Tài liệu Bộ đề thi Ngữ văn lớp 11 Giữa học kì 1 có đáp án năm học 2022 - 2023 gồm 10 đề thi tổng hợp từ đề thi môn Ngữ văn 11 của các trường THPT trên cả nước đã được biên soạn đáp án chi tiết giúp học sinh ôn luyện để đạt điểm cao trong bài thi Giữa học kì 1 Ngữ văn lớp 11. Mời các bạn cùng đón xem:
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi Giữa Học kì 1 Hồ Chí Minh
Năm học 2022 - 2023
Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 11
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian phát đề)
(Đề số 1)
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi:
"… (1) Thật vậy, Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc từng viết: “Sách vở đầy bốn vách/ Có mấy cũng không vừa”. Đáng tiếc, cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha. Sách in nhiều nơi không bán được, nhiều nhà xuất bản đóng cửa vì thua lỗ, đặc biệt . Nhiều gia đình giàu có thay tủ sách bằng tủ ... rượu các loại. Các thư viện lớn của các thành phố hay của tỉnh cũng chỉ hoạt động cầm chừng, cố duy trì sự tồn tại.
...(2) Bỗng chợt nhớ khi xưa còn bé, với những quyển sách giấu trong áo, tôi có thể đọc sách khi chờ mẹ về, lúc nấu nồi cơm, lúc tha thẩn trong vườn, vắt vẻo trên cây, lúc chăn trâu, lúc chờ xe bus... Hay hình ảnh những công dân nước Nhật mỗi người một quyển sách trên tay lúc ngồi chờ tàu xe, xem hát, v.v... càng khiến chúng ta thêm yêu mến và khâm phục. Ngày nay, hình ảnh ấy đã bớt đi nhiều, thay vào đó là cái máy tính hay cái điện thoại di động. Song sách vẫn luôn cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống phẳng hiện nay...”
(Trích “Suy nghĩ về đọc sách” – Trần Hoàng Vy, Báo Giáo dục & Thời đại, Thứ hai ngày 13.4.2015)
Câu 1. Trong đoạn (2), tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,5 điểm)
Câu 2. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên. (1,0 điểm)
Câu 3. Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng: “cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha”? (1,0 điểm)
Câu 4. Có ý kiến cho rằng: Thời nay, đọc sách là lạc hậu. Sống trong thời đại công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém. Anh/ chị có đồng tình với ý kiến đó không? Vì sao? (0,5 điểm)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến: Một cuốn sách tốt là một người bạn hiền.
Câu 2 (5,0 điểm)
Anh/ chị hãy cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Khuyến qua bài thơ Câu cá mùa thu.
----------HẾT---------
Đáp án và thang điểm
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Câu 1: (0,5 điểm)
Thao tác lập luận so sánh/ thao tác so sánh/ so sánh
- Mức đầy đủ: trả lời đúng như đáp án trên
- Mức không tính điểm: không trả lời hoặc có câu trả lời khác.
Câu 2: (1,0 điểm)
Câu văn khái quát chủ đề: Song sách vẫn luôn cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống phẳng hiện nay.
+ Mức đầy đủ: hs trả lời được như nội dung trên. (1,0 điểm)
+ Mức không tính điểm: không trả lời hoặc có câu trả lời khác.
Câu 3:(1,0 điểm)
Tác giả cho rằng “cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha” vì ở thời đại công nghệ số, con người chỉ cần gõ bàn phím máy tính hoặc điện thoại di động đã có thể tiếp cận thông tin ở nhiều phương diện của đời sống, tại bất cứ nơi đâu, trong bất kì thời gian nào, nên việc đọc sách đã dần trở nên phôi pha.
+ Mức đầy đủ: hs trả lời được như nội dung trên.
+ Mức không đầy đủ: sách bị cạnh tranh khốc liệt bởi những phương tiện nghe nhìn như ti vi, Ipad, điện thoại Smart, và hệ thống sách báo điện tử trên Internet…
+ Mức không tính điểm: không trả lời hoặc có câu trả lời khác.
Câu 4: (0,5 điểm)
- Mức đầy đủ: hs bày tỏ ý kiến đồng tình hoặc không đồng tình và lí giải thuyết phục.
- Mức không tính điểm: không trả lời hoặc có câu trả lời khác.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,25 điểm):
- Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): Lợi ích, vai trò của việc đọc sách.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
- Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
1. Giải thích: (0,25 điểm)
+ Sách tốt là loại sách mở ra cho ta chân trời mới, giúp ta mở mang kiến thức về nhiều mặt: cuộc sống, con người, trong nước, thế giới, đời xưa, đời nay, thậm chí cả những dự định tương lai, khoa học viễn tưởng...
+ Bạn hiền đó là người bạn có thể giúp ta chia sẻ những nỗi niềm trong cuộc sống, giúp ta vươn lên trong học tập, cuộc sống. Do tác dụng tốt đẹp như nhau mà có nhận định ví von "Một quyển sách tốt là một người bạn hiền".
2. Bàn luận: (0,5 điểm)
+ Sách tốt là người bạn hiển kể cho ta bao điều thương, bao kiếp người điêu linh đói khổ mà vẫn giữ trọn vẹn nghĩa tình (dẫn chứng qua các tác phẩm VH).
+ Sách cho ta hiểu và cảm thông với bao kiếp người, với những mảnh đời ở những nơi xa xôi, giúp ta vươn tới chân trời của ước mơ, ước mơ một xã hội tốt đẹp.
+ Sách giúp ta chia sẻ, an ủi những lúc buồn chán: Truyện cổ tích, thần thoại,...
+ Khi đọc sách cần chọn lựa sách hay, giàu ý nghĩa, bổ ích cho người đọc...
+ Phê phán những quan điểm lệch lạc về việc đọc sách, chọn sách ở một số người...
3. Bài học (0,25 điểm)
d) Sáng tạo (0,25 điểm)
- Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):
- Không mắc quá 3 lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2. (5,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
- Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
- Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
-Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Khuyến qua bài Câu cá mùa thu.
- Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
-Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (3,0 điểm):
- Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, nêu vấn đề nghị luận:
+ Nguyễn Khuyến là nhà nho tài năng, có cốt cách thanh cao, một trong những đại diện xuất sắc cuối cùng của VHTĐ Viêt Nam.
+ Câu cá mùa thu là bài thơ đặc sắc trong Chùm thơ thu, đằng sau bức tranh cảnh thu là vẻ đẹp tâm hồn thi nhân.
2. Giải thích: (0,25 điểm)
+ Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Khuyến trong bài thơ là tình yêu thiên nhiên gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước và tâm trạng thời thế của một tâm hồn thanh cao.
3. Phân tích, chứng minh:(2,75 điểm)
+ Tình yêu thiên nhiên gắn liền với tình yêu quê hương đất nước:
- Thơ viết về thiên nhiên trước hết là bộc lộ tình yêu thiên nhiên của tác giả: thiên nhiên được cảm nhận bằng nhiều giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác...).Bức tranh thiên nhiên với màu sắc, đường nét, âm thanh... đẹp, tĩnh lặng, đượm buồn, điển hình cho cảnh sắc mùa thu làng quê ở đồng bằng Bắc bộ.
- Thơ viết về thiên nhiên còn phản ánh tình yêu quê hương, đất nước vì đó là thiên nhiên của quê hương mình, tổ quốc mình: Là người gắn bó sâu sắc và thiết tha với quê hương, Nguyễn Khuyến đã cảm nhận vẻ đẹp riêng của cảnh sắc quê hương, đồng thời thể hiện vẻ đẹp ấy bằng nét bút vừa chân thực, vừa tinh tế. Bức tranh Câu cá mùa thu mang được cái hồn dân tộc, vượt khỏi những công thức, ước lệ không chỉ bởi tài thơ mà còn bởi tình yêu thiên nhiên đất nước của tác giả.
+ Tâm trạng thời thế của một tâm hồn thanh cao:
- Người đi câu hờ hững với việc câu cá bởi đang nặng lòng trước thế sự. Tâm trạng u hoài bộc lộ qua bức tranh thiên nhiên tĩnh lặng, vắng người, vắng tiếng. Nỗi u hoài từ tâm cảnh lan tỏa ra ngoại cảnh phủ lên cảnh vật vẻ thanh sơ đến hiu hắt. Không gian tĩnh lặng đem đến cảm nhận về nỗi cô quạnh, uẩn khúc trong tâm hồn thi nhân.Tìm đến thú vui câu cá để nhàn thân nhưng tâm không nhàn, không câu cá mà “câu thanh, câu vắng” bởi nặng lòng trước thời thế và vận mệnh đất nước.
=> Qua tâm trạng thời thế của ông ta thấy một tấm lòng yêu nước thầm kín nhưng không kém phần sâu sắc.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
- Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
----------HẾT---------
--------------------------------------------------
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi Giữa Học kì 1 Hồ Chí Minh
Năm học 2022 - 2023
Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 11
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian phát đề)
(Đề số 2)
I. ĐỌC HIỂU (3đ):
Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:
Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
(Tương tư - Nguyễn Bính)
Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2 (1đ): Biện pháp nghệ thuật nổi bật trong đoạn thơ là gì? Nêu tác dụng.
Câu 3 (1,5đ): Qua đoạn thơ, anh/chị nêu cảm nhận của mình về tình yêu đôi lứa ngày xưa?
II. LÀM VĂN (7đ):
Câu 1 (2đ): Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế.
Câu 2 (5đ): Cảm nhận của anh chị về nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương.
----------HẾT---------
Đáp án và thang điểm
I. ĐỌC HIỂU (3đ):
Câu 1 (0,5đ):
Đoạn thơ được viết theo thể thơ lục bát.
Câu 2 (1đ):
- Biện pháp nghệ thuật nổi bật: ẩn dụ (cau, giầu, thôn Đoài, thôn Đông để chỉ người con trai và con gái trong tình yêu) và câu hỏi tu từ (Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?).
- Tác dụng: nhấn mạnh nỗi nhớ và tình cảm tha thiết dành cho người thương đồng thời làm cho những câu thơ giàu hình ảnh hơn, hấp dẫn người đọc.
Câu 3 (1,5đ):
-Cảm nhận về tình yêu đôi lứa ngày xưa: Họ luôn hướng về người yêu, hướng về nhau. Nỗi nhớ được thể hiện thầm kín vô cùng đáng yêu.
II. LÀM VĂN (7đ):
Câu 1 (2đ):
Dàn ý Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Sức mạnh của sự tử tế. (Học sinh lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình).
2. Thân bài
a. Giải thích
“sự tử tế”: tấm lòng lương thiện, phẩm chất tốt đẹp của con người, luôn hướng đến mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với người khác.
b. Phân tích
- Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn.
- Khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn.
Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về nhân vật, sự việc yêu thương, chia sẻ làm minh chứng cho bài làm văn của mình.
Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật, xác thực được nhiều người biết đến.
d. Phản biện
Trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,… → những người này cần bị phê phán, chỉ trích.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: sức mạnh của sự tử tế.
Rút ra bài học và liên hệ đến bản thân.
Câu 2 (5đ):
Dàn ý. Cảm nhận về nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương; bài thơ Tự tình 2 và nhân vật trữ tình trong bài thơ.
2. Thân bài
a. Hai câu đầu
Thời gian: đêm khuya, vắng vẻ, tĩnh lặng.
Không gian: tiếng trống dồn canh, nữ thi sĩ lẻ loi, đơn chiếc một mình.
Âm thanh: “văng vẳng”: lấy động tả tĩnh nhằm nhấn mạnh sự tĩnh lặng của đêm khuya.
“Trơ”: từ tượng hình mạnh mẽ diễn tả nỗi cô đơn, lẻ bóng pha chút cay đắng của người phụ nữ lẻ loi trong chính tình cảm của mình với một trái tim khao khát yêu thương.
b. Hai câu tiếp
“say lại tỉnh” người phụ nữ đã tìm đến chén rượu để giải sầu nhưng rượu không làm cho bà say mà còn khiến cho bà thêm tỉnh táo hơn, sự bất hạnh của cuộc đời lại hiện ra rõ nét hơn.
“Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”: Mượn hình ảnh ánh trăng để nói về chuyện tình cảm còn dang dở, chưa được trọn vẹn của mình.
→ Con người chơi vơi giữa một thế giới mênh mông hoang vắng - bất lực trước nỗi cô đơn trơ trọi của chính mình.
c. Hai câu tiếp
Động từ mạnh “xiên ngang, đâm toạc”: mạnh mẽ pha chút ngang ngược, độc lập → khát vọng “nổi loạn”: phá tung đạp đổ tất cả những trói buộc đang đè nặng lên thân phận mình.
“rêu từng đám, đá mấy hòn” ít ỏi nhỏ nhoi trên nền không gian rộng lớn mênh mông của chân mây mặt đất.
→ Nghệ thuật đảo ngữ diễn tả cá tính mạnh mẽ của tác giả trước số phận lẻ loi đơn chiếc của mình.
d. Hai câu cuối
“Ngán” tâm trạng chán chường.
“xuân đi xuân lại lại”: sự tuần hoàn của tự nhiên nhưng trong bối cảnh cô đơn của tác giả, sự tuần hoàn, trôi chảy này dường như thêm trở nên vô nghĩa. “Xuân” cũng chính là tuổi trẻ của nữ thi sĩ đang trôi đi lững lờ, khao khát tình yêu nhưng không có được tình yêu.
“Mảnh tình san sẻ tí con con”: mối tình duyên nhỏ bé của riêng mình nhưng phải san sẻ với người khác khiến cho mảnh tình ấy càng thêm nhỏ bé chẳng còn đáng bao nhiêu để sưởi ấm trái tim thi sĩ.
→ Nỗi bất hạnh, buồn sầu của thi sĩ đồng thời thể hiện niềm khát khao hạnh phúc trong tình yêu.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.
----------HẾT---------
--------------------------------------------------
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi Giữa Học kì 1 Hồ Chí Minh
Năm học 2022 - 2023
Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 11
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian phát đề)
(Đề số 3)
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Vũ trụ nội mạc phi phận sự,
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng.
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.”
(Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục)
1) Văn bản trên được trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai ? (1,0 điểm)
2) Vì sao biết rằng việc làm quan là gò bó, mất tự do (vào lồng) nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn ra làm quan ? (1,0 điểm)
3) Chỉ ra và cho biết tác dụng của những biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương.
----------HẾT---------
Đáp án và thang điểm
I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)
1. Văn bản trên được trích từ tác phẩm nào? Của ai? ( 1 điểm)
Văn bản trên được trích trong tác phẩm Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ
2. Vì sao biết rằng việc làm quan là gò bó, mất tự do(vào lồng) nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn ra làm quan? ( 1 điểm)
Biết rằng việc làm quan là gò bó, mất tự do nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn ra làm quan vì đó là cách tốt nhất giúp ông thể hiện tài năng và thực hiện lí tưởng (trí quân trạch dân) của mình.
3. Chỉ ra và cho biết tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản? ( 1 điểm)
Những biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản:
- Liệt kê những danh vị, chức vụ: Thủ khoa, Tham tán, Tổng đốc, đại tướng, Phủ doãn.
- Điệp từ “khi”
- Tác dụng: Thể hiện niềm tự hào của tác gỉa vì ông đã tạo dựng được một sự nghiệp lẫy lừng, hơn đời.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
a. Mở bài
Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận.(0,5 điểm)
b. Thân bài
* Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ:
- Hình ảnh người phụ nữ với gánh nặng gia đình trên vai. (Học sinh phân tích hai câu đề và hai câu thực để thấy được công việc làm ăn nhọc nhằn, vất vả, đầy hiểm nguy và gánh nặng mà bà Tú phải đảm đương để mưu sinh)
- Hình ảnh người phụ nữ với số kiếp vất vả và món nợ tình phải trả trong cuộc đời. (Học sinh phân tích các hình ảnh lặn lội thân cò, eo sèo mặt nước, thành ngữ một duyên hai nợ, năm nắng mười mưa để thấy được điều đó)
- Hình ảnh người phụ nữ đức hạnh vẹn toàn: Chịu thương chịu khó, đảm đang tháo vát, trọn vẹn trách nhiệm làm vợ làm mẹ; cam chịu, chấp nhận, không một lời oán thán, chì chiết.(Học sinh phân tích các từ ngữ nuôi đủ, âu đành phận, dám quản công…để thấy được đức hạnh và vẻ đẹp tâm hồn của bà Tú. (4 điểm)
* Nhận xét, đánh giá(2 điểm)
- Hình ảnh bà Tú hiện lên qua cảm nhận của người chồng là nhà thơ Trần Tế Xương nên rất khách quan, sinh động. Tú Xương đã khắc hoạ hình tượng người vợ của mình bằng sự thấu hiểu, lòng yêu thương chân thành, sâu sắc và bằng cả tài năng của một người nghệ sĩ tài hoa.
- Bà Tú là một trong những hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời trung đại, tiếp nối đề tài quen thuộc của văn học dân gian và trở thành tiền đề để đề tài này tiếp tục phát triển trong văn học hiện đại.
c. Kết bài:
Khẳng định hình ảnh bà Tú là một hình ảnh đẹp, để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc về người phụ nữ Việt Nam.(0,5 điểm)
----------HẾT---------
--------------------------------------------------
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi Giữa Học kì 1 Hồ Chí Minh
Năm học 2022 - 2023
Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 11
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian phát đề)
(Đề số 4)
I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Tuổi trẻ không là khái niệm chỉ một giai đoạn trong đời người, mà chỉ một trạng thái tâm hồn. Tuổi trẻ không nhất thiết phải gắn liền với sức khỏe và vẻ tráng kiện bên ngoài, mà lại gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.
Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, ở sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn[…]. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta chỉ già đi khi để tâm hồn mình héo hon. Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn. Năm tháng in hằn những vết nhăn trên da thịt, còn sự thờ ơ với cuộc sống sẽ tạo ra những vết nhăn trong tâm hồn chúng ta.
(Mac Anderson, Điều kì diệu của thái độ sống, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2008, trang 68)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt và phong cách chức năng ngôn ngữ của văn bản. (1.0 điểm)
Câu 2. Trong vế câu “Sự thờ ơ với cuộc sống sẽ tạo ra những vết nhăn trong tâm hồn”, từ nào được dùng theo nghĩa chuyển? Nêu cách hiểu ngắn gọn của anh chị về nghĩa của từ đó. (1.0 điểm)
Câu 3. Văn bản gửi đến anh/chị thông điệp gì (trả lời ngắn gọn)? (1.0 điểm)
Câu 4. Viết đoạn văn (từ 15 đến 20 dòng) làm rõ ý: “Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, ở sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn”. (2.0 điểm)
II. LÀM VĂN (5.0 điểm)
Cảm nhận tâm sự của Tú Xương gửi gắm trong bài thơ Thương vợ.
----------HẾT---------
Đáp án và thang điểm
I. ĐỌC HIỂU (5 điểm)
1. Xác định phương thức biểu đạt và phong cách chức năng ngôn ngữ của văn bản.
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận (0,5 điểm)
- Phong cách ngôn ngữ chính luận (0,5 điểm)
2. Từ chuyển nghĩa
- Từ “vết nhăn” được dùng theo nghĩa chuyển. (0,5 điểm)
- Ý nghĩa: Biểu thị sự già nua, chai sạn trong tâm hồn(0,5 điểm)
3. Văn bản gửi đến thông điệp (1 điểm)
- Đừng để tâm hồn trở nên già nua.
- Hãy giữ cho tâm hồn luôn tươi trẻ bằng cách sống mạnh mẽ, lạc quan, can đảm, yêu thương.
4. Viết đoạn văn
* Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách viết đoạn văn; đoạn văn hoàn chỉnh theo lối diễn dịch, chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả; đảm bảo dung lượng như yêu cầu đề.
* Yêu cầu về kiến thức:
- Giải thích: Câu nói bàn về những biểu hiện của tuổi trẻ. (0,5 điểm)
- Bàn luận (0,5 điểm)
+ Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát: sống dũng cảm, dám nói, dám làm, thể hiện bản lĩnh cá nhân.
+ Tuổi trẻ thể hiện ở sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn: sống tích cực, nhiệt huyết, luôn muốn thử thách bản thân, tìm kiếm điều mới mẻ (1 điểm)
- Bài học: Hãy sống dũng cảm và nhiệt huyết để không phí hoài tuổi trẻ và đời người
Thí sinh có thể trình bày bài làm theo những cách khác, nhưng phải nhưng phải hợp lí, thuyết phục; Giáo viên linh hoạt trong đánh giá.
II. LÀM VĂN (5.0 điểm)
Cảm nhận tâm sự của Tú Xương gửi gắm trong bài thơ Thương vợ (5 điểm )
1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề (0,5 điểm)
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tâm sự của Trần Tế Xương gửi gắm trong bài thơ “Thương vợ” (0,5 điểm)
3.Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.(1 điểm)
- Giới thiệu tác giả Trần Tế Xương, tác phẩm “Thương vợ”, vấn đề nghị luận: Tâm sự của nhà thơ, dẫn thơ.
- Cảm nhận tâm sự của Tú Xương:
+ Thấu hiểu, yêu thương, quý trọng, tri ân vợ
+ Tự trách mình, nhận ra sự bất lực của bản thân trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ.
+ Chửi đời, lên án xã hội bạc bẽo, bất công.
- Đánh giá (2 điểm)
+ Lời thơ giản dị, sâu sắc, kết hợp giữa trữ tình và trào phúng, sử dụng sáng tạo thi liệu dân gian.
+ Tấm lòng sâu nặng với vợ, nhân cách cao đẹp và thái độ bất mãn trước thời đại của Tú Xương.
4. Sáng tạo(0,5 điểm)
- Liên hệ tác phẩm khác
- Ý mới mẻ, sâu sắc
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)
----------HẾT---------
--------------------------------------------------
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi Giữa Học kì 1 Hồ Chí Minh
Năm học 2022 - 2023
Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 11
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian phát đề)
(Đề số 5)
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4 :
Virus Zika là loại virus nguy hiểm liên quan đến dị tật bẩm sinh. Hãy tự biết cách để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân bằng các phương pháp phòng tránh.
Người mắc bệnh này thường có biểu hiện sốt, đau cơ, nhức đầu và đau mắt. Theo WHO, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Zika lại không có biểu hiện hay triệu chứng gì. Chính điều này khiến cho khả năng lây lan truyền nhiễm bệnh càng cao, rất nguy hiểm đặc biệt trong khu vực nhiệt đới.Virus Zika được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda. Trường hợp tiếp theo được phát hiện và ghi nhận tại Nigeria vào năm 1954. Từ đó chúng trở nên lưu hành ở nhiều nước khu vực châu Phi. Cũng theo đó, trường hợp đầu tiên mắc bệnh này ở châu Á là tại đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia vào năm 2007. Vào băm 2013, tại French Polynesia cũng ghi nhận ổ dịch đầu tiên rồi lây lan ra các đảo khu vực Thái Bình Dương như (New Caledonia, đảo Cook, đảo Easter). Thái Lan cũng đã ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh Zika vào năm 2013.Với phương thức lây truyền chủ yếu là qua muỗi Aedes và thời gian ủ bệnh là từ 3 đến 12 ngày (đây là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết). Hoặc bệnh Zika lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con và qua đường tình dục, tuy nhiên tới hiện tại cũng chưa có sự ghi nhận nào cho những đường lây truyền này.
Hiện nay tại Việt Nam đã phát hiện nhiều trường hợp nhiễm virus Zika. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên chủ động phòng tránh bệnh bằng những biện pháp như:
- Không tạo cơ hội và môi trường để muỗi đẻ trứng như các dụng cụ chứa nước, bể nước phải đậy kín.
- Diệt loăng quăng và bọ gậy thường xuyên bằng cách thả cả vào các dụng cụ chứa nước lớn. Vệ sinh và rửa sạch các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ. Không để nước ứ đọng trong bình, lọ, chai nơi ẩm thấp trong nhà và phải thay nước thường xuyên tránh nuôi muỗi.
- Loại bỏ các chất thải, phế liệu, các hốc nước tự nhiên để muỗi không thể đẻ trứng.
- Khi ngủ nhớ mắc màn, che đậy cẩn thận. Sử dụng các loại thuốc bôi, xịt trên da tránh bị muỗi đốt.
- Phun hóa chất diệt muỗi và chống dịch an toàn, đúng cách.
- Phải đến ngay trạm y tế để thăm khám khi có dấu hiệu của việc cảm cúm, ốm. Không tự ý điều trị bệnh ở nhà.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. Đặt tên cho văn bản.
Câu 2. Nêu nội dung được đề cập đến trong văn bản.
Câu 3. Tại sao Virus Zika là loại virus nguy hiểm?
Câu 4. Bày tỏ suy nghĩ về trách nhiệm góp phần bảo vệ sức khoẻ trong cuộc sống hôm nay(Trình bày trong khoảng 5-7 câu)
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo (truyện ngắn: “Chí Phèo” của Nam Cao) từ buổi sáng sau khi gặp Thị Nở.
----------HẾT---------
Đáp án và thang điểm
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Câu 1: (1 điểm)
Phong cách ngôn ngữ khoa học.
Có thể đặt tên: Virus Zika và cách phòng ngừa
Câu 2: (1 điểm)
Nội dung được đề cập đến trong văn bản:
-Biểu hiện của Virus Zika
-Nguồn gốc của Virus Zika
-Những mối nguy hiểm và cách phòng ngừa Virus Zika
Câu 3: (1 điểm)
Virus Zika là loại virus nguy hiểm?
-Vì nó để lại dị tật bẩm sinh ( teo não, đầu nhỏ ở trẻ)
-Bệnh nhân mắc bệnh Zika lại không có biểu hiện hay triệu chứng gì. Khả năng lây lan truyền nhiễm bệnh càng cao, rất nguy hiểm đặc biệt trong khu vực nhiệt đới.
- Lây truyền qua đường muỗi đốt;
- Chưa có thuốc đặc hiệu để chữa trị.
Câu 4: (1 điểm)
Bày tỏ suy nghĩ về trách nhiệm góp phần bảo vệ sức khoẻ trong cuộc sống hôm nay(Trình bày trong khoảng 5-7 câu)
Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, cần đảm bảo các ý chính:
- Sức khoẻ là quý nhất trong đời sống của mỗi người ( sức khoẻ là vàng)
- Bảo vệ sức khoẻ không những là trách nhiệm của mỗi người mà còn là của cả cộng đồng xã hội, cần thực hiện khẩu hiệu phòng bệnh hơn chữa bệnh
- Phê phán những biểu hiện coi thường sức khoẻ của mình và của người khác ( gây ô nhiễm mội trường, không an toàn thực phẩm…)
- Bài học nhận thức và hành động: giữ gìn sức khoẻ trên cả 2 mặt thể xác và tinh thần; tuyên truyền phòng chống những dịch bệnh nguy hiểm mới xuất hiện trên thế giới và trong nước…
II. LÀM VĂN (7 điểm)
1.Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Đủ ba phần mở bài, thân bài, kết luận. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề. Kết bài thể hiện được ấn tượng, cảm xúc cá nhân.(0,5 điểm)
2.Xác định đúng vấn đề nghị luận: diễn biến tâm trạng Chí Phèo (truyện ngắn: “Chí Phèo” của Nam Cao) từ buổi sáng sau khi gặp Thị Nở(0,5 điểm)
3. Nội dung (5 điểm)
Có thể trình bày theo định hướng sau:
a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận.
b. Khái quát sơ lược cuộc đời Chí Phèo để dẫn đến đoạn gặp Thị Nở và thức tỉnh.
c. Diễn biến tâm trạng:
* Trước hết là sự thức tỉnh. Bắt đầu là tỉnh rượu:
Cảm nhận về không gian sống, âm thanh, ánh sáng… Sau bao nhiêu năm gần như sống trong vô thức, triền miên say thì Chí Phèo đã cảm nhận thấy lòng “bâng khuâng”, “miệng đắng”, “lòng mơ hồ buồn”. Những sợi dây thần kinh cảm giác của một con người đã trở lại trong Chí.
*Sau khi tỉnh rượu, Chí Phèo dầntỉnh ngộ.
Hắn nhớ lại quá khứ, nhìn lại hiện tại và suy ngẫm về tương lai.
- Chí Phèo ăn bát cháohành được trao từ bàn tay ấm nóng đầy tình thương của Thị Nở, hắn vô cùng cảm động và thực sự phục sinh tâm hồn. Hắn “rất ngạc nhiên”, “mắt hắn hình như ươn ướt” bởi vì “đây là lần thứ nhất hắn được người ta cho cái gì”. Hắn nhận ra “Trời ơi, chào mới thơm làm sao!”. Hương vị của bát chào hành hay hương vị củatình yêu chân thành và cảm động, hạnh phúc giản dị và thấm thía lần đầu tiên Chí Phèo được hưởng đã đánh thức nhân tính vùi dập bấy lâu?
- Khát khao lương thiện“Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biếtbao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn”, mọi người sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng của những con người lương thiện.
- Khát vọng hạnh phúc: Chúng sẽ làm thành một cặp rất xứng đôi. Chúng nhất định sẽ lấy nhau.
- Giá trị nhân đạo: Nam Cao thể hiện sức sống bất diệt của “thiên lương”. Lương thiện, khát khao hạnh phúc là bản tính tự nhiên của con người, không một thế lực tàn bạo nào có thể hủy diệt. Ngay cả khi con người bị tha hóa, bản chất ấy chỉ tạm thời lắng xuống chứ không biến mất. Nó giống như ngọn lửa vẫn đang âm ỉ cháy dưới đống tro tàn nguội lạnh mà chỉ cần một ngọn gió mát lành của tình yêu thương thổi tới nó sẽ bùng cháy mãnh liệt. Quá trình thức tỉnh của Chí Phèo đã cho thấy ngòi bút nhân đạo sâu sắc của nhà văn Nam Cao.
Nghệ thuật: Thành công đáng lưu ý nhất của Nam Cao qua đoạn trích này là việc khám phá, miêu tả thế giới nội tâm để khẳng định bản chất tốt đẹp của nhân vật. Cốt truyện của tác phẩm hấp dẫn, tình tiết đầy kịch tính và luôn biến hóa, bất ngờ. Cách trần thuật linh hoạt, phóng túng, phong phú. Nhờ đó, nhà văn tạo nên những giọng điệu đan xen nhau hấp dẫn người đọc.
4. Sáng tạo: (0,5 điểm)
- Bộc lộ sự sáng tạo trong cách trình bày luận điểm, luận cứ, luận chứng; trong diễn đạt, tư duy.
- Có quan điểm, thái độ riêng, sâu sắc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
5. Ngôn ngữ diễn đạt(0,5 điểm)
Diễn đạt trong sáng, giàu sức biểu cảm; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
----------HẾT---------
--------------------------------------------------
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi Giữa Học kì 1 Hồ Chí Minh
Năm học 2022 - 2023
Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 11
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian phát đề)
(Đề số 6)
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm):
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
Yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi tảo tần. Mồ hôi rơi trên những cánh đồng cho lúa thêm hạt. Mồ hôi rơi trên những công trường cho những ngôi nhà thành hình, thành khối. Mồ hôi rơi trên những con đường nơi rẻo cao Tổ quốc của những thầy cô trong mùa nắng để nuôi ước mơ cho các em thơ. Mồ hôi rơi trên thao trường đầy nắng gió của những người lính để giữ mãi yên bình và màu xanh cho Tổ quốc…
Câu 1. (0.25 điểm): Xác định phong cách ngôn ngữ trong văn bản trên?
Câu 2. (0.5 điểm): Biện pháp tu từ nào được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó?
Câu 3. (0.5 điểm): Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến đối tượng nào trong cuộc sống?
Câu 4.(0.25 điểm): Đặt tiêu đề cho văn bản trên.
Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8
“Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ
Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh”.
(Trích Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ)
Câu 5. (0.25 điểm): Đoạn thơ trên sử dụng phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 6. (0.25 điểm): Xác định một biện pháp tu từ trong bốn dòng đầu của đoạn thơ?
Câu 7.(0.5 điểm): Cảm nhận vẻ đẹp của tiếng Việt qua hai câu thơ: Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng.
Câu 8.(0.5 điểm): Trước thực trạng đáng buồn là giới trẻ ngày nay đang làm cho tiếng Việt mất dần vẻ đẹp và sự trong sáng, anh chị hãy nêu ra ít nhất hai giải pháp cho vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? Trả lời khoảng 5-7 dòng.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm):
Nhân cách nhà nho chân chính trong “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ
----------HẾT---------
Đáp án và thang điểm
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm):
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ báo chí (0.25 điểm)
Câu 2:
- Biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên là điệp (lặp) cấu trúc câu (mồ hôi rơi) (0.25 điểm)
- Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó là nhấn mạnh tình yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi của con người (0.25 điểm)
Câu 3: Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến đối tượng nông dân, công nhân trong cuộc sống. (0.5 điểm)
Câu 4: Tiêu đề: Yêu Tổ quốc hoặc Tổ quốc của tôi (0.25 điểm)
Câu 5: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật/ văn chương (0.25 điểm)
Câu 6: Biện pháp tu từ so sánh/ so sánh (Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa; mềm mại như tơ) hoặc biện pháp nghệ thuật ẩn dụ (óng tre ngà và mềm mại như tơ) (0.25 điểm)
Câu 7: Hai câu thơ cho thấy tiếng Việt vừa mộc mạc, chân chất, khỏe khắn, gần gũi (như đất cày); vừa có sự lung linh, óng ả, thanh tao (óng tre ngà). Hai câu thơ thật đặc sắc, là một sự phát hiện, đúc kết của nhà thơ về vẻ đẹp phong phú, tinh tế và đậm bản sắc dân tộc của tiếng Việt (0.5 điểm)
Câu 8: Thí sinh trình bày giải pháp theo quan điểm riêng của mình, phải nêu ít nhất hai giải pháp. Câu trả lời phải chặt chẽ, thuyết phục (0.5 điểm)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm):
a. Mở bài:
- Giới thiệu hình tượng nhà nho trong văn chương: thường là hình tượng của chính tác giả, là sự tự bộc lộ con người tinh thần cùng với các khía cạnh cảm xúc, tư tưởng, quan niệm của họ về xã hội, về cuộc sống và con người. (1 điểm)
- Bài “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ đã góp phần bộc lộ vẻ đẹp của nhân cách nhà nho chân chính.
b. Thân bài:
- Cắt nghĩa và giới thiệu vấn đề:
+ “Nhân cách”: tư cách, phẩm chất riêng biệt của con người.
+ “Nhà nho”: người có học, tầng lớp trí thức trong xã hội cũ.
+ “Chân chính”: đúng đắn, ngay thẳng.
=> “Nhân cách nhà nho chân chính”: tư cách, phẩm chất tốt đẹp của người trí thức trong xã hội cũ (2 điểm)
- Những biểu hiện thông thường của nhà nho chân chính:
+ Coi trọng sự học và học vấn, có ý thức lập công ghi danh song không để công danh thành sợi dây trói buộc mình.
+ Cốt cách thanh cao, trong sạch, lấy sự hài hòa, bình ổn về tinh thần làm chí hướng, lấy việc phụng sự đất nước làm mục tiêu phấn đấu.
+ Không cao đạo, tô vẽ giả tạo, xa rời thực tế mà chân thực, thẳng thắn trong cuộc sống.
- Chứng minh trong tác phẩm:
+ Hình tượng “ông ngất ngưởng” trên mọi phạm vi đời sống, trong mọi khoảng thời gian của cuộc đời mình:
+ Ngất ngưởng trên hành trình hoạn lộ: “vào lồng” mà vẫn rất phóng túng, tự do, luôn khẳng định mình trong mọi cương vị bằng “tay ngất ngưởng”. Đó là cách sống của người quân tử bản lĩnh đầy tự tin, kiên trì lý tưởng.
+ Ngất ngưởng khi cáo quan về hưu: rất phóng khoáng tự do, không chịu sự ràng buộc của thói đời. Đó là cách sống của bậc tài tử phong lưu, không ngần ngại khẳng định cá tính của bản thân.
- Thái độ, cốt cách tác giả bộc lộ trong tác phẩm (2 điểm)
+ Tiếng cười sảng khoái, tự hào của con người có cốt cách độc đáo khi nhìn lại đời mình và tự bộc lộ.
+ Phong thái ung dung, tự do, tự tại, luôn đứng cao hơn tất cả bằng chính bản lĩnh và sức mạnh của một bậc chân tài.
+ Khái quát vẻ đẹp nhân cách Nguyễn Công Trứ: một con người giàu nghị lực, dám sống mạnh mẽ, có ý nghĩa và dám sống theo cá tính của mình để vượt thoát khuôn sáo khắt khe của lễ giáo phong kiến và lối sống khắc kỷ của người quân tử.
- Đánh giá chung (1 điểm)
+ Tạo sức hấp dẫn về tư tưởng và cá tính tác giả: sức hấp dẫn của những quan điểm sống, cách nhìn độc đáo và đầy bản lĩnh về cuộc sống tạo nên sức hấp dẫn của lời thơ, giọng thơ và hình tượng thơ.
+ Góp phần tạo nên một cái nhìn đầy đủ về tầng lớp nho sĩ-trí thức trong xã hội cũ: học không phải chỉ là những con người mực thước, đạo mạo, uyên bác mà còn là những con người vừa trong sạch, thẳng ngay, rất bình dị, gần gũi với cuộc đời mà đầy bản lĩnh, đầy sức mạnh và tài năng để tự khẳng định chính mình và tìm cho mình một cuộc sống thật ý nghĩa.
c. Kết bài:
+ Khẳng định vẻ đẹp của nhân cách nhà nho chân chính là một giá trị tinh thần góp phần bổ sung, hoàn thiện đời sống tinh thần, tư tưởng cho con người (0.5 điểm)
+ Những vẻ đẹp ấy có ý nghĩa như một bài học để tự răn mình cho người trí thức trong thời đại ngày nay (0.5 điểm)
----------HẾT---------
--------------------------------------------------
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi Giữa Học kì 1 Hồ Chí Minh
Năm học 2022 - 2023
Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 11
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian phát đề)
(Đề số 7)
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi nêu ở dưới:
"Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời. Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn."
(Trích "Hai đứa trẻ" - Thạch Lam, SGK Ngữ văn 11 tập 1, NXBGD năm 2014)
Câu 1: Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?
Câu 2: Nêu nội dung của đoạn văn?
Câu 3: Những đặc sắc về nghệ thuật trong đoạn văn? Tác dụng?
Câu 4: Vẻ đẹp văn phong Thạch Lam qua đoạn văn trên.
II.LÀM VĂN (7 điểm)
Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?
----------HẾT---------
Đáp án và thang điểm
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Câu a. Đoạn văn trên được viết theo phương thức miêu tả là chính (1 điểm)
Câu b. Nội dung của đoạn văn: bức tranh thiên nhiên phố huyện với vẻ đẹp trầm buồn, tĩnh lặng, rất đỗi thơ mộng lúc chiều tà và tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của Liên (0,5 điểm)
Câu c. - Những đặc sắc về nghệ thuật trong đoạn văn (0,5 điểm)
+ Hình ảnh so sánh độc đáo: Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn
+ Nghệ thuật tả cảnh: dùng ánh sáng để gợi tả bóng tối, dùng động tả tĩnh -> sử dụng nghệ thuật tương phản làm đòn bẩy.
+ Ngôn ngữ: tinh tế, giàu chất thơ
+ Âm điệu: trầm buồn.
- Tác dụng: làm nổi bật nội dung đoạn văn và ngòi bút tài hoa của tác giả.
Câu d. Vẻ đẹp văn phong Thạch Lam qua đoạn văn: Ngôn ngữ trong văn Thạch Lam giàu hình ảnh, giàu chất thơ, giọng văn nhẹ nhàng mà thấm thía, đậm chất trữ tình (1 điểm)
II. LÀM VĂN (7 điểm)
I. Mở bài
- Giới thiệu những nét khái quát về truyện Tấm Cám: Truyện cổ tích được nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam ưa thích(0,5 điểm)
- Đi vào giới thiệu bài học thiện – ác mà truyện đưa đến cho độc giả: Hơn cả nhằm mục đích giải trí, truyện cổ tích Tấm Cám còn cho ta những suy ngẫm sâu sắc về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa kẻ tốt và người xấu trong xã hội xưa và nay(0,5 điểm)
II. Thân bài
1. Thế nào là cuộc đấu tranh giữa thiện và ác? (1 điểm)
- Thiện: tốt đẹp, hợp với đạo đức
- Ác: tính hay gây tai họa, đau khổ cho người khác
⇒ Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa người tốt và kẻ xấu là cuộc đấu tranh với những điều xấu, điều ác gây tai họa cho con người để hướng tới những điều tốt đẹp, hợp đạo đức
2. Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong truyện Tấm – Cám (1 điểm)
- Cuộc đấu tranh thiện – ác diễn ra với hai mẹ con Cám đại diện cho cái xấu, cái ác:
+ Cám lười biếng nhưng muốn cướp phần thưởng là tấm lụa đào nên đã lừa Tấm lấy hết giỏ tép
+ Mẹ con Cám muốn diệt trừ người bạn duy nhất của Tấm: cá bống.
+ Mẹ con Cám không muốn cho Tấm đi xem hội, đã trộn thóc lẫn gạo, bắt Tấm nhặt riêng ra..
+ Mẹ con Cám đuổi cùng giết tận hòng chiếm đoạt vinh hoa phú quý, không cho Tấm con đường sống
- Tấm là đại diện cho “thiện”, đứng trước hành động của mẹ con Cám:
+ Ban đầu: Chỉ biết khóc
+ Bất bình trước những hành vi mẹ con Cám đã làm
+ Tấm có sự phát triển trong hành động, phản kháng, đấu tranh một cách mãnh liệt để giành và giữ lấy hạnh phúc thuộc về mình thông qua những lần hóa thân
+ Trước sự ngỡ ngàng và khát khao được xinh đẹp như chị, Tấm đã để Cám xuống hố, rội nước sôi cho trắng đẹp rồi chết
+ Dì ghẻ ăn mắm làm từ thịt con gái cũng kinh khiếp lăn ra chết.
⇒ Có ý kiến đồng tình, có ý kiến phản đối kết thúc này bởi nó mâu thuẫn với sự hiền lành, thùy mị của Tấm ⇒ khẳng định Tấm là nhân vật chức năng, thực hiện việc tiêu diệt tận gốc cái ác
3. Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong xã hội xưa và nay(1 điểm)
- Từ truyện Tấm Cám, có thể thấy, hiện và ác là hai hiện tượng luôn song hành trong xã hội, không khó để bắt gặp các cuộc đấu tranh thiện- ác trong xã hội xưa:
+ Chu Văn An vì bất bình, luôn mong muốn đấu tranh tới cùng cho những điều chân chính, những điều “thiện” mà đang sớ mong vua chém đầu 7 tên gian thần nhưng không thành bèn từ quan về quê sống cuộc đời thanh bạch
- Ngày nay, rất nhiều những tấm gương chiến sĩ đã hi sinh thời gian, công sức và thậm chí là tính mạng để bảo vệ điều thiện đấu tranh cho điều ác:
+ Gần đây nhất là hai hiệp sĩ đường phố của Sài Gòn đã hi sinh tính mạng trên con đường đấu tranh cho điều thiện, ngăn chặn điều ác
⇒ Những con người với cuộc đấu tranh không khoan nhượng vì điều thiện ấy xứng đáng được ngợi ca và trân trọng
4. Mục đích, ý nghĩa của cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa người tốt và kẻ xấu(2 điểm)
- Tại sao lại cần có cuộc đấu tranh thiện- ác?
+ Lúc nào trong xã hội cũng luôn tồn tại hai điều này song song, thiện và ác là hai đối cực của nhau, nếu như xã hội toàn điều ác ⇒ con người rơi vào bi kịch, xã hội sẽ náo loạn
+ Ngược lại, nếu như xã hội ngập tràn những điều thiện ⇒ con người được sống, đón nhận những điều tốt đẹp, xã hội bình yên, con người phát triển
- Nhìn nhận thực tế dù một xã hội phát triển tới đâu thì đâu đó vẫn sẽ luôn tồn tại những điều xấu, điều ác, bới vậy cuộc đấu tranh thiện – ác là cuộc đấu tranh lâu dài
- Khẳng định dù cho cái xấu có mạnh đến đâu, điều ác có khủng khiếp như thế nào thì cuối cùng điều thiện vẫn sẽ luôn giành chiến thắng
III. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề nghị luận: Câu chuyện Tấm Cám đã để lại những bàn luận trên nhiều khía cạnh khác nhau giữa thiện và ác(0,5 điểm)
- Liên hệ bản thân: Mỗi người cần nhận thức được ý nghĩa của cuộc đấu tranh thiện – ác để không ngừng vươn tới những điều thiện, như thế mới mong có thể trở thành một người tốt(0,5 điểm)
----------HẾT---------
--------------------------------------------------
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi Giữa Học kì 1 Hồ Chí Minh
Năm học 2022 - 2023
Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 11
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian phát đề)
(Đề số 8)
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa. nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn dông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận cảu những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.”
(Theo A.L.Ghec-xen, 3555 câu danh ngôn, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1997)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0,25 điểm)
Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 3: Chỉ ra tác dụng của việc dùng phép so sánh trong văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 4: Theo quan điểm riêng của anh/ chị, cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình gây ra những tác hại gì? (Trả lời ít nhất 2 tác hại trong khoảng 5-7 dòng) (0,25 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
NƠI DỰA
Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?
Khuôn mặt trẻ đẹp chim vào những miền xa nào..
Đứa bé đang lẫm chẫm muôn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.
Và cái miệng líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.
Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.
Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?
Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.
Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh bước tìmg bước run rẩy.
Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.
Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơii dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.
(Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB Văn học, Hà Nội, 1983)
Câu 5: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên. (0,25 điểm)
Câu 6: Hãy chỉ ra nghịch lí trong hai câu in đậm của văn bản trên. (0,25 điểm)
Câu 7: Qua văn bản trên, anh/ chị hiểu thế nào là nơi dựa của mỗi con người trong cuộc đời? (0,5 điểm)
Câu 8: Xác định các dạng của phép điệp trong văn bản trên và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng. (0,5 điểm)
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong "Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba - 1442"
----------HẾT---------
Đáp án và thang điểm
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: phương thức nghị luận/ nghị luận (0,25 điểm)
Câu 2. Nội dung chính của văn bản trên: khẳng định cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống sai lầm/bác bỏ một quan niệm sống sai lầm: sống bó hẹp trong ngưỡng cửa nhà mình(0,5 điểm)
Câu 3. Tác giả đã so sánh cuộc sống của mỗi người (cuộc sống đầy đủ tiện nghi; cuộc sống biệt lập;cuộc sống lúc sóng gió; …) với một mảnh vườn (mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm, sạch sẽ và gọn gàng; mảnh vườn có lớp rào bao quanh; mảnh vườn lúc dông tố nổi lên;…) (0,5 điểm)
Tác dụng: việc sử dụng pháp so sánh khiến đoạn văn trở nên sinh động, truyền cảm, dễ hiểu, có sức thuyết phục cao chứ không khô khan như khi chỉ sử dụng lí lẽ thuần túy.
Câu 4. Nêu ít nhất 02 tác hại của cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình theo quan điểm riêng của bản thân, không nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích đã cho. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục(0,25 điểm)
Câu 5. Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật/ văn chương(0,25 điểm)
Câu 6. Nghịch lí trong hai câu in đậm của văn bản: Thông thường người yếu đuối tìm nơi dựa ở người vững mạnh. Ở đây ngược lại. Người mẹ trẻ khỏe dựa vào đứa con mới biết đi chập chững. Anh bộ đội dạn dày chiến trận dựa vào cụ già bước từng bước run rẩy trên đường. (0,25 điểm)
Câu 7. Nơi dựa của mỗi người trong cuộc đời mà bài thơ đề cập đến là nơi dựa tinh thần, nơi con người tìm thấy niềm vui, ý nghĩa sống, …(0,5 điểm)
Câu 8. Các dạng của phép điệp trong văn bản: điệp từ (đứa bé, bà cụ, …), điệp ngữ (ai biết đâu, lại chính là nơi dựa, …), điệp cấu trúc (câu mở đầu của 2 đoạn có cấu trúc giống nhau, câu kết của 2 đoạn cũng vậy), điệp kết cấu giữa hai đoạn.
Hiệu quả nghệ thuật: tạo sự cân xứng, nhịp nhàng, hài hòa giữa hai đoạn thơ, góp phần khẳng định nơi dựa của mỗi người trong cuộc sống chính là nơi ta tìm thấy niềm vui và hạnh phúc. (0,5 điểm)
II. LÀM VĂN ( 7 điểm)
1. Kỹ năng
- Xác định được kiểu bài: Nghị luận xã hội.
- Lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng, văn viết có cảm xúc.
- Ít mắc lỗi chính tả dùng từ và diễn đạt.
2. Kiến thức
Trên cơ sở hiểu đúng lời nhận định của Thân Nhân Trung về vai trò của hiền tài đối với đất nước. Nắm vững luận đề: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Trên cơ sở đó giải thích, chứng minh, bình luận, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống ngày nay. Học sinh có thể trình bày theo cảm nhận và sáng tạo riêng theo cách khác nhau, song cần nêu được:
- Giới thiệu vấn đề: Trích dẫn câu nói của Thân Nhân Trung “Vai trò, tầm quan trọng của hiền tài đối với đất nước”.
+ Hiền tài là người tài cao, học rộng, có đạo đức tốt được mọi người tín nhiệm suy tôn.
+ Hiền tài có vai trò quyết định sự hưng thịnh của đất nước, góp phần làm nên sự sống còn của quốc gia và xã hội.
- Tại sao nói nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh? Nguyên khí suy thì thế nước yếu? (giải thích, chứng minh, bình luận).
+ Mọi thời đại, quốc gia đều rất cần người tài đức vì đó là nguyên khí của quốc gia (Người tài đức có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đất nước phồn vinh. Hiền tài mà không biết tu dưỡng tài, đức thì đất nước suy yếu, suy vong).
+ Cần có chính sách khích lệ, bồi dưỡng nhân tài (tinh thần, vật chất). Trọng dụng người tài: đúng người đúng việc, không lãng phí chất xám.
- Khẳng định tầm quan trọng của người tài đức đối với đất nước.
- Phương hướng phấn đấu, liên hệ bản thân: rèn luyện tài, đức góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.
----------HẾT---------
--------------------------------------------------
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi Giữa Học kì 1 Hồ Chí Minh
Năm học 2022 - 2023
Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 11
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian phát đề)
(Đề số 9)
I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời :
“Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay”
(Trích “Bên kia sông Đuống” – Hoàng Cầm)
Câu 1: Chủ đề đoạn thơ trên là gì?
Câu 2: Phân tích giá trị biện pháp tu từ trong đoạn thơ
Câu 3: Theo anh/chị, thể thơ mà nhà thơ sử dụng có ý nghĩa như thế nào trong việc biểu đạt nội dung tư tưởng của đoạn thơ trên?
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Nghị luận xã hội về học đi đôi với hành
----------HẾT---------
Đáp án và thang điểm
I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn thơ trong bài “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm và thực hiện các yêu cầu:
Yêu cầu chung:
- Câu này kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức và kĩ năng đọc hiểu một văn bản văn học thuộc thể thơ trữ tình để làm bài.
- Đề không yêu cầu đọc hiểu mọi phương diện của đoạn trích, chỉ kiểm tra một số khía cạnh. Cảm nhận của thí sinh có thể phong phú, nhưng cần nắm bắt được tâm tình của tác giả, hiểu được giá trị biểu đạt của tiếng Việt, thấy được tác dụng của biện pháp nghệ thuật được dùng trong đoạn trích.
Yêu cầu cụ thể:
Câu 1. Chủ đề đoạn thơ: Niềm tự hào về vẻ đẹp của quê hương và nỗi đau khi quê hương yêu dấu bị giày xéo (1 điểm)
Câu 2. * Biện pháp tu từ:
- Biện pháp so sánh: “Sao xót xa như rụng bàn tay”: gợi nỗi đau máu thịt. Mỗi con người là một phần của Tổ quốc, coi Tổ quốc là máu thịt của mình. Đất nước bị giàu xéo thì con người cũng xót xa như chính bản thân mình phải chịu đau đớn.
- Câu hỏi tu từ: “sao nhớ tiếc”, “sao xót xa như”… thể hiện sự nuối tiếc, đau đớn đến tột cùng. (0,5 điểm)
* Cách sử dụng các từ láy: “lấp lánh”, “xanh xanh”, “biêng biếc”, “nghiêng nghiêng” góp phần gợi vẻ đẹp trù phú, tươi đẹp của quê hương bên dòng sông Đuống duyên dáng, thơ mộng. (0,5 điểm)
Câu 3. Thể thơ tự do giúp tác giả thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình một cách chân thành, xúc động mà không bị gò bó, cảnh đẹp quê hương cũng hiện lên tự nhiên, sống động. (1 điểm)
II. LÀM VĂN (7 điểm)
a) Mở bài
- Nêu vấn đề nghị luận:
+ “Học đi đôi với hành” là một nguyên lý giáo dục quan trọng.
+ Suy nghĩ về mối quan hệ giữa "học" và "hành".
b) Thân bài
* Giải thích thế nào là học đi đôi với hành?
- Học là tiếp thu tri thức về phương châm lý thuyết, lý luận.
- Hành là sự vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn đời sống và lao động sản xuất.
=> Học “đi đôi” kết hợp với hành cho nhận thức và hành động của con người có tính thống nhất, bổ sung cho nhau, làm cho cái ta học được trở nên sâu sắc và vững chắc, hành động của ta có cơ sở khoa học, sẽ trôi chảy, dễ dàng, có thể logic và sáng tạo, để đạt tới kết quả cao.
* Vì sao học phải đi đôi với hành ?
- Học đi đôi với hành là rất cần thiết và quan trọng với tất cả mọi người.
- Hành mà không đi đôi với học thường có kết quả thấp hoặc thất bại.
- Học lí thuyết mà không thực hành thì sẽ không hiểu được vấn đề, gây hậu quả lãng phí. Còn hành mà không học lí thuyết thì sẽ không đạt được kết quả cao.
* Lợi ích của "Học đi đôi với hành"
- Hiệu quả trong học tập, giúp ta nắm chắc kiến thức hơn, nhớ lâu hơn và hiểu sâu hơn những điều được học.
- Học đi đôi với hành sẽ soi sáng cho ta nhiều điều cụ thể và sinh động.
- Đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả.
- Có nhiều cơ hội trong cuộc sống mà ta có thể vận dụng để hành những điều học được.
- Việc học sẽ không bị nhàm chán.
* Bài học nhận thức và hành động
- “Học đi đôi với hành” vừa là nguyên lý giáo dục vừa là phương pháp học tập hiệu quả.
- Để thực hiện nguyên lý này, mỗi người phải xác định cho mình mục đích học tập đúng đắn.
- UNESCO (Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục thuộc Liên hợp quốc) đã đề xướng “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
=> Học trở thành nhu cầu tự thân và chúng ta sẽ tìm mọi cách, mọi biện pháp, mọi cơ hội để vận dụng vào cuộc sống.
- Với động cơ, mục đích học tập đúng đắn, chúng ta mới có thể say mê học tập, nghiêm túc, chăm chỉ để tiếp thu đầy đủ nội dung, làm bài tập để củng cố, mở rộng bài học. Trên cơ sở nắm chắc bài học, chúng ta sẽ có điều kiện vận dụng vào thực tiễn.
- Học không chỉ ở trường lớp mà cả tự học, học bạn, học người thân, học đồng môn, đồng nghiệp. Hành không chỉ ở trong phòng thí nghiệm mà phải vận dụng vào cuộc sống hàng ngày, trong ăn ở, đi lại, giao tiếp và làm việc.
* Phản đề
- Phê phán lối học sai lầm:
+ Học chuộng hình thức
+ Học cầu danh lợi
+ Học theo xu hướng
+ Học vì ép buộc.
c) Kết bài
- Khẳng định học đi đôi với hành là một phương pháp học hiệu quả
- Liên hệ bản thân: Bản thân em đã, đang và sẽ làm gì để phát huy hiệu quả của phương châm “Học đi đôi với hành” ?
----------HẾT---------
--------------------------------------------------
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi Giữa Học kì 1 Hồ Chí Minh
Năm học 2022 - 2023
Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 11
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian phát đề)
(Đề số 10)
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cùng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Đông với Tây một dải rừng liền.
(Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây – Phạm Tiến Duật)
Đọc đoạn thơ trên và trả lời câu hỏi :
Câu 1: Đoạn thơ trên được viết bằng thể loại nào? Nhận xét về giọng điệu của đoạn thơ.
Câu 2: Trong đoạn thơ trên tác giả đã thể hiện những cảm xúc gì?
Câu 3: “Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”. Hãy tìm trong bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính một câu thơ có cách diễn đạt tương tự với câu thơ trên của Phạm Tiến Duật. Cách diễn đạt của hai câu thơ này có gì đặc biệt?
II. Làm văn (7 điểm)
Phân tích giá trị phản ánh và phê phán hiện thực trong đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh
----------HẾT---------
Đáp án và thang điểm
I.ĐỌC HIỂU (3 điểm)Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Câu 1: (1 điểm)
- Đoạn thơ trên được viết bằng thể loại thơ tự do, xen kẽ các câu 7 chữ và 8 chữ.
- Đoạn thơ có giọng điệu tự nhiên như lời chuyện trò, tâm tình thân mật của tác giả với người yêu ở nơi xa. Đây là ngôn ngữ thơ ca bước ra đời sống, từ chiến trường.
Câu 2: Trong đoạn thơ, tác giả đã thể hiện hai cảm xúc chủ đạo (1 điểm)
- Sự thích thú, yêu mến những vẻ đẹp của rừng Trường Sơn trên con đường ra trận.
- Nỗi nhớ thương sâu lắng hướng về “em”.
Câu 3: (1 điểm)
- Câu thơ có cách diễn đạt tương tự là Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông.
- Hai câu thơ của Nguyễn Bính và của Phạm Tiến Duật đều nói về nỗi nhớ và đều sử dụng các địa danh để thể hiện nỗi nhớ của mình.
Cách diễn đạt này khắc họa rõ sự chia cách ở những miền không gian xa nhau, vừa thể hiện nỗi nhớ thiết tha sâu nặng lan tỏa tâm tư tâm hồn của con người mà bao trùm cả không gian. Câu thơ vì thế có sự biểu cảm và lay động sâu sắc đối với người đọc.
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Giá trị phản ánh và hiện thực được bộc lộ qua các chi tiết sau trong đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh
1) Bức tranh về cuộc sống, sinh hoạt xa hoa trong phủ Chúa
a) Quang cảnh trong phủ chúa: Cực kỳ lộng lẫy, tráng lệ, không đâu sánh bằng:
- Cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm
- Những “ đại đường”, “Quyển bồng” với kiệu son võng điều, đồ nghi trượng sơn son thếp vàng
- Nội cung qua năm sáu lần trướng gấm với những trướng gấm, màn là, sập vàng, ghế rồng, đèn sáng lấp lánh, hương hoa ngào ngạt…
( Hình dung màu sắc, đường nét, hương sắc của vườn cây, lầu son gác tía, mân vàng chén bạc, sơn hào hải vị…)
-> Tác giả là con quan, đã từng nhiều lần vào tử cấm thành mà vẫn ngỡ ngàng trước quang cảnh nơi phủ chúa…
=> Quang cảnh nơi phủ chúa hiện lên cực kì xa hoa, tráng lệ và không kém phần tôn nghiêm của vương giả triều đình.
b) Cung cách sinh hoạt trong phủ chúa
- Về ăn uống: "Mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn của ngon vật lạ"
- Cách nói năng:
+ Trịnh Sâm thì dùng từ thánh chỉ (4 lần), thánh thượng (3 lần)
+ Trịnh Cán thì: Thánh thể (1lần)
+ Trong phủ có nhiều loại quan: Quan chánh đường, các vị lương y, của sáu cung ba viện, kẻ truyền tinđông đảo nhộn nhịp.
+ Phủ chúa ra vào phải có thẻ; lương y khám bệnh cũng phải lạy bốn lạy , xin phép mới được cởi áo thế tử…
+ Chúa Trịnh luôn luôn có "phi tần chầu chực" xung quanh, trướng rủ màn che
-> Cung cách sinh hoạt ở phủ chúa đều phải tuân theo lễ nghi, khuôn phép cho thấy sự cao sang, quyền uy tột bậc. Đến cả việc đi đứng, nói năng cũng vô cùng kiểu cách.
c) Thái độ của tác giả đối với cuộc sống nơi phủ chúa
Tác giả dửng dưng trước những những quyến rũ vật chất,cảnh sống xa hoa bởi nó được xây bằng xương máu của nhân dân…
+ Không đồng tình với cuộc sống quá no đủ phè phỡn tiện nghi nhưng thiếu khí trời và không khí tự do…
=>Tóm lại: Qua cách nói mỉa mai châm biếm của tác giả, ta thấy sự lộng quyền của nhà chúa với quyền uy tối thượng và nếp sống hưởng thụ cực kỳ xa hoa của chúa Trịnh cùng gia đình; sự thật bù nhìn của vua Lê khi ấy…
2) Thế tử Cán và thái độ con người Lê Hữu Trác:
a) Thế tử Cán:
Nơi thế tử ngự là nơi thâm nghiêm tối tăm ; bao quanh là vật dụng gấm vóc, lụa là vàng ngọc…
+ Người đông nhưng im lặng, thiếu sinh khí.
+ Không khí lạnh lẽo tù túng
+ Hình hài: tinh khí khô hết, mặt khô, rốn lồi to, gân xanh, chân tay gầy gò, …nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức…mạch bị tế sác…âm dương đều bị tổn hại.”
=> Cuộc sống vật chất đầy đủ giàu sang nhưng phẩm chất tinh thần, ý chí nghị lực trống rỗng.Đó cũng chính là hình ảnh suy yếu muc6 ruỗng của tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh Những năm cuối TK XVIII.
b) Thái độ, con người Lê Hữu Trác:
+ Tác giả là một thầy thuốc giỏi, có kiến thức sâu rộng và dạn dày kinh nghiệm.
+ Ông còn là một thầy thuốc có lương tâm và đức độ.
=> Phẩm chất cao quý: Khinh thường danh lợi, quyền quý, yêu thích cuộc sống tự do thanh đạm chốn quê nhà.
3) Nét đặc sắc trong bút pháp nghệ thuật của tác giả
+ Cách quan sát tỉ mỉ, ghi chép trung thực, tả cảnh tả người sinh động, không bỏ sót chi tiết nhỏ nào tạo nên cái thần của cảnh và việc. Đây được coi như một tài liệu quý vào thời vua Lê, chúa Trịnh mà cho tới nay vẫn được lưu giữ lại.
+ Cách kể diễn biến câu chuyện và sự việc khéo léo, lôi cuốn người đọc.
+ Thể hiện tâm hồn cao thượng, khát khao cuộc sống tự do không màng danh lợi của vị danh y Hải Thượng Lãn Ông.
-> Phản ánh giá trị hiện thực sâu sắc: Cuộc sống nơi cung vua, phủ chúa dẫu có giàu sang phú quý tột bậc nhưng rốt cục cũng chỉ là vào luồn ra cúi, cá chậu chim lồng mà thôi.
----------HẾT---------