Văn bản Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI - Chương Thâu - Nội dung, tác giả, tác phẩm

6.5 K

Tài liệu tác giả tác phẩm Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI lớp 8.

Tác giả tác phẩm: Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI - Ngữ văn 8

I. Tác giả Chương Thâu

- Chương Thâu, sinh năm 1935

- Quê: Nghệ An

- Nhà nghiên cứu văn học, lịch sử.

Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo

II. Tìm hiểu tác phẩm Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI

1. Thể loại: Văn bản nghị luận

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Văn bản Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI được in trong Báo Văn nghệ, số Tết, năm 2002.  

3. Phương thức biểu đạt

Văn bản Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu có phương thức biểu đạt là nghị luận

4. Tóm tắt văn bản Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI

         Vài năm lại đây, ở phương Tây xuất hiện một trào lưu sống mới gọi là sống đơn giản: mọi người tự nguyện đơn giản hóa cuộc sống của mình. Sống đơn giản không đồng nghĩa với sống khổ hạnh và nghèo đói, mà là cuộc sống được lựa chọn sau một quá trình nghiên cứu kĩ lưỡng: một cuộc sống hòa đồng với thiên nhiên, tìm kiếm sự cân bằng; một cuộc sống hồn nhiên, vô tư, không lo lắng... Sống đơn giản giúp chúng ta biết kiềm chế lòng tham, cân nhắc kĩ lưỡng các nhu cầu của bản thân để có được cuộc sống hài hòa, giàu ý nghĩa. Việc xây dựng cho mình một cuộc sống đơn giản - một cuộc sống nhàn nhã theo đúng nghĩa: nhàn tâm, làm việc có khoa học, biết dừng lại ở mức đủ, biết mình biết người, có thái độ ứng xử đúng đắn, văn hóa - là việc làm có ích cho mỗi người.

5. Bố cục bài Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI

Gồm 3 phần:

- Phần 1 (từ đầu đến “của thế kỉ XXI”): giới thiệu về trào lưu sống đơn giản

- Phần 2 (tiếp đến “Hồ Chí Minh…”): bàn luận về trào lưu sống đơn giản

- Phần 3 (còn lại): nhận xét về lối sống đơn giản.

6. Giá trị nội dung

- Văn bản bàn về lối sống đơn giản và lợi ích mà lối sống đơn giản đem đến cho con người.

7. Giá trị nghệ thuật

 -  Tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm. 

- Lựa lời văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI

1. Hệ thống luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng

Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo

- Luận đề: Lối sống đơn giản 

- Luận điểm 1: Sống đơn giản là gì?

+ Sống đơn giản không đồng nghĩa với sống khổ hạnh và nghèo đói, mà là cuộc sống được lựa chọn sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng. 

- Luận điểm 2: Lợi ích của việc sống đơn giản. 

+ Giúp chúng ta kiềm chế lòng tham, cân nhắc kỹ lưỡng các yêu cầu của bản thân.

Một căn nhà rộng rãi sẽ đem lại sự dễ chịu cho người ở….

Biến mình trở thành một con người nhàn nhã, bình yên và không hao phí thời gian vào những việc vô bổ. 

Lối sống này được ông cha ta coi trọng từ thời xa xưa. 

2. Bằng chứng khách quan và ý kiến chủ quan.

- Câu văn thể hiện bằng chứng khách quan của người viết trong đoạn thứ tư của văn bản là: 

“Có thể kể ra ở đây có rất nhiều danh nhân của đất Việt đã từng có cuộc sống như vậy: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh…” 

- Câu văn thể hiện ý kiến, đánh giá chủ quan của văn bản là: 

Dựa vào nguyên tắc của cuộc sống đơn giản, tiêu chuẩn tối thiểu của cuộc sống này là: đáp ứng đầy đủ những nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc, ở, đi lại. 

IV. Đọc tác phẩm Lối sống đơn giản - xu thế của thế kỉ XXI

Vài năm lại đây, ở phương Tây xuất hiện một trào lưu sống mới gọi là sống đơn giản: Mọi người tự nguyện đơn giản hóa cuộc sống của mình. Đây là một lối sống mang đến nhiều ích lợi, đang dần trở thành xu thế của thế kỉ XXI.

Như thế nào gọi là sống đơn giản? Theo quan niệm của những người đề xướng ra trào lưu này, sống đơn giản không đồng nghĩa với sống khổ hạnh và nghèo đói, mà là cuộc sống được lựa chọn sau một quá trình nghiên cứu kĩ lưỡng: một cuộc sống hòa đồng với thiên nhiên, tìm kiếm sự cân bằng; một cuộc sống hồn nhiên, vô tư, không lo lắng… Sống đơn giản chính là tự lắng nghe tiếng nói của lòng mình, xem rõ điều mình thật sự cần là gì; là sống một cuộc sống thực sự của bản thân chứ không phải bắt chước theo lối sống của người khác hoặc sống theo yêu cầu của người khác.

Trước hết, sống đơn giản sẽ giúp chúng ta biết kiềm chế lòng tham, cân nhắc kĩ lưỡng các nhu cầu của bản thân để có được cuộc sống hài hoà, giàu ý nghĩa. Nếu như bạn muốn mua một căn nhà, bạn cần phải nghĩ đến cái lợi, cái hại của nó, có lợi ắt cũng sẽ có hại, cái được và mất luôn đi liền với nhau. Một căn nhà rộng rãi, đẹp đẽ tất sẽ đem đến sự thoải mái dễ chịu cho người ở, nhưng để có tiền chi trả cho nó, bạn buộc phải làm việc cật lực và có thể còn phải từ bỏ một số thứ khác trong cuộc sống của bạn nữa. Sau khi mua vài tháng hoặc vài năm, có thể sẽ có lúc bạn nghĩ rằng: không hiểu vì sao bạn sống một cuộc sống khổ sở, vất vả, một cuộc sống hết sức đơn điệu, nhàm chán chỉ để có tiền trả cho một căn nhà như thế này nhỉ? Muốn có được cuộc sống thoải mái, sung sướng là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng của con người. Nhưng chúng ta lại thường không biết dừng lại đúng lúc vì lòng tham của con người là vô đáy. Điều này sẽ mang đến nhiều hậu quả khôn lường. Do đó, việc hướng đến một lối sống đơn giản là rất cần thiết để ta thoát khỏi “cạm bẫy vật chất”, hướng đến làm giàu cho đời sống tinh thần.

Dựa vào nguyên tắc của cuộc sống đơn giản, tiêu chuẩn tối thiểu của cuộc sống này là: đáp ứng đầy đủ những nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc, ở, đi lại. Tất nhiên, để đạt được điều đó, bạn phải bỏ ra một số công sức và thời gian nhất định. Nhưng điều quan trọng ở đây là, ngoài tất cả những thứ đó, trong thời gian còn lại, việc mà bạn cần làm là biến mình thành một con người nhàn nhã và bình yên, không hao phí thời gian và công sức vào việc vô bổ. Lối sống này từ xưa đã được cha ông chúng ta rất coi trọng và đã trở thành một trong những giá trị văn hoá của người Việt. Ở thời đại nào cũng có những con người biết cách sống nhàn, nhưng không phải là lẩn tránh cuộc sống thực tế mà sống một cách có ích cho đời. Có thể kể ra ở đây rất nhiều danh nhân của đất Việt đã từng có cuộc sống như vậy: Nguyễn Trãi, Nguyễn Binh Khiêm, Hồ Chí Minh,...

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con người luôn trong trạng thái phải chịu đựng áp lực quá tải do cuộc sống mang lại. Vì thế, việc xây dựng cho mình một cuộc sống đơn giản – một cuộc sống nhàn nhã theo đúng nghĩa: nhàn tâm', làm việc có khoa học, biết dừng lại ở mức đủ, biết mình biết người, có thái độ ứng xử đúng đắn, văn hoá – là việc làm có ích cho mỗi người. Điều này không những phù hợp với xu thế văn minh của thời đại mà cũng rất phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Xem thêm các bài tóm tắt Tác giả, tác phẩm Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Tác giả - tác phẩm: Bài ca Côn Sơn

Tác giả - tác phẩm: Lối sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI

Tác giả - tác phẩm: Vắt cổ chày ra nước

Tác giả - tác phẩm: May không đi giày

Tác giả - tác phẩm: Khoe của

Tác giả - tác phẩm: Con rắn vuông

Đánh giá

0

0 đánh giá