Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 22: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng của sinh vật sách Chân trời sáng tạo. Bài viết gồm 10 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm KHTN 7. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 22: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng của sinh vật. Mời các bạn đón xem:
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 22: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng của sinh vật
Phần 1. Bài tập trắc nghiệm KHTN 7 Bài 22: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng của sinh vật
Câu 1. Quá trình quang hợp ở thực vật có xảy ra quá trình chuyển hóa năng lượng nào sau đây?
A. Quang năng thành hóa năng.
B. Điện năng thành nhiệt năng.
C. Hóa năng thành nhiệt năng.
D. Điện năng thành cơ năng.
Đáp án đúng là: A
Trong quá trình quang hợp, năng lượng ánh sáng mặt trời (quang năng) được chuyển hóa thành năng lượng được tích trữ trong các liên kết hóa học (hóa năng).
Câu 2. Trong cơ thể sinh vật, dạng năng lượng chủ yếu dùng để cung cấp cho các hoạt động sống của cơ thể là
A. hóa năng.
B. cơ năng.
C. nhiệt năng.
D. quang năng.
Đáp án đúng là: A
Trong cơ thể sinh vật, dạng năng lượng chủ yếu dùng để cung cấp cho các hoạt động sống của cơ thể là hóa năng.
Câu 3. Cho các phát biểu sau:
(1) Trong hoạt động sống của tế bào, trao đổi chất luôn đi kèm với chuyển hóa năng lượng.
(2) Chuyển hóa năng lượng là sự biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác.
(3) Trao đổi chất giữa cơ thể và môi trường gồm hai quá trình đó là lấy vào và thải ra.
(4) Quá trình phân giải glucose trong tế bào có cả sự chuyển hóa các chất và năng lượng.
Số phát biểu đúng là
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Đáp án đúng là: D
Cả 4 phát biểu trên đều đúng.
Câu 4. So với trạng thái đang nghỉ ngơi, tốc độ trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở trạng thái đang thi đấu của một vận động viên sẽ
A. cao hơn.
B. thấp hơn.
C. gần ngang bằng.
D. không thay đổi.
Đáp án đúng là: A
Nhu cầu năng lượng ở trạng thái đang thi đấu sẽ cao hơn ở trạng thái đang nghỉ ngơi → So với trạng thái đang nghỉ ngơi, tốc độ trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở trạng thái đang thi đấu của một vận động viên sẽ cao hơn với các biểu hiện ngoài như: nhịp hô hấp nhanh hơn, tim đập nhanh hơn, mô hôi toát ra nhiều hơn,…
Câu 5. Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể không có vai trò nào sau đây?
A. Cung cấp nguyên liệu cấu tạo nên tế bào và cơ thể.
B. Cung cấp năng lượng cho các hoạt động của tế bào và cơ thể.
C. Loại bỏ các chất thải để duy trì cân bằng môi trường trong cơ thể.
D. Giúp cơ thể tiếp nhận và phản ứng lại các kích thích từ môi trường.
Đáp án đúng là: D
Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể là:
- Cung cấp nguyên liệu cấu tạo nên tế bào và cơ thể.
- Cung cấp năng lượng cho các hoạt động của tế bào và cơ thể.
- Loại bỏ các chất thải để duy trì cân bằng môi trường trong cơ thể.
Câu 6. Cho hình ảnh sau:
Dấu ? trong hình ảnh trên mô tả cho quá trình nào sau đây?
A. Chuyển hóa các chất trong tế bào.
B. Lấy các chất cần thiết từ môi trường.
C. Trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường.
D. Đào thải các chất không cần thiết ra ngoài môi trường.
Đáp án đúng là: A
Dấu ? trong hình ảnh trên mô tả cho quá trình chuyển hóa các chất trong tế bào.
Câu 7. Quá trình cơ thể lấy các chất cần thiết từ môi trường (như nước, khí oxygen, chất dinh dưỡng,…) và thải các chất không cần thiết (như khí carbon dioxide, chất cặn bã,…) ra ngoài môi trường là quá trình
A. trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường.
B. trao đổi chất giữa tế bào với môi trường.
C. trao đổi chất giữa tế bào với tế bào khác.
D. trao đổi chất giữa cơ thể với cơ thể khác.
Đáp án đúng là: A
Trao đổi chất giữa cơ thể và môi trường là quá trình cơ thể lấy các chất cần thiết từ môi trường (như nước, khí oxygen, chất dinh dưỡng,…) và thải các chất không cần thiết (như khí carbon dioxide, chất cặn bã,…) ra ngoài môi trường.
Câu 8. Tập hợp tất cả các phản ứng hóa học diễn ra trong tế bào, được thể hiện qua quá trình tổng hợp và phân giải các chất là quá trình
A. chuyển hóa năng lượng trong tế bào.
B. chuyển hóa các chất trong tế bào.
C. chuyển hóa năng lượng ngoài tế bào.
D. chuyển hóa các chất ngoài tế bào.
Đáp án đúng là: B
Chuyển hóa các chất trong tế bào là tập hợp tất cả cá phản ứng hóa học diễn ra trong tế bào, được thể hiện qua quá trình tổng hợp và phân giải các chất.
Câu 9. Trao đổi chất ở sinh vật gồm
A. quá trình trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường và chuyển hóa các chất diễn ra trong tế bào.
B. quá trình trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường ngoài và quá trình trao đổi chất giữa tế bào với môi trường trong.
C. quá trình trao đổi chất giữa tế bào với môi trường trong và quá trình trao đổi chất giữa tế bào với môi trường ngoài.
D. quá trình trao đổi chất giữa tế bào với môi trường trong và chuyển hóa các chất diễn ra trong tế bào.
Đáp án đúng là: A
Trao đổi chất ở sinh vật bao gồm quá trình trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường và chuyển hóa các chất diễn ra trong tế bào.
Câu 10. Quá trình nào sau đây không thuộc trao đổi chất ở sinh vật?
A. Bài tiết mồ hôi.
B. Phân giải protein trong tế bào.
C. Vận chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày.
D. Lấy carbon dioxide và thải oxygen ở thực vật.
Đáp án đúng là: C
Vận chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày không thuộc trao đổi chất ở sinh vật vì quá trình này không phải là quá trình trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường cũng không phải là sự chuyển hóa các chất diễn ra trong tế bào.
Phần 2. Lý thuyết KHTN 7 Bài 22: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng của sinh vật
1. Khái niệm trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật
1.1. Trao đổi chất
- Trao đổi chất ở sinh vật gồm: quá trình trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường và chuyển hóa các chất diễn ra trong tế bào.
Trao đổi chất ở người
- Trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường:
+ Khái niệm: Trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường là quá trình cơ thể lấy các chất cần thiết từ môi trường và thải các chất không cần thiết ra ngoài môi trường.
+ Ví dụ: Trong quá trình hô hấp, cơ thể lấy vào khí oxygen và thải ra khí carbon dioxide.
Sự trao đổi khí trong quá trình hô hấp
- Chuyển hóa các chất trong tế bào:
+ Khái niệm: Chuyển hóa các chất trong tế bào là tập hợp tất cả các phản ứng hóa học diễn ra trong tế bào, được thể hiện qua quá trình tổng hợp và phân giải các chất.
+ Ví dụ: Tổng hợp đường glucose từ nước và carbon dioxide trong quá trình quang hợp ở thực vật; phân giải đường glucose trong quá trình hô hấp tế bào.
Quá trình phân giải đường glucose trong hô hấp tế bào
1.2. Chuyển hóa năng lượng
- Khái niệm: Chuyển hóa năng lượng là sự biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác.
- Ví dụ: Trong quá trình quang hợp, năng lượng ánh sáng mặt trời (quang năng) được chuyển hóa thành năng lượng được tích lũy trong các liên kết hóa học (hóa năng).
Quang năng chuyển hóa thành hóa năng trong quang hợp
- Dạng năng lượng chính trong cơ thể sinh vật: Hóa năng là dạng năng lượng chủ yếu dùng để cung cấp cho các hoạt động sống của cơ thể.
- Mối quan hệ giữa trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng: Trong hoạt động sống của tế bào, quá trình trao đổi chất luôn đi kèm với chuyển hóa năng lượng.
2. Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể
Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng có nhiều vai trò quan trọng giúp đảm bảo cho sinh vật có thể duy trì sự sống, sinh trưởng, phát triển và sinh sản bao gồm:
- Cung cấp nguyên liệu cấu tạo, thực hiện chức năng của tế bào và cơ thể.
+ Ví dụ: Sản phẩm của các quá trình chuyển hóa trong tế bào tạo nên nguồn nguyên liệu tham gia cấu tạo nên tế bào và cơ thể như cung cấp protein để cấu tạo nên màng sinh chất của tế bào, lipid cấu tạo nên mô mỡ,…; tham gia thực hiện chức năng của tế bào như diệp lục tham gia quá trình quang hợp;…
Protein và lipid tham gia cấu trúc màng sinh chất
- Cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể: Quá trình phân giải các chất hữu cơ giải phóng năng lượng để cung cấp cho các hoạt động sống của cơ thể.
+ Ví dụ: Trong quá trình hô hấp tế bào, glucose được phân giải tạo ra năng lượng được tích lũy trong ATP và cung cấp cho các hoạt động của cơ thể như vận động, vận chuyển các chất,…
Khi chạy cơ thể sử dụng năng lượng tạo ra từ quá trình hô hấp
- Đào thải các chất không cần thiết để ổn định môi trường trong cơ thể.
+ Ví dụ: Khí carbon dioxide được thải ra từ hoạt động hô hấp tế bào được thải ra ngoài môi trường nhờ hoạt động của hệ hô hấp, tránh tình trạng tích lũy carbon dioxide gây ngộ độc tế bào.
Cơ thể người hít vào khí O2 và thải ra khí CO2
Xem thêm các bài trắc nghiệm Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 21: Nam châm điện
Trắc nghiệm KTPL 7 Bài 22: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng của sinh vật
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 23: Quang hợp ở thực vật
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 24: Thực hành chứng minh quang hợp ở cây xanh
Trắc nghiệm KTPL 7 Bài 25: Hô hấp tế bào
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 26: Thực hành về hô hấp tế bào ở thực vật thông qua sự nảy mầm của hạt