SBT Kinh tế Pháp luật 10 Bài 21 (Kết nối tri thức): Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

2.7 K

Với giải sách bài tập Kinh tế Pháp luật 10 Bài 21: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Kinh tế Pháp luật 10. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Kinh tế Pháp luật lớp 10 Bài 21: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Bài tập 1 trang 67 SBT Kinh tế pháp luật 10: Khoanh tròn vào chữ cái trước phương án em chọn

Câu a) Thực hiện quyền giám sát tối cao là chức năng của

A. Chủ tịch nước.

B. Chủ tịch Quốc hội.

C. Thủ tướng Chính phủ.

D. Quốc hội.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Câu b) Công bố Hiến pháp là nhiệm vụ của

A. Quốc hội.

B. Thủ tướng Chính phủ.

C. Chủ tịch Quốc hội.

D. Chủ tịch nước.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Câu c) Chính phủ thực hiện quyền hành pháp bằng việc

A. quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

B. thay mặt Nhà nước thực hiện chức năng đối nội.

C. ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.

D. đề xuất định hướng phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Bài tập 2 trang 68 SBT Kinh tế pháp luật 10: Em hãy cho biết các ý kiến sau đây đúng hay sai. Vì sao?

a. Quốc hội có thể thực hiện quyền lập pháp bằng việc xem xét, thảo luận, thông qua các văn bản luật do Chính phủ soạn thảo.

b. Mọi công dân đều được biểu quyết khi Quốc hội trưng cầu ý dân.

c. Nhân dân là người gián tiếp bầu ra Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Lời giải:

- Ý kiến a. Đúng, Vì: Quốc hội thực hiện quyền lập pháp bằng cách trực tiếp xây dựng, thảo luận, thông qua các văn bản pháp luật hoặc thảo luận, thông qua các văn bản pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền soạn thảo, xây dựng.

- Ý kiến b. Sai, vì chỉ có công dân từ đủ 18 tuổi trở lên mới được tham gia biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân.

- Ý kiến c. Đúng, vì nhân dân bầu ra đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ là đại biểu Quốc hội và được các đại biểu Quốc hội khác bầu nên. Do đó, nhân dân là người gián tiếp bầu ra Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Bài tập 3 trang 68 SBT Kinh tế pháp luật 10Em có nhận xét gì về hành vi của mỗi nhân vật trong các tình huống sau?

- Tình huống a. Thấy một số người trong khu phố lan truyền thông tin không chính xác về quy định quản lý, sử dụng pháo của Chính phủ, B đã lên mạng tìm hiểu các văn bản của cơ quan có thẩm quyền có nội dung liên quan và gửi tới những người này để họ hiểu và ủng hộ.

- Tình huống b. A chăm chú xem truyền hình tường thuật trực tiếp phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội.

- Tình huống c. Bà N bảo mọi người trong gia đình đưa phiếu để mình đi bầu cử hộ.

- Tình huống d. Khi thấy một số anh, chị sinh viên tham gia cùng Chủ tịch nước đón mừng các nguyên thủ quốc gia mỗi khi sang thăm và làm việc tại Việt Nam, K lại cố gắng, phấn đấu học tập và rèn luyện tốt với mong muốn mình sẽ được như vậy.

Lời giải:

- Trường hợp a. Hành vi của B là đúng. Việc làm của B giúp người dân hiểu rõ và chính xác quy định quản lý, sử dụng pháo của Chính phủ.

Trường hợp b. Hành vi của A là đúng đắn, rất đáng noi theo. Việc xem tường thuật phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội giúp A có thêm nhiều thông tin bổ ích về tình hình đất nước.

- Trường hợp c. Hành vi của bà N là sai, đáng phê phán. Không ai có quyền được bỏ phiếu bầu cử thay người khác, trừ một số trường hợp theo luật định.

- Trường hợp d. Việc làm của K là đúng vị thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Bài tập 4 trang 68 SBT Kinh tế pháp luật 10Em hãy xử lý các tình huống sau:

- Tình huống a. Gần đây, Chính phủ đang tổ chức triển khai lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) theo kế hoạch của Quốc hội. Khi biết tin, B chia sẻ với các bạn trong lớp rằng mình sẽ đóng góp một số ý kiến và khuyên các bạn cũng nên tham gia. Tuy nhiên, một số bạn tỏ thái độ không đồng tình, thậm chí có bạn còn trêu chọc B vì cho rằng B chỉ mới là học sinh thì không có quyền tham gia những hoạt động quan trọng như vậy.

Nếu là B, em sẽ làm gì?

- Tình huống b. Buổi tối, V mang trái cây nhà trồng được sang biếu nhà chú H hàng xóm đúng lúc cả gia đình chú đang ngồi xem chương trình thời sự. Khi con gái có những thắc mắc về vị trí, vai trò của một số lãnh đạo nhà nước, chú H đã nhẹ nhàng giải thích để con hiếu. Tuy nhiên, V phát hiện một số nội dung chú H giải thích không đúng. V băn khoăn không biết có nên góp ý với chú H hay không.

Nếu là V, em sẽ làm gì?

Lời giải:

- Tình huống a. Nếu là B em sẽ: giải thích cho các bạn trong lớp hiểu: học sinh THPT cũng có quyền được đóng góp ý kiến về những vấn đề quan trọng của đất nước và của địa phương, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến bản thân mình. Các ý kiến chúng ta đóng góp nếu phù hợp thì đều được ghi nhận và xem xét. Vì vậy, các bạn nên tích cực tham gia đóng góp ý kiến.

- Tình huống b. Nếu là V, em sẽ tế nhị góp ý với chú H, giúp chú hiểu đúng hơn về vai trò của một số lãnh đạo nhà nước.

Xem thêm các bài giải SBT Kinh tế pháp luật lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 19: Đặc điểm, cấu trúc và nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam

Bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Bài 21: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân

Bài 23: Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 21: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Quốc hội

a) Chức năng của Quốc hội

- Chức năng lập hiến, lập pháp

+ Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến và quyền lập pháp.

+ Quyền lập hiến là quyền làm Hiến pháp bao gồm có sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hoặc làm Hiến pháp mới.

+ Quyền lập pháp là quyền làm luật, xây dựng luật và ban hành những văn bản luật được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

+ Quốc hội có quyền quyết định: những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; những vấn đề liên quan đến việc xây dựng, phát triển nhà nước và nâng cao đời sống của nhân dân; những vấn đề đối nội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh của đất nước.

- Chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước

+ Quốc hội giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và giám sát tối cao hoạt động của các cơ quan, thiết chế chính trị do Quốc hội thành lập trong bộ máy nhà nước.

b) Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quốc hội

- Cơ cấu tổ chức của Quốc hội

Cơ cấu tổ chức của Quốc hội gồm:

+ Uỷ ban thường vụ Quốc hội,

+ Hội đồng dân tộc

+ Các ủy ban của Quốc hội

+ Đoàn đại biểu Quốc hội

+ Các cơ quan giúp việc của Quốc hội.

Mỗi cơ quan có cơ cấu tổ chức riêng và hoạt động đề thực hiện những nhiệm vụ theo luật đỉnh.

- Hình thức hoạt động của Quốc hội

- Quốc hội tổ chức các kì họp công khai, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Trong trường hợp cần thiết. Quốc hội quyết định họp kín.

- Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kì.

- Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.

Lý thuyết KTPL 10 Kết nối tri thức Bài 21: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam.

2. Chủ tịch nước

a) Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước

- Để thực hiện vai trò là người đứng đầu Nhà nước. Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Điều 88 Hiến pháp năm 2013 như sau:

+ Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

+ Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tưởng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

+ Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước;

+ Quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam;

+ Thống lĩnh lực lương vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh,

+ Quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân;

+ Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài;

+ Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm;

+ Quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+ Phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, kí điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước;...

Lý thuyết KTPL 10 Kết nối tri thức Bài 21: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: Tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa đến đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế

b) Hình thức hoạt động của Chủ tịch nước

- Chủ tịch nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thông qua các hoạt động cá nhân trực tiếp hoặc thông qua việc ban hành lệnh, quyết định.

- Đồng thời Chủ tịch nước cũng có thể ủy nhiệm cho Phó Chủ tích nước thực hiện một số nhiệm vụ thay thế mình.

3. Chính phủ

a) Chức năng của Chính phủ

- Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

- Chức năng hành pháp của Chính phủ được thể hiện qua các phương diện như:

+ Đề xuất, xây dựng chính sách vĩ mô, đề xuất định hướng phát triển kinh tế - xã hội

+ Đề xuất dự thảo luật trình Quốc hội;

+ Ban hành chính sách, kế hoạch cụ thể theo thẩm quyền, an hành các văn bản dưới luật để thực thi các chủ trương, chính sách, văn bản do Quốc hội ban hành: tổ chức thực hiện pháp luật;

+ Thiết lập trật tự hành chính, thống nhất quản lí nền hành chính quốc gia trên cơ sở quy định của pháp luật....

b) Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ

Cơ cấu tổ chức

- Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao.

- Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm bộ và cơ quan ngang bộ. Đây là những cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lí nhà nước về một số ngành, lĩnh vực và các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

- Cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ gồm vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập.

Hình thức hoạt động

- Chính phủ hoạt động theo ba hình thức thông qua:

+ Các phiên họp của Chính phủ;

+ Hoạt động của Thủ tướng Chính phủ

+ Hoạt động của bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

- Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

Lý thuyết KTPL 10 Kết nối tri thức Bài 21: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021.

Đánh giá

0

0 đánh giá