Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) | Kết nối tri thức Ngữ văn lớp 8

14.2 K

Tài liệu soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 8. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) hay nhất

Video soạn bài Văn lớp 8 Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học - Kết nối tri thức

* Yêu cầu

- Giới thiệu khái quát về tác giả và bài thơ (nhan đề, đề tài, thể thơ,…); nêu ý kiến chung của người viết về bài thơ.

- Phân tích được nội dung cơ bản của bài thơ (đặc điểm của hình tượng thiên nhiên, con người; tâm trạng của nhà thơ), khái quát chủ đề bài thơ.

- Phân tích được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (một số yếu tố thi luật của thể thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật; nghệ thuật tả cảnh, tả tình; nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ (từ ngữ, biện pháp tu từ,…);…).

- Khẳng định được vị trí, ý nghĩa của bài thơ.

* Phân tích bài viết tham khảo

Văn bản “Phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương”

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nêu khái quát giá trị của tác phẩm

- Trần Tế Xương được xếp vào hàng những cây bút trào phúng xuất sắc nhất của nền văn học dân tộc. Ông cũng là một nhà thơ trữ tình giàu cảm hứng nhân đạo và lòng yêu nước. Tú Xương còn là tác giả có nhiều cách tân táo bạo đối với thể loại thơ Nôm Đường luật.

- Thương vợ là một trong những bài thơ Nôm nổi tiếng nhất của ông.

2. Giới thiệu đề tài, thể thơ

- Đề tài: người vợ

- Thể thơ: thất ngôn bát cú Đường luật

3. Phân tích nội dung cơ bản của bài thơ

Nội dung chính: Chân dung người vợ trong cảm xúc yêu thương cùng tiếng cười tự trào và một cách nhìn về thân phận người phụ nữ của Tú Xương.

4. Phân tích một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài thơ

- Nhà thơ đã sử dụng một cách linh hoạt và điêu luyện các yếu tố đặc trưng của thể loại: sự hòa phối thanh điệu, kết cấu chặt chẽ, tính cô đọng, hàm súc,…

- Đồng thời, bài thơ mang đến những cách tân độc đáo ở nhiều bình diện: đề tài, thi liệu, ý tứ, đặc biệt là ngôn ngữ thơ.

5. Khẳng định vị trí, ý nghĩa của bài thơ

- Bài thơ Thương vợ là tác phẩm tiêu biểu cho giá trị tư tưởng và nghệ thuật của thơ Tú Xương. Tác giả đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn.

- Bài thơ vẫn khơi lên ở người đọc hôm nay sự đồng cảm, vẫn có giá trị bồi đắp những tình cảm đẹp đẽ, sâu sắc.

* Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn bài thơ

- Liệt kê một số bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật em đã học hoặc đã đọc.

- Lựa chọn bài thơ em hiểu và yêu thích để phân tích.

b. Tìm ý

* Ví dụ: Phân tích bài thơ “Thu điếu” Nguyễn Khuyến.

Em hãy đọc kĩ bài thơ đã chọn và dựa vào đặc điểm cơ bản của thể thơ để xác định các phương diện nội dung và nghệ thuật cần phân tích:

- Tìm hiểu nhan đề và bố cục của bài thơ để nhận biết đề tài và nội dung chính.

+ Nhan đề:  Thu điếu có nghĩa là “Câu cá mùa thu”. Việc câu cá chẳng qua là cái cớ, cái hoàn cảnh, cái chỗ để nói về mùa thu, để thưởng thức mùa thu mà thôi. Mùa thu, nhất là mùa thu ở làng quê, vốn đẹp, nhưng mùa thu, cảnh thu ngắm từ vị trí người câu cá, thưởng thức từ tâm trạng người ngồi câu cá, lại có cái đẹp, cái thú riêng.

+ Bố cục: 2 phần

+ Nội dung chính: Văn bản là một bức tranh đẹp về mùa thu ở làng quê Việt Nam, một không gian thu trong trẻo, thanh sạch và bình yên với những hình ảnh, đường nét xinh xẻo. Đồng thời cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước cùng tâm trạng đau xót của tác giả trước thời thế.

- Chia tách bài thơ thành các phần và xác định nội dung chính của từng phần. Có thể chia tách bài thơ theo chiều ngang (dựa vào mạch ý), hoặc theo chiều dọc (dựa vào hình tượng thơ).

+ Bài thơ “Thu điếu” chia thành 2 phần căn cứ theo mạch ý. Phần 1 (6 câu thơ đầu): Cảnh mùa thu ở vùng quê Bắc bộ. Phần 2 (2 câu thơ cuối): Hình ảnh, tâm trạng của nhân vật trữ tình

- Tìm những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ.

+ Về nội dung: Chú ý đặc điểm nổi bật của hình tượng thiên nhiên, hình tượng con người; những cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ; chủ đề bài thơ;…

+ Về nghệ thuật: Cách sử dụng các yếu tố thi luật của thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình,… Chú ý các từ gợi tả hình ảnh, âm thanh, biểu cảm và các biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ, đảo ngữ,…).

- Tìm hiểu thông tin cơ bản về tác giả, về hoàn cảnh sáng tác để hiểu thêm về bài thơ.

+ Nguyễn Khuyến là người có tài năng cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước thương dân. Nguyễn Khuyến là nhà thơ Nôm xuất sắc, nhà thơ của làng cảnh Việt Nam, nhà thơ lớn của nền văn học trung đại.

+ Bài thơ được viết trong thời gian Nguyễn Khuyến cáo quan về ở ẩn. Vì vậy bài thơ không chỉ đơn giản tái hiện cảnh sắc thiên nhiên mùa thu mà còn chất chứa những tâm sự, suy tư của tác giả.

c. Lập dàn ý

Sử dụng kết quả của phần Tìm ý, sắp xếp, tổ chức thành dàn ý. Khi lập dàn ý, cần chú ý những yêu cầu đối với kiểu bài để tập trung vào trọng tâm.

- Mở bài: Giới thiệu khái quát, ngắn gọn về Nguyễn Khuyến và bài thơ “Thu điếu” (nhan đề, đề tài, thể thơ,…); nêu ý kiến chung về bài thơ.

- Thân bài:

+ Ý 1: Phân tích đặc điểm nội dung:

• Phân tích hình tượng thơ (hình tượng thiên nhiên, hình tượng con người)

• Phân tích cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ.

• Khát quát chủ đề của bài thơ.

+ Ý 2: Phân tích một số nét đặc sắc về nghệ thuật:

• Cách sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật (theo mô hình chuẩn mực hay có sự cách tân)

• Những nét đặc sắc trong nghệ thuật tả cảnh, tả tình

• Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ (từ ngữ, cấu trúc, câu thơ, biện pháp tu từ,…).

- Kết bài: Khẳng định vị trí và ý nghĩa của bài thơ.

2. Viết bài

- Khi viết bài, em cần bám sát dàn ý đã lập; sử dụng đa dạng các hình thức trích dẫn; kết hợp phân tích với nhận xét, đánh giá.

- Sử dụng từ ngữ chính xác, chọn lọc; diễn đạt sáng rõ, thể hiện được cảm xúc của người viết.

- Chú ý sự khác nhau về yêu cầu, mục đích của kiểu bài ghi lại cảm xúc say khi đọc một bài thơ và kiểu bài phân tích một bài thơ.

Bài tham khảo Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật)

Nguyễn Khuyến là người có cốt cách thanh cao và giàu lòng yêu nước, ông một lòng không hợp tác với kẻ thù. Ông được mệnh danh là “nhà thơ của dân tình, làng cảnh Việt Nam”. Ông để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm thơ hay và đặc biệt là chùm ba bài thơ thu điển hình cho làng quê, phong cảnh Việt Nam. Trong đó nổi bật hơn cả là bài Câu cá mùa thu.

Nếu như ở bài Thu vịnh cảnh thu được đón nhận từ cao xa rồi mới đến gần thì bài Câu cá mùa thu khung cảnh thiên nhiên mùa thu lại được đón nhận ở một chiều kích khác: từ gần rồi tiến ra cao xa và từ cao xa trở về gần. Khung cảnh được mở ra với nhiều chiều hướng vô cùng sinh động.

Cảnh thu được mở ra với hình ảnh không gian hết sức trong trẻo:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Không khí mùa thu được gợi nên từ sự dịu nhẹ, nguyên sơ nhất của cảnh vật với làn nước trong veo, không một gợn đục. Mùa hè đã đi qua, những cơn mưa lớn với dòng nước đỏ đục đã không còn thay vào đó là cái thanh tĩnh, trong trẻo của làn nước, của cảnh vật. Trong không gian nhỏ hẹp ấy là hình ảnh của chiếc thuyền câu nhưng nó không hề lọt thỏm giữa không gian thiên nhiên mà lại rất hài hòa, cân xứng. Tác giả vẽ ra khung cảnh tưởng như đối lập ao thu – thuyền câu, nhưng kì thực chúng lại hòa quyện với nhau đến kì lạ. Bởi vật tác giả chọn là ao thu chứ không phải hồ thu – gợi cảm giác rộng lớn, choáng ngợp. Ao thu ấy khi có thuyền câu bên cạnh trở nên hài hòa, cân xứng và đậm chất khung cảnh làng quê Bắc Bộ Việt Nam. Hai câu thơ đầu gieo vần eo nhưng không hề gợi lên cảm giác eo hẹp, nhỏ bé, tù túng mà ngược lại gợi nên cái nhỏ nhắn, thanh thoát của cảnh vật.

Bức tranh thu tiếp tục được Nguyễn Khuyến phác họa ở cặp câu thơ tiếp theo:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Những đường nét của khung cảnh cũng hết sức mảnh mai với sóng hơi gợn tí, lá khẽ đưa vèo, dường như mọi chuyển động đều vô cùng nhẹ nhàng, thanh thoát. Vận dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh Nguyễn Khuyến đã làm nổi bật sự tĩnh lặng tuyệt đối của không gian, của cảnh vật. Phải là không gian vô cùng yên tĩnh thì thi nhân mới có thể cảm nhận tiếng động thật khẽ, thật êm của cảnh vật, dù là sóng có gợn hay chiếc lá khẽ đưa, bằng giác quan tinh tế, nhạy cảm Nguyễn Khuyến đã nắm trọn từng khoảnh khắc của thiên nhiên. Sắc vàng nếu như ở những bài thơ khác chính là sắc màu chủ đạo, là điểm nhấn để gợi nhắc mùa thu thì trong câu thơ của Nguyễn Khuyến sắc vàng ấy cũng như bao sắc màu khác trong bức tranh: xanh của trời, trong veo của nước,… nó chỉ góp phần tạo nên đường nét hài hòa cho bức tranh, tuyệt nhiên không gợi cảm giác buồn bã của tâm trạng, hay héo úa của cảnh vật.

Không chỉ vậy, cái hồn dân dã, vẻ đẹp mùa thu của làng quê Bắc Bộ còn được gợi lên từ những ngõ trúc quanh co:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Không gian được mở rộng ở chiều cao, tác giả hướng ánh mắt lên bầu trời để cảm nhận được cái “xanh ngắt” của bầu trời, và rất tự nhiên thu tầm nhìn về với ngõ trúc quanh co. Không gian mùa thu vô cùng tĩnh lặng. Mọi chuyển động đều quá nhẹ nhàng, êm ái không đủ để gợi nên âm thanh, duy chỉ có tiếng động của tiếng cá đớp mồi: “Cá đâu khẽ động dưới chân bèo”. Nhưng cái động đó kết hợp với từ “khẽ” lại chỉ càng nhấn mạnh, tô đậm hơn cái yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. Với nghệ thuật lấy động tả tĩnh, Nguyễn Khuyến đã cho thấy cái thanh tĩnh tuyệt đối của làng quê Việt Nam trong cảnh thu thanh bình, dịu nhẹ.

Bài thơ có nhan đề là Câu cá mùa thu, nói về chuyện câu cá mà thực lại không phải vậy. Mượn chuyện câu cá để cảm nhận hết trời thu, cảnh thu vào cõi lòng mình. Hẳn Nguyễn Khuyến phải có tâm hồn thanh tĩnh đến tuyệt đối mới có thể có nhận đầy đủ vẻ đẹp của mùa thu: trong veo, cái hơi gợn tí của nước, độ rơi khẽ khàng của lá. Đặc biệt sự tĩnh lặng trong tâm hồn thi nhân được gợi lên một cách sâu sắc từ tiếng động duy nhất trong bài thơ là tiếng cá đớp mồi dưới chân bèo. Sự tĩnh lặng trong cảnh vật gợi cho người đọc cảm nhận về sự cô đơn, uẩn khúc trong tâm hồn nhà thơ. Trong bài các gam màu lạnh xuất hiện nhiều: trong veo, xanh ngắt,… dường như cái lạnh của thu thấm vào tâm hồn nhà thơ hay chính tâm hồn cô đơn của tác giả lan tỏa sang cảnh vật. Đặt trong bối cảnh đất nước đầy biến thiên lúc bấy giờ, có thể thấy bài thơ thể hiện tâm trạng đau buồn của Nguyễn Khuyến trước hiện tình đất nước đầy đau thương.

Bài thơ thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của Nguyễn Khuyến. Tiếng Việt trong sáng, giản dị nhưng lại diễn tả được tất cả những gì tinh tế, đẹp đẽ nhất của cảnh vật, diễn tả được tâm trạng và tấm lòng của nhà thơ. Gieo vần “eo” – từ vận tài tình góp phần miêu tả không gian nhỏ hẹp và tâm trạng đầy uẩn khúc của tác giả. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh gợi lên cái tĩnh lặng tuyệt đối của thiên nhiên.

Bài thơ Câu cá mùa thu với ngôn ngữ bậc thầy không chỉ cho người đọc thấy tài năng của Nguyễn Khuyến trong việc dùng từ. Mà đằng sau đó ta còn cảm nhận được một tâm hồn gắn bó tha thiết với thiên nhiên, đất nước, tấm lòng yêu nước thầm lặng nhưng không kém phần sâu nặng.

3. Chỉnh sửa bài viết

Đọc lại bài viết, đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để chỉnh sửa. Tập trung vào một số nội dung sau:

- Các thông tin về nhan đề bài thơ, tên tác giả, đề tài, thể thơ và giá trị của bài thơ.

- Các ý chính thể hiện đặc điểm nội dung và một số đặc sắc nghệ thuật của bài thơ.

- Những nhận xét, đánh giá về vị trí, ý nghĩa của bài thơ.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 8 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Ca Huế trên sông Hương

Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật)

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một sản phẩm văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện tại)

Củng cố, mở rộng trang 55

Thực hành đọc: Qua Đèo Ngang

Đánh giá

5

1 đánh giá

1