Giải SGK Lịch Sử 11 Bài 12 (Cánh diều): Vị trí và tầm quan trọng của biển Đông

2 K

Lời giải bài tập Lịch Sử lớp 11 Bài 12: Vị trí và tầm quan trọng của biển Đông sách Cánh diều hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Lịch Sử 11 Bài 12 từ đó học tốt môn Lịch Sử lớp 11.

Giải bài tập Lịch Sử lớp 11 Bài 12: Vị trí và tầm quan trọng của biển Đông

Mở đầu trang 77 Lịch Sử 11: Vậy Biển Đông có vị trí và tầm quan trọng chiến lược như thế nào? Các đảo và quần đảo ở Biển Đông có vị trí, tầm quan trọng chiến lược ra sao?

Lời giải:

- Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông:

+ Biển Đông là tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Á - châu Âu, Đông Á - Trung Đông.

+ Biển Đông là địa bàn chiến lược về kinh tế và chính trị - an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

- Các đảo và quần đảo ở Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc phòng.

Câu hỏi trang 78 Lịch Sử 11: Đọc thông tin và quan sát Hình 2, xác định vị trí của Biển Đông trên lược đồ.

Đọc thông tin và quan sát Hình 2 xác định vị trí của Biển Đông trên lược đồ

Lời giải:

- Biển Đông nằm ở rìa tây Thái Bình Dương, có chiều dài khoảng 1900 hải lí (nằm trong khoảng từ 3°N đến 26°B), chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 600 hải lí (trong khoảng từ 100°Đ đến 121°Đ).

- Biển Đông là một trong những biển lớn của thế giới với diện tích hơn 3,447 triệu km2, trải dài từ bờ biển Việt Nam ở phía tây đến các đảo Lu-dông, Pa-lau-oan (Philíppin) và Bô-nê-ô (Inđônêxia, Malaixia, Brunây) ở phía đông và từ bờ biển Trung Quốc ở phía bắc đến các đảo của Inđônêxia ở phía nam.

- Biển Đông là vùng biển chung của 9 quốc gia (Việt Nam, Trung Quốc, Philíppin, Malaixia, Brunây, Inđônêxia, Xingapo, Thái Lan, Campuchia) và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Câu hỏi trang 79 Lịch Sử 11: Vì sao Biển Đông được coi là tuyển giao thông đường biển huyết mạch?

Lời giải:

♦ Biển Đông được coi là tuyển giao thông đường biển huyết mạch, vì:

- Biển Đông nằm trên tuyến giao thông đường biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Á - châu Âu, châu Á - Trung Đông

+ Trong lịch sử, Biển Đông được coi là tuyến đường thiết yếu trong giao thông, giao thương, di cư,... giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời là một phần quan trọng của con đường Tơ lụa trên biển kết nối phương Đông với phương Tây.

+ Hiện nay, Biển Đông giữ vị trí là tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp thứ hai thế giới tính theo tổng lượng hàng hoá thương mại vận chuyển hàng năm.

- Ở Biển Đông có những eo biển giữ vai trò quan trọng đối với nhiều quốc gia và nền kinh tế trên thế giới từ xưa đến nay, như: eo biển Ma-lắc-ca, eo biển Xun-đa, eo biển Lôm-bốc,... Những eo biển này giúp cho đường giao thông trên biển qua các đại dương ngắn lại, tiết kiệm chi phí vận tải và hạn chế rủi ro.

Câu hỏi trang 80 Lịch Sử 11: Giải thích tầm quan trọng chiến lược về kinh tế và chính trị - an ninh của Biển Đông ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lời giải:

- Tầm quan trọng chiến lược về kinh tế của Biển Đông:

+ Với vị trí chiến lược quan trọng và nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, Biển Đông vừa là cửa ngõ giao thương quốc tế, vừa tạo điều kiện thuận lợi để các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp giáp có thể phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển, với những ngành mũi nhọn như: đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; khai thác khoáng sản; vận tải hàng hải và du lịch biển.

+ Nhiều nước ở khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Inđônêxia, Xingapo, Việt Nam,...  có nền kinh tế gắn liền với các con đường thương mại, hệ thống cảng biển và nguồn tài nguyên trên Biển Đông.

+ Biển Đông được coi là điểm điều tiết giao thông đường biển quan trọng bậc nhất châu Á với một khối lượng lớn hàng hoá vận chuyển quốc tế qua đây. Khoảng hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45 % trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông.

- Tầm quan trng chiến lược về chính trị - an ninh của Biển Đông:

+ Trong lịch sử, Biển Đông là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống của nhiều nước lớn, đồng thời là nơi diễn ra quá trình giao thoa của các nền văn hoá như: Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á lục địa…. Vì vậy, các quốc gia và vùng lãnh thổ ven Biển Đông là nơi tập trung đa dạng các mô hình chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá của thế giới. Tình trạng tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông cũng xuất hiện từ sớm và khá phức tạp.

Hiện nay, Biển Đông có vị trí địa - chính trị quan trọng đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khi giao thương trên biển phát triển, sự phụ thuộc của các quốc gia vào các tuyến đường biển đi qua Biển Đông ngày càng lớn hơn. Vì thế, an ninh trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích an ninh, chính trị và sự thịnh vượng về mặt kinh tế của khu vực, trong đó có Việt Nam.

Câu hỏi trang 80 Lịch Sử 11: Đọc thông tin và quan sát Hình 4, giải thích sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên biển của Biển Đông.

Đọc thông tin và quan sát Hình 4, giải thích sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên biển của Biển Đông

Lời giải:

- Biển Đông có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, đặc biệt là các tài nguyên sinh vật và khoáng sản.

+ Nguồn tài nguyên sinh vật ở Biển Đông phong phú và đa dạng với hàng trăm loài bao gồm cả động vật, thực vật. Trong đó, cá và các loài động vật thân mềm như tôm, mực, hải sâm.... có trữ lượng lớn. Biển Đông cũng cung cấp nhiều loại thực vật có giá trị như rong biển, tảo biển, rau câu,...

+ Biển Đông còn có nhiều loại tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ và khí tự nhiên. Bên cạnh đó, vùng biển này còn có những nguồn tài nguyên khác như: năng lượng thuỷ triều, năng lượng gió; cát và hoá chất trong cát; muối và các loại khoáng chất.....

Câu hỏi trang 81 Lịch Sử 11: Đọc thông tin và quan sát Hình 2, xác định vị trí của các đảo và quần đảo của Nam ở Biển Đông trên lược đồ.

Đọc thông tin và quan sát Hình 2 xác định vị trí của các đảo và quần đảo

Lời giải:

- Dựa trên cơ sở vị trí địa lí, điều kiện kinh tế, cư dân sinh sống, hệ thống các đảo và quần đảo của Việt Nam Việt Nam thường được chia thành:

+ Hệ thống đảo tiền tiêu. Ví dụ: Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn,...

+ Các đảo lớn. Ví dụ: Cô Tô, Cát Bà, Cù Lao Chàm,...

+ Các đảo ven bờ. Ví dụ: các đảo thuộc huyện đảo Cát Bà, huyện đảo Bạch Long Vĩ,...

+ Hai quần đảo xa bờ là: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

- Quần đảo Hoàng Sa nằm trong khoảng từ 15°45'B đến 17°15'B và từ 111°Đ đến 113°Đ, trải rộng trên vùng biển có diện tích khoảng 30.000 km2; cách thành phố Đà Nẵng khoảng 170 hải lí và cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 120 hải lí.

- Quần đảo Trường Sa cách quần đảo Hoàng Sa trên 200 hải lí về phía đông nam, nằm trong khoảng từ 6°50'B đến 12°0'B và từ 111°30'Đ đến 117°20’Đ, cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 248 hải lí.

Câu hỏi trang 82 Lịch Sử 11: Giải thích tầm quan trọng chiến lược của các đảo và quần đảo của Việt Nam ở Biển Đông.

Lời giải:

♦ Hệ thống đảo và quần đảo của Việt Nam, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh vùng biển, vùng trời và đất liền của Tổ quốc. Cụ thể:

+ Các đảo và quần đảo Việt Nam tạo ra cơ sở để phát triển đa dạng các ngành kinh tế biển, như: đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; khai thác khoáng sản; vận tải hàng hải và du lịch biển.

+ Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông, thuận lợi cho việc xây dựng các trạm thông tin, trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho các tàu di chuyển trên biển, phục vụ tuyến đường hàng hải huyết mạch trên Biển Đông.

+ Hệ thống đảo, quần đảo ở vùng biển Việt Nam, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có tầm quan trọng chiến lược đối với quốc phòng, an ninh. Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, quần đảo trên Biển Đông đã hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, từ xa đến gần, tạo thành hệ thống an ninh vững chắc để bảo vệ đất liền.

Luyện tập 1 trang 82 Lịch Sử 11: Lập sơ đồ tư duy thể hiện tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông về giao thông biển, vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên thiên nhiên biển.

Lời giải:

(*) Sơ đồ tham khảo

Lập sơ đồ tư duy thể hiện tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông về giao thông biển

Vận dụng trang 82 Lịch Sử 11: Sưu tầm hình ảnh, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Giới thiệu những hình ảnh, tư liệu đó với thầy cô và bạn học.

Lời giải:

(*) Thông tin 1: Vị trí địa lí và đặc điểm của quần đảo Hoàng Sa

- Vị trí: Quần đảo Hoàng Sa nằm trong phạm vi từ khoảng 15°45′B đến 17°15′B, từ 111°Đ đến 113°Đ, cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lí và cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 120 hải lí.

Đặc điểm: rộng khoảng 30000 km2, gồm hơn 37 đảo, đá, bãi cạn, chia làm hai nhóm:

+ Nhóm phía đông có tên là nhóm An Vĩnh gồm khoảng 12 đảo, đá, bãi cạn, trong đó có hai đảo lớn là Phú Lâm và Linh Côn;

+ Nhóm phía tây gồm nhiều đảo xếp thành hình vòng cung nên còn gọi là nhóm Lưỡi Liềm (hoặc nhóm Trăng Khuyết) gồm các đảo: Hoàng Sa (diện tích gần 1 km3), Quang Ảnh, Hữu Nhật, Quang Hoà, Duy Mộng, Chim Yến, Tri Tôn,..

(*) Thông tin 2: Vị trí địa lí và đặc điểm của quần đảo Trường Sa

- Vị trí: Quần đảo Trường Sa nằm trong phạm vi từ 6°30′B đến 1200′B, từ 111°30′Đ đến 117°20′Đ, cách vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà) khoảng 248 hải lí.

- Đặc điểm:

Quần đảo Trường Sa được chia làm tám cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên.

+ Song Tử Tây là đảo cao nhất (khoảng 4-6 m lúc thuỷ triều xuống); Ba Bình là đảo rộng nhất (0,6 km). Ngoài ra, còn có nhiều đảo nhỏ và bãi đá ngầm như Sinh Tồn Đông, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Ken Nan, Đá Lớn, Thuyền Chài.

Sưu tầm hình ảnh, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa

Xem thêm các bài giải SGK Lịch sử lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 9: Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ (cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV)

Bài 10: Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông (thế kỉ XV)

Bài 11: Cuộc cải cách của Minh Mạng (nửa đầu thế kỉ XIX)

Bài 13: Việt Nam và biển Đông

Đánh giá

0

0 đánh giá