Lý thuyết Sinh học 11 Bài 11 (Cánh diều 2024): Khái quát về cảm ứng ở sinh vật

4.5 K

Với tóm tắt lý thuyết Sinh học lớp 11 Bài 11: Khái quát về cảm ứng ở sinh vật sách Cánh diều hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Sinh học 11.

Sinh học lớp 11 Bài 11: Khái quát về cảm ứng ở sinh vật

A. Lý thuyết Sinh học 11 Bài 11: Khái quát về cảm ứng ở sinh vật

I. Khái quát về cảm ứng ở sinh vật

- Môi trường sống luôn thay đổi và tác động đến sinh vật. Sinh vật nhận tín hiệu từ môi trường nhờ các thụ thể và đáp ứng lại các tín hiệu, đảm bảo thích nghi với những thay đổi phức tạp của môi trường.

- Cảm ứng ở sinh vật là khả năng cơ thể sinh vật tiếp nhận và phản ứng thích hợp với các kích thích từ môi trường, đảm bảo cho sinh vật tồn tại và phát triển. Tuỳ thuộc vào phương thức sống, đặc điểm cấu tạo mà các loài sinh vật có cơ chế và biểu hiện cảm ứng khác nhau.

Lý thuyết Sinh học 11 Bài 11 (Cánh diều): Khái quát về cảm ứng ở sinh vật (ảnh 1)

II. Cơ chế cảm ứng ở sinh vật

Cơ chế cảm ứng ở sinh vật gồm: thu nhận kích thích, dẫn truyền kích thích, trả lời kích thích. Ở động vật có hệ thần kinh có cơ chế phân tích và tổng hợp thông tin.

Lý thuyết Sinh học 11 Bài 11 (Cánh diều): Khái quát về cảm ứng ở sinh vật (ảnh 1)

1. Thu nhận kích thích

Thực vật thu nhận kích thích từ môi trường thông qua các thụ thể trên màng tế bào hoặc trong tế bào chất. Động vật thu nhận kích thích từ môi trường thông qua các giác quan hoặc các tế bào thụ cảm.

2. Dẫn truyền kích thích

Ở thực vật, tín hiệu kích thích từ môi trường được chuyển đổi thành tín hiệu thứ cấp và được dẫn truyền trong tế bào. Ở động vật đa bào có tế bào thần kinh (neuron), tế bào thụ cảm tiếp nhận kích thích, hình thành xung thần kinh. Kích thích được neuron thụ cảm tiếp nhận, truyền theo neuron hướng tâm đến neuron trung gian ở trung ương thần kinh, rồi truyền sang neuron li tâm đến cơ quan trả lời.

3. Phân tích và tổng hợp thông tin

Ở sinh vật có hệ thần kinh, kích thích được dẫn truyền đến bộ phận phân tích và tổng hợp thông tin, quyết định hình thức và mức độ phản ứng của sinh vật, đáp ứng với những thay đổi của môi trường. Bộ phận phân tích và tổng hợp thông tin là các neuron.

4. Trả lời kích thích

Ở mức độ cơ thể, thực vật và động vật đáp ứng với tác nhân kích thích từ môi trường theo các cách rất khác nhau. Thực vật thường phản ứng với các kích thích của môi trường bằng cách điều chỉnh hình thái, phản ứng sinh lí hoặc sự vận động của các cơ quan. Các phản ứng của thực vật được điều khiển bởi các hormone thực vật. Động vật đáp ứng với kích thích thông qua phản xạ. Cơ quan trả lời ở động vật là cơ hoặc tuyến. Cơ trả lời kích thích bằng cách co hoặc dãn. Tuyến trả lời kích thích bằng cách tăng hoặc giảm tiết các chất.

III. Vai trò của cảm ứng đối với sinh vật

Cảm ứng ở sinh vật được thực hiện bằng các cơ chế, hình thức khác nhau giúp sinh vật thích ứng được với những thay đổi từ môi trường, đồng thời duy trì môi trường bên trong tối ưu cho các hoạt động sống của cơ thể, nhờ đó sinh vật tồn tại, sinh trưởng và thích nghi với môi trường.

B. Bài tập trắc nghiệm Sinh học 11 Bài 11: Khái quát về cảm ứng ở sinh vật

 Câu 1: Thực vật thường phản ứng với các kích thích của môi trường bằng cách nào sau đây?

A. Biến đổi hình thái.

B. Các phản ứng sinh lí.

C. Sự vận động của các cơ quan.

D. Tất cả các đáp án trên. 

Đáp án đúng là: D

Thực vật thường phản ứng với các kích thích của môi trường bằng cách biến đổi hình thái, các phản ứng sinh lí hoặc sự vận động của các cơ quan.

Câu 2: Các phản ứng của thực vật trả lời các kích thích của môi trường được điều khiển bởi 

A. dịch mạch gỗ.

B. hormone thực vật.

C. màng tế bào.

D. hệ thần kinh.

Đáp án đúng là: B

Các phản ứng của thực vật trả lời các kích thích của môi trường được điều khiển bởi hormone thực vật.

Câu 3: Phát biểu nào không đúng khi nói về cơ chế cảm ứng ở thực vật?

A. Thực vật thu nhận kích thích từ môi trường thông qua các thụ thể trên màng tế bào hoặc trong tế bào chất.

B. Các tín hiệu kích thích từ môi trường được chuyển đổi thành xung thần kinh và được dẫn truyền trong tế bào.

C. Thực vật thường phản ứng với các kích thích của môi trường bằng cách điều chỉnh hình thái, phản ứng sinh lí hoặc sự vận động của các cơ quan. 

D. Các phản ứng của thực vật được điều khiển bởi các hormone thực vật. 

Đáp án đúng là: B

B – Sai. Các tín hiệu kích thích từ môi trường được chuyển đổi tín hiệu thứ cấp và được dẫn truyền trong tế bào.

Câu 4: Phát biểu nào không đúng khi nói về cơ chế cảm ứng ở động vật có hệ thần kinh?   

A. Động vật thu nhận kích thích từ môi trường thông qua các cơ quan hoặc các tế bào thụ cảm.

B. Bộ phận thu nhận kích thích quyết định hình thức và mức độ phản ứng của sinh vật. 

C. Động vật đáp ứng với kích thích thông qua phản xạ.

D. Cơ quan trả lời ở động vật là cơ hoặc tuyến.

Đáp án đúng là: B

B – Sai. Bộ phận phân tích và tổng hợp thông tin quyết định hình thức và mức độ phản ứng của sinh vật.

Câu 5: Ở thực vật, trong điều kiện chiếu sáng từ một phía, thân cây non sẽ 

A. không thể sinh trưởng do không được chiếu sáng toàn phần.

B. sinh trưởng bình thường, mọc thẳng. 

C. dần dần sinh trưởng uốn cong về phía có ánh sáng.

D. dần dần sinh trưởng uốn cong về phía có bóng tối.

Đáp án đúng là: C

Ở thực vật, trong điều kiện chiếu sáng từ một phía, thân cây non sẽ dần dần sinh trưởng uốn cong về phía có ánh sáng.

Câu 6: Cảm ứng ở sinh vật là

A. khả năng cơ thể sinh vật tiếp nhận các kích thích từ môi trường.

B. khả năng cơ thể sinh vật thay đổi hình dạng, cấu tạo trước các tác nhân từ môi trường, đảm bảo cho sinh vật tồn tại và phát triển.  

C. khả năng cơ thể sinh vật tiếp nhận và phản ứng thích hợp với các kích thích từ môi trường, đảm bảo cho sinh vật tồn tại và phát triển.

D. khả năng cơ thể sinh vật tiếp nhận và phản ứng thích hợp với các kích thích từ sinh vật khác, đảm bảo cho sinh vật tồn tại và phát triển.

Đáp án đúng là: C

Cảm ứng ở sinh vật là khả năng cơ thể sinh vật tiếp nhận và phản ứng thích hợp với các kích thích từ môi trường, đảm bảo cho sinh vật tồn tại và phát triển. 

Câu 7: Cơ chế cảm ứng ở sinh vật gồm  

A. thu nhận kích thích và trả lời kích thích.

B. thu nhận kích thích và dẫn truyền kích thích. 

C. thu nhận kích thích, tổng hợp kích thích và dẫn truyền kích thích.  

D. thu nhận kích thích, dẫn truyền kích thích, trả lời kích thích.

Đáp án đúng là: D

Cơ chế cảm ứng ở sinh vật gồm thu nhận kích thích, dẫn truyền kích thích, trả lời kích thích. 

Câu 8: Trong cơ chế cảm ứng ở sinh vật có hệ thần kinh, kích thích được dẫn truyền đến bộ phận

A. thu nhận kích thích.

B. dẫn truyền kích thích.

C. phân tích và tổng hợp thông tin. 

D. tế bào thụ cảm. 

Đáp án đúng là: C

Ở sinh vật có hệ thần kinh, kích thích được dẫn truyền đến bộ phận phân tích và tổng hợp thông tin.

Câu 9: Trong cơ chế cảm ứng ở thực vật, kích thích từ môi trường được thu nhận thông qua 

A. các thụ thể trên màng tế bào hoặc trong tế bào chất.

B. các neuron thần kinh.

C. các hormone thực vật.

D. các giác quan hoặc các tế bào thụ cảm.

Đáp án đúng là: A

Trong cơ chế cảm ứng ở thực vật, kích thích từ môi trường được thu nhận thông qua các thụ thể trên màng tế bào hoặc trong tế bào chất.

Câu 10: Trong cơ chế cảm ứng ở động vật, kích thích từ môi trường được thu nhận thông qua 

A. các thụ thể trên màng tế bào hoặc trong tế bào chất.

B. các neuron thần kinh.

C. trung ương thần kinh.

D. các giác quan hoặc các tế bào thụ cảm.

Đáp án đúng là: D

Trong cơ chế cảm ứng ở động vật, kích thích từ môi trường được thu nhận thông qua các giác quan hoặc các tế bào thụ cảm.

Câu 11: Đặc điểm cảm ứng ở thực vật là?

A. Xảy ra nhanh, dễ nhận thấy

B. Xảy ra chậm, khó nhận thấy

C. Xảy ra nhanh, khó nhận thấy

D. Xảy ra chậm, dễ nhận thấy

Đáp án : B

Lời giải chi tiết :

Đặc điểm cảm ứng ở thực vật là xảy ra chậm, khó nhận thấy

Câu 12: Vai trò của cảm ứng ở sinh vật là?

A. Cảm ứng giúp sinh vật phản ứng lại các kích thích của môi trường để tồn tại và phát triển.

B. cảm ứng giúp sinh vật thích ứng với những thay đổi của môi trường để tồn tại và phát triển.

C. Giúp động vật có tư duy và nhận thức học tập.

D. Giúp sinh vật tồn tại và phát triển.

Đáp án : B

Lời giải chi tiết :

Vai trò của cảm ứng đối với sinh vật: đảm bảo cho sinh vật tồn tại, phát triển thích nghi với sự thay đổi của môi trường trong một giới hạn nhất định.

Câu 13: Cho ví dụ sau: Khi chạm tay vào cốc nước nóng thì tay ta rụt lại. Em hãy cho biết kích thích từ môi trường trong ví dụ trên là gì và phản ứng của cơ là gì để trả lời kích thích?

A. Khi đó kích thích từ môi trường là cốc nước và phản ứng trả lời là rụt tay lại.

B. Khi đó kích thích từ môi trường là nhiệt độ và phản ứng trả lời là rụt tay lại.

C. Khi đó kích thích từ môi trường là cốc nước và phản ứng trả lời là cảm giác nóng.

D. Khi đó kích thích từ môi trường là nhiệt độ và phản ứng trả lời là cảm giác nóng.

Đáp án : B

Lời giải chi tiết :

Trong ví dụ khi chạm tay vào cốc nước nóng thì tay ta rụt lại thì kích thích từ môi trường là nhiệt độ và phản ứng trả lời là rụt tay lại.

Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Sinh học 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 10: Bài tiết và cân bằng nội môi

Lý thuyết Bài 11: Khái quát về cảm ứng ở sinh vật

Lý thuyết Bài 12: Cảm ứng ở thực vật

Lý thuyết Bài 13: Cảm ứng ở động vật

Lý thuyết Bài 14: Tập tính ở động vật

Lý thuyết Bài 15: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

Đánh giá

0

0 đánh giá