15 câu Trắc nghiệm GDCD 8 Bài 6 (Cánh diều) có đáp án: Phòng, chống bạo lực gia đình

2.5 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Giáo dục công dân lớp 8 Bài 6: Phòng, chống bạo lực gia đình sách Cánh diều. Bài viết gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm GDCD 8. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 6: Phòng, chống bạo lực gia đình. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm GDCD 8 Bài 6: Phòng, chống bạo lực gia đình

Phần 1. 15 câu trắc nghiệm GDCD 8 Bài 6: Phòng, chống bạo lực gia đình

Câu 1. Đặt kì vọng quá lớn vào con trai, bố mẹ bạn A bắt con học quá nhiều, không có thời gian nghỉ ngơi, khiến bạn bị trầm cảm. Theo em, hành vi của bố mẹ bạn A thuộc hình thức bạo lực gia đình nào?

A. Bạo lực về tinh thần.

B. Bạo lực về thể chất.

C. Bạo lực về tình dục.

D. Bạo lực về tài chính.

Đáp án đúng là: A

Hành vi của bố mẹ bạn A trong tình huống trên thuộc hình thức bạo lực về tinh thần.

Câu 2. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng hậu quả của bạo lực gia đình?

A. Gây tổn thương đến cuộc sống của người bị bạo lực.

B. Là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tệ nạn xã hội.

C. Là nguyên nhân chính dẫn đến tan vỡ gia đình.

D. Làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội

Đáp án đúng là: B

- Hậu quả của bạo lực gia đình:

+ Đối với người bị bạo lực: gây tổn thương đến cuộc sống của người bị bạo lực (sức khoẻ, danh dự, tính mạng, kinh tế,...).

+ Đối với gia đình là nguyên nhân chính dẫn đến tan vỡ gia đình.

+ Đối với xã hội: làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội, gián tiếp gây ra các tệ nạn xã hội.

Câu 3. Hành vi ngược đãi, đánh đập làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của thành viên gia đình - đó là biểu hiện cụ thể của hình thức bạo lực gia đình nào sau đây?

A. Bạo lực về kinh tế.

B. Bạo lực về tinh thần.

C. Bạo lực về tình dục.

D. Bạo lực về thể chất.

Đáp án đúng là: D

- Bạo lực về thể chất: là hành vi ngược đãi, đánh đập làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của thành viên gia đình.

Câu 4. Đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi:

Tình huống. Bác M có ba người con là: anh C, chị V và chị M. Các con của bác M đều đã lập gia đình riêng, trong đó, vợ chồng anh C bày tỏ mong muốn: được cùng chung sống để chăm sóc, phụng dưỡng bác M.

Thời gian đầu, vợ chồng anh C luôn lễ phép, kính trọng và chăm sóc bác M chu đáo. Sau một thời gian, anh C vờ lấy lý do “cần vốn làm ăn” để “vay” khoản tiền tiết kiệm của bác M, đồng thời muốn bác sang tên quyền sử dụng đất và ngôi nhà cho mình. Vì thương và tin tưởng các con, nên bác M đã thực hiện theo các yêu cầu của anh C.

Tuy nhiên, sau khi được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vợ chồng anh C đã tỏ thái độ lạnh nhạt, đối xử tệ bạc với bác; đồng thời không hoàn trả lại khoản tiền mà trước đó đã vay.

Câu hỏi: Chủ thể nào trong tình huống trên đã có hành vi bạo lực gia đình về mặt tài chính?

A. Bác M.

B. Chị V.

C. Chị M.

D. Vợ chồng anh C.

Đáp án đúng là: D

Trong trường hợp trên, vợ chồng anh C đã có hành vi bạo lực gia đình về mặt tài chính, vì: vợ chồng anh C đã có hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của bác M (chiếm đoạt khoản tiền tiết kiệm, lừa gạt và chiếm đoạt quyền sử dụng đất,…).

Câu 5. Chúng ta không nên thực hiện hành vi nào sau đây khi xảy ra bạo lực gia đình?

A. Kiềm chế lời nói tiêu cực.

B. Sử dụng bạo lực để đáp trả.

C. Kiềm chế cảm xúc tiêu cực.

D. Chủ động tìm người giúp đỡ.

Đáp án đúng là: B

- Khi xảy ra bạo lực gia đình, chúng ta:

+ Nên: bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc, tìm đường thoát, chủ động nhờ người giúp đỡ.

+ Không nên: dùng lời nói, thái độ tiêu cực hoặc sử dụng hành vi bạo lực để đáp trả.

Câu 6. Đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi:

Tình huống. Do kinh doanh thua lỗ, nên gia đình anh V lâm vào tình trạng nợ nần. Buồn chán và nghe theo lời dụ dỗ của nhóm bạn xấu, anh V vướng vào tệ nạn lô đề, cờ bạc với hi vọng “gỡ gạc” được chút tiền về trả nợ. Mặt khác, anh V cũng trở nên cục cằn, thô bạo hơn. Nhiều lần, trong bữa ăn, anh V đã mượn rượu để đánh đập và mắng chửi vợ mình (chị A).

Câu hỏi: Nếu là người thân của chị A, em nên lựa chọn cách ứng xử nào sau đây?

A. An ủi và khuyên chị nên thông báo sự việc với những người tin cậy.

B. Khuyên chị A hãy mạnh mẽ đánh lại anh V nếu bị anh V tấn công.

C. Mặc kệ, không quan tâm vì việc này không liên quan đến mình.

D. Khuyên chị A nên nhín nhịn, giữ kín kẻo người ngoài chê cười.

Đáp án đúng là: A

Trong trường hợp trên, nếu là người thân của chị A, em nên:

+ Động viên, an ủi chị A để chị A vơi bớt nỗi buồn.

+ Khuyên chị A nên thông báo sự việc với những người đáng tin cậy để nhờ can thiệp.

Câu 7. “Hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” - đó là nội dung của khái niệm nào sau đây?

A. Tệ nạn xã hội.

B. Bạo lực gia đình.

C. Vi phạm pháp luật.

D. Bạo lực học đường.

Đáp án đúng là: B

- Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Câu 8. Em đồng tình với quan điểm nào sau đây khi bàn về vấn đề bạo lực gia đình?

A. Chống bạo lực gia đình là trách nhiệm riêng của lực lượng công an.

B. Bạo lực gia đình đã và đang gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng.

C. Người có hành vi bạo lực gia đình không vi phạm về pháp luật.

D. Bạo lực gia đình chỉ gây nên đau đớn về thể xác cho nạn nhân.

Đáp án đúng là: B

- Bạo lực gia đình đã và đang gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng, như:

+ Ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình và trật tự xã hội.

+ Gây thương tích về thân thể, thậm chí gây tử vong; làm tổn thương về tinh thần đối với những người bị bạo lực;...

Câu 9. P sinh ra và lớn lên tại một bản làng nghèo ở vùng núi phía Bắc. Khi P (14 tuổi), đang học ở trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh, P đã bị bố mẹ ép nghỉ học để lấy chồng. Nếu là bạn thân của P, em nên lựa chọn cách ứng xử nào dưới đây?

A. Khuyên P nên làm theo lời của bố mẹ để gia đình được hòa thuận.

B. An ủi P; khuyên P nhờ tới sự trợ giúp của thầy cô giáo chủ nhiệm.

C. Mặc kệ, không quan tâm vì chuyện đó không liên quan đến mình.

D. Khuyên P bỏ trốn đi một nơi thật xa để bố mẹ không thể tìm thấy.

Đáp án đúng là: B

Trong trường hợp trên, nếu là bạn thân của P, em nên:

+ Động viên, an ủi P để P vơi bớt nỗi buồn.

+ Khuyên P nên nhờ tới sự trợ giúp của thầy/ cô giáo chủ nhiệm. Vì: khi biết được sự việc, thầy cô sẽ có nhiều biện pháp tích cực để giúp đỡ P (ví dụ: thầy cô sẽ tới nhà, gặp bố mẹ H để khuyên nhủ họ từ bỏ ý định bắt P đi lấy chồng,…)

Câu 10. Những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lí của thành viên gia đình là biểu hiện cụ thể của hình thức bạo lực gia đình nào sau đây?

A. Bạo lực về kinh tế.

B. Bạo lực về thể chất.

C. Bạo lực về tình dục.

D. Bạo lực về tinh thần.

Đáp án đúng là: D

- Bạo lực về tinh thần: là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lí của thành viên gia đình.

Câu 11. Hành vi nào dưới đây là biểu hiện của bạo lực gia đình?

A. Chị M luôn kính trọng, yêu thương và quan tâm tới bố mẹ.

B. Bố mẹ A rất yêu thương, quan tâm đến việc học hành của A.

C. Bạn X luôn yêu thương, chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ em gái.

D. Anh T ép chị H sinh bằng được con trai để “nối dõi tông đường”.

Đáp án đúng là: D

Anh T đã có hành vi bạo lực gia đình về mặt tình dục vì anh T đã cưỡng ép chị H sinh con trai để “nối dõi tông đường”.

Câu 12. Nhân vật nào dưới đây đã có cách ứng xử tích cực, phù hợp để phòng chống bạo lực gia đình?

A. Chị V nhờ anh trai tới nhà để đánh lại chồng vì đã mắng nhiếc mình.

B. Thường xuyên bị chồng đánh đập, hành hạ nhưng chị T vẫn nín nhịn.

C. Thấy bố tức giận, B vội sang nhà hàng xóm để đợi bố bình tĩnh trở lại.

D. Chị X thường tỏ thái độ và lời nói tiêu cực khi hai vợ chồng tranh luận.

Đáp án đúng là: C

Trong các trường hợp trên, bạn B đã có cách ứng xử tích cực, phù hợp khi đối mặt với nguy cơ bạo lực gia đình.

Câu 13. Theo em, trong tình huống sau đây, bố bạn P đã có hành vi bạo lực gia đình trên những phương diện nào?

Tình huống. Bố bạn P chơi lô đề, cờ bạc nên gia đình bạn ngày càng khó khăn. Bố P cũng trở nên cục cằn, thô bạo hơn. Nhiều lần trong bữa ăn, ông mượn rượu để đánh và mắng chửi mẹ con bạn vô cớ khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng.

A. Thể chất và kinh tế.

B. Tinh thần và thể chất.

C. Tài chính và tình dục.

D. Tình dục và tinh thần.

Đáp án đúng là: B

Trong tình huống trên, bố bạn P đã có hành vi bạo lực gia đình trên những phương diện thể chất và tinh thần, vì:

+ Bố bạn P đã đánh đập, xâm phạm về thể chất, sức khỏe của mẹ con P.

+ Bố bạn P đã mắng chửi, làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lí của mẹ con P.

Câu 14. Chúng ta nên thực hiện hành động nào sau đây để phòng tránh bạo lực gia đình?

A. Nhờ người khác can thiệp bằng các biện pháp tiêu cực.

B. Tỏ thái độ tiêu cực, ở lại nơi có nguy cơ xảy ra bạo lực.

C. Dùng lời nói và thái độ tiêu cực để tỏ thái độ thách thức.

D. Tôn trọng, chia sẻ, yêu thương các thành viên trong gia đình.

Đáp án đúng là: D

Để phòng tránh bạo lực gia đình, chúng ta:

- Nên:

+ Tôn trọng, bình đẳng, chia sẻ, yêu thương các thành viên trong gia đình;

+ Kiềm chế cảm xúc tiêu cực;

+ Rời khỏi nơi có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình.

+ Nói với người đáng tin cậy để nhờ can thiệp.

- Không nên: dùng lời nói, thái độ tiêu cực để tỏ thái độ thách thức, nhờ người khác can thiệp bằng cách thức tiêu cực.

Câu 15. Chúng ra không nên thực hiện hành vi nào sau đây khi xử lí hậu quả của bạo lực gia đình?

A. Thông báo sự việc với người thân.

B. Giải quyết bằng biện pháp tích cực.

C. Giấu giếm, bao che cho đối phương.

D. Nhờ sự trợ giúp từ cơ sở tư vấn tâm lí.

Đáp án đúng là: C

- Để xử lí hậu quả của bạo lực gia đình, chúng ta:

+ Nên: thông báo sự việc với người thân, những người đáng tin cậy; nhờ sự trợ giúp từ bệnh viện, cơ sở tư vấn tâm lí, tổ hoà giải,...

+ Không nên: giấu giếm, bao che cho đối phương; tự tìm cách giải quyết bằng những biện pháp tiêu cực.

Phần 2. Lý thuyết GDCD 8 Bài 6: Phòng, chống bạo lực gia đình

1. Các hình thức và tác hại của bạo lực gia đình đối với cá nhân, gia đình và xã hội

- Các hình thức bạo lực gia đình thường gặp:

- Bạo lực tinh thần là những lời nói, thái độ hoặc hành động gây tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, và tâm lý của các thành viên trong gia đình. 

- Bạo lực thể chất hay thể xác là những hành vi cố ý tấn công đến sức khỏe, tính mạng hoặc gây thương tích cho các thành viên trong gia đình. 

- Bạo lực kinh tế là hành động vi phạm quyền lợi kinh tế của gia đình và các thành viên trong gia đình. 

- Bạo lực tình dục bao gồm những hành động cưỡng ép quan hệ tình dục, cưỡng bức mang thai, và nạo vô sinh. 

* Tác hại của bạo lực gia đình: 

- Đối với người bị bạo lực: Gây tổn thương đến cuộc sống của họ (sức khỏe, danh dự, tính mạng, kinh tế, v.v.). 

- Đối với gia đình: Là nguyên nhân chính gây tan vỡ gia đình. 

- Đối với xã hội: Gây rối loạn trật tự, an ninh xã hội, và ảnh hưởng tiêu cực đến các vấn đề xã hội khác.

Lý thuyết GDCD 8 Bài 6 (Cánh diều): Phòng, chống bạo lực gia đình (ảnh 1)

2. Một số quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

Pháp luật nước ta đề ra các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình nhằm bảo vệ quyền lợi và an toàn của mỗi thành viên trong gia đình. Cụ thể: 

- Cấm mọi hành vi bạo lực gia đình, bao gồm kích động, xúi giục, bao che hoặc dung túng việc không xử lý hành vi bạo lực gia đình. Cản trở việc khai báo hoặc xử lý hành vi bạo lực gia đình cũng bị nghiêm cấm. 

- Nạn nhân bạo lực gia đình được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, quyền lợi hợp pháp khác của mình. 

- Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị xử lý kỉ luật, xử lý hành chính, xử lý theo pháp luật dân sự hoặc hình sự, tùy mức độ và tính chất của hành vi.

- Mỗi cá nhân, gia đình và các cơ quan tổ chức đều có trách nhiệm trong việc phòng chống bạo lực gia đình.

3. Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình

a. Phòng ngừa bạo lực gia đình

Để phòng ngừa bạo lực gia đình, chúng ta có thể thực hiện những việc sau đây: 

-  Mỗi cá nhân cần:

+ Quan tâm, chia sẻ, tôn trọng và đối xử bình đẳng với các thành viên trong gia đình.

+ Tuyệt đối không chấp nhận bất kỳ hành vi bạo lực gia đình nào và từ chối các tư tưởng gia trưởng, các quan niệm lạc hậu.

+ Chuẩn bị kế hoạch an toàn cho trường hợp xảy ra bạo lực gia đình nghiêm trọng, bao gồm cách liên lạc với bên ngoài và tìm nơi trú ẩn an toàn.

- Đối với các tổ chức xã hội:

+ Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình.

+ Xây dựng và thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá, nếp sống văn minh.

+ Đối với những người có hành vi bạo lực gia đình, cần xử lí nghiêm theo các quy định của pháp luật.

b. Ứng phó với bạo lực gia đình

Khi đối mặt với bạo lực gia đình, cần thực hiện các bước sau:

 - Nhận ra nguy cơ bạo lực và tránh xa kịp thời. 

- Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác và không ngần ngại chia sẻ với họ để có thể được hỗ trợ; nếu gặp tình huống khẩn cấp, hãy kêu cứu hoặc gọi điện thoại cho người thân hoặc cảnh sát. 

- Chọn vị trí an toàn, dễ dàng thoát ra và tìm đến nơi tạm lánh an toàn. 

- Giữ bình tĩnh và kiềm chế cơn giận dữ; không đối đầu, đánh trả hoặc nói tục. 

- Ghi lại bằng chứng và tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý. 

- Học sinh cần hiểu đúng về bạo lực gia đình, phản đối mọi hành vi bạo lực gia đình và hành động tích cực để phòng chống bạo lực gia đình.

Sơ đồ tư duy Phòng, chống bạo lực gia đình

Lý thuyết GDCD 8 Bài 6 (Cánh diều): Phòng, chống bạo lực gia đình (ảnh 1)

Xem thêm các bài Trắc nghiệm GDCD lớp 8 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá