Sơ đồ tư duy bài Một thứ quà của lúa non Cốm dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7

Tải xuống 8 3.6 K 9

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 7 tài liệu sơ đồ tư duy bài Một thứ quà của lúa non Cốm hay nhất, gồm 8 trang đầy đủ những nét chính về văn bản như:

Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung tác phẩm Một thứ quà của lúa non Cốm Ngữ văn lớp 7.

Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu Sơ đồ tư duy bài Một thứ quà của lúa non Cốm dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7:

Một thứ quà của lúa non Cốm

A. Sơ đồ tư duy Một thứ quà của lúa non Cốm

B. Tìm hiểu bài Một thứ quà của lúa non Cốm

I. Tác giả

- Thạch Lam (1910-1942) sinh ra tại Hà Nội, tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân.

-  Là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn trước cách mạng tháng Tám năm 1945.

- Ông có sở trường viết truyện ngắn và là một cây bút tinh tế, nhạy cảm, đặc biệt trong khi khai thác thế giới cảm xúc, cảm giác của con người.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: Tuỳ bút

2. Xuất xứ

Bài “Một thứ quà của lúa non: Cốm” được rút từ tập “Hà Nội băm sáu phố phường” (1943).

3. Bố cục: 3 phần

- Phần 1: (Từ đầu đến… hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng): Hương thơm lúa non gợi nhớ đến cốm và nguồn gốc của cốm.

- Phần 2: (Tiếp đến… vẻ cao quý kín đáo và nhũn nhặn?): Phát hiện và ngợi ca giá trị của cốm.

- Phần 3: (Còn lại): Bàn về cách thưởng thức cốm.

4. Giá trị nội dung

“Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ”. Bằng ngòi bút tinh tế, nhạy cảm và tấm lòng trân trọng, tác giả đã phát hiện được nét đẹp văn hóa dân tộc trong thứ sản vật giản dị mà sâu sắc ấy.

5. Giá trị nghệ thuật

- Lời văn trang trọng, tinh tế, giàu cảm xúc và tràn đầy chất thơ.

- Các chi tiết gợi nhiều liên tưởng, kỉ niệm.

- Sáng tạo trong lời văn, xen kẽ kể và tả với giọng điệu chậm rãi, mang tính chất tâm tình, nhắc nhở nhẹ nhàng.

III. Dàn ý phân tích tác phẩm

1. Hương thơm lúa non gợi nhớ đến cốm và nguồn gốc của cốm

- “Cơn gió mùa hạ lướt qua vùng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thứ quà thanh nhã và tinh khiết”: cách cảm nhận bằng khứu giác.

⇒ Cách vào bài tự nhiên, thể hiện sự tinh tế của tác giả.

- Những hình ảnh, chi tiết về cốm:

+ Khi đi qua những cánh đồng xanh, ngửi thấy mùi thơm của bông lúa non.

+ Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ.

+ Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lạ, bông lúa ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của trời.

+ Cách chế biến và các công đoạn làm cốm.

+ Cốm làng Vòng là loại cốm dẻo, thơm và ngon nhất.

⇒ Từ ngữ, hình ảnh, chọn lọc, tinh tế, giọng văn nhẹ nhàng, câu văn có nhịp điệu gần với nhịp thơ.

⇒ Cốm là sản phẩm của bàn tay khéo léo, tinh tế.

2. Giá trị của cốm

- Cốm, thức quà riêng biệt của đất nước, thức dâng của cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang hương vị mộc mạc, giản dị của làng quê.

- Là quà sêu tết gắn liền với lễ cưới, hỏi.

- Sự hoà hợp của hồng cốm:

+ Màu sắc: hồng như ngọc lựu già đỏ thắm, xanh tươi như ngọc quý.

+ Hương vị: thanh đạm, ngọt sức.

+ Nghệ thuật: so sánh, liên tưởng, từ ngữ miêu tả biểu cảm sắc sảo, tài hoa.

⇒ Cốm khiêm nhường, bình dị mà có giá trị lớn lao, làm cho cuộc sống con người thêm phong phú, tươi đẹp.

- Phê phán thói chuộng ngoại, bắt chước của kẻ giàu vô học, không hiểu giá trị của cốm.

3. Thưởng thức giá trị của cốm

- Thưởng thức: ăn chút ít, thong thả, ngẫm nghĩ.

- Mùi thơm phức (lúa mới), mùi hơi ngát (sen), màu xanh (cốm), chút ngọt dịu dàng của loài thảo mộc.

- Mua cốm: nhẹ nhàng, thận trọng.

- Vì: “Cốm là lộc trời, sự khéo léo của tinh thần”.

- Thưởng thức với cả lòng biết ơn, trân trọng vì đó là nét đẹp trong văn hoá của con người.

⇒ Tác giả là người tinh tế, biết thưởng thức, sành ăn, giỏi về ẩm thực, tài hoa.

IV. Bài phân tích

Đất nước Việt Nam ta có rất nhiều món ăn hết sức bình dị, dân dã nhưng chứa đựng nhiều tinh túy, văn hóa dân tộc như: mứt, kẹo lạc,… Trong số đó, cốm là một thứ quà dân dã và phổ biến trong đời sống người Việt Nam từ bao đời nay với hương vị thanh mát, thân thuộc làm vấn vương trong lòng mỗi ai đã từng thử qua, để rồi không bao giờ quên được mùi vị của thứ quà vặt này. Với tình yêu đất nước, quê hương, bằng thiên tuỳ bút văn xuôi, Thạch Lam cũng đã dành tình yêu và biết bao ngôn từ đẹp để ca ngợi cây lúa Việt Nam với bài “Một thứ quà của lúa non: Cốm” để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.

Mở đầu bài tuỳ bút, cảm hứng của nhà văn được gợi lên từ hương thơm của lá sen, đầm sen cuối mùa hè, báo hiệu sang thu, báo mùa về “của thứ quà thanh nhã và tinh khiết”. Để khơi gợi trí tò mò và cảm nhận của người đọc, nhà văn chưa nói ngay mà dẫn chúng ta qua những cánh đồng xanh, hình dung những hạt thóc nếp trĩu thân, ngửi mùi thơm thoang thoảng của lúa non... Với thể loại tùy bút, tác giả sử dụng ngòi bút miêu tả kết hợp thể hiện cảm xúc và suy ngẫm rất tinh tế bằng việc sử dụng nhiều tính từ, động từ gợi tả nối nhau xuất hiện như: nhuần thấm, thanh nhã, tinh khiết, thơm mát, trắng thơm, phảng phất, trong sạch... Để rồi người đọc như được hòa cùng thiên nhiên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cánh đồng dưới ánh nắng giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của đất trời, cảm nhận mùi hương thơm nồng của lúa non. Với từ ngữ chọn lọc tinh tế, câu văn có nhịp điệu, thấm đẫm cảm xúc của tác giả giúp người đọc đoán ngay được thứ quà mà tác giả muốn nói đến chính là Cốm: Một thứ quà của lúa non. Cốm rất dễ làm, nhưng để tạo ra được những hạt cốm thơm ngon, thanh mát, dẻo bùi phải kể đến cốm làng Vòng. Cốm gắn liền với vẻ đẹp của những người làm ra cốm là cô gái làng Vòng. Hình ảnh cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ với cái dấu hiệu duy nhất là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng đã tạo nên một nét riêng của phố Hà Nội. Qua đó thấy được, cốm là thứ quà tinh khiết của đất trời được nhào nặn, hoá thân trong bàn tay khéo, trong dáng hình xinh xinh, trong đức tính cần cù đầy sáng tạo của người dân quê Hà Nội xưa. Ta thấy được rằng, cốm hấp dẫn con người không chỉ bởi hương vị thanh khiết của nó mà còn bởi vẻ đẹp của chính những người làm ra nó. Trong cốm không chỉ có hương vị của cây cỏ đất trời mà còn có thần thái, sinh khí của con người. Chính vì vẻ đẹp, giá trị của cốm mà nó trở thành nhu cầu thưởng thức của người Hà Nội, trở thành một nét văn hoá ẩm thực của Hà Nội thanh lịch, tao nhã.

Chính vì mùi thơm thoang thoảng, vị ngọt dẻo thanh mát và chứa đựng thần thái, sinh khí của con người mà cốm mang nhiều giá trị. Thạch Lam gọi cốm là “quà riêng biệt”, “là thức dâng của cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam”, Cốm là quà tặng của hương đồng cỏ nội dâng tặng cho con người, Cốm là đặc sản của dân tộc vì nó kết tinh hương vị thanh khiết của đồng quê, là sản phẩm độc đáo của nền văn minh nông nghiệp lúa nước ngàn đời của người Việt. Do đó, cốm là quà quê nhưng là thức quà thiêng liêng, đáng trân trọng nâng niu. Cốm gắn liền với tục sêu tết: “Màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền”. Với việc dùng cốm làm lễ vật sêu tết thật thích hợp và có ý nghĩa lớn lao: Cốm là thức dâng của đất trời, mang trong nó hương vị vừa thanh nhã, vừa đậm đà của đồng quê nội cỏ, nó rất thích hợp trong việc lễ nghi của một xứ sở nông nghiệp lúa nước như nước ta. Thứ lễ vật ấy lại sánh cùng quả hồng - biểu trưng cho sự gắn bó hài hoà trong tình duyên đôi lứa, màu sắc thì hoà hợp, hương vị thì nâng đỡ nhau. Thạch Lam minh hoạ vẻ đẹp và giá trị của cốm bằng những câu văn bình luận thấm đẫm chất trữ tình. Qua đó thể hiện ông không chỉ trân trọng hạt cốm mà còn trân trọng cả những tập quán có tính truyền thống mang bản sắc văn hoá Việt Nam. Đồng thời ông thể hiện niềm xót xa, day dứt khi chia sẻ: Thật đáng tiếc... những thức quý của đất mình thay dần bằng những thức bóng bảy hào nhoáng và thô kệch bắt chước người ngoài…. Để chúng ta cảnh tỉnh trước thực tế bản sắc văn hóa ngày càng bị phai nhạt. Tác phẩm của ông đã được sáng tác rất lâu nhưng vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay và mai sau. Vẫn sử dụng ngòi bút vừa tả vừa biểu cảm như ở đoạn thứ nhất, nhưng ở đoạn thứ hai bổ sung thêm một chút bình luận thể hiện cảm xúc lắng sâu những suy luận, triết lí, thơ và văn xuôi hài hoà, mạch văn thông thoáng mà vẫn tập trung vào chủ đề làm nổi bật lên giá trị của cốm.

Đến phần ba, Thạch Lam chuyển sang miêu tả kĩ lưỡng, tỉ mỉ, tinh tế cách thưởng thức quà Cốm. Sự thay đổi linh hoạt cách thức trình bày về một đề tài như thế, khiến cho bài viết trở nên sinh động, hấp dẫn, tạo được nhiều sự chú ý. Cốm không phải thức quà của người ăn vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ... thì mới thấy được hương vị thơm phức của lúa mới, của cỏ dại ven bờ, thấy trong màu xanh của cốm có cái tươi mát của lá non, thấy trong chất ngọt của cốm có cái thanh đạm của loài thảo mộc. Bởi cốm chứa trong nó sự tinh tuý của hương sen, của đầm nước và được chào mời bởi cô gái làng Vòng có đôi tay mềm mại giở từng lớp lá sen, chúng ta thấy hiện ra từng lá cốm sạch sẽ và tinh khiết, không có mảy may một chút bụi nào. Thạch Lam nâng niu từng từ ngữ, trau chuốt từng câu văn mà ờ đó mỗi từ, mỗi câu còn vương mùi thơm thoang thoảng tinh khôi, thanh đạm của thứ quà đặc sản thủ đô để người đọc cảm nhận, tưởng tượng cách thưởng thức cốm đúng điệu nhất “Hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ... Phải nên kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người, và sự cố sức tiềm tàng và nhẫn nại của thần Lúa...” để người thưởng thức cốm thấy mình “được trang nhã và đẹp đẽ hơn...”. Với Thạch Lam, thưởng thức cốm là thưởng thức những giá trị kết tinh của bao nhiêu báu vật trên đất trời Việt Nam, mang vẻ đẹp của hương vị và màu sắc đồng quê, vẻ đẹp của người chế biến, của tục lệ nhân duyên, của cách mua và thưởng thức. Qua đó, thấy được cái nhìn văn hoá của cách ăn uống, chúng ta gọi là văn hoá ẩm thực. Phải có một tình yêu và niềm tự hào đối với quê hương, đồng ruộng, cây lúa và con người Việt Nam nói chung, mảnh đất và con người Hà Nội nói riêng mới có thể hiểu được ý nghĩa, giá trị to lớn của văn hóa dân tộc.

Viết về một thứ quà dân dã bình dị nhưng Thạch Lam đã gửi gắm vào đấy rất nhiều tình cảm yêu quý của mình với một món quà của quê hương. Ông đã không chỉ yêu quý Cốm mà còn dành ra những trang viết hết sức trân trọng mà còn phê phán những hành vi làm mất đi tính chất và hương vị riêng tư có của quà cốm ban tặng cho con người. Song sự toan lo và ý thức hàm dưỡng những giá trị văn hóa của dân tộc trước sự va đập trước sự chuyển đổi kinh tế và văn hóa, là một thực tế, không chỉ ở Thạch Lam, mà hầu hết các trí thức dân tộc khác, từ khi ấy đến mãi sau này.

V. Một số lời bình về tác phẩm

Một số câu thơ nói về cốm:

1.

Sáng mai trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những mùa thu đã xa.

(Nguyễn Đình Thi)

2.

Gắng công kén hộ cốm Vòng,

Kén hồng Bạch Hạc cho lòng ai vui.

(Ca dao)

Xem thêm
Sơ đồ tư duy bài Một thứ quà của lúa non Cốm dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 1)
Trang 1
Sơ đồ tư duy bài Một thứ quà của lúa non Cốm dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 2)
Trang 2
Sơ đồ tư duy bài Một thứ quà của lúa non Cốm dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 3)
Trang 3
Sơ đồ tư duy bài Một thứ quà của lúa non Cốm dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 4)
Trang 4
Sơ đồ tư duy bài Một thứ quà của lúa non Cốm dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 5)
Trang 5
Sơ đồ tư duy bài Một thứ quà của lúa non Cốm dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 6)
Trang 6
Sơ đồ tư duy bài Một thứ quà của lúa non Cốm dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 7)
Trang 7
Sơ đồ tư duy bài Một thứ quà của lúa non Cốm dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 8)
Trang 8
Tài liệu có 8 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống