Mây và sóng - Tác giả tác phẩm – Ngữ văn lớp 9

Tải xuống 6 5.2 K 8

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 9 tài liệu tác giả tác phẩm Mây và sóng hay nhất, gồm 6 trang đầy đủ những nét chính về văn bản như:

Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung tác phẩm Mây và sóng Ngữ văn lớp 9.

Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu tác phẩm CMây và sóng Ngữ văn lớp 9:

MÂY VÀ SÓNG

Bài giảng: Mây và sóng

(Ta-go)

A. Nội dung tác phẩm

Bài thơ là lời em bé nói với mẹ như một lời thủ thỉ tâm tình, có những đối thoại tưởng tượng giữa em với những người sống trên “mây” và “sóng”. Bài thơ gồm ba nội dung chính:

- Lời mời gọi của những người sống trên mây, trong sóng.

- Lời từ chối của em bé.

- Trò chơi của em bé.

Tác giả tác phẩm Mây và sóng – Ngữ văn lớp 9 (ảnh 1)

B. Đôi nét về tác phẩm

1. Tác giả

- Ta-go (1861-1941) sinh ở Can-cút-ta, bang Ben-gan, trong một gia đình quý tộc.

- Là nhà thơ hiện đại lớn nhất của Ấn Độ

- Làm thơ rất sớm, là nhà văn đầu tiên ở Châu Á được nhận giải thưởng Nô-ben về văn học 1913.

- Thơ ông sử dụng thành công hình ảnh thiên nhiên mang ý nghĩa tượng trưng những hình ảnh liên tưởng so sánh và thủ pháp trùng điệp.

2. Tác phẩm

a, Hoàn cảnh sáng tác

- “Mây và sóng” được viết bằng tiếng Ben-gan, in trong tập Si-su (Trẻ thơ), xuất bản năm 1909, được tác giả dịch sang tiếng Anh, in trong tập “Trăng non”, xuất bản năm 1915.

b, Bố cục

3 phần 

- Từ đầu đến “nhấc bổng lên tận tầng mây”: Lời mời gọi của những người sống trên mây, trong sóng.

- Tiếp theo đến “Thế là họ mỉm cười bay đi”: Lời từ chối của em bé.

- Còn lại: Trò chơi của em bé.

c, Thể thơ

- Thơ văn xuôi.

d, Phương thức biểu đạt

- Kết hợp tự sự, miêu tả và biểu cảm. Trong đó, biểu cảm là phương thức biểu đạt chính.

e, Giá trị nội dung

- Bài thơ “Mây và sóng” không chỉ ngợi ca tình mẫu tử mà còn gợi ra những suy ngẫm mang ý nghĩa triết lí: trong cuộc đời thường có những cám dỗ và quyến rũ, muốn khước từ, chúng ta cần có những điểm tựa vững chắc mà tình mẫu tử là một trong những điểm tựa ấy. Hạnh phúc không phải là điều gì đó xa xôi, bí ẩn mà ở ngay trên trần thế, do chính con người tạo dựng, con người cần biết sống hòa hợp với thiên nhiên.

g, Giá trị nghệ thuật

- Sử dụng hình ảnh mang giàu chất trữ tình mang ý nghĩa biểu tượng

- Kết cấu bài thơ như một câu chuyện kể tạo ấn tượng thú vị với hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé.

- Nghệ thuật đối lập, ẩn dụ, nhân hóa.

C. Đọc hiểu văn bản

1. Lời mời gọi của những người sống trên mây, trong sóng

- Em bé nói với mẹ về những cuộc đối thoại tưởng tượng giữa em với những người sống trên mây và trong sóng. - Những người sống “trên mây”, “trong sóng” đã vẽ ra trước em bé một thế giới thật hấp dẫn, tha hồ vui chơi suốt ngày trước vũ trụ rực rỡ sắc màu, với bình minh vàng, với vầng trăng bạc, với tiếng ca du dương bất tận và được đi khắp nơi này nơi nọ: 

- “Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”. 

- Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. 

- Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao”. 

- Những người sống “trên mây”, “trong sóng” không những mời gọi mà còn chỉ cho cách đến với họ và cái cách hòa hợp cùng họ cũng thật thú vị, hấp dẫn: “Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cây sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”. “Hãy đến rìa biển cả, nhắm mắt lại, cậu sẽ được làn sóng nâng đi”

-  Đó chính là tiếng gọi của thế giới diệu kì. Thiên nhiên rực rỡ bí ẩn, bao điều mới lạ, hấp dẫn với tuổi thơ. Dường như khó có thể chối từ những lời mời gọi ấy, nhưng điều diệu kì đã níu giữ em bé lại.

2. Lời từ chối của em bé

- Em bé đã không đi cùng những người sống trên mây, trong sóng. Em đã từ chối những lời mời mọc rủ rê hấp dẫn kia: “Mẹ mình đang đợi ở nhà”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?” “Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?” 

- Lời từ chối và lí do từ chối thật dễ thương khiến những người sống “trên mây”, “trong sóng” đều “mỉm cười”. 

- Em bé biết mẹ đang mong, hơn nữa mẹ luôn muốn em ở nhà chiều chiều. Vì vậy em không thể rời xa mẹ và làm sao em có thể thiếu mẹ được. Lòng mẹ yêu con và con yêu mẹ đều da diết biết nhường nào. Tình cảm hai chiều nên càng thiết tha, cảm động. 

- Dĩ nhiên, em bé đầy luyến tiếc những cuộc vui chơi. Bằng chứng là em đã hỏi họ: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?” và “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Song tình yêu thương mẹ đã thắng. Đó cũng chính là sức níu giữ của tình mẫu tử.

3. Trò chơi của em bé

- Nếu em bé từ chối ngay lời mời gọi của những người sống trên mây và trong sóng thì tình cảm sẽ thiếu tính chân thực vì trẻ em nào cũng ham chơi. Em bé phần nào đã bị lôi cuốn nhưng em không thể đánh đổi thú vui chơi với việc xa rời mẹ. Tình mẫu tử đã chiến thắng ham muốn nhất thời. Em bé đã tưởng tượng ra những trò chơi đầy thú vị khác cùng với mẹ dưới mái nhà thân thương của mình: 

“Con là mây và mẹ sẽ là trăng

- Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm”.

“Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ

- Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ”

- Em bé đã biết kết hợp tình yêu thiên nhiên và tình mẫu tử bằng cách biến mình thành “mây”, thành “sóng” còn mẹ là “trăng” và “bến bờ kì lạ”. Như vậy, em đã có trò chơi hay hơn, ý nghĩa hơn. Em không chỉ có “mây” mà em còn có cả “trăng”, không chỉ để vui đùa mà để cùng sống dưới mái nhà, để em được tiếp nhận ánh sáng dịu dàng. Em còn có “sóng” còn mẹ là “bến bờ kì lạ” để em được “lăn, lăn, lăn mãi” vào lòng mẹ rộng mở, bao dung. Các động từ “ôm”, “lăn” đặc biệt điệp từ “lăn” đã diễn tả tình cảm thắm thiết giữa hai mẹ con. Em có mẹ và có tất cả, có vũ trụ bao la, có sắc màu rực rỡ, có tiếng cười hạnh phúc. Chỉ cần có mẹ bên cạnh thì mọi cuộc vui với em chẳng còn quan trọng nữa, em cảm thấy vui nhất, hạnh phúc nhất là khi được chơi cùng mẹ. 

- Cách xây dựng hình tượng trong bài thơ hết sức độc đáo: Trên bầu trời xanh, những đám mây muôn màu cùng mặt trăng lúc ẩn, lúc hiện; dưới mặt biển, muôn trùng lớp sóng vỗ vào bờ rồi tan ra thành bọt. Hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ đều do trí tưởng tượng của em bé tạo ra nên rất lung linh, kì ảo, gợi nhiều liên tưởng. Ai sống trên mây, ai sống trong sóng vậy? Những Tiên đồng hay những nàng Tiên cá? Em bé tha hồ mà tưởng tượng... Những trò chơi “trên mây”, “trong sóng” tượng trưng cho bao thú vui hấp dẫn của cuộc đời nói chung. Còn “trăng” và “bến bờ kì lạ” tượng trưng cho sự dịu hiền và tấm lòng bao dung của mẹ. Nhà thơ đã lấy mối quan hệ “mây – trăng”, “sóng – bờ” để nói về sự gắn bó của tình mẫu tử và nâng tình cảm ấy lên tầm vũ trụ, vĩnh hằng. 

- Câu thơ cuối là lời kết cho cả bài thơ: “Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta đang ở chốn nào”. Như vậy có nghĩa là “mẹ con ta” ở khắp mọi nơi, không ai có thể chia cách được. Điều đó cũng có nghĩa: tình mẫu tử ở khắp nơi, thiêng liêng, bất diệt. 

D. Sơ đồ tư duy

MÂY VÀ SÓNG

Sơ đồ tư duy Phân tích bài thơ Mây và sóng

Phân tích bài thơ Mây và sóng hay nhất ( 3 mẫu) (ảnh 3)

Dàn ý chi tiết Phân tích bài thơ Mây và sóng

1. Mở bài

- Thơ về tình mẫu tử là một chủ đề không bao giờ vơi cạn.

- “Mây và sóng” là một trong những bài thơ được nhà thơ Ta-Go nói về tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp của một đứa trẻ dành cho mẹ của mình.

2. Thân bài

* Cả bài thơ như lời thủ thỉ của em bé đang kể cho mẹ nghe về những cuộc vui rong chơi của mình ở trên bầu trời.

- Em bé ngước nhìn lên bầu trời, tưởng tượng mình đang chơi với mây, với bình minh vàng,vầng trăng bạc,… cuộc sống trên mây thật hấp dẫn, thú vị đối với một đứa trẻ như em.

- Cậu bé kể lại cuộc vui của mình với mẹ và mẹ em đang lắng nghe con kể. Tuy hình ảnh người mẹ không hiện diện trực tiếp trong thơ nhưng lại hiện hữu, dõi theo con trong xuyên suốt cả bài thơ.

- Chơi vui nhưng trong tâm trí,suy nghĩ của bé luôn hướng về mẹ yêu:

“Mẹ đang đợi mình ở nhà

Làm sao có thể rời mẹ mà đến được”

=> Có niềm hạnh phúc nào hơn khi được bên cạnh mẹ mình, những người yêu thương mình cho được, mặc dù bên ngoài biết bao điều hay, hấp dẫn đang đợi.

* Tình yêu mẹ vẫn luôn song hành trong tâm hồn đứa trẻ, chính mẹ, tình yêu thương của mẹ dành cho em đã trở thành sợi dây vô hình buộc chặt em bé ở lại với mẹ.

- “Con là mây,mẹ là trăng”: tình mẫu tử thiêng liêng ấy càng được biểu hiện sâu đậm, con luôn bên mẹ như trăng với mây, ví mẹ như trăng ôm ấp con qua bao tháng ngày.

- Cuộc đối thoại của những người trong sóng thủ thỉ cùng em về một cuộc chơi, mặc sóng vẫy gọi, chào mời nhưng em quyết định không đi vì mẹ muốn em ở nhà, em không thể nào rời mẹ.

- Với em, mẹ là nguồn sáng, là niềm vui,là nụ cười của em. 

- “Con là sóng và mẹ là bến bờ kì lạ”: Lòng mẹ bao dung như bến bờ. Hình ảnh bến bờ để sóng lăn, lăn mãi rồi sẽ cười tan như hình ảnh mẹ luôn vỗ về,ôm ấp con. Mẹ bây giờ như là bờ đê để con ước ao bao điều.

- Cậu bé khẳng định: “Và không ai trên thế gian này / Biết mẹ con ta ở chốn nao”.

=> Dù thế gian có thay đổi nhưng tình mẹ con vẫn mãi muôn đời theo thời gian.

* Nghệ thuật

- Hình thức đối thoại lồng độc thoại, hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng, kết cấu thơ lặp lại và sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa càng làm cho bài thơ sinh động, sâu sắc hơn trong mắt người đọc.

3. Kết bài

- Bài thơ như một bức tranh thiên nhiên màu sắc được vẽ bằng tình mẫu tử thiêng liêng. Nó là điểm tựa hướng con tới tương lai tương sáng.

- Gợi nhắc mỗi chúng ta về cuộc đời bao giờ cũng có những cám dỗ, điều quan trọng là ta phải biết vượt qua nó.

- Khẳng định một lần nửa tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp, đáng để trân trọng.

Top 13 bài Phân tích bài thơ Mây và sóng hay nhất (ảnh 2)

 

Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Mây và sóng – mẫu 1

Trong kho tàng văn học của nhân loại đã có biết bao tác phẩm viết về tình cảm gia đình. Ta đã biết những tác phẩm như Bếp lửa, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Con cò… Bên cạnh những tác phẩm rất quen thuộc đó còn có bài thơ Mây và sóng của Ta-go – một tác phẩm thơ nói lên tình mẫu tử bao la, rộng lớn của một đại thi hào Ấn Độ.

Trò chơi của những người sống trên mây và sóng thật thú vị, không gì tả nổi, hấp dẫn đến lạ kì:

“Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”

“Bọn tớ ca hát từ sáng sớm đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao”.

Thiên nhiên bao la, rộng lớn đang mở ra trước mắt em bé. Được chơi với mây, với vầng trăng bạc, ngao du nơi này nơi nọ đối với em bé là cả một niềm vui thích, rồi được chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Hẳn rằng em bé sẽ không bỏ lỡ cơ hội đó qua đi, em đã hỏi:

Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”.

 Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”.

Đó là một điều thật dễ hiểu, dù sao em bé vẫn chỉ là một em bé mà thôi. Nhưng đúng lúc này hình ảnh người mẹ lại hiện lên trong tâm trí em:

“Mẹ mình đang đợi ở nhà” – con bảo – “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”

Con bảo: “Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”.

Em đúng là một đứa bé ngoan, lời từ chối của em thật ngây thơ, trong sáng đến mức khiến cho họ phải mỉm cười, nhảy múa rồi lướt qua. Chính mẹ em bé, tình yêu thương của mẹ dành cho em đã trở thành sợi dây vô hình buộc chặt em bé ở lại, buộc chặt tâm trí em với lòng mẹ.

Cũng chính vì điều đó mà những trò chơi sáng tạo của em bé thú vị chẳng kém trò chơi của những người sống trên mây và sóng:

“Con là mây và mẹ sẽ là trăng.

Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.

Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ,

Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.”

Mây, trăng, sóng, bờ biển đều đã thể hiện lên trò chơi của em nhưng trong đó lại có cả mẹ. Ở đây, thiên nhiên rộng lớn, kì ảo, thơ mộng vẫn hiện lên. Nó còn hiện lên đậm nét hơn nữa qua tình cảm của em bé với mẹ. Em sẽ lấy đôi tay choàng lên người mẹ. Rồi sẽ lăn, lăn, lăn mãi cùng tiếng cười vỡ tan vào lòng mẹ. Tình cảm ấy thật sâu đậm, thật thiết tha. Và chắc chắn rằng nó sẽ kéo dài từ bình minh đến tối.

Video bài văn mẫu Phân tích bài thơ Mây và sóng 

Nổi bật hẳn lên trong phần hai cũng như là một điểm nhấn cho toàn bộ tác phẩm chính là câu thơ và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào. Tại sao em bé lại nói như vậy, đó là bởi em tin chắc rằng tình cảm giữa em và người mẹ sẽ ở khắp mọi nơi, mọi chốn. Tình cảm ấy sâu sắc đến mức không ai có thể hiểu hết được. Tình mẫu tử là thiêng liêng, bất diệt, hoà cả vào trong thiên nhiên bao la, thơ mộng. Với kết cấu lặp lại giữa hai phần nhưng tác phẩm không vì thế mà trở nên nhàm chán. Ngược lại, tác phẩm càng thêm sức lôi cuốn bởi tác giả Ta-go đã khéo léo tạo ra thêm thử thách thứ hai cho em bé. Chính điều đó đã tạo ra tình cảm mẫu tử trong bài thơ này, một tình cảm trong gian lao, thử thách càng thèm bền chật. Cùng với đó, Ta-go đã tinh thế chọn ra những hình ảnh mây, trăng, sóng, bờ biển để làm biểu tượng cho thiên nhiên. Những hình ảnh biểu tượng đó được nhân hoá lên có tâm hồn, tiếng nói khiến cho chúng thêm phần sống động trước mắt người đọc. Giọng diệu thiết tha, sâu sắc của một người con với mẹ của mình.

Tác phẩm Mây và sóng của Ta-go tựa như một bài ca. Bài ca ấy cho người đọc thấu hiểu rằng tình mẫu tử là thiêng liêng, bất diệt. Đồng thời nó cũng nhắc nhở mỗi người trong chúng ta về cuộc đời bao giờ cũng có những cám dỗ, điều quan trọng là ta phải biết vượt qua nó. Một trong những động lực giúp ta biết vượt qua chính là tình cảm của người mẹ dành cho ta. Với những điều đó, tác phẩm đã để lại những tình cảm sâu đậm trong lòng người đọc.

Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Mây và sóng – mẫu 2

Tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca. Chế Lan Viên đã từng dùng hình ảnh cánh cò trắng bên nôi để khái quát nên quy luật muôn đời của lòng mẹ:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”

Không giống với cánh cò trong lời ru của mẹ, những hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng trong bài Mây và sóng của Ta-go lại ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng một cách rất khác, từ lời kể của đứa bé. Người đọc ấn tượng sâu sắc bởi vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc mà Ta-go gửi gắm trong bài thơ ấy.

Ta-go là một người nghệ sĩ đa tài. Ông đã để lại một gia tài văn hóa nghệ thuật đồ, có giá trị đến tận bây giờ cho nền nghệ thuật thế giới. Ta-go là nhà thơ hiện đại lớn nhất của Ấn Độ và là nhà thơ đầu tiên của Châu Á đoạt giải Nô-ben văn học với tập Thơ Dâng. Hầu hết các tác phẩm đều được chính ông dịch sang tiếng Anh. Thơ của ông thể hiện tinh thần dân tộc và dân chủ sâu sắc, tinh thần nhân văn cao cả và tính chất trữ tình, triết lí nồng đượm. Thơ ông sử dụng rất thành công những hình ảnh thiên nhiên mang ý nghĩa tượng trưng, những hình thức liên tưởng so sánh và thủ pháp trùng điệp. Điều ấy được thể hiện rõ nét qua bài thơ Mây và sóng của ông.

Bài thơ mở đầu với một tiếng gọi “Mẹ ơi” của em bé và sau đó là lời kể lại cuộc đối thoại giữa em và những người sống trên mây và sóng. Em bé được mây và sóng rủ rê, mời gọi bằng những đề nghị vô cùng hấp dẫn “Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc” và “Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nào”. Tác giả đã thật tinh tế khi mở ra một thế giới mới lạ, hoàn toàn khác so với thế giới thực tại trong mắt của đứa trẻ. Mây và sóng, những cuộc dạo chơi đến “tận cùng trái đất”, đến “rìa biển cả” - những nơi xa xôi và cũng chính vì thế mới gợi lên sự tò mò của em bé. Ta-go còn thấu hiểu tâm lí của một đứa trẻ, khi để cho em bé lưỡng lự, phân vân trước lời đề nghị đầy hấp dẫn của mây và sóng. Nếu thiếu đi chi tiết này, cuộc đối thoại của em bé sẽ không thực, vì trẻ em ai lại không ham chơi, không muốn khám phá thế giới mới lạ? Thế nhưng điều đã níu chân em, để em quyết tâm từ chối lời mời hấp dẫn ấy là tình mẫu tử. Vì “Mẹ mình đang đợi ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đến được?” và “Buổi chiều mẹ mình luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”.

Với em, mẹ còn quan trọng hơn cả những cuộc dạo chơi, khám phá kia. Bởi em đã tự sáng tạo ra được trò chơi của chính mình, có em và có mẹ. Em sẽ là mây, mẹ là trăng, mái nhà là bầu trời xanh thẳm. Em là sóng còn mẹ sẽ là bến bờ kì lạ, “con lăn lăn lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ”. Tác giả đã dựng nên một bức tranh thật đẹp với những hình ảnh đầy thơ mộng, là sóng là mây, là trăng, là gió, là bến bờ kì lạ. Những sự vật ấy khiến cho không gian như được mở ra mênh mông, cũng giống như trí tưởng tượng bao la của những đứa trẻ. Không chỉ dựng nên một bức tranh mộng mơ, bài thơ còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ta-go đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ giàu tính biểu tượng để gợi về tình mẫu tử. Mây, sóng, trăng, bến bờ kì lạ là những sự vật thiên nhiên mang tính vĩnh hằng. Điều ấy cũng có nghĩa, ông đã nâng giá trị của tình mẫu tử lên ngang với tầm vóc của vũ trụ, biến nó trở thành tình cảm thiêng liêng, bất diệt. Hơn thế nữa, trong trò chơi của đứa trẻ, con sẽ là mây, mẹ sẽ là trăng, mái nhà sẽ là bầu trời xanh thẳm; con là sóng, mẹ sẽ là bến bờ kì lạ với hành động “hai bàn tay con ôm lấy mẹ”, “con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ” đã gợi cho ta niềm hân hoan, vui sướng của đứa trẻ khi được ở cùng mẹ. Hạnh phúc giản đơn của chúng chỉ là được mẹ nâng niu, ôm ấp trong sự bao dung như cái bến bờ kì lạ mà con sóng lăn vào. Câu thơ cuối đã mang tới cho người đọc nhiều suy ngẫm “Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào”. Câu thơ vang lên như một lời khẳng định mẹ con ta ở khắp mọi nơi, không ai có thể chia lìa, cũng có nghĩa tình mẫu tử thiêng liêng luôn tồn tại ở khắp mọi nơi trên thế gian này.

Với hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé, qua những hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng, bài thơ Mây và sóng của Ta-go đã ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

 

Tài liệu có 6 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống