Với tóm tắt lý thuyết Địa lí lớp 7 Bài 18: Châu Đại Dương sách Kết nối tri thức hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Sử 7.
Địa lí lớp 7 Bài 18: Châu Đại Dương
Video giải Địa lí 7 Bài 18: Châu Đại Dương - Kết nối tri thức
A. Lý thuyết Địa lí 7 Bài 18: Châu Đại Dương
1. Vị trí địa lí, phạm vi châu Đại Dương
- Vị trí của lục địa Ô-xtrây-li-a và các khu vực của vùng đảo châu Đại Dương:
+ Lục địa Ô-xtrây-li-a nằm phía tây nam Thái Bình Dương, thuộc bán cầu Nam.
+ Vùng đảo châu Đại Dương nằm ở trung tâm Thái Bình Dương, gồm 4 khu vực (Mê-la-nê-di, Mi-crô-nê-di, Pô-li-nê-di và Niu Di-len).
- Đặc điểm vị trí địa lí, hình dạng và kích thước của lục địa Ô-xtrây-li-a:
+ Vị trí: Lục địa Ô-xtrây-li-a nằm phía tây nam Thái Bình Dương, thuộc bán cầu Nam.
+ Hình dạng: Dạng hình khối rõ rệt (do bờ biển ít bị chia cắt).
+ Kích thước: Diện tích nhỏ (khoảng 7,7 triệu km2), từ bắc xuống nam dài hơn 3 000 km, từ tây sang đông nơi rộng nhất khoảng 4 000 km.
2. Đặc điểm tự nhiên
a) Địa hình và khoáng sản
Vị trí, đặc điểm và khoáng sản của các khu vực địa hình trên lục địa Ô-xtrây-li-a:
* Phía tây
- Vùng sơn nguyên tây Ô-xtrây-li-a, độ cao trung bình dưới 500 m.
- Trên bề mặt là các hoang mạc cát, hoang mạc đá, cao nguyên và núi thấp.
- Tập trung nhiều mỏ kim loại (sắt, đồng, vàng, ni-ken, bô-xít….).
* Ở giữa
- Vùng đồng bằng Trung tâm, lớn nhất là bồn địa Ác-tê-di-an lớn.
- Độ cao trung bình dưới 200 m, rất khô hạn, bề mặt có nhiều bãi đá đồng bằng cát, đụn cát.
- Nhiều nơi hoang vắng, không có người sinh sống.
Vườn quốc gia U-ru-lu, Ô-xtrây-li-a
* Phía đông
- Dãy Trường Sơn Ô-xtrây-li-a, cao trung bình 800 - 1 000 m.
- Sườn đông dốc, sườn tây thoải dần về phía vùng đồng bằng Trung tâm.
- Tập trung nhiều khoáng sản nhiên liệu (than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên).
b) Khí hậu
- Hầu hết lục địa thuộc đới nóng. Tuy nhiên, có sự thay đổi theo bắc - nam, đông - tây.
- Dải bờ biển hẹp phía bắc lục địa có khí hậu cận xích đạo (nóng ẩm mưa nhiều, lượng mưa trung bình từ 1 000 - 1 500 mm/năm).
- Khí hậu nhiệt đới chiếm phần lớn diện tích lục địa, nhưng có sự khác biệt từ đông sang tây:
+ Sườn đông dãy Trường Sơn Ô-xtrây-li-a có khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều. Thời tiết mát mẻ, lượng mưa từ 1 000 - 1 500 mm/năm.
+ Từ sườn tây của dãy Trường Sơn Ô-xtrây-li-a đến bờ tây lục địa là một vùng rộng lớn, có khí hậu nhiệt đới lục địa khắc nghiệt (độ ẩm rất thấp, ít mưa; mùa hạ nóng, mùa đông tương đối lạnh).
- Dải đất hẹp phía nam lục địa có khí hậu cận nhiệt đới (mùa hạ nóng, mùa đông ấm áp, lượng mưa dưới 1 000 mm/năm).
c) Sinh vật
- Giới sinh vật tuy nghèo về thành phần loài nhưng có nhiều nét đặc sắc và mang tính địa phương cao.
- Các loài thực vật bản địa nổi bật là keo và bạch đàn (600 loài khác nhau).
- Giới động vật vô cùng độc đảo, đặc sắc nhất là hơn 100 loài thú có túi.
- Các loài động vật mang tính biểu tượng quốc gia là gấu túi, đà điểu Ô-xtrây-li-a, thú mỏ vịt, chuột túi.
Chuột túi
3. Dân cư, một số vấn đề về lịch sử và văn hóa của Ô-xtrây-li-a
a) Dân cư
- Những đặc điểm về dân cư của Ô-xtrây-li-a:
+ Ít dân sinh sống (số dân năm 2020 là 25,5 triệu người), mật độ dân số rất thấp (chỉ khoảng 3 người/km2).
+ Dân cư phân bố rất không đều.
+ Mức độ đô thị hóa rất cao (Tỉ lệ dân thành thị năm 2020 là 86%).
+ Đất nước của những người nhập cư, đón nhận người nhập cư (đặc biệt là lao động chất lượng cao) đến từ mọi châu lục.
- Đặc điểm phân bố các thành phố lớn ở Ô-xtrây-li-a:
+ Hầu hết các thành phố lớn đều tập trung ở ven biển phía đông và phía nam Ô-xtrây-li-a.
+ Chỉ có thành phố Pớc nằm ở phía tây nam châu lục.
b) Một số vấn đề lịch sử và văn hóa của Ô-xtrây-li-a
- Lịch sử
+ Người bản địa đã sinh sống từ cách đây khoảng 10 000 năm.
+ Cuối thế kỉ XVIII bị thực dân Anh xâm chiếm.
+ Từ năm 1901, trở thành nhà nước liên bang, độc lập trong khối Liên hiệp Anh
- Văn hóa
+ Ô-xtrây-li-a là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, đa văn hoá.
+ Có nền văn hoá độc đáo, đa dạng nhờ tồn tại cộng đồng dân cư đa sắc (hơn 150 sắc tộc cùng sinh sống).
+ Có sự dung hòa giữa nhiều nét văn hoá khác nhau trên thế giới với văn hóa bản địa.
+ Bên cạnh tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, còn có hơn 300 loại ngôn ngữ khác được sử dụng trong giao tiếp.
4. Phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên ở Ôxtrâylia
- Phương thức khai thác thiên nhiên:
+ Ngành chăn nuôi gia súc (đặc biệt là cừu) được chú trọng phát triển, do điều kiện khí hậu khô hạn, đồng cỏ thưa…
=> Chăn nuôi gia súc theo hình thức chăn thả là phổ biến, ngoài ra còn hình thức chăn nuôi trong các trang trại hiện đại, sử dụng công nghệ cao.
+ Các loại cây ưa khô, có khả năng chịu hạn được trồng theo hình thức quảng canh.
+ Những nơi đất tốt, khí hậu thuận lợi, được sự hỗ trợ của hệ thống thuỷ lợi đã hình thành các nông trại trồng lúa mì, nho, cam...
+ Các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp nằm gần các cảng biển để phục vụ xuất khẩu.
+ Những năm gần, giảm tốc độ khai thác khoáng sản, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp chế tạo.
+ Phát triển du lịch để khai thác tiềm năng thiên nhiên độc đáo.
Chăn thả cừu ở Ô-xtrây-li-a
- Bảo vệ thiên nhiên ở Ô-xtrây-li-a: Một số vấn đề trong sản xuất nông nghiệp đang rất được quan tâm là bảo vệ nguồn nước, chống hạn hán, chống nhiễm mặn.
B. Bài tập trắc nghiệm Địa lí 7 Bài 18: Châu Đại Dương
Câu 1. Sơn nguyên tây Ô-xtrây-li-a có đặc điểm như thế nào?
A. Là các hoang mạc cát, hoang mạc đá, cao nguyên và núi thấp.
B. Là các cao nguyên rộng lớn, đất đai màu mỡ.
C. Là các sườn dốc, xen lẫn đồng bằng cát và đụn cát.
D. Là các hoang mạc cát xen lẫn cao nguyên và hẻm vực.
Đáp án đúng là: A
Trền bề mặt là các hoang mạc cát, hoang mạc đá, cao nguyên và núi thấp. (sgk trang 157).
Câu 2. Dạng địa hình lục địa Ô-xtrây-li-a là gì?
A. Lãnh thổ hình khối rõ rệt.
B. Lãnh thổ trải dài từ bắc xuống nam.
C. Lãnh thổ gồm: núi và sơn nguyên cao, đồ sộ.
D. Lãnh thổ đối xứng qua xích đạo.
Đáp án đúng là: A
Lục địa Ô-xtrây-li-a có dạng hình khối rõ rệt. (sgk trang 156).
Câu 3. Chiều rộng từ bờ Tây sang bờ Đông của lục địa Ô-xtrây-li-a mở rộng nhất là bao nhiêu km?
A. 3000km.
B. 4000km.
C. 5000km.
D. 6000km.
Đáp án đúng là: B
Từ tây sang đông, nơi rộng nhất là 4000km. (sgk trang 156)
Câu 4. Chiều dài từ Bắc xuống Nam của lục địa Ô-xtrây-li-a là bao nhiêu km?
A. 3000km.
B. 4000km.
C. 5000km.
D. 6000km.
Đáp án đúng là: A
Từ bắc xuống nam dài hơn 3000km. (sgk trang 156)
Câu 5. Khu vực nào ở Ô-xtrây-li-a có lượng mưa cao nhất?
A. Dải bờ biển hẹp ở phía Bắc.
B. Sườn tây của dãy Trường Sơn Ô-xtrây-li-a.
C. Dải đất hẹp phía nam lục địa.
D. Phía nam của đảo Ta-xma-ni-a.
Đáp án đúng là: A
Dải bờ biển hẹp ở phía Bắc. Lượng mưa trung bình từ 1000-1500mm/năm
Sườn tây của dãy Trường Sơn Ô-xtrây-li-a, dưới 250mm/năm
Dải đất hẹp phía nam lục địa dưới 1000mm/năm.
Phía nam của đảo Ta-xma-ni-a khí hậu ôn đới. (sgk trang 158)
Câu 6. Lãnh thổ châu Đại Dương gồm mấy bộ phận?
A. Hai bộ phận.
B. Ba bộ phận.
C. Bốn bộ phận.
D. Năm bộ phận.
Đáp án đúng là: A
Châu Đại dương gồm hai bộ phận: Lục địa Ô-xtrây-li-a và vùng đảo châu Đại Dương (sgk trang 156+157)
Câu 7. Vùng đảo châu Đại Dương gồm mấy khu vực?
A. Ba.
B. Bốn.
C. Năm.
D. Sáu.
Đáp án đúng là: B
Vùng đảo châu Đại Dương nằm ở trung tâm Thái Bình Dương, bao gồm bốn khu vực (Mê-la-nê-di, Mi-crô-nê-đi, Pô-li-nê-đi và Niu Di-len). (sgk trang 157).
Câu 8. Vùng đảo châu Đại Dương nằm ở đâu?
A. Trung tâm Thái Bình Dương.
B. Trung tâm Đại Tây Dương.
C. Trung tâm Ấn Độ Dương.
D. Trung tâm Bắc Băng Dương.
Đáp án đúng là: A
Vùng đảo châu Đại Dương nằm ở trung tâm Thái Bình Dương (sgk trang 157).
Câu 9. Dạng địa hình lục địa Ô-xtrây-li-a lần lượt từ tây sang đông là gì?
A. Sơn nguyên tây Ô-xtrây-li-a, vùng đồng bằng Trung tâm, dãy Trường Sơn Ô-xtrây-li-a.
B. Dãy Trường Sơn Ô-xtrây-li-a, vùng đồng bằng Trung tâm, sơn nguyên tây Ô-xtrây-li-a.
C. Vùng đồng bằng Trung Tâm, dãy Trường Sơn Ô-xtrây-li-a, sơn nguyên tây Ô-xtrây-li-a.
D. Sơn nguyên tây Ô-xtrây-li-a. dãy Trường Sơn Ô-xtrây-li-a, vùng đồng bằng Trung tâm.
Đáp án đúng là: A
Sơn nguyên tây Ô-xtrây-li-a, vùng đồng bằng Trung tâm, dãy Trường Sơn Ô-xtrây-li-a. (sgk trang 157)
Câu 10. Độ cao trung bình của sơn nguyên phía tây Ô-xtrây-li-a là bao nhiêu?
A. Trung bình dưới 500m.
B. Trung bình 800-1000m.
C. Trung bình 500m.
D. Trung bình 1000m.
Đáp án đúng là: A
Phía tây là sơn nguyên tây Ô-xtrây-li-a, độ cao trung bình dưới 500m. (sgk trang 157).
Câu 11. Tại sao đồng bằng Trung tâm Ô-xtrây-li-a không có người sinh sống?
A. Địa hình thấp, trũng.
B. Khí hậu khô hạn.
C. Khoáng sản nghèo nàn.
D. Nhiều núi lửa đang hoạt động.
Đáp án đúng là: B
Độ cao trung bình dưới 200m, rất khô hạn, bề mặt nhiều bãi đá, đồng bằng cát, đụn cát. Nhiều nơi hoang vắng, không có người sinh sống (sgk trang 158).
Câu 12. Phía đông dãy Trường Sơn lại mưa nhiều hơn phía tây dãy Trường Sơn do đâu?
A. Khí hậu nhiệt đới ẩm, giáp biển, ảnh hưởng gió Mậu dịch.
B. Khí hậu nhiệt đới ẩm, giáp biển, ảnh hưởng gió Tây ôn đới.
C. Khí hậu nhiệt đới ẩm, giáp biển, ảnh hưởng gió Đông cực.
D. Khí hậu nhiệt đới ẩm, giáp biển, ảnh hưởng gió Tín phong.
Đáp án đúng là: A
Sườn đông dãy Trường sơn Ô-xtrây-li-a có khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều. Do vị trí giáp biển và ảnh hưởng gió Mậu dịch (sgk trang 158).
Câu 13. Đâu là ngôn ngữ chính thức được sử dụng ở Ô-xtrây-li-a?
A. Tiếng Anh.
B. Tiếng A-rập.
C. Tiếng Hoa.
D. Tiếng Hi Lạp.
Đáp án đúng là: A
Bên cạnh tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, còn có hơn 300 loại ngôn ngữ khác nhau được sử dụng trong giao tiếp (sgk trang 161).
Câu 14. Dân cư tập trung đông ở phía đông, đông nam và tây nam do những nguyên nhân nào?
A. Địa hình thấp, độ cao trung bình dưới 200m và nhiều khoáng sản.
B. Khí hậu nhiệt đới ẩm, nhiều sông ngòi và khoáng sản.
C. Khí hậu lục địa, nhiều sông ngòi và khoáng sản.
D. Nhiều sông ngòi, khí hậu lục địa và lịch sử nhập cư.
Đáp án đúng là: B
Khí hậu nhiệt đới ẩm, nhiều sông ngòi và khoáng sản thu hút luồng nhập cư (sgk trang 160).
Câu 15. Để phù hợp với điều kiện khí hậu khô hạn ngành chăn nuôi nào chú trọng phát triển ở Ô-xtrây-li-a?
A. Chăn nuôi cừu.
B. Chăn nuôi bò.
C. Chăn nuôi dê.
D. Chăn nuôi lợn.
Đáp án đúng là: A
Để phù hợp với điều kiện khí hậu khô hạn, đồng cỏ thưa… ngành chăn nuôi gia súc (đặc biệt là cừu) được chú trọng phát triển. (sgk trang 161)
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Địa lí 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Địa lí 7 Bài 15: Đặc điểm dân cư, xã hội, phương thức khai thác tự nhiên bền vững ở Bắc Mỹ
Lý thuyết Địa lí 7 Bài 16: Đặc điểm tự nhiên Trung và Nam Mỹ
Lý thuyết Địa lí 7 Bài 17: Đặc điểm dân cư, xã hội Trung và Nam Mỹ
Lý thuyết Địa lí 7 Bài 18: Châu Đại Dương
Lý thuyết Địa lí 7 Bài 19: Châu Nam Cực