Sách bài tập Ngữ Văn 11 Đọc trang 51, 52, 61 | Chân trời sáng tạo

876

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Đọc trang 51, 52, 61 sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Ngữ Văn lớp 11 Đọc trang 51, 52, 61

A. Câu hỏi củng cố kiến thức, kĩ năng theo sách giáo khoa

Câu 1 trang 51 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Để truyền tải thông tin sinh động, hiệu quả, văn bản thông tin có thể sử dụng những cách thức cụ thể nào?

Trả lời:

Để truyền tải thông tin sinh động hiệu quả, văn bản thông tin có thể sử dụng kết hợp nhiều nguồn thông tin, nhiều cách trình bày (dạng chữ, dạng hình ảnh/ sơ đồ/ bảng biểu,...), nhiều phương thức biểu đạt (thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận,...).

Câu 2 trang 51 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Trình bày các yếu tố hình thức của văn bản thông tin.

Trả lời:

Văn bản thông tin có thể sử dụng một số yếu tố hình thức (bao gồm cả phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ) để biểu thị cách sắp xếp, cấu trúc thông tin trong văn bản hoặc làm cho các ý tưởng và thông tin hấp dẫn, sinh động, dễ hiểu. Chẳng hạn như: nhan đề; kí hiệu đánh dấu các phần, mục; chú thích cho hình ảnh; bảng số liệu; biểu đồ, sơ đồ, lược đồ; mô hình; bản đồ,...

Câu 3 trang 51 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phân biệt dữ liệu và thái độ, ý kiến, quan điểm của người viết trong văn bản thông tin.

Trả lời:

- Dữ liệu trong văn bản thông tin là sự thật hiển nhiên hoặc những phát biểu/ tuyên bố được xác minh bằng những bằng chứng cụ thể, được đo lường, quan sát một cách khoa học và mọi người công nhận. Vì thế, dữ liệu mang tính khách quan và là yếu tố làm nên tính chính xác, đáng tin cậy của văn bản thông tin.

- Thái độ, ý kiến, quan điểm của người viết trong văn bản thông tin thường được trình bày dưới dạng những phát biểu thể hiện niềm tin, cảm nhận hoặc suy nghĩ của người viết về một vấn đề / đối tượng nào đó. Ý kiến, quan điểm có thể được/ không được xác minh bằng sự thật hoặc chứng cứ cụ thể, vì đó có thể là những suy nghĩ cảm tính hoặc diễn giải của người viết về thông tin, dữ liệu. Vì vậy, thái độ, ý kiến và quan điểm thường mang tính chủ quan. Đó là lí do dẫn đến hiện tượng cùng một dữ liệu, nhưng có thể có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về dữ liệu ấy.

Câu 4 trang 52 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Chọn đáp án đúng để hoàn thành nhận định sau:

Trong văn bản thông tin, có hiện tượng có thể có nhiều (1).......... khác nhau về cùng một (2)........

a. (1) dữ liệu - (2) ý kiến, quan điểm.

b. (1) ý kiến, quan điểm - (2) dữ liệu.

c. (1) thông tin chi tiết - (2) dữ liệu.

d. (1) ý kiến, quan điểm - (2) thông tin cơ bản.

Trả lời:

Đáp án B

Câu 5 trang 52 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Thế nào là thông tin cơ bản của văn bản. Thông tin cơ bản và thông tin chi tiết trong văn bản có mối quan hệ với nhau như thế nào?

Trả lời:

Thông tin cơ bản của văn bản là thông tin quan trọng nhất mà người viết muốn truyền tải qua văn bản. Thông tin cơ bản được hỗ trợ bởi các thông tin chi tiết.

Câu 6 trang 52 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Trong văn bản thông tin, ý tưởng và thông tin, dữ liệu có thể được trình bày theo những cách nào?

a. Cấu trúc ý chính và nội dung chi tiết.

b. Cấu trúc trật tự thời gian.

c. Cấu trúc nguyên nhân – kết quả.

d. Cấu trúc so sánh – đối chiếu.

đ. Cấu trúc vấn đề – cách giải quyết.

e. Tất cả các cách trên.

Trả lời:

Đáp án E

Câu 7 trang 52 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới.

Sơn Đoòng không chỉ là hang động lớn nhất thế giới, mà còn ẩn chứa rất nhiều điều kì lạ. Muốn đến được Sơn Đoòng phải đi qua Hang Én – “hang động tự nhiên lớn thứ ba thế giới” (chỉ xếp sau Sơn Đoòng và hang Địa (Deer) của Ma-lai-xi-a (Malaysia)). Nguồn gốc của tên Hang Én là vì chim én sống ở đây quanh năm chứ không di cư. Mỗi năm vào khoảng giữa tháng Năm âm lịch, chim én lại ra rằng đồng loạt. Hang dài 1,6 km, trần hang có nơi cao đến 100m. Hang Én cũng là cái túi nước khổng lồ, nơi thu nước từ nhiều chỗ. Mùa mưa, nước dâng lên trong hang rất nhanh. Trong Hang Én có những khối đá vôi bị hoà tan, rửa lũa tạo thành những hình dạng độc đáo.

(Theo Ngọc Thanh, Hồng Minh, Tuyết Loan, Hồ Cúc Phương, Phan Anh, Mạnh Hà, Sơn Đoòng - thế giới chỉ có một)

a. Xác định thông tin cơ bản và thông tin chi tiết của đoạn văn trên. Mối liên hệ giữa những thông tin chi tiết trong đoạn văn trên là gì? Chúng có vai trò gì trong đoạn văn?

b. Chỉ ra dữ liệu và ý kiến của người viết trong đoạn văn trên.

c. Đoạn văn đã sử dụng (các) yếu tố hình thức nào để hỗ trợ việc biểu đạt nội dung chính?

d. Đoạn văn trên đã chọn cách trình bày thông tin nào? Bạn nhận xét gì về hiệu quả của cách trình bày ấy?

Trả lời:

a. Thông tin cơ bản của đoạn văn: Đặc điểm của Hang Én – “hang động tự nhiên lớn thứ ba thế giới” – cũng góp phần làm nên những điều kì lạ của hang Sơn Đoòng.

Thông tin chi tiết của đoạn văn: Nguồn gốc của tên Hang Én, độ dài của hang, độ cao của trần hang, đặc điểm trữ nước của hang, đặc điểm của những khối đá vôi trong hang. Các thông tin chi tiết liên kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau, cùng đảm nhận vai trò làm rõ, cụ thể hoá thông tin cơ bản.

b. Ý kiến của người viết trong đoạn văn: Sơn Đoòng không chỉ là hang động lớn nhất thế giới, mà còn ẩn chứa rất nhiều điều kì lạ. Dữ liệu trong đoạn văn: Muốn đến được Sơn Đoòng phải đi qua Hang Én – “hang động tự nhiên lớn thứ ba thế giới” (chỉ xếp sau Sơn Đoòng và hang Địa (Deer) của Ma-lai-xi-a (Malaysia)). Nguồn gốc của tên Hang Én là vì chim én sống ở đây quanh năm chứ không di cư. Mỗi năm vào khoảng giữa tháng Năm âm lịch, chim én lại ra ràng đồng loạt. Hang dài 1,6 km, trần hang có nơi cao đến 100 m. Hang Én cũng là cái túi nước khổng lồ, nơi thu nước từ nhiều chỗ. Mùa mưa, nước dâng lên trong hang rất nhanh. Trong Hang Én có những khối đá vôi bị hoà tan, rửa lũa tạo thành những hình dạng độc đáo.

c. Yếu tố hình thức được sử dụng trong đoạn văn để hỗ trợ cho việc biểu đạt nội dung chính: hình ảnh Cánh buồm nắng – Hang Én. Yếu tố hình thức ấy được sử dụng đã góp phần minh hoạ rõ hơn cho nội dung “Hang dài 1,6 km, trần hang có nơi cao đến 100 m. Hang Én cũng là cái túi nước khổng lồ, nơi thu nước từ nhiều chỗ”, tăng hiệu quả trực quan cho nội dung chính của đoạn văn “Sơn Đoòng ẩn chứa nhiều điều kì lạ”.

d. Đoạn văn trên đã chọn cách trình bày thông tin theo cấu trúc ý chính – nội dung chi tiết. Cách trình bày ấy góp phần làm rõ thông tin cơ bản của đoạn văn, giúp người đọc dễ nắm bắt thông tin chính. 

B. Câu hỏi thực hành đọc hiểu

Đọc văn bản trong SBT Ngữ văn 11 tr. 53-60 và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Câu 1 trang 61 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Xác định bố cục của văn bản. Nhận xét mối quan hệ giữa bố cục với nhan đề của văn bản.

Trả lời:

- Bố cục của văn bản:

+ Phần văn bản “Trong một năm, người Khơ-me có nhiều lễ hội truyền thống, nhưng đua ghe ngo là lễ hội được mong đợi và tập trung đông người tham gia nhất... điển hình là trong lễ hội đua ghe ngo”: Giới thiệu sơ lược vài nét về ghengo và lễ hội Oóc Om Bóc.

+ Phần văn bản “Na-ga ... Giai điệu ngũ âm đi vào lòng người, vang vọng trong không gian xóm ấp là tín hiệu của một cuộc sống ấm no, hạnh phúc”: Trình bày chi tiết các biểu tượng thiêng gắn liền với chiếc ghe ngo.

+ Phần văn bản “Có thể nói, ghe ngo là một biểu tượng văn hoá đặc sắc ... tạo nên bản sắc văn hoá của cộng đồng cư dân nơi đây”: Tóm tắt nội dung bài viết.

- Nhận xét: Mối quan hệ giữa bố cục ấy với nhan đề của văn bản: Nội dung văn bản phù hợp với nhan đề và bố cục, thể hiện rõ sự chi tiết hoá nội dung được gợi ra từ nhan đề.

Câu 2 trang 61 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Chỉ ra cách trình bày thông tin của các phần văn bản dưới đây và cho biết hiệu quả của các cách trình bày này:

 a. Hai bên mũi ghe có cặp mắt nổi, đuôi mắt cong vút được trang trí hoa văn như mắt rồng, phượng.... Tạo hình này tương tự như cặp mắt trên những chiếc ghe trong lễ hội nước ở vùng hồ Ton-lé Sáp (Tonle Sap) (Cam-pu-chia (Cambodia)).

b. Trong cấu tạo của ghe ngo, hai cây cần câu (cây kềm) có vai trò đặc biệt quan trọng... người nối phải là người khoẻ mạnh, có đạo đức, am hiểu về ghe ngo.

Trả lời:

Phần văn bản

Cách trình bày thông tin

Hiệu quả của cách trình bày

a. Hai bên mũi ghe có cặp mắt nổi, đuôi mắt cong vút được trang trí hoa văn như mắt rồng, phương ... Tạo hình này tương tự như cặp mắt trên những chiếc ghe trong lễ hội nước ở vùng ho Ton-lé Sap (Tonle Sap) (Cam-pu-chia (Cambodia)).

Phối hợp các cách trình bày thông tin sau:

- Ý chính (ý nghĩa của biểu tượng mắt ghe) và nội dung chi tiết (miêu tả hình dạng cặp mắt ghe, lí giải tục vẽ mắt ghe).

- So sánh - đối chiếu: Sự khác biệt trong cách tạo hình cặp mắt ghe ngo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long so với cách vẽ thông thường ở nhiều vùng miền khác.

Làm rõ ý nghĩa của biểu tượng mắt ghe trên chiếc ghe ngo.

b. Trong cấu tạo của ghe ngo, hai cây cần câu (cây kềm) có vai trò đặc biệt quan trọng ... người nối phải là người khoẻ mạnh, có đạo đức, am hiểu về ghe ngo.

Phối hợp các cách trình bày thông tin sau:

- Ý chính (vai trò đặc biệt quan trọng của hai cây cần câu (cây kềm) trong cấu tạo của ghe ngo) và nội dung chi tiết (chất  liệu làm cần câu; cách cột, đặt cần câu; chức năng của hai cần câu đối với ghe ngo).

- Nguyên nhân (Hai cây cần câu là biểu tượng của sức mạnh hội tụ (của các thành viên đội ghe và chiếc ghe) trong một sức mạnh duy nhất) - kết quả (người Khơ-me tin vào những yếu tố tâm linh trong việc thực hiện buộc hai cây cần ấy).

Làm rõ ý nghĩa của biểu tượng  cần câu trên chiếc ghe ngo.

 

Câu 3 trang 61 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Các yếu tố hình thức của văn bản có vai trò gì đối với việc biểu đạt thông tin chính của văn bản?

Trả lời:

- Nội dung chính của văn bản: Các biểu tượng thiêng gắn với chiếc ghe ngo trong văn hoá Khơ-me Nam Bộ.

- Vai trò của các yếu tố hình thức trong việc biểu đạt nội dung chính của văn bản.

+ Văn bản đã sử dụng một số yếu tố hình thức sau để hỗ trợ việc biểu đạt nội dung chính: Nhan đề, hệ thống đề mục, từ khoá in nghiêng và hình ảnh minh hoạ.

+ Tác dụng của các yếu tố hình thức đối với việc biểu đạt nội dung chính của văn bản: Nhan đề và hệ thống đề mục được sử dụng để làm rõ bố cục của văn bản, góp phần xác định, tóm tắt và làm nổi bật nội dung chính, đặc biệt là cách trình bày hệ thống từ khóa liên quan đến các biểu tượng thiêng gắn với chiếc ghe ngo (Na-ga, Mắt ghe, Thần ghe, Neak Tà hoặc nữ thần Neang Khmau, Cần câu, Nhạc ngũ âm) giúp người đọc có cơ sở định hướng tiếp nhận nội dung của văn bản; hình ảnh (Hình tượng thần rắn có ở đầu ghe ngo) có tác dụng minh hoạ trực quan cho thông tin về biểu tượng Na ga, làm cho thông tin của văn bản trở nên cụ thể, sinh động, dễ hình dung hơn với người đọc; phần chú thích bên dưới hình ảnh bổ sung thông tin cho hình ảnh, tạo sự kết nối giữa phương tiện phi ngôn ngữ với nội dung thông tin được hỗ trợ biểu đạt.

Câu 4 trang 61 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Xác định thông tin cơ bản và chi tiết của phần văn bản: “Trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ, Na-ga là nhân vật siêu nhiên có sức mạnh phi thường được đặc biệt tôn kính ... chiếc ghe trông giống hệt như một con rắn khổng lồ đang chuyển mình lướt vun vút”. Chỉ ra mối quan hệ giữa các chi tiết với thông tin cơ bản.

Trả lời:

Thông tin cơ bản của phần văn bản: Ý nghĩa biểu tượng thiêng Na-ga gắn với chiếc ghe ngo. Các chi tiết của phần văn bản: Hình ảnh Na-ga trong văn hoá Ấn Độ, văn hoá Khơ-me; hình tượng Na-ga trong các ngôi chùa Khơ-me mang tính biểu tượng về sự hợp nhất của văn hoá Ấn Độ với văn hoá bản địa; ý nghĩa của hình tượng Na-ga trong đời sống tâm linh của người Khơ-me; hình dáng chiếc ghe ngo mô phỏng hình dáng của rắn thần Na-ga.

Mối quan hệ giữa các chi tiết với thông tin cơ bản: Các chi tiết bổ sung cho nhau để triển khai cụ thể thông tin cơ bản; giải thích rõ hơn về ý nghĩa của biểu tượng Na-ga trên chiếc ghe ngo.

Câu 5 trang 61 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Người viết thể hiện thái độ gì trong văn bản?

Trả lời:

Thái độ của người viết thể hiện trong văn bản: Trân trọng các đặc trưng văn hoá Khơ-me gắn với chiếc ghe ngo được biểu hiện thông qua một hệ thống biểu tượng phong phú.

Câu 6 trang 61 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Bạn có đồng ý với quan điểm sau của người viết: “Nghiên cứu hệ thống các biểu tượng thiêng gắn với chiếc ghe ngo là một cách tiếp cận các giá trị văn hoá Khơ-me được hình thành qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá, dần định hình và trở thành đặc trưng văn hoá của cộng đồng Khơ-me ở Nam Bộ” Hãy lí giải.

Trả lời:

Em có đồng ý với quan điểm của người viết. Bởi lẽ, việc nghiên cứu này giúp chúng ta nắm được thông tin từ cơ bản đến cụ thể về tầm quan trọng của chiếc ghe ngo đối với văn hóa của người Khơ-me. Từ đó, chúng ta có cái nhìn trực quan, toàn diện về biểu tượng thiêng gắn với chiếc ghe ngo.

Đánh giá

0

0 đánh giá