Nước Đại Việt ta – Nguyễn Trãi - Nội dung, tác giả, tác phẩm

Tải xuống 2 17.7 K 14

Tài liệu tác giả tác phẩm Nước Đại Việt ta Ngữ văn lớp 8 Cánh diều gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Nước Đại Việt ta lớp 8.

Tác giả tác phẩm: Nước Đại Việt ta - Ngữ văn 8

NƯỚC ĐẠI VIỆT TA

(Nguyễn Trãi)

A. Nội dung tác phẩm Nước Đại Việt ta

Từng nghe:

     Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

     Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

     Như nước Đại Việt ta từ trước,

     Vốn xưng nền văn hiếu đã lâu,

     Núi sông bờ cõi đã chia,

     Phong tục Bắc Nam cũng khác.

     Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,

     Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương,

     Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,

     Song hào kiệt đời nào cũng có.

Vậy nên: 

     Lưu Cung tham công nên thất bại,

     Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong,

     Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,

     Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.

     Việc xưa xét

     Chứng cớ còn ghi.

                                        Nguyễn Trãi

Tác giả tác phẩm Nước Đại Việt ta – Ngữ văn lớp 8 (ảnh 1)

B. Đôi nét về tác phẩm Nước Đại Việt ta

1. Tác giả Nguyễn Trãi

- Nguyễn Trãi (1380 -1442) hiệu là Ức Trai, con của Nguyễn Phi Khanh, 

- Quê quán: làng Nhị Khê, huyện Thường Phúc nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (cũ)

- Ông là nhà yêu nước anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

- Thơ ông mang nhiều tư tưởng yêu nước, thể hiện những triết lí sâu sắc, tinh tế lãng mạn, sáng tạo và thanh khiết.

2. Tác phẩm Nước Đại Việt ta

a, Hoàn cảnh sáng tác:

- Bài Cáo được viết vào đầu xuân năm 1428, sau khi quân ta đại thắng, diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của quân Minh xâm lược. Buộc Vương Thông phải giảng hòa, rút quân về nước.

- Văn bản được trích từ phần đầu của “Bình Ngô Đại Cáo”.

b, Bố cục : 3 phần

- Phần 1: 2 câu đầu: Nguyên lí nhân nghĩa

- Phần 2: 8 câu tiếp: Chân lí chủ quyền, độc lập dân tộc Đại Việt

- Phần 3: Còn lại: Sức mạnh của nhân nghĩa, của độc lập dân tộc 

c, PTBĐ: nghị luận

d, Thể loại: Cáo – là thể văn được vua chúa, thủ lĩnh soạn thảo để trình bày chủ chương hay công bố kết qủa sự nghiệp

e, Ý nghĩa nhan đề: Bình Ngô Đại Cáo là tuyên bố về sự nghiệp dẹp giặc Ngô đã xong.

f, Giá trị nội dung:  Nước Đại Việt ta là áng thiên cổ hùng văn thể hiện niền tự hào, ý chí tự chủ của dân tộc, có ý nghĩa như bản tuyên ngôn độc lập.

g, Giá trị nghệ thuật:

- Áng văn chính luận với lập luận chặt chẽ, chứng cứ hùng hồn.

- Lời lẽ đanh thép, lí luân sắc bén, rõ ràng, dứt khoát

- Lời văn biền ngẫu nhịp nhàng 

- Sử dụng biện pháp liệt kê, so sánh.

C. Đọc hiểu văn bản

1. Nguyên lí nhân nghĩa

- Cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa: 

+ yên dân -  làm cho dân sống yên ổn 

+ trừ bạo - diệt mọi thế lực bạo tàn để giữ yên  cuộc sống cho nhân dân

→ Nhân nghĩa là lo cho dân, vì dân, là yêu nước, chống xâm lược

→ Hai câu mở đầu như một khẩu hiệu, thể hiện tầm cao tư tưởng của Nguyễn Trãi. 

2. Chân lí chủ quyền, độc lập dân tộc

- Quyền độc lập:

+ Nền văn hiến lâu đời

+ Lãnh thổ riêng

+ Phong tục riêng

+ Lịch sử riêng

+ Chế độ, chủ quyền riêng

+ Có nhân tài

- Nghệ thuật: 

+ Sử dụng lối văn biền ngẫu

+ Biện pháp liệt kê, so sánh, đối lập

→ Khẳng định nước Đại Việt ta là một quốc gia độc lập chủ quyền, sự tồn tại của nước ta là một điều hiển nhiên, như một chân lí khách quan, sánh ngang Trung Quốc về mọi mặt.

3. Sức mạnh của nhân nghĩa của độc lập dân tộc

- Những chiến thắng của ta và thất bại của kẻ thù

+ Lưu Cung tham công → thất bại

+ Triệu Tiết thích lớn → tiêu vong

+ Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

+ Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã

- Nghệ thuật:

+ Sử dụng câu văn biền ngẫu

+ Lập luận chặt chẽ, ngôn ngữ đanh thép

+ Sử dụng biện pháp liệt kê

→ Khẳng định sức mạnh của chính nghĩa, của độc lập, chủ quyền và lòng tự hào dân tộc: cuộc chiến tranh chính nghĩa sẽ chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

D. Sơ đồ tư duy

Tác giả tác phẩm Nước Đại Việt ta – Ngữ văn lớp 8 (ảnh 2)

Sơ đồ tư duy Phân tích đoạn trích Nước Đại Việt ta của Nguyễn Trãi

Phân tích Nước Đại Việt ta hay nhất (5 mẫu) (ảnh 3)

Dàn ý chi tiết Phân tích đoạn trích Nước Đại Việt ta của Nguyễn Trãi

I. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: “Bình Ngô đại cáo” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của vị anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới - Nguyễn Trãi.

- Khái quát nội dung tác phẩm: Đoạn trích “Nước Đại Việt ta” trích trong “Bình Ngô đại cáo” đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ dân tộc về mọi mặt với những tư tưởng tiến bộ, sâu sắc của Nguyễn Trãi.

II. Thân bài:

* Luận điểm 1: Tư tưởng nhân nghĩa

- Tư tưởng nhân nghĩa gắn liền với tư tưởng yêu nước, thương dân.

+ Cốt lõi của nhân nghĩa là “yên dân”, “trừ bạo”. Đây là tư tưởng lấy dân làm gốc, “dân vi bản”.

+ Trong tư tưởng nho giáo xưa, nhân nghĩa là phạm trù cá nhân, chỉ đạo lí, cách ứng xử, tình cảm giữa người với người.

⇒ Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi mới mẻ, tiến bộ, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và truyền thống đạo lí của dân tộc.

* Luận điểm 2: Quan niệm về quốc gia, dân tộc

- Nguyễn Trãi đưa ra 5 phạm trù quan trọng để xác lập một quốc gia, dân tộc:

+ Thứ nhất là nền văn hiến: Nước ta có nền văn hiến nghìn năm, đây là điều mà không phải quốc gia nào cũng có được. Lịch sử văn hiến ấy là bằng chứng rõ nhất cho sự tồn tại toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc.

+ Thứ hai là phạm vi lãnh thổ: Lãnh thổ nước ta được giưới hạn bởi đường biên giới, được chia cách từ thuở sơ khai dựng nước.

+ Thứ ba là phong tục tập quán

+ Thứ tư là lịch sử triều đại: Tác giả liệt kê một loạt các triều đại nước ta, đặt ngang hàng với các triều đại của Trung Quốc ⇒ khẳng định vị trí, vị thế của ta so với Trung Quốc và thế giới

+ Thứ năm là anh hùng hào kiệt: Nhân tài là nguyên khí của quốc gia, hào kiệt chính là bằng chứng cho linh khí, long mạch của một đất nước.

⇒ Quan niệm về quốc gia, dân tộc được mở rộng, tiến bộ và sâu sắc.

- Trong quan niệm của Lý Thường Kiệt, ông chỉ nhắc đến 2 phạm trù, đó là phạm vị lãnh thổ và chủ quyền độc lập. Còn đối với Nguyễn Trãi, một quốc gia phải được định danh rõ rang qua nền văn hiến riêng, lãnh thổ riêng, phong tục riêng, lịch sử triều đại và truyền thống dân tộc.

⇒ Giọng điệu hào hùng, khí thế, khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc.

* Luận điểm 3: Lịch sử chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc

- Liệt kê một loạt những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc ta cũng như những thất bại thảm hại của những kẻ dám xâm phạm nước ta, sử dụng các động từ mạnh “thất bại”, “tiêu vong”, “bắt sống”, “giết tươi”…

- Qua đó khẳng định sức mạnh dân tộc và là lời cảnh cáo, đe dọa đầy sức nặng đến những kẻ tham lam có định xâm chiếm nước ta.

* Luận điểm 4: Nghệ thuật

- Thể cáo đầy trang trọng, có tính chất tuyên bố đến toàn dân thiên hạ.

- Lập luận chặt chẽ, chứng cứ hùng hồn đầy sức thuyết phục.

- Giọng điệu linh hoạt, khi thì tự hào, hào sảng, khi thì dứt khoát, hùng hồn

- Sử dụng câu văn biền ngẫu cùng các biện pháp so sánh, đối lập giúp tăng nhịp điệu, sức thuyết phục

III. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị tác phẩm: Không chỉ thành công ở nghệ thuật văn chính luận, đoạn trích “Nước Đại Việt ta” còn có giá trị to lớn về nội dung tư tưởng, mang đậm hào khí dân tộc.

- Liên hệ và đánh giá tác phẩm: Nước Đại Việt ta được đánh giá là một bản tuyên ngôn độc lập bất hủ.

Top 16 bài Phân tích Nước Đại Việt ta hay nhất (ảnh 1)

Bài văn mẫu: Phân tích đoạn trích Nước Đại Việt ta của Nguyễn Trãi – mẫu 1

Nhắc đến văn học trung đại nước nhà không thế không nhắc tới đại thi hào Nguyễn Trãi. Ông sinh năm 1830 tại Hải Dương, là một người năng lực chính trị tài ba, lỗi lạc và một tác giả lớn của văn học dân tộc. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng cả về chữ Hán và chữ Nôm có thể kể đến như "Ức trai thi tập", "Quốc âm thi tập". Tác phẩm "Bình ngô đại cáo" được viết bằng chữ Hán và được xem là áng văn mẫu mực nhất về ý chí quật cường và tinh thần yêu nước lớn lao cùng lòng tự hào dân tộc sâu sắc. Đoạn trích " Nước Đại Việt ta " đã thể hiện rõ điều đó.

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo".

"Việc nhân nghĩa" là những việc vì con người, cách đối xử giữa người với người, hành động theo chính nghĩa. "Yên dân" là mang đến sự yên ổn, thái bình cho nhân dân, để dân không phải lo lắng về giặc xâm lược. Tác giả đã mở rộng tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng thân dân, đó là lý tưởng lấy nhân dân làm trọng, coi dân yên là điều cốt yếu. Dân là gốc là điều cốt yếu của một dân tộc, dân yên thì đất nước mới thịnh. Muốn dân yên trước tiên phải lo trừ bọn ngoại xâm, bạo ngược, đó là lẽ tất yếu. Không một quốc gia nào có thể sống an yên trên sự hống hách, bóc lột bạo tàn của kẻ thù, đặc biệt là giặc Minh.

"Như nước Đại Việt ta từ trước

Song hào kiệt đời nào cũng có"

Nguyễn Trãi tiếp tục khẳng định về độc lập, chủ quyền của đất nước ta. Dân tộc Đại Việt vốn có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng với bao phong tục, truyền thống tốt đẹp. Không chỉ vậy, nước Đại Việt còn trải qua lịch sử lâu bền qua bao thời kỳ dựng nước và đấu tranh giữ nước. Đặt các Triều đại của nước nhà sánh ngang với các triều đại nhà phương Bắc như một lần nữa khẳng định sức mạnh và chủ quyền của quốc gia đại Việt. Một yếu tố không thể thiếu của một đất nước thịnh trị, vững bền đó là hào kiệt, nhân tài, vai trò quan trọng của nhân dân, của những cơn người yêu nước, đấu tranh hết mình vì dân tộc.

Bằng ý thức và lòng tự tôn dân tộc, Nguyễn Trãi đã minh chứng hùng hồn phương Nam vốn dĩ là lãnh thổ độc lập, không ai có quyền xâm phạm. Những kẻ đạo tặc "trời không dùng, đất không tha" chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại bởi những việc làm phi nghĩa của chúng.

"Vậy: Lưu Cung tham công nên thất bại;

Triệu Tiết chí lớn phải vong thân;

Cửa Hàm tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã"

Thất bại của quân thù là điều tất yếu. Nước Nam bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân, bằng tinh thần anh dũng quật cường và nêu cao chính nghĩa đã giành lấy thắng lợi. Những trang lịch sử chói lọi ghi những địa danh diễn ra chiến trận khiến bao kẻ bị thất bại, bắt sống, tiêu vong. Những cửa Hàm Tử, sông Bạch Bằng trở thành nhân chứng hùng hồn cho chiến thắng của nhân dân ta được sử sách lưu danh muôn đời.

"Việc xưa xem xét

Chứng cứ còn ghi"

Nước Đại Việt ta" như bản hoan ca về đất nước, con người phương Nam. Lòng tự hào về truyền thống dân tộc cùng ngòi bút tài năng đã giúp Nguyễn Trãi viết nên những vần thơ sắc bén và lập luận chính xác, thuyết phục như thế. Qua đoạn trích, em thêm tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc mình, quyết tâm học tập để xứng đáng với sự hi sinh của cha ông cho hoà bình hôm nay.

Top 16 bài Phân tích Nước Đại Việt ta hay nhất (ảnh 2)

Bài văn mẫu: Phân tích đoạn trích Nước Đại Việt ta của Nguyễn Trãi – mẫu 2

Nguyễn Trãi tên hiệu Ức Trai, Nguyễn Trãi là một vị anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa kiệt xuất, nhân vật toàn tài số một của lịch sử Việt Nam thời phong kiến. Nguyễn Trãi sống trong một thời đại đầy biến động: nhà Trần suy vi, Hồ Quý Ly lập nghiệp chưa được bao lâu thì giặc Minh xâm lược. Cha bị bắt, Nguyễn Trãi muốn làm tròn đạo hiếu nhưng nghe lời cha dặn đã quay về báo thù cho nước, rửa nhục cho cha. Bị giam lỏng ở thành Đông Quan, Nguyễn Trãi bỏ trốn tìm đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi dâng Bình Ngô sách. Từ đó, Nguyễn Trãi trở thành quân sư đắc lực của Lê Lợi, đưa cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh giành thắng lợi. Mùa xuân năm 1428, Nguyễn Trãi thay Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo – một áng Thiên cổ hùng văn tuyên cáo độc lập dân tộc. Đoạn trích Nước Đại Việt ta thuộc phần đầu của bài cáo, là đoạn trích có vị trí quan trọng – làm tiền đề cho bài cáo.

Đoạn trích Nước Đại Việt ta có ý nghĩa như một lời tuyên bố hùng hồn về chủ quyền độc lập. Hai nội dung chính của đoạn trích là nguyên lý nhân nghĩa và chân lí về chủ quyền dân tộc thiêng liêng của dân tộc Đại Việt.

Mở đầu đoạn trích, tác giả viết:

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo."

Có thể coi hai câu thơ này là cốt lõi tư tưởng của Nguyễn Trãi nói riêng và của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nói chung.

Nhân là quan niệm đạo đức có từ lâu đời mà ý nghĩa ban đầu của nó chỉ bó hẹp trong sự tương thân, tương ái giữa người với người. Chữ nhân trong chính sách cai trị của vua biểu hiện ở khuynh hướng coi trọng dân chúng, lấy dân làm gốc: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Nhân nghĩa trong đạo lí được mở rộng thành lòng thương người và những việc tốt đẹp nên làm.

Nguyên lí nhân nghĩa là nền tảng cơ bản để Nguyễn Trãi triển khai nội dung bài Bình Ngô đại cáo. Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi biểu hiện cụ thể qua hành động yên dân, trừ bạo. Yên dân là vỗ về, an ủi, làm cho dân chúng được hưởng cuộc sống ấm no, thái bình. Muốn yên dân thì phải trừ bạo, tức là tiêu diệt mọi thế lực bạo tàn làm khổ dân.

Đặt trong hoàn cảnh lịch sử Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo thì dân mà tác giả nói tới là người dân Đại Việt phải chịu cảnh đau thương, tang tóc dưới ách thống trị của quân xâm lược; còn kẻ bạo tàn chính là giặc Minh mà tác giả gọi một cách khinh bỉ là quân cuồng Minh.

Với Nguyễn Trãi việc nhân nghĩa gắn liền với hành động cứu nước, cứu dân. Nội dung nhân nghĩa không còn bó hẹp trong phạm vi quan hệ giữa người với người như trong quan niệm của Nho giáo mà nó đã liên quan tới vận mệnh của dân tộc, giữa mối quan hệ giữa dân tộc với dân tộc. Đây là sự phát triển cao độ của tư tưởng nhân nghĩa ở Nguyễn Trãi.

Sau khi nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã khẳng định chân lí bất di bất dịch về chủ quyền độc lập của quốc gia Đại Việt trong tám câu tiếp theo:

"Như nước Đại Việt ta từ trước,

Song hào kiệt đời nào cũng có."

Tác giả đã đưa ra những yếu tố căn bản để xác định chủ quyền độc lập của dân tộc Đại Việt. Đó là nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ rõ ràng, phong tục tập quán, lịch sử riêng, chế độ riêng. Văn hiến nghĩa là gốc dùng để chỉ sách vở, chỉ người hiền tài; nghĩa khái quát là nền văn hóa, văn minh của một quốc gia, dân tộc. Dựa trên những yếu tố này, Nguyễn Trãi đã nêu lên một quan niệm đầy đủ được người đời sau đánh giá là kết tinh học thuyết về quốc gia, dân tộc. Sơ với thời Lí, học thuyết đó phát triển cao hơn bởi tính toàn diện và sâu sắc của nó. Quan niệm về quốc gia, dân tộc trong Nam quốc sơn hà được xác định chủ yếu qua hai yếu tố: lãnh thổ và chủ quyền. Đến Bình Ngô đại cáo, thêm ba yếu tố nữa được bổ sung: văn hiến, phong tục tập quán và lịch sử. Ông khẳng định mạnh mẽ điều mà kẻ xâm lược phương Bắc luôn tìm cách phủ định là nước Nam không có nền văn hiến.

Video Phân tích Nước Đại Việt ta

E. Đọc tác phẩm Nước Đại Việt ta

Việc quân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có.

Vậy nên:

Lưu Cung tham công nên thất bại,

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.

Việc xưa xem xét,

Chứng cứ còn ghi.

Xem thêm các bài tóm tắt Tác giải, tác phẩm Ngữ văn 8 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Tác giả - tác phẩm: Ông Giuốc – đanh mặc lễ phục

Tác giả - tác phẩm: Thi nói khoác

Tác giả - tác phẩm: Hịch tướng sĩ

Tác giả - tác phẩm: Nước Đại Việt ta

Tác giả - tác phẩm: Chiếu dời đô

Tác giả - tác phẩm: Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?

 

Tài liệu có 2 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống