Sơ đồ tư duy bài Rằm tháng giêng dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7

Tải xuống 6 2.9 K 5

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 7 tài liệu sơ đồ tư duy bài Rằm tháng giêng hay nhất, gồm 6 trang đầy đủ những nét chính về văn bản như:

Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung tác phẩm Rằm tháng giêng Ngữ văn lớp 7.

Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu Sơ đồ tư duy bài Rằm tháng giêng dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7:

Rằm tháng giêng

Bài giảng: Cảnh Khuya - Rằm tháng giêng

A. Sơ đồ tư duy Rằm tháng giêng

B. Tìm hiểu bài Rằm tháng giêng

I. Tác giả

- Hồ Chí Minh (1890 - 1969) quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

- Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và Cách mạng Việt Nam.

- Hồ Chí Minh là một nhà thơ lớn của dân tộc và là Danh nhân văn hóa thế giới

- Sự nghiệp sáng tác: Hồ Chí Minh sáng tác nhiều thể loại, để lại một khối lượng tác phẩm lớn.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại

- Phiên âm: Thất ngôn tứ tuyệt

- Dịch thơ: Lục bát

2. Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ được sáng tác tại chiến khu Việt Bắc, năm 1948 – những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

3. Bố cục: 2 phần

- Phần 1: (hai câu thơ đầu): Cảnh trăng rằm tháng giêng trên sông ở chiến khu Việt Bắc.

- Phần 2: (hai câu còn lại): Hình ảnh con người.

4. Giá trị nội dung

Bài thơ miêu tả cảnh trăng sáng ở chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước sâu nặng của Bác Hồ.

5. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.

- Sử dụng điệp từ.

- Hình ảnh thơ mang màu sắc cổ điển mà vẫn bình dị, tự nhiên.

III. Dàn ý phân tích tác phẩm

1. Thiên nhiên Tây Bắc

- Hình ảnh trăng: nguyệt chính viên – trăng đúng lúc tròn nhất.

⇒ Gợi không gian cao rộng, bát ngát, tràn đầy ánh trăng.

- Sức sống của mùa xuân: xuân giang, xuân thủy, xuân thiên

⇒ Ba chữ “xuân” nối tiếp nhau thể hiện sức xuân và sắc xuân đang trỗi dậy và không ngừng chuyển động để lớn dần lên. Khung cảnh tràn đầy sức sống, sông, nước và bầu trời dường như đang giao hòa với nhau.

⇒ Bức tranh thiên nhiên đêm rằm mùa xuân đẹp, bát ngát, rộng lớn và tràn đầy sức sống.

2. Hình ảnh con người

- Bàn việc quân: bàn việc kháng chiến, bàn việc sinh tử của của dân tộc.

- Hình ảnh “trăng ngân đầy thuyền”: sức lan tỏa của ánh trăng trong đêm rằm và qua đó thể hiện ý nguyện, mong muốn vươn tới thành công trong sự nghiệp cách mạng.

⇒ Phong thái ung dung, lạc quan, luôn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng và tâm hồn giao cảm, hòa hợp với thiên nhiên của Bác.

IV. Bài phân tích

Từ xưa đến nay, trăng luôn là niềm cảm hứng bất tận của bao nhà thơ, nhà văn, trăng khiến cho con người ta say đắm trong vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của mẹ thiên nhiên. Và vẻ đẹp của trăng được khắc họa trong bài thơ “Rằm tháng giêng” của Hồ Chí Minh đã cho ta cảm nhận được rõ nhất chất “nghệ sĩ” của một đại thi hào. Bài thơ gốc được Bác viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt nhưng đã được Xuân Thủy dịch sang thể lục bát quen thuộc với tên gọi “Rằm tháng giêng”.

Bài thơ được Người viết vào năm 1947, khi Bác đang bộn bề lo toan công việc, suy nghĩ kế sách để đối phó với thế giặc khôn lường, chiến trường đang diễn ra hết sức ác liệt. Tại thời điểm vô cùng cam go đó, người chiến sĩ cách mạng ấy đã được chiêm ngưỡng khung cảnh vầng trăng hết sức nên thơ và lung linh, vì quá yêu mến mà đã xuất khẩu thành thơ:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Dưới ngòi bút tài hoa của Bác, khung cảnh đêm trăng đã được vẽ ra trước mắt người đọc hết sức thơ mộng. Trời đã về khuya, gió hiu hiu thổi. Trên cao là vầng trăng tròn vành vạnh, tỏa ánh sáng khắp muôn nơi. Ánh trăng ngập tràn khắp dòng sông xanh lấp lánh. Trăng chảy tràn lên cả cành cây, kẽ lá nhuốm màu bầu trời, soi sáng tiếng hát và soi tỏ cả những tâm hồn chất chứa đầy tâm sự đang ngồi ngắm trăng. Bác đã sử dụng từ láy gợi tả “lồng lộng” để diễn tả sắc thái trăng đêm nay.
 Ánh trăng dường như sáng đến độ có thể thắp sáng vạn vật. Để rồi cả “sông xuân”, “nước xuân”, “trời xuân” cũng lẫn màu ánh trăng. Từ “xuân” được điệp lại đến ba lần gợi ra một không gian thật rộng lớn. Từ “tiếp” gợi cho người đọc hình dung ra hình ảnh bầu trời và mặt đất dường như không còn khoảng cách để rồi như hòa hợp lại thành một. Trong thơ ca cổ, những hình ảnh “giang, thủy, nguyệt, thiên” vốn đã rất quen thuộc nhưng khi đi vào thơ Bác lại làm nổi bật nên một bức tranh đầy hiện đại mang vẻ tươi sáng, rực rỡ và tràn đầy sức sống của vạn vật.

Để rồi, đến khi con người xuất hiện thì bức tranh ấy lại càng tuyệt đẹp. Giữa màn sương khói mờ ảo, con người hiện ra trong công việc “đàm quân sự” - một công việc quan trọng, có liên quan đến sự sống còn của dân tộc.

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Trăng đẹp là vậy, si mê, thơ mộng là vậy, thế nhưng trăng không khiến người lính quên đi nhiệm vụ trọng trách mình đang giữ, mà trái lại, trăng như đang thể hiện sự thấu hiểu, sẻ chia cùng người chiến sĩ. Vầng trăng vẫn luôn lặng lẽ dõi theo, là người bạn tâm sự với con người với tâm hồn cao đẹp chờ đợi họ trở về: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Làm nhiệm vụ khuya là thế, vất vả là thế, nhưng người thi sĩ, người chiến sĩ vẫn luôn có trăng là người bạn đồng hành sẻ chia đồng cảm hiểu thấu. Hình ảnh của những người chiến sĩ cách mạng đang bàn bạc việc quân, việc nước. Khi khắc họa hình ảnh này, Bác đã làm nổi bật lên tâm hồn cao đẹp của những chiến sĩ cách mạng - họ là những con người yêu nước, thương dân, một lòng kiên trung với cách mạng. Công việc quan trọng của quốc gia lại được bàn bạc trên con thuyền giữa dòng sông khói tỏa mịt mù cũng gợi lên một hình ảnh độc đáo nên thơ. Chỉ đến khi công việc bàn bạc đã xong xuôi, người chiến sĩ mới giật mình nhận ra đêm đã quá khuya. Ánh trăng lúc này giống như đang lùa vào thuyền, vào hồn nhà thơ. Trăng dâng đầy lai láng trên con thuyền của người chiến sĩ cách mạng khiến con thuyền để “bàn quân sự” giờ đây vụt biến thành con thuyền thơ đầy ảo mộng. Hình ảnh dường như đã lay động tâm hồn nhà thơ. Khi công việc nước đã xong xuôi, Người mới có thời gian ngắm nhìn thiên nhiên bằng một trái tim say mê nhất. Cảnh tượng thiên nhiên khiến tâm hồn thi sĩ rung động, bồi hồi.

Có thể nói, bài thơ “Nguyên tiêu” (Rằm tháng giêng) đã mở ra cho chúng ta thấy một không gian bao la, trong trẻo, thanh bình được bao phủ bởi ánh trăng tròn đầy cùng hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng với tinh thần chủ động, tư thế ung dung, lạc quan, niềm tin vững chắc vào cuộc kháng chiến. Điều đó được tạo nên bởi sự kết hợp hài hòa của chất cổ điển và hiện đại, âm điệu tươi vui. Từ đó thể hiện được Bác Hồ vừa là một vị lãnh tụ tài ba, vừa là người nghệ sĩ tài năng.

V. Một số lời bình về tác phẩm

1. Tìm hiểu Nguyên tiêu qua một bản dịch thơ khác:

RẰM THÁNG GIÊNG

Hồ Chí Minh

Rằm xuân trăng tròn vạnh đêm nay

Xuân sông xuân nước lẫn xuân trời

Xa xăm khói sóng bàn quân sự

Khuya về thuyền ngập ánh trăng soi.

Trần Đồng Minh dịch

(Theo Văn học từ những góc nhìn riêng, NXB Trẻ, 2003)

2. Điển tích Nguyên tiêu

Nguyên : thứ nhất, tiêu : đêm; nguyên tiêu: kể từ Tết nguyên đán, đêm hội vui thứ nhất ở Trung Quốc xưa là đêm rằm tháng giêng. Sử chép rằng vua Đường Duệ Tông, một đêm rằm thàng giêng, cho dựng một “cây lửa” tức là một cột cao hơn hai trượng, treo lên hàng ngàn ngọn đèn, ánh sáng rực rỡ cả một khu kinh đô. Đêm ấy, nhân dân được tự do mở hội vui chơi suốt sáng. Từ đấy, hàng năm, đêm rằm tháng giêng dân có tục lệ mở hội.

 (Theo Mai Thục – Đỗ Đức Hiểu, trong Điển tích văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996)

Xem thêm
Sơ đồ tư duy bài Rằm tháng giêng dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 1)
Trang 1
Sơ đồ tư duy bài Rằm tháng giêng dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 2)
Trang 2
Sơ đồ tư duy bài Rằm tháng giêng dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 3)
Trang 3
Sơ đồ tư duy bài Rằm tháng giêng dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 4)
Trang 4
Sơ đồ tư duy bài Rằm tháng giêng dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 5)
Trang 5
Sơ đồ tư duy bài Rằm tháng giêng dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 6)
Trang 6
Tài liệu có 6 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống