Tài liệu tác giả tác phẩm Cầu hiền chiếu Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Cầu hiền chiếu lớp 11.
Tác giả tác phẩm: Cầu hiền chiếu - Ngữ văn 11
- Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) hiệu là Hi Doãn, người làng Tả Thanh Oai (làng Tó), huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).
- Là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê và Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh.
1. Thể loại
Chiếu cầu hiền thuộc thể loại chiếu.
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
Bài chiếu được viết vào khoảng những năm 1788 - 1789 nhằm thuyết phục các sĩ phu Bắc Hà, tức các trí thức của triều đại cũ (Lê- Trịnh) ra cộng tác với triều đại Tây Sơn.
3. Phương thức biểu đạt
Văn bản Cầu hiền chiếu có phương thức biểu đạt là nghị luận.
4. Tóm tắt văn bản Cầu hiền chiếu
Năm 1788, sau khi nhà Lê - Trịnh sụp đổ, Ngô Thì Nhậm đã đi theo nghĩa quân Tây Sơn. Nguyễn Huệ đánh bại quân Thanh, lên ngôi hoàng đế và lấy hiệu là Quang Trung. Ngô Thì Nhậm được Quang Trung giao cho viết “Chiếu cầu hiền” để kêu gọi sĩ phu Bắc Hà ra giúp nước cứu đời. Hiền tài cũng giống như ngôi sao sáng trên trời cao. Người hiền sẽ là sứ giả của thiên tử. Nhưng trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, có người thì mai danh ẩn tích bỏ phí tài năng “trốn tránh việc đời”. Có người ra làm quan thì sợ hãi, im lặng như bù nhìn “không dám lên tiếng”, hoặc làm việc cầm chừng “đánh mõ, giữ cửa”. Có kẻ “ra biển vào sông, chết đuối trên cạn mà không biết, dường như muốn lẩn tránh suốt đời”. Từ đó, vua Quang Trung đưa ra đường lối cầu hiền đúng đắn, kêu gọi người tài ra giúp nước cứu đời.
5. Bố cục văn bản Cầu hiền chiếu
- Phần 1 (từ đầu đến ý trời sinh ra người hiền vậy): Mối quan hệ giữa người hiền và thiên tử
- Phần 2 (tiếp đến buổi ban đầu trẫm hay sao?): Cách ứng xử của hiền tài khi Tây Sơn ra bắc diệt Trịnh
- Phần 3 (còn lại): Đường lối cầu hiền của vua Quang Trung
6. Giá trị nội dung
Bài chiếu là một văn kiện quan trọng thể hiện chủ trương đúng đắn của nhà Tây Sơn nhằm động viên trí thức Bắc Hà tham gia xây dựng đất nước.
7. Giá trị nghệ thuật
Bài chiếu được viết với nghệ thuật thuyết phục, đặc sắc và thể hiện tình cảm của tác giả với sự nghiệp xây dựng đất nước.
1. Quy luật xử thế của người hiền
- Người hiền tài có mối quan hệ với thiên tử:
+ Người hiền phải do thiên tử sử dụng.
+ Không làm như vậy là trái với đạo trời, trái với quy luật cuộc sống.
- So sánh: Người hiền – ngôi sao sáng; thiên tử – sao Bắc Thần (tức Bắc Đẩu).
- Từ quy luật tự nhiên: Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần (ngôi vua).
→ Dùng hình ảnh so sánh, lấy từ luận ngữ tạo nên tính chính danh cho Chiếu cầu hiền vừa đánh trúng vào tâm lí của nho sĩ Bắc Hà. Cho ta thấy Quang Trung là người có học, biết lễ nghĩa.
2. Cách ứng xử của sĩ phu Bắc Hà và nhu cầu của đất nước
- Cách ứng xử của sĩ phu Bắc Hà:
+ Mai danh ẩn tích bỏ phí tài năng trốn tránh việc đời.
+ Ra làm quan: sợ hãi, im lặng như bù nhìn không dám lên tiếng, hoặc làm việc cầm chừng đánh mõ, giữ cửa.
+ Một số đi tự tử ra biển vào sông: Vừa châm biếm nhẹ nhàng vừa tỏ ra tác giả có kiến thức sâu rộng, có tài năng văn chương.
- Câu hỏi:
+ Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng?
+ Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự Vương hầu chăng?
→ Vừa thể hiện sự thành tâm, khiêm nhường, vừa thể hiện sự đòi hỏi và cả chút thách thách của vua Quang Trung. (Khiến người nghe không thể không thay đổi cách sống. Phải ra phục vụ và phục vụ hết lòng cho triều đại mới).
- Thẳng thắn tự nhận những bất cập của triều đại mới, khóe léo nêu lên những nhu cầu của đất nước:
+ Trời còn tối tăm;
+ Buổi đầu đại định;
+ Triều chính còn nhiều khiếm khuyết.
→ Gặp nhiều khó khăn nên đòi hỏi sự trợ giúp của nhiều bậc hiền tài.
- Không có lấy một người tài danh nào ra phò giúp cho chính quyền buổi ban đầu của trẫm hay sao?: Hỏi mà khẳng định rằng nhân tài không những có mà còn có nhiều.
⇒ Cách nói vừa khiêm nhường tha thiết, vừa kiên quyết khiến người hiền tài không thể không ra giúp triều đại mới làm cho nho sĩ Bắc Hà không thể không thay đổi cách ứng xử.
3. Con đường cầu hiền của vua Quang Trung
- Đối tượng cầu hiền: Quan viên lớn nhỏ, thứ dân trăm họ.
- Đường lối cầu hiền:
+ Cho phép mọi người có tài năng thuộc mọi tầng lớp trong xã hội được dâng sớ tâu bày kế sách
+ Cho phép các quan văn võ tiến cử người có nghề hay, nghiệp giỏi
+ Cho phép người tài tự tiến cử.
→ Tư tưởng dân chủ tiến bộ, đường lối cầu hiền: rộng mở, đúng đắn.
- Yêu cầu cố gắng hãy cùng triều đình gánh vác việc nước và hưởng phúc lâu dài.
→ Biện pháp cầu hiền cụ thể, dễ thực hiện.
⇒ Vua Quang Trung là người có tầm nhìn xa trông rộng cũng như khả năng tổ chức, sắp đặt chính sự, biết giải tỏa những băn khoăn có thể có cho mọi thần dân, khiến họ yên tâm tham gia việc nước.
IV. Đọc tác phẩm Cầu hiền chiếu
Chiếu cầu hiền
(Cầu hiền chiếu)
Ngô Thì Nhậm
Từng nghe nói rằng : Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao. Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử. Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy.
Trước đây thời thế suy vi, Trung châu gặp nhiều biến cố, kẻ sĩ phải ở ẩn trong ngòi khe, trốn tránh việc đời, những bậc tinh anh trong triều đường phải kiêng dè không dám lên tiếng. Cũng có kẻ gõ mõ canh cửa, cũng có kẻ ra biển vào sông, chết đuối trên cạn mà không biết, dường như muốn lẩn tránh suốt đời. Nay trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, ngày đêm mong mỏi, nhưng những người học rộng tài cao chưa thấy có ai tìm đến. Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng ? Hay đang thời đổ nát” chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng? Kìa như, trời còn tăm tối, thì đấng quân tử phải trổ tài. Nay đương ở buổi đầu của nền đại định, công việc vừa mới mở ra. Kỉ cương nơi triều chính còn nhiều khiếm khuyết, công việc ngoài biên đương phải lo toan. Dân còn nhọc mệt chưa lại sức, mà đức hoá của trẫm chưa kịp nhuần thấm khắp nơi. Trẫm nơm nớp lo lắng, ngày một ngày hai vạn việc nảy sinh. Nghĩ cho kĩ thì thấy rằng : Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn, mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình. Suy đi tính lại trong vòm trời này, cứ cái ấp mười nhà ắt phải có người trung thành tín nghĩa. Huống nay trên dải đất văn hiến rộng lớn như thế này, há trong đó lại không có lấy một người tài danh nào ra phò giúp cho chính quyền buổi ban đầu của trẫm hay sao ?
Chiếu này ban xuống, các bậc quan viên lớn nhỏ, cùng với thứ dân trăm họ, người nào có tài năng học thuật, mưu hay hơn đời, cho phép được dâng sớ tàu bày sự việc. Lời nói nào có thể chọn dùng được, thì cất nhắc không kể thứ bậc ; chỗ nào không dùng được thì gác lại, không vì lời nói sơ suất vu khoát(8) mà bắt tội. Còn người có nghề hay nghiệp giỏi, có thể cống hiến cho đời, thì cho phép các quan văn, quan võ được tiến cử, nhưng vẫn dẫn vào đợi ra mắt, tuỳ tài lục dụng.Hoặc người nào từ trước đến nay tài năng còn bị che kín, chưa được người đời biết đến, thì cũng cho phép dâng sớ tự tiến cử, chớ hiềm vì mưu lợi mà phải bán rao.
Này! Trong khoảng trời đất, hiền tài còn ẩn náu, trước đây thì nên như thế. Nay
trời trong sáng, đất thanh bình, chính là lúc người hiền gặp hội gió mây, những ai có tài có đức hãy cùng cố gắng lên, ghi tên tại triều đình, cùng nhau cung kính, cùng nhau hưởng phúc lành tôn vinh.
Vậy bố cáo gần xa để mọi người đều biết.
(Theo Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004)
Xem thêm các bài tóm tắt Tác giả, tác phẩm Ngữ văn 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Tác giả - tác phẩm: Cầu hiền chiếu
Tác giả - tác phẩm: Tôi có một ước mơ
Tác giả - tác phẩm: Một thời đại trong thi ca
Tác giả - tác phẩm: Tiếp xúc với tác phẩm
Tác giả - tác phẩm: Lời tiễn dặn