Vở thực hành KHTN 8 Bài 43: Quần xã sinh vật | Kết nối tri thức

605

Với giải Vở thực hành Khoa học tự nhiên 8 Bài 43: Quần xã sinh vật sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong VTH Khoa học tự nhiên 8. Mời các bạn đón xem:

Giải VTH Khoa học tự nhiên 8 Bài 43: Quần xã sinh vật

Bài 43.1 trang 69 Vở thực hành KHTN 8Kể tên một số quần thể có trong Hình 43.1 SGK KHTN 8.

Lời giải:

Một số quần thể có trong Hình 43.1: Quần thể hoa sen, quần thể vịt, quần thể rong, quần thể cua, quần thể cá rô phi, quần thể chuồn chuồn, quần thể bướm,…

Bài 43.2 trang 70 Vở thực hành KHTN 8Lấy thêm ví dụ về quần xã sinh vật và chỉ ra các thành phần quần thể trong quần xã đó

Lời giải:

Ví dụ về quần xã sinh vật:

- Quần xã sinh vật vùng sa mạc. Gồm các thành phần quần thể như: quần thể xương rồng, quần thể cây bao báp, quần thể thằn lằn,…

- Quần xã sinh vật rừng nhiệt đới. Gồm các thành phần quần thể như: quần thể cây dương xỉ, quần thể cây chuối hột, quần thể rắn hổ mang, quần thể thỏ, quần thể hổ,…

Bài 43.3 trang 70 Vở thực hành KHTN 8Hãy sắp xếp các quần xã trong Hình 43.2 SGK KHTN 8 theo thứ tự giảm dần về độ đa dạng. Tại sao lại có sự khác biệt lớn về độ đa dạng giữa các quần xã này?

Lời giải:

- Thứ tự giảm dần về độ đa dạng của các quần xã trong Hình 43.2: Rừng mưa nhiệt đới → Rừng ôn đới → Đồng cỏ → Sa mạc.

- Có sự khác biệt lớn về độ đa dạng giữa các quần xã này chủ yếu là do điều kiện khí hậu khác nhau ở mỗi vùng: Rừng mưa nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm, tương đối ổn định thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loài sinh vật nên có độ đa dạng cao. Ngược lại, sa mạc có khí hậu nắng hạn khắc nghiệt dẫn đến có ít loài sinh vật có thể thích nghi để sinh trưởng và phát triển nên có độ đa dạng thấp.

Bài 43.4 trang 70 Vở thực hành KHTN 8Lấy ví dụ về loài ưu thế trong quần xã

Lời giải:

Ví dụ về loài ưu thế trong quần xã: Lúa là loài ưu thế trong quần xã ruộng lúa; một số loài như cây sồi xanh, thành ngạch là loài ưu thế trong quần xã rừng ở Vườn quốc gia Ba Vì,…

Bài 43.5 trang 70 Vở thực hành KHTN 8Cho các loài sinh vật gồm lim xanh, gấu trắng, hổ, lạc đà, lúa nước, đước. Em hãy xác định loài đặc trưng tương ứng với các quần xã sinh vật: Bắc Cực, sa mạc, rừng ngập mặn.

Lời giải:

- Loài đặc trưng của quần xã sinh vật bắc cực: gấu trắng.

- Loài đặc trưng của quần xã sinh vật sa mạc: lạc đà.

- Loài đặc trưng của quần xã sinh vật rừng ngập mặn: đước.

Bài 43.6 trang 70 Vở thực hành KHTN 8Thảo luận về hiệu quả của các biện pháp sau trong việc bảo vệ đa dạng sinh học trong quần xã:

Biện pháp

Hiệu quả

Bảo vệ môi trường sống của các loài trong quần xã

 

Cấm săn bắn động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng

 

Trồng rừng ngập mặn ven biển

 

Phòng chống cháy rừng

 

Lời giải:

Biện pháp

Hiệu quả

Bảo vệ môi trường sống của các loài trong quần xã

Bảo vệ không gian sống của quần xã; bảo vệ các quần thể trong quần xã.

Cấm săn bắn động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng

Ngăn cản quá trình giảm đa dạng sinh học trong quần xã; ngăn cản quá trình tuyệt chủng của các loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Trồng rừng ngập mặn ven biển

Giúp chống sa mạc hóa, suy thoái đất, giảm phát thải khí nhà kính,… từ đó, bảo vệ các quần xã trong đất liền.

Phòng chống cháy rừng

Bảo vệ môi trường sống của sinh vật; bảo vệ sự đa dạng của quần xã.

Bài 43.7 trang 71 Vở thực hành KHTN 8Tập hợp các sinh vật nào dưới đây được coi là một quần xã?

A. Đồi cọ ở Vĩnh Phúc.

B. Những con hổ sống trong vườn bách thú.

C. Đàn voi trong rừng.

D. Tôm, cá trong Hồ Tây.

Lời giải:

Đáp án đúng là D

Tôm, cá trong Hồ Tây được coi là một quần xã vì đây là một tập hợp các quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau, cùng sống trong một khoảng không gian và thời gian nhất định, giữa các sinh vật trong quần xã có mối quan hệ gắn bó với nhau.

Bài 43.8 trang 71 Vở thực hành KHTN 8Đặc trưng nào sau đây có ở quần xã mà không có ở quần thể?

A. Mật độ cá thể.

B. Tỉ lệ giới tính.

C. Thành phần nhóm tuổi.

D. Độ đa dạng.

Lời giải:

Đáp án đúng là D

Quần xã là một tập hợp các quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau nên có đặc trưng về độ đa dạng. Còn quần thể là tập hợp cá thể cùng loài (đồng nhất về thành phần loài) nên không có đặc trưng về độ đa dạng.

Bài 43.9 trang 71 Vở thực hành KHTN 8Độ đa dạng của một quần xã được thể hiện ở

A. số lượng cá thể trong quần xã.

B. thành phần loài phong phú.

C. mật độ cá thể của từng loài.

D. sự có mặt cả động vật và thực vật.

Lời giải:

Đáp án đúng là B

Độ đa dạng của quần xã được thể hiện bằng mức độ phong phú về số lượng loài và số lượng cá thể của mỗi loài trong quần xã. Quần xã nào có số lượng loài và số lượng cá thể của mỗi loài càng lớn thì quần xã có độ đa dạng càng cao.

Bài 43.10 trang 71 Vở thực hành KHTN 8Loài ưu thế là loài có vai trò quan trọng trong quần xã do

A. số lượng cá thể nhiều.

B. sức sống mạnh, sinh khối lớn, hoạt động mạnh.

C. có khả năng tiêu diệt các loài khác.

D. số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn, hoạt động mạnh.

Lời giải:

Đáp án đúng là D

Loài ưu thế là loài có số lượng cá thể nhiều, hoạt động mạnh nên đóng vai trò quan trọng trong quần xã.

Bài 43.11 trang 71 Vở thực hành KHTN 8: Trong rừng U Minh, cây tràm là loài

A. ưu thế.

B. đặc trưng.

C. đặc biệt.

D. có số lượng nhiều.

Lời giải:

Đáp án đúng là B

Trong rừng U Minh, cây tràm là loài đặc trưng.

Đánh giá

0

0 đánh giá