15 câu Trắc nghiệm Lịch sử 7 Bài 1 (Kết nối tri thức 2024) có đáp án: Quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến ở Tây Âu

3.3 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Lịch sử lớp 7 Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến ở Tây Âu sách Kết nối tri thức. Bài viết gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Lịch sử 7. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến ở Tây Âu. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Lịch sử 7 Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến ở Tây Âu

Phần 1. Trắc nghiệm Lịch sử 7 Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến ở Tây Âu

Câu 1. Đế quốc La Mã cổ đại sụp đổ vào khoảng thời gian nào?

A. Giữa thế kỉ I.

B. Đầu thế kỉ III.

C. Nửa cuối thế kỉ V.

D. Đầu thế kỉ VI.

Đáp án đúng là: C

Năm 476, thuộc thế kỉ V, đế quốc La Mã bị diệt vong (SGK 7 – trang 9).

Câu 2. Lãnh địa phong kiến là vùng đất rộng lớn của

A. nông dân.

B. nô lệ.

C. lãnh chúa.

D. thương nhân.

Đáp án đúng là: C

Lãnh địa là một khu đất rộng lớn bao gồm đất của lãnh chúa và đất khẩu phần (SGK Lịch Sử 7 – trang 11).

Câu 3. Đặc trưng kinh tế của lãnh địa phong kiến là

A. tự cấp tự túc, nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo.

B. khép kín, thương nghiệp đóng vai trò chủ đạo.

C. kinh tế hàng hoá, trao đổi mua bán tự do.

D. tự cung tự cấp, thủ công nghiệp là chủ yếu.

Đáp án đúng là: A

Đặc trưng kinh tế của lãnh địa phong kiến là tự cấp tự túc, nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo (SGK Lịch Sử 7 – trang 11).

Câu 4. Hai giai cấp cơ bản trong xã hội phong kiến ở Tây Âu là

A. quý tộc và nông dân.

B. lãnh chúa phong kiến và nông nô.

C. chủ nô và nô lệ.

D. địa chủ và lãnh chúa phong kiến.

Đáp án đúng là: B

Hai giai cấp cơ bản trong xã hội phong kiến ở Tây Âu là lãnh chúa phong kiến và nông nô (SGK Lịch Sử 7 – trang 9).

Câu 5. Tôn giáo nào được coi là quốc giáo của đế quốc La Mã từ thế kỉ IV?

A. Phật giáo.

B. Thiên chúa giáo.

C. Hồi giáo

D. Nho giáo.

Đáp án đúng là: B

Đến thế kỉ IV, Thiên Chúa giáo được công nhận là quốc giáo của đế quốc La Mã (SGK Lịch Sử 7 – trang 11).

Câu 6. Cư dân sống trong các thành thị trung đại ở Tây Âu chủ yếu thuộc tầng lớp

A. nông nô và nô lệ.

B. nông nô và lãnh chúa.

C. thợ thủ công và nông nô.

D. thợ thủ công và thương nhân.

Đáp án đúng là: D

Cư dân sống trong các thành thị trung đại ở Tây Âu chủ yếu thuộc tầng lớp thợ thủ công và thương nhân (SGK Lịch Sử 7 – trang 12).

Câu 7. Ở vương quốc Phơ-răng, lãnh chúa phong kiến được hình thành từ tầng lớp nào trong xã hội?

A. Nông dân tự do bị mất ruộng đất và nô lệ được giải phóng.

B. Nô lệ được giải phóng và quý tộc thị tộc người Giéc-man.

C. Nông dân tự do và quý tộc Ma Mã quy thuận chính quyền mới.

D. Quý tộc thị tộc người Giéc-man và quý tộc La Mã quy thuận chính quyền mới.

Đáp án đúng là: D

Lãnh chúa phong kiến được hình thành từ 2 bộ phận:

+ Quý tộc thị tộc người Giéc-man chiếm nhiều ruộng đất của chủ nô La Mã, được phong tước vị.

+ Quý tộc La Mã quy thuận chính quyền mới.

(HS quan sát hình 2. Sơ đồ về sự hình thành các giai cấp chính trong xã hội phong kiến ở Vương quốc Phơ-răng).

Câu 8. Trong xã hội phong kiến ở châu Âu, nông nô xuất thân từ tầng lớp nào?

A. Thương nhân.

B. Thợ thủ công.

C. Nô lệ được giải phóng.

D. Tướng lĩnh quân sự.

Đáp án đúng là: C

Theo sơ đồ sự hình thành các giai cấp chính trong xã hội phong kiến ở vương quốc Phơ-răng (SGK Lịch Sử 7 – trang 10), nô lệ La Mã được giải phóng, trở thành nông nô.

Câu 9. Nguyên nhân nào dẫn đến sự xuất hiện các thành thị trung đại?

A. Nhà vua ra lệnh lập các thành thị.

B. Nông nô lập ra các thành thị.

C. Sản xuất bị đình đốn.

D. Sản xuất phát triển.

Đáp án đúng là: D

Từ cuối thế kỉ XI, thủ công nghiệp phát triển, hàng hoá sản xuất ra ngày càng nhiều đsã thúc đẩy nhu cầu trao đổi => một số thợ thủ công đã tìm cách bỏ trốn khỏi lãnh địa hoặc dùng tiền chuộc lại thân phận tự do. Họ đến những nơi có đông người qua lại để mở xưởng sản xuất và bán hàng. Từ đó các thị trấn xuất hiện, sau đó trở thành thành phố.

Câu 10. Lực lượng sản xuất chính trong các lãnh địa phong kiến ở châu Âu thời trung đại là

A. lãnh chúa.

B. nông nô.

C. thương nhân.

D. thợ thủ công.

Đáp án đúng là: B

Lực lượng sản xuất chính trong các lãnh địa phong kiến ở châu Âu thời trung đại là nông nô (SGK 7 – trang 11).

Câu 11. Đâu không phải là biểu hiện chứng minh cho nhận xét của C.Mác: “Thành thị giống như những bông hoa rực rỡ nhất của châu Âu thời trung đại”

A. Góp phần phá vỡ nền kinh tế tự nhiên của lãnh địa.

B. Tạo cơ sở xây dựng nền văn hoá mới tự do hơn.

C. Tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của kinh tế hàng hoá.

D. Làm cho lãnh chúa có thế lực lớn hơn trước.

Đáp án đúng là: D

- Lãnh chúa chỉ có thế lực lớn trong lãnh địa

- Nhận xét của C. Mác phản ánh về vai trò của các thành thị trong xã hội châu Âu thời trung đại:

+ Phá vỡ nền kinh tế tự nhiên của các lãnh địa, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của kinh tế hàng hóa.

+ Góp phần xóa bỏ chế độ phong kiến phân quyền, xây dựng chế độ phong kiến tập quyền

+ Tạo cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới, nhiều trường đại học được thành lập; mang lại không khí tự do, cở mở.

+ Đưa đến sự hình thành của tầng lớp thị dân.

Câu 12. Ở châu Âu thời trung đại, quá trình phong kiến hóa diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc nhất ở vương quốc nào?

A. Vương quốc Phơ-răng.

B. Vương quốc Tây Gốt.

C. Vương quốc Đông Gốt.

D. Vương quốc Ăng-lô Xắc-xông.

Đáp án đúng là: A

Ở châu Âu thời trung đại, quá trình phong kiến hóa diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc nhất ở vương quốc Phơ-răng với sự hình thành của các giai cấp mới – lãnh chúa phong kiến và nông nô.

Câu 13. Một trong những tác động của thành thị trung đại tới nền giáo dục của Tây Âu ngày nay là

A. đưa đến sự xuất hiện tầng lớp thị dân.

B. tạo điều kiện cho sản xuất hàng hoá phát triển.

C. góp phần xoá bỏ chế độ phong kiến phân quyền.

D. nhiều trường đại học còn hoạt động đến ngày nay.

Đáp án đúng là: D

Một số trường đại học ở châu Âu như Đại học Bô-lô-na, Xoóc-bon…ra đời từ thế kỉ XI và vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.

Câu 14. Thiên Chúa giáo còn được gọi là

A. Ki-tô giáo.

B. Bà-la-môn giáo.

C. đạo Do Thái.

D. Jai-na giáo.

Đáp án đúng là: A

Thiên Chúa giáo còn được gọi là Ki-tô giáo.

Câu 15. Chế độ phong kiến phân quyền ở Tây Âu được biểu hiện như thế nào?

A. Không tồn tại ngôi vua, người dân bầu đại biểu vào các cơ quan của nhà nước.

B. Tất cả mọi thần dân trong nước phải tuyệt đối tuần theo mệnh lệnh của vua.

C. Nhà vua nắm mọi quyền hành, quyền lực của vua là tối cao và tuyệt đối.

D. Mỗi lãnh chúa như một “ông vua” cai quản lãnh địa của mình.

Đáp án đúng là: D

Phân quyền là quyền lực bị phân chia. Vua không có nhiều quyền lực như ở phương Đông mà các lãnh chúa chỉ phục tùng người có đẳng cấp cao hơn mình trong bậc thang đẳng cấp. Thực chất vua chỉ như một lãnh chúa trong các lãnh địa.

Phần 2. Lý thuyết Lịch sử 7 Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến ở Tây Âu

1. Quá trình hình thành xã hội phong kiến ở Tây Âu

- Từ thế kỉ III, đế quốc La Mã lâm vào tình trạng khủng hoảng, bị chia thành Đông La Mã và Tây La Mã

- Đến nửa cuối thế kỉ V, các bộ tộc người Giéc-man từ phương Bắc tràn xuống xâm chiếm lãnh thổ, đưa đến sự diệt vong của đế quốc La Mã (476).

- Các chính sách của người Giéc-man:

+ Thủ tiêu bộ máy nhà nước của La Mã; thành lập nhiều vương quốc mới, như: Đông Gốt, Tây Gốt, Ăng-lô-xắc-xông, Phơ-răng…

Lý thuyết Lịch Sử 7 Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến ở châu Âu - Kết nối tri thức (ảnh 1)

+ Cướp đoạt ruộng đất của người Rô-ma để phân phong cho các: tướng lĩnh quân sự, tăng lữ…

- Quá trình phong kiến hóa diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc nhất ở Vương quốc Phơ-răng, với sự hình thành của các giai cấp mới là: lãnh chúa phong kiến và nông nô.

+ Lãnh chúa phong kiến: được hình thành từ bộ phận thủ lĩnh quân sự, tăng lữ giáo hội được nhà vua ban cấp ruộng đất. Lãnh chúa sống giàu có và nhiều quyền lực; sống sa hoa dựa trên sự bóc lột nông nô.

+ Nông nô: được hình thành từ bộ phận nô lệ được giải phóng và nông dân tự do mất ruộng đất. Nông nô sống lệ thuộc vào lánh chúa.

=> Đến thế kỉ IX, về cơ bản, xã hội phong kiến Tây Âu được hình thành.

2. Lãnh địa phong kiến và quan hệ xã hội của chế độ phong kiến ở Tây Âu

* Sự hình thành:

- Đến thế kỉ IX, những vùng đất đai rộng lớn nhanh chóng bị các quý tộc biến thành khu đất riêng của mình, gọi là lãnh địa phong kiến và họ trở thành lãnh chúa.

- Mỗi lãnh chúa như “ông vua” cai quản lãnh địa của mình => đây là đơn vị chính trị và kinh tế cơ bản ở Tây  Âu thời kì này.

* Khái niệm lãnh địa phong kiến: là một khu đất rộng lớn bao gồm đất của lãnh chúa và đất khẩu phần, được coi là đơn vị chính trị và kinh tế cơ bản trong thời kì phong kiến phân quyền ở châu Âu.

Lý thuyết Lịch Sử 7 Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến ở châu Âu - Kết nối tri thức (ảnh 1)Lãnh địa phong kiến (tranh minh họa)

Đặc điểm kinh tế: mang tính tự cung tự cấp, trong đó nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo

+ Nông nô: sản xuất lương thực, thực phẩm và mọi thứ đồ dùng để phục vụ nhu cầu trong lãnh địa.

+ Chỉ mua từ bên ngoài những thứ không sản xuất được như: sắt, muối và một số hàng xa xỉ (lụa, hương liệu,… từ các nước phương Đông).

* Đời sống trong các lãnh địa:

- Lãnh chúa sống bằng việc bóc lột sức lao động của nông nô.

- Nông nô là lực lượng sản xuất chính, nhận ruộng đất của lãnh chúa để cày cấy, phải nộp tô và nhiều loại thuế khác cho lãnh chúa như: thuế cưới xin, thuế ma chay,..

Lý thuyết Lịch Sử 7 Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến ở châu Âu - Kết nối tri thức (ảnh 1)Đời sống nông nô và lãnh chúa trong lãnh địa phong kiến

3. Sự ra đời của Thiên Chúa giáo

- Thiên Chúa giáo (Ki-tô giáo) ra đời vào đầu Công nguyên ở vùng Giê-ru-da-lem (thuộc Pa-le-xtin ngày nay).

Lý thuyết Lịch Sử 7 Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến ở châu Âu - Kết nối tri thức (ảnh 1)Chú Giê-su - Người sáng tạo ra Thiên Chúa giáo (tranh minh họa)

- Ban đầu, đó là tôn giáo của những người nghèo khồ, bị áp bức, nhưng về sau đã trở thành công cụ cai trị về mặt tinh thần của giai cấp thống trị.

- Đến thế kỉ IV, Thiên Chúa giáo được công nhận là quốc giáo của đế quốc La Mã.

4. Sự xuất hiện và vai trò của các thành thị trung đại

* Sự hình thành

- Từ cuối thế kỉ XI, thủ công nghiệp phát triển, hàng hoá sản xuất ra ngày càng nhiều đã thúc đẩy nhu cầu trao đổi.

- Một số thợ thủ công tìm cách thoát khỏi lãnh địa và đến những nơi có đông người qua lại để lập các xưởng sản xuất và bán hàng hoá => từ đó, các thị trấn xuất hiện, sau trở thành thành phố, gọi là thành thị trung đại.

- Ngoài ra còn có những thành thị do các lãnh chúa lập ra hoặc được phục hồi từ những thành thị cổ đại.

Vai trò của thành thị trung đại:

- Về kinh tế:

+ Phá vỡ nền kinh tế tự nhiên của các lãnh địa.

+ Tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của kinh tế hàng hoá.

- Về chính trị: góp phần xoá bỏ chế độ phong kiến phân quyền, xây dựng chế độ phong kiến tâp quyền.

- Về xã hội: đưa đến sự xuất hiện của tầng lớp thị dân.

- Về văn hóa:

+ Tạo cơ sở để xây dựng nền văn hoá mới, nhiều trường đại học được thành lập.

+ Mang lại không khí tự do, cởi mở.

Lý thuyết Lịch Sử 7 Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến ở châu Âu - Kết nối tri thức (ảnh 1)Một góc Trường Đại học Bô-lô-na (l-ta-li-a) - một

trong những trường đại học nổi tiếng được thành lập từ thời trung đại

Xem thêm các bài trắc nghiệm Lịch sử 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Trắc nghiệm Lịch Sử 7 Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến Tây Âu

Trắc nghiệm Lịch Sử 7 Bài 2: Các cuộc phát kiến địa lí và sự hình thành quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu

Trắc nghiệm Lịch Sử 7 Bài 3: Phong trào văn hóa Phục hưng và cải cách tôn giáo

Trắc nghiệm Lịch Sử 7 Bài 4: Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX

Trắc nghiệm Lịch Sử 7 Bài 5: Ấn Độ từ thế kỉ IV đến giữa thế kỉ XIX

Trắc nghiệm Lịch Sử 7 Bài 6: Các vương quốc phong kiến Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XVI

Đánh giá

0

0 đánh giá