Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 10 bài văn mẫu Chứng minh Bình Ngô Đại cáo là bản tuyên ngôn độc lập hay nhất, gồm 20 trang trong đó có dàn ý phân tích chi tiết, sơ đồ tư duy và 6 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi môn Văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Mời các quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo và tải về chi tiết tài liệu dưới đây:
ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ LÀ BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
Bài giảng: Đại cáo Bình Ngô Phần 2: Tác phẩm (Nguyễn Trãi)
Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập - mẫu 1
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nhận định "Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời". Những kiệt tác văn học ra đời không chỉ mang trong mình ý nghĩa văn chương mà còn mang cả tầm vóc lịch sử. "Đại cáo Bình Ngô" chính là một kiệt tác như thế. Không những là áng "thiên cổ hùng văn" của Nguyễn Trãi, "Đại cáo Bình Ngô" còn có ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập.
Tuyên ngôn độc lập được hiểu là văn bản dùng để tuyên bố, khẳng định nền độc lập, chủ quyền của một quốc gia, đặc biệt là sau khi quốc gia ấy vừa giành chiến thắng trong cuộc chống sự xâm lược của ngoại bang. Tại sao có thể khẳng định Đại cáo Bình Ngô là một bản tuyên ngôn độc lập? Điều kiện đầu tiên để một tác phẩm được coi là bản tuyên ngôn độc lập là hoàn cảnh ra đời phải là trong hoặc sau một cuộc chiến. Đồng thời đảm bảo yếu tố khẳng định độc lập, chủ quyền dân tộc, tuyên bố thắng lợi và tuyên bố hòa bình. Dẫn chứng và lý lẽ phải sắc bén, hùng hồn và hoàn toàn xác thực.
Đại cáo Bình Ngô đáp ứng đủ được những yêu cầu trên. Trước hết, về hoàn cảnh ra đời. Tác phẩm ra đời gắn với mốc lịch sử vô cùng trọng đại của dân tộc. Mùa xuân năm 1428, sau chiến thắng giặc Minh, thừa lệnh Lê Lợi, Nguyễn Trãi viết bài cáo để thông báo tới toàn thể nhân dân về chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ròng rã hai mươi năm chiến tranh thảm khốc và ách đô hộ của quân giặc, chúng ta đã chiến thắng và giành lại nền độc lập dân tộc, lập lại nền hòa bình. Đại cáo Bình Ngô khi ấy chính là khúc khải hoàn ca, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên hoàn toàn độc lập và tự do, trở thành khúc tráng ca của lịch sử.
Về nội dung, bài cáo là lời khẳng định đanh thép về độc lập chủ quyền, về chiến thắng Lam Sơn hào hùng và nền hòa bình dân tộc. Ngay từ những câu thơ mở đầu, Nguyễn Trãi đã nêu cao tư tưởng nhân nghĩa. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài cáo, cũng là sự khẳng định chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hào hùng:
"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo"
Theo tư tưởng Nho gia, Nguyễn Trãi cho rằng nhân nghĩa là yên dân, là làm sao cho nhân dân có được ấm no, yên ổn và hạnh phúc. Để làm được việc này, trong hoàn cảnh giặc ngoại xâm đô hộ thì phải trừ bạo. Cụ thể trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ là loại trừ giặc Minh xâm lược. Làm được cả hai việc ấy mới là nhân nghĩa chân chính. Độc lập dân tộc có được phụ thuộc rất lớn vào nhân dân. Nhân dân là người bao đời cố gắng gây dựng và bảo vệ nền độc lập. Hàng nghìn năm mồ hôi rơi, xương máu đổ, đồng cam cộng khổ mới tạo nên độc lập dân tộc.
Nguyễn Trãi nêu lên một tư tưởng đầy nhân văn để từ đó, đi đến khẳng định chân lý độc lập của dân tộc:
"Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có"
Bằng giọng điệu hào hùng, khí thế, Nguyễn Trãi liên tiếp liệt kê hàng loạt yếu tố để xác lập trọn vẹn nền độc lập dân tộc. Đó là "nền văn hiến", "núi sông bờ cõi", "phong tục", "lịch sử" và "hào kiệt". Nếu như trong "Nam Quốc Sơn Hà", Lý Thường Kiệt đưa ra phương diện lãnh thổ ở sách trời. Thì ở Đại cáo Bình Ngô, Nguyễn Trãi lại lựa chọn những phương diện cụ thể và có bằng chứng lịch sử không thể chối cãi. Các cụm từ "từ trước", "vốn ", "đã lâu", "đã chia", "bao đời", "cũng khác" liên tiếp dồn dập nhấn mạnh tầm vóc lịch sử lâu đời của dân tộc Đại Việt. Nền độc lập và chủ quyền của dân tộc đã tồn tại từ rất lâu, hoàn toàn rạch ròi và khác biệt, không thể nhầm lẫn với bất kỳ quốc gia nào khác.
Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi cũng điểm danh một loạt các triều đại của nước ta "Triệu, Đinh, Lý, Trần" song song với các triều đại phương bắc như "Hán, Đường, Tống, Nguyên". Lịch sử ghi lại, khi Trung Quốc xưng hoàng đế, các nước xung quanh chỉ có thể xưng vương. Thế nhưng, từ đời nhà Ngô nước ta, Ngô Quyền cũng đã xưng hoàng đế. "Mỗi bên xưng đế một phương", dân tộc ta đứng ngang hàng, không hề thua kém.
Với những yếu tố đó, Nguyễn Trãi đã nâng tầm chân lý độc lập và khẳng định vị thế dân tộc. Đại cáo Bình Ngô vì lẽ đó mở màn đầy đanh thép.
Nền độc lập dân tộc với lý lẽ và dẫn chứng xác thực, trở nên vô cùng thiêng liêng và "bất khả xâm phạm". Chân lý chủ quyền dân tộc vang lên đầy khí thế và tự hào. Đồng thời cũng trở thành cơ sở pháp lý để Nguyễn Trãi lên án những kẻ bạo ngược đã cả gan xâm phạm chủ quyền nước ta:
"Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bản thần nhân chịu được."
"Đại cáo Bình Ngô" đã phơi bày toàn bộ tội ác của giặc Minh xâm lược. Suốt hai mươi năm trời, nhân dân ta sống trong lầm than, đau khổ bởi những âm mưu tàn độc, những hành động man rợ, trắng trợn vô nhân tính. Kể bao nhiêu cũng không hết tội ác tày trời.
Nguyễn Trãi hùng hồn tố cáo tội ác của giặc Minh tạo nên một bản án đanh thép với kẻ thù. Bài cáo khẳng định hành động của địch là phi nghĩa, cuộc chiến của ta là chính nghĩa, gây ra sự đồng cảm và tăng tính thuyết phục cho bản tuyên ngôn. Vị tướng sĩ tài ba của dân tộc viết lên những điều đó trong căm hờn, uất nghẹn trào dâng, khiến lòng người sục sôi phẫn nộ.
Thế nhưng, đau thương vẫn không cản bước được dân tộc anh hùng. Cả dân tộc đồng lòng, chung tay cùng đứng dậy, làm nên chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:
"Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới;
Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào."
Dù giai đoạn đầu có nhiều khó khăn song cuối cùng thắng lợi vẫn thuộc về dân tộc ta. Tuyên bố về thắng lợi, bài cáo đã thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc vô cùng sâu sắc. Đồng thời cũng nêu cao tính chính nghĩa của cuộc chiến này. Chiến thắng giặc Minh năm ấy chính là sự trừng phạt thấu tình đạt lý những kẻ bạo ngược, vi phạm chủ quyền dân tộc ta.
Khép lại bản "tuyên ngôn", Đại cáo Bình Ngô đi đến sự tuyên bố về nền hòa bình dân tộc:
"Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch lầu"
Đó là "trái ngọt hoa thơm" của cuộc đấu tranh đầy khó khăn, gian khổ. Từng câu từng chữ vút cao, vang dội, tuyên bố nền hòa bình "vững bền, đổi mới, vững chắc". Hình ảnh "xã tắc, giang sơn, kiền khôn, nhật nguyệt" giống như tái hiện khung cảnh thái bình tuyệt đẹp. Đặc biệt trong đó còn chứa đựng sự biết ơn "trời đất tổ tiên khôn thiêng ngầm giúp" và đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Bên cạnh yếu tố về nội dung, Đại cáo Bình Ngô còn được coi là bản tuyên ngôn độc lập về khía cạnh nghệ thuật. Bài cáo được viết theo thể văn biền ngẫu, lập luận chặt chẽ, đanh thép đầy thuyết phục. Đi từ cơ sở lý luận của tư tưởng nhân nghĩa và chân lý về độc lập chủ quyền, đến sự phơi bày tội ác của giặc và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn rồi tuyên bố nền hòa bình. Lí lẽ sắc bén, dẫn chứng thuyết phục kết hợp với giọng điệu hào hùng, đanh thép, hùng tráng. Các biện pháp nghệ thuật khéo léo cùng những câu văn dài ngắn, biến hóa linh hoạt. Bài cáo đã khẳng định độc lập chủ quyền, chiến thắng của khởi nghĩa Lam Sơn và nền hòa bình dân tộc. Đồng thời cũng nêu cao tinh thần yêu nước cùng tầm vóc tư tưởng và tài năng của Nguyễn Trãi.
Với những thành công đó, Đại cáo Bình Ngô chính là bản tuyên ngôn mang nhiều giá trị sâu sắc của dân tộc. Trải qua nhiều năm, nó vẫn sừng sững chỗ đứng trong nền văn học nói riêng, trong lịch sử Việt Nam nói chung. Để mỗi lần bài cáo vang lên, nhân dân Việt Nam lại nghe trong trái tim mình tiếng nói của Tổ quốc.
Sơ đồ tư duy
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác phẩm "Đại cáo Bình Ngô" và tác giả Nguyễn Trãi.
- Khẳng định "Đại cáo Bình Ngô" là một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc.
2. Thân bài:
- Là văn bản được viết trong hoặc sau cuộc chiến.
- Nội dung: Khẳng định độc lập, chủ quyền, tuyên bố thắng lợi, tuyên bố hòa bình.
* Hoàn cảnh ra đời:
- Bài cáo được viết sau chiến thắng giặc Minh
* Tuyên bố và khẳng định độc lập, chủ quyền:
- Phân tích tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi.
- Phân tích những dẫn chứng tiêu biểu, thuyết phục mà Nguyễn Trãi nêu ra: Nền văn hiến văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ riêng biệt, phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc.
- Phân tích sự so sánh lịch sử lâu đời của các triều đại dân tộc với các triều đại Trung Quốc.
- Phân tích nghệ thuật lập luận qua thủ pháp liệt kê và một loạt lý lẽ khẳng định chủ quyền, độc lập dân tộc của Đại Việt.
→ Khẳng định nền độc lập không thể chối cãi.
- Bài cáo phơi bày tội ác của giặc Minh cùng những đau thương chúng gieo rắc cho dân tộc.
=> Nguyễn Trãi đưa ra bằng chứng khẳng định tính chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa, từ đó tăng sự đồng cảm và thuyết phục cho bài cáo.
- Phân tích ý nghĩa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Từ khởi đầu khó khăn đến sức mạnh đoàn kiến giành chiến thắng.
- Khẳng định sự thất bại của giặc Minh là kết quả cho những kẻ bạo ngược.
- Phân tích phần cuối bài cáo và làm rõ tuyên bố của tác giả lời tuyên bố hòa bình.
- Đạo lí uống nước nhớ nguồn lồng ghép và những giá trị nhân văn sâu sắc.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại "Đại cáo bình Ngô là một bản tuyên ngôn độc lập".
- Khẳng định vị thế của tác phẩm và liên hệ.
Bài văn mẫu khác
Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập - mẫu 2
Nếu thế kỉ XI lũ giặc Tống hồn xiêu phách lạc khi nghe âm hưởng của bài thơ thần Nam quốc sơn hà vang lên bên bến sông Như Nguyệt; hay đến thế kỉ XX thực dân Pháp cũng chẳng còn cái cớ nào cho là "khai hóa, mẫu quốc" An Nam sau khi nghe những lời dõng dạc của Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập, thì ở thế kỉ XV, sao chúng ta quên được áng "thiên cổ hùng văn" Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Ra đời sau chiến thắng giặc Minh của quân khởi nghĩa Lam Sơn, bài cáo đã vút cao tinh thần độc lập dân tộc, tinh thần yêu nước mãi còn ghi nhắc đến muôn đời. Cho mãi đến ngày nay, Bình Ngô đại cáo vẫn là một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc mình.
Một tác phẩm được coi là bản tuyên ngôn độc lập thì trước hết tác phẩm ấy phải viết trong hoặc sau một cuộc chiến. Nội dung của bản tuyên ngôn bao giờ cũng có ba nội dung: khẳng định độc lập, chủ quyền dân tộc; tuyên bố thắng lợi; tuyên bố hòa bình. Đối chiếu với những tiêu chuẩn ấy, Bình Ngô đại cáo đáp ứng đầy đủ. Sau chiến thắng giặc Minh, vào mùa xuân năm 1428, thừa lệnh Lê Lợi, Nguyễn Trãi viết bài cáo để thông báo nền độc lập dân tộc, chiến thắng của khởi nghĩa Lam Sơn và tuyên bố nền hòa bình sau hai mươi năm ròng rã ách đô hộ và chiến tranh. Vì thế khúc tráng ca bất diệt ấy lại trở thành một khúc khải hoàn về một kỉ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên hoàn toàn độc lập, tự do.
Bằng lối văn biền ngẫu nhịp nhàng, giọng điệu đầy hào hùng, khí thế, Bình Ngô đại cáo đã mở màn với những lời khẳng định "Đại Việt là đất nước của chúng ta":
Như nước Đại Việt ta từ trước
…
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Với thủ pháp liệt kê qua hàng loạt các yếu tố như: nền văn hiến, núi sông bờ cõi, phong tục, lịch sử và hào kiệt đã xác lập một cách trọn vẹn về nền độc lập của nước nhà. Còn nhớ trong Nam quốc sơn hà, Lý Thường Kiệt mới chỉ khẳng định bằng một phương diện đó là lãnh thổ, nhưng lại ở sách trời. Đến Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đã nâng tầm chân lý độc lập lên nhiều phương diện rất cụ thể chứ không mơ hồ. Tuy nhiên sức thuyết phục trong cách khẳng định độc lập chủ quyền này ở chỗ, nhà văn chính luận kiệt xuất ấy đem đặt trong thế so sánh giữa hai quốc gia Đại Việt với Đại Hán. Không xét đến các yếu tố lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, mà xét theo việc có hay không, thì cả năm yếu tố nhà văn chỉ ra hai đất nước, hai dân tộc đều tương xứng. Cách khẳng định chân lý độc lập vì thế mà có giá trị cao hơn, vừa chắc chắn vừa nâng tầm vị thế của dân tộc ta ngang hàng với dân tộc, quốc gia Đại Hán. Hơn nữa, các từ ngữ từ trước, đã lâu, đã chia, cũng khác,bao đời,… liên tiếp nhau càng nhấn mạnh tới việc khẳng định nền độc lập, chủ quyền ấy đã có từ rất lâu, cũng lâu như thể sự tồn tại của đế cường phương bắc vậy. Bởi thế, bản đại cáo mở màn với lời khẳng định đầy đanh thép, chắc chắn "không thể chối cãi" mà lịch sử đã từng xem xét, còn ghi.
Bình Ngô đại cáo đã ghi nhận một chân lý độc lập đầy tinh thần nhân nghĩa. Độc lập ấy có được không phải do thiên định mà do nhân định. Chính nhân dân bao đời là người đã gây dựng nền độc lập. Bao xương máu đã đổ xuống, bao sự đồng cam cộng khổ, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của nhân dân cả nghìn năm. Vì thế đó là điều "bất khả xâm phạm". Suốt cả sáu trăm năm khi đất nước độc lập tự chủ, lần đầu tiên chân lý chủ quyền dân tộc được vang lên một cách dõng dạc, khí thế, tự hào đến vậy. Đó chính là nền móng vững trãi, là cơ sở pháp lý, lí luận xác đáng để Nguyễn Trãi tiếp tục lên án những kẻ bạo ngược đã cố ý xâm phạm chủ quyền nước ta.
Bản "tuyên ngôn" Bình Ngô đã đanh thép kết án tội ác của giặc Minh đã gieo rắc tai vạ cho dân ta trải suốt hai mươi năm trời. Từ âm mưu thâm độc đến những hành động man rợ, bạo tàn, trắng trợn mà Nguyễn Trãi đã viết trong căm hờn, uất nghẹn:
"Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bản thần nhân chịu được."
Vậy mà nén đau thương thành hành động, cả dân tộc cùng đứng lên:
Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới;
Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.
Cả bản đại cáo là bài tráng ca, anh hùng ca về những chiến công hiển hách, vinh quang mà dân tộc đã chung sức, chung lòng làm nên được. Đúng là chỉ có chân lý độc lập tự do mới đem đến khí thế, khát vọng cháy bỏng như thế. Nguyễn Trãi hẳn đã chờ, chờ suốt bao nhiêu năm để tự mình viết lên những khoảnh khắc lịch sử chẳng bao giờ quên ấy. Để hơn một lần ông khẳng định chắc chắn cuộc chiến này, sự đồng khởi này là xuất phát từ chính nghĩa. Dùng sức mạnh bạo lực của chính nghĩa để đập tan bạo lực phi nghĩa. Chiến thắng giặc Minh năm xưa một lần nữa ghi thêm vào lịch sử điếu phạt đối với những kẻ bạo ngược, vi phạm chủ quyền, tham công nên thất bại, thích lớn phải tiêu vong.
Cũng bởi vậy sau bao gian khổ mà vinh quang, dân tộc đã đã đón được "trái ngọt":
"Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch lầu"
Giọng thơ có phần thư thái nhưng vẫn vút cao, vang dội. Vững bền, đổi mới, vững chắc… là những lời tuyên bố đầy hào sảng trong hân hoan, sung sướng. Quy luật của cuộc đời là vậy bĩ rồi lại thái, hối rồi lại minh, nhưng chắc chắn trải qua được quy luật ấy là sự nỗ lực của cả dân tộc bao đời để giữ vững nền độc lập. Các hình ảnh xã tắc, giang sơn, kiền khôn, nhật nguyệt cứ tăng dần về độ lớn có sức mạnh vũ trụ, dường như mới đủ đo được cảnh thái bình. Chân lý độc lập cứ thế mà vang xa, vang rộng mãi. Nhưng Nguyễn Trãi vẫn không quên ơn nhờ có sự giúp sức, phù trợ của trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới có kết quả thắng lợi to lớn như vậy. Lời tuyên bố còn chứa đựng cả đạo lý uống nước nhớ nguồn. Bởi vậy mới nói, tác giả của bài cáo không chỉ tài năng trác việt mà đức độ cũng vô biên. Giá trị độc lập, chủ quyền của bản đại cáo được thiết lập bởi những tư tưởng nhân văn, truyền thống đạo lý gốc rễ như vậy.
Trước tác của Bình Ngô đại cáo vốn là một văn kiện lịch sử và rồi tác phẩm còn được coi đó là một áng "thiên cổ hùng văn", áng văn chính luận bất hủ. Nhưng dù ở giá trị nào cũng không thể phủ nhận những đóng góp lớn lao của nó vào hệ tư tưởng độc lập dân tộc mang tầm vóc quốc tế. Tầm vóc lớn lao ấy của nó một lần nữa khẳng định đây là một bản tuyên ngôn độc lập đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, thể hiện lòng yêu nước sâu sắc muôn dân và khát vọng hòa bình của toàn nhân loại.
Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập - mẫu 3
Nhắc tới Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, người ta nhớ ngay đến một văn kiện lịch sử, một khúc tráng ca khải hoàn của một đất nước đã trải qua những hai mươi năm khổ cực bởi ách đô hộ và chiến tranh chống giặc Minh. Tác phẩm là sự kết tinh của lòng yêu nước, ý chí đánh giặc quật cường của một dân tộc phải sống trong những ngày tháng đau thương, khổ nhục mà rất đỗi vinh quang. Thế nhưng bài cáo ấy đã được nhà văn kiệt xuất Nguyễn Trãi viết bằng nghệ thuật chính luận đỉnh cao, bậc thầy mà ít tác phẩm cùng thể loại ở thời trung đại có được. Để rồi Bình Ngô đại cáo xứng đáng được gọi là áng "thiên cổ hùng văn".
Áng "thiên cổ hùng văn" tức là áng văn hùng tráng được lưu truyền đến cả nghìn đời. Để có được danh xưng ấy, chắc chắn đòi hỏi ở đó phải là một tác phẩm văn chương xuất sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Đồng thời cũng kể phải đến những giá trị lịch sử, tư tưởng vĩ đại, có dấu ấn và ý nghĩa đến muôn đời. Nhưng có lẽ, một tác phẩm hay có thể lưu truyền đến được nghìn đời như vậy phải chạm đến được trái tim, cảm xúc của các thế hệ bao đời; phải có ý nghĩa tư tưởng lớn lao phù hợp với mọi thời đại… Bình Ngô đại cáo là một áng văn bất hủ như thế.
Đã trải qua bao nhiêu năm, nhưng chắc hẳn dân tộc ta vẫn luôn tự hào khi có một bản hùng văn tráng lệ như Bình Ngô đại cáo. Tác phẩm đã khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, khát vọng hòa bình, ý chí bất khuất trên con đường đấu tranh bảo vệ đất nước. Biết bao nhiêu cảm xúc mà Nguyễn Trãi đã để tràn lên ngòi bút. Có sự kiên quyết, vững chãi trong lời mở màn đầu tiên:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Nhân nghĩa vốn là một tư tưởng đạo Nho, thể hiện cách hành xử tốt đẹp giữa người với người, chẳng hề xa lạ. Nhưng bốn chữ yên dân, trừ bạo Nguyễn Trãi đã nâng nó lên một tầm cao mới, trở thành một lý tưởng xã hội, một đạo lý dân tộc đến muôn đời. Đâu có phải ở ngay thời điểm ấy, giết giặc Minh để trừ bạo ngược mà bất cứ kẻ ngang tàng nào gây họa đều phải diệt trừ để nhân dân được sống yên ổn,, ấm no. Ấy là nhân nghĩa bắt nguồn từ "dân vi bản". Cho nên, ngay ở khúc mở màn này mới thấy có cả niềm kiêu dũng, hiên ngang khi khẳng định chủ quyền, độc lập dân tộc:
Như nước Đại Việt ta từ trước
…
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Khí chất tự chủ được toát lên từ sự so sánh đầy mới mẻ mà tiền lệ chưa từng có. Nó có giá trị hiển nhiên ở bất cứ thời điểm nào, cho bất cứ dân tộc nào. Nhưng vào lúc ấy, cách khẳng định chủ quyền với cường quốc bắc phương như thế là một đòn giáng chí mạng vào những kẻ đang thừa cơ gây họa đối với dân tộc ta.
Và còn có cả nỗi căm hờn, uất nghẹn với tội ác tày trời của bè lũ cướp nước và bán nước. Làm sao chúng ta có thể quên những cảnh tượng đầy ám ảnh:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Suốt hai mươi năm bại nhân nghĩa, nát cả đất trời, từ con người thậm chí đến loài côn trùng cây cỏ cũng đều bị tàn sát thương tâm. Tội ác ấy nước Đông Hải không rửa sạch mùi, trúc Nam Sơn không ghi hết tội, muôn đời chứng cớ còn ghi. Mỗi cảnh người, cảnh nhà, cảnh đất nước đều tan hoang dưới lưỡi lê của loài khát máu… Làm sao chúng ta quên? Nguyễn Trãi như chạm vào nỗi đau nhức nhối đến tận tim gan, xương tủy, mà hiển nhiên nhận ra biết bao kẻ thù, đâu chỉ giặc Minh trong suốt chiều dài lịch sử giữ nước cũng đều mang chân tướng của những kẻ bạo tàn. Vì thế mà một nỗi đau như làm trỗi dậy nhiều nỗi đau để rồi không được quên sứ mệnh phải bảo vệ đất nước, đánh đuổi bè lũ kia.
Hơn thế, có cả sự trăn trở, lo âu cho vận mệnh đất nước với tấm lòng ái quốc, thương dân chứa chan. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Trãi dùng đến hơn hai mươi câu văn để nói về chủ tướng Lê Lợi. Một hình mẫu của bậc anh hùng bước ra từ đời sống của nhân dân. Từ xuất thân đến cách xưng hô đều rất gần gũi, Lê Lợi đau nỗi đau dân tộc như dân mình, căm thù và nung nấu quyết tâm trả thù giặc như dân mình, khát vọng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đánh giặc như dân mình. Từ thấu hiểu, thương yêu đến hành động, vị lãnh tụ ấy đã biến yếu thành mạnh, lấy ít địch nhiều, sáng tạo ra những cách đánh xuất kỳ, mai phục dần dần tiến đến những thắng lợi vẻ vang. Nhưng đọc Bình Ngô đại cáo chắc chắn ai cũng biết, quân ta thắng đâu chỉ bởi có những thuận lợi trên, mà còn bởi nhân dân bốn cõi một nhà, tướng sĩ một lòng phụ tử và luôn nêu cao tinh thần:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo
Đại nghĩa, chí nhân – chẳng phải là kim chỉ nam, là ánh sáng soi rọi cho dân tộc ta lập những chiến công oai hùng sau đấy. Và muôn đời sau tư tưởng này vẫn mãi mãi trở thành ngọn đuốc cho tinh thần đấu tranh chính nghĩa của Đại Việt trước mọi kẻ thù.
Hay cả khí thế sục sôi, quyết liệt của những ngày tháng kháng chiến oai hùng. Có lẽ chất hùng văn của bài đại cáo được thể hiện rõ nhất ở đoạn tái hiện lại trang sử hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Liên tiếp những trận đánh, liên tiếp những đợt phản công của ta cũng là liên tiếp những lần thất bại của kẻ thù. Xuất phát từ xứ Nghệ, xứ Thanh rồi đến Đông Đô, Thăng Long, khung cảnh chiến trường đầy khốc liệt sấm vang chớp giật, trúc trẻ tro bay, máu chảy thành sông, thây chất đầy nội, sắc phong vân phải đổi, ánh nhật nguyệt phải mờ. Ta cứ thế mà thừa thắng xông lên bẻ gãy từng họng kìm, chặn đứng mọi ngả đường chi viện. Địch hiện lên hoàn toàn đối lập với lúc xưa. Trước đó thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán vậy mà giờ nghe hơi mà mất vía, nín thở cầu thoát thân, bêu đầu, bỏ mạng, bó tay để đợi bại vong, trí cùng lực kiệt, thất thế, cụt đầu, bại trận tử vong, cùng kế tự vẫn, lê gối dâng tờ tạ tội, trói tay để tự xin hàng… Nguyễn Trãi đã tái hiện lại dường như không bỏ sót, chân tướng kẻ thù hiện lên thật nhục nhã, thảm hại. Tuy nhiên điều tâm phục, khẩu phục trong chiến thắng của ta chính là ở con đường hiếu sinh mở ra cho giặc. Một lần nữa tư tưởng nhân nghĩa sáng ngời lại phát huy. Biết dừng đúng lúc, không dồn kẻ thù đến bước đường cùng, đó là đại nghĩa, chí nhân. Chiến thắng ấy mới trở thành bất tử, huyền thoại trong lịch sử nước nhà. Âm vang của một thuở oai hùng cũng vì thế mà vang vọng đến ngàn năm.
Cuối cùng cảm xúc vút lên thành lời ca đầy trang trọng, hào sảng, hạnh phúc, vui sướng vì đất nước hoàn toàn độc lập, tự do. Giấc mơ về hòa bình nay đã trở thành hiện thực. Hẳn là người viết phải xúc động biết chừng nào!
Xã tắc từ nay vững bền,
Giang sơn từ đây đổi mới.
Kiền khôn bĩ rồi lại thái,
Nhật nguyệt hối rồi lại minh,
Muôn thuở nền thái bình vững chắc,
Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu.
Quy luật của tồn vong, suy thịnh là như thế, nhưng vẫn phải xuất phát từ sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân tướng sĩ, từ tài năng trác việt của những bậc anh hùng, từ nền tảng trọng nhân nghĩa, chuộng hòa bình. Điểm tựa ấy có từ hàng trăm năm trước và vẫn trở nên vững chắc cho hàng trăm năm về sau mà bài cáo như một lời nhắc nhở.
Đúng là Bình Ngô đại cáo, khúc khải hoàn ca, anh hùng ca sáng chói cả một thời đã hội tụ biết bao nhiêu cảm xúc vậy như thể tiếng chuông ngân vang, đồng vọng từ quá khứ dội về, hướng chúng ta ở thời đại nào cũng thấy tự hào, kiêu hãnh. Nguyễn Trãi đã biến một văn kiện lịch sử mang tính khô khan, cứng nhắc, đầy chất sắc lệnh, trở thành một áng hùng văn say mê, trong sáng và có giá trị đến ngàn đời.
Nhưng ý nghĩa "thiên cổ hùng văn" của tác phẩm còn thể hiện ở nghệ thuật viết văn chính luận tài tình, kiệt xuất của Nguyễn Trãi. Điều đáng nhớ của Đại cáo bình Ngô là đã đưa nghệ thuật viết văn chính luận trung đại đạt đến một trình độ mẫu mực, bậc thầy. Bản đại cáo hướng tới đối tượng là nhân dân bá tánh Đại Việt để tuyên bố về nền độc lập sau chiến thắng giặc Minh. Tuy nhiên, chiến tranh không còn nhưng tính luận chiến của nó vẫn sáng tỏ. Nhà văn vẫn hướng một mực tới kẻ thù, tới thế lực cực cường mà bao đời nay luôn nhòm ngó. Nền độc lập là quyền bất khả xâm phạm, không chỉ quân Lam Sơn đã bảo vệ thành công mà từ đời trước đến cả đời sau vẫn vậy. Nên bài cáo như một lần nữa chiến đấu trực diện với kẻ thù trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta có đầy đủ các yếu tố tương xứng để xác lập chủ quyền, đã kiên cường đứng lên chiến đấu để bảo vệ. Chiến thắng của ta là có thật, thất bại của kẻ thù không còn gì bàn cãi. Bản đại cáo vang lên như một lời phán xử cuối cùng tại tòa án nhân nghĩa. Lời phán xử ấy đanh thép, hùng hồn khắc sâu vào tâm khảm người dân đất Việt mãi ngàn năm.
Bên cạnh đó, bản đại cáo có một kết cấu vô cùng chặt chẽ. Xuất phát từ cơ sở lý luận nêu chân lý chính nghĩa muôn đời đến vạch trần tội ác trời không dung đất không tha của kẻ thù để nói lên thực tiễn cần phải đấu tranh để bảo vệ chân lý ấy. Nguyễn Trãi đã đặt nền móng vững chắc rồi dần dần xây những bức tường thành vững trãi về quá trình bảo vệ độc lập của nhân dân ta. Lối văn biền ngẫu được Nguyễn Trãi sử dụng rất tài tình. Sự đối xứng trong từng câu văn kết hợp với bút pháp tương phản, ước lệ đậm chất sử thi đã dựng nên một bức tranh tráng lệ, oai hùng một thuở. Lập luận trong bài cáo đầy sắc bén khi lấy tư tưởng nhân nghĩa làm gốc. Mọi nội dung triển khai đều dựa trên tư tưởng này. Vì vậy mới vạch trần được bộ mặt xảo trá, thâm độc của kẻ thù, mới thấy cuộc kháng chiến đầy gian khổ mà hào hùng của dân tộc là chính nghĩa. Cứ từ nhân nghĩa thì việc đất nước được hòa bình là điều tất yếu mà thôi. Ngôn ngữ của bài cáo cũng là một trong những yếu tố làm nên giá trị, vì giàu chất tạo hình, tạo nên đa dạng sắc thái giọng điệu mang tới nhiều cảm xúc. Tuy nhiên một trong những yếu tố nữa để bản đại cáo mãi trường tồn là phần văn bản dịch rất thành công, đã chuyển tải một cách nguyên vẹn cảm xúc từ văn bản gốc để các thế hệ sau cảm nhận được dễ dàng.
Xin được mượn lời của nhà thơ Xuân Diệu để thay cho lời kết: "Trước Lê Lợi, đã từng có chiến thắng oanh liệt đuổi sạch quân Nguyên xâm lược ở thời nhà Trần, sau thời Lê Lợi, sẽ có chiến thắng thần tốc của vua Quang Trung đánh đuổi 20 vạn quân Thanh xâm lược, nhưng trong văn học sử chỉ có một áng văn Bình Ngô đại cáo, bởi các lẽ: không có ba Nguyễn Trãi để viết ba áng văn khải hoàn mà lịch sử đòi hỏi ở ba thời điểm, mà chỉ có một Nguyễn Trãi cụ thể, hiệu Ức Trai, ở đầu triều Lê cùng với tài thao lược kinh bang tế thế, đã có cái thiên tài viết văn".
Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập - mẫu 4
Nếu như bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt vang vọng trên tuyến sông Như Nguyệt được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam thì bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi chính là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai. Sở dĩ gọi bài cáo “Bình ngô đại cáo” là bản tuyên ngôn độc lập bởi vì Nguyễn Trãi đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ và nền độc lập của nước nhà.
“Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi vang lên như một khúc tráng ca bất diệt, ca ngợi chiến thắng hiển hách, khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc ta. Với giọng thơ hào hùng, dứt khoát, giống như lời khẳng định chắc nịch “Nước Nam là của nhân dân Việt Nam”.
Ngay từ đầu bài cáo, Nguyễn Trãi đã dõng dạc vang lên:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Tại sao Nguyễn Trãi lại dùng từ “như nước Đại Việt ta từ trước” là bởi vì trước đây Lý Thường Kiệt đã khẳng định:
Sông núi nước Nam vua nam ở
Rành rành định phận tại sách trời.
Tuy nhiên việc khẳng định về chủ quyền lãnh thổ của Nguyễn Trãi hoàn toàn khác so với Lý Thường Kiệt. Nếu Lý Thường Kiệt xem việc khẳng định chủ quyền là do trời định, còn Nguyễn Trãi lại dựa vào nhân định. Đây là hai tư tưởng khác nhau giữa hai thời đại khác nhau. Nguyễn Trãi còn nhấn mạnh thêm, để có được độc lập, nhân dân ta đã phải đánh đổi rất nhiều máu và nước mắt. Đó chính là sự cống hiến của bao nhiêu thế hệ mới có được, không phải do trời ban, cũng không phải tự nhiên mà có:
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Như vậy chủ quyền của Việt Nam, độc lập của Việt Nam có được vững bền là nhờ sự cống hiến của nhân dân, của sự đồng cam cộng khổ suốt mấy nghìn năm từ khi dựng nước đến giờ. Trung Quốc tuy lớn mạnh với những thời đại đã làm nên lịch sử vang dội, gây nhiều sóng gió nhưng Việt Nam vẫn luôn giữ vững ý chí, vẫn luôn cống hiến không ngừng nghỉ. Tuy là nước bé nhưng ý chí và nghị lực không hề bé. Đây chính là một tinh thần cần phải học tập và phát huy ngay cả trong thời bình. Độc lập chủ quyền mà dân tộc ta giành được nhờ vào sự đoàn kết toàn dân, vào phong tục, tập quán…Đây chính là lời khẳng định hùng hồn của Nguyễn Trãi.
Bình ngô đại cáo, vì tất thảy những lẽ đó mà Nguyễn Trãi đã hô lên vang dội:
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Mặc dù lời thơ chùng xuống nhưng vẫn có sức nặng, sức vang đội đối với người đọc. Dân tộc ta đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, đã phải gồng mình chịu đựng sự xâm lược của bọn đế quốc, thực dân phong kiến. Kết quả của sự cố gắng đó chính là sự “vững bền” “đổi mới” giang sơn. Nguyễn Trãi đã mượn hình ảnh to lớn, bao la của vũ trụ “càn khôn” và “nhật nguyệt” để nói lên sự trường tồn, thái bình, thịnh vượng của một quốc gia.
Nguyễn Trãi không tự cao vì những chiến công đó, ông còn khẳng định rằng sở dĩ đất nước được thịnh vượng, độc lập là do nhân dân ta luôn biết ơn tổ tiên đi trước:
Âu cũng nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng
Ngầm giúp đỡ mới được như vậy
Chúng ta nhận thấy một sự khiêm tốn rất tinh tế. Độc lập, chủ quyền của đất nước ta có được là nhờ cha ông, tổ tiên ở trên trời linh thiêng giúp đỡ, tạo ban phước lành. Đây chính là đạo lý uống nước nhớ nguồn, một truyền thống rất sâu sắc của đất nước ta từ bao nhiêu đời nay.
Với những lý trên “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi thực sự là bản tuyên ngôn độc lập khẳng định chủ quyền dân tộc và sự thái bình thịnh vượng đáng được hưởng của một quốc gia.
Đại cáo Bình ngô không chỉ là một áng văn nghị luận đanh thép, tố cáo tội ác kẻ thù, tổng kết cuộc kháng chiến chống quân Minh của dân tộc ta mà đây còn là một bản tuyên ngôn độc lập. Bình ngô đại cáo được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc, sau Nam quốc sơn hà và trước Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, tác phẩm là áng văn yêu nước sâu sắc, nồng nàn.
Sau hai câu thơ mở đầu khẳng định nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã đưa ra những lập luận hết sức đanh thép để khẳng định chủ quyền dân tộc, đây là đoạn thơ thể hiện rõ nhất tính chất của bản tuyên ngôn độc lập trong tác phẩm:
"Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có".
“Từ trước” – chỉ với từ này thôi nhưng Nguyễn Trãi đã khẳng định toàn bộ sự độc lập vốn có của dân tộc ta là tồn tại bền vững lâu đời, hàng nghìn năm nay và không điều gì có thể chối bỏ được. Câu thơ thứ hai ông khẳng định nền văn hiến lâu đời của dân tộc. Văn tức là sách vở, hiến tức là người hiền tài. Câu thơ nguyên văn chữ Hán “Thực vi văn hiến chi bang” (Thực sự là một nước văn hiến). Chữ thực tức là sự thật, cái hiển nhiên, không cần phải xưng (tự nhận) đã khẳng định nền văn hiến, vốn tri thức sách vở cũng như người hiền tài của dân tộc ta. Bằng biện pháp liệt kê, Nguyễn Trãi đã cho thấy sự tồn tại song song các triều đại của hai đất nước. Trong hai câu thơ này ta cần đặc biệt chú ý đến chữ “đế”. Đế được hiểu là người có địa vị tối cao, đế chỉ có một, còn vương, vua thì có nhiều. Vì vậy, khi Nguyễn Trãi sử dụng từ đế thay cho từ vương đã cho thấy ý thức bình đẳng, ngang hàng của dân tộc ta với phương Bắc. Nguyễn Trãi đã hoàn thiện quan niệm về quốc gia, dân tộc. Đây là bước tiến dài so với bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất. Lí Thường Kiệt mới chỉ ra hai yếu tố để khẳng định độc lập là chủ quyền riêng và cương vực lãnh thổ riêng: Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Dựa trên căn cứ là sách trời, có phần nào đó mơ hồ. Còn Nguyễn Trãi đưa thêm ba yếu tố, chủ quyền và cương vực chỉ mang tính nhất thời, bất kì ai có sức mạnh cũng có thể có một mảnh đất, xưng vua nhưng phong tục tập quán, văn hiến, truyền thống lịch sử thì không thể đơn giản mà có. Chúng ta hoàn toàn có căn cứ để khẳng định là một nước độc lập.
Ngoài ra, bản tuyên ngôn cũng được thể hiện qua đoạn thơ cuối tác phẩm, là lời bố cáo với toàn thiên hạ về chiến thắng của dân tộc ta, khai mở một kỉ nguyên mới, một triều đại mới: Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới/ Kiền khôn bĩ rồi lại thái/ Nhật nguyệt hối rồi lại minh/ Muôn thuở thái bình vững chắc/ Nghìn thu vết nhục sạch làu. Tác phẩm kết thúc bằng những đúc kết từ tự nhiên, qua đó Nguyễn Trãi cũng khẳng định, thể hiện niềm tin tưởng vào vận mệnh mới của đất nước.
Để bản tuyên ngôn thêm phần đanh thép ta còn phải kể đến sự đóng góp trên phương diện nghệ thuật. Nguyễn Trãi vận dụng câu văn biền ngẫu tài tình, mang tính sóng đôi, kết hợp biện pháp so sánh cho thấy sự ngang hàng của ta với Trung Quốc về mọi mặt nhằm khẳng định vị thế dân tộc. Sử dụng các từ đắt, mang tính khẳng định: vốn xưng, đã lâu, đã chia, cũng khác,… nhằm khẳng định độc lập của Đại Việt, đó là những cơ sở đã có từ lâu đời, không thể chối cãi. Ngoài ra, ông còn sử dụng biện pháp liệt kê: các yếu tố hình thành quốc gia, dân tộc (truyền thống văn hiến, lãnh thổ, phong tục tập quán, bề dày lịch sử,…) nhằm tạo cơ sở vững chắc cho nền độc lập của dân tộc.
Bằng giọng văn hùng hồn, dõng dạc, đanh thép, lập luận chặt chẽ Nguyễn Trãi đã khẳng định chủ quyền dân tộc một cách toàn diện, đầy đủ nhất. Đây là một bước tiến dài so với bản tuyên ngôn trước đó. Đồng thời đoạn thơ cũng là cơ sở để tác giả chuẩn bị triển khai các phần tiếp theo.
Đất nước Việt Nam chúng ta sau bao thăng trầm lịch sử tất không thể thiếu cho mình những bản tuyên ngôn độc lập. “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi được xem như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai, sau “Nam quốc sơn hà” – Lý Thường Kiệt, và trước “Tuyên ngôn độc lập” – Hồ Chí Minh.
Nguyễn Trãi là một người văn võ toàn tài, từng làm quan dưới triều nhà Hồ. Sau đó, ông tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vua Lê Lợi. Ông được xem là một nhà văn hóa lớn, với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của văn học cũng như tư tưởng Việt Nam. Ông còn được công nhận là danh nhân văn hóa của Việt Nam và thế giới. Vào năm 1428, sau cuộc chiến chống quân Minh thắng lợi, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết “Đại cáo bình Ngô”.
Đầu tiên, tại sao lại nói “Đại cáo Bình Ngô” là một bản tuyên ngôn độc lập? Thế, tuyên ngôn độc lập là gì? Tiêu chuẩn để được xem là một bản tuyên ngôn độc lập thì đầu tiên tác phẩm đó phải được viết trong hoặc sau một cuộc chiến. Ta có thể thấy “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt – bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên – được viết trong cuộc chiến chống Tống. Còn “Tuyên ngôn độc lập” thì được chủ tịch Hồ Chí Minh viết sau chiến thắng giặc Pháp năm 1945. Tương tự, “Đại cáo bình Ngô” là được viết sau chiến thắng quân Minh. Nội dung của một bản tuyên ngôn độc lập phải bao gồm ba phần: khẳng định dân tộc, tuyên bố thắng lợi, tuyên bố hòa bình. Không nhất thiết phải đọc kĩ, ai cũng có thể thấy rằng bài cáo đã chứa đủ cả ba điều kiện trên. Dáng dấp tuyên ngôn độc lập được thể hiện rõ nét nhất là qua đoạn đầu của “Đại cáo bình Ngô”
Ngay từ những câu đầu tiên, “Đại cáo bình Ngô” đã khẳng định tính hiển nhiên của nền văn hiến nước nhà. Các cụm từ “từ trước”, “vốn ” nhấn mạnh tính lâu đời của dân tộc. Tiếp nối là “đã chia”, “phong tục… cũng khác” như vạch rõ ranh giới khác biệt của bờ cõi hai nước, không thể nhầm lẫn. Tất cả như khẳng định lại tính hiển nhiên, vốn có, sự lâu đời của nền độc lập nước ta. Sau đó, Nguyễn Trãi đã điểm danh các triều đại của nước ta “Triệu, Đinh, Lí, Trần” song song với các triều ở phương bắc “Hán, Đường, Tống, Nguyên”. Cách dùng từ “xưng đế một phương” như chỉ sự ngang hàng, không thua kém dù chúng ta chỉ là một nước nhỏ. Từ xưa, khi Trung Quốc xưng hoàng đế, các nước xung quanh chỉ có thể xưng vương. Tuy nhiên, từ đời nhà Ngô, Ngô Quyền cũng đã xưng hoàng đế, nhấn mạnh sự ngang hàng của hai nước. Biện pháp liệt kê cũng như câu đối của tác giả càng khiến chúng ta cảm nhận được rõ hơn tầm vóc của cả hai nước. Trong bài cáo, Nguyễn Trãi cũng đã thể hiện sự tự tôn, tự hào dân tộc: “hào kiệt đời nào cũng có”. Nghệ thuật liệt kê lại được vận dụng để nhấn mạnh sự thất bại của kẻ thù, : “Lưu Cung… thất bại”, “Triệu Tiết … tiêu vong”, “bắt sống Toa Đô”, “giết tươi Ô Mã”, nhấn mạnh chủ quyền dân tộc. Ở cuối đoạn, “chứng cớ còn ghi” như lần nữa nhấn mạnh lại nền độc lập dân tộc, như chỉ rằng chứng cớ ghi rõ, chối cũng không được.
Ta có thể nói “Đại cáo bình Ngô” là một bản nâng cấp của “Nam quốc sơn hà” làm hoàn thiện hơn bản tuyên ngôn độc lập ngắn gọn đầu tiên của nước ta. Trong khi Lý Thường Kiệt chỉ dùng bốn câu ngắn ngủi để nhấn mạnh độc lập dân tộc, Nguyễn Trãi đã có một bài cáo dài để lấp đi tất cả các khuyết điểm của Lý Thường Kiệt. Thay vì chỉ nói đơn giản “nam đế cư”, Nguyễn Trãi đã liệt kệ rõ các triều đại Việt Nam trước đó, làm rõ thêm cho chữ “đế” của Lý Thường Kiệt. “Định phận tại thiên thư”, sách trời thì quá xa vời với con người, dù biết trời cao đại diện cho sự đúng đắn và chính trực, tuy nhiên không ai có thể thấy, nhưng bài cáo lại lần nữa làm rõ khi nói “chứng cớ còn ghi”, tức ai nếu tìm hiểu đều sẽ thấy, không phải thứ bí ẩn bị che giấu gì. Tất cả như tăng thêm tính thuyết phục cho người đọc khi đề cập tới tính sở hữu lãnh thổ Việt Nam. Không như Lý Thường Kiệt chỉ buông một lời hăm dọa “lai xâm phạm… thủ bại hư”.
“Đại cáo bình Ngô” đã hóa thực lời hăm dọa đó khi kể tên các chiến công lẫy lừng của nhân dân ta trong lịch sử chống và giết giặc. Nhấn mạnh tính chủ quyền cũng như cho mọi người cùng rõ đó không phải là một lời nói suông. Từ đó, “Đại cáo bình Ngô” trở thành bản tuyên ngôn độc lập thứ hai, làm hoàn thiện hơn phiên bản đầu tiên.