Giải Địa Lí 12 Bài 14: Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

3.2 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Địa Lí lớp 12 Bài 14: Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên lớp 12.

Giải bài tập Địa Lí Lớp 12 Bài 14: Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 58 SGK Địa lí 12: Nhận xét về biến đông diện tích rừng qua các giai đoạn 1943 – 1983 và 1983 – 2005. Vì sao có sự biến động đó?

Giải Địa Lí 12 Bài 14: Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (ảnh 1)

Phương pháp giải:

Kĩ năng nhận xét bảng số liệu: nhận xét lần lượt các đối tượng ở 2 giai đoạn.

Trả lời:

Nhận xét:

- Giai đoạn 1943 – 1983:

+ Tổng diện tích rừng và diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh (từ 14,3 triệu ha xuống 7,2 triệu ha và 14,3 triệu ha xuống còn 6,8 triệu ha).

+ Tương ứng, độ che phủ rừng cũng giảm mạnh ( từ 43% xuống còn 22%).

+ Diện tích rừng trồng bắt đầu phát triển (năm 1983 có 0,4 triệu ha).

⟹ Nguyên nhân chủ yếu do hậu quả của chiến tranh, nạn khai thác rừng bừa bãi, du canh du cư và một phần do cháy rừng.

- Giai đoạn 1983 – 2005:       

+ Tổng diện tích rừng, diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng và độ che phủ đều tăng lên nhưng chưa thể phục hồi như trước.

⟹ Nguyên nhân: do chính sách bảo vệ, trồng và phát triển rừng của nhà nước .

Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 59 SGK Địa lí 12: Sự suy giảm tính đa dạng sinh học của nước ta biểu hiện ở những mặt nào?

Trả lời:

Sự suy giảm tính đa dạng sinh học của nước ta biểu hiện ở các mặt: suy giảm số lượng, thành phần loài, kiểu hệ sinh thái và nguồn gen.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 3 trang 59 SGK Địa lí 12: Nguyên nhân nào làm suy giảm số lượng loài động, thực vật tự nhiên?

Phương pháp giải:

Liên hệ các hoạt động kinh tế của con người.

Trả lời:

Nguyên nhân làm suy giảm số lượng loài động, thực vật tự nhiên là:

- Tác động của con người (phá rừng bừa bãi, khai thác không hợp lí, đốt rừng lấy diện tích canh tác,...) đã làm suy giảm số lượng loài động, thực vật tự nhiên.

- Cháy rừng.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 4 trang 60 SGK Địa lí 12: Nhà nước đã thực hiện những biện pháp gì để bảo vệ đa dạng sinh học của nước ta?

Trả lời:

- Xây dựng và mở rộng hệ thống vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên. 

- Ban hành Sách đỏ Việt Nam.

- Quy định việc khai thác lâm sản, thủy sản và động vật quý.

- Thực hiện các chương trình giáo dục, truyền thông về đa dạng sinh học, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ vốn rừng và sinh vật quý.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 5 trang 60 SGK Địa lí 12: Hãy nêu các biểu hiện suy thoái tài nguyên đất ở nước ta?

Trả lời:

*  Biểu hiện suy thoái tài nguyên đất:

- Trong số 5,35 triệu ha đất chưa sử dụng thì đất bằng chỉ có khoảng 350 nghìn ha, còn lại 5 triệu ha là đất đồi núi đang bị thoái hóa.

- Hiện nay cả nước có khoảng 9,3 triệu ha đất bị đe dọa hoang mạc hóa (chiếm 28% diện tích đất đai).

- Ở miền núi: đất bị bạc màu, xói mòn trơ sỏi đá,...

- Ở đồng bằng: đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn; đất bạc màu; đất bị ô nhiễm.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 6 trang 60 SGK Địa lí 12: Hãy nêu các biện pháp bảo vệ đất đồi núi và cải tạo đất đồng bằng?

Trả lời:

* Biện pháp bảo vệ đất đồi núi và cải tạo đồng bằng:

- Đối với đất vùng núi:

+ Áp dụng tổng thể các biện pháp thủy lợi, canh tác: làm ruộng bậc thang, đào hố vẩy cá, trồng cây theo băng.

+ Cải tạo đất hoang, đồi trọc bằng biện pháp nông – lâm kết hợp.

+ Bảo vệ đất gắn với bảo vệ rừng, giữ nguồn nước.

- Đối với đồng bằng:

+ Có kế hoạch quản lí chặt chẽ và mở rộng diện tích đất.

+ Tiến hành thâm canh, canh tác hợp lí, tránh làm đất bị thoái hóa bạc màu.

+ Chống ô nhiễm đất do chất hóa học, thuốc trừ sâu, nước thải công nghiệp.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 7 trang 61 SGK Địa lí 12: Hãy nêu các biện pháp nhằm đảm bảo cân bằng nước và phòng chống ô nhiễm nước.

Phương pháp giải:

Liên hệ các biện pháp về thủy lợi, trồng rừng và hoạt động sản xuất kinh tế.

Trả lời:

Các biện pháp đảm bảo cân bằng nước và phòng chống ô nhiễm nước:

- Xây dựng các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi hợp lí,  tận dụng tối đa các hồ chứa của đập thủy điện nhằm trữ nước và điều tiết nguồn nước

- Trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt rừng đầu nguồn để giữ nguồn nước ngầm.

- Hạn chế dùng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để tránh gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm.

- Nghiêm cấm xả thải chưa qua xử lí vào nguồn nước, đặc biệt nguồn xả từ hoạt động công nghiệp. Đưa ra các hình thức xử phạt nghiêm minh.

- Tuyên truyền, giáo dục cho người dân không xả nước bẩn, rác thải vào sông hồ.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 8 trang 61 SGK Địa lí 12: Hãy cho biết giá trị sử dụng và yêu cầu bảo vệ đối với các loại tài nguyên này?

Phương pháp giải:

Liên hệ vai trò của tài nguyên nước, khoáng sản, du lịch, khí hậu, biển đối với sự phát triển kinh tế, đời sống con người và môi trường sinh thái

Trả lời:

-  Tài nguyên nước:

 + Giá trị: cung cấp nước sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ); đảm bảo cân bằng sinh thái, điều hòa khí hậu, đảm bảo sự sống và phát triển của giới sinh vật.

 + Cần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước, đảm bảo cân bằng nước và phòng chống ô nhiễm nước.

- Tài nguyên khoáng sản:

 + Giá trị: cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, xuất khẩu thu ngoại tệ.

 + Cần quản lí chặt chẽ việc khai thác khoáng sản, tránh lãng phí tài nguyên và làm ô nhiễm môi trường (từ khâu khai thác, vận chuyển cho tới chế biến).

- Tài nguyên du lịch:

 + Giá trị: là điều kiện cơ bản để phát triển ngành du lịch, sự phân bố du lịch hiện nay phụ thuộc vào sự phân bố nguồn tài nguyên du lịch.

 + Cần bảo tồn và tôn tạo các giá trị tài nguyên du lịch nhân văn. Đối với tài nguyên du lịch tự nhiên cần nâng cao ý thức sử dụng, bảo vệ môi trường và các thành phần tự nhiên.

- Tài nguyên khí hậu:

 + Các yếu tố khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, lượng mưa,...) cho phép xác định và khai thác có hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

 + Cần giữ gìn bầu không khí trong lành, tránh gây ỗ nhiễm do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ,...

- Tài nguyên biển:

 + Cho phép khai thác nguồn tài nguyên sinh vật biển phong phú và đạng; phát triển giao thông vận tải biển, du lịch biển, khai thác khoáng sản vùng thềm lục địa và sản xuất muối.

 + Cần có những quy định và quản lí chặt chẽ trong việc khai thác, tránh làm ô nhiễm môi trưởng biển.

Câu hỏi và bài tập (trang 61 SGK Địa lí 12)

Bài 1 trang 61 SGK Địa Lí 12: Nêu tình trạng suy giảm tài nguyên rừng và suy giảm đa dạng sinh học ở nước ta. Các biện pháp bảo vệ rừng và bảo vệ đa dạng sinh học?

Trả lời:

a)   Tài nguyên rừng

- Suy giảm tài nguyên rừng:

+ Năm 1943, độ che phủ rừng ở nước ta là 43,09% và giảm xuống còn 22,0% vào năm 1983, sau đó tăng lên 38,09% (năm 2005).

+ Mặc dù tổng diện tích rừng đang lăng dần lên, nhưng tài nguyên rừng vẫn bị suy thoái vì chất lượng rừng chưa thể phục hồi (70% diện tích rừng là rừng nghèo và rừng mới phục hồi).

- Biện pháp bảo vệ tài nguyên rừng:

+ Theo quy hoạch, phải nâng độ che phủ rừng của cả nước hiện lại từ gần 40% lên đến 45 - 50%, vùng núi dốc phải đạt độ che phủ khoảng 70 - 80%

+ Thực hiện những quy định về nguyên tắc quản lí, sử dụng và phát triển đối với 3 loại rừng:

Đối với rừng phòng hộ: có kế hoạch, biện pháp bảo vệ, nuôi dưỡng rừng hiện có, trồng rừng trên đất trống, đồi trọc.

Đối với rừng đặc dụng: bảo vệ cảnh quan, đa dạng về sinh vật của các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên.

Đối với rừng sản xuất đảm bảo duy trì phát triển diện tích và chất lượng rừng, duy trì và phát triển hoàn cảnh rừng, độ phì và chất lượng đât rừng.

+ Giao quyền sử dụng đất và bảo vệ rừng cho người dân.

b)   Đa dạng sinh học

- Sự suy giảm tính đa dạng sinh học của nước ta biểu hiện ở các mặt: suy giảm số lượng, thành phần loài, kiểu hệ sinh thái và nguồn gen

+ Suy giảm diện tích và chất lượng rừng: rừng nguyên sinh bị phá hoại, diện tích rừng giảm, rừng giàu bị thu hẹp, còn lại chủ yếu là rừng thứ sinh, rừng mới phục hồi, độ che phủ rừng còn thấp

+ Suy giảm đáng kể số lượng các loài động vật hoang dã và nguồn gen động thực vật quý hiếm.

+ Nhiều loài mất dần, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng (gồm khoảng 100 loài thực vật, 62 loài thú, 29 loài chim).

+ Nguồn tài nguyên sinh vật dưới nước, đặc biệt nguồn hải sản của nước ta cũng bị suy giảm rõ rệt.

- Các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học:

+ Xây dựng và mở rộng hệ thống vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên.

+ Ban hành Sách đỏ Việt Nam.

+ Quy định trong việc khai thác lâm sản, động vật và thủy sản.

Bài 2 trang 61 SGK Địa Lí 12: Hãy nêu tình trạng suy thoái tài nguyên đất và các biện pháp bảo vệ đất ở vùng đồi núi và vùng đồng bằng?

Trả lời:

a) Suy thoái tài nguyên đất

- Trong 5,35 triệu ha đất  chưa sử dụng thì ở đồng bằng có khoảng 350 nghìn ha, còn lại 5 triệu ha là đất đồi núi bị thoái hóa nặng (năm 2005).

Diện tích đất đai bị thoái hóa vẫn còn rất lớn. Hiện nay khoảng 9,3 triệu ha đất bị đe dọa thoái hóa (chiếm 28% diện tích đất đai).

b) Các biện pháp bảo vệ tài nguyên đất

- Đối với vùng đồi núi:

+ Áp dụng tổng thể các biện pháp thủy lợi canh tác như làm ruộng bậc thang, đào hố vẩy cá, trồng cây theo băng.

+ Cải tạo đất hoang, đồi núi trọc bằng các biện pháp nông - lâm kết hợp.

+ Bảo vệ rừng và đất rừng, tổ chức định canh, định cư.

- Đối với vùng đồng bằng:

+ Cần có biện pháp quản lí chặt chẽ và có kế hoạch mở rộng diện tích đất nông nghiệp.

+ Thâm canh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cần canh tác hợp lí, chống bạc màu, gây nhiễm mặn, nhiễm phèn.

+ Bón phân cải tạo đất thích hợp, chống ô nhiễm đất do chất độc hóa học, thuốc trừ sâu, nước thải công nghiệp chứa chất độc hại, chất chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh hại cây trồng.

Bài 3 trang 61 SGK Địa Lí 12: Nêu các loại tài nguyên khác cần được sử dụng hợp lí và bảo vệ?

Trả lời:

- Tài nguyên nước:

+ Tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô và ô nhiễm môi trường nước là 2 vấn đề quan trọng nất trong việc sử dụng tài nguyên nước hiện nay.

+ Các biện pháp bảo vệ: sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước, đảm bảo cân bằng nước và phòng chống ô nhiễm nước.

- Tài nguyên khoáng sản:

+ Tình hình sử dụng: nước ta có nhiều mỏ khoáng sản, nhưng phần lớn là mỏ nhỏ, phân tán nên khó khăn trong quản lí khai thác.

+ Các hiện pháp bảo vệ: quản lí chặt chẽ việc khai thác khoáng sản. Tránh lãng phí tài nguyên và làm ô nhiễm môi trường (từ khâu khai thác, vận chuyển tới chế biến).

- Tài nguyên du lịch:

+ Tinh hình sử dụng: tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều địa điểm du lịch khiến cảnh quan du lịch bị suy thoái.

+ Các biện pháp hảo vệ: cần bảo tồn, tôn tạo giá trị tài nguyên du lịch và bảo vệ cảnh quan du lịch khỏi bị ô nhiễm, phát triển du lịch sinh thái.

- Khai thác, sử dụng  hợp lí và bền vững các nguồn tài nguyên khác như tài nguyên khí hậu, tài nguyên biển...

Lý thuyết Bài 14: Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

I. Sử dụng và bảo vệ tài nguyên sinh vật

a. Tài nguyên rừng

*  Hiện trạng:

Diện tích rừng tăng nhưng tài nguyên rừng vẫn bị suy thoái vì chất lượng rừng chưa thể phục hồi.

+ Năm 1943: 70% diện tích rừng là rừng giàu.

+ Nay: 70% diện tích rừng là rừng nghèo và mới phục  hồi.

* Biến động tài nguyên rừng:

- Về số lượng:

+ Tổng diện tích rừng giảm từ 14,3 triệu ha năm 1943 còn 7,2 triệu ha năm 1983, sau đó tăng lên 12,7 triệu ha năm 2005.

+ Diện tích rừng tự nhiên giảm từ 14,3 triệu ha năm 1943 còn 8,4 triệu ha năm 1990 sau đó tăng lên 10,2 triệu ha năm 2005.

+ Diện tích rừng trồng tăng 0,1 triệu ha năm 1975 lên 2,5 triệu ha năm 2005.

+ Tỉ lệ che phủ rừng giảm từ 43,0% năm 1943 còn 22,0% năm 1983 sau đó tăng lên 38,0% năm 2005.

- Về chất lượng rừng:

Mặc dù tổng diện tích rừng đang được phục hồi nhưng chất lượng rừng vẫn bị suy thoái bởi vì diện tích rừng tăng, nhưng chủ yếu là rừng non mới phục hồi.

* Nguyên nhân:

Khai thác rừng bừa bãi, nguyên nhân tự nhiên: Cháy rừng, sạt lở đất, lở  núi…; nạn Du canh du cư, hậu quả chiến tranh.

* Biện pháp bảo vệ:

- Nâng cao độ che phủ rừng từ 40 -> 45 - 50% (Vùng núi: 70 - 80%).

- Thực hiện các biện pháp quy hoạch và bảo vệ phát triển các loại rừng:

+ Đối với rừng phòng hộ: Có kế hoạch, biện pháp bảo vệ nuôi dưỡng rừng hiện có, trồng cây gây rừng trên đất trống đồi trọc.

+ Đối với rừng đặc dụng: Bảo vệ cảnh quan đa dạng sinh học của các vườn quốc gia, khu dư trữ thiên nhiên và khu bảo  tồn.

+ Đối với rừng sản xuất: Đảm bảo duy trì, phát triển diện tích và chất lượng rừng, phát triển hoàn cảnh rừng, độ phì và chất lượng rừng.

- Triển khai luật bảo vệ phát triển rừng. Tuyên truyền, đẩy mạnh phát triển kinh tế miền núi, giao đất giao rừng...

- Nhiệm vụ trước mắt là thực hiện chiến lược trồng 5 triệu ha rừng đến năm 2010 nhằm đáp ứng yêu cầu phủ xanh dc 43% diện tích và phục hồi cân bằng môi trường sinh thái Việt Nam.

* Ý nghĩa của bảo vệ tài nguyên rừng:

- Về kinh tế: Khai thác gỗ và lâm sản phục vụ cho các ngành kinh tế, nguyên liệu  cho các ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ, giấy, diêm, hóa chất nhẹ, xuất khẩu,...

- Về môi trường: Bảo vệ đất, chống xói mòn, cân bằng sinh thái, bảo vệ mực nước ngầm,...

b. Đa dạng sinh học

* Sự đa dạng sinh học ở nước ta:

- Sinh vật tự nhiên nước ta có tính đa dạng cao (thể hiện ở số lượng và thành phần loài, các kiểu hệ sinh thái và nguồn gen quý hiếm) nhưng đang bị suy giảm.

- Sự suy giảm tính đa dạng sinh học:

+ Trong 14.500 loài thực vật có 500 loài bị mất dần, trong đó có 100 loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

+ Trong 300 loài thú có 96 loài bị mất dần, trong đó có 62 loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

+ Trong 830 loài chim có 57 loài bị mất dần, trong đó có 29 loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

+ Trong 400 loài bò sát lưỡng cư có 62 loài mất dần.

* Nguyên nhân:

- Tác động của con người làm thu hẹp diện tích rừng, đồng thời còn làm nghèo tính đa dạng của các kiểu sinh thái.

- Hậu quả của việc khai thác quá mức.

- Ô nhiễm môi trường nước, nhất là vùng ven sông, cửa biển dẫn đến nguồn tài nguyên dưới nước, đặc biệt là nguồn hải sản nước ta bị giảm sút rõ rệt.

* Biện pháp bảo vệ:

- Xây dựng và mở rộng hệ thống vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên:

+ Năm 1986 có 87 khu bảo tồn thiên nhiên với 7 vườn quốc gia.

+ Năm 1998 có 94 khu bảo tồn thiên nhiên với 12 vườn quốc gia, 18 khu bảo vệ môi trường, văn hóa - lịch sử.

+ Đến năm 2007 đã có 30 vườn quốc gia được thành lập.

- Ban hành sách đỏ Việt Nam để bảo vệ nguồn gen động, thực vật quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

- Quy định việc khai thác về gỗ, động vật, thủy sản như cấm khai thác gỗ quý, cấm săn bắt động vật trái phép, cấm dùng chất nổ đánh bắt cá…

II. Sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất

a. Suy thoái tài nguyên đất        

* Hiện trạng sử dụng tài nguyên đất

- Năm 2005, nước ta có khoảng 12,5 triệu ha đất có rừng, 9,4 triệu ha đất sử dụng trong nông nghiệp, bình quân đất nông nghiệp trên đầu người khoảng hơn 0,1 ha.

Trong số 5,35 triệu ha đất chưa sử dụng chỉ có khoảng 350 nghìn ha đất bằng, còn lại 5 triệu ha đất đồi núi đang bị thoái hóa => khả năng mở rộng diện tích đất nông nghiệp ở đồng bằng không nhiều.

- Hiện nay diện tích đất hoang đồi trọc giảm mạnh nhưng diện tích đất bị suy thoái còn rất lớn (9,3 triệu ha đất đang bị đe dọa hoang mạc hóa).

b. Biện pháp bảo vệ

* Vùng đồi núi:

- Để hạn chế xói mòn trên đất dốc phải áp dụng tổng hợp các biện pháp thủy lợi, canh tác như làm ruộng bậc thang, đào hố vẩy cá…

- Cải tạo đất hoang đồi núi trọc bằng các biện pháp nông lâm kết hợp.

- Tổ chức định canh, định cư. Đẩy mạnh bảo vệ rừng.

* Vùng đồng bằng:

- Quản lí chặt chẽ, có kế hoạch mở rộng diện tích đất nông nghiệp sử dụng vốn đất hợp lí.

- Thâm canh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, canh tác, cải tạo đất hợp lí.

- Phòng chống ô nhiễm đất.

III. Sử dụng và bảo vệ các tài nguyên khác

- Tài nguyên nước: tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô và ô nhiễm môi trường nước là hai vấn đề quan trọng nhất trong việc sử dụng tài nguyên nước hiện nay. Do vậy cần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, đảm bảo cân bằng nước và phòng chống ô nhiễm nước.

- Tài nguyên khoáng sản: Quản lí chặt chẽ việc khai thác tránh lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

- Tài nguyên du lịch: Cần bảo tồn, tôn tạo giá trị tài nguyên du lịch và bảo vệ cảnh quan du lịch khỏi bị ô nhiễm, phát triển du lịch sinh thái.

- Khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững các nguồn tài nguyên khác như tài nguyên khí hậu, tài nguyên biển…


 
Đánh giá

0

0 đánh giá