Phong cách Hồ Chí Minh - Tác giả tác phẩm – Ngữ văn lớp 9

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 9 tài liệu tác giả tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh hay nhất, gồm 4 trang đầy đủ những nét chính về văn bản như:

Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh Ngữ văn lớp 9.

Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh Ngữ văn lớp 9:

PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

(Lê Anh Trà)

Bài giảng: Phong cách Hồ Chí Minh

A. Nội dung tác phẩm

- Vẻ đẹp phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong nhận thức và hành động.

- Đặt ra vấn đề trong thời kì hội nhập: Tiếp thu có chọn lọc văn hóa nước ngoài và giữ gìn bản sắc dân tộc.

Tác giả tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh - Ngữ văn lớp 9 (ảnh 1)

B. Đôi nét về tác phẩm

1. Tác giả

- Tên thật: Lê Anh Trà (1927 – 1999).

- Quê quán: xã Phổ Minh, huyện Phổ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

- Ông vừa nghiên cứu khoa học, vừa viết văn; có nhiều bài viết đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành.

2. Tác phẩm

a, Hoàn cảnh sáng tác

- “Phong cách Hồ Chí Minh” được rút trong bài “Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái giản dị” của Lê Anh Trà, in trong cuốn sách “Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam” do Viện Văn hóa xuất bản năm 1990.

b, Phương thức biểu đạt

- Thuyết minh

c, Bố cục

- Đoạn 1 (Từ đầu đến “rất hiện đại”): Cơ sở và quá trình hình thành phong cách Hồ Chí Minh.

- Đoạn 2 (từ tiếp đến “hạ tắm ao”): Những biểu hiện của phong cách Hồ Chí Minh. 

- Đoạn 3 (từ tiếp đến hết): Ý nghĩa phong cách Hồ Chí Minh.

d, Giá trị nội dung

 Vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, thanh cao và giản dị.

e, Giá trị nghệ thuật

+ Bài viết là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn thuyết minh và các yếu tố kể chuyện, bình luận.

+ Ngôn ngữ trang trọng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng xác thực.

+ Sử dụng khéo léo biện pháp so sánh, nghệ thuật đối lập.

C. Đọc hiểu văn bản

1. Cơ sở và quá trình hình thành phong cách Hồ Chí Minh

+ Vốn tri thức văn hoá của Bác: “Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hoá thế giới sâu sắc như Hồ Chí Minh”.

- Nghệ thuật: So sánh một cách bao quát đan xen giữa kể và bình luận để khẳng định vốn tri thức văn hoá của Bác rất sâu rộng.

- Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá. 

+ Nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga.

+ “Học hỏi, tìm hiểu văn hoá, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm” 

→ Học hỏi tìm hiểu đến mức sâu sắc.

+ “Chịu ảnh hưởng của tất cả các nền văn hoá, tiếp thu mọi các đẹp, cái hay cái đẹp”

+ “Phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản”

⇒ “… tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng rất mới, rất hiện đại…”.

⇒ Nghệ thuật đối lập: khẳng định phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây, xưa và nay, dân tộc và quốc tế.

2. Những biểu hiện của phong cách Hồ Chí Minh 

Thể hiện ở lối sống giản dị mà thanh cao:

+ Nơi ở, nơi làm việc đơn sơ: nhà sàn nhỏ, vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ…

+ Trang phục giản dị: Bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ.

+ Tư trang ít ỏi: một chiếc vali con với vài bộ quần áo, vài vật kỷ niệm.

+ Ăn uống đạm bạc: cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa…

- Nếp sống giản dị và thanh đạm của Bác cũng giống như các nhà nho nổi tiếng trước đây (Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm)

→ Nét đẹp của lối sống rất dân tộc, rất Việt Nam

⇒ Đây là phong cách sống có văn hoá thể hiện một quan niệm thẩm mĩ: cái đẹp gắn liền với sự giản dị, tự nhiên

- Lối sống giản dị, trong sáng mà vô cùng thanh cao, sang trọng.

- Đó là cách sống không tự đề cao, không tự đặt mình lên trên mọi thứ thông thường ở đời của những con người tự vui trong cảnh nghèo khó.

3. Ý nghĩa phong cách Hồ Chí Minh

- Phong cách Hồ Chí Minh là dẫn chứng sinh động về thành quả của quá trình học tập và rèn luyện không ngừng.

- Phong cách Hồ Chí Minh là minh chứng thuyết phục cho quan điểm: nên tiếp thu văn hóa nước ngoài một cách chọn lọc, “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

- Hồ Chí Minh là nhân vật hiếm có, khiến người đọc tự hào về con người Việt, văn hóa Việt và bản sắc Việt, từ đó có ý thức học tập theo gương Bác Hồ.

D. Sơ đồ tư duy

Tác giả tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh - Ngữ văn lớp 9 (ảnh 2)

Sơ đồ tư duy Phân tích tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh

 

Phân tích văn bản Phong cách Hồ Chí Minh năm 2021

Dàn ý chi tiết Phân tích tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh

1. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả Lê Anh Trà: Một nhà quân sự, một nhà báo tài năng chuyên nghiên cứu về chủ tịch Hồ Chí Minh

- Vài nét về đoạn trích: “Phong cách Hồ Chí Minh” được trích từ bài viết “Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái cao cả” đã làm nổi bật phong cách giản dị mà thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc

2. Thân bài

a) Quá trình hình thành phong cách Hồ Chí Minh

* Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để hình thành phong cách của mình

- Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi nhiều, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa cả phương Đông lẫn phương Tây, chính bởi vậy, Bác đã tiếp nhận được vốn tri thức văn hóa sâu rộng:

+ Vốn tri thức sâu rộng có được do Bác hiểu tầm quan trọng của ngôn ngữ trong giao tiếp nên đã học và nói thành thạo nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Hoa, Nga…

+ Bác học hỏi ngay cả khi trải qua những công việc kiếm sống: bác làm nhiều nghề và đến đâu Bác cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa đến một mức khá uyên thâm

* Sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại ở Bác là sự tiếp thu có chọn lọc

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nước ngoài:

+ Không phải tất cả văn hóa các nước Bác đều tiếp thu, Người chỉ tiếp thu những cái hay, cái đẹp, đồng thời phê phán những hạn chế, tiêu cực ⇒ tiếp thu một cách có chọn lọc.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên cơ sở nền tảng là văn hóa dân tộc mà tiếp thu những ảnh hưởng bên ngoài

b) Những vẻ đẹp trong lối sống và làm việc thể hiện phong cách Hồ Chí Minh

- Nơi ở, nơi làm việc của Bác rất giản dị, là một chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh ao, chỉ vẻn vẹn vài phòng, đồ đạc “mộc mạc, đơn sơ”

- Tư trang rất giản dị: bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp

- Cách ăn uống rất đạm bạc với những món ăn dân tộc: cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối… ⇒ những món ăn dân tộc không chút cầu kì

c) Ý nghĩa của phong cách Hồ Chí Minh

- Phong cách sống của Bác là phong cách sống giản dị nhưng lại vô cùng thanh cao:

+ Phong cách sống của Bác không phải là một cách tự thần thánh hóa, tự làm cho khác đời, hơn đời

+ Phong cách sống của Bác chính là phong cách sống với cái đẹp chính là sự giản dị, tự nhiên

⇒ Phong cách Hồ Chí Minh là phong cách sống mang hồn dân tộc gợi nhắc đến phong cách của các vị hiền triết trong lịch sử dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm

3. Kết bài

- Khẳng định lại những nét tiêu biểu về nghệ thuật làm nên thành công của đoạn trích: Cách lập luận chặt chẽ, luận điểm, luận cứ rõ ràng, xác đáng, cách trình bày ngắn gọn…

- Đoạn trích ngắn gọn nhưng để lại trong lòng người bao niềm ngưỡng mộ chân thành đối với vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc. Mỗi chúng ta có thể học tập lối sống giản dị mà thanh cao rất Việt Nam ấy để vững vàng sống trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay

Video bài văn mẫu Phân tích tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh

 

Bài văn mẫu: Phân tích tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh – mẫu 1

 “Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Bác Hồ - được biết đến với vai trò là một người lãnh đạo dân tộc Việt Nam chống lại kẻ thù, giành độc lập cho dân tộc. Người đã trở thành tấm gương sáng ngời cho nhân dân ta noi theo về một phong cách sống thật thanh cao.

Phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong cuộc đời của mình, Bác đã đi đến nhiều quốc gia trên thế giới ở phương Đông và phương Tây. Đến đâu, Người cũng học hỏi và tìm hiểu về đất nước đó. Điều đó giúp Bác thông thạo nhiều thứ tiếng không chỉ nói mà còn viết: Pháp, Anh, Hoa, Nga… và vô cùng am hiểu về văn hóa, nghệ thuật của các nước một cách uyên thâm. Bác Hồ không chỉ “biết tiếp thu cái đẹp” mà còn biết “phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản”. Người tiếp thu văn hóa nhân loại nhưng lựa chọn tiếp thu có chọn lọc để giữ được lối sống truyền thống rất phương Đông, rất Việt Nam.

Vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh đến từ sự giản dị trong cuộc sống hằng ngày. Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể và toàn diện để chứng minh điều ấy. Với cương vị của một nhà lãnh đạo nhưng Bác Hồ lại “lấy chiếc nhà sàn nhỏ bé bằng gỗ bên cạnh chiếc áo làm “cung điện” của mình”. Chiếc nhà sàn “vỏn vẹn có vài phòng dùng làm nơi tiếp khách, nơi họp Bộ chính trị, nơi làm việc và ngủ”. Trang phục của Bác cũng đơn giản hết mực “với bộ áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ”. Món ăn hàng ngày thì vô cùng đạm bạc - toàn là món ăn dân tộc không chút cầu kì: “cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa”. Bác sống ở đó một mình với “tư trang ít ỏi là một chiếc va li con và một bộ quần áo, vài vật kỉ niệm”. Lối sống ấy khiến cho Lê Anh Trà phải đưa ra đánh giá rằng không có bất kì một vị nguyên thủ quốc gia nào có thể sống như Bác Hồ. Để rồi, từ lối sống giản dị ấy, tác giả liên tưởng đến lối sống của các nhà hiền triết thời xưa: Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Trãi. Họ là những bậc chí sĩ lựa chọn lối sống ẩn dật tránh đời. Còn ở đây, Bác Hồ lựa chọn lối sống giản dị không phải là để thần thánh hóa bản thân mình hay để khác người. Bác lựa chọn lối sống ấy với như là một cách để tu dưỡng tinh thần, là một quan niệm thẩm mĩ về cuộc sống. Lối sống đem lại những niềm hạnh phúc cho tâm hồn.

Để làm nên thành công của văn bản phải kể đến các yếu tố nghệ thuật. Tác giả đã đan xen giữa tự sự và bình luận kết hợp với việc đưa ra những lí lẽ cùng dẫn chứng hết sức tiêu biểu khiến cho “Phong cách Hồ Chí Minh’’ thực sự thuyết phục được người đọc, người nghe. Qua phân tích trên, có thể thấy, phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh giữa tinh hóa văn hóa nhân loại và truyền thống dân tộc. Từ đó, mỗi người chúng ta hãy biết học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ.

Top 13 bài Phân tích tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh hay nhất (ảnh 1)

Bài văn mẫu: Phân tích tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh – mẫu 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người chính là biểu tượng của một lối sống giản dị mà đầy thanh cao. Đến với “Phong cách Hồ Chí Minh” của Lê Anh Trà - người đọc như hiểu rõ hơn về điều ấy.

Văn bản “Phong cách Hồ Chí Minh” được trích từ “Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái giản dị, trong Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam” của Viện Văn hóa xuất bản, Hà Nội, 1990. Qua văn bản này, người đọc thấy được vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa nét văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Đầu tiên, nét đẹp trong phong cách của Bác Hồ chính là ở sự kết tinh giữa văn hóa của nhân loại và truyền thống dân tộc. Trong suốt ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã đi qua nhiều nước trên thế giới và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Đối với mỗi nền văn hóa Người lại có những vốn hiểu biết nhất định trên nhiều lĩnh vực. Đến đâu, Bác Hồ cũng không ngừng học hỏi. Điều đó thể hiện qua vốn ngoại ngữ của Hồ Chủ tịch. Người thành thạo nhiều thứ tiếng không chỉ nói mà còn viết: Pháp, Anh, Hoa, Nga… Hồ Chí Minh “đã tiếp thu” toàn bộ cái hay cái đẹp của các nền văn hóa nhưng tiếp thu có chọn lọc. Đồng thời, Người cũng đã “nhào nặn” để cái gốc văn hóa dân tộc đã thấm sâu vào tâm hồn mình, máu thịt mình. Bác đã trở thành “một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”.

Kế tiếp, Lê Anh Trà đã đưa ra những biểu hiện trong lối sống giản dị của Bác với những dẫn chứng cụ thể và đầy thuyết phục. Nơi ở của Bác - mà nhà văn gọi là “cung điện” của một vị Chủ tịch nước chỉ là một chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh cái ao. Chỉ vẻn vẹn có vài phòng để “tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ nghỉ”, đồ đạc trong đó cũng “rất mộc mạc, đơn sơ”. Từ nơi ở đến trang phục cũng “hết sức giản dị” - Bác chỉ có bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ. Cuối cùng là việc ăn uống của Bác cũng thật đam bạc, món ăn toàn là : cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa… những món ăn dân dã của vùng quê Việt Nam. Quả thật, đúng như lời nhận xét đầy xác đáng của tác giả - ít có vị chủ tịch hay tổng thống nào có lối sống giản dị được như Hồ Chủ tịch.

Cuối cùng, nhà văn đưa ra lời bình luận về phong cách của Bác. Việc liên tưởng đến các nhà hiền triết thời xưa suy cho cùng cũng chỉ để khẳng định vẻ đẹp trong phong cách của Hồ Chí Minh. Đó không phải là một cách sống khác người hay lối sống khắc khổ của những nhà tu hành. Bác Hồ đã chủ động lựa chọn lối sống ấy như là một cách để “tu dưỡng tâm hồn”. Một cách sống thanh cao và có thể đem lại cho Người một tinh thần thoải mái, vui vẻ. Ta có thể bắt gặp rất nhiều câu chuyện có thật về đời sống giản dị của Bác. Câu chuyện của ông Nguyễn Thế Văn quê ở Thái Bình là người thân cận duy nhất lo cho Bác từ giấc ngủ đến bữa ăn kể lại: “Mỗi bữa ăn của Bác chỉ có một niêu cơm nhỏ, một đĩa tai hoặc mũi lợn luộc, một chút mắm chua. Khi ăn, bao giờ Bác cũng gặp tai, mũi lợn ra một chiếc đĩa nhỏ rồi lấy chén đậy lại. Va li quần áo của Bác chỉ có 2 chiếc quần đùi, 2 chiếc áo may ô và một bộ trang phục để tiếp khách thế nhưng Bác luôn dặn tôi phải hết sức cẩn thận cất giữ chiếc va li như báu vật, nếu đi đâu ra khỏi phòng phải cho vào tủ khóa lại…”. Hay như câu chuyện của bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch kể lại khi làm việc ở văn phòng chủ tịch, có đôi khi bà còn đảm nhận công việc khâu vá quần áo, chăn màn cho bác. Theo lời bà kể: “Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay. Chiếc áo gối màu xanh hoà bình của Bác, được ông Cần (người phục vụ Bác) đưa bà vá đi vá lại. Cầm chiếc áo gối của Bác, bà rưng rưng nước mắt, bà nói với ông Cần thay áo gối khác cho Bác dùng nhưng Bác chưa đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá...”. 

Thế mới thấy, lối sống giản dị của Bác Hồ là điều mà tất cả mọi người đều cảm nhận được. Nhưng đến với bài viết của Lê Anh Trà, chúng ta mới thấy được điều ấy một cách thật sâu sắc.Tóm lại, qua văn bản “Phong cách Hồ Chí Minh”, tác giả đã cho người đọc thấy rõ được phong cách của chủ tịch Hồ Chí Minh - giản dị nhưng thật thanh cao và đáng quý.

Tài liệu có 4 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống