Sách bài tập Ngữ văn 11 Bài 9: Văn bản nghị luận | SBT Văn 11 Cánh diều

2 K

Tailieumoi xin giới thiệu giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Bài 9: Văn bản nghị luận sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Ngữ Văn lớp 11 Bài 9: Văn bản nghị luận

I. Bài tập đọc hiểu

Tôi có một giấc mơ (Mác-tin Lu-Thơ Kinh)

Câu 1 trang 46 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Dòng nào không nêu đúng điều cần phải chú ý khi đọc hiểu văn bản nghị luận Tôi có một giấc mơ?

A. Tìm hiểu mục đích, ý đồ của người viết văn bản

B. Nhận diện mối quan hệ giữa luận đề, luận điểm với lí lẽ và dẫn chứng

C. Đánh giá vai trò của các yếu tố như kí hiệu, bảng biểu, hình ảnh trong văn bản

D. Xác định ý nghĩa và tác động của văn bản đối với bản thân người đọc.

Trả lời:

Đáp án C

Câu 2 trang 47 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Dòng nào nêu đúng và đầy đủ nhất thực tế đau khổ của người da đen trong phần (1) của văn bản Tôi có một giấc mơ.

A. Không được tự do, bị chia cắt, đói nghèo, bị lưu đày

B. Không được tự do, bị chia cắt, đơn độc, bị thù hận

C. Xiềng xích phân biệt chủng tộc, đói nghèo về vật chất

D. Xiềng xích phân biệt chủng tộc, lưu đày trên quê hương

Trả lời:

Đáp án A

Câu 3 trang 47 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tác giả nêu ra hàng loạt các thực tế đó của người da đen nhằm mục đích gì?

A. Giải thích lí do ra đời của bản sắc lệnh quan trọng: Tuyên ngôn Giải phóng con người

B. Giải thích lí do diễn ra một sự kiện được coi như cuộc tuần hành vĩ đại nhất vì hoà bình

C. Phơi bày những góc tối của xã hội Mỹ và tố cáo chính quyền đã để xảy ra tình trạng phân biệt chủng tộc

D. Thể hiện sự đồng cảm với những bất hạnh, đau khổ mà những người da đen đang phải chịu đựng

Trả lời:

Đáp án B

Câu 4 trang 47 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nhận định sau đây đúng hay sai: Ở phần (1), tác giả đã lập luận bằng cách đưa ra những thực tế trái ngược nhau (một trăm năm trước người da đen không được tự do, bị phân biệt chủng tộc – một trăm năm sau, dù đã ra đời bản Tuyên ngôn Giải phóng con người nhưng người da đen vẫn phải sống trên hòn đảo đơn độc của sự đói nghèo), từ đó, khẳng định ý nghĩa của sự kiện được coi như cuộc tuần hành vì hoà bình.

A. Đúng

B. Sai

Trả lời:

Đáp án B

Câu 5 trang 47 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Trong phần (2), để làm rõ luận điểm “Chúng ta không bao giờ thoả mãn.” trong cuộc “đấu tranh vì quyền con người”, tác giả đã đưa ra những lí lẽ nào? Vì sao người viết không đưa ra những dẫn chứng cụ thể?

Trả lời:

- Trong phần (2), để làm rõ luận điểm “chúng ta không thoả mãn.” trong cuộc “đấu tranh vì quyền con người”, tác giả đã đưa ra rất nhiều lí lẽ:

+ Người da đen vẫn là nạn nhân của sự sợ hãi trong im lặng trước hành vi tàn bạo của cảnh sát.

+ Người da đen chỉ có thể chuyển từ ngôi nhà ổ chuột nhỏ hơn sang ngôi nhà ổ chuột lớn hơn.

+ Vẫn còn người da đen ở Mi-xi-xi-pi (Mississippi) không được đi bầu cử,...

- Tác giả không đưa ra dẫn chứng cụ thể vì lí lẽ mà tác giả nêu ra rất cụ thể, ngay trong ; lí lẽ đã thấy bóng dáng của những dẫn chứng thực tế, vả lại những điều đó cũng khá phổ biến, ai cũng thấy nên có lẽ không cần nêu cụ thể một cá nhân nào, địa điểm, sự kiện nào.

Câu 6 trang 47 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Biện pháp tu từ nào đã được sử dụng nhiều lần trong văn bản? Hãy phân tích tác dụng của biện pháp này trong việc thể hiện mục đích, thái độ của người diễn thuyết.

Trả lời:

Biện pháp điệp ngữ, điệp cấu trúc câu. Ví dụ: Một trăm năm sau; Chúng ta không bao giờ thỏa mãn khi..., Tôi có một giấc mơ,...

Tác dụng:

- Tạo ra điệp khúc, khẳng định mục đích nhấn mạnh, thái độ quyết liệt, tình cảm mạnh mẽ của tác giả về những vấn đề muốn thể hiện (thực tế bất công của nạn phân biệt chủng tộc; khát vọng hòa bình, công lí).

- Tạo âm hưởng mạnh mẽ, hào hùng, tăng tính thuyết phục trong diễn thuyết cho người nói trước đông đảo người nghe.

Câu 7 trang 48 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Chọn một trong hai luận điểm sau và dùng lí lẽ, dẫn chứng cụ thể để làm sáng tỏ:

- “Giấc mơ” của Mác-tin Lu-thơ Kinh đến nay đã trở thành hiện thực.

- “Giấc mơ” của Mác-tin Lu-thơ Kinh đến nay chưa trở thành hiện thực.

Trả lời:

* Luận điểm: ““Giấc mơ” của Mác-tin Lu-thơ Kinh đến nay chưa trở thành hiện thực.”

- Lí lẽ:

+ Những người Châu Phi đầu tiên bị bắt làm nô lệ và đưa đến Mỹ 400 năm về trước, và họ đã cam chịu làm nô lệ trong suốt 250 năm trước khi cuộc Nội Chiến kết thúc chế độ này vào năm 1865.

+ Ngay cả khi đã tiến bộ qua học vấn và nỗ lực cá nhân, người Mỹ Da Đen thường xuyên vẫn phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực từ người Mỹ Da Trắng, các nhóm thù hận, nhân viên chính phủ và cảnh sát.

+ Bạo lực dựa trên phân biệt chủng tộc đã lan rộng và bao gồm cả những hành động khủng bố như đánh bom nhà thờ, tấn công người Da Đen khi họ dọn vào các khu vực Da Trắng,...

- Dẫn chứng:

+ Vào năm 1921, một cộng đồng Da Đen thành đạt ở Tulsa, Oklahoma bị đốt thiêu rụi bởi người da trắng được cảnh sát địa phương trang bị vũ khí, và 300 người bị giết chết.

+ Emmett Till, một thiếu niên 14 tuổi đã bị một nhóm đàn ông Da Trắng giết chết sau khi họ đặt ra cáo buộc là Till đã huýt sáo trêu chọc một người phụ nữ Da Trắng.

Câu 8 trang 48 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Một trong những nguyên nhân khiến nạn phân biệt chủng tộc đến nay vẫn chưa chấm dứt là do còn tồn tại một bộ phận người dân cho rằng mình thông minh hơn, tài giỏi hơn, dân tộc mình tiến bộ hơn, văn minh hơn những người và dân tộc khác. Bằng hiểu biết của mình, em hãy lập luận để phản bác quan điểm hoặc suy nghĩ trên.

Trả lời:

“Nhưng liệu thật sự có phải có những dân tộc thông minh thượng đẳng bên cạnh những dân tộc thấp kém trí tuệ? Có lẽ những bước phát triển của công nghệ đã khiến người ta loá mắt, và sự giải thích sai lầm trong quá khứ của thuyết tiến hoá và ngành di truyền học đã gây ra một tâm thức chung rằng những dân tộc nào còn sơ khai về khoa học và công nghệ chính là những dân tộc có gen di truyền kém cỏi hơn về trí tuệ. Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử nhân loại ở tầm mức đủ xa và đủ rộng, đến cả trước thời gian xuất hiện chữ viết (cách nay khoảng 5.000 năm), chắc hẳn chúng ta sẽ có quan niệm khác. Như nhà nghiên cứu nổi tiếng Jared Diamond đã chỉ ra, không hề có bất cứ một bằng chứng nào cho thấy có sự khác biệt về khả năng trí tuệ ở tầm mức sinh học giữa các dân tộc trên thế giới. Nói cách khác, về cơ bản, không có dân tộc nào thông minh hơn dân tộc nào. Sự khác biệt về tiến bộ khoa học kĩ thuật không đến từ yếu tố di truyền chủng tộc, mà từ các điều kiện tự nhiên và diễn trình lịch sử, đúng như nhận xét xác đáng của Jared Diamond trong Súng, vi trùng và thép: “nguyên nhân nằm ở những ngẫu nhiên về địa lí và địa sinh học, cụ thể là sự khác biệt giữa hai lục địa (châu u và châu Phi) về diện tích, trục chính, chủng loại cây dại và thú hoang ở đó... Diễn trình lịch sử của mỗi dân tộc một khác, đấy là do những khác biệt giữa môi trường sống của các dân tộc, chứ không phải do những khác biệt sinh học giữa bản thân các dân tộc đó.

Còn thế nào là văn minh, thế nào là tiến bộ? Tiêu chuẩn văn minh - tiến bộ lại do chính những người, những nước có sức mạnh về quân sự và khoa học kĩ thuật phát triển tự đặt ra. Vì vậy, thước đo căn bản của loại văn minh này chính là những bước tiến về khoa học công nghệ của một nhóm người, vốn kéo theo cấu trúc xã hội và hệ thống luật lệ đề vận hành cùng những gì tích hợp theo nó mà chúng ta có thể gọi chung là “văn hoá". Chắc hẳn cái hệ thống được xây đắp qua bao nhiêu thế kỉ đó có nhiều giá trị xứng đáng được gọi là văn minh. Nhưng liệu rằng những giá trị khác ngoài nó không được gọi là văn minh ư? Nói cho cùng, thước đo cho trí tuệ văn minh và khôn ngoan đích thật của con người phải thể hiện ở "chất lượng cuộc sống”, qua những yếu tố căn bản: hiểu biết và hài hoà với thiên nhiên, tương quan tốt lành với người khác, phát triển tính tự do và lòng thiện tâm. Xét trên nền tảng này. liệu chúng ta có gì hơn khi so sánh với những dân tộc sơ khai về mặt công nghệ, với những nhóm người có đời sống còn mang tính “săn bắt hái lượm” và có cấu trúc xã hội kiểu bộ lạc 7. Liệu ta còn dám lớn tiếng tự khen mình là "văn minh”, khi nhìn lại sự lệ thuộc của mình vào cấu trúc xã hội hiện đại, vào những lối sống bị kiểm soát bởi công nghệ, những tội ác giết hại giữa con người với nhau, và một môi trường bị huỷ hoại?".

Một thời đại trong thi ca (Trích Hoài Thanh)

Câu 1 trang 48 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Thời đại thi ca mà Hoài Thanh đề cập trong bài viết của mình diễn ra trong bao lâu?

A. Chín năm

B. Mười năm

C. Mười ba năm

D. Mười lăm năm

Trả lời:

Đáp án B

Câu 2 trang 48 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tác giả nào trong phong trào Thơ mới không được nhắc đến trong phần một của văn bản Một thời đại trong thi ca (trích)?

A. Hàn Mặc Tử

B. Thế Lữ

C. Nguyễn Bính

D. Xuân Diệu

Trả lời:

Đáp án A

Câu 3 trang 48 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Để thuyết phục người đọc về chiến thắng của thơ mới đối với thơ cũ, Hoài Thanh đã:

A. nêu thành công của nhiều nhà thơ mới

B. thống kê số lượng lớn các nhà thơ tiêu biểu

C. so sánh các nhà thơ mới và các nhà thơ khác

D. so sánh thời đại thơ mới với thời đại thơ cũ

Trả lời:

Đáp án D

Câu 4 trang 48 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Để làm rõ sự khác nhau giữa tinh thần thơ cũ và tinh thần thơ mới, tác giả đã lập luận như thế nào?

A. Phân tích bản chất của chữ “tôi” trong các sáng tác thơ ca trước đây và trong các bài thơ của các nhà thơ mới tiêu biểu

B. Lí giải về ý nghĩa của chữ “tôi” trong thơ mới, rồi chứng minh sự khác biệt của chữ “tôi” trong thơ Lý Thái Bạch và thơ Xuân Diệu

C. Làm rõ nội hàm của tinh thần thơ cũ và tinh thần thơ mới trong hai chữ “tôi” và “ta”, rồi chứng minh sự khác nhau về chữ “tôi” trong mỗi thời đại

D. Nêu đặc điểm riêng của từng cái “tôi” các nhà thơ mới (Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử,...) rồi khái quát đặc điểm chung của cái “tôi” thơ mới

Trả lời:

Đáp án C

Câu 5 trang 49 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Nội dung chính của phần (3) là gì? Có thể khái quát nội dung ấy bằng một luận điểm như thế nào?

Trả lời:

Phần (3) nói về cảm hứng bao trùm của thơ mới và tình yêu tiếng Việt của các nhà thơ mới. Luận điểm: Cảm hứng bao trùm của thơ mới là nỗi buồn và tình yêu quê hương của các nhà thơ mới được gửi gắm trong tình yêu tiếng Việt.

Câu 6 trang 49 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Hãy nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong các câu văn sau ở cuối phần (3): “Chưa bao giờ như bây giờ, họ hiểu câu nói can đảm của ông chủ báo Nam phong: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn.”.

Chưa bao giờ như bây giờ, họ cảm thấy tinh thần nòi giống cũng như các thể thơ xưa chỉ biến thiên chứ không sao tiêu diệt.

Chưa bao giờ như bây giờ, họ thấy cần phải tìm về dĩ vãng để vin vào những gì bất diệt đủ bảo đảm cho ngày mai.”.

Trả lời:

- Ở cuối phần (3), tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ lặp cú pháp: Chưa bao giờ như bây giờ, họ hiểu...; Chưa bao giờ như bây giờ, họ cảm thấy...; Chưa bao giờ như bây giờ, họ thấy…

- Tác dụng: Biện pháp này vừa giúp tác giả nhấn mạnh đặc điểm riêng trong tâm hồn các nhà thơ mới, vừa làm rõ các khía cạnh cụ thể, phong phú trong nhận thức và tình cảm của các nhà thơ mới đối với đất nước, dân tộc, đồng thời thể hiện một cách sâu sắc những đồng cảm của người viết với các thi nhân. Biện pháp trên còn tạo nhịp điệu cho câu văn, góp phần tạo nên tính hấp dẫn của văn bản về phương diện ngôn ngữ.

Câu 7 trang 49 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Đoạn văn sau cho thấy sự kết hợp của các phương thức biểu đạt nào? Tác dụng của sự kết hợp này trong việc bộc lộ quan điểm, thái độ của người viết là gì?

“Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.”.

Trả lời:

- Đoạn văn cho thấy sự kết hợp của các phương thức thuyết minh và biểu cảm.

- Tác dụng: vừa thuyết minh về đặc điểm hồn thơ của các nhà thơ mới vừa biểu lộ nhận định, đánh giá và sự thấu cảm của nhà phê bình văn học với các nhà thơ.

Câu 8 trang 49 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 6, SGK) Văn bản Một thời đại trong thi ca có đoạn:

“Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên,... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.”.

Đoạn văn trên giúp em có thêm những hiểu biết gì về:

- Đặc điểm ngôn ngữ trong văn bản nghị luận văn học (phê bình văn học) của Hoài Thanh?

- Phong trào Thơ mới 1932 – 1945?

Trả lời:

Đoạn văn bản “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên,... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.” cho thấy:

- Đặc điểm ngôn ngữ trong văn bản nghị luận văn học (phê bình văn học) của Hoài Thanh: giàu hình ảnh và chất thơ; câu văn có nhịp điệu, được tạo nên bởi những cấu trúc tương xứng lặp đi lặp lại như một điệp khúc.

- Phong trào Thơ mới 1932 – 1945 là một phong trào thơ ca phong phú về nội dung cảm xúc và đa dạng về cá tính sáng tạo. Đó là một trào lưu văn học với nhiều nhà thơ nổi tiếng.

Lại đọc chữ người tử tù của Nguyễn Tuân (Nguyễn Đăng Mạnh)

Câu 1 trang 49 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Ở phần (1) của văn bản, câu “Những nhà văn có phong cách đều tạo ra cho mình một thế giới nhân vật riêng” có chức năng gì?

A. Nêu luận đề cho bài viết

B. Nêu luận điểm của đoạn

C. Nêu lí lẽ làm rõ luận điểm

D. Nêu dẫn chứng

Trả lời:

Đáp án B

Câu 2 trang 50 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Phần (1) cho thấy tác giả đã lập luận theo hướng nào?

A. Từ khái quát đến cụ thể

B. Từ cụ thể đến khái quát

C. Tổng – phân – hợp

D. So sánh tầng bậc

Trả lời:

Đáp án A

Câu 3 trang 50 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Những nội dung phân tích cụ thể ở phần (2) đã làm sáng tỏ nhận định nào được tác giả nêu ra ở phần (1)?

A. Nguyễn Tuân là nhà văn tài hoa, luôn thể hiện cái “ngông” của mình bằng thái độ ngạo đời, khinh bạc

B. Thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân chỉ toàn là những những linh hồn đẹp còn sót lại của một thời đã qua, nay chỉ còn “vang bóng”

C. Ở thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân, những kẻ tiểu nhân phàm tục rất nhiều, đầy rẫy trong thiên hạ

D. Trong thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân, có loại người tài hoa nghệ sĩ, họ có nhân cách và “thiên lương”.

Trả lời:

Đáp án D

Câu 4 trang 50 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Phương án nào sau đây cho thấy tác giả đã sử dụng phép lập luận tăng tiến để thuyết phục người đọc về vẻ đẹp nhân cách và sự khác thường, độc đáo của các nhân vật trong truyện?

A. Chữ người tử tù dựng lên một thế giới tăm tối, tù ngục, trong đó kẻ tiểu nhân, bọn độc ác bất lương làm chủ

B. Đấy là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái tài, cái đẹp đối với cái nhem nhuốc tục tằn, của “thiên lương” đối với tội ác

C. Phân tích Chữ người tử tù, chẳng những cần đề cao cái thái độ không biết sợ của Huấn Cao, người quản ngục và viên thơ lại, mà còn phải biết ngợi ca cái biết sợ của những nhân vật này nữa

D. Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân dạy cho người ta hiểu rằng, muốn nên người, phải biết kính sợ ba điều này: cái tài, cái đẹp và cái thiên tính tốt của con người (thiên lương)

Trả lời:

Đáp án C

Câu 5 trang 50 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Em hãy chỉ ra ý kiến, giọng điệu của người viết trong đoạn văn sau:

“Nhưng thử nghĩ mà xem, con người không biết sợ cái gì trên đời này cả, liệu có phải là con người không? Cái gì cũng “vô uý”, cũng tỏ thái độ sắt thép, nghĩa là không biết mềm lòng trước bất cứ một cái gì, đây là loài quỷ sứ chứ đâu phải là người! Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân dạy cho người ta hiểu rằng, muốn nên người, phải biết kính sợ ba điều này: cái tài, cái đẹp và cái thiên tính tốt của con người (thiên lương). Vậy, kẻ nào không biết sợ cái gì hết, đó là loài quý sứ.”.

Trả lời:

Trong đoạn văn trên, người viết đã chỉ ra ý kiến, khẳng định quan điểm của mình: "muốn nên người, phải biết kính sợ ba điều này: cái tài, cái đẹp và cái thiên tính tốt của con người (thiên lương). Vậy, kẻ nào không biết sợ cái gì hết, đó là loài quỷ sứ”.

=> Đây là một giọng điệu dứt khoát với giọng văn trầm lắng, nhẹ nhàng nhưng cũng mãnh liệt.

Câu 6 trang 51 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Ngôn ngữ nghị luận ở phần (3) có đặc điểm gì đáng chú ý?

Trả lời:

Trong phần 3 này, tác giả đã sử dụng ngôn ngữ nhẹ nhàng, nhưng đồng thời cũng rõ ràng, dứt khoát, khẳng định được ý kiến của người viết.

Câu 7 trang 51 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Em có đồng ý với ý kiến sau đây của người viết không? Vì sao?

“Có những cái cúi đầu làm cho con người trở nên hèn hạ, có những cái lạy làm cho con người đê tiện. Nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sang trọng hơn.”.

Trả lời:

Em đồng ý với ý kiến trên vì trong cuộc sống, người ta vẫn luôn coi cái cúi đầu trước cường quyền, trước đồng tiền là những cái cúi đầu khiến chúng ta trở nên thấp hèn, đê tiện. Thế nhưng, cũng có những cái cùi đầu làm cho con người ta bỗng trở nên cao cả. Đó là những cái cúi đầu trước các đẹp, cái tốt. Ví dụ như cái cúi đầu của viên quản ngục trong Chữ người tử tù. Cái cúi lạy của ông ta không mang hàm ý xiểm nịnh, nịnh nọt. Nó là cái cúi đầu xuất phát từ cái tâm, từ lòng mến mộ tài năng, con người Huấn Cao. Đó là sự tôn trọng dành cho cái đẹp và cái cúi đầu đó trở nên ý nghĩa hơn, cao cả hơn.

Câu 8 trang 51 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 6, SGK) Viết một đoạn văn (khoảng 10 – 12 dòng) bình luận về một bài học mà em rút ra được sau khi học truyện Chữ người tử tù.

Trả lời:

“Chữ người tử tù” là một câu chuyện đầy cảm xúc về tràn ngập tính nhân văn của những con người trong ngục tù tăm tối. Đối với Huân Cao - người có tài viết chữ đẹp nhưng vì chống lại triều đình mà bị lãnh án tử hình, ông còn được miêu tả là một người tài năng hơn người, sở hữu một tấm lòng trong sáng và cao thượng. Dù phải đối diện với cái chết nhưng ông vẫn giữ được bản lĩnh và phong thái hiên ngang. Điều đặc biệt hơn nữa là con người ấy còn có một thiên lương trong sáng mà không phải ai trên đời ông cũng cho chữ. Ông chỉ tin tưởng và coi trọng ba người bạn tri kỉ trong cuộc đời mình. Tuy nhiên, khi hiểu được tấm lòng của quan coi ngục, ông đã mỉm cười cho quản ngục chữ. Điều đó cho thấy ông là người trân trọng người tài, trân trọng cái đẹp. Qua câu chuyện, em có thể rút ra trong mình bài học về nghệ thuật và phẩm chất con người. Nhân cách đẹp là sự kết hợp hài hòa giữa tài năng và tình cảm. Và cái đẹp luôn phải gắn kết với cái thiện, không thể tách rời. Cái đẹp không chỉ có ở những nơi đẹp đẽ nhất mà nó còn tồn tại trong những môi trường xấu xa và tàn ác. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nó sẽ suy tàn, mà ngược lại, nó sẽ trở nên sáng tỏ và mạnh mẽ hơn. Chỉ có cái đẹp mới có thể chinh phục được trái tim con người, giúp con người trở nên tốt đẹp hơn và cao hơn trong cuộc sống.

II. Bài tập tiếng Việt

Bài tập tiếng Việt trang 51, 52

Câu 1 trang 51 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Bài tập 1, SGK) Dưới đây là một số lỗi trên báo chí được liệt kê trong sách Lỗi ngữ pháp và cách khắc phục. Em hãy phân tích và sửa những lỗi đó.

a) Là một người con của vùng Kinh Bắc, âm nhạc của ông luôn thể hiện những giai điệu đậm đà của dân ca quan họ.

b) Là hoạ sĩ chuyên về sơn mài, tranh của ông mang cốt cách trang trọng nhưng cũng thật duyên dáng.

c) Đống trái cây vừa được chuyển đi hết lại được chở ùn ùn từ trong rẫy ra.

d) Trong đội hình có ba cầu thủ người Hàn Quốc vốn là một cường quốc bóng đá ở châu Á.

Trả lời:

a) Lỗi sai: thiết lập quan hệ ngữ nghĩa không phù hợp.

=> Sửa: Là một người con của vùng Kinh Bắc, ông luôn thể hiện trong âm nhạc của mình những giai điệu đậm đà của dân ca quan họ.

b) Lỗi sai: thiết lập quan hệ ngữ nghĩa không phù hợp.

=> Sửa: Là hoạ sĩ chuyên về sơn mài, ông mang cốt cách trang trọng nhưng cũng thật duyên dáng vào tranh của mình.

c) Lỗi sai: thiết lập quan hệ ngữ nghĩa không phù hợp.

=> Sửa: Đống trái cây được chở ùn ùn từ trong rẫy ra vừa được chuyển đi hết.

d) Lỗi sai: thiết lập quan hệ ngữ nghĩa không phù hợp.

=> Sửa: Đội hình có ba cầu thủ người Hàn Quốc, những cầu thủ thuộc cường quốc bóng đá ở châu Á.

Câu 2 trang 51 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Thành phần trạng ngữ trong các câu sau đặt có hợp lí không? Hãy phân tích sự bất hợp lí, gây nên sự mơ hồ trong các câu đó.

a) Từ cõi sâu thẳm của tâm hồn, anh dâng lên một niềm vui khó tả.

b) Trong cả chuyến bay, động cơ sau có lúc bị nghẹt xăng vào ngày cuối cùng.

c) Thơ Tản Đà sau Cách mạng vẫn còn gợi cảm.

Trả lời:

a) Trạng ngữ đặt chưa hợp lí.

- Sửa: Từ cõi sâu thẳm của tâm hồn anh, dâng lên một niềm vui khó tả.

b) Trạng ngữ đặt chưa hợp lí.

- Sửa: Trong cả chuyến bay, chỉ vào ngày cuối cùng, động cơ sau có lúc bị nghẹt xăng.

c) Trạng ngữ đặt chưa hợp lí.

- Sửa: Sau Cách mạng, thơ Tản Đà vẫn còn gợi cảm.

Câu 3 trang 51 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Bài tập 3, SGK) Lỗi chung của các câu dưới đây là gì? Nêu cách sửa những lỗi đó.

a) Trong tai nạn giao thông này đã cho ta thấy rõ tác hại của rượu bia.

b) Mới đây, qua điều tra chiều cao của học sinh trung học phổ thông cho thấy: nam cao 1,63 - 1.67 mét; nữ cao: 1,53 – 1,55 mét.

c) Qua bài viết “Tôi có một giấc mơ” của Mác-tin Lu-thơ Kinh đã góp thêm một tiếng nói về quyền bình đẳng của các dân tộc trên thế giới.

d) Nhìn căn phòng ước chưa đầy 16 mét vuông nhưng được chia làm ba phân, nơi tôi đang ngồi có hai chiếc bàn dài dùng làm nơi nghỉ của giáo viên trong giờ ra chơi.

Trả lời:

Lỗi chung tất cả các câu: câu thiếu chủ ngữ.

Cách sửa từng câu:

a) Trong tai nạn giao thông này, chúng ta thấy rõ tác hại của rượu bia.

b) Mới đây, qua điều tra chiều cao của học sinh trung học phổ thông, các nhà nghiên cứu cho thấy: nam cao 1,63 – 1,67 mét; nữ cao: 1,53 – 1,55 mét.

c) Bài viết “Tôi có một giấc mơ” của Mác-tin Lu-thơ Kinh đã góp thêm một tiếng nói về quyền bình đẳng của các dân tộc trên thế giới.

d) Căn phòng ước chưa đầy mười sáu mét vuông nhưng được chia làm ba phần, nơi tôi đang ngồi có hai chiếc bàn dài dùng làm nơi nghỉ của giáo viên trong giờ ra chơi.

Câu 4 trang 52 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Hãy chỉ ra nguyên nhân người viết câu không xác định rõ quan hệ ngữ nghĩa giữa chủ ngữ với trạng ngữ trong các ngữ liệu sau:

a) Sau khi thi đỗ, thầy chủ nhiệm tặng tôi quyển sách.

b) Sau 15 ngày gây án, công an bắt được anh ta.

c) Ngoài sự áp bức của vua chúa, nạn đói khổ, phu phen tạp dịch đè nặng lên đầu nông dân, ca dao trào phúng làm nhiệm vụ phản phong mãnh liệt.

Trả lời:

a) Mối quan hệ ngữ nghĩa giữa chủ ngữ và trạng ngữ trong câu này chưa phù hợp, làm cho câu chưa rõ ràng về diễn đạt.

- Sửa: Sau khi tôi thi đỗ, thầy chủ nhiệm tặng tôi quyển sách. (Hoặc: Sau khi thi đỗ, tôi được thầy chủ nhiệm tặng quyển sách.).

b) Mối quan hệ ngữ nghĩa giữa chủ ngữ và trạng ngữ trong câu này chưa phù hợp, gây mơ hồ:

- Sửa: Sau 15 ngày gây án, anh ta đã bị công an bắt.

c) Mối quan hệ ngữ nghĩa giữa chủ ngữ và trạng ngữ trong câu này chưa phù hợp, gây nhầm lẫn chủ thể của áp lực...

- Sửa: Ca dao trào phúng làm nhiệm vụ phản phong mãnh liệt vì sự áp bức của vua chúa, nạn đói khổ, phu phen tạp dịch đè nặng lên đầu nông dân.

III. Bài tập viết

Bài tập viết và nói - nghe trang 52, 53, 54, 55, 56, 57

Câu 1 trang 52 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Em có nhận xét gì về ý kiến sau đây (đúng / sai / không hoàn toàn đúng)? Vì sao?

“Viết bài nghị luận về một hiện tượng đời sống là viết bài văn trình bày ý kiến phân tích, trao đổi, bàn luận về một hiện tượng của đời sống văn hoá, nghệ thuật, văn học.”.

Trả lời:

Nhận định trên không hoàn toàn đúng vì hiện tượng đời sống không chỉ thu hẹp trong phạm vi văn hoá, nghệ thuật, văn học mà xuất hiện ở mọi lĩnh vực trong xã hội. Vì thế, cần sửa lại như sau: “Viết bài nghị luận về một hiện tượng đời sống là viết bài văn trình bày ý kiến phân tích, trao đổi, bàn luận về một hiện tượng của đời sống nhân sinh (chính trị, kinh tế, văn hoá, nghệ thuật, đạo đức, khoa học công nghệ, giáo dục, môi trường,...) mà người viết quan tâm.”.

Câu 2 trang 52 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Yêu cầu nào dưới đây cần phải chú ý khi viết bài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống:

a – Xác định đối tượng mà bài viết muốn hướng tới.

b – Xác định mục đích nghị luận.

c - Xác định nội dung cần thuyết trình.

d – Xác định các thao tác nghị luận phù hợp.

e – Xác định các phương thức hỗ trợ khác (miêu tả, tự sự, biểu cảm, thuyết minh).

g – Xác định cấu trúc bài báo cáo.

H – Lựa chọn tranh, ảnh, bảng biểu, số liệu đi kèm,...

i – Thu thập các tư liệu liên quan đến hiện tượng đời sống được bàn luận.

k – Tìm ý cho bài viết.

1 – Lập đề cương cho bài báo cáo.

m – Trung thành tuyệt đối với dàn ý khi viết, không được bổ sung, điều chỉnh.

Trả lời:

Những yêu cầu cần phải chú ý khi viết bài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống: a-b-d-e-h-i-k.

a - Xác định đối tượng mà bài viết muốn hướng tới.

b - Xác định mục đích nghị luận.

d - Xác định các thao tác nghị luận phù hợp.

e - Xác định các phương thức hỗ trợ khác (miêu tả, tự sự, biểu cảm, thuyết minh).

h - Lựa chọn tranh, ảnh, bảng biểu, số liệu đi kèm,..

i - Thu thập các tư liệu liên quan đến hiện tượng đời sống được bàn luận.

k - Tìm ý cho bài viết.

Câu 3 trang 53 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đọc bài viết sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới

(1) "Zeu ngey moi a hog zi zau, a zhe wua trug dzone, a zoi em wua Bih Qoi choi. Zeu a baz thi nhen tih e bit em koi pai zoi". Đây là một trong số các tin nhắn của những bạn trẻ. Việc các bạn trẻ tuổi mới lớn sử dụng tiếng lóng, ngôn ngữ thời @ để nói chuyện với nhau theo cách như trên không còn là hiện tượng lạ. Tuy nhiên, việc quá lạm dụng ngôn ngữ kiểu quái dị trong các diễn đàn hoặc nhắn tin qua điện thoại,... của một bộ phận giới trẻ thật sự đã đến mức báo động.

(2) Đã nghe nhiều và cũng từng đọc nhiều lần cái thứ ngôn ngữ là lạ của giới trẻ qua một vài tin nhắn mà cậu em trai gửi trước đây nhưng tôi thật sự sốc khi bắt gặp những dòng chữ kì quặc của một cô bạn đang là sinh viên năm thứ nhất. Lúc trước, khi em trai nhắn tin cho tôi với ngôn ngữ kiểu @ đó, tôi đã phải ngồi đọc mãi mới hiểu em ấy viết gì. Ví dụ như: “Em chut ar2 dzui dze trog ngey le tizh iu nha!” (tạm “dịch” là: Em chúc anh hai vui vẻ trong ngày lễ tình yêu nha!), hoặc là: “Ar2 ui, hum ney em bun wa...” (tạm “dịch” là: Anh hai ơi, hôm nay em buồn quá). Mặc dù khó đọc và khó luận là vậy, nhưng tôi vẫn có thể hiểu được ngôn ngữ mà em trai tôi nhắn, dù đó không phải là tiếng Việt, cũng không phải là tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, với những dòng tin nhắn mà cô bạn (sinh viên Trường Đại học Văn Lang) nhắn cho, tôi không thể nào dịch ra được những gì cô ấy muốn nói. Cụ thể: “Zeu ngey moi a hog zi zau, a zhe wua trug dzon e, a zoi em wua Bih Qui choi. Zeu a baz thi nhen tih e bit em koi pai zoi” hoặc một đoạn bị chuyển mã hoàn toàn ...†|CH¥ ]_CT (u “])C1] \[†| (u V°] §° ]°†|C1]\[.....???”,... Những tưởng chỉ một vài bạn trẻ mới lạm dụng kiểu ngôn ngữ Việt không ra Việt, Tây không ra Tây này, nào ngờ nó lại đang trở thành một thứ ngôn ngữ thông dụng trong giới tuổi teen hiện nay. Cái thứ ngôn ngữ quái đản ấy phổ biến rộng rãi đến mức tôi có thể bắt gặp nó bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu khi tham gia vào một vài diễn đàn, các forum chat hoặc các trang blog cá nhân. Có rất nhiều dẫn chứng về việc lạm dụng tiếng lóng làm cho ngôn ngữ “chính thống” bị méo mó, mất giá trị văn hoá, chẳng hạn như: “bùn wá mài nhỉ, lại gần hít nem lép 12 roài... thí tụi mìn ko đc zui như hồi nem ngoái, nghĩ vậy thoai mừ teo bùn ghê gúm... nhưng mìn hứa sẽ mãi lè bẹn thân, đeng wên teo dzà mái trừng iu zấu nì nha”. Với đoạn đối thoại trên, nếu không phải là “dân chat” chuyên nghiệp chắc hẳn bạn sẽ không thể hiểu nổi “đoạn văn” đó nói cái gì? Sau nhiều lần cố gắng, tôi đã có thể tạm dịch đoạn thoại trên như sau: “Buồn quá mày nhỉ, lại gần hết năm lớp 12 rồi. thế tụi mình không được vui như năm ngoái, nghĩ vậy thôi mà tao buồn ghê gớm... nhưng mình hứa sẽ mãi là bạn thân, đừng quên tạo và mái trường yêu dấu này nha”.

Không dừng lại ở những phiên bản ngôn ngữ tiếng Việt quái đản kiêu trên, tại một số trang blog cá nhân, các bạn tuổi teen còn giới thiệu cho những ai không đọc được ngôn ngữ thời @ này cách dùng phần mềm V2V (tạm xem là công cụ “dịch” tự động Việt sang Việt, và còn “dịch” được cả “ngôn ngữ siêu Việt”) để hiểu được nội dung của các câu, đoạn mà các bạn ấy đang sử dụng. Ví dụ: Tôj đâu co lỗj gì cơ chư (tôi đâu có lỗi gì cơ chứ), hoặc là 3m hj~u chjt ljn (Em hiểu chết liền)...

Ngôn ngữ tin nhắn và chat đang dần làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Những tưởng những thứ “ngôn ngữ trên sao Hoả” này sẽ bị chỉ trích, bài xích,... Vậy mà thật bất ngờ khi hiện nay có không ít tờ báo, đặc biệt là những tờ báo viết cho đối tượng tuổi mới lớn lại bê nguyên xi ngôn ngữ đời thường mà giới trẻ hay sử dụng vào ngôn ngữ báo chí để làm tăng tính biểu cảm, sinh động cho bài viết và gây được ấn tượng đối với độc giả. Ví dụ, mới đây trên trang viết của một tờ báo điện tử đã đăng: tiền thành xiền, tình yêu thành tình iu, ghét như con bọ chét, nhỏ như con thỏ, tin vịt, chạy mất dép, bó tay.com, bốc hơi (biến mất), đít chai (kính), 2 (hi - chào), 4U (For you – cho bạn), 2NT (Tonight – tối nay), G92U (Good night to you),... Tình trạng lạm dụng quá nhiều tiếng lóng, từ địa phương cũng như vậy mượn từ nước ngoài của một số tờ báo như thế đang ngày càng trở nên đáng lo ngại và cần được quan tâm điều chỉnh.

Trước thứ ngôn ngữ không giống ai như đã nêu trên, tôi tự hỏi không biết có phải vì những câu nói kiểu này dễ giao tiếp trong giới trẻ nên đang dần được cộng đồng, xã hội chấp nhận? Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa số lớp trẻ thích tạo cho mình một phong cách riêng không giống ai từ cách ăn, mặc, đi đứng cho đến cách sử dụng ngôn từ để tự khẳng định mình là người của thời đại mới. Một số em cho rằng ở lứa tuổi này mà sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ thì bị coi là “nhà quê”. Chính vì tâm lí không muốn thua bạn kém bè mà em này bắt chước em kia, từ đó xuất hiện một ngôn ngữ riêng dành cho tuổi “teen” và trở thành “mốt”. Việc lạm dụng ngôn ngữ chat của lớp trẻ thời @ không chỉ khiến cho các em mất dần vốn tiếng mẹ đẻ mà nó còn đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt, làm mất bản sắc văn hoá của dân tộc.

(3) Có thể khẳng định vấn đề sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ như đã nêu trên hết sức nhức nhối, thậm chí có thể coi là một hiện tượng xã hội rất đáng lo ngại. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của gia đình, nhà trường và xã hội để ngăn chặn tình trạng này. Đặc biệt, cần tăng cường giáo dục ngôn ngữ cho giới trẻ, nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cho thanh thiếu niên ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh. Cần có các biện pháp cụ thể để mỗi bạn trẻ có tinh thần tự tôn, lòng tự hào dân tộc về tiếng mẹ đẻ của mình, coi việc sử dụng đúng và hay tiếng Việt cũng là trách nhiệm của tuổi trẻ, là một biểu hiện của lòng yêu nước, của xã hội văn minh trong thời đại hội nhập.”.

(Theo Anh Nguyễn, báo Sài Gòn Giải phóng, số ra ngày 18-9-2012)

a) Hãy chỉ ra đối tượng chính mà bài viết muốn hướng tới.

b) Xác định mục đích của người viết.

c) Xác định phần mở bài, thân bài và kết bài của văn bản trên.

d) Phần mở bài nêu vấn đề gì?

e) Trong phần thân bài, tác giả đã trình bày những nội dung nào?

g) Người viết đã kết thúc bài viết ra sao?

h) Những dẫn chứng xác thực nào đã được người viết nêu ra để minh hoạ cho ý kiến của mình?

i) Chỉ ra các câu văn thể hiện rõ quan điểm, thái độ của tác giả.

Trả lời:

a) Đối tượng chính mà bài viết muốn hướng tới là các bạn trẻ, nhất là những bạn đang sử dụng kiểu ngôn ngữ biến tướng, “quái dị”.

b) Mục đích của người viết là gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các bạn trẻ và cả xã hội về một hiện tượng đáng lo ngại trong xã hội hiện đại – hiện tượng sử dụng ngôn ngữ theo kiểu kì quái, có nguy cơ làm mất sự trong sáng của tiếng Việt.

c) Mở bài là đoạn (1), thân bài là đoạn (2) và kết bài là đoạn (3).

d) Phần mở bài nêu hiện tượng lạm dụng ngôn ngữ kiểu quái dị trong các diễn đàn, tin nhắn điện thoại,... đến mức báo động của một bộ phận các bạn trẻ ngày nay.

e) Trong phần thân bài, tác giả đã lần lượt trình bày các nội dung về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ quái dị của các bạn trẻ việc sử dụng phần mềm chuyển dịch thứ ngôn ngữ ấy, chỉ ra một vài tờ báo cổ vũ cho kiểu sử dụng ngôn ngữ nêu trên và các nguyên nhân của hiện tượng ngôn ngữ này.

g) Người viết đã kết thúc bài viết bằng việc khẳng định hiện tượng trên là một ván đã đến mức báo động, đồng thời đề xuất một số giải pháp cần phải thực hiện đê ngăn chặn tình trạng trên, trả lại sự trong sáng cho tiếng Việt.

h) Để minh hoạ cho ý kiến của mình, người viết đã nêu ra khá nhiều dẫn chứng xác thực, cụ thể về việc sử dụng ngôn ngữ quái dị của các bạn trẻ. Chẳng hạn: “Em chut ar2 dzui dze trog ngey le tizh iu nha!” (tạm “dịch” là: Em chúc anh hai vui vẻ trong ngày lễ tình yêu nha!), hoặc “Ar2 ui, hum ney em bun wa...” (tạm “dịch” là: Anh hai ơi, hôm nay em buồn quá); hay “Zeu ngay moi a hog zi zau, a zhe wua trug dzon e, a zoi em wua Bih Qoi choi. Zeu a baz thi nhen tih e bit em koi pai zoi"; ""...†|CI¥]_CI (u "])CI]\[t] (μ°(" V°] §° 1°C]\[...???",...

i) Các câu văn thể hiện rõ quan điểm, thái độ của tác giả:

- Tuy nhiên, việc quá lạm dụng ngôn ngữ kiểu quái dị trong các diễn đàn hoặc tin nhắn điện thoại,... thật sự đã đến mức báo động.

- “ nhưng tôi thật sự sốc khi bắt gặp những dòng chữ kì quặc của một cô bạn đang là sinh viên năm thứ nhất” nào ngờ nó lại đang trở thành một thứ ngôn ngữ thông dụng trong giới tuổi teen hiện nay”.

- “Vậy mà thật bất ngờ khi hiện nay có không ít tờ báo, đặc biệt là những tờ báo viết cho đối tượng tuổi mới lớn lại bê nguyên xi ngôn ngữ đời thường mà giới trẻ hay sử dụng vào ngôn ngữ báo chí để làm tăng tính biểu cảm, sinh động cho bài viết và gây được ấn tượng đối với độc giả.”.

- “Có thể khẳng định vấn đề sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ như đã nêu trên hết sức nhức nhối, thậm chí có thể coi là một hiện tượng xã hội rất đáng lo ngại.”.

Câu 4 trang 55 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tìm ý và lập dàn ý cho đề văn sau: Những năm gần đây, số lượng các bạn trẻ Việt Nam đi du học gia tăng một cách đáng kể.

Trả lời:

* Tìm ý bằng cách trả lời các câu hỏi như:

- Hiện tượng đi du học nước ngoài của các bạn trẻ Việt Nam trong những năm gần đây gia tăng như thế nào?

- Vì sao có những năm gần đây số lượng các bạn trẻ Việt Nam đi du học có sự gia tăng một cách đáng kể?

- Hiện tượng nêu trên tốt hay không tốt, tích cực hay tiêu cực?

- Bản thân em có ý định du học không? Vì sao? Theo em, cách nhìn nhận đúng đắn và toàn diện đối với vấn đề du học là gì?

- Làm thế nào để việc đi du học nước ngoài của các bạn trẻ đem lại những điều tốt đẹp cho bản thân và cho đất nước?

* Lập dàn ý:

Mở bài: Nêu hiện tượng gia tăng đi du học nước ngoài của các bạn trẻ Việt Nam trong những năm gần đây.

Thân bài:

- Nêu các biểu hiện cụ thể của việc gia tăng đi du học nước ngoài của các bạn trẻ Việt Nam trong những năm gần đây.

Trình bày nguyên nhân dẫn tới hiện tượng nêu trên.

- Đưa ra ý kiến bàn luận về hiện tượng trên: tốt hay không tốt, tích cực hay

tiêu cực.

Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề bàn luận.

- Đưa ra các kiến nghị, giải pháp.

Câu 5 trang 55 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Dựa vào dàn ý đã thực hiện ở câu 4, hãy viết bài nghị luận xã hội bàn luận về hiện tượng gia tăng đi du học của các bạn trẻ Việt Nam trong những năm gần đây.

Trả lời:

Đã từ lâu thì việc du học đã trở thành con đường được giới trẻ quan tâm và chọn lựa để trau dồi thêm hành trang kiến thức cho tương lai sau này của chính bản thân mình. Cho nên việc du học nước ngoài là một trong những xu hướng, một phong trào như đang nở rộ trong những năm trở lại đây.

Hiện nay, ta như cũng thấy được cũng chính vấn đề bằng cấp được đẩy mạnh trong những năm gần đây hơn bao giờ hết. Sự thực cho thấy được rằng những tấm bằng ngoại là một ví dụ điển hình cho phong trào du học trong giới trẻ hiện nay. Và bằng học ở nước ngoài luôn được đánh giá cao đối với các nhà tuyển dụng trong nước. Có lẽ chính bởi vậy mà đa phần số đông những gia đình có một chút điều kiện, vốn liếng đều muốn hướng con em mình có một điều kiện học tập tốt nhất. Đặc biệt là được tiếp thu với lần tri thức nước ngoài sẽ có một giá trị cao hơn. Thực sự mà nói những tấm bằng ngoại nó dường như minh chứng cho chính khả năng mở rộng tương lai việc làm sau này

Có rất nhiều nguyên nhân để dẫn đến việc học sinh hiện nay rất muốn đi du học nước ngoài. Nguyên do đầu tiên cũng chính là đa số giới trẻ hiện nay đều có mơ ước được có một vé trong suất học bổng ở nước ngoài có thể được học tập ở đó thì thật sự tuyệt vời. Không những vậy trào lưu du học ko còn là khái niệm xa lạ và mới mẻ trong giới trẻ nữa, nên việc đi du học thực sự là một cơ hội lớn đến với tất cả các bạn học sinh cuối cấp, các bạn sinh viên của nước ta. Dễ dàng có thể nhận thấy được rằng, có rất nhiều năm trở lại đây ta như cũng nhận thấy được lại có các yếu tố khác cũng liên quan đến việc du học đó có thể kể ra như: Thời gian học và học phí bao nhiêu? Hay những câu hỏi như điều kiện nhập học là như thế nào? Quan trọng hơn nữa đó chính là trình độ ngoại ngữ luôn được giới trẻ quan tâm.

Chính bởi lẽ việc học sinh du học là con đường ngắn nhất để thực sự nâng cao tầm hiểu biết của mình trong các lĩnh vực chuyên môn đang theo đuổi. Vfa đồng thời cũng là con đường ngắn nhất để có thể giúp cho học sinh, sinh viên có thể nắm bắt những tri thức mới mẻ. Khi đó học sinh cũng có thể vận dụng thực hành trong các trường nước ngoài mà có lẽ là với những trường Đại học ở trong nước còn hạn chế về điều kiện nghiên cứu.

Thực tế, nếu chúng ta nói rằng chính kiến thức đem lại cho bạn cuộc sống tốt đẹp quả thật không hề ngoa chút nào. Nhưng đương nhiên bạn cũng phải nhớ và cũng phải xác định rõ ràng rằng kiến thức, việc học tập và ứng dụng kiến thức vào công việc. Tất cả những điều này cũng chính là những cái đem lại cho bạn một cuộc sống tốt. Nói thêm một thuận lợi nữa mà du học mang lại là nó cũng có ảnh hưởng bởi các yếu tố dân chủ trong các trường Đại học nước ngoài thật sự đem lại một môi trường dân chủ và tự lập cho mỗi sinh viên theo học. Việc sống nơi đất khách quê người cũng chính là một trong những cách mà khiến cho bản thân mỗi sinh viên luôn cần phải có sự tự lập rất lớn. Sự tự lập này cũng sẽ giúp cho bạn đứng vững trong tương lai sau này của chính bạn.

Bạn cũng có thể nhận thấy được nếu như ở trong các trường đại học ở trong nước ta thì chủ yếu là luôn luôn chú trọng những lý thuyết cho sinh viên. Còn đối với các trường Đại học ở nước ngoài thì lại có các hình thức dạy và học cực kỳ tiến bộ. Sự bắt buộc sinh viên phải tự học cũng như chủ động trong việc tiếp thu kiến thức thực sự là một trong những điều tốt mà ở môi trường đại học của nước ta còn non yếu.

Có thể nhận thấy được chính hệ thống Giáo dục Đại học Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ và cũng đã đạt được nhiều thành quả. Vậy thì các trường Đại học ở Việt Nam có thể học được gì từ hệ thống này? Nếu như so sánh nền giáo dục giữa hai quốc gia mà có sự kinh tế khách biệt, văn hóa khác nhau thì cũng có phần chênh lệch. Nhưng ta cũng nên học hỏi được cách thức tổ chức quản lý của đất nước tiến bộ này.

Thực sự có thể nhận thấy được phong trào du học của giới trẻ hiện nay là một con đường mới mẻ để phát huy khả năng sáng tạo. Thế rồi ta cũng như phải biết được những tri thức được nâng cao thì mới phù hợp với sự đổi mới của đất nước. Khi có kiến thức thì tương lai mới có thể được rộng mở. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận thấy được rằng chính ngoài khả năng trau dồi kiến thức nhân loại một cách thường xuyên ở nước ngoài thì một câu hỏi được đặt ra đó chính là liệu sau khi những sv giỏi và có đầy đủ tố chất của một người trẻ tài năng, và sau khi học tập ở nước ngoài thì giới trẻ còn có muốn quay về với Việt Nam để phục vụ cho đất nước của mình hay không? Và đây cũng chính là một trong những căn nguyên về nạn chảy máu chất xám đang ngày càng trầm trọng. Bởi nếu những người họ muốn về cống hiến cho đất nước thì đất nước chưa có những chính sách tốt để đãi ngộ họ cho hợp lý. Và cơ sở vật chất của nước ta không đủ để cho họ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu. Sự thật này cũng đã trở thành một câu hỏi mãi không lời đáp cho chúng ta. Cho nên, ta luôn nhớ rằng việc tiếp thu tri thức nhân loại sẽ luôn là điều cần thiết và việc có kiến thức và xây dựng đất nước là nghĩa vụ của mỗi người công dân Việt Nam. Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần phải có những chính sách ưu ái những nhân tài để họ có thể toàn tâm toàn ý giúp sức cho đất nước.

Trào lưu du học không còn là vấn đề quá xa lạ. Nhưng những học sinh, sinh viên cuối cấp hãy nên nhớ rằng dù học ở đâu thì cũng cần phải cố gắng, tự học. Có như thế thì mới có thể trau dồi kiến thức của mình hơn nữa trong cuộc sống, để cuộc sống có tri thức sẽ là một cuộc sống tươi sáng và hạnh phúc hơn.

Câu 6 trang 55 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tác giả đã tiến hành việc phân tích dẫn chứng như thế nào trong đoạn văn sau?

“Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tuỷ, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thôn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.”

(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)

Trả lời:

Tác giả đã chia tách dẫn chứng thành các khía cạnh cụ thể để làm rõ luận điểm và lí lẽ được nêu ra.

- Luận điểm: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.”,- Lí lẽ 1: “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.”

- Dẫn chứng 1:

+ “Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết..

+ “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.”.

+ “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.”.

+ “Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.”. − Lí lẽ 2: “Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tuỷ, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.”.

- Dẫn chứng 2:

+“Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.”.

+ “Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng”.

+“Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng”.

+ “Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.”

Câu 7 trang 56 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Xác định từ ngữ phù hợp với mỗi chỗ trống trong các đoạn sau:

(luận điểm, lệch lạc, lí lẽ, luận cứ, bác bỏ, sai lầm, thuyết phục, dẫn chứng, cái sai, khách quan, tất cả, quá)

Ý nghĩa

+ Trong thực tế đời sống, có những ý kiến..., những quan điểm..., cần phải bác bỏ để bảo vệ những điều đúng đắn.

+ Nghị luận là nghệ thuật... Để thuyết phục, cần biết bác bỏ. Muốn..., cần hiểu rõ yêu cầu và cách thức bác bỏ.

Đặc điểm

+ Bác bỏ là dùng... và....để thuyết phục người khác từ bỏ những ý kiến, quan điểm..., từ đó, có nhận thức và hành động đúng. + Nội dung bác bỏ: luận điểm hoặc... hay cách thức lập luận của đối tượng.

+ Cách thức bác bỏ: dùng thực tế hoặc phép suy luận,... để chỉ ra, phân tích... hoặc điểm tồn tại, hạn chế của..., luận cứ hoặc lập luận.

Yêu cầu

+ Khi bác bỏ, cần có thái độ..., đúng mực, lịch sự.

+ Cần cân nhắc từng khía cạnh, tránh vội vàng bác bỏ, phủ nhận...

+ Không nên đưa ra ý kiến bác bỏ một cách chung chung, tránh nói... hoặc nói chưa tới.

Trả lời:

Ý nghĩa

+ Trong thực tế đời sống, có những ý kiến sai lầm, những quan điểm lệch lạc, cần phải bác bỏ để bảo vệ những điều đúng đắn.

+ Nghị luận là nghệ thuật thuyết phục. Để thuyết phục, cần biết bác bỏ. Muốn bác bỏ, cần hiểu rõ yêu cầu và cách thức bác bỏ.

Đặc điểm

+ Bác bỏ là dùng lí lẽ và dẫn chứng để thuyết phục người khác từ bỏ những ý kiến, quan điểm sai lệch, từ đó, có nhận thức và hành động đúng. + Nội dung bác bỏ: luận điểm hoặc luận cứ hay cách thức lập luận của đối tượng.

+ Cách thức bác bỏ: dùng thực tế hoặc phép suy luận,... để chỉ ra, phân tích cái sai hoặc điểm tồn tại, hạn chế của luận điểm, luận cứ hoặc lập luận.

Yêu cầu

+ Khi bác bỏ, cần có thái độ khách quan, đúng mực, lịch sự.

+ Cần cân nhắc từng khía cạnh, tránh vội vàng bác bỏ, phủ nhận tất cả.

+ Không nên đưa ra ý kiến bác bỏ một cách chung chung, tránh nói quá hoặc nói chưa tới.

 

Câu 8 trang 56 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Trong đoạn văn sau, người viết đã bác bỏ quan điểm nào? Cách thức bác bỏ là gì?

“Nhiều đồng bào chúng ta, để biện minh việc từ bỏ tiếng mẹ đẻ, đã than phiền rằng tiếng nước mình nghèo nàn. Lời trách cứ này không có cơ sở nào cả. Họ chỉ biết những từ thông dụng của ngôn ngữ và còn nghèo những từ An Nam hơn bất cứ người phụ nữ và nông dân An Nam nào. Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu?

Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm của Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết những tác phẩm tương tự?

Phải quy lỗi cho sự nghèo nàn của ngôn ngữ hay sự bất tài của con người?

(Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻ ... nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức)

Trả lời:

Quan điểm bị bác bỏ: “Nhiều đồng bào chúng ta, để biện minh việc từ bỏ tiếng mẹ đẻ, đã than phiền rằng tiếng nước mình nghèo nàn”.

Cách thức bác bỏ: Bằng thực tiễn (“Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu?”) kết hợp suy luận (“Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm của Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết những tác phẩm tương tự?”).

Câu 9 trang 57 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Em sẽ làm gì để chuẩn bị cho bài thuyết trình theo các yêu cầu dưới đây?

- Chủ đề: Trình bày ý kiến về hiện tượng sinh dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam.

- Đối tượng nghe: các bạn HS cùng lớp.

- Thời gian trình bày: 15 phút.

- Phương thức trình bày: trình bày miệng kết hợp trình chiếu bằng phần mềm PowerPoint.

Trả lời:

Để chuẩn bị cho bài thuyết trình có trình chiếu bằng phần mềm PowerPoint về chủ đề: Trình bày ý kiến về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam, cho đối tượng nghe là các bạn học sinh cùng lớp, trong thời gian 15 phút, cần thực hiện các việc sau:

- Lập dàn ý cho bài thuyết trình.

- Viết nội dung cụ thể cho bài thuyết trình.

- Lựa chọn các ý chính để trình bày bằng phần mềm PowerPoint.

- Căn cứ vào nội dung thuyết trình, có thể tìm chọn các hình ảnh, đoạn văn,... để minh hoạ cho sinh động.

- Tập trình bày, kết hợp ngôn ngữ nói với điệu bộ, cử chỉ và điều khiển máy tính, máy chiếu (nếu có).

Câu 10 trang 57 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nếu là người nghe bài thuyết trình về Hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam, em sẽ chuẩn bị những gì để có thể tham gia trao đổi, thảo luận một cách tích cực, hiệu quả?

Trả lời:

Với tư cách là một người nghe, để có thể tham gia trao đổi, thảo luận một cách tích cực, hiệu quả trong buổi thảo luận về chủ đề “Hiện tượng sinh dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam”, cần làm các việc sau:

- Tìm hiểu trước một số thông tin về “Hiện tượng sinh dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam” thông qua Internet, sách báo và thực tiễn giao tiếp của các bạn trẻ mà bản thân đã chứng kiến.

- Dự kiến một số câu hỏi, nội dung sẽ trao đổi, trong đó, cần thể hiện rõ quan điểm và cách lí giải của cá nhân.

- Chuẩn bị các phương tiện (bút, giấy,...) để ghi chép các nội dung thuyết trình cũng như các câu hỏi, băn khoăn nảy sinh trong quá trình lắng nghe.

Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 5: Truyện ngắn

Bài 6: Thơ

Bài 7: Tùy bút, tản văn, truyện kí

Bài 8: Bi kịch

Bài 9: Văn bản nghị luận

Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì 2

Đánh giá

0

0 đánh giá