Giải SGK Địa Lí 10 Bài 27 (Cánh diều): Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

5.3 K

Lời giải bài tập Địa Lí lớp 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông sách Cánh diều hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Địa Lí 10 Bài 27 từ đó học tốt môn Địa 10.

Giải bài tập Địa Lí lớp 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

Video giải Địa lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông - Cánh diều

1. Giao thông vận tải

Câu hỏi trang 97 Địa Lí 10: Đọc thông tin, hãy cho biết vai trò của giao thông vận tải. Lấy ví dụ cụ thể.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục “Vai trò”.

Trả lời:

- Vai trò của giao thông vận tải: 

+ Thúc đẩy hoạt động sản xuất và là cầu nối giúp các ngành kinh tế phát triển. Giao thông vận tải được ví như mạch máu của nền kinh tế, giúp quá trình sản xuất và tiêu thụ được liên tục.

+ Phục vụ nhu cầu đi lại của toàn xã hội, là cầu nối giữa các địa phương, là phương tiện giúp các nước giao lưu và hội nhập, giải quyết việc làm cho người lao động.

+ Tạo ra sự liên kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, làm cho khoảng cách địa lí được rút ngắn lại.

- Ví dụ: Trong cuộc sống của con người nhu cầu đi lại, di chuyển rất cần thiết và phương tiện giao thông, hệ thống giao thông vận tải được hình thành để phục vụ đi lại, vận chuyển hành khách, hàng hóa của con người, tạo cầu nối giữa các địa phương, quốc gia.

Câu hỏi trang 98 Địa Lí 10: Đọc thông tin và quan sát hình 27.1, hãy nêu đặc điểm của ngành giao thông vận tải.

Địa Lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông | Cánh diều (ảnh 1)

Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục “Đặc điểm”.

Trả lời:

Đặc điểm của ngành giao thông vận tải:

- Đối tượng chính là con người và những sản phẩm vật chất do con người tạo ra.

- Sản phẩm là sự chuyên chở người và hàng hóa từ nơi này đến nơi khác.

- Sử dụng nhiều nguyên, nhiên, vật liệu từ các ngành kinh tế khác.

- Có sự phân bố đặc thù, theo mạng lưới với các tuyến và đầu nối giao thông.

Câu hỏi trang 98 Địa Lí 10: Quan sát hình 27.2, hãy tìm ví dụ làm rõ ảnh hưởng của một trong ba nhóm nhân tố đến sự phát triển và phân bố giao thông vận tải.

Địa Lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông | Cánh diều (ảnh 2)

Phương pháp giải:

- Đọc thông tin trong mục “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố giao thông vận tải”.

- Chọn 1 trong 3 nhóm nhân tố (vị trí, lãnh tổ; tự nhiên; kinh tế - xã hội) để lấy ví dụ.

Trả lời:

Ví dụ (Dân cư, lao động): những khu vực đông dân cư hệ thống giao thông vận tải sẽ phát triển mạnh ngược lại những khu vực dân cư thưa thớt giao thông vận tải cũng hoạt động kém phát triển hơn.

Câu hỏi trang 99 Địa Lí 10: Đọc thông tin, hãy cho biết tình hình phát triển và phân bố của ngành giao thông vận tải đường ô tô trên thế giới.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục “Đường ô tô”.

Trả lời:

- Tình hình phát triển: Tổng chiều dài đường ô tô không ngừng tăng lên do nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách và phục vụ du lịch, từ 27803,8 nghìn km (năm 2000) lên 38016,5 nghìn km (năm 2019), trong đó đứng đầu là châu Á, tiếp theo là châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Đại Dương

- Phân bố: Những nước có chiều dài đường ô tô lớn năm 2019 là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Liên bang Nga.

Câu hỏi trang 99 Địa Lí 10: Đọc thông tin và quan sát hình 27.3, hãy cho biết tình hình phát triển và phân bố của giao thông vận tải đường sắt trên thế giới.

Địa Lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông | Cánh diều (ảnh 3)Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục “Đường sắt” và quan sát hình 27.3.

Trả lời:

- Tình hình phát triển: Tổng chiều dài đường sắt toàn thế giới từ 1011,7 nghìn km (năm 2000) tăng lên 1321,9 nghìn km (năm 2019).

- Phân bố:

+ Mạng lưới đường sắt phân bố không đồng đều theo châu lục và các quốc gia.

+ Chiều dài đường sắt lớn nhất là châu Mỹ, tiếp theo là châu Á. Châu Âu và châu Đại Dương có chiều dài đường sắt ít nhất.

+ Những nước có chiều dài đường sắt lớn nhất năm 2019 là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên Bang Nga, Ca-na-đa, Ấn Độ,...

Câu hỏi trang 100 Địa Lí 10: Đọc thông tin và quan sát hình 27.4, hãy cho biết tình hình phát triển và phân bố của giao thông vận tải đường sông, hồ trên thế giới.

Địa Lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông | Cánh diều (ảnh 4)

Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục “Đường sông, hồ” và quan sát hình 27.4.

Trả lời:

- Tình hình phát triển: Để tăng cường khả năng vận tải, con người đã cải tạo sông, hồ, đào kênh nối liền các lưu vực vận tải với nhau.

- Phân bố: Những hệ thống sông, hồ có khả năng giao thông lớn là: sông Đa-nuýp, Rai-nơ, Von-ga,…(châu Âu); sông Mê Công, Dương Tử…(châu Á); sông Mi-xi-xi-pi, Ngũ Hồ,…(châu Mỹ). Nhiều sông hồ được nối thông nhau nhờ các kênh đào: Von-ga-đôn, Oe-len…

Câu hỏi trang 101 Địa Lí 10: Đọc thông tin và quan sát hình 27.5, hình 27.6, hãy

- Nêu rõ vai trò của giao thông vận tải đường biển.

- Trình bày tình hình phát triển và phân bố của ngành giao thông vận tải đường biển.

Địa Lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông | Cánh diều (ảnh 5)Địa Lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông | Cánh diều (ảnh 6)

Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục “Đường biển” và quan sát hình 27.5, 27.6.

Trả lời:

- Vai trò: 

+ Là phương thức vận tải hàng hóa chủ yếu trên các tuyến đường biển nội địa và quốc tế.

+ Góp phần mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các vùng, các nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

- Tình hình phát triển:

+ Đảm nhiệm 3/5 khối lượng luân chuyển hàng hóa của tất cả các phương tiện vận tải trên thế giới, trong đó có dầu mỏ và sản phẩm của dầu mỏ. 

+ Hiện nay trên thế giới đang phát triển mạnh việc chuyên chở bằng tàu container, đảm bảo an toàn hơn và bốc dỡ hàng hóa nhanh hơn.

- Phân bố: Các cảng lớn phân bố chủ yếu ở hai bờ Đại Tây Dương.

Câu hỏi trang 102 Địa Lí 10: Đọc thông tin và quan sát hình 27.7, hãy cho biết tình hình phát triển và phân bố của ngành giao thông vận tải hàng không trên thế giới.

Địa Lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông | Cánh diều (ảnh 7)

Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục “Đường hàng không” và quan sát hình 27.7.

Trả lời:

- Tình hình phát triển: 

+ Năm 2019, toàn thế giới có trên 15,0 nghìn sân bay, trong đó tập trung nhiều nhất ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á. 

+ Các sân bay quốc tế tăng lên không ngừng cả về số sân bay và số lượt hành khách vận chuyển, từ 30 sân bay có số lượt khách là 25 triệu lượt trở lên năm 2000 đã tăng lên 92 sân bay vào năm 2019.

+ Đường hàng không đã vận chuyển trên 4,2 tỉ lượt hành khách, trong đó khoảng 40% là khách du lịch quốc tế (năm 2019).

- Phân bố: Các tuyến hàng không nhộn nhịp nhất là tuyến vượt Đại Tây Dương nối châu Âu với Bắc Mỹ và Nam Mỹ, các tuyến nối Hoa Kỳ với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

2. Bưu chính viễn thông

Câu hỏi trang 103 Địa Lí 10: Đọc thông tin và quan sát hình 27.8, hãy nêu vai trò của ngành bưu chính viễn thông. Lấy ví dụ cụ thể.

Địa Lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông | Cánh diều (ảnh 8)Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục “Vai trò” và quan sát hình 27.8.

Trả lời:

- Vai trò ngành bưu chính viễn thông:

+ Tạo ra những điều kiện cần thiết cho các hoạt động kinh tế phát triển; tác động đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thay đổi cách thức tổ chức nền kinh tế

+ Góp phần thực hiện giao lưu giữa các vùng lãnh thổ, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế.

+ Tác động tích cực đến phát triển xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tình thần và đảm bảo an ninh quốc gia

- Ví dụ: Thiết bị viễn thông là điện thoại dùng để trao đổi thông tin nhanh chóng, kịp thời và không bị giới hạn về khoảng cách không gian.

Câu hỏi trang 103 Địa Lí 10: Quan sát hình 27.9, hãy nêu đặc điểm của ngành bưu chính viễn thông.

Địa Lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông | Cánh diều (ảnh 9)

Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục “Đặc điểm” và quan sát hình 27.9.

Trả lời:

Đặc điểm ngành bưu chính, viễn thông:

- Tạo ra mạng lưới bưu chính và mạng lưới truyền thông tin đến mọi nơi trong nước và các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất, phục vụ nhu cầu sản xuất xã hội.

- Bưu chính nhận, vận chuyển và chuyển phát bằng các phương thức khác nhau qua mạng lưới bưu chính, viễn thông sử dụng các thiết bị kết hợp với vệ tinh internet cung ứng dịch vụ từ xã không cần tiếp xúc trực tiếp giữa người cung ứng và người tiêu dùng dịch vụ.

- Sử dụng dịch vụ của nhiều ngành, trong đó quan trọng nhất là công nghiệp điện tử - tin học, giao thông vận tải, nghiên cứu và phát triển (R&D), dịch vụ thiết kế,…

Câu hỏi trang 104 Địa Lí 10: Đọc thông tin, hãy lựa chọn, phân tích một hoặc hai nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố ngành bưu chính viễn thông.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của ngành bưu chính viễn thông”.

Trả lời:

(Em chọn một hoặc hai nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố ngành bưu chính viễn thông dưới đây để ghi vào vở)

Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố ngành bưu chính viễn thông:

- Trình độ phát triển kinh tế: kinh tế càng phát triển, nhu cầu dịch vụ bưu chính viễn thông ngày càng nhiều, quy mô của ngành ngày càng lớn, tốc độ tăng trường nhanh.

- Khoa học công nghệ: tạo ra nhiều cách thức chuyển phát và các dịch vụ bưu chính mới (như dịch vụ tài chính bưu chính,…); thay đổi và xuất hiện nhiều thiết bị viễn thông hiện đại với tốc độ cao, các phương tiện và phương thức truyền thông tin tới khắp mọi nơi trên thế giới.

- Vốn đầu tư: ảnh hưởng tới việc mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới bưu chính viễn thông.

Câu hỏi trang 104 Địa Lí 10: Đọc thông tin, hãy trình bày tình hình phát triển và phân bố của ngành bưu chính.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục 3 (Tình hình phát triển và phân bố ngành bưu chính viễn thông).

Trả lời:

- Tình hình phát triển: Hoạt động bưu chính ngày càng phát triển, nhiều dịch vụ và cách thức chuyển phát mới đã xuất hiện

- Phân bố: Hầu như mọi quốc gia và người dân đều sử dụng dịch vụ bưu chính, trong đó, có khoảng 1,5 tỉ người trên toàn thế giới đang sử dụng dịch vụ tài chính bưu chính.

Câu hỏi trang 106 Địa Lí 10: Đọc thông tin, hãy nêu tình hình phát triển và phân bố ngành viễn thông.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục 3 “Tình hình phát triển và phân bố ngành bưu chính viễn thông”.

Trả lời:

- Tình hình phát triển:

+ Các dịch vụ viễn thông rất đa dạng và phong phú, diễn ra với tốc độ nhanh, công nghệ ngày càng hiện đại, trong đó có công nghệ số, công nghệ thực tế ảo.

+ Các dịch vụ viễn thông quan trong như: dịch vụ điện thoại, dịch vụ truyền số liệu, truyền tin và internet.

- Phân bố: Dịch vụ viễn thông có mặt ở hầu khắp các nước trên thế giới.

Luyện tập và Vận dụng

Luyện tập 1 trang 106 Địa Lí 10: Hãy lập bảng theo mẫu sau để thấy được đặc điểm của các loại hình giao thông vận tải.

Địa Lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông | Cánh diều (ảnh 10)Phương pháp giải:

Dựa vào kiến thức đã học về các loại hình giao thông vận tải.

Trả lời:

Loại hình giao thông vận tải

Đặc điểm

Đường ô tô

- Chiếm ưu thế trong các loại hình vận tải, cơ động, phù hợp với cự li vận tải trung bình và ngắn, có khả năng phối hợp với các loại hình vận tải khác, mạng lưới ngày càng mở rộng, chất lượng phương tiện ngày càng hiện đại, thân thiện với môi trường.

- Khối lượng chuyên chở không lớn, tiêu thụ nhiều nhiên liệu gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí, tai nạn giao thông.

Đường sắt

- Vận chuyển được hàng hóa nặng trên những tuyến đường dài với tốc độ khá nhanh và ổn định, giá rẻ hơn vận tải ô tô, mức độ an toàn và sự tiện nghi cao, ít gây tai nạn

- Chỉ hoạt động trên những tuyến đường cố định có đặt đường ray.

Đường biển

- Chuyên chở hàng hóa nặng, chất lỏng trên quãng đường dài, giá cước vận chuyển rẻ hơn các loại hình vận tải khác, mức độ an toàn khá cao.

- Phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và tốc độ vận tải tương đối chậm, gây ô nhiễm môi trường biển, đại dương.

Đường hàng không

- Tốc độ vận tải cao, thời gian vận chuyển ngắn, ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.

- Cước phí vận tải đắt, trọng lượng vận tải thấp.

Luyện tập 2 trang 106 Địa Lí 10: Hãy phân biệt hoạt động bưu chính và viễn thông.

Phương pháp giải:

Dựa vào kiến thức đã học về bưu chính và viễn thông.

Trả lời:

- Bưu chính bao gồm nhận, vận chuyển và chuyển phát thư từ, bưu phẩm, bưu kiện, điện báo, điện tín, chuyển tiền từ nơi gửi đến nơi nhận.

- Viễn thông: Các dịch vụ viễn thông rất đa dạng và phong phú, diễn ra với tốc độ nhanh, công nghệ ngày càng hiện đại, trong đó có công nghệ số, công nghệ thực tế ảo. Các dịch vụ viễn thông quan trọng như: dịch vụ điện thoại, dịch vụ truyền số liệu, truyền tin và internet.

Vận dụng 3 trang 106 Địa Lí 10: Hãy thu thập thông tin tìm hiểu về một loại hình giao thông vận tải hoặc dịch vụ bưu chính viễn thông ở địa phương em.

Phương pháp giải:

Dựa vào hiểu biết thực tế của bản thân kết hợp tìm kiếm thông tin trên Internet, sách báo,...

Trả lời:

Đường sắt Hà Nội là hệ thống giao thông quan trọng trong vận chuyển hàng hóa và hành khách, được nối liền với hầu hết với mọi miền ở Việt Nam. Hà Nội là điểm đầu của tuyến đường sắt Bắc Nam dài 1.726 km, nằm trong tổng chiều dài 2.600 km của hệ thống đường sắt Việt Nam, chủ yếu do Pháp xây dựng.

Ngoài ra, từ Hà Nội còn có các tuyến đường sắt nối với các tỉnh phía Bắc và đi ra cảng Hải Phòng. Hà Nội cũng có tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển được xây dựng vào năm 1987 với mục đích vận chuyển hàng hóa.

Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

I. Giao thông vận tải

1. Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố giao thông vận tải

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông - Cánh diều (ảnh 1)

a. Vai trò

- Thúc đẩy hoạt động sản xuất và là cầu nối giúp các ngành kinh tế phát triển.

- Phục vụ nhu cầu đi lại của toàn xã hội, là cầu nối giữa các địa phương, là phương tiện giúp các nước giao lưu và hội nhập, giải quyết việc làm cho người lao động,...

- Tạo ra sự liên kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, làm cho khoảng cách địa lí được rút ngắn lại.

- Góp phần khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

b. Đặc điểm

- Đối tượng chính là con người và những sản phẩm vật chất do con người tạo ra.

- Sản phẩm là sự chuyên chở người và hàng hoá từ nơi này đến nơi khác.

- Sử dụng nhiều nguyên, nhiên, vật liệu từ các ngành kinh tế khác.

- Có sự phân bố đặc thù, theo mạng lưới với các tuyến và đầu mối giao thông.

c. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố giao thông vận tải

Nhân tố

Ảnh hưởng

Vị trí, lãnh thổ

- Sự phân bố các loại hình giao thông vận tải.

- Sự hình thành mạng lưới giao thông vận tải.

Tự nhiên (điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên)

- Sự phân bố của các loại hình giao thông vận tải và vai trò khác nhau của các loại hình.

- Sự hoạt động của các phương tiện vận tải.

Kinh tế - xã hội

Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế

- Là khách hàng của giao thông vận tải, thúc đẩy giao thông vận tải phát triển.

- Trang bị cơ sở vật chất kĩ thuật cho ngành giao thông vận tải.

- Quy định các loại hình vận tải, khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hoá.

Dân cư, lao động

- Khách hàng của giao thông vận tải.

- Sự phát triển và phân bổ các luồng vận tải hành khách, xuất hiện các loại hình vận tải đặc biệt.

Vốn đầu tư

- Sự phát triển mạng lưới, phương tiện thúc đẩy giao thông vận tải.

- Thực hiện các dự án giao thông vận tải hiện đại.

Khoa học,

công nghệ

- Tăng tốc độ vận chuyển, hiện đại hoá và nâng cao

chất lượng các phương tiện vận tải.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lí.

2. Địa lí các ngành giao thông vận tải

a. Đường ô tô

- Vai trò

+ Chiếm ưu thế trong các loại hình vận tải.

+ Có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và phục vụ dân sinh nhờ khả năng đi đến mọi nơi, tới được các vùng cao với điều kiện đường sá khó khăn.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông - Cánh diều (ảnh 1)

Đường ô tô

- Ưu điểm:

+ Sự thuận tiện và cơ động

+ Phù hợp với cự li vận tải trung bình và ngắn

+ Có khả năng phối hợp hoạt động với các loại hình vận tải khác.

- Nhược điểm:

+ Khối lượng chuyên chở không lớn như vận tải đường sắt, đường thuỷ

+ Tiêu thụ nhiều nhiên liệu gây ô nhiễm không khí

+ Gây ra tếng ồn và tai nạn giao thông,...

- Tình hình: Tổng chiều dài đường ô tô không ngừng tăng lên do nhu cầu vận chuyển hàng hoá, hành khách và phục vụ du lịch.

- Phân bố: Những nước có chiều dài đường ô tô lớn năm 2019 là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Liên bang Nga,...

b. Đường sắt

- Đường sắt ra đời sớm và công nghệ vận tải đường sắt ngày càng phát triển với nhiều loại hình.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông - Cánh diều (ảnh 1)

Đường sắt

- Ưu điểm:

+ Vận chuyển được hàng hóa nặng trên những tuyến đường dài với tốc độ khá nhanh và ổn định

+ Giá rẻ hơn vận tải ô tô

+ Mức độ an toàn và sự tiện nghi cao, ít gây tai nạn.

- Nhược điểm: Chỉ hoạt động trên những tuyến đường cổ định, có đặt đường ray.

- Tình hình: Tổng chiều dài đường sắt toàn thế giới tăng (từ 1011,7 nghìn km - 2000 lên 1 321,9 nghìn km - 2019).

- Phân bố

+ Mạng lưới đường sắt phân bố không đồng đều theo châu lục và các quốc gia.

+ Chiều dài đường sắt lớn nhất là châu Mỹ, tiếp theo là châu Á và châu Âu, Châu Phi và châu Đại Dương có chiều dài đường sắt ít nhất.

+ Những nước có chiều dài đường sắt lớn năm 2019 là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ca-na-đa, Ấn Độ,... .

c. Đường sông, hồ

- Đặc điểm

+ Có từ rất sớm, là phương tiện vận tải hàng hoá và người trên các tuyến đường thuỷ nội địa.

+ Con người đã cải tạo sông, hồ, đào kênh nối liền các lưu vực vận tải với nhau.

+ Giao thông vận tải đường sông, hồ chủ yếu dựa vào mạng lưới sông, hồ tự nhiên.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông - Cánh diều (ảnh 1)

Giao thông đường thủy

- Phân bố

+ Những hệ thống sông, hồ có khả năng giao thông lớn là: sông Đa-nuyp, Rai-nơ, Von-ga,... (châu Âu); sông Mê Công, Dương Tử,... (châu Á),…

+ Nhiều sông, hồ được nối thông với nhau nhờ các kênh đào, tiêu biểu như kênh đào Von-ga-đôn ở Liên bang Nga nối liền hai con sông Von-ga,…

d. Đường biển

- Vai trò

+ Vận tải hàng hoá chủ yếu trên các tuyến đường biển nội địa và quốc tế (viễn dương).

+ Góp phần mở rộng giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các vùng, các nước.

+ Thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông - Cánh diều (ảnh 1)

Giao thông đường biển

- Ưu điểm:

+ Chuyên chở hàng hóa nặng, chất lỏng,... trên quãng đường dài

+ Giá cước vận chuyển rẻ hơn các loại hình vận tải khác

+ Mức độ an toàn khá cao.

- Nhược điểm:

+ Phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên (gió, bão,...)

+ Tốc độ vận tải tương đối chậm

+ Gây ô nhiễm môi trường biển, đại dương.

- Tình hình phát triển

+ Đảm nhiệm 3/5 khối lượng luân chuyển hàng hoá của tất cả các phương tiện vận tải trên thế giới.

+ Hiện nay trên thế giới đang phát triển mạnh việc chuyên chở bằng tàu container.

- Phân bố: Từ năm 2005 trở về trước, Rot-tec-đam (Hà Lan) là cảng lớn nhất thế giới.  Hiện nay cảng Rôt-tec-đam vẫn giữ vị trí then chốt trên tuyến đường biển Tây Âu - Bắc Mỹ.

e. Đường hàng không

- Vai trò

+ Đảm bảo giao lưu giữa các vùng của mỗi nước và các nước trên thế giới.

+ Cầu nối quan trọng giữa các nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy phát triển du lịch.

+ Gắn kết các vùng xa xôi, tăng cường hội nhập, có vai trò đối với an ninh quốc phòng.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông - Cánh diều (ảnh 1)

Đường hàng không

- Ưu điểm:

+ Tốc độ vận tải cao

+ Thời gian vận chuyển ngắn

+ Ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.

- Nhược điểm: Cước phí vận tải đắt, trọng lượng vận tải thấp.

- Tình hình phát triển:

+ Năm 2019, toàn thế giới có trên 15 nghìn sân bay, tập trung nhiều nhất châu Mỹ, châu Âu và châu Á.

+ Các sân bay quốc tế tăng lên không ngừng cả về số sân bay và số lượt hành khách vận chuyển.

+ Đường hàng không đã vận chuyển trên 4,2 tỉ lượt hành khách, khoảng 40% là khách du lịch quốc tế (năm 2019).

- Phân bố: Các tuyến hàng không nhộn nhịp nhất là tuyến vượt Đại Tây Dương nối châu Âu với Bắc Mỹ và Nam Mỹ, các tuyến nối Hoa Kỳ với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

II. Bưu chính viễn thông

1. Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của bưu chính viễn thông

a. Vai trò

- Tạo ra những điều kiện cần thiết cho các hoạt động kinh tế phát triển; tác động đến quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; thay đổi cách thức tổ chức nền kinh tế.

- Góp phần thực hiện giao lưu giữa các vùng lãnh thổ, thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế.

- Tác động tích cực đến phát triển xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần và đảm bảo an ninh quốc gia.

b. Đặc điểm

Tạo ra mạng lưới bưu chính và mạng lưới truyền thông tin đến mọi nơi trong nước và các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất, phục vụ nhu cầu sản xuất và xã hội.

- Bưu chính nhận, vận chuyển và chuyển phát bằng các phương thức khác nhau qua mạng bưu chính, viễn thông sử dụng các thiết bị kết hợp với vệ tinh và internet cung ứng dịch vụ từ xa không cần sự tiếp xúc trực tiếp giữa người cung ứng và người tiêu dùng dịch vụ.

- Sử dụng dịch vụ của nhiều ngành, trong đó quan trọng nhất là công nghiệp điện tử - tin học, giao thông vận tải, nghiên cứu và phát triển (R&D), dịch vụ thiết kế,...

c. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của bưu chính viễn thông

- Trình độ phát triển kinh tế: Kinh tế càng phát triển, nhu cầu dịch vụ bưu chính viễn thông ngày càng nhiều, quy mô của ngành ngày càng lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh.

- Khoa học - công nghệ: Tạo ra nhiều cách thức chuyển phát và các dịch vụ bưu chính mới; thay đổi và xuất hiện nhiều thiết bị viễn thông hiện đại với tốc độ cao, các phương tiện và phương thức truyền thông tin tới khắp mọi nơi trên thế giới.

- Vốn đầu tư: Ảnh hưởng tới việc mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới bưu chính viễn thông.

- Nhân tố khác: Mức sống dân cư, trình độ chuyên môn kĩ thuật của lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng,... cũng ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố bưu chính viễn thông.

2. Tình hình phát triển và phân bố

a. Ngành Bưu chính

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông - Cánh diều (ảnh 1)

- Tình hình phát triển:

+ Dịch vụ bưu chính bao gồm nhận, vận chuyển và chuyển phát thư từ, bưu phẩm, bưu kiện, điện báo, điện tín, chuyển tiền từ nơi gửi (người gửi) đến nơi nhận (người nhận).

+ Hoạt động bưu chính ngày càng phát triển, nhiều dịch vụ và cách thức chuyển phát mới đã xuất hiện.

+ Bưu chính không thể tách rời xã hội và khách hàng mà ngành phục vụ.

- Phân bố: Hầu như mọi quốc gia và người dân đều sử dụng dịch vụ bưu chính, trong đó, có khoảng 1,5 tỉ người trên toàn thế giới đang sử dụng dịch vụ tài chính bưu chính.

b. Ngành viễn thông

- Tình hình phát triển: Các dịch vụ viễn thông rất đa dạng và phong phú, diễn ra với tốc độ nhanh, công nghệ ngày càng hiện đại.

+ Điện thoại là thiết bị viễn thông dùng để trao đổi thông tin.

+ Máy tính cá nhân là phương tiện được sử dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

+ Internet bao gồm mạng toàn cầu www và các thiết bị phần cứng (máy tính, mạng truyền dẫn) đã mở ra kỉ nguyên mới cho ngành viễn thông.

- Phân bố: Dịch vụ viễn thông có mặt ở hầu khắp các nước trên thế giới.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông - Cánh diều (ảnh 1)

Xem thêm các bài giải SGK Địa lí lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 26: Vai trò, đặc điểm, cơ cấu, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố dịch vụ

Bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch

Bài 29: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Bài 30: Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh

Đánh giá

0

0 đánh giá