Văn bản Âm mưu và tình yêu - Si – le - Nội dung, tác giả, tác phẩm

7.4 K

Tài liệu tác giả tác phẩm Âm mưu và tình yêu Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Âm mưu và tình yêu lớp 11.

Tác giả tác phẩm: Âm mưu và tình yêu - Ngữ văn 11

I. Tác giả Si – le

- Si – le (Sile/ Schiller) tên đầy đủ là Johann Christoph Friedrich Schiller (1759–1805).

- Ông là một nhà thơ, nhà viết bi kịch và triết gia người Đức. Ông được xem như là nhà viết bi kịch có tầm quan trọng nhất và cùng với Goethe, Wieland và Herder là người đại diện quan trọng nhất của phong trào Văn học cổ điển Weimar.

- Ông được mệnh danh là "Shakespeare của văn học Đức". Các khúc ca ballad của ông thuộc vào trong số những bài thơ Đức được yêu thích nhất.

- Phong cách sáng tác:

+ Schiller là người đã đem kịch trường để nâng cao trình độ dân trí, óc thẩm mỹ và nhân sinh quan của dân chúng, cho người Đức có một tinh thần quốc gia mạnh mẽ. Quan niệm của ông là: sự "vĩ đại" của nước Đức không nằm trong "quyền lực chính trị", mà chính là ở "sức mạnh văn hóa".

+ Văn của ông được giới bình dân yêu thích hơn là giới trí thức, bởi ông rất mạnh tay khi đả kích các thói rởm đời, tính chất xấu xa của cả giới quý tộc lẫn trí thức. Ông truyền bá những tư tưởng tự do, dân quyền, khoan dung, khoan dung tôn giáo, khoan dung chính trị. Nhờ vậy, thơ, kịch của ông được giới bình dân thuộc nhiều và truyền tụng đi khắp.

- Tác phẩm tiêu biểu: Lũ cướp, Âm mưu của Fiesco ở Genua (1783), Trinh nữ ở thành phố Orléan, Người thợ lặn (1797) …

II. Tìm hiểu tác phẩm Âm mưu và tình yêu

1. Thể loại: Bi kịch

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- In trong Âm mưu và tình yêu, bản dịch của Nguyễn Đình Thi, NXB Sân khấu, 2006, tr50-55; 137-141; riêng phần văn bản thuộc Hồi II – Cảnh 2 sử dụng văn bản dùng trong Văn học 11, tập hai, Ban Khoa học Xã hội, Phùng Văn Tửu, Đặng Anh Đào, Phạm Vĩnh Cư, Hoàng Ngọc Hiến, Lưu Đức Trung, Trần Đình Sử, NXB Giáo dục, 1998, tr23-29)

Âm mưu và tình yêu - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo

3. Phương thức biểu đạt

Văn bản Âm mưu và tình yêu có phương thức biểu đạt là tự sự & biểu cảm.   

4. Bố cục bài Âm mưu và tình yêu

Gồm 2 phần:

+ Phần 1: Hồi I – Sự lo lắng của vợ chồng nhạc sĩ Min-le và tâm trạng của Luy-dơ.

+ Phần 2: Hồi II – Âm mưu của tể tướng và sự đau khổ của Phéc-đi-năng.

5. Tóm tắt Âm mưu và tình yêu

Vở kịch có 5 hồi bằng văn xuôi. Luizơ là con gái nhạc công Mile yêu thiếu tá Fecđinăng là con trai Tể tướng Fôn Vante. Phu nhân Minfo là tình nhân của Công tước nay đã bị Công tước chán bỏ. Tể tướng bắt ép thiếu tá phải kết duyên cùng phu nhân Minfo để lấy lòng Công tước. Fecđinăng gặp Minfo nói cho phu nhân biết là chàng đã có người yêu là nang Luizơ, cô vô cùng xấu hổ. Tể tướng làm nhục Luizơ, gọi nàng là con đĩ, mạt sát ông bà Minle. Tể tướng và thiếu tá đấu khẩu dữ dội. Thiếu tá kiếm tuốt trần, đâm bị thương một số nhân viên pháp đình. Đổng lí Vuôm hiến kế bắt giam ông bà Mile. Muốn cứu bố mẹ, Luizơ phải viết một bức thư tình gửi cho Thị vệ trưởng Fôn Canbơ do chúng đọc. Chúng đưa bức thư tình ấy cho Fecđinăng. Fecđinăng thách Thị vệ trưởng đấu súng làm cho hắn vô cùng sợ hãi. Đau khổ... Fecđinăng pha thuốc độc bắt người yêu cùng mình uống. Uống xong thuốc độc, Luizơ mới nói ra sự thật đau lòng! Cùng lúc ấy, Tể tướng phải nộp mình cho nhân viên pháp đình.

6. Giá trị nội dung

-  Âm mưu và tình yêu là tác phẩm tố cáo chế dộ phong kiến mãnh liệt nhất của Sile. Xung đột của vở kịch được xây dựng trên cơ sở mâu thuẫn giữa tình yêu trong trắng, thắm thiết của một đôi trai tài, gái sắc và những âm mưu xấu xa, đen tối của triều đình phong kiến cùng bọn quan lại.

7. Giá trị nghệ thuật

-   Tác giả sử dụng ngôn ngữ với mức độ gay gắt, quyết chiến càng tăng dần tạo sự căng thẳng và mâu thuẫn dâng đến đỉnh cao.

- Nghệ thuật tạo dựng kịch tính được phát huy cao độ qua các bước xây dựng tình huống kịch.

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Âm mưu và tình yêu

1. Mâu thuẫn – xung đột kịch

Xung đột cha – con, bắt nguồn từ bắt nguồn từ một mâu thuẫn sâu xa, lớn lao, toàn diện hơn được khái quát bằng hai từ âm mưu và tình yêu:

Xung đột giữa người cha - viên tể tướng, điển hình của tầng lớp quý tộc phong kiến già cỗi, xấu xa và tàn bạo, luôn có ý thức cao về, địa vị và quyền lực > < người con - Fecđinăng, điển hình cho tầng lớp thanh niên quý tộc và tư sản tiến bộ, giàu lí tưởng, nhiệt tình, trung thực.

= > Đây là là xung đột giữa cái ác và cái thiện, và cao hơn là xung đột giữa ý thức hệ phong kiến lỗi thời, trì trệ với ý thức hệ của các lực lượng tiên tiến trong thế kỉ ánh sáng.

- Diễn biến của xung đột:

+ Cao trào: Fecđinăng đòi giết Luizơ, nhưng tể tướng không sợ mà vẫn thách thức: “Đâm đi, nếu mũi kiếm của mày còn đủ nhọn”

+ Đột biến: Fecđinăng tuyên bố phơi bày bí mật của tể tướng.

+ Mở nút: Tể tướng thôi không hạ lệnh bắt Luizơ: “Buông con bé ấy ra”. Năm bước phát triển của một vở kịch dường như được tập trung trong một đoạn trích ngắn ngủi! Nghệ thuật tạo dựng kịch tính (một trong những đặc điểm thể hiện tài năng xuất sắc của Sile), được phát huy cao độ qua các bước xây dựng tình huống. Đầu tiên là cách bố trí thế và lực của hai bên. Tình huống căng thẳng thể hiện trong số lượng nhân vật cùng một lúc xuất hiện rất đông, dàn thành hai lực lượng đối địch không cân xứng. Nếu bên Âm mưu là cha, là quận công, là các nhân viên pháp đình, là số đông, nhiều tay kiếm, thì bên tình yêu là con, là dân thường và một tay kiếm của Fecđinăng. Sự chênh lệch về thế lực hai phe càng làm tăng sự đối lập gay gắt.

+ Đỉnh điểm của xung đột: Sự căng thẳng của xung đột còn được tạo nên bởi những pha (kết hợp các hành động) khác nhau, tăng dần mức độ quyết chiến. Lúc đầu, Fecđinăng (chắc vì còn do dự trong việc đối đầu với cha) đã chỉ dùng đốc kiếm ngăn cản, tiếp đến, vì mức độ dữ dội của xung đột tăng, chàng quay mũi kiếm đâm bị thương mấy nhân viên pháp đình. Không thể ngăn cản được mức độc tàn bạo và quyết liệt của tể tướng chìa mũi kiếm vào Luizơ, hòng mong cái chết của nàng khiến tể tướng run sợ.

2. Ngôn ngữ và thái độ của nhân vật trong xung đột kịch

- Ngôn ngữ nhân vật cũng được đẩy tăng dần mức độ căng thẳng

+ Đầu tiên, tể tướng không nói trực tiếp với Fecđinăng mà chỉ ra lệnh ngày càng sôi sục, giận dữ đối với bọn nhân viên pháp đình: “Chúng bây giúp tao một tay. Bắt lấy nó... tao phải nhắc lại lệnh của tao hay sao?... Quân tôi đòi hèn mạt”.

+  Còn Fecđinăng, đối với bọn quan quân rất kiên quyết: “Chớ có đứa nào tìm cách động vào nàng... Thề độc có tử thần cùng tất cả mọi loài ma quỷ, lùi lại!”, nhưng đối với cha lúc đầu còn nhún nhường, van xin... “Xin cha hãy nghĩ đến bạn thân cha, cha ơi, đừng dồn ép con thêm nữa”. Trọng lượng lời van xin tăng dần: “Đừng dồn ép con đến chỗ cùng đường cha ơi!”.

+ Đến lúc tể tướng đối thoại trực tiếp với Fecđinăng: “Tao muốn xem liệu chính tao có phải nếm lưỡi kiếm này không?” thì Fecđinăng cay đắng thốt lên: “Thượng đế đã lầm, đã lẫn, chọn tên đao phủ đê hèn lên làm tể tướng mạt hạng”. Lời nói đối chọi nhau gay gắt: "Lôi nói đi/ Cha vẫn cương quyết ư? Lôi nó đi/ cha vẫn cương quyết ư? Lôi nó đi/ Thà tôi đâm lưỡi kiếm này qua xác vợ tôi còn hơn".

= > Ngôn ngữ nhân vật được đẩy tăng dần mức độ căng thẳng, dẫn đến mâu thuẫn dâng đến đỉnh cao với những lời lặp đi lặp lại, với mức độ gay gắt, quyết chiến càng tăng dần.

- Thái độ của hai nhân vật chính cũng tăng dần mức độ gay gắt:

+ Tể tướng từ đe dọa tới sôi sục giận dữ, cường độ, khiêu khích rồi như bị sét đánh.

+ Fecđinăng từ giận dữ đến van xin, cương quyết rồi ghê gớm.

= > Các pha hành động, ngôn ngữ và thái độ nhân vật được dẫn dắt khéo léo, hợp lôgic, dồn dập, làm xung đột kịch càng ngày càng gay gắt, thúc đẩy hành động và sự kiện, làm cho nhân vật bắt buộc lộ rõ nét tính cách. 

IV. Đọc tác phẩm Âm mưu và tình yêu

Âm mưu và tình yêu

Si – le (Si – le/ Schiller)

(trích)

Hồi I

Cảnh 1

Một căn phòng trong nhà nhạc sĩ Min-le

(Lược dẫn: Đối thoại giữa hai vợ chồng nhạc sĩ Min-le cho thấy xung đột giữa hai ông bà, liên quan đến mối quan hệ giữa Luy-dơ (con gái họ) với Thiếu tá Phéc-đi-năng (con trai Tể tướng). Ông Min-le nhất quyết phản đối mối quan hệ nói trên. Đổng lí Vuôm – kẻ theo đuổi Luy-do, nhưng không được nàng đoái hoài – đột ngột xuất hiện. Hắn gợi chuyện và thăm dò thực hư mối quan hệ tình cảm giữa Luy-dơ và Phéc-đi-năng để báo cho Tể tướng.)

Luy-dơ (đặt quyển sách lên bàn, lại gần nắm lấy tay cha) – Thưa cha, con đã về.

Min-le (nồng nhiệt) – Tốt lắm, Luy-do! Cha rất vui mừng thấy con luôn luôn nghĩ đến Chúa như vậy. Con hãy luôn luôn giữ lòng tin như thế và cánh tay Người sẽ nâng đỡ con.

Luy-dơ – Ôi, thưa cha con là kẻ tội lỗi nặng nề! Mẹ ơi, chàng có đến đây không?

Bà Min-le – Ai hả con?

Luy-dơ – Ừ nhỉ, con cứ quên rằng trên Trái Đất này còn có người khác ngoài chàng! Đầu óc con rối loạn quá! Chàng chưa đến ư, Van-te ấy mà?

Min-le (buồn và nghiêm trang) – Thế mà cha cứ tưởng rằng Luy-do của cha đã quên được cái tên ấy ở nhà thờ rồi!

Luy-dơ (chăm chăm nhìn cha) – Cha ơi, con hiểu ý cha, con cảm thấy lời trách móc của cha như lưỡi dao xuyên vào lương tâm con. Nhưng mà muộn mất rồi. Con không thể cầu Chúa được nữa. Phéc-đi-năng và Chúa đang tranh giành nhau mảnh linh hồn tả toi đẫm máu của con. Con sợ... Con sợ... (im lặng một lát). Nhưng mà không phải thế. Cha nhân từ của con oi! Đối với người nghệ sĩ, còn lòi khen nào ngọt ngào hơn là thấy người xem mải mê chiêm ngưỡng tác phẩm đến nỗi quên cả người tạo ra nó? Khi Chúa thấy con say mê trước tác phẩm của Người đến nỗi lãng quên Người, thì Chúa lại chẳng vui mừng sao?

Min-le (thất vọng gieo mình xuống ghế) – Đó! kết quả loại sách vở vô đạo nó đọc là thế đó!

Luy-dơ (lo lắng tới gần cửa sổ) – Chàng đang ở đâu? Các tiểu thư sang trọng đang được nhìn ngắm chàng, được nghe chàng nói. Còn ta, ta chỉ là một đứa con gái nghèo hèn tội nghiệp bị bỏ rơi. (sợ hãi vì câu mình vừa nói, nàng chạy đến gần cha) – Không, Không, cha tha lỗi cho con! Con không hề phàn nàn số phận của con. Con chỉ mong mỏi một chút ít thôi. Được nghĩ đến chàng. Điều đó nào có thiệt hại gì đâu? Con chỉ muốn đem chút sinh mạng này là tất cả của cải của con biến thành làn gió mát dịu thoảng qua vuốt ve vầng trán nóng bóng của chàng. Đoá hoa thanh xuân nhỏ bé này ước gì như một bông lan tím được chết dưới chân chàng. Cha ơi, con chỉ cầu xin một chút thế thôi! Con như một con sâu nhỏ, muốn đắm mình trong ánh mặt trời, thì vầng thái dương uy nghiêm kiêu hãnh kia nỡ giận con chăng?

Min-le (xúc động tựa vào ghế, hai tay ôm mặt) – Con nghe đây, Luy-dơ! Cha sẵn lòng hi sinh tất cả những ngày sống thừa của cha, chỉ ước gì con chưa bao giờ gặp Thiếu tá.

Luy-dơ (sợ hãi) – Cha nói sao? Không, không, cha không nghĩ thế, cha ta hiểu khác ta! Chắc là cha không biết rằng Chúa cao cả trên trời, Chúa của những trái tim yêu thương đã tạo nên Phéc-đi-năng cho ta, cho hạnh phúc của ta. (suy nghĩ một lát) Khi ta gặp chàng lần đầu tiên, khi máu ta bừng lên đôi má, khi mạch ta dồn dập chạy nhanh hơn, khi mỗi nhịp tim ta và mỗi hơi thở ta đều thì thầm bên tại ta rằng: Chàng đó! Khi trái tim ta nhận ra người mà ta hằng mong đợi và cất tiếng reo vui: Chàng đó! Với một sức mạnh mà hồi âm vang động khắp thế gian náo nức vui say, thì khi đó, ôi, khi đó ánh bình minh đầu tiên đã bừng dậy trong hồn ta. Muôn nghìn tình cảm mới mẻ bùng nở trong trái tim ta như mặt đất bừng nở muôn hoa khi mùa xuân tới. Mắt ta không còn nhìn thấy thế gian, nhưng ta lại biết rằng chưa bao giờ thế gian tươi đẹp như bấy giờ. Ta không còn biết rằng có Chúa, nhưng lại chưa bao giờ ta biết yêu Chúa hơn bây giờ.

Min-le (chạy lại ôm con vào ngực) – Luy-dơ, con yêu quý, con xinh đẹp của cha, con hãy lấy đi mái đầu bạc đã mòn mỏi vì tuổi già của cha, con hãy lấy đi tất cả của cha... nhưng còn Thiếu tá thì... xin Chúa làm chứng cho cha, cha không thể có quyền cho con được. (ra)

Luy-dơ – Cho nên bây giờ con có ước sống cùng chàng đâu, cha ơi! Được tưởng nhớ đến Phéc-đi-năng, chỉ thế cũng đã đủ làm êm dịu, tan biến đi giọt sương hoa là cuộc đời con đây! Ở đòi này con xin đành tạ tuyệt chàng. Sau này, mẹ ơi, sau này khi hàng rào ngăn cách con người với con người đã đổ gục rồi, khi cái vỏ giai cấp đáng nguyền rủa vẫn tù hãm chúng ta đã vỡ vụn rồi, khi mà con người sẽ chỉ là con người, khi ấy thì con sẽ chỉ còn mang theo lòng thơ ngây trinh bạch của con. Cha vẫn chẳng thường nói rằng đến giờ Chúa nhân từ hiển hiện ra cùng chúng ta, thì trang sức và tước hiệu sẽ không còn giá trị nữa, mà chỉ còn trái tim con người là thật sự đáng quý trọng đó sao? Khi ấy, con sẽ là kẻ giàu sang. Ở trên trời, nước mắt là chiến công, và tư tưởng cao đẹp là tước hiệu. Khi ấy con sẽ là người cao quý, mẹ ạ! Và đến giờ phút ấy thì còn cao sang nào khiến Phéc-đi- năng hơn được người mà chàng yêu chăng?

Bà Min-le (vụt đứng dậy) – Luy-dơ, Thiếu tá đã đến kìa! Mẹ trông thấy chàng vượt qua hàng rào. Mẹ biết trốn đi đâu bây giờ?

Luy-dơ (bắt đầu run sợ) – Mẹ ơi, ở lại đây với con!

Bà Min-le – Trời ơi, con trông mẹ đây này! Mẹ xấu hổ đến chết mất. Ăn mặc thế này, mẹ ra mắt công tủ sao được. (ra)

(Hồi I-Cảnh 2: Cha Phéc-đi-năng, Tể tướng Phôn Van-te muốn Phéc-đi-năng kết hôn với phu nhân Min-pho nhằm củng cố địa vị của ông ta. Khi biết Phéc-đi-năng đã yêu Luy-dơ và định cưới nàng bất chấp mọi thiên kiến, Tể tướng quyết định đi trước một bước: loan tin cho mọi người trong toàn thành phố, Hoàng thân và triều đình biết rằng cuộc hôn nhân giữa Phéc-đi-năng và phu nhân Min-pho sắp chính thức củ hành.)

 (Hồi II – Cảnh 1: Âm mưu của Tể tướng được thực thi. Việc này đã đẩy Phéc-đi-năng và Min-pho vào một tình huống không có đường lui. Chàng đến lâu đài Min-pho xin bà đồng ý huỷ bỏ hôn lễ nhưng bất thành.)

Cảnh 2

(Lược dẫn: Phéc-đi-năng đến nhà nhạc sĩ Min-le gặp Luy-dơ, nói cho nàng biết âm mưu của cha mình và trấn an nàng. Biết chuyện, ông bà Min-le hết sức hoang mang, Luy-dơ rất sợ hãi và tuyệt vọng. Giữa lúc đó, Tể tướng Phôn Van-te cùng đám nhân viên pháp đình kéo đến nhà Min-le. Ông ta hăm doạ bắt bớ, mắng nhiếc ông bà Min-le, Phéc-đi-năng, sỉ nhục Luy-dơ hết sức tàn độc, nặng nề khiến nàng ngã ngất.)

Tại nhà Min-le (sau khi Tể tướng sỉ nhục Luy-đơ)

Phéc-đi-năng (chạy lại đỡ Luy-dơ ngã ngất đi trong tay chàng) –Luy-dơ! Luy-dơ! Ai cứu tôi với! Cứu nàng với, nàng sợ hãi ngất đi rồi

(Min-le nắm lấy gậy, chụp mũ lên đầu, tư thế tấn công. Bà Min-le quỳ sụp xuống chân Tể tướng.)

Tể tướng (oạch huân chương trên ngực áo, với các nhân viên pháp đình) – Nhân danh Hoàng thân, chúng bay giúp tạo một tay!... Thằng kia, tránh xa con ấy ra!... Bắt lấy nó, dù nó ngất hay nó tỉnh... Khi nào vòng sắt đeo vào cổ nó rồi, thì người ta sẽ có cách dùng đá ném cho nó tỉnh lại.

Bà Min-le – Xin ngài thương chúng tôi, trăm lạy Đức ông, xin ngài thương chúng tôi!

Min-le (kéo vợ đứng lên) – Này mụ! Hãy quỳ gối trước mặt Chúa, đừng quỳ gối trước mặt lũ vô lại, bởi vì đằng nào thì tôi cũng phải vào ngục rồi.

Tể tướng (cắn môi) – Có khi lão tính lầm rồi đấy, lão khốn kiếp! Giá treo cổ vẫn còn chỗ cho lão! (với các nhân viên pháp đình) – Tao phải nhắc lại lệnh của tạo hay sao?

(các nhân viên pháp đình xô đến Luy-dơ).

Phéc-đi-năng (giận dữ, đứng ngăn giữa Luy-dơ và bọn chúng) – Đứa nào dám tới đây? (chàng rút kiếm và dùng chuôi kiếm chống lại) – Chớ có đứa nào tìm cách động vào nàng trừ phi đã bán đứt cái sọ của mình khi vào làm thuê cho Pháp đình! (với Tể tướng) – Xin cha hãy nghĩ đến bản thân cha, cha oi, đừng dồn ép con thêm nữa!

Tể tướng (giọng đe doạ, với các nhân viên pháp đình) – Nếu chúng bay còn muốn giữ lấy miếng ăn, đồ hèn nhát... (bọn họ lại xông tới Luy-dơ)

Phéc-đi-năng – Thề độc có tử thần cùng tất cả mọi loài ma quỷ, lùi lại! Tao bảo: lùi lại! – Hãy thương tiếc lấy cha, đừng dồn con đến chỗ cùng đường, cha ơi!

Tể tướng (sôi sục giận dữ) – Chúng bay làm tròn nhiệm vụ của chúng bay như thế ư, quân tôi đòi hèn mạt? (bọn tuỳ tùng lại xông tới dữ dội hơn trước)

Phéc-đi-năng – Thôi được! Đã phải như vậy thì... (tuốt gươm đâm bị thương mấy Tể tướng (cuồng nộ) – Ta muốn xem liệu chính ta có phải nếm lưỡi kiếm này không! (tự mình giằng lấy Luy-dơ, giao cho một tên)

Phéc-đi-năng (cười cay đắng) – Cha ơi, cha ơi! Hành vi của cha thật là một lời cay độc ném vào mặt Chúa, vì Chúa đã lầm, đã lẫn, đã chọn tên đao phủ đê hèn lên làm Tể tướng mạt hạng.

Tể tướng (với các tuỳ tùng) – Lôi nó đi!

Phéc-đi-năng - Cha ơi! Nàng sẽ lên giá nhục hình nhưng là cùng với Thiếu tá – con trai của Tể tướng... Cha vẫn cương quyết ư?

Tể tướng – Thế thì cuộc trưng bày càng thú vị!... Lôi nó đi!

Phéc-đi-năng -Cha ơi, con sẽ dùng thanh kiếm sĩ quan của con mà che phủ cho người thiếu nữ này. Cha vẫn cương quyết ư?

Tể tướng – Lên giá nhục hình mà mang kiếm bên mình thì chẳng họp chút nào... Lôi nó đi, lôi nó đi, chúng mày rõ ý tao rồi đấy.

Phéc-đi-năng (giằng lấy Luy-do từ các nhân viên pháp đình, một tay ôm Luy-dơ, một tay chĩa kiếm vào nàng) – Thà tôi đâm lưỡi kiếm này qua xác vợ tôi, còn hơn nhìn nàng bị cha sỉ nhục. Cha vẫn cương quyết ư?

Tể tướng – Đâm đi, nếu lưỡi kiếm của mày còn đủ nhọn

Phéc-đi-năng (buông Luy-do, ngước mắt nhìn trời, ghê gớm) – Xin Chúa cao cả chứng giám cho tôi. Tôi đã dùng hết mọi phương tiện của con người, bây giờ tôi chỉ còn cách dùng đến một thủ đoạn của loài ma quỷ. Được, các người cứ đưa nàng lên giá nhục hình đi! Trong khi đó (thét vào tai Tể tướng) – ta sẽ đi kể cho tất cả cung điện nghe một câu chuyện nhan đề là: Người ta leo lên ngôi Tể tướng bằng cách nào? (ra).

Tể tướng (như bị sét đánh) – Thế là thế nào! Phéc-đi-năng – Buông con bé ấy ra

(chạy theo Thiếu tá).

(In trong Âm mưu và tình yêu, bản dịch của Nguyễn Đình Nghi, NXB Sân Khấu, 2006, tr. 50 – 55; 137 – 141; riêng phần văn bản thuộc Hỏi II – Cảnh 2 sử dụng văn bản dùng trong Văn học 11, tập hai, Ban Khoa học Xã hội, Phùng Văn Tửu, Đặng Anh Đào, Phạm Vĩnh Cư, Hoàng Ngọc Hiến, Lưu Đức Trung, Trần Đình Sử, NXB Giáo dục, 1998, tr. 23 – 29)

Xem thêm các bài tóm tắt Tác giả, tác phẩm Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Tác giả - tác phẩm: Chân quê

Tác giả - tác phẩm: Cung đường của kí ức, hiện tại và tương lai

Tác giả - tác phẩm: Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài

Tác giả - tác phẩm: Sống, hay không sống – đó là vấn đề

Tác giả - tác phẩm: Chí khí anh hùng

Tác giả - tác phẩm: Âm mưu và tình yêu

Đánh giá

0

0 đánh giá