Câu hỏi trang 8 Lịch Sử 11: Khai thác Tư liệu 2 và thông tin trong mục, trình bày tiền đề về chính trị của các cuộc cách mạng tư sản.
Lời giải:
♦ Tiền đề về chính trị của các cuộc cách mạng tư sản:
- Chính sách cai trị của nhà nước phong kiến gây ra sự bất mãn ngày càng lớn cho giai cấp tư sản và các tầng lớp khác trong xã hội. Mâu thuẫn chính trị gay gắt dẫn tới sự bùng nổ các cuộc cách mạng tư sản. Ví dụ:
+ Ở Anh, nhà vua nắm mọi quyền lực, cai trị độc đoán và tiến hành đàn áp các tín đồ Thanh giáo, lập ra các toà án để buộc tội những người chống đối.
+ Tại 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ, chính sách của chính quốc (Anh) đối với các thuộc địa đã tác động tiêu cực đến quyền lợi của các tầng lớp nhân dân.
Câu hỏi trang 8 Lịch Sử 11: Trình bày tiền đề về xã hội của các cuộc cách mạng tư sản.
Lời giải:
- Những biến đổi về kinh tế làm cho mâu thuẫn xã hội ở Tây Âu và Bắc Mỹ ngày càng gay gắt.
- Giai cấp tư sản và đồng minh của họ (quý tộc mới ở Anh, chủ nổ ở Bắc Mỹ,...) tuy giàu có về kinh tế nhưng không có quyền lực về chính trị tương xứng. Vì vậy, họ đã tìm cách tập hợp quần chúng nhân dân để làm cách mạng. Ví dụ:
+ Ở Anh: nông dân là giai cấp đông đảo nhất trong xã hội. Họ không chỉ chịu ách áp bức nặng nề của Nhà nước, quý tộc phong kiến và giáo hội Anh giáo mà còn liên tục bị tước đoạt ruộng đất. Ngoài nông dân, cuộc sống của các giai cấp, tầng lớp khác như công nhân, thợ thủ công... cũng rất khổ cực.
+ Tại 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Anh đã gây ra mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa các tầng lớp nhân dân thuộc địa với chế độ thực dân.
+ Ở Pháp: xã hội Pháp phân chia thành 3 đẳng cấp: Quý tộc, Tăng lữ và Đẳng cấp thứ ba. Trong đó: Quý tộc và Tăng lữ là hai đẳng cấp nắm mọi chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước, quân đội, giáo hội và có mọi đặc quyền, được miễn các loại thuế; đẳng cấp thứ ba chịu nhiều áp bức, bóc lột. Do đó, mâu thuẫn giữa Tăng lữ, quý tộc với đẳng cấp thứ ba ngày càng sâu sắc.
Câu hỏi 1 trang 9 Lịch Sử 11: Trình bày tiền đề về tư tưởng của các cuộc cách mạng tư sản.
Lời giải:
- Tiền đề về tư tưởng của các cuộc cách mạng tư sản: để tập hợp quần chúng nhân dân, giai cấp tư sản cần có hệ tư tưởng để chống lại hệ tư tưởng phong kiến bảo thủ.
+ Với các cuộc cách mạng nổ ra sớm (Nê-đéc-lan, Anh), khi chưa có hệ tư tưởng của riêng mình, tư sản và đồng minh đã mượn ngọn cờ tôn giáo cải cách để tập hợp quần chúng (đạo Tin Lành ở Hà Lan, Thanh giáo ở Anh).
+ Ở Pháp, nền tảng của hệ tư tưởng dân chủ tư sản chính là Triết học Ánh sáng với đại diện tiêu biểu là Mông-te-xki-ơ, Vôn-te, Rút-xô.
Câu hỏi 2 trang 9 Lịch Sử 11: Lựa chọn một cuộc cách mạng tư sản mà em đã được học, nêu tiền đề của cuộc cách mạng đó.
Lời giải:
- Lựa chọn: tiền đề về tư tưởng của cách mạng tư sản Pháp (cuối thế kỉ XVIII)
- Trình bày:
+ Trào lưu Triết học Ánh sáng (với các đại diện tiêu biểu là: Mông-te-xki-ơ, Vôn-te, Rút-xô) đã kịch liệt phê phán tình trạng mục nát, lỗi thời của chế độ phong kiến chuyên chế và Giáo hội đương thời; đưa ra những lý thuyết về việc xây dựng nhà nước mới.
+ Những quan điểm tiến bộ của trào lưu Triết học Ánh sáng đã tấn công vào hệ tư tưởng của chế độ phong kiến, dọn đường cho cuộc cách mạng tư sản bùng nổ và thúc đẩy cách mạng phát triển đi lên.
Câu hỏi trang 9 Lịch Sử 11: Phân tích mục tiêu và nhiệm vụ của các cuộc cách mạng tư sản.
Lời giải:
- Mục tiêu của cách mạng tư sản: xoá sự những rào cản kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Ví dụ:
+ Ở Anh: tầng lớp quý tộc mới và giai cấp tư sản đấu tranh chống chế độ phong kiến chuyên chế.
+ Tại 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: nhân dân 13 thuộc địa hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, lập nên quốc gia mới.
+ Ở Pháp: nhân dân Pháp mong muốn lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế.
- Nhiệm vụ của cách mạng tư sản:
+ Nhiệm vụ dân tộc: nhằm xóa bỏ tình trạng cát cứ phong kiến, hình thành thị trường dân tộc thống nhất (hoặc giải phóng dân tộc).
+ Nhiệm vụ dân chủ: nhằm xóa bỏ chế độ phong kiến chuyên chế, xác lập nền dân chủ tư sản.
Câu hỏi 1 trang 11 Lịch Sử 11: Trình bày kết quả, ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản.
Lời giải:
- Kết quả, ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản:
+ Thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản đã lật đổ nền quân chủ chuyên chế hoặc giành độc lập dân tộc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
+ Đầu thập kỉ 70 của thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản được xác lập trên phạm vi thế giới.
Câu hỏi 2 trang 11 Lịch Sử 11: Lựa chọn một cuộc cách mạng tư sản mà em đã được học, nêu kết quả, ý nghĩa của cuộc cách mạng đó.
Lời giải:
♦ Lựa chọn: cách mạng tư sản Pháp (cuối thế kỉ XVIII)
♦ Trình bày:
- Kết quả:
+ Lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế tồn tại lâu đời ở Pháp.
+ Thành lập chế độ cộng hòa, đưa giai cấp tư sản lên cầm quyền, xóa bỏ nhiều trở ngại trên con đường phát triển của chủ nghĩa tư bản.
- Ý nghĩa:
+ Mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Pháp.
+ Làm lung lay chế độ phong kiến khắp châu Âu.
+ Để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho phong trào cách mạng các nước.
+ Tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái được truyền bá rộng rãi.
Luyện tập 1 trang 11 Lịch Sử 11: Lập bảng tóm tắt những nét chính về mục tiêu, nhiệm vụ, giai cấp lãnh đạo, động lực cách mạng, kết quả, ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản.
Lời giải:
BẢNG TÓM TẮT VỀ CÁC CUỘC CÁCH MẠNG TƯ SẢN
|
Mục tiêu
|
- Xoá sự những rào cản kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
|
Nhiệm vụ
|
- Nhiệm vụ dân tộc: xóa bỏ tình trạng cát cứ phong kiến, hình thành thị trường dân tộc thống nhất (hoặc giải phóng dân tộc).
- Nhiệm vụ dân chủ: xóa bỏ chế độ phong kiến chuyên chế, xác lập nền dân chủ tư sản.
|
Giai cấp lãnh đạo
|
- Giai cấp tư sản và đồng minh của họ (chủ nô, quý tộc phong kiến tư sản hóa,…)
|
Động lực cách mạng
|
- Giai cấp lãnh đạo và quần chúng nhân dân giữ vai trò quan trọng và là động lực của cách mạng.
- Khi quần chúng nhân dân tham gia đông đảo, liên tục thì thắng lợi của cách mạng càng triệt để.
|
Kết quả, ý nghĩa
|
- Thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản đã lật đổ nền quân chủ chuyên chế hoặc giành độc lập dân tộc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
- Đầu thập kỉ 70 của thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản được xác lập trên phạm vi thế giới.
|
Luyện tập 2 trang 11 Lịch Sử 11: Vì sao trong các cuộc cách mạng tư sản, Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII được coi là “đại cách mạng”.
Lời giải:
♦ Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII là một cuộc “đại cách mạng”. Vì:
- Cách mạng tư sản Pháp đã giải quyết triệt để những nhiệm vụ dân tộc và dân chủ đặt ra cho nước Pháp vào cuối thế kỉ XVIII, cụ thể là:
+ Nhiệm vụ dân tộc: Thống nhất lãnh thổ, hình thành thị trường dân tộc thống nhất, qua đó để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa; đấu tranh chống ngoại xâm và nội phản, bảo vệ độc lập dân tộc và chính quyền cách mạng.
+ Nhiệm vụ dân chủ: xóa bỏ chế độ phong kiến chuyên chế, xác lập nền dân chủ tư sản; xóa bỏ chế độ đẳng cấp, ban hành các quyền tự do, bình đẳng; đảm bảo quyền tư hữu về ruộng đất cho nông dân.
- Thắng lợi của Cách mạng tư sản Pháp không chỉ đưa đến những thay đổi sâu rộng trong phạm vi nước Pháp mà còn để lại dấu ấn sâu sắc trong tiến trình lịch sử châu Âu (nói riêng) và nhân loại (nói chung). Ví dụ như:
+ Những tư tưởng tiến bộ trong trào lưu Triết học Ánh sáng ở Pháp đã được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều nơi trên thế giới, làm cho thế kỉ XVIII đi vào lịch sử với tên gọi “thế kỉ Ánh sáng”.
+ Cổ vũ phong trào đấu tranh chống phong kiến ở các nước châu Âu; để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho phong trào cách mạng ở các nước,…
Vận dụng trang 11 Lịch Sử 11: Sưu tầm tư liệu từ sách, báo, internet về một cuộc cách mạng tư sản mà em ấn tượng nhất và viết một đoạn văn ngắn giới thiệu về cuộc cách mạng tư sản đó.
Lời giải:
- Lựa chọn: giới thiệu về Cách mạng tư sản Pháp (cuối thế kỉ XVIII)
- Trình bày:
Thế kỉ XVIII, Pháp vẫn là một quốc gia quân chủ chuyên chế lạc hậu ở châu Âu. Từ khi Lu-i XVI lên ngôi năm 1774, khủng hoảng kinh tế ngày càng trở nên trầm trọng. Nông nghiệp lạc hậu, nạn mất mùa, đói kém thường xuyên xảy ra. Công, thương nghiệp phát triển nhưng lại bị cản trở bởi chính sách thuế của nhà vua; đã vậy, tiền tệ và đơn vị đo lường không thống nhất, ngân sách thâm hụt. Trong khi đó, trật tự ba đẳng cấp ngày càng khoét sâu mâu thuẫn trong xã hội. Đẳng cấp ba bất bình với chính sách của nhà vua và hai đẳng cấp Tăng lữ và Quý tộc.
Trong tình hình đó, những tư tưởng tiến bộ về tự do, dân chủ, xã hội pháp quyền của Mông-te-xki-ơ, Vôn-te, Rút-xô,... được sự đón nhận rộng rãi trong xã hội Pháp, thúc đẩy người dân Pháp làm cách mạng.
Ngày 5/5/1789, vua Lu-i XVI triệu tập Hội nghị ba đẳng cấp với hi vọng có thể đạt được sự đồng thuận trong việc tăng thuế cũ và đặt ra thuế mới. Tuy nhiên, sự tranh cãi quyết liệt giữa đại diện các đẳng cấp đã xảy ra. Các đại biểu của đẳng cấp thứ ba tuyên bố thành lập Quốc hội Lập hiến. Vua Lu-i XVI dùng quân đội giải tán Quốc hội lập hiến. Ngày 14/7/1789, quần chúng nhân dân tấn công ngục Ba-xti. Cách mạng bùng nổ và lan rộng khắp nước Pháp.
Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII đã lật đổ chế độ phong kiến, thành lập chế độ cộng hoà, đưa giai cấp tư sản lên cầm quyền, xoá bỏ nhiều trở ngại trên con đường phát triển của chủ nghĩa tư bản.
Cách mạng tư sản Pháp là sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với nước Pháp mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nước trên thế giới, nhất là ở châu Âu; đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho phong trào cách mạng các nước. Tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái được truyền bá rộng rãi.
Lý thuyết Lịch sử 11 Bài 1: Một số vấn đề chung về cách mạng tư sản
I. Tiền đề của cách mạng tư sản
- Cách mạng tư sản là cuộc cách mạng do giai cấp tư sản lãnh đạo nhằm chống lại chế độ phong kiến, thiết lập nhà nước tư sản, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
- Cách mạng tư sản có thể bùng nổ và giành được thắng lợi dựa trên các tiền đề về kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng.
1. Kinh tế
- Kinh tế tư bản chủ nghĩa ra đời và phát triển trong lòng chế độ phong kiến hoặc chế độ thuộc địa.
- Tuy nhiên, sự phát triển đó gặp phải nhiều rào cản của nhà nước phong kiến hay chính sách cai trị hà khắc của chính quốc ở thuộc địa.
=> Để mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, cần phải xóa bỏ những rào cản đó.
2. Chính trị
- Chính sách cai trị của nhà nước phong kiến gây ra sự bất mãn ngày càng lớn cho giai cấp tư sản và các tầng lớp khác trong xã hội. Mâu thuẫn chính trị gay gắt dẫn tới sự bùng nổ các cuộc cách mạng tư sản. Ví dụ:
+ Ở Anh, nhà vua nắm mọi quyền lực, cai trị độc đoán và tiến hành đàn áp các tín đồ Thanh giáo, lập ra các toà án để buộc tội những người chống đối.
+ Chính sách của chính quốc (Anh) đối với các thuộc địa ở Bắc Mỹ đã tác động tiêu cực đến quyền lợi của các tầng lớp nhân dân.
3. Xã hội
- Những biến đổi về kinh tế làm cho mâu thuẫn xã hội ở Tây Âu và Bắc Mỹ ngày càng gay gắt.
- Giai cấp tư sản và đồng minh của họ (quý tộc mới ở Anh, chủ nổ ở Bắc Mỹ,...) tuy giàu có về kinh tế nhưng không có quyền lực về chính trị tương xứng. Vì vậy, họ đã tìm cách tập hợp quần chúng nhân dân để làm cách mạng.
4. Tư tưởng
- Để tập hợp quần chúng nhân dân, giai cấp tư sản cần có hệ tư tưởng để chống lại hệ tư tưởng phong kiến bảo thủ.
- Với các cuộc cách mạng nổ ra sớm (Nê-đéc-lan, Anh), khi chưa có hệ tư tưởng của riêng mình, tư sản và đồng minh đã mượn ngọn cờ tôn giáo cải cách để tập hợp quần chúng (đạo Tin Lành ở Hà Lan, Thanh giáo ở Anh).
- Ở Pháp, nền tảng của hệ tư tưởng dân chủ tư sản chính là Triết học Ánh sáng với đại diện tiêu biểu là Mông-te-xki-ơ, Vôn-te, Rút-xô.
II. Mục tiêu, nhiệm vụ, giai cấp lãnh đạo, động lực của cách mạng tư sản
1. Mục tiêu và nhiệm vụ
- Mục tiêu: xoá sự những rào cản kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Ví dụ:
+ Ở Anh: tầng lớp quý tộc mới và giai cấp tư sản đấu tranh chống chế độ phong kiến chuyên chế.
+ Tại 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: nhân dân 13 thuộc địa hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, lập nên quốc gia mới.
+ Ở Pháp: nhân dân Pháp mong muốn lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế.
- Nhiệm vụ:
+ Nhiệm vụ dân tộc: nhằm xóa bỏ tình trạng cát cứ phong kiến, hình thành thị trường dân tộc thống nhất (hoặc giải phóng dân tộc).
+ Nhiệm vụ dân chủ: nhằm xóa bỏ chế độ phong kiến chuyên chế, xác lập nền dân chủ tư sản.
2. Giai cấp lãnh đạo và động lực cách mạng
- Giai cấp lãnh đạo: giai cấp tư sản và đồng minh của họ (chủ nô, quý tộc phong kiến tư sản hóa,…). Ví dụ:
+ Cách mạng tư sản Anh: diễn ra dưới sự lãnh đạo của liên minh tư sản và quý tộc mới, song vai trò quan trọng lại thuộc về quý tộc mới.
+ Cuộc Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ diễn ra dưới sự lãnh đạo của liên minh tư sản và chủ nô.
+ Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII, giai cấp tư sản giành độc quyền lãnh đạo cách mạng.
- Động lực của cách mạng:
+ Giai cấp lãnh đạo và quần chúng nhân dân giữ vai trò quan trọng và là động lực của cách mạng.
+ Khi quần chúng nhân dân tham gia đông đảo, liên tục thì thắng lợi của cách mạng càng triệt để, tiêu biểu như Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII.
Nhân dân Pa-ri tấn công ngục Ba-xti trong cách mạng tư sản Pháp (tranh vẽ)
III. Kết quả và ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản
- Thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản đã lật đổ nền quân chủ chuyên chế hoặc giành độc lập dân tộc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
- Đầu thập kỉ 70 của thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản được xác lập trên phạm vi thế giới.