khi được gọi là mặt trăng máu.
Không giống như nhật thực, mà chỉ có thể được nhìn thấy từ một khu vực nào đó tương đối nhỏ trên thế giới, nguyệt thực có thể được nhìn từ bất cứ nơi nào ở nửa tối của Trái Đất. Nguyệt thực kéo dài trong vài giờ, trong khi nhật thực toàn phần chỉ kéo dài trong vài phút tại bất kỳ vị trí nào do kích thước nhỏ hơn của bóng của Mặt trăng. Không giống như nhật thực, nguyệt thực có thể quan sát một cách an toàn bằng mắt thường vì hình ảnh nguyệt thực mờ hơn so với hình ảnh mặt trăng đầy đủ.
Nguyệt thực gồm có 3 loại chính. Đó là: nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất. Lúc này ánh trăng sẽ bị mờ đi và Mặt Trăng sẽ có màu đỏ đồng hoặc màu cam sẫm; Nguyệt thực một phần xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm trên đường gần thẳng. Lúc này ánh trăng sẽ bị mờ đi và Mặt Trăng bị khuyết đi một phần. Có thể nhìn thấy bóng của Trái Đất màu đen (hoặc màu đỏ sẫm) đang che khuất Mặt Trăng. Trong quá trình nguyệt thực toàn phần, nguyệt thực một phần có thể xuất hiện trước và sau khi nguyệt thực toàn phần.; Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trăng đi qua vùng nửa tối của Trái Đất. Lúc này ánh trăng sẽ mờ và Mặt Trăng sẽ mờ và tối đi.
Thuyết minh giải thích Hiện tượng thiên văn - mặt trời giả
Hiện tượng Mặt Trời giả hay Mặt Trời ma, có tên khoa học là parhelion (số nhiều là parhelia). Đây là một hiện tượng khí quyển, là các đốm sáng, thường thấy trên các cạnh của Quầng bên cạnh Mặt Trời.
Mặt Trời giả có thể xuất hiện như một đốm màu của ánh sáng ở bên trái hoặc bên phải của mặt trời, vị trí 22° và tại cùng một khoảng cách trên đường chân trời như Mặt Trời, trong quầng sáng băng. Chúng có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu trên thế giới trong bất cứ mùa nào, nhưng chúng không luôn luôn rõ ràng hoặc sáng. Mặt Trời giả dễ thấy nhất khi mặt trời ở vị trí thấp.
Hiện tượng Mặt Trời giả xuất hiện khi ánh sáng Mặt Trời trên cao đi qua các tinh thể băng trong không khí. Ngoài Mặt Trời thật ở vị trí trung tâm, người quan sát còn nhìn thấy hình ảnh phản chiếu ở hai bên.
Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ thấp hơn -30 độ C, không khí có nhiều hơi nước và các tinh thể băng.
Quầng tinh thể được nhìn thấy khi Mặt Trời ở gần đường chân trời, trên cùng mặt phẳng theo phương ngang của người quan sát và các tinh thể băng. Khi ánh sáng xuyên qua tinh thể băng, nó bị bẻ cong một góc khoảng 22 độ trước khi phản chiếu đến mắt.
Mặt trời giả được hình thành khi những tinh thể băng hình lục giác trong những đám mây ti ở trên cao và lạnh trong điều kiện thời tiết rất lạnh, bởi những tinh thể băng trôi dạt trong không khí ở cao độ thấp. Những tinh thể này tác dụng như những lăng kính, làm bẻ cong các tia sáng đi qua chúng. Khi các tinh thể rơi trong không khí, chúng bị canh thẳng đứng, làm khúc xạ ánh sáng mặt trời theo phương ngang nên mặt trời giả xuất hiện.
Khi mặt trời dâng lên cao, mặt trời giả thật sự có thể trôi giạt ra khỏi điểm 22 độ. Cuối cùng, mặt trời leo lên đến một điểm đủ cao thì mặt trời giả hoàn toàn biến mất.
Người Hi Lạp cổ đại đã nhận ra rằng mặt trời giả là điềm báo mưa khá chính xác. Những tinh thể băng tạo ra vầng hào quang và mặt trời giả cũng hình thành nên những đám mây ti, chúng tạo nên loại mây tiêu biểu báo trước sự ngưng tụ nước ấm áp.
Ngoải hiện tượng Mặt Trời giả còn có hiện tượng Mặt Trăng giả xuất hiện bên cạnh mặt trăng và hình thành do ánh sáng mặt trời đi xuyên qua các tinh thể băng. Mặt trăng giả, hay paraselenae, không xuất hiện thường xuyên như mặt trời giả vì chúng chỉ được nhìn thấy khi mặt trăng chiếu sáng và vì chúng xuất hiện vào ban đêm.
Thuyết minh giải thích Hiện tượng thiên văn - nguyệt thực
Cùng với nhật thực, nguyệt thực cũng là một hiện tượng tự nhiên thú vị, được nhiều người yêu thích và mong chờ.
Hiện tượng nguyệt thực xảy ra khi Trái Đất, Mặt Trời và Mặt Trăng nằm trên cùng một đường thẳng, trong đó Trái Đất nằm ở giữa. Ngoài ra, hiện tượng này còn cần một điều kiện quan trọng không kém đó là nó chỉ có thể xảy ra vào những ngày trăng tròn mà thôi. Lúc này, toàn bộ ánh sáng Mặt Trời sẽ bị bóng của Trái Đất che khuất, khiến Mặt Trăng không nhận được ánh sáng Mặt Trời và không thể phản chiếu lại bất kì ánh sáng nào cả. Đó chính là cách mà nguyệt thực diễn ra.
Mỗi lần xuất hiện, nguyệt thực có thể kéo dài trong vài giờ và có thể nhìn từ bất kì vị trí nào trên Trái Đất. Đặc biệt, con người có thể thoải mái quan sát hiện tượng này bằng mắt thường mà không lo bị ảnh hưởng. Đó là những ưu điểm của hiện tượng này so với nhật thực.
Hiện tượng nguyệt thực được chia thành hai loại dựa vào diện tích Mặt Trăng bị Trái Đất che khỏi tia sáng Mặt Trời. Nếu Mặt Trăng nằm hoàn toàn trong vùng tối của Trái Đất thì khi đó ánh trăng sẽ chuyển sang màu đỏ đồng hoặc cam sẫm, gọi là nguyệt thực toàn phần. Nếu Mặt Trăng chỉ nằm trong vùng tối Trái Đất một phần, phần còn lại vẫn tiếp nhận tia sáng Mặt Trời, thì ta có thể nhìn thấy bóng của Trái Đất màu đen hoặc đỏ sẫm che khuất một phần Mặt Trăng, gọi là nguyệt thực một phần. Trong đó, hiện tượng nguyệt thực một phần sẽ xuất hiện trước hoặc sau khi xảy ra nguyệt thực toàn phần.
Màu sắc của nguyệt thực tạo ra cho mặt trăng đã trở thành điểm nhấn của hiện tượng tự nhiên này. Nó thu hút nhiều người cùng xem và chụp ảnh lưu niệm. Đồng thời, vì màu đỏ đặc trưng mà hiện tượng này còn được nhiều người cho rằng là tín hiệu của một điều gì đó sắp xảy đến.