Với tóm tắt lý thuyết Địa lí lớp 11 Bài 6: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Mỹ La tinh sách Kết nối tri thức hay, chi tiết cùng với 15 câu trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa lí 11.
Địa lí lớp 11 Bài 6: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Mỹ La tinh
A. Lý thuyết Địa lí 11 Bài 6: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Mỹ La tinh
I. Phạm vi lãnh thổ và vị trí địa lí
1. Phạm vi lãnh thổ
- Khu vực Mỹ La-tinh có diện tích khoảng 20 triệu km2;
- Bao gồm: Mê-hi-cô, eo đất Trung Mỹ, các đảo và quần đảo trong vùng biển Ca-ri-bê, toàn bộ lục địa Nam Mỹ.
2. Vị trí địa lí
- Lãnh thổ Mỹ La-tinh trải dài từ khoảng vĩ độ 33°B đến gần vĩ độ 54°N, tiếp giáp với ba đại dương: phía đông là Đại Tây Dương, phía tây là Thái Bình Dương và phía nam là Nam Đại Dương.
- Mỹ La-tinh nằm hoàn toàn ở bán cầu Tây, tách biệt với các châu lục khác. Phía bắc giáp khu vực Bắc Mỹ (gồm Hoa Kỳ và Ca-na-đa), là thị trường tiêu thụ rộng lớn và nơi cung cấp nguồn đầu tư quan trọng cho các nước Mỹ La-tinh.
=> Nhận xét: nhờ tiếp giáp với nhiều biển và đại dương, khu vực Mỹ La-tinh thuận lợi phát triển kinh tế biển, hợp tác trong khu vực và với các khu vực khác trên thế giới; trong đó, kênh đào Pa-na-ma có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế và giao thương.
II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
1. Địa hình và đất
- Nhìn chung, khu vực Mỹ La-tinh có cấu trúc địa hình tương đối đa dạng, phức tạp, với nhiều dạng địa hình.
♦ Khu vực phía tây:
- Đặc điểm: là miền núi cao, bao gồm: sơn nguyên Mê-hi-cô và vùng núi trẻ Trung Mỹ, hệ thống núi An-đét cao và đồ sộ bậc nhất thế giới chạy sát bờ Thái Bình Dương.
- Tác động: địa hình núi cao, chia cắt mạnh gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, cư trú và giao thông; đồng thời các dãy núi cao ngăn ảnh hưởng của biển vào sâu trong nội địa. Vùng núi cũng là nơi có nhiều thiên tai (động đất, núi lửa,...).
♦ Khu vực phía đông:
- Đặc điểm: là miền núi thấp, sơn nguyên và đồng bằng, bao gồm:
+ Sơn nguyên Guy-a-na và sơn nguyên Bra-xin, bề mặt nhiều nơi phủ đất feralit hình thành từ dung nham núi lửa;
+ Phần trung tâm sơn nguyên Guy-a-na và phần đông sơn nguyên Bra-xin được nâng lên thành một số dãy núi.
+ Các đồng bằng La-nốt, La Pla-ta là những vùng đất thấp, bề mặt được bồi đắp phù sa dày, khá bằng phẳng. Riêng đồng bằng A-ma-dôn có phần lớn diện tích là đầm lầy, rừng rậm phát triển.
- Tác động: vùng núi thấp, sơn nguyên và đồng bằng phía đông thuận lợi trồng cây lương thực, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc.
♦ Vùng biển Ca-ri-bê
- Đặc điểm: có nhiều đảo, đất màu mỡ.
- Tác động: thuận lợi trồng cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới và phát triển du lịch.
2. Khí hậu
- Khí hậu của phần lớn lãnh thổ Mỹ La-tinh có tính chất nóng, ẩm. Do phạm vi lãnh thổ trải dài trên nhiều vĩ độ và đặc điểm địa hình nên khí hậu Mỹ La-tinh phân hóa đa dạng thành nhiều đới và kiểu khí hậu khác nhau.
- Các đới và kiểu khí hậu:
+ Đới khí hậu xích đạo quanh năm nóng, ẩm, bao gồm: phần phía tây đồng bằng A-ma-dôn, duyên hải phía tây Cô-lôm-bi-a và Ê-cu-a-đo.
+ Đới khí hậu cận xích đạo một năm có hai mùa (mùa khô và mùa mưa) rõ rệt, bao gồm: toàn bộ phần phía bắc Nam Mỹ, đông và nam đồng bằng A-ma-dôn, bắc sơn nguyên Bra-xin.
+ Đới khí hậu nhiệt đới quanh năm nóng, lượng mưa giảm dần từ đông sang tây, có ở khu vực Trung Mỹ, phía nam đồng bằng A-ma-dôn.
+ Đới khí hậu cận nhiệt có mùa hạ nóng, mùa đông ấm và đới khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, bao gồm: toàn bộ phần lãnh thổ phía nam của lục địa Nam Mỹ.
+ Các vùng núi cao ở phía tây lục địa Nam Mỹ có kiểu khí hậu núi cao.
=> Tác động:
+ Khí hậu Mỹ La-tinh thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp nhiệt đới với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp.
+ Khí hậu Mỹ La-tinh cũng gây một số khó khăn cho đời sống và sản xuất: một số khu vực có khí hậu khắc nghiệt (ví dụ: hoang mạc A-ta-ca-ma quá khô hạn, phía tây đồng bằng A-ma-dôn quá ẩm ướt,...); vùng biển Ca-ri-bê và dải đất Trung Mỹ hằng năm chịu ảnh hưởng của bão nhiệt đới và lũ lụt.
3. Sông, hồ
- Sông:
+ Mạng lưới sông khá phát triển, có nhiều sông lớn và dài, phần lớn các sông nhiều nước quanh năm như A-ma-dôn, Ô-ri-nô-cô,...
+ Sông ngòi có giá trị về nhiều mặt: là đường giao thông quan trọng, nguồn nước tưới tiêu, tiềm năng thuỷ điện lớn và là các địa điểm du lịch hấp dẫn.
- Hồ:
+ Các hồ ở Mỹ La-tinh đa số là hồ nhỏ, nằm trên các độ cao lớn, có nguồn gốc kiến tạo, núi lửa, băng hà.
+ Một số hồ có ý nghĩa về du lịch, ví dụ như: hồ Ti-ti-ca-ca, Ni-ca-ra-goa,....
4. Sinh vật
- Thảm thực vật của Mỹ La-tinh rất đa dạng, bao gồm: rừng nhiệt đới (rừng mưa nhiệt đới, rừng nhiệt đới gió mùa,...), rừng cận nhiệt đới, xa van và rừng thưa, hoang mạc và bán hoang mạc,...
- Giới động vật ở Mỹ La-tinh rất phong phú, có nhiều loài đặc hữu, như: thú ăn kiến, cá sấu Nam Mỹ, vẹt, lạc đà Nam Mỹ (La-ma),...
- Rừng ở Mỹ La-tinh là nguồn cung cấp gỗ quan trọng cho nền kinh tế và có ý nghĩa đặc biệt về đa dạng sinh học, điều hoà khí hậu.... Tuy nhiên, diện tích rừng tự nhiên đang có xu hướng giảm do bị khai phá để lấy gỗ, lấy đất canh tác và làm đường giao thông.
5. Khoáng sản
- Mỹ La-tinh là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản, tập trung chủ yếu ở vùng núi An-đét và phía đông nam sơn nguyên Bra-xin.
- Khoáng sản phong phú về chủng loại; có trữ lượng lớn là sắt (Bra-xin - trữ lượng 80 tỉ tấn,...); chì - kẽm, bạc (Bô-li-vi-a, Pê-ru, Ác-hen-ti-na); đồng (Chi-lê); dầu mỏ, khí tự nhiên (Vê-nê-du-ê-la, Cô-lôm-bi-a, vùng biển Ca-ri-bê,...). Ngoài ra còn có thiếc, man-gan, ni-ken,...
- Tài nguyên khoáng sản là cơ sở để phát triển nhiều ngành công nghiệp và xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều loại khoáng sản có nguy cơ cạn kiệt do bị khai thác quá mức.
6. Biển
- Mỹ La-tinh giáp ba đại dương, có vùng biển rộng.
- Tài nguyên sinh vật biển phong phú tạo thuận lợi cho ngành khai thác thuỷ sản phát triển, nhất là ở vùng biển Thái Bình Dương.
- Dọc bờ biển có nhiều địa điểm thuận lợi để xây dựng cảng biển, phát triển giao thông vận tải biển.
- Nhiều nơi, nhất là khu vực Ca-ri-bê có các bãi biển đẹp, nước trong xanh thuận lợi phát triển du lịch biển.
III. Dân cư và xã hội
1. Dân cư
♦ Đặc điểm dân cư ở khu vực Mỹ La-tinh
- Mỹ La-tinh có số dân 652 triệu người (năm 2020). Các nước đông dân nhất là Bra-xin (211,8 triệu người), Mê-hi-cô (127,8 triệu người); nhưng cũng có nước chỉ vài chục nghìn dân như Đô-mi-ni-ca-na.
- Trước đây khu vực Mỹ La-tinh có tỉ lệ tăng dân số thuộc loại cao, hiện nay đã giảm nhiều, tỉ lệ tăng dân số cả khu vực năm 2020 là 0,94% và có sự chênh lệch giữa các quốc gia.
- Mỹ La-tinh là một trong những khu vực có sự đa dạng về chủng tộc bậc nhất trên thế giới, bao gồm người Ơ-rô-pê-ô-it, người Môn-gô-lô-it, người Nê-grô-it và người lai giữa các chủng tộc.
- Mỹ La-tinh đang trong thời kì dân số vàng và có sự thay đổi theo hướng già hoá dân số, số người trong độ tuổi từ 15 đến 64 tuổi chiếm 67,2% và số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 8,9% tổng số dân (năm 2020).
- Mật độ dân số trung bình của khu vực Mỹ La-tinh khoảng 32 người/km2 (năm 2020), thuộc loại thấp so với nhiều khu vực khác trên thế giới.
+ Dân cư tập trung đông ở các đảo lớn trong vùng biển Ca-ri-bê, các vùng ven biển, các đồng bằng màu mỡ,...
+ Ở các khu vực núi cao, rừng mưa nhiệt đới, vùng khô hạn,.. dân cư rất thưa thớt.
♦ Ảnh hưởng
- Thuận lợi: nhờ số dân đông, cơ cấu dân số vàng nên Mỹ La-tinh có lực lượng lao động dồi dào tạo thuận lợi lớn để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư,...
- Khó khăn: phân bố dân cư không hợp lí dẫn tới khó khăn trong khai thác tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế; nhiều nước Mỹ La-tinh cũng phải đối mặt với các khó khăn như: an ninh xã hội, vấn đề việc làm, di cư...
2. Đô thị hóa
♦ Đặc điểm đô thị hóa ở khu vực Mỹ La-tinh
- Quá trình đô thị hóa ở Mỹ La-tinh gắn liền với quá trình nhập cư và lịch sử khai thác lãnh thổ. Các đô thị phát triển từ thế kỉ XVI sau khi thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha xâm chiếm Mỹ La-tinh.
- Tỉ lệ dân đô thị của Mỹ La-tinh tương đối cao so với các khu vực khác của thế giới, nhất là với các nước đang phát triển.
+ Năm 1950 có khoảng 40% dân số Mỹ La-tinh sống ở đô thị; tới năm 2020, tỉ lệ dân sống ở đô thị là khoảng 80%.
+ Một số nước có tỉ lệ dân đô thị chiếm hơn 90% dân số, như: U-ru-goay, Ác-hen-ti-na,...
- Mỹ La-tinh là khu vực tập trung nhiều đô thị đông dân bậc nhất thế giới. Năm 2020, Mỹ La-tinh có khoảng 60 đô thị với số dân trên 1 triệu người, trong đó 6 siêu đô thị có trên 10 triệu dân là Xao Pao-lô (22,0 triệu), Mê-hi-cô Xi-ti (21,8 triệu), Bu-ê-nốt Ai-rét (15,2 triệu), Ri-ô đê Gia-nê-rô (13,5 triệu), Bô-gô-ta (11 triệu), Li-ma (10,7 triệu).
♦ Ảnh hưởng
- Thuận lợi: đô thị hóa thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, dịch vụ, lan tỏa lối sống đô thị trong dân cư,... nhưng cũng làm nảy sinh một số vấn đề kinh tế - xã hội.
- Khó khăn: đô thị hóa tự phát gây ra các hậu quả như thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, vấn đề an ninh trật tự,...
3. Xã hội
- Khu vực Mỹ La-tinh có nền văn hóa độc đáo, thường gọi là “văn hóa Mỹ La-tinh”, với nhiều lễ hội, ẩm thực, âm nhạc, vũ điệu độc đáo được hình thành từ sự kết hợp văn hóa của những nền văn minh cổ đại (In-ca, May-a, A-dơ-tếch) với văn hóa của các chủng tộc di dân tới Mỹ La-tinh. Văn hóa đa dạng, đặc sắc là điểm nhấn thu hút khách du lịch quốc tế.
- Cùng với sự phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân các nước Mỹ La-tinh đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
- Bên cạnh sự tiến bộ xã hội, ở nhiều nước Mỹ La-tinh vẫn còn một số vấn đề tồn tại:
+ Chênh lệch giàu nghèo (tỉ lệ người nghèo cao, mức độ chênh lệch giữa nhóm giàu và nhóm nghèo lớn);
+ Xung đột xã hội xuất hiện ở một số quốc gia,...
B. 15 câu trắc nghiệm Địa lí 11 Bài 6: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Mỹ La tinh
Câu 1. Các nước Mỹ Latinh hiện nay còn phụ thuộc nhiều nhất vào quốc gia nào sau đây?
A. Hoa Kì.
B. Đức.
C. Hà Lan.
D. Pháp.
Chọn A
Các nước Mỹ Latinh hiện nay còn phụ thuộc nhiều nhất vào Hoa Kì.
Câu 2. Mỹ Latinh có tỉ lệ dân cư đô thị cao do nguyên nhân chủ yếu nào sau đây?
A. Điều kiện sống ở các thành phố lớn rất thuận lợi.
B. Chiến tranh ở các vùng nông thôn xảy ra nhiều nơi.
C. Công nghiệp ở đô thị phát triển với tốc độ nhanh.
D. Dân nghèo không có ruộng kéo ra thành phố làm.
Chọn D
Tỉ lệ dân đô thị của Mỹ La-tinh tương đối cao so với các khu vực khác của thế giới, nhất là với các nước đang phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do dân nghèo không có ruộng kéo ra thành phố làm.Đô thị hóa tự phát gây ra các hậu quả như thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, vấn đề an ninh trật tự,...
Câu 3. Nhận định nào sau đây không đúng với đặc điểm dân cư, xã hội của Mỹ Latinh?
A. Số dân sống dưới mức nghèo khổ đông.
B. Chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn.
C. Đô thị hóa tự phát diển ra khá phổ biến.
D. Đa dân tộc, tỉ lệ dân theo đạo Hồi cao.
Chọn D
Đặc điểm dân cư - xã hội của Mỹ Latinh là: Dân cư còn nghèo đói; thu nhập giữa người giàu và nghèo có sự chênh lệch rất lớn; dân nghèo không có ruộng kéo ra thành phố tìm việc làm đô thị hóa tự phát,…
Câu 4. Ở Mỹ Latinh, rừng rậm xích đạo và nhiệt đới ẩm tập trung chủ yếu ở vùng nào sau đây?
A. Đồng bằng A-ma-dôn.
B. Vùng núi An-đét.
C. Đồng bằng La Pla-ta.
D. Đồng bằng Pam-pa.
Chọn A
Ở Mỹ Latinh, rừng rậm xích đạo và nhiệt đới ẩm tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng A-ma-dôn. Giới động vật Mỹ La-tinh rất phong phú, có nhiều loài đặc hữu như thú ăn kiến, cá sấu Nam Mỹ, vẹt, lạc đà Nam Mỹ (La-ma),...
Câu 5. Khu vực Mỹ La-tinh có diện tích khoảng
A. 21 triệu km2.
B. 22 triệu km2.
C. 20 triệu km2.
D. 23 triệu km2.
Chọn C
Khu vực Mỹ La-tinh có diện tích khoảng 20 triệu km2; bao gồm: Mê-hi-cô, eo đất Trung Mỹ, các đảo và quần đảo trong vùng biển Ca-ri-bê, toàn bộ lục địa Nam Mỹ.
Câu 6. Khoáng sản nổi bật ở khu vực Mỹ Latinh không phải là
A. kim loại màu.
B. kim loại quý.
C. nhiên liệu.
D. kim loại đen.
Chọn D
Mỹ Latinh là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản. Mỹ Latinh có nhiều loại kim loại màu, kim loại quý và nhiên liệu.
Câu 7. Ở Mỹ Latinh, loại khoáng sản nào sau đây có trữ lượng lớn nhất?
A. Đồng.
B. Sắt.
C. Dầu mỏ.
D. Kẽm.
Chọn B
Sắt chiếm khoảng 24% trữ lượng của thế giới, phân bố chủ yếu ở Bra-xin, Vê-nê-xu-ê-la, đồng chiếm khoảng 21% trữ lượng của thế giới, phân bố chủ yếu ở Chi-lê; dầu mỏ và khí tự nhiên chiếm hơn 7% trữ lượng của thế giới, phân bố chủ yếu ở Vê-nê-xu-ê-la và vùng biển Ca-ri-bê.
Câu 8. Khoáng sản ở khu vực Mỹ Latinh tập trung chủ yếu ở khu vực nào sau đây?
A. Vùng núi An-đét và phía tây nam sơn nguyên Guy-a-na.
B. Vùng núi An-đét và phía bắc nam sơn nguyên Mê-hi-cô.
C. Vùng núi An-đét và phía đông nam sơn nguyên Bra-xin.
D. Khu vực Trung Mỹ và ở phía nam sơn nguyên Guy-a-na.
Chọn C
Mỹ La-tinh là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản, tập trung chủ yếu ở vùng núi An-đét và phía đông nam sơn nguyên Bra-xin. Khoáng sản phong phú về chủng loại; có trữ lượng lớn là sắt (Bra-xin - trữ lượng 80 tỉ tấn,...); chì - kẽm, bạc (Bô-li-vi-a, Pê-ru, Ác-hen-ti-na); đồng (Chi-lê); dầu mỏ, khí tự nhiên (Vê-nê-du-ê-la, Cô-lôm-bi-a, vùng biển Ca-ri-bê,...). Ngoài ra còn có thiếc, man-gan, ni-ken,...
Câu 9. Tài nguyên khoáng sản đa dạng ở khu vực Mỹ Latinh là cơ sở để phát triển ngành nào sau đây?
A. Công nghiệp dược phẩm.
B. Công nghiệp luyện kim.
C. Công nghiệp khai khoáng.
D. Công nghiệp thực phẩm.
Chọn C
Tài nguyên khoáng sản đa dạng ở khu vực Mỹ Latinh là cơ sở quan trọng để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, cung cấp nguyên nhiên liệu cho các ngành công nghiệp khác và xuất khẩu.
Câu 10. Ở Mỹ Latinh, các chủ trang trại chiếm giữ phần lớn diện tích đất canh tác là do
A. các cuộc cải cách ruộng đất không triệt để.
B. đất đai nghèo dinh dưỡng bị nông dân bỏ.
C. người dân bán đất cho các chủ trang trại lớn.
D. người dân ít nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Chọn A
Ở Mỹ Latinh, các chủ trang trại chiếm giữ phần lớn diện tích đất canh tác là do công cuộc cải cách ruộng đất không triệt để nên người nông dân được rất ít ruộng đất, nhiều người không có đất nông nghiệp để cày cấy,…
Câu 11. Khu vực Mỹ La-tinh không có bộ phận nào sau đây?
A. Eo đất Trung Mỹ.
B. Toàn bộ lục địa Nam Mỹ.
C. Mê-hi-cô.
D. Toàn bộ lục địa Bắc Mỹ.
Chọn D
Khu vực Mỹ La-tinh có diện tích khoảng 20 triệu km2; bao gồm: Mê-hi-cô, eo đất Trung Mỹ, các đảo và quần đảo trong vùng biển Ca-ri-bê, toàn bộ lục địa Nam Mỹ.
Câu 12. Khu vực Mỹ La-tinh không tiếp giáp với đại dương nào sau đây?
A. Đại Tây Dương.
B. Bắc Băng Dương.
C. Nam Đại Dương.
D. Thái Bình Dương.
Chọn B
Lãnh thổ Mỹ La-tinh trải dài từ khoảng vĩ độ 33°B đến gần vĩ độ 54°N, tiếp giáp với ba đại dương phía đông là Đại Tây Dương, phía tây là Thái Bình Dương và phía Nam là Nam Đại Dương.
Câu 13.Khu vực Mỹ La-tinh tiếp giáp với các đại dương nào sau đây?
A. Nam Đại Dương, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
B. Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương.
C. Bắc Băng Dương, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
D. Nam Đại Dương, Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương.
Chọn A
Lãnh thổ Mỹ La-tinh trải dài từ khoảng vĩ độ 33°B đến gần vĩ độ 54°N, tiếp giáp với ba đại dương phía đông là Đại Tây Dương, phía tây là Thái Bình Dương và phía Nam là Nam Đại Dương.
Câu 14. Kênh đào Pa-na-ma nối hai đại dương nào sau đây với nhau?
A. Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
B. Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
C. Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.
D. Bắc Băng Dương và Nam Đại Dương.
Chọn B
Việc xây dựng kênh đào qua eo Pa-na-ma (Panama) đã tăng cường vai trò cầu nối giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Câu 15. Ở khu vực Mỹ Latinh có thuận lợi nào sau đây để phát triển cây lương thực và thực phẩm?
A. Đất đai đa dạng và màu mỡ.
B. Khí hậu phân hóa khá đa dạng.
C. Nhiều cao nguyên rộng lớn.
D. Mạng lưới sông ngòi dày đặc.
Chọn A
Các đồng bằng và sơn nguyên chiếm phần lớn diện tích khu vực. Các đồng bằng có đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển cây lương thực, cây thực phẩm và chăn nuôi như: A-ma-dôn, La Pla-ta, Pam-pa... Các sơn nguyên: Mê-hi-cô, Bra-xin, Guy-a-na,... có diện tích đất đỏ ba-dan thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc.
Video bài giảng Địa lí 11 Bài 6: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Mỹ La tinh - Kết nối tri thức
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 5: Thực hành viết báo cáo về đặc điểm và biểu hiện của nền kinh tế tri thức
Lý thuyết Bài 6: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Mỹ La tinh
Lý thuyết Bài 7: Kinh tế khu vực Mỹ La tinh
Lý thuyết Bài 9: Liên minh Châu Âu một liên kết kinh tế khu vực lớn