15 câu Trắc nghiệm Địa lí 8 Bài 5 (Cánh diều 2023) có đáp án: Khí hậu Việt Nam

3.1 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa lí lớp 8 Bài 5: Khí hậu Việt Nam sách Cánh diều. Bài viết gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa lí 8. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 5: Khí hậu Việt Nam. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Địa lí 8 Bài 5: Khí hậu Việt Nam

Phần 1. 15 câu trắc nghiệm Địa lí 8 Bài 5: Khí hậu Việt Nam

Câu 1. Gió mùa mùa đông hoạt động ở nước ta vào thời gian nào sau đây?

A. Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

B. Từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau.

C. Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

D. Từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau.

Đáp án đúng là: C

Gió mùa mùa đông: hoạt động từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, do tác động của khối khí lạnh từ phương bắc di chuyển xuống theo hướng đông bắc. Gió mùa mùa đông tạo nên mùa đông lạnh cho miền Bắc: nửa đầu mùa đông có kiểu thời tiết lạnh, khô; nửa sau mùa đông, thời tiết lạnh, ẩm, có mưa phùn; miền núi cao xuất hiện sương muối, sương giá và băng tuyết. Khi thổi về phía nam, gió mùa mùa đông hầu như bị chặn lại ở dãy Bạch Mã.

Câu 2. Ranh giới giữa hai miền khí hậu Bắc và Nam là dãy núi nào dưới đây?

A. Bạch Mã.

B. Trường Sơn Nam.

C. Hoàng Liên Sơn.

D. Trường Sơn Bắc.

Đáp án đúng là: A

Khí hậu phân hóa theo chiều bắc - nam, chia làm 2 miền: miền khí hậu phía Bắc (từ dãy Bạch mã trở ra Bắc) và miền khí hậu phía Nam (từ dãy Bạch Mã trở vào).

Câu 3. Đặc điểm thời tiết vào mùa đông của miền khí hậu miền Bắc là

A. nóng, khô và phân thành hai mùa rõ rệt.

B. đầu mùa tương đối khô, cuối mùa ẩm ướt.

C. nóng ẩm và mưa nhiều diễn ra quanh năm.

D. thời tiết lạnh buốt và khô ráo, nhiều mây.

Đáp án đúng là: B

Miền khí hậu phía Bắc, từ dãy Bạch Mã trở ra. Nhiệt độ không khí trung bình năm trên 20°C. Mùa đông do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên có 2 đến 3 tháng lạnh với nhiệt độ trung bình tháng dưới 18°C, nửa đầu mùa đông tương đối khô và nửa cuối mùa đông ẩm ướt. Mùa hạ nóng, ẩm và mưa nhiều.

Câu 4. Ở nước ta, khu vực nào chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão và áp thấp nhiệt đới?

A. Duyên hải Bắc Bộ và Trung Bộ.

B. Bắc Trung Bộ và Trung Bộ.

C. Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Trung Bộ.

D. Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.

Đáp án đúng là: A

Mưa lớn do bão và áp thấp nhiệt đới gây nên thường tập trung ở duyên hải Bắc Bộ và Trung Bộ. Thường kéo dài nhiều ngày và gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, các công trình công cộng,…

Câu 5. Gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh mẽ nhất ở khu vực nào sau đây của nước ta?

A. Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ.

B. Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.

C. Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.

D. Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung bộ.

Đáp án đúng là: A

Gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh mẽ nhất ở khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ ở nước ta.

Câu 6. Hằng năm, nước ta có lượng mưa trung bình khoảng

A. 1500 - 2000mm/năm.

B. 1200 - 1800mm/năm.

C. 1300 - 2000mm/năm.

D. 1400 - 2200mm/năm.

Đáp án đúng là: A

Tính chất ẩm thể hiện qua yếu tố lượng mưa và độ ẩm. Nước ta có lượng mưa trung bình năm lớn, từ 1500 - 2000mm/năm. Ở những khu vực đón gió biển hoặc vùng núi cao, lượng mưa trung bình năm thường nhiều hơn, khoảng 3000 - 4000mm/năm.

Câu 7. Số giờ nắng nước ta nhận được mỗi năm là

A. 1300 - 4000 giờ trong năm.

B. 1400 - 3500 giờ trong năm.

C. 1400 - 3000 giờ trong năm.

D. 1300 - 3500 giờ trong năm.

Đáp án đúng là: C

Nhiệt độ trung bình năm ở hầu hết mọi nơi trên cả nước đều trên 20°C (trừ vùng núi cao) và tăng dần từ Bắc vào Nam. Số giờ nắng nhiều, khoảng 1400 - 3000 giờ/năm.

Câu 8. Tính chất ẩm của khí hậu nước ta thể hiện qua các yếu tố nào sau đây?

A. Nhiệt độ và số giờ nắng.

B. Lượng mưa và độ ẩm.

C. Độ ẩm và cán cân bức xạ.

D. Ánh sáng và lượng mưa.

Đáp án đúng là: B

Tính chất ẩm thể hiện qua yếu tố lượng mưa và độ ẩm.

- Nước ta có lượng mưa trung bình năm lớn, từ 1500 - 2000mm/năm. Ở những khu vực đón gió biển hoặc vùng núi cao, lượng mưa trung bình năm thường nhiều hơn, khoảng 3000 - 4000mm/năm.

- Cân bằng ẩm luôn dương, độ ẩm không khí cao, trên 80%.

Câu 9. Ở nước ta, loại gió nào sau đây thổi quanh năm?

A. Tín phong.

B. Đông Bắc.

C. Tây Nam.

D. Đông Nam.

Đáp án đúng là: A

Việt Nam nằm trong phạm vi hoạt động của Tín phong bán cầu Bắc. Gió Tín phong là loại gió hoạt động quanh năm ở nước ta. Ngoài ra, nước ta còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các khối khí hoạt động theo mùa với hai mùa gió chính: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ.

Câu 10. Ở Bắc Bộ, vào mùa hạ gió mùa thổi theo hướng nào sau đây?

A. Đông Nam.

B. Đông Bắc.

C. Tây Nam.

D. Tây Bắc.

Đáp án đúng là: A

Đối với miền Bắc, do ảnh hưởng của áp thấp Bắc Bộ nên vào mùa hạ gió mùa Tây Nam thổi vào đất liền theo hướng đông nam.

Câu 11. Ở vùng biển và thềm lục địa nước ta có khí hậu

A. nhiệt đới gió mùa ẩm.

B. ôn hòa hơn trong đất liền.

C. có sự phân hóa phức tạp.

D. phân hóa theo bắc - nam.

Đáp án đúng là: B

Theo chiều đông - tây, khí hậu nước ta có sự phân hoá giữa vùng biển và đất liền, giữa vùng đồng bằng ở phía đông và vùng núi ở phía tây.

- Vùng biển và thềm lục địa có khí hậu ôn hoà hơn trong đất liền.

- Vùng đồng bằng ven biển có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.

- Vùng đồi núi phía tây khí hậu phân hóa phức tạp do tác động của gió mùa và hưởng của các dãy núi.

Câu 12. Khí hậu nước ta cho phép phát triển một nền nông nghiệp

A. nhiệt đới.

B. xích đạo.

C. cận nhiệt.

D. ôn đới.

Đáp án đúng là: A

Khí hậu nước ta cho phép phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới, gồm các cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế và năng suất cao.

Câu 13. Các hoạt động du lịch biển ở phía Nam diễn ra quanh năm do

A. miền Nam chỉ có du lịch biển.

B. nền nhiệt độ cao quanh năm.

C. có nhiều loại hình du lịch mới.

D. khí hậu ở miền Nam mát mẻ.

Đáp án đúng là: B

Ở các tỉnh phía Nam có nền nhiệt độ cao quanh năm, không chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên các hoạt động du lịch biển (tắm biển, tham quan đảo,…) được diễn ra quanh năm.

Câu 14. Khó khăn chủ yếu của khí hậu đối với nông nghiệp nước ta hiện nay là

A. hạn hán, mưa phùn, bão.

B. nhiều thiên tai, dịch bệnh.

C. sâu bệnh và sương muối.

D. sạt lở bờ biển, cháy rừng.

Đáp án đúng là: B

Khí hậu nước ta gây nhiều khó khăn cho nông nghiệp, đó là các thiên tai (hạn hán, bão, lũ, sương muối, dông, mưa đá,...) thường xảy ra làm thiệt hại nặng nề tới hoạt động sản xuất nông nghiệp; Đồng thời, khí hậu nóng ẩm là môi trường dễ phát sinh sâu bệnh, làm giảm năng suất cây trồng và vật nuôi, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng của nông sản.

Câu 15. Khí hậu không có tác động trực tiếp đến sự hình thành

A. loại hình du lịch.

B. các điểm du lịch.

C. mùa vụ du lịch.

D. cơ cấu du khách.

Đáp án đúng là: D

Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có sự phân hoá theo mùa và theo đai cao ở nước ta đã tác động trực tiếp đến sự hình thành các điểm du lịch, loại hình du lịch, mùa vụ du lịch,...

Phần 2. Lý thuyết Địa lí 8 Bài 5: Khí hậu Việt Nam

I. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa

1. Tính chất nhiệt đới

- Tính chất nhiệt đới của khí hậu được thể hiện qua các yếu tố chính là: bức xạ mặt trời (tổng lượng bức xạ và cán cân bức xạ), nhiệt độ và số giờ nắng.

+ Do ảnh hưởng của vị trí địa lí nên quanh năm nước ta nhận được lượng bức xạ Mặt Trời lớn, tổng lượng bức xạ lên tới 110 - 160 kcal/cm2/năm, cán cân bức xạ luôn dương và đạt trên 75 kcal/cm2/năm trên phạm vi cả nước.

+ Số giờ nắng dao động từ 1400 giờ năm đến 3000 giờ năm.

+ Nhiệt độ trung bình năm của cả nước đều trên 20°C (trừ các vùng núi cao) và tăng dần từ bắc vào nam.

Lý thuyết Địa Lí 8 Cánh diều Bài 5: Khí hậu Việt Nam

2. Tính chất ẩm

- Tính chất ẩm được thể hiện qua lượng mưa, cân bằng ẩm và độ ẩm không khí.

+ Nước ta có tổng lượng mưa năm rất lớn, phổ biến từ 1500 mm đến 2000 mm. Nhiều nơi do ảnh hưởng của địa hình đón gió ẩm, lượng mưa lên tới trên 3000 mm như: Bắc Quang (tỉnh Hà Giang); Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế); Trà My (tỉnh Quảng Nam),...

+ Cân bằng ẩm luôn dương.

+ Độ ẩm không khí cao, thường trên 80%.

3. Tính chất gió mùa

♦ Do vị trí địa lí nằm trong khu vực hoạt động của Tín phong và gió mùa, tuy nhiên hoạt động của gió mùa thường lấn át Tín phong nên trong một năm nước ta có hai mùa gió chính là: gió mùa đông và gió mùa hạ.

- Gió mùa đông:

+ Hoạt động từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

+ Gió thổi theo hướng đông bắc nên còn được gọi là gió mùa Đông Bắc.

+ Đầu mùa đông, khối khí lạnh từ phương bắc tràn xuống đã tạo cho miền Bắc nước ta một mùa đông lạnh. Khi di chuyển xuống phía nam, khối khí này bị suy yếu nên Tín phong hoạt động mạnh lên, gây mưa cho vùng ven biển Trung Bộ và tạo nên mùa khô cho vùng Nam Bộ và Tây Nguyên.

- Gió mùa hạ:

+ Hoạt động từ tháng 5 đến tháng 10.

+ Gió thổi theo hướng tây nam là chủ yếu nên còn được gọi là gió mùa Tây Nam. Riêng ở miền Bắc, gió chuyển hướng đông nam do lực hút của áp thấp Bắc Bộ nên thường được gọi là gió mùa Đông Nam.

+ Đầu mùa hạ, khối khí nhiệt đới ẩm thổi từ Bắc Ấn Độ Dương đến nước ta gây mưa cho vùng Nam Bộ và Tây Nguyên. Khi gió di chuyển đến vùng ven biển Trung Bộ và khu vực phía nam vùng Tây Bắc do hiệu ứng phơn nên khối khí này tạo nên thời tiết khô, nóng.

+ Đến giữa và cuối mùa hạ, gió mùa Tây Nam (Tín phong bán cầu Nam) cùng với dải hội tụ nhiệt đới gây mưa cho hầu khắp cả nước. Đây cũng là thời kì có nhiều bão và các thời tiết cực đoan khác như: tố, lốc,...

Lý thuyết Địa Lí 8 Cánh diều Bài 5: Khí hậu Việt Nam

II. Sự phân hoá đa dạng của khí hậu

1. Sự phân hoá khí hậu từ bắc vào nam và từ tây sang đông

 Từ bắc vào nam, khí hậu nước ta được phân ra làm hai miền:

- Miền khí hậu phía bắc:

+ Ở phía bắc dãy Bạch Mã;

+ Có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ trung bình năm trên 20°C.

+ Mùa đông lạnh, đầu mùa đông có thời tiết lạnh khô, cuối mùa đông có thời tiết lạnh ẩm. Mùa hạ nóng, mưa nhiều.

- Miền khí hậu phía nam:

+ Ở phía nam dãy Bạch Mã;

+ Khí hậu cận xích đạo gió mùa; nhiệt độ cao quanh năm, trung bình năm trên 25 °C;

+ Sự phân mùa thể hiện ở lượng mưa với sự tương phản sâu sắc giữa mùa mưa và mùa khô.

Lý thuyết Địa Lí 8 Cánh diều Bài 5: Khí hậu Việt Nam

- Riêng khu vực ven biển miền Trung, từ 11°B (Mũi Dinh) đến 18°B (dãy Hoành Sơn) có mùa mưa lệch vào thu đông.

 Từ tây sang đông, do ảnh hưởng của địa hình và hoạt động của các khối khí thịnh hành đã tạo ra sự khác biệt về khí hậu giữa vùng biển, thềm lục địa với vùng đồng bằng ven biển, vùng đồi núi.

2. Sự phân hoá khí hậu theo độ cao

- Ở các khu vực địa hình núi, khí hậu còn thay đổi theo độ cao, tạo nên các đai khí hậu:

+ Đai nhiệt đới gió mùa: từ 0 m đến 600 - 700 m ở miền Bắc và từ 0 m đến 900 - 1000 m ở miền Nam. Khí hậu thể hiện rõ tính nhiệt đới ẩm.

+ Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi: từ ranh giới phía trên của đại nhiệt đới gió mùa đến khoảng 2600 m. Khí hậu mát mẻ, mưa nhiều.

+ Đai ôn đới gió mùa trên núi: từ độ cao 2600 m trở lên, khí hậu mang tính chất ôn đới, nhiệt độ quanh năm không vượt quá 15°C, mùa đông nhiệt độ xuống thấp, có thể có tuyết rơi.

III. Ảnh hưởng của khí hậu đến các hoạt động kinh tế

1. Đối với sản xuất nông nghiệp

- Phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới: Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp ở nước ta được tiến hành quanh năm, có thể trồng được nhiều vụ một năm, cho năng suất cao,... tạo nên các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới có giá trị xuất khẩu.

- Tạo điều kiện để hình thành các vùng chuyên canh:

+ Tính chất gió mùa cùng với sự phân hoá của khí hậu đã làm cho cơ cấu mùa vụ trong nông nghiệp cũng khác nhau giữa các vùng, địa phương.

+ Mỗi vùng có những thế mạnh riêng, tạo điều kiện để nước ta hình thành các vùng chuyên canh với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau.

+ Ở các khu vực địa hình núi, cao nguyên có thể hình thành vùng trồng cây cận nhiệt và ôn đới.

- Sản phẩm nông nghiệp đa dạng: Do sự phân hoá khí hậu từ bắc vào nam, từ tây sang đông và theo độ cao địa hình nên nước ta có cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đa dạng, có cả các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới.

Lý thuyết Địa Lí 8 Cánh diều Bài 5: Khí hậu Việt Nam

- Sản xuất nông nghiệp bấp bênh, nhiều rủi ro: Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa cũng mang đến thiên tai (lũ lụt, hạn hán,...), dịch bệnh,... gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp.

2. Đối với sự phát triển du lịch

♦ Hoạt động du lịch ở nước ta có thể diễn ra quanh năm, tuỳ theo điều kiện khí hậu của mỗi địa phương trong từng mùa.

- Ở miền Bắc:

+ Do có mùa đông lạnh nên hoạt động du lịch biển thường diễn ra vào mùa hạ.

+ Tại các vùng núi cao, mùa hạ có khí hậu mát mẻ; mùa đông nhiệt độ giảm mạnh, có thể có tuyết rơi như ở: Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn),... trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn.

- Ở miền Nam:

+ Do có nhiệt độ cao quanh năm nên có thể tổ chức hoạt động du lịch biển trong tất cả các mùa tại những tỉnh, thành phố ven biển như: thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu),...

+ Một số cao nguyên có khí hậu mát mẻ, tương tự khí hậu ở vùng ôn đới nên có hoạt động du lịch phát triển mạnh, như: Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) trên cao nguyên Lâm Viên; thị trấn Măng Đen (tỉnh Kon Tum) trên cao nguyên Măng Đen,…

♦ Tuy nhiên, sự phân mùa sâu sắc và các hiện tượng thời tiết bất thường của khí hậu nước ta cũng mang đến những khó khăn, làm gián đoạn hoạt động du lịch ở nhiều địa phương trên cả nước.

Lý thuyết Địa Lí 8 Cánh diều Bài 5: Khí hậu Việt Nam

Video bài giảng Địa Lí 8 Bài 5: Khí hậu Việt Nam - Cánh diều

Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa lí lớp 8 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá