Lý thuyết Địa lí 10 Bài 37 (Kết nối tri thức 2024): Địa lí ngành thương mại và ngành tài chính ngân hàng

3 K

Với tóm tắt lý thuyết Địa lí lớp 10 Bài 37: Địa lí ngành thương mại và ngành tài chính ngân hàng sách Kết nối tri thức hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa lí 10.

Địa lí lớp 10 Bài 37: Địa lí ngành thương mại và ngành tài chính ngân hàng

Video giải Địa lí 10 Bài 37: Địa lí ngành thương mại và ngành tài chính ngân hàng - Kết nối tri thức

A. Lý thuyết Địa lí 10 Bài 37: Địa lí ngành thương mại và ngành tài chính ngân hàng

I. Thương mại

1. Vai trò và đặc điểm   

a. Vai trò

- Với kinh tế:

+ Là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng

+ Điều tiết sản xuất, giúp trao đổi hàng hóa được mở rộng, thúc đẩy sản xuất phát triển

Với các lĩnh vực khác:

+ Định hướng tiêu dùng, tạo tập quán tiêu dùng mới

+ Thúc đẩy phân công lao động giữa các lãnh thổ trong nước và trên thế giới

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 37: Địa lí ngành thương mại - Kết nối tri thức  (ảnh 1)

Hoạt động thương mại (minh họa)

b. Đặc điểm

- Là quá trình trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa bên bán và bên mua, tạo ra thị trường.

- Chịu tác động của quy luật cung cầu.

- Không gian hoạt động thương mai không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà còn giữa các quốc gia với nhau.

- Được đo lường bằng cán cân xuất nhập khẩu.

+ Nếu giá trị xuất khẩu nhiều hơn giá trị nhập khẩu: Xuất siêu

+ Nếu giá trị nhập khẩu nhiều hơn giá trị xuất khẩu: Nhập siêu

- Sự kết hợp giữa thương mai và công nghệ đã dẫn đến sự bùng nổ của thương mại điện tử.

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố

- Vị trí địa lí: Hình thành đầu mối thương mại, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại phát triển.

- Trình độ phát triển kinh tế và lịch sử - văn hóa: Ảnh hưởng tới cơ cấu thương mại, quy mô phát triển thương mại.

Đặc điểm dân cư: Ảnh hưởng đến sức mua và nhu cầu của người dân, hình thành mạng lưới thương mại.

Khoa học - công nghệ: Thay đổi cách thức, loại hình thương mại.

- Toàn cầu hóa - hội nhập quốc tế: Thúc đẩy đầu tư quốc tế, phát triển ngoại thương, hình thành các tổ chức thương mại quốc tế.

3Tình hình phát triển và phân bố

- Nội thương:

Phát triển cả về không gian trao đổi sản phẩm, số lượng và chất lượng sản phẩm.

+ Quy mô thị trường hàng hóa ngày càng phát triển, hàng hóa phong phú đa dạng.

+ Việc mua bán diễn ra ở các cửa hàng bán lẻ, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

+ Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, thay đổi thị trường truyền thống.

- Ngoại thương:

+ Thị trường toàn cầu, xu hướng toàn cầu hóa kinh tế đang là xu hướng quan trọng nhất.

+ Thương mại quốc tế tăng nhanh cả số lượng và giá trị hàng hóa.

+ Mặt hàng nhập khẩu: Dầu thô, linh kiện điện tử, ô tô, lương thực, dược phẩm

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 37: Địa lí ngành thương mại - Kết nối tri thức  (ảnh 1)

Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu trên thế giới, giai đoạn 1990 - 2019

II. Tài chính ngân hàng

1. Vai trò và đặc điểm

a. Vai trò

- Là huyết mạch của nền kinh tế, động lực cho nền kinh tế phát triển.

- Cung cấp các dịch vụ tài chính, đảm bảo các hoạt động đầu tư và sản xuất diễn ra liên tục, góp phần điều tiết sản xuất và ổn định nền kinh tế.

- Xác lập các mối quan hệ tài chính trong xã hội, góp phần tạo việc làm, tăng năng suất lao động.

- Thông qua các hoạt động toàn cầu, thúc đẩy toàn cầu hóa nền kinh tế.

b. Đặc điểm

- Là lĩnh vực rất rộng, gồm nhiều hoạt động ngân hàng, tài chính doanh nghiệp, tài chính công, tài chính quốc tế…

- Do tính rủi ro và có phản ứng dây chuyền trong hệ thống nên sản phẩm tài chính ngân hàng thường được hiện theo quy trình nghiêm ngặt.

- Khách hàng lựa chọn dịch vụ dựa vào tính thuận tiện, an toàn, lãi suất, phí dịch vụ.

- Chất lượng sử dụng đánh giá trong và sau quá trình sử dụng.

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố

- Nhu cầu phát triển kinh tế, khả năng tài chính của người dân ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tài chính ngân hàng.

- Phân bố trung tâm kinh tế, dân cư, quần cư ảnh hưởng đến phân bố, quy mô cơ sở giao dịch tài chính ngân hàng.

- Khoa học công nghệ ảnh hưởng đến hoạt động, năng suất lao động của ngành.

3. Tình hình phát triển

- Xuất hiện từ lâu và phát triển ở nhiều quốc gia.

- Là ngành trụ cột của các nước phát triển và ngày càng phát triển ở các nước đang phát triển.

- Đóng góp lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

- Trung tâm tài chính lớn: Niu Oóc, Luân Đôn, Thượng Hải, Tô-Ky-ô…

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 37: Địa lí ngành thương mại - Kết nối tri thức  (ảnh 1)

B. Bài tập trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 37: Địa lí ngành thương mại và ngành tài chính ngân hàng

Câu 1. Phát biểu nào sau đây đúng với ngoại thương?

A. Phục vụ nhu cầu tiêu dùng của từng cá nhân trong xã hội.

B. Góp phần đẩy mạnh chuyên môn hoá sản xuất theo vùng.

C. Góp phần làm tăng thêm nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

D. Làm nhiệm vụ trao đổi hàng hoá, dịch vụ trong một nước.

Đáp án: C

Giải thích: Ngoại thương là hoạt động thương mại diễn ra giữa các quốc gia trên thế giới, thông qua việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới, khai thác được các lợi thế bên trong và tạo động lực phát triển kinh tế.

Câu 2. Ngành tài chính - ngân hàng không có đặc điểm nào sau đây?

A. Sản phẩm thường được thực hiện theo các quy trình nghiêm ngặt.

B. Nhu cầu của khách đa dạng, phong phú và thường có tính thời vụ.

C. Tài chính ngân hàng là một lĩnh vực rất rộng và nhiều hoạt động.

D. Gồm hai bộ phận khăng khít với nhau là tài chính và ngân hàng.

Đáp án: B

Giải thích:

- Tài chính ngân hàng gồm hai bộ phận khăng khít với nhau là tài chính và ngân hàng.

- Tài chính ngân hàng là một lĩnh vực rất rộng, bao gồm nhiều hoạt động.

- Do tính rủi ro cao và có phản ứng dây chuyền trong hệ thống nên sản phẩm tài chính ngân hàng thường được thực hiện theo những quy trình nghiêm ngặt.

- Khách hàng lựa chọn dịch vụ tài chính ngân hàng dựa vào tính thuận tiện, sự an toàn, lãi suất và phí dịch vụ. Chất lượng sản phẩm thường chỉ có thể được đánh giá trong và sau khi sử dụng dịch vụ.

Câu 3. Sản phẩm tài chính ngân hàng thường được thực hiện theo những quy trình nghiêm ngặt chủ yếu là do nguyên nhân nào sau đây?

A. Gồm hai bộ phận khăng khít với nhau, khó tách rời nhau.

B. Một lĩnh vực rất rộng, bao gồm nhiều hoạt động đa dạng.

C. Tính thuận tiện, nhanh chóng, lãi suất và phí dịch vụ cao.

D. Tính rủi ro cao và có phản ứng dây chuyền trong hệ thống.

Đáp án: D

Giải thích: Do tính rủi ro cao và có phản ứng dây chuyền trong hệ thống nên sản phẩm tài chính ngân hàng thường được thực hiện theo những quy trình nghiêm ngặt.

Câu 4. Khách hàng lựa chọn dịch vụ tài chính ngân hàng dựa vào

A. các nguồn tài sản, doanh thu, đối tượng phục vụ.

B. tính thuận tiện, sự an toàn, lãi suất và phí dịch vụ.

C. việc đánh giá trước, trong, sau khi sử dụng dịch vụ.

D. tính thân thiện, sự an toàn, lãi suất và phí dịch vụ.

Đáp án: B

Giải thích:Khách hàng lựa chọn dịch vụ tài chính ngân hàng dựa vào tính thuận tiện, sự an toàn, lãi suất và phí dịch vụ. Chất lượng sản phẩm thường chỉ có thể được đánh giá trong và sau khi sử dụng dịch vụ.

Câu 5. Vai trò của thương mại đối với đời sống người dân là

A. thúc đẩy hình thành các ngành chuyên môn hoá.

B. thay đổi cả về số lượng và chất lượng sản xuất.

C. thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ.

D. thay đổi thị hiếu tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng.

Đáp án: D

Giải thích: Vai trò của thương mại đối với đời sống người dân là hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra tập quán tiêu dùng mới, thị hiếu mới và thay đổi thị hiếu tiêu dùng.

Câu 6. Nguyên nhân nào sau đây làm cho thông qua hoạt động nhập khẩu, nền kinh tế trong nước tìm được động lực phát triển mạnh mẽ?

A. Nền sản xuất trong nước tìm được thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn.

B. Hoàn thiện kĩ thuật và công nghệ sản xuất, cơ sở nguyên vật liệu.

C. Nền sản xuất trong nước đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng.

D. Ngoại tệ thu được dùng để tích luỹ và nâng cao đời sống nhân dân.

Đáp án: B

Giải thích: Nguyên nhân làm cho thông qua hoạt động nhập khẩu, nền kinh tế trong nước tìm được động lực phát triển mạnh mẽ là việc hoàn thiện kĩ thuật và công nghệ sản xuất, cơ sở nguyên vật liệu -> Tạo ra sản phẩm mới, chất lượng và giá trị, đáp ứng được nhu cầu của nhiều thị trường.

Câu 7 biểu nào sau đây không đúng với nội thương?

A. Phục vụ nhu cầu tiêu dùng của từng cá nhân trong xã hội.

B. Góp phần làm tăng thêm nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

C. Làm nhiệm vụ trao đổi hàng hoá, dịch vụ trong một nước.

D. Góp phần đẩy mạnh chuyên môn hoá sản xuất theo vùng.

Đáp án: B

Giải thích: Hoạt động nội thương là điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển, tạo ra thị trường thống nhất trong nước và đẩy mạnh phân công lao động giữa các vùng. Nội thương thúc đẩy tái sản xuất, góp phần làm tăng nhu tiêu dùng, là cơ sở đẩy mạnh hoạt động ngoại thương, gắn kết thị trường trong nước với thị trường quốc tế. Nội thương đáp ứng mọi nhu cầu của sản xuất và đời sống, lưu thông hàng hoá và dịch vụ trong nước được thông suốt.

Câu 8. Tài chính liên quan đến vấn đề

A. giao dịch.

B. dịch vụ.

C. thanh toán.

D. tiền tệ.

Đáp án: D

Giải thích: Tài chính ngân hàng gồm hai bộ phận khăng khít với nhau là tài chính và ngân hàng. Tài chính liên quan đến vấn đề tiền tệ, còn ngân hàng liên quan đến việc thực hiện các giao dịch tài chính nhằm thanh toán, chi trả trong nội địa và quốc tế.

Câu 9. Phát biểu nào sau đây không đúng với tác động của hoạt động xuất khẩu tới sự phát triển nền kinh tế trong nước?

A. Nền sản xuất trong nước tìm được thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn.

B. Ngoại tệ thu được dùng để tích luỹ và nâng cao đời sống nhân dân.

C. Nền sản xuất trong nước đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng.

D. Hoàn thiện kĩ thuật và công nghệ sản xuất, cơ sở nguyên vật liệu.

Đáp án: D

Giải thích: Tác động của hoạt động xuất khẩu tới sự phát triển nền kinh tế trong nước là làm cho nền sản xuất trong nước tìm được thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn, nguồn ngoại tệ thu được dùng để tích luỹ và nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng nguồn lao động, sản xuất và sản phẩm hàng hóa để đáp ứng nhu cầu, yêu cầu, đảm bảo chất lượng đối với những thị trường khó tính.

Câu 10. Dịch vụ tài chính không bao gồm có

A. cấp tín dụng.

B. tạo hàng hóa.

C. nhận tiền gửi.

D. thanh khoản.

Đáp án: B

Giải thích: Cung cấp các dịch vụ tài chính (nhận tiền gửi, cấp tín dụng, thanh toán qua tài khoản,...) nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau trong sản xuất và đời sống.

Câu 11. Ngành tài chính - ngân hàng có vai trò nào sau đây?

A. Góp phần quảng bá hình ảnh đất nước; tạo sự gắn kết, hiểu biết lẫn nhau.

B. Đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và phục hồi sức khoẻ của người dân.

C. Thúc đẩy toàn cầu hoá kinh tế, góp phần tạo việc làm, điều tiết sản xuất.

D. Tạo nguồn thu ngoại tệ, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

Đáp án: C

Giải thích:

Ngành tài chính - ngân hàng có các vai trò chủ yếu sau:

- Là huyết mạch của nền kinh tế, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.

- Cung cấp các dịch vụ tài chính, đảm bảo cho các hoạt động đầu tư và sản xuất diễn ra liên tục, góp phần điều tiết sản xuất và ổn định nền kinh tế.

- Xác lập các mối quan hệ tài chính trong xã hội, góp phần tạo việc làm, tăng năng suất lao động.

- Thông qua các hoạt động tài chính toàn cầu, thúc đẩy toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới.

Câu 12. Vai trò của hoạt động xuất nhập khẩu không phải là

A. tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế đất nước.

B. đưa đất nước tham gia vào thị trường của thế giới.

C. khai thác có hiệu quả và kinh tế hơn các lợi thế.

D. làm giảm nhẹ nhu cầu tiêu dùng của từng cá nhân.

Đáp án: D

Giải thích: Hoạt động xuất nhập khẩu có vai trò tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế đất nước, đưa đất nước tham gia vào thị trường của thế giới. Đồng thời, khai thác có hiệu quả và kinh tế hơn các lợi thế vốn có của một quốc gia.

Câu 13. Phát biểu nào sau đây không đúng về cán cân xuất nhập khẩu?

A. Xuất siêu bao giờ và ở đâu cũng biểu hiện tình trạng tốt của kinh tế đất nước.

B. Cán cân xuất nhập khẩu là hiệu số giữa giá trị hàng xuất khẩu và nhập khẩu.

C. Nhập siêu không phải bao giờ cũng biểu hiện tình trạng suy thoái nền kinh tế.

D. Các nước đang phát triển trong thời kì công nghiệp hoá thường nhập siêu.

Đáp án: A

Giải thích: Một số đặc điểm cơ bản của cán cân xuất nhập khẩu là: Cán cân xuất nhập khẩu là hiệu số giữa giá trị hàng xuất khẩu và nhập khẩu; Các nước đang phát triển trong thời kì công nghiệp hoá thường nhập siêu (nhập máy móc, trang thiết bị, vật liệu,… có giá trị cao). Nhập siêu không phải bao giờ cũng biểu hiện tình trạng suy thoái nền kinh tế.

Câu 14. Phát biểu nào sau đây không đúng với ngoại thương?

A. Làm kinh tế đất nước thành bộ phận kinh tế thế giới.

B. Làm gia tăng thêm nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

C. Gắn liền thị trường trong nước với thị trường thế giới.

D. Góp phần đẩy mạnh việc trao đổi hàng hoá trong nước.

Đáp án: D

Giải thích: Ngoại thương là hoạt động thương mại diễn ra giữa các quốc gia trên thế giới, thông qua việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới, khai thác được các lợi thế bên trong và tạo động lực phát triển kinh tế.

Câu 15. Phát biểu nào sau đây đúng với nội thương?

A. Gắn liền thị trường trong nước với thị trường thế giới.

B. Góp phần đẩy mạnh việc trao đổi hàng hoá trong nước.

C. Làm gia tăng thêm nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

D. Làm kinh tế đất nước thành bộ phận kinh tế thế giới.

Đáp án: B

Giải thích: Hoạt động nội thương là điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển, tạo ra thị trường thống nhất trong nước và đẩy mạnh phân công lao động giữa các vùng. Góp phần đẩy mạnh việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ trong nước.

 

Bài giảng Địa lí 10 Bài 37: Địa lí ngành thương mại và ngành tài chính ngân hàng - Kết nối tri thức

Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Địa lí lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 35: Địa lí ngành bưu chính viễn thông

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 36: Địa lí ngành du lịch

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 37: Địa lí ngành thương mại và ngành tài chính ngân hàng

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 39: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 40: Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh

Đánh giá

0

0 đánh giá