SBT Kinh tế Pháp luật 10 Bài 23 (Kết nối tri thức): Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân

2.8 K

Với giải sách bài tập Kinh tế Pháp luật 10 Bài 23: Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Kinh tế Pháp luật 10. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Kinh tế Pháp luật lớp 10 Bài 23: Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân

Bài tập 1 trang 71 SBT Kinh tế pháp luật 10Khoanh tròn vào chữ cái trước phương án em chọn

Câu a) Hội đồng nhân dân là

A. cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

B. Cơ quan lãnh đạo ở địa phương.

C. cơ quan hành chính ở địa phương.

D. cơ quan giám sát ở địa phương.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Câu b) Chức năng của Uỷ ban nhân dân là

A. giám sát, xem xét, theo dõi đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong địa phương.

B. tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do Cơ quan nhà nước cấp trên giao.

C. quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

D. tổ chức việc ban hành pháp luật ở địa phương.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Câu c) Uỷ ban nhân dân là Cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân vì

A. Uỷ ban nhân dân là một bộ phận trực thuộc Hội đồng nhân dân.

B. Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra để quản lý, điều hành những công việc nhà nước ở địa phương theo đúng Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

C. Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cấp trên bầu ra để quản lý, điều hành những công việc nhà nước ở địa phương theo đúng nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

D. Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu ra, các thành viên của Uỷ ban nhân dân đều là đại biểu Hội đồng nhân dân.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Bài tập 2 trang 72 SBT Kinh tế pháp luật 10Em hãy cho biết các ý kiến sau đây đúng hay sai. Vì sao?

a. Hình thức hoạt động của Hội đồng nhân dân thể hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

b. Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở thành phố và nông thôn đều được tổ chức giống nhau.

c. Hội đồng nhân dân có quyền quyết định tất cả các vấn đề tại địa phương.

d. Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân hoạt động dưới sự giám sát của nhân dân địa phương.

Lời giải:

- Ý kiến a. Đúng, vì Hội đồng nhân dân hoạt động tập thể thông qua kì họp và quyết định theo đa số thông qua biểu quyết.

- Ý kiến b. Sai, vì Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở thành phố và nông thôn được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.

- Ý kiến c. Sai, vì Hội đồng nhân dân chỉ có quyền quyết định các vấn đề tại địa phương theo luật định.

- Ý kiến d. Đúng, vì nhân dân có quyền giám sát tối cao đối với tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Bài tập 3 trang 73 SBT Kinh tế pháp luật 10Em đồng tình hay không đồng tình với các hành vi nào sau đây?

a. Anh T bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cho người mình thích. mà không quan tâm tới trình độ, năng lực của ứng viên.

b. Cán bộ Uỷ ban nhân dân xã A lập nhiều kênh tiếp nhận thông tin để thu thập ý kiến phản hồi, góp ý, phản ánh của người dân trên địa bàn.

c. Mặc dù là cán bộ lãnh đạo ở Uỷ ban nhân dân tỉnh nhưng ông H từ chối và không can thiệp vào việc giải quyết của cảnh sát giao thông áp dụng biện pháp xử phạt hành vi vi phạm pháp luật hành chính đối với em họ mình.

d. M (15 tuổi) gửi thư góp ý, phản ánh về dự án xây dựng khu vui chơi trẻ em của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Lời giải:

- Trường hợp a. Không đồng tình, vì hành vi của anh T là sai, chưa thực hiện đúng quyền và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng và phát triển bộ máy nhà nước. Hành vi đó khiến kết quả bầu cử bị ảnh hưởng, việc lựa chọn đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương không công bằng và đạt hiệu quả không cao.

- Trường hợp b. Đồng tình, vì việc làm của các cán bộ thuộc Uỷ ban nhân dân xã A là đúng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân địa phương.

- Trường hợp c. Đồng tình, vì hành vi của ông H là đúng đắn, tôn trọng và chấp hành pháp luật, không lợi dụng chức vụ để giải quyết việc riêng.

- Trường hợp d. Đồng tình, vì việc làm của M phát huy tinh thần làm chủ, phát huy trách nhiệm của học sinh trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến bản thân tại địa phương.

Bài tập 4 trang 73 SBT Kinh tế pháp luật 10: Em hãy xử lý các tình huống sau:

- Tình huống a. Khi thực hiện hoạt động giám sát công tác xây dựng cơ sở vật chất tại Trường Trung học phổ thông B, đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh X đã tổ chức gặp gỡ, nói chuyện để tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của các học sinh trong trường. K cũng có một số ý kiến nhưng e ngại vì mình còn ít tuổi, không thích hợp để bàn luận về những vấn đề quan trọng của nhà trường nên không dám phát biểu.

Nếu là bạn của K, em sẽ khuyên K như thế nào?

- Tình huống b. Anh T phát hiện ra một số điểm chưa hợp lý trong quyết định gần đây của chính quyền xã nên có ý định gửi thư góp ý. Biết được ý định của chồng, chị H. liền can ngăn vì cho rằng chồng mình không phải là cán bộ nên không có trách nhiệm phải quan tâm đến những vấn đề của chính quyền.

Nếu là anh T, em sẽ làm gì?

Lời giải:

- Tình huống a. Nếu là bạn của K, em sẽ giải thích cho K hiểu: học sinh THPT cũng có quyền được đóng góp ý kiến về những vấn đề quan trọng của đất nước và của địa phương, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến bản thân mình. Các ý kiến chúng ta đóng góp nếu phù hợp thì đều được ghi nhận và xem xét. Vì vậy, K nên mạnh dạn  đóng góp ý kiến tới đoàn đại biểu.

Tình huống b. Nếu là anh T, em sẽ gửi thư góp ý tới chính quyền xã, vì: việc làm này phát huy tinh thần làm chủ, phát huy trách nhiệm của công dân trong việc quyết định những vấn đề tại địa phương.

Xem thêm các bài giải SBT Kinh tế pháp luật lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 19: Đặc điểm, cấu trúc và nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam

Bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Bài 21: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân

Bài 23: Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 23: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân

1. Hội đồng nhân dân

a) Chức năng của Hội đồng nhân dân

- Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí. nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

- Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương như:

+ Các biện pháp để phát triền kinh tế - xã hội trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

+ Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền;

+ Biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn, và thực hiện quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của cấp trên.

b) Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân

- Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra. Hội đồng nhân dân được tổ chức gồm: Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân.

- Thường trực Hội đồng nhân dân có cơ cấu tổ chức gồm: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các uỷ viên.

c) Hoạt động của của Hội đồng nhân dân

- Hoạt động của Hội đồng nhân dân do luật định. Hội đồng nhân dân họp mỗi năm hai kì chính và tổ chức các cuộc họp chuyên đề khi có việc phát sinh đột xuất.

- Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề bằng hình thức thảo luận, biểu quyết lấy ý kiến tập thể.

Lý thuyết KTPL 10 Kết nối tri thức Bài 23: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân.

2. Ủy ban nhân dân

a) Chức năng của Ủy ban nhân dân

- Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra; là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

- Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.

b) Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân

- Ủy ban nhân dân gồm:

+ Chủ tịch

+ Phó Chủ tịch

+ Các uỷ viên phụ trách cơ quan chuyên môn (Tư pháp; Tài chính - Kế hoạch; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hoá và Thông tin....)

+ Uỷ viên phụ trách công an

+ Uỷ viên phụ trách quân sự.

c) Hoạt động của của Ủy ban nhân dân

- Ủy ban nhân dân hoạt động theo luật định. Mỗi tháng ủy ban nhân dân họp một lần và có thể tổ chức họp chuyên đề khi có công việc phát sinh đột xuất

- Uỷ ban nhân dân quyết định các vấn đề bằng hình thức biểu quyết lấy ý kiến tập thể.

Lý thuyết KTPL 10 Kết nối tri thức Bài 23: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân

Hội đồng nhân dân huyện Hoằng Hóa đã họp thống nhất nội dung tổ chức kỳ họp thứ sáu Hội đồng nhân dân huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2016-2021

Đánh giá

0

0 đánh giá