Với tóm tắt lý thuyết Địa lí lớp 10 Bài 4: Trái đất, thuyết kiến tạo mảng sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa lí 10.
Địa lí lớp 10 Bài 4: Trái đất, thuyết kiến tạo mảng
Video giải Địa lí 10 Bài 4: Trái đất, thuyết kiến tạo mảng - Chân trời sáng tạo
A. Lý thuyết Địa lí 10 Bài 4: Trái đất, thuyết kiến tạo mảng
I. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH TRÁI ĐẤT
- Nguồn gốc hình thành hệ Mặt Trời: thiên thể trong hệ Mặt Trời hình thành từ một đám mây bụi và khí lạnh hình đĩa với các vành xoắn ốc quay tương đối chậm. Ở trung tâm có khối lượng bụi lớn, nhiệt độ tăng lên rất cao có các phản ứng hạt nhân bắt đầu xuất hiện, đã hình thành Mặt Trời.
Hệ Mặt Trời
- Nguồn gốc hình thành Trái Đất: những vành xoắn ốc ở phía ngoài kết tụ lại dưới tác dụng của trọng lực và trở thành các hành tinh, trong đó có Trái Đất. Sự tăng nhiệt làm nóng chảy vật chất ở bên trong lòng trái đất và sắp xếp thành các lớp: nhân, bao man-ti và vỏ Trái Đất.
II. VỎ TRÁI ĐẤT VÀ VẬT LIỆU CẤU TẠO VỎ TRÁI ĐẤT
1. Đặc điểm vỏ Trái Đất
- Trái Đất có cấu trúc gồm ba lớp: vỏ, man-ti và nhân.
- Vỏ Trái Đất là phần cứng ngoài cùng, độ dày từ 5 km dưới đáy đại dương đến 70 km ở lục địa. Trên cùng của vỏ Trái Đất thường là tầng trầm tích, ở giữa là tầng đá granit làm thành nền của các lục địa. Dưới tầng granit là tầng badan thường lộ ra dưới đáy đại dương
- Vỏ Trái Đất được phân ra thành hai kiểu chính là vỏ lục địa và vỏ đại đương.
2. Vật liệu cấu tạo vỏ Trái Đất
- Vỏ Trái Đất được cấu tạo bằng nhiều nguyên tố hoá học, chủ yếu là silic và nhôm (còn được gọi là quyển si-an), vật liệu cấu tạo nên Trái Đất chủ yếu là khoáng vật và đá.
+ Khoáng vật là những nguyên tố hoặc hợp chất hoá học được hình thành do các quá trình địa chất. Đa số khoáng vật ở trạng thái rắn (thạch anh, hematit, canxit,...), khoáng vật đơn chất (vàng, kim cương,...) hoặc hợp chất (canxit, thạch anh, mica,...)
+ Đá là tập hợp của một hay nhiều loại khoáng vật, đá được chia thành ba nhóm: Đá măcma (hình thành do kết tinh khối măcma nóng chảy trong vỏ Trái Đất hoặc trên bề mặt đất), đá trầm tích (hình thành do sự tích tụ, nén ép của các sản phẩm phá huỷ từ đá gốc) và đá biến chất (thành tạo từ đá măcma hoặc đá trầm tích bị biến đổi tính chất).
III. THUYẾT KIẾN TẠO MẢNG
1. Nội dung thuyết kiến tạo mảng
- Thuyết kiến tạo mảng ra đời vào những năm 60 của thế kỉ XX trên cơ sở thuyết “Lục địa trôi” của nhà bác học người Đức A.Vê-ghê-ne (Alfred Wegener). Ông cho rằng ở đại Cổ sinh, trên Trái Đất chỉ có một lục địa thống nhất, sau đó bị tách thành nhiều bộ phận rồi trôi dạt tạo nên các lục địa và đại dương ngày nay.
- Nội dung thuyết kiến tạo mảng: vỏ Trái Đất trong quá trình hình thành đã bị gãy vỡ, tách ra thành những mảng cứng gọi là mảng kiến tạo. Toàn bộ bề mặt Trái Đất (gồm vỏ Trái Đất và phần trên của lớp man-ti) chia thành 7 mảng lớn và một số mảng nhỏ.
+ Mỗi mảng kiến tạo vừa có vỏ lục địa vừa có vỏ đại dương, riêng mảng Thái Bình Dương chỉ có vỏ đại dương.
+ Các mảng kiến tạo nhẹ, nổi trên lớp vật chất quánh dẻo thuộc phần trên của lớp man-ti và dịch chuyển trên lớp này do hoạt động của các dòng đối lưu vật chất quánh dẻo và có nhiệt độ cao trong tầng man-ti trên.
+ Trong khi dịch chuyển, các mảng kiến tạo có thể tách rời nhau hoặc xô vào nhau.
2. Nguyên nhân hình thành các vùng núi trẻ, các vành đai động đất, núi lửa
- Trong khi dịch chuyển, các mảng kiến tạo có thể có 4 cách tiếp xúc với nhau là: tách rời nhau, xô vào nhau, hút chìm, trượt bằng
+ Khi hai mảng kiến tạo tách rời nhau xảy ra hiện tượng phun trào măcma tạo nên các dãy núi ngầm, kèm theo động đất, núi lửa,...
+ Khi hai mảng kiến tạo xô vào nhau, làm uốn nếp các lớp đá lên khỏi mặt đất, tạo ra các dãy núi cao, các vực biển sâu và sinh ra động đất, núi lửa.
+ Khi mảng đại dương chuyển động tiến sát vào mảng lục địa, nó bị hút chìm xuống dưới mảng lục địa, nâng rìa lục địa lên và uốn nếp các lớp đá trầm tích ở đáy đại dương thành các dãy núi lớn, thường kèm theo động đất, núi lửa,...
+ Khi hai mảng gặp nhau rồi dịch chuyển ngang gọi là trượt bằng sẽ tạo nên vết nứt lớn của vỏ Trái Đất dọc theo đường tiếp xúc.
B. Bài tập trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 4: Trái đất, thuyết kiến tạo mảng
Câu 1. Loại đá nào sau đây thuộc nhóm đá mac-ma?
A. Đá Hoa.
B. Đá Sét.
C. Đá ba-dan.
D. Đá gơ-nai.
Đáp án: C
Giải thích: Đá mac-ma (gra-nit, ba-dan,...): có các tinh thể thô hoặc mịn nằm xen kẽ nhau. Đá được hình thành từ khối mac-ma nóng chảy ở dưới sâu, nguội và rắn đi khi trào lên mặt đất.
Câu 2. Dựa vào tiêu chí nào sau đây để phân chia vỏ Trái Đất thành vỏ lục địa và vỏ đại dương?
A. Cấu tạo địa chất, độ dày.
B. Đặc tính vật chất, độ dẻo.
C. Sự phân chia của các tầng.
D. Đặc điểm nhiệt độ lớp đá.
Đáp án: A
Giải thích: Do có sự khác biệt về cấu tạo địa chất, về độ dày… nên vỏ Trái Đất được phân ra thành hai kiểu chính là vỏ lục địa và vỏ đại dương.
Câu 3. Loại đá nào sau đây thuộc nhóm đá trầm tích?
A. Đá ba-dan.
B. Đá Vôi.
C. Đá gơ-nai.
D. Đá gra-nit.
Đáp án: B
Giải thích: Đá trầm tích (đá sét, đá vôi, sa thạch,...): có các lớp vật liệu dày, mỏng với màu sắc khác nhau, nằm song song, xen kẽ với nhau. Đá được hình thành ở những miền đất trũng, do sự lắng tụ và nén chặt của các vật liệu phá huỷ từ các loại đá khác nhau.
Câu 4. Ở nước ta, vùng nào tập trung nhiều đá vôi nhất cả nước?
A. Tây Nguyên.
B. Đông Bắc.
C. Tây Bắc.
D. Bắc Trung Bộ.
Đáp án: B
Giải thích: Địa hình đá vôi ở nước ta tập trung chủ yếu ở miền Bắc. Một số điểm có đá vôi tập trung với khối lượng lớn như: Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ…
Câu 5. Nơi tiếp xúc của các mảng kiến tạo thường là nơi
A. có cảnh quan rất đa dạng.
B. vùng bất ổn của Trái Đất.
C. con người tập trung đông.
D. tập trung nhiều đồng bằng.
Đáp án: B
Giải thích:
Các mảng kiến tạo luôn dịch chuyển trên lớp vật chất quánh dẻo của Manti trên:
- Khi hai mảng tách xa nhau, ở các vết nứt tách dãn, macma sẽ phun trào lên, tạo thành các dãy núi ngầm, kèm theo hiện tượng động đất, núi lửa...
- Khi hai mảng lục địa xô vào nhau, chỗ tiếp xúc bị nén ép, dồn lại và nhô lên (mảng nọ xô chờm hoặc luồn xuống dưới mảng kia), hình thành các dãy núi, sinh ra động đất, núi lửa...
=> Như vậy, ở vùng tiếp xúc các mảng kiến tạo thường là vùng bất ổn của Trái Đất.
Câu 6. Chuỗi hồ Lớn ở cao nguyên Đông Phi được hình thành do tác động của
A. sự vận động nâng lên, hạ xuống.
B. động đất, thiên tai và con người.
C. các khúc uốn của sông, địa hình.
D. các vận động đứt gãy, tách giãn.
Đáp án: D
Giải thích: Hồ Lớn châu Phi hay Đại Hồ châu Phi là một chuỗi các hồ tạo thành một phần của các hồ thung lũng đứt gãy và xung quanh đới tách giãn Đông Phi. Hồ Lớn bao gồm hồ Victoria (hồ nước ngọt lớn thứ hai thế giới về diện tích bề mặt) và hồ Tanganyika (hồ lớn thứ hai thế giới về dung tích và hồ sâu thứ hai thế giới). Thuật ngữ Hồ Lớn cũng được sử dụng nhưng ít phổ biến.
Câu 7. Ở nước ta, vùng nào tập trung nhiều đá ba-dan nhất cả nước?
A. Bắc Trung Bộ.
B. Tây Nguyên.
C. Tây Bắc.
D. Đông Bắc.
Đáp án: B
Giải thích: Ở nước ta, đá ba-dan tập trung chủ yếu ở miền Nam. Đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên với các cao nguyên ba-dan xếp tầng rộng lớn, ngoài ra còn có ở vùng Đông Nam Bộ và rải rác ở một số tỉnh/thành khác trong cả nước.
Câu 8. Khoáng vật được hình thành do kết quả của quá trình nào sau đây?
A. Địa mạo.
B. Địa chất.
C. Địa hào.
D. Địa lũy.
Đáp án: B
Giải thích: Khoáng vật là những nhân tố tự nhiên hoặc hợp chất hóa học trong thiên nhiên, xuất hiện do kết quả của quá trình địa chất.
Câu 9. Loại đá nào sau đây thuộc nhóm đá biến chất?
A. Đá ba-dan.
B. Đá gơ-nai.
C. Đá gra-nit.
D. Đá Hoa.
Đáp án: D
Giải thích: Đá biến chất (đá gơ-nai, đá hoa,...): có các tinh thể màu sắc khác nhau. Đá được hình thành từ các loại đá mac-ma và trầm tích, bị thay đổi tính chất trong điều kiện chịu tác động của nhiệt độ cao và sức nén lớn.
Câu 10. Loại đá nào sau đây thuộc nhóm đá trầm tích?
A. Đá Hoa.
B. Đá ba-dan.
C. Đá gơ-nai.
D. Đá Sét.
Đáp án: D
Giải thích: Đá trầm tích (đá sét, đá vôi, sa thạch,...): có các lớp vật liệu dày, mỏng với màu sắc khác nhau, nằm song song, xen kẽ với nhau. Đá được hình thành ở những miền đất trũng, do sự lắng tụ và nén chặt của các vật liệu phá huỷ từ các loại đá khác nhau.
Câu 11. Loại đá nào sau đây thuộc nhóm đá biến chất?
A. Đá gra-nit.
B. Đá Vôi.
C. Đá ba-dan.
D. Đá gơ-nai.
Đáp án: D
Giải thích: Đá biến chất (đá gơ-nai, đá hoa,...): có các tinh thể màu sắc khác nhau. Đá được hình thành từ các loại đá mac-ma và trầm tích, bị thay đổi tính chất trong điều kiện chịu tác động của nhiệt độ cao và sức nén lớn.
Câu 12. Dãy núi trẻ Hi-ma-lay-a ở châu Á được hình thành do sự tiếp xúc của hai mảng kiến tạo nào sau đây?
A. Mảng Âu-Á và mảng Nam Cực.
B. Mảng Âu-Á và mảng Ấn Độ-Ôxtrâylia.
C. Mảng Âu-Á và mảng Phi-lip-pin.
D. Mảng Âu-Á và mảng Thái Bình Dương.
Đáp án: B
Giải thích: Dãy núi trẻ Hi-ma-lay-a ở châu Á được hình thành do sự tiếp xúc của 2 mảng kiến tạo là mảng Âu-Á với mảng Ấn Độ-Ôxtrâylia.
Câu 13. Dãy núi trẻ An-đet ở Nam Mĩ được hình thành do sự tiếp xúc của hai mảng kiến tạo nào sau đây?
A. Mảng Nam Mĩ và mảng Na-xca.
B. Mảng Nam Mĩ và mảng Âu-Á.
C. Mảng Nam Mĩ và mảng Bắc Mĩ.
D. Mảng Nam Mĩ và mảng Phi-lip-pin.
Đáp án: A
Giải thích: Dãy núi trẻ An-đet ở Nam Mĩ được hình thành do sự tiếp xúc của hai mảng kiến tạo Nam Mĩ và mảng kiến tạo Na-xca.
Câu 14. Sự hình thành của dãy núi trẻ Rôc-ki ở Bắc Mĩ do tác động của hai mảng kiến tạo nào sau đây?
A. Mảng Bắc Mĩ và mảng Âu-Á.
B. Mảng Bắc Mĩ và mảng Nam Mĩ.
C. Mảng Bắc Mĩ và mảng Na-xca.
D. Mảng Bắc Mĩ và mảng Phi.
Đáp án: B
Giải thích: Dãy núi trẻ Rôc-ki ở Bắc Mĩ được hình thành do sự tiếp xúc của hai mảng kiến tạo Bắc Mĩ và mảng kiến tạo Nam Mĩ.
Câu 15. Ở đại dương trong lớp vỏ Trái Đất không có tầng nào sau đây?
A. Trầm tích.
B. Granit.
C. Macma.
D. Badan.
Đáp án: B
Giải thích: Ở đại dương trong lớp vỏ Trái Đất có tầng trầm tích và tầng badan. Ở vỏ lục địa trong lớp vỏ Trái Đất có cả 3 tầng trầm tích, badan và granit -> Ở đại dương trong lớp vỏ Trái Đất không có tầng granit
Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Địa lí lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 3: Một số ứng dụng của GPS và bản đồ số trong đời sống
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 4: Trái đất, thuyết kiến tạo mảng
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 5: Hệ quả địa lí các chuyển động của trái đất
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 6: Thạch quyển, nội lực
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 7: Ngoại lực
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 8: Khí quyển, sự phân bố nhiệt độ không khí trên trái đất