Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Phân tích các tác phẩm Ngữ Văn 12 chi tiết, hay nhất, tài liệu bao gồm 70 trang, giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Mời các quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo và tải về chi tiết tài liệu dưới đây:
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
Đề số 1:
“Hỡi đồng bào cả nước,
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:
“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
(Trích Tuyên ngôn Độc lập – Hồ Chí Minh, SGK Ngữ văn 12, tập 1)
Phân tích đoạn văn trên, từ đó nhận xét về tính luận chiến trong “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh.
a/ Mở bài:Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích
- Chủ Tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc.
- Tuyên ngôn độc lập (1945) là một trong những tác phẩm chính luận xuất sắc nhất của Người và cũng là của văn học dân tộc.
- Đoạn văn nằm ở phần đầu của tác phẩm, có vai trò khẳng định cơ sở pháp lý của lời tuyên ngôn độc lập, thể hiện vẻ đẹp văn chính luận của Hồ Chí Minh.
b/ Thân bài: Phân tích đoạn văn
* Khái quát hoàn cảnh sáng tác, giá trị lịch sử, giá trị văn học của bản “Tuyên ngôn Độc lập”.
+ Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, nhân dân cả nước nổi dậy giành chính quyền. Ngày 26/8/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Người soạn thảo bản “Tuyên ngôn Độc lập”.
+ “Tuyên ngôn độc lập” không chỉ là một văn kiện lịch sử vô giá mà còn là một áng văn chính luận đặc sắc, tiếp nối một cách tự nhiên những “áng hùng văn” trong quá khứ và có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất chính luận và văn chương.
+ Trong đó đoạn văn mở đầu có giá trị nổi bật về tư tưởng và nghệ thuật lập luận, tiêu biểu cho phong cách chính luận của Người.
* Phân tíchnội dung ý nghĩa và nghệ thuật lập luận của đoạn văn mở đầu.
- Nội dung:
+ Xác lập cơ sở pháp lí cho bản tuyên ngôn.
+ Khẳng định vấn đề nhân quyền, dân quyền của mỗi quốc gia, dân tộc.
+ Tạo tiền đề pháp lí cho sự ra đời của “Tuyên ngôn độc lập”
- Nghệ thuật: Lập luận chặt chẽ, khéo léo, mềm dẻo, quyết liệt.
+ Trích dẫn hai bản tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử văn minh nhân loại là “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của nước Mĩ và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” 1791 của cách mạng Pháp.
+ Dùng phép suy luận tương đương “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
+ Lập luận quy nạp, đặt câu chốt ở cuối đoạn: Đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được.
*Nhận xét về tính luận chiến: Đoạn văn thể hiện rõ tính luận chiến trong văn chính luận của Hồ Chí Minh: Đấu lí, tranh luận ngầm với các lực lượng thù địch, đặc biệt là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ.
c/ Kết luận: Đánh giá khái quát về nội dung và nghệ thuật của đoạn văn bản
- Sử dụng thành công thao tác phân tích, chứng minh, bình luận, phương pháp quy nạp.
- Lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép.
- Tạo cơ sở pháp lí vững chắc cho sự ra đời của bản tuyên ngôn.
3/ Bài văn tham khảo
Chủ Tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Cùng với sự nghiệp cách mạng, Người còn để lại cho chúng ta một di sản văn học lớn với nhiều thể loại khác nhau (thơ ca, truyện kí và văn chính luận). Tuyên ngôn độc lập (1945) là một trong những tác phẩm chính luận xuất sắc nhất của Người và cũng là của văn học dân tộc. Tác phẩm không chỉ là lời tuyên bố đanh thép và hùng hồn về quyền độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn là một áng văn chính luận mẫu mực với lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục, giàu tính luận chiến. Vẻ đẹp này của bản tuyên ngôn được thể hiện ngay trong phần mở đầu của tác phẩm. “Hỡi đồng bào cả nước! …. Đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được”.
Ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử, xã hội đặc biệt, khi cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám vừa mới thành công nhưng tình hình nước nhà đang trong thế “ngàn cân treo sợ tóc” bởi phải đối mặt với cả thù trong, giặc ngoài. Ngay lúc bấy giờ, tại phía Bắc, 22 vạn quân Tưởng đang chuẩn bị tiến vào Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật, núp sau đó là đế quốc Mĩ và ở phía Nam 18 vạn quân anh cũng chuẩn bị tiến vào nước ta với danh nghĩa đồng minh, núp sau anh là thực dân Pháp. Vì vậy, tuyên bố về quyền độc lập tự do của dân tộc là việc làm bách thiết. Song “Tuyên ngôn độc lập” được Bác viết và được đọc trước quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình vào sáng ngày mồng hai tháng chín năm 1945 không chỉ có vậy. Với quan niệm văn học là vũ khí chiến đấu lợi hại, phụng sự đắc lực cho sự nghiệp cách mạng, Bản Tuyênngôn độc lập của Bác không chỉ hướng đến một mục đích duy nhất là khẳng định, tuyên bố về quyền độc lập, tự do xứng đáng của dân tộc Việt Nam, thể hiện khát vọng hòa bình, lập trường chính nghĩa của nhân dân ta mà còn để đấu lí, tranh luận ngầm với các lực lượng thù địch, đặc biệt là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, những kẻ đang lăm le tái chiếm và xâm lược nước ta. Và để làm được điều đó, ngay trong phần đầu của bản tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã xây dựng cho mình một hàng rào pháp lí vững chắc, có ý nghĩa nền móng cho lời tuyên bố độc lập của dân tộc.
Trước hết, để xác lập cơ sở pháp lí cho bản tuyên ngôn, khẳng định vấn đề nhân quyền, dân quyền của mỗi quốc gia, dân tộc, Bác đã trích dẫn hai câu nói nổi tiếng trong bản “Tuyên ngôn độc lập” của Mĩ (1776): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". và “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp (1791): “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Từ những lời bất hủ ấy, Người suy rộng ra “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Xây dựng nguyên lí chung về quyền độc lập, tự do cho các dân tộc, làm cơ sở pháp lí cho bản tuyên ngôn độc lập bằng cách trích dẫn hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của nước Mĩ và Pháp, cũng có nghĩa là Bác đã dựa trên những nguyên lí, những định lí có tính chất phổ quát của văn minh nhân loại. Đồng thời Bác đã biết dùng chính những lí lẽ của tổ tiên của người Pháp và Mĩ để đánh lại chúng. Cách lập luận đó của Người vừa thể hiện tính khoa học vừa thể hiện sự khéo léo, kiên quyết, vừa cũng rất sáng tạo.
Khéo léo ở chỗ cách viết ấy đã giúp Người bày tỏ được thái độ trân trọng đối với những danh ngôn bất hủ của người Pháp và người Mĩ, trân trọng những cống hiến lớn lao về văn hóa tư tưởng của họ và bằng cách đó Người đã tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ, một cách để thêm bạn, bớt thù. Kiên quyết là bởi vì trong việc trích dẫn tuyên ngôn để bày tỏ thái độ ở trên, Người đã ngầm cảnh báo người Pháp và người Mĩ. Nếu họ tiến hành xâm lược Việt Nam thì chính họ đã biến thành những kẻ phản bội tổ tiên mình, đã làm vấy bẩn lên lá cờ tự do, bình đẳng và bác ái, từng là niềm tự hào của cha ông họ. Có thể nói ở đây Người đã sử dụng rất thành công thủ pháp “dùng gậy ông đập lưng ông” vì trong tranh luận, không gì thú vị bằng việc dùng chính lí lẽ của đối thủ để đánh lại đối thủ.
Mặt khác, với cách viết như thế, Bác đã khéo léo đặt được ba cuộc cách mạng, ba bản tuyên ngôn ngang hàng nhau nhằm thể hiện và gợi dậy trong lòng người viết và nhân dân niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Đó cũng là cách để Bác tự tôn vinh dân tộc, đất nước mình. Cách viết này của Bác gợi ta nhớ đến bài thơ “Thần” của Lí Thường Kiệt trong công cuộc đánh Tống ở thế kỉ X và “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi trong công cuộc bình Ngô ở thế kỉ thứ XV. Nếu xưa Lí Thường Kiệt đặt ngang hàng Nam Đế với Bắc Đế (Nam quốc sơn hà Nam Đế cư), Nguyễn Trãi đặt ngang hàng các triều đại Trung Quốc với các triều đại VN (Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập; Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương) thì nay Hồ Chí Minh đặt ba bản tuyên ngôn, ba cuộc cách mạng ngang hàng nhau.
Niềm tự hào, tự tôn dân tộc từ lâu đã thấm vào nếp nghĩ suy, trở thành tình cảm chủ đạo của cha ông ta nhưng đó không phải là tâm lí háo danh, thích phô trương mà là phẩm chất văn hóa được hình thành từ lịch sử bất khuất của dân tộc. Bác đặt cân xứng bản “Tuyên ngôn độc lập của ta với tuyên ngôn của Pháp và Mĩ cũng không có gì là quá vì cách mạng tháng Tám năm 1945 hầu như đã giải quyết đúng nhiệm vụ của hai cuộc cách mạng trên. Bản tuyên ngôn của Bác về sau đã nêu rõ: “Dân tộc ta đã đánh đổ những xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước VN độc lập”. Đây cũng chính là thắng lợi của cuộc cách mạng Mĩ, đấu tranh giành lại quyền độc lập từ ách thống trị của thực dân Anh. Bản tuyên ngôn của Bác sau này cũng viết: “Dân tộc ta lại đánh đổ chế độ quân chủ chuyên chế” và đây cũng chính là tinh thần cơ bản của cuộc cách mạng nhân quyền và dân quyền của Pháp.
Không chỉ khéo léo, kiên quyết, cách viết và lập luận của Hồ Chí Minh ở đây còn rất sáng tạo. Sau khi trích dẫn những câu nói nổi tiếng trong các bản tuyên ngôn của Pháp và Mĩ, Người còn suy rộng ra “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.Với ý suy rộng này, Người đã nâng vấn đề nhân quyền, dân quyền lên một tầm cao mới: Từ quyền bình đẳng, tự do, hạnh phúc của cá nhân thành quyền bình đẳng, tự do, hạnh phúc của các dân tộc. Đây là một ý kiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới và với việc phát triển tư tưởng tự do, nhân quyền của nhân loại. Đúng như một nhà sử học nước ngoài đã viết: “Cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi con người thành quyền lợi dân tộc. Như vậy, mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”. Ý kiến của Bác được xem như là một “phát súng lệnh” khởi đầu cho thời kì bão táp cách mạng ở các nước thuộc địa, sẽ làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới ở nửa sau thế kỉ XX. Cái làm nên sự vĩ đại của HCM chính là ở chỗ Người không chỉ đòi quyền lợi cho dân tộc mình mà còn đòi cho tất cả các dân tộc trên toàn thế giới.
Hơn thế nữa, trước khi khép lại phần 1 của bản tuyên ngôn, Người còn khẳng định lại “Đó là lẽ phải không ai chối cãi được”. “Lẽ phải” được khẳng định ở đây chính là quyền bình đẳng, quyền sống tự do, sung sướng, hạnh phúc của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc. Chân lí ấy không ai chối cãi được vì nó đã rành rành được ghi lại trong các bản tuyên ngôn của người Mĩ và người Pháp. Nó đã được vang lên sau những cuộc cách mạng vĩ đại của lịch sử nhân loại, gắn liền với niềm tự hào của loài người tiến bộ. Chân lí ấy cũng được khẳng định từ phép suy luận chặt chẽ và lô gic của Hồ Chí Minh. Nói “lẽ phải” tức là nói đến chân lí khách quan, đúng đắn, thuyết phục, được mọi người mặc nhiên thừa nhận. Đó là lẽ phải đã được khẳng định. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đây lại không nói “Đó là lẽ phải đã được khẳng định” mà lại viết “Đó là lẽ phải không ai chối cãi được”. Và hơn nữa, câu văn này còn được tách đoạn, đứng riêng như một câu chốt, mang chủ đề, là tiêu đề cho toàn đoạn. Cách nói này không chỉ giúp Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định được chân lí khách quan về quyền độc lập của dân tộc Việt Nam cũng như quyền được độc lập của các dân tộc trên toàn thế giới mà còn có ý nhắc nhở, cảnh báo những kẻ đang cố tình âm mưu, toan tính, cố tình chà đạp lên lẽ phải, mà kẻ đó không ai khác là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ.
Thật đúng khi Nguyễn Trãi nói rằng: “Văn chương có sức mạnh đuổi nghìn quân giặc”. Tác phẩm văn học không chỉ là mảnh hồn mang tâm huyết của nhà văn mà còn là một khí giới thanh cao và bén nhạy để chống lại cái xấu, cái ác, chống lại kẻ thù. Đọc “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh ta thấy rõ tính luận chiến sắc bén qua từng câu chữ. Mỗi câu, mỗi đoạn trong tác phẩm đều hàm chứa trong đó một cuộc đấu lí, tranh luận ngầm với các lực lượng thù địch, đều là vũ khí chiến đấu lợi hại chống lại kẻ thù. Nhận thức được mưu đồ tái chiếm của thực dân Pháp, mưu đồ nhóm ngó, can thiệp sâu của Mĩ vào Đông Dương trong đó có Việt Nam trong bản “Tuyên ngôn độc lập” của mình,người đã khéo léo trích dẫn hai bản tuyên ngôn độc lập của người Pháp và người Mĩ làm cơ sở pháp lí. Dự cảm được Pháp, Mĩ đang cố tình toan tính, âm mưu phủ nhận quyền được hưởng tự do, độc lập chính đáng và xứng đáng của dân tộc ta, cố tình trà đạp lên “lẽ phải”, trà đạp chân lí Bác đã nhẹ nhàng đặt câu chốt quyết định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được” để phủ đầu chúng. Và trong phần tiếp theo của văn bản, để đập tam những luận điệu xảo trá của thực dân Pháp trên trường chính trị quốc tế về Đông Dương, trong đó có Việt Nam rằng: “Pháp có công khai hóa, bảo hộ Đông Dương nên khi Nhật đầu hàng đồng minh, Đông Dương đương nhiên thuộc về người Pháp”, Bác đã lập một bản cáo trạng cụ thể, đanh thép và hùng hồn về đủ các tội các của thực dân Pháp từ chính trị, kinh tế đến chính sách và quyền bảo hộ của chúng đối với nhân dân ta. Từ đó xác lập được cơ sở thực tiễn vững chắc cho lời tuyên bố độc lập ở phần cuối của văn bản...
Có thể nói, bằng việc vận dụng kết hợp các thao tác phân tích, chứng minh, bình luận cùng phương pháp lập luận quy nạp và tài năng sử dụng ngôn ngữ của mình, Hồ Chí Minh đã đưa ra được một hệ thống lí lẽ vừa thấu tình vừa đạt lí về quyền tự do, độc lập của các cá nhân và dân tộc trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Đó chính là những lí lẽ có tính chất nguyên lí, tạo tiền đề vững chắc cho sự ra đời cùa bản tuyên ngôn độc lập. Hệ thống lí lẽ này cũng góp phần thể hiện tài năng bậc thầy và vẻ đẹp văn chính luận của Người với lập luận chặt chẽ lí lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục, giọng văn hùng hồn, biến hóa linh hoạt, giàu tính luận chiến. Với những đóng góp lớn lao này, Hồ Chí Minh, “Tuyên ngôn độc lập” mãi sẽ còn ngự trị trong trái tim của mỗi chúng ta
TÂY TIẾN
I/ Đề số 1
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
……………………………………
MAI Châu mùa em thơm nếp xôi.
(Trích “Tây Tiến” – Quang Dũng)
Phân tích đoạn thơ trên, từ đó nhận xét về hồn thơ Quang Dũng.
a. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến
- Dẫn dắt vào đoạn 1 của bài thơ: Đoạn đầu của bài Tây Tiến thể hiện một thời kháng chiến gian khổ, hào hùng của đoàn quân.
b. Thân bài
b.1/ Hai câu đầu: khái quát nỗi nhớ về Tây Tiến, gợi cảm xúc chủ dạo của cả bài thơ: Nỗi nhớ về Tây Tiến là nỗi nhớ trào dâng không kìm nén nổi, bật lên thành tiếng gọi: “Sông …chơi vơi”
b.2/ Mười hai câu tiếp theo: Khung cảnh miền Tây và cuộc hành trình của đoàn quân Tây Tiến
* Cảnh thiên nhiên miền Tây:
- Hùng vĩ, hoang sơ, dữ dội, heo hút:
Nghệ thuật:
+ Đối lập, phóng đại
+ Dùng từ táo bạo, khỏe khoắn, sử dụng nhiều từ láy, từ ghép giàu sức tạo hình
+ Cách phối thanh mới lạ
+ Cách ngắt nhịp truyền thống nhưng vẫn phát huy tối đa hiệu quả diễn đạt của nó.
→ Tất cả đã góp phần tạo nên những hình ảnh thơ đầy ấn tượng và giọng điệu thơ độc đáo, khắc họa rõ nét cảnh núi rững hoan vu, dữ dội, hiểm trở với đủ sương rừng, mưa núi, dốc cao, vực sâu, rừng thẳm, thác gầm, cọp rống…
- Thơ mộng, trữ tình:
+ Câu thơ: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” và “Nhà ai Pha Luông mưa sa khơi”, hay “Cơm lên khói” và “Mùa em thơm nếp xôi”.
+ Ngày cũng như đêm, miền Tây chìm trong màu trắng bạc của sương núi, mưa rừng, luôn bồng bềnh trong sương khói. Vẻ đẹp riêng, thanh khiết, êm ả, thanh bình, đầm ấm với “cơm lên khói”, “thơm nếp xôi”
Nghệ thuật: - Cách phối thanh: sử dụng nhiều thanh bằng gợi ra âm hưởng và trạng thái nhẹ nhàng, bồng bềnh
- Sử dụng những âm vang mở: “ơi, ôi, oi” gợi ra sự bồng bềnh lan tỏa, làm nhẹ đi những gập ghềnh, khúc khủy của dốc đèo. Đi trên dốc cao, bước xuông đường thẳm bồng bềnh, nhẹ nhàng như đang đi du ngoạn
Tóm lại: Thiên nhiên miền Tây hiện lên qua nỗi nhớ của Quang Dũng không chỉ là thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội hoang vu mà còn rất thơ mộng, trữ tình. Đó thật sự là một thiên nhiên đẹp, đáng nhớ, đáng ghi.
* Hình ảnh người lính Tây Tiến
- Hành quân, chiến đấu mệt mỏi, đầy vất vả, hi sinh, nhiều người không chịu được gian khó đã ngã xuống nhưng họ vẫn tìm cho mình một tư thế chết đẹp: tư thế của người chiến sĩ “Gục trên súng mũ bỏ quên đời”
“Anh bạn dãi dầu, không bước nữa; Gục lên súng mũ bỏ quên đời”.
- Hồn nhiên, tinh nghịch, lãng mạn, bay bổng:
+ Cách cảm nhận đặc biệt về độ cao: “Súng gửi trời”, một cách cảm nhận rất lính, tếu táo, vui đùa
+ Cảm nhận về vẻ đẹp thanh bình yên ả của miên Tây: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
→ Bằng bút pháp lãng mạn, sử dụng cực tả và đối lập, Quang Dũng đã vẽ lên bức tranh miền Tây hùng vĩ, dữ dội, hoang sơ mà mĩ lệ theo những chặng đường hành quân của người chiến sĩ Tây Tiến với những mảng vẽ đậm mạnh tay và những nét mảnh mai, hư thực.
b.3/ Hai câu cuối: Kỉ niệm ấm áp tình quân dân
- Kỉ niệm ấm áp bên bữa cơm đầu mùa lúa mới.
- Âm điệu, nhịp điệu, cách gieo vần trong câu thơ.
b.4/ Nhận xét về hồn thơ Quang Dũng
- Hồn thơ lãng mạn, phóng khoáng và tài hoa.
- Đậm chất họa, chất nhạc.
c/ Kết luận: Đánh giá khái quát về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.
Bài viết tham khảo
Là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt nam hiện đại, Quang Dũng thực sự đã khắc chạm được những nét rất riêng cho hồn thơ của mình. Nét riêng ấy được thể hiện rất rõ qua bài thơ « Tây Tiến », một trong những bài thơ hay nhất, đẹp nhất của đời thơ Quang Dũng và cũng là của thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp. Cùng khai thác đề tài cuộc sống chiến đấu của người lính trên mảnh đất Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc nhưng Quang Dũng đã mang đến cho người đọc những cảm nhận riêng thật mới mẻ và ấn tượng về thiên nhiên, con người miền Tây và người lính Tây Tiến. Và vẻ đẹp ấy được thể hiện rất rõ qua đoạn thơ đầu của bài thơ :
« Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
…
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi »
Hai câu thơ đầu đoạn, có ý nghĩa đặt nền móng cảm xúc cho đoạn thơ và cũng là cả bài thơ :
« Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi »
Câu thơ thứ nhất vang lên như một tiếng gọi của kỉ niệm, của lòng người. Câu thơ có 7 tiếng mà có đến hai danh từ riêng, chiếm 4 tiếng làm nặng trĩu lời thơ, gợi dậy trong lòng người bao kỉ niệm về miền Tây. Dòng sông Mã, hiện thân của thiên nhiên miền Tây, chứng nhân gắn bó bao kỉ niệm của đoàn quân Tây Tiến cùng với đoàn quân đã xa rồi nhưng tất cả vẫn còn trong mênh mang nỗi nhớ. Nỗi nhớ trào dâng không kìm nén nổi, bật lên thành tiếng gọi tha thiết “Tây Tiến ơi”. Để sang câu thơ thứ hai, nỗi nhớ được định hình cụ thể hơn, sắc nét hơn: “Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi”. Điệp từ “nhớ” được lặp đi, lặp lại hai lần, đi liền với nó là những danh, tính từ biểu thị đối tượng và cung bậc của nỗi nhớ “nhớ về rừng núi”, “nhớ chơi vơi” đã nhấn mạnh và cụ thể hóa nỗi nhớ. Từng có mặt trong đoàn quân Tây Tiến ngay từ những ngày đầu tiên, từng sống và chiến đấu trên mảnh đất miền Tây cùng anh em đồng đội, giờ về xuôi, trong nỗi nhớ về miền Tây và binh đoàn Tây Tiến, nét đầu tiên mà Quang Dũng nhớ đến đó là nhớ rừng, nhớ núi, nhớ những cung đường hành quân lên xuống của người lính Tây Tiến. Đó là một nỗi nhớ mênh mang, da diết, bao trùm cả không gian, thời gian, cảnh vật “Nhớ chơi vơi”.
Điệp từ “nhớ” kết hợp với âm “ơi” trong những tiếng “ơi”, “chơi vơi” là những âm vang mở đã tạo nên âm hưởng tha thiết, ngân mãi trong lòng người đọc, vọng mãi vào thời gian, năm tháng, gọi dậy các cung bậc trong lòng người. Kỉ niệm này đánh thức kỉ niệm kia, tiếp nối đầy ắp như những ngọn sóng. Nhớ sông Mã, nhớ Tây Tiến, nhớ núi, nhớ rừng… một nỗi nhớ mênh mang, lan tỏa, bao trùm cả không gian, thời gian, lơ lửng, bồng bềnh, da diết theo các cung đường hành quân lên xuống thất thường của người lính.
Theo nỗi nhớ ấy, mười dòng thơ tiếp theo đã gọi về cuộc hành trình đầy gian khổ, nhọc nhằn và thử thách của những chiến sĩ Tây Tiến trên nền thiên nhiên miền Tây. Núi rừng miền Tây ở đây thật dữ dội, hoang sơ, heo hút, song cũng rất thơ mộng, trữ tình.
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
………………………………………….
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Sương lấp đường đi, lấp dáng người trong mù mịt “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”. Dốc rồi lại dốc, khúc khuỷu, gập ghềnh đường lên, thăm thẳm, hun hút dường xuống. “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm ; Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Có lúc dốc dựng đứng giữa trời và đến khi chinh phục được tưởng chừng con người đang bồng bềnh đứng giữa “cồn mây”. Độ cao của trời và đỉnh dốc núi, nơi người lính phải vượt qua chỉ còn là trong tầm súng “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Chỉ thế thôi cũng đã đủ gợi dậy ở ngươi đọc cảm giác về một miền đát lạ kì vĩ, hoang sơ và dữ dội rồi. Nhưng ngòi bút của Quang Dũng không dừng lại ở đó. Cùng với những hình ảnh ở trên, Quang Dũng còn đẩy cái dữ dội của thiên nhiên lên đến cực độ bằng những âm thanh gầm thét của núi rừng. Đó là tiếng gầm của rừng núi, thác nước, của chúa sơn lâm, ngày đêm cùng lúc thị oai sức mạnh tuyệt đối dữ dội của núi rừng.
Sự trùng điệp của núi đèo miền Tây ở đây làm ta nhớ đến câu thơ trong “Chinh phụ ngâm” : “Hình khe thế núi gần xa; Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao”. Còn sự hiểm trở, heo hút của nó lại gợi ta nhớ dến câu thơ trong bài “Thục đạo nan” (Đường vào xứ Thục) của Lí Bạch: “Thục đạo chi nan, nan ư hướng thanh thiên” (Đường xứ Thục khó đi, khó hơn cả lên trời xanh). Còn cái hoang sơ của nó lại gợi ta nhớ đến “Đèo Cả” của Hữu Loan “Đèo cả- Đèo Cả- núi cao ngút; Dặm về heo hút, bia đá mù sương”. Và sau này nó còn hiện về trong trường ca “Từ đêm mười chín” của tác giả Khương Hữu Dụng viết trong kháng chiến chống Mĩ “Đây cao vòi vọi dốc ông Mạnh; Đây ầm ầm đổ thác không tên; có suối chân hùm vừa để dấu; có luồng cây vút tuyệt đường chim”…”.
Thiên nhiên miền Tây thật dữ dội với đủ núi cao, thung sâu, thác gầm, cọp rú…Nhưng ngay trong chính sự dữ dội ấy, miền Tây lại có những nét đẹp rất riêng của nó. Sương núi, mưa rừng vốn là hiểm họa đối với con người đặc biệt là người lính Tây Tiến nhưng nó cũng tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn của miền đất này. Làm sao không xao động, không thấy nhẹ lòng trước những câu thơ gợi dậy cảnh vật như thế này: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi; Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Ngày cũng như đêm, miền Tây được bao bọc, chìm trong màu trắng bạc của sương núi, mưa rừng, luôn bồng bềnh trong sướng khói. Và ở đây, một lần nữa trong những câu thơ này, Quang Dũng lại sử dụng rất thành công những âm “ơi” trong những cụm từ “đêm hơi” và “mưa xa khơi”. Những ấm vang mở này, ở đây lại phát huy tác dụng của nó, gợi dậy được sự bồng bềnh, lan tỏa của những làn sương, những làn mưa, làm nhẹ đi những khúc khuỷu, gập ghềnh của dốc đèo. Đi trên dốc cao, bước xuống đường thẳm mà bồng bềnh, nhẹ nhàng như đang du ngoạn. Đó thực sự là một biệt tài của Quang Dũng, bởi ông vốn là một nghệ sĩ đa thài, thơ ông không chỉ đậm chất thơ mà còn thấm đẫm chất nhạc và họa
Tính chất “thi trung hữu họa” ở đây được hình thành từ việc phát huy cao độ tính gợi hình cúa những từ láy “khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút” và những từ ngữ giàu giá trị tạo hình “Cồn mây, súng ngửi trời” cùng với nhịp thơ 4/3 tưởng rất truyền thống của thơ bảy chữ. Các từ láy, từ ghép tạo hình ở dây được đặt liên tiếp nhau có giá trị đặc tả sự gian nan, trùng điệp. Dốc khúc khuỷu vì đường đi là núi đèo hiểm trở, gập ghềnh, vừa lên cao đã vội đổ dốc, cứ thế gấp khúc nối tiếp nhau như những sóng hình sin. Còn “thăm thẳm” không chỉ đo độ cao mà còn gợi về độ sâu, cảm giác như hút tầm mắt người, không biết đâu là giới hạn cuối cùng. Để rồi vượt qua các khúc khuỷu, thăm thẳm ấy, đoàn quân tưởng chừng đã ở giữa những đỉnh mây heo hút. Nhịp thơ 4/3 bẻ gãy câu thơ, tạo hình đắc địa cho độ cao dựng đứng giữa hai triền dốc, trở thành giao điểm phân định rạch ròi hai hướng lên xuống của vô vàn những con dốc, tạo thành cung đường hành quân của người lính Tây Tiến khiến người đọc tưởng như đang được tận mắt quan sát, cảm nhận sự hùng vĩ, hoang vu, dữ dội cúa thiên nhiên. Và ngay cạnh những nét vẽ gân guốc ấy, Quang Dũng lại khéo điểm tô những đường mềm mại “Hoa về trong đêm hơi”, “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” như quy luật phối màu trong hội họa: Giữa những gam màu nóng là gam màu lạnh, làm dịu lại, như xoa mát lời thơ, tạo ra sự hài hòa cho cảnh vật.
Tính nhạc của đoạn thơ được tạo ra bởi những âm hưởng đặc biệt qua cách phối thanh. Thanh trắc đậm đặc ở những câu “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm, Heo hú cồn mây súng ngửi trời, Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” khiến âm hưởng câu thơ đọc lên trúc trắc như tô đậm thêm sự khó khăn, hiểm trở của con đường hành quân. Xen vào giữa những câu thơ ấy là những câu mang toàn thanh bằng “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, tạo ra nhịp điệu nhẹ nhàng, êm ái, như trút hết được những mệt mỏi, căng thẳng, Như cạnh những âm cao là những âm thấp, giữa những tiết tấu nhanh, mạnh là tiết tấu chậm rãi và những khoảng ngừng lặng. Để rồi từ những phút ngừng lặng ấy mà nổi lên cao trào mới.
Có thể nói, bằng ngòi bút tài hoa của mình, QD đã làm sống dậy cảnh núi rừng miền Tây hoang sơ, hiểm trở và cũng rất mĩ lệ với đủ cả núi cao, vực sâu, dốc thẳm, mưa rừng, sương núi, thác gầm, cọp rú. Đó là một thế giới khác thường, đa dạng và cũng rất độc đáo. Một thế giới đáng ghi, đáng nhơ, không thể nào quên, không thể nào phai.
Miêu tả thành công cảnh núi rừng miền Tây, Quang Dũng đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật “Vẽ mây nảy trăng” bởi sự hùng vĩ, mĩ lệ và hiểm trở ấy cũng đã làm nổi bật lên hình ảnh người lính trên bước đường hành quân và chiến đấu đầy gian khổ, vất vả, hi sinh nhưng vẫn lạc quan yêu đời, hồn nhiên và lãng mạn. Người đọc dường như nghe thấy hơi thở nặng nhọc của người lính Tây Tiến trên mỗi chặng đường hành quân vượt dốc, băng đèo, hình dung được những gương mặt dãi dầu sương gió, thậm chí cả những mất mát hi sinh
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục trên súng mũ, bỏ quên đời”
Những chiến sĩ Tây Tiến trên đường hành quân, không chịu đựng được gian khó, đã gã xuống. Nhưng họ đã tìm được cho mình tư thế chết của người chiến sĩ: Bình tâm, kiên định, luôn sẵn sàng chiến đấu. Cảm hứng hiện thực và lãng mạn được phát huy cao độ trong hai câu thơ. Mất mát, hi sinh của người lính Tây Tiến là không thể phủ nhận. Những người lính Tây Tiến chết vì bom đạn, chết trước họng súng kẻ thù thì ít. Chết vì dãi dầu mưa nắng, mệt mỏi, bệnh tật thì nhiều. Đó là sự thật. Quang Dũng không hề né tránh nhưng bằng cách diễn tả đầy lãng mạn, qua ngôn ngữ bay bổng, ngạo nghễ, cái chết ấy “nhẹ tựa lông hồng”. Tư thế ấy gợi ta nhớ đến dáng đứng của anh giải phong quân trong thời kì kháng chiến chống Mĩ :
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Và người đọc cũng nhận ra được những nét tinh nghịch, bay bổng rất riêng của người lính. Trên đường hành quân: dốc tiếp dốc, đèo tiếp đèo, chênh vênh, heo hút nhưng vượt qua tất cả họ lại có những cảm nhận rất đặc biệt về độ cao “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Một cách nói tếu táo, vui đùa, rất riêng của lính. Cách cảm nhận chỉ có thể có được ở những con người hồn nhiên yêu đời, dí dỏm của người lính. Đặc biệt, trong cái dữ dội tuyệt đỉnh của thiên nhiên “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời”, người lính Tây Tiến vẫn thả hồn trong những cảm giác bay bổng, lãng mạn để ghi nhận nét đẹp tuyệt vời, hiếm có của thiên nhiên, cảnh vật nơi đây: “Nhà ai Pha Luông, mưa xa khơi”
Vẫn tiếp tục trong nỗi nhớ nhưng hai câu cuối của bài thơ lại mang một âm điệu hoàn toàn khác.
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Sự kết hợp của rất nhiều những âm mở và nửa mở (ơ, ôi, oi) ở đây đã tạo ra âm điệu êm dịu, nhẹ nhàng, tha thiết, ấm áp lan tỏa, thấm vào lòng người, quện chặt như mùi thơm của cơm nếp xôi. Gọi về những kỉ niệm đầy ấm cúng, vui vẻ của người lính trong bữa cơm đầu mùa cùng nhân dân miền Tây. Hai chữ “Mùa em” là một sáng tạo ngôn từ đột xuất, thật bạo lạ, thật đa tình và cũng thật Quang Dũng. “Mùa em”, giống như “Mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước, mùa em đi phát dãy làm nương”. Mùa em trong câu thơ này còn là mùa lúa chín, xôi thơm, mùa căng tràn nhựa sống của con người và cảnh vật trong tình quân dân ấm cúng, xum vầy.
Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Sức sống của tác phẩm văn học nằm ở nét riêng của mỗi nhà thơ, nhà văn trong quá trình nhận thức và phản ánh đời sống. Đọc đoạn thơ nói riêng và bài thơ « Tây Tiến » nói chung ta bắt gặp điệu hồn và diện mạo thơ Quang Dũng. Đó là tiếng nói trữ tình của một hồn thơ đa tài, phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Bao trùm đoạn thơ là nỗi nhớ vẹn nguyên trong tâm trí về đồng chí, đồng đội, về mảnh đất con người Tây Tiến, nơi nhà thơ từng sống, chiến đấu, găn bó và chia xa. Từng kỉ niệm hiện về trong nỗi nhớ thật tự nhiên, chân chất mà vẫn rất diệu vợi, gợi dậy ở người đọc nhiều xúc cảm đẹp đẽ về một vùng đất thân quen đến độ mà cũng xa ngái, háo hức. Xúc cảm đẹp đẽ này không chỉ được tạo nên bởi nguồn cảm xúc mãnh liệt của một người chiến sĩ, người lính của binh đoàn Tây Tiến sau một thời gian gắn bó phải rời xa đơn vị mà còn được tạo nên bởi sự tài hoa trong việc sử dụng từ ngữ, đặc biệt là các từ chỉ địa danh, từ láy, từ ghép và sự phối thanh, phối vần trong đoạn thơ.
Thật đúng như nhà thơ Giang Nam đã viết :
“Tây Tiến biên cương mờ khói lửa
Quân đi lớp lớp động cây rừng
Và bài thơ ấy con người ấy
Vẫn sống muôn đời với núi sông”
Nhà thơ Quang Dũng đã đi xa nhưng Tây Tiến, miền đất lạ miền Tây của Tổ quốc và người lính Tây Tiến, những chàng trai chiến sĩ Hà Thành hào hùng, hào hoa vẫn sống mãi trong trái tim chúng ta, những độc giả yêu thơ. Đọc đoạn thơ nói riêng, bài thơ nói chung, người đọc không chỉ bị hấp dẫn bởi thiên nhiên của một miền đất lạ vừa xa ngái lại vừa thân thuộc với đủ những nét dữ dội, khăc nghiệt nhưng cũng thật thơ mộng trữ tình vẻ đẹp hào hoa, hào hùng, lãng mạn và bi tráng của người lính Tây Tiến mà còn bị hấp dẫn bởi sự tài hoa của hồn thơ lãng mạn, phóng khoáng Quang Dũng.
. Đề bài 2: Phân tích vẻ đẹp của thiên nhiên miền tây và người chiến sĩ tây tiến qua đoạn thơ sau:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thầy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
(Trích “Tây Tiến” – Quang Dũng)
Gợi ý:
* Giới thiệu vài nét về tác giả Quang Dũng, bài thơ Tây Tiến, đoạn thơ.
*Khái quát mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ, vẻ đẹp thiên nhiên, con người miền tây và người chiến sĩ Tây Tiến ở đoạn thơ trước.
*Phân tích vẻ đẹp của thiên nhiên, con người miền tây và người chiến sĩ Tây Tiến qua đoạn thơ được yêu cầu.
- Vẻ đẹp thiên nhiên:
- Vể đẹp con người miền tây: Vẻ đẹp của con người miền tây được Quang Dũng gợi ra qua vẻ đẹp của những người thiếu nữ Tây Bắc.
chuyển động thì “đong đưa” vừa gợi được dáng dấp, vừa chớp được cái tình tứ, đảo chao, lúng liếng, nghiêng ngả của các cô gái lái đò vượt thác. Đó thật sự là hình ảnh đẹp, dễ để thương, để nhớ trong lòng người, làm ngẩn ngơ những chàng trai Tây Tiến.
- Vẻ đẹp của người chiến sĩ Tây Tiến: Vẻ đẹp của người chiến sĩ Tây Tiến chủ yếu được thể hiện qua cách cảm nhận về thiên nhiên, con người miền tây và cảm xúc của người chiến sĩ trước vẻ đẹp ấy.
*Đánh giá chung: .
Bài làm tham khảo
Là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt nam hiện đại, Quang Dũng thực sự đã khắc chạm được những nét rất riêng cho hồn thơ của mình. Nét riêng ấy được thể hiện rất rõ qua bài thơ « Tây Tiến », một trong những bài thơ hay nhất, đẹp nhất của đời thơ Quang Dũng và cũng là của thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp. Khai thác đề tài cuộc sống chiến đấu của người lính trên mảnh đất Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc, Quang Dũng đã mang đến cho người đọc những cảm nhận riêng thật mới mẻ và ấn tượng về thiên nhiên, con người miền Tây và người lính Tây Tiến. Và vẻ đẹp ấy được thể hiện rất rõ qua đoạn thơ :
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thầy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Ra đời vào cuối năm 1948, khi tác giả Quang Dũng, một chiến sĩ, đại đội trưởng của binh đoàn Tây Tiến đã chuyển sang đơn vị khác nên cảm hứng bao trùm toàn bộ bài thơ chính là nỗi nhớ da diết về những người đồng chí, đồng đội, về thiên nhiên, con người miền tây, nơi nhà thơ và đồng đội của mình đã sống, chiến đấu và gắn bó trong suốt một thời gian dài.
Nếu đoạn một của bài thơ mở ra nỗi nhớ “chơi vơi” về sự hùng vĩ, dữ dội, khắc nghiệt, bí hiểm, rùng rợn của thiên nhiên và hành trình đầy gian khổ vất vả hi sinh của người lính Tây Tiến trong các chặng đường hành quân thì ở đoạn thơ thứ hai này, Quang Dũng lại mở ra một thế giới khác với những vẻ đẹp mới của thiên nhiên, con người miền tây và người chiến sĩ Tây Tiến. Đó là vẻ đẹp thơ mộng, lộng lẫy, và đầy hào hoa.
Hiện lên trong ý thơ của Quang Dũng là một thiên nhiên đẹp, dễ để thương, để nhớ cho con người, đặc biệt là những người lính Tây Tiến hào hoa, những người đã từng sống, chiến đấu và gắn bó với mảnh đất này trong suốt một thời gian dài.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Bức tranh thiên nhiên miền Tây được Quang Dũng gợi ra trong một buổi chiều giăng mắc đầy sương. Sương trắng lãng đãng, dục mờ rải khắp không gian khiến chiều trên Châu Mộc bỗng trở lên thơ mộng, lãng mạn, mông lung và huyền ảo. Cuốn hút con người vào cái hư ảo, thâm trầm, lãng đãng của nó. Nét bút tả sương đã tạo nền cho bức tranh Tây Bắc, giống như một lớp khảm trai bàng bạc để làm sông dậy bức tranh thơ. Tạo ra sự kết nối tự nhiên đến câu thơ thứ hai: “Có nhớ hồn lau nẻo bến bờ”.
Xưa và nay, tả lau đã có nhiều thi sĩ chắp bút. Trương Hán Siêu trong bài phú nổi tiếng của mình là “Phú sông Bạch Đằng”, đã dùng hỉnh ảnh cây lau để nói lên nỗi ai hoài của mình trước những thăng trầm dâu bể của lịch sử “Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu; Sông chìm giáo gẫy, gò đầy xương khô”. Và sau này Chế Lan Viên cũng đã từng viết: “Ai lên biên giới cho lòng ta theo với; Thăm ngàn lau chỉ trắng có một màu; Bạt ngàn trắng ở tận cùng bờ cõi; Suốt một đời cùng với gió tranh reo”. Nhưng khác với các nhà thơ trên, khi tả lau thiên nhiều về họa cảnh, Quang Dũng thiên về gợi tình. Tác giả không tả lau mà chỉ gợi qua hai chữ “Hồn lau”. Nhưng thật kì lạ, bởi chỉ với hai chữ ấy thôi, nhà thơ đã gợi tả được cái trầm tư thiêm thiếp của cảnh sắc bến bờ sông nước tự ngàn đời nơi đây. Sắc trắng của sương cộng với màu lau xám cùng với cái tít tắp được gợi ra qua hai tiếng Châu Mộc đã gợi ra diện mạo của Tây Bắc xa ngai ngái, huyền ảo, tịch mịch và mênh mang.
Trên nền thiên nhiên ấy, con người Tây Bắc lại hiện ra trong dáng mềm mại, uyển chuyển, mà cũng rất chắc khỏe, mạnh mẽ trên chiếc thuyền độc mộc “Có nhớ dáng người trên độc mộc » và như hòa hợp với con người, những bông hoa cũng đong đưa làm duyên trên dòng nước lũ : “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Thật đúng là một bức tranh sơn thủy hữu tình, tựa như chốn bồng lai, tiên cảnh vậy.
Những câu thơ mang sắc thái lời hỏi với những từ để hỏi “có thấy, có nhớ” vừa có ý nghĩa gợi nhắc, vừa bộc lộ được tấm lòng bâng khuâng, lưu luyến cũng như những rạo rực, náo nức trong lòng người. Dường như cứ nhớ về Tây Tiến là tất cả cảm xúc lại ùa về, vẹn nguyên, tươi mới trong lòng nhà thơ.
Thiên nhiên vốn đã đẹp, say đắm lòng người, con người người miền tây lại càng đẹp hơn, quyến rũ hơn. Vẻ đẹp của con người miền tây được Quang Dũng gợi ra qua vẻ đẹp của những người thiếu nữ trong đêm liên hoan lửa trại và và dáng người trên sông nước Châu Mộc.
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Trong những đêm liên hoan lửa trại, khi ánh sáng của những ngọn đuốc bừng sáng lên cũng là lúc người thiếu nữ Tây Bắc xuất hiện với trang phục dân tộc thật lộng lẫy, kiêu sa khiến các chàng trai chiến sĩ Tây Tiến phải sững sờ, sửng sốt “Kìa em xiêm áo tự bào giờ”. Hai chữ “Kìa em” được Quang Dũng dùng thật đắc địa. Nó đã diễn tả được sự thích thú, ngạc nhiên, ngỡ ngàng đến sững sờ của người lính Tây Tiến, những chàng trai trẻ xuất thân ở chốn thị thành đồng bằng, trước vẻ đẹp xa lạ, bí ẩn, đầy quyến rũ của những cô gái miền sơn cước. Ngày thường, cuộc sống lam lũ, vất vả đã làm khuất lấp vẻ đẹp của những người thiếu nữ Tây Bắc. Nay trong đêm liên hoan văn nghệ này, những thiếu nữ ấy trong y phục dân tộc bỗng trở lên lộng lẫy, rạng rỡ, xinh đẹp khác thường. Sự thay đổi đó thật khiến các chàng trai chiến sĩ phải sững sờ, kinh ngạc.Đó là vẻ đẹp tiềm ẩn, vẻ đẹp nghĩa tình mà đến nay người lính mới phát hiện ra. Đúng như ai đó đã không quá mà nói rằng: “Quang Dũng đã phát hiện biết bao vẻ đẹp của đất nước và con người Tây Bắc mà trước đó chưa nhà thơ nào phát hiện được”.
Trong không gian rực rỡ muôn màu của ánh sáng đuốc hoa, của xiêm áo ấy, tiếng khèn, tiếng nhạc được nổi lên. Và các sơn nữ lại e ấp, dịu dàng trong những vũ điệu khỏe khoắn, man dại, đậm màu sắc xứ lạ “Khèn lên man điệu nàng e ấp”. Thật tự nhiên mà vẫn không đánh mất nét dịu dàng, nữ tính của mình. Nét đẹp này của người thiếu nữ miền Tây còn được Quang Dũng gợi tả qua hai câu thơ:
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Thiên nhiên Tây Bắc hiểm trở, dữ dội, với núi cao, vực sâu, thác dữ, bởi vậy để vượt qua sông người dân và các chiến sĩ phải đi thuyền, thuyền ở đây cũng không thể làm bằng nan, nứa tre được mà làm bằng một thân gỗ, gọi là thuyền độc mộc. Hai chữ độc mộc là hiện thực nhưng đặt vào ý thơ lại có giá trị cộng hưởng gợi ra sự chắc khỏe, làm tôn thêm cái dáng mạnh mẽ, tự tin và kiêu hãnh của con người. Đó là một dáng đẹp. Dáng của những con người không chỉ hòa hợp với thiên nhiên mà còn làm chủ thiên nhiên nữa.
Hình ảnh thơ thật đẹp nhưng đẹp hơn nữa phải kể đến câu thơ sau“Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Hoa ở đây không chỉ là hoa rừng (như đã nói trong phần cảnh thiên nhiên) mà còn là một ẩn dụ, hoa người, hoa con gái, hoa thiếu nữ. Ẩn dụ này kết hợp với động từ “đong đưa” thật sự rất tài hoa. Bởi trong ý thơ, Quang Dũng viết “hoa đong đưa” chứ không phải là “hoa đung đưa”. Nếu “đung đưa” chỉ đơn thuần miêu tả trạng thái chuyển động của hình dáng bên ngoài thì “đong đưa” vừa gợi được dáng dấp nghiêng ngả, vừa chớp được cái tình tứ, đảo chao, lúng liếng ở bên trong qua ánh mắt, cử chỉ của các cô gái lái đò vượt thác. Đó thực sự la một hình ảnh đẹp, dễ để thương, để nhớ trong lòng người, làm ngẩn ngơ những chàng trai Tây Tiến.
Cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, con người miền tây, Quang Dũng, người chiến sĩ Tây Tiến đã thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn mình, những chàng trai chiến sĩ Hà thành lãng mạn và hào hoa. Chiến sĩ Tây Tiến tây chinh, rời Thủ Đô theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, với lí tưởng “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” nên dù hành quân chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ, đói, rét, bệnh tật, thiếu thốn vô cùng nhưng các anh vẫn không đánh mất vẻ đẹp tâm hồn mình, lúc nào cũng hồn nhiên, tếu táo, tinh nghịch và lãng mạn. Mỗi lúc được dừng chân các anh lại thả hồn mình vào thiên nhiên, cảnh vật, cuộc sống nơi đây để cảm nhận và thưởng thức vẻ đẹp của nó. Nếu ở đoạn thơ đầu trong những lúc dừng chân trên đỉnh đèo cao, phóng tầm mắt ra xa xa, Quang Dũng thấy “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơ” - khung cảnh cuộc sống thật đẹp, thật yên ả, thanh bình thì ở đoạn thơ này, trong đêm liên hoan lửa trại rực rỡ và náo nhiệt nhà thơ lại thấy:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
Trước vẻ đẹp lộng lẫy, đạm màu sắc xứ lạ của các cô gái miền Tây trong đêm liên hoan ấm áp tình quân dân, người lính Tây Tiến không giấu được cảm xúc tâm hồn mình phải thốt lên ngỡ ngàng, sửng sốt “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Hai chữ “Kìa em” không chỉ cho ta thấy thái độ sững sờ của các chàng trai Tây Tiến mà còn như thấy được tâm trạng rộn ràng, náo nức, niềm vui, nụ cười, ánh mắt, cử chỉ, hành động của các anh. Thật hồn nhiên, tự nhiên, dí dỏm biết bao. Cảnh vật, con người, tiếng khèn, tiếng nhạc cùng những vũ điệu khỏe khoắn đậm màu sắc xứ lạ đã khiến tâm hồn người lính bốc men say, ngất ngây, rạo rực. Dư âm chiến tranh, cùng những gian khổ nhọc nhằn, những mất mát, hi sinh trên đường hành quân chiến đấu tạm lắng xuống, lùi xa, để chỉ còn những phút giây được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Tất cả đã hòa điệu để xây đắp hồn thơ cho người lính, đưa họ đến những mơ mộng, bay bổng, đưa họ từ những người lính dãi dầu thành những thi sĩ với cảm hứng thơ dạt dào “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”. Phải thật hào hoa, lãng mạn và bay bổng thế nào, người lính Tây Tiến mới có thẻ xây được hồn thơ trên những nét như thế. Không cầu kì, hoa mĩ, không hết sức lên gân, trái lại rất giản dị và nhẹ nhàng, câu thơ đã mở ra cho người đọc thấy một khoảng tâm hồn hào hoa, thi sĩ của người lính Tây Tiến. Ở các anh không chỉ có tiếng thét xung phong, có tinh thần đạp bằng mọi gian khó, sãn sàng hi sinh khi Tổ quốc cần mà còn có trái tim rất đỗi đa tình, đa cảm và cả chút mảnh mai diệu vợi của những thi sĩ.
Vẻ đẹp này của các chàng trai Tây Tién cũng còn được thể hiện qua nỗi nhớ về thiên nhiên, sông nước miền tây. Bởi phải lãng mạn, tài hoa như thế nào, phải yêu và gắn bó với mảnh đất miền tây ra sao Quang Dũng và các chàng trai Tây Tiến mới có được những cảm nhận chân thật và đầy chất thơ như thế. Thật đúng là « Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn ».
Có thể nói, bằng bút pháp chấm phá và đặc biệt là sự tài hoa trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, Quang Dũng thực sự đã mang đến cho người đọc một thế giới khác về thiên nhiên, con người miền tây và người chiến sĩ Tây Tiến. Đó là thế giới của miền đất thơ mộng, kì thú với những con người mảnh dẻ mà mạnh mẽ, rắn rỏi mà dịu dàng, man dại mà e ấp, tình tứ, tự nhiên, chân chất mà lãng mạn và hào hoa. Thiên nhiên ấy, con người ấy và người chiến sĩ Tây Tiến không chỉ để thương, để nhớ cho những người thuộc về một thời Tây Tiến mà còn mãi để thương, để nhớ cho mỗi chúng ta hôm nay, những độc giả yêu thơ. Thật đúng như Giang Nam đã viết : «Và bài thơ ấy, con người ấy/ Mãi mãi còn vang vọng núi sông »