Giải Địa Lí 9 Bài 36: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tiếp theo)

3.2 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Địa Lí lớp 9 Bài 36: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tiếp theo) chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tiếp theo) lớp 9.

Giải bài tập Địa Lí Lớp 9 Bài 36: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tiếp theo)

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 129 SGK Địa lí 9: Căn cứ vào bảng 36.1, hãy tính tỉ lệ (%) diện tích và sản lượng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long so với cả nước. Nêu ý nghĩa của việc sản xuất lương thực ở đồng bằng này.

Bảng 36.1. Diện tích, sản lượng lúa ở Đồng bằng sông cửu Long và cả nước, năm 2002

Vùng

Tiêu chí

Đồng bằng sông Cửu Long

Cả nước

Diện tích (nghìn ha)

3834,8

7504,3

Sản lượng (triệu tấn)

17,7

34,4

Phương pháp giải:

Tính toán.

Phân tích.

Trả lời:

Giải Địa Lí 9 Bài 36: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tiếp theo) (ảnh 1)

* Ý nghĩa của việc sản xuất lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long:

- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của nước ta. Việc sản xuất lương thực của vùng giải quyết nhu cầu lương thực cho nhân dân của vùng cũng như cả nước, đảm bảo vấn đề an ninh lương thực quốc gia.

- Cung cấp mặt hàng lúa gạo xuất khẩu có giá trị, thu nhiều ngoại tệ (Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là vùng xuất khẩu chủ lực).

- Cung cấp nguồn phụ phẩm cho ngành chăn nuôi, thúc đẩy ngành này phát triển.

- Giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

- Phát huy hiệu quả những thế mạnh về điều kiện tự nhiên và dân cư của vùng, góp phần sử dụng hợp lí và bảo vệ tài nguyên (thau chua, rửa mặn).

Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 130 SGK Địa lí 9: Tại sao đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản?

Phương pháp giải:

Phân tích.

Trả lời:

Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản do:

+ Tiếp giáp vùng biển rộng có nguồn lợi hải sản phong phú, có ngư trường trọng điểm Cà Mau - Kiên Giang.

+ Bờ biển dài (hơn 700 km) có nhiều cửa sông, bãi triều, rừng ngập mặn thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn. Nội địa có nhiều mặt nước của sông rạch, ao, hồ thích hợp để nuôi thủy sản nước ngọt.

+ Khí hậu cận xích đạo, thời tiết ít biến động thuận lợi để nuôi trồng, đánh bắt quanh năm.

+ Lũ hàng năm ở sông Mê Công đem lại nguồn lợi thủy sản nước ngọt to lớn.

+ Nguồn thủy sản tự nhiên phong phú, đa dạng: tôm, cá, cua biển, nghêu, sò huyết...

+ Nguồn thức ăn khá dồi dào từ trồng trọt, chăn nuôi.

+ Nguồn lao động đông và năng động, dân cư có truyền thống, nhiều kinh nghiệm nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 3 trang 131 SGK Địa lí 9: Dựa vào bảng 36.2 và kiến thức đã học, cho biết vì sao ngành chế biến lương thực, thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu công nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long?

Bảng 36.2. Các ngành công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2000

Ngành sản xuất

Tỉ trọng trong cơ cấu công nghiệp của vùng (%)

Hiện trạng

Chế biến lương thực, thực phẩm

65,0

Chủ yếu là xay xát lúa gạo, chế biến thủy sản đông lạnh, làm rau quả hộp, sản xuất đường mật. Sản phẩm xuất khẩu: gạo, thủy sản đông lạnh, hoa quả đông lạnh, hoa quả. Phân bố hầu khắp các tỉnh, thành phố trong vùng,…

Vật liệu xây dựng

12,0

Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng phân bố ở nhiều địa phương, lớn nhất là nhà máy xi măng Hà Tiên II

Cơ khí nông nghiệp, một số ngành công nghiệp khác

23,0

Phát triển cơ khí nông nghiệp. Thành phố Cần Thơ với khu công nghiệp Trà Nóc là trung tâm công nghiệp lớn nhất.

Phương pháp giải:

Phân tích.

Trả lời:

Ngành chế biến lương thực, thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu công nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long vì:

- Có nguồn nguyên liệu phong phú từ nông – ngư nghiệp:

+ Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm lương thực của nước ta nên nguồn nguyên liệu từ ngành sản xuất lương thực rất lớn, đặc biệt là lúa gạo. Diện tích và sản lượng lúa chiếm hơn 51% cả nước.

+ Ngoài ra, đây là vùng có nghề cá phát triển hàng đầu cả nước, sản lượng thủy sản hơn 1/2 cả nước.

+ Vùng trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước với nhiều loại hoa quả nhiệt đới.

- Đây là vùng xuất khẩu nông sản hàng đầu của nước ta (gạo, thủy sản đông lạnh, hoa quả ...).

Trả lời câu hỏi thảo luận số 4 trang 131 SGK Địa lí 9: Quan sát hình 36.2, hãy xác định các thành phố, thị xã có cơ sở công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm.

Giải Địa Lí 9 Bài 36: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tiếp theo) (ảnh 2)

Phương pháp giải:

Đọc bản đồ.

Trả lời:

Các thành phố, thị xã có cơ sở công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm: Cần Thơ, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Long Xuyên, Cao Lãnh.

⟹ Như vậy, công  nghiệp chế biến lương thực thực phẩm phát triển ở hầu hết các tỉnh của vùng, nhờ nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú. 

Trả lời câu hỏi thảo luận số 5 trang 131 SGK Địa lí 9: Nêu ý nghĩa của vận tải thủy trong sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phương pháp giải:

Phân tích và liên hệ.

Trả lời:

Ý nghĩa của vận tải thủy đối với sản xuất và đời sống nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long:

Mạng lưới giao thông đường bộ ở nhiều vùng nông thôn còn kém phát triển, hoạt động vận tải còn hạn chế, nhất là vào mùa mưa, nên giao thông vận tải thủy có vai trò hàng đầu trong gắn kết các địa phương ở đồng bằng với nhau. Ngoài ra, còn có vai trò quan trọng trong giao lưu giữa đồng bằng với các vùng khác và với cả nước ngoài. Giúp vận tải hàng hóa và phục vụ nhu cầu đi lại của con người.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 6 trang 133 SGK Địa lí 9: Thành phố Cần Thơ có những điều kiện thuận lợi gì để trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long?

Phương pháp giải:

Phân tích.

Trả lời:

Thành phố cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long nhờ có nhiều điều kiện thuận lợi:

-  Vị trí địa lí: ở trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, giao lưu thuận lợi với các địa phương khác trong đồng bằng, với các vùng trong nước và với nước ngoài (qua cảng Cần Thơ, sân bay Trà Nóc).

- Có sở hạ tầng phát triển nhất so với các thành phố khác trong vùng, với khu công nghiệp Trà Nóc lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ: trung tâm đào tạo và nghiên cứu lớn nhất vùng, sân bay quốc tế Trà Nóc ....

- Có quy mô dân số lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều lao động có tay nghề, có chuyên môn kĩ thuật, đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn.

- Có đại học Cần Thơ là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học quan trọng nhất đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

-Cần Thơ là thành phố công nghiệp, dịch vụ quan trọng.

- Là thành phố trực thuộc Trung ương, thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Câu hỏi và bài tập (trang 133 SGK Địa lí 9)

Bài 1 trang 133 SGK Địa Lí 9: Đồng bằng sông Cửu Long có những điều kiện thuận lợi gì để trở thành vùng sản xuất lương thực lớn nhất của cả nước ?

Phương pháp giải:

Phân tích.

Trả lời:

Những điều kiện thuận lợi để đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng sản xuất lương thực lớn nhất của cả nước:

- Điều kiện tự nhiên:

+ Diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 3 triệu ha, chiếm gần 1/3 diện tích đất nông nghiệp của cả nước.

+ Đất đai màu mỡ, nhất là dải đất phù sa ngọt dọc theo sông Tiền và sông Hậu, thích hợp cho việc trồng lúa với quy mô lớn.

+ Khí hậu nóng ẩm quanh năm, thời tiết ít biến động, nguồn nước sông ngòi tương đối dồi dào, thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ lúa.

+ Sông ngòi kênh rạch chằng chịt, với hệ thống sông Tiền sông Hậu tạo nên tiềm năng về cung cấp phù sa màu mỡ, nguồn nước tưới cho sản xuất nông, cải tạo đất phèn, đất mặn.

- Điều kiện kinh tế  - xã hội:

+ Nguồn lao động đông, có truyền thống, có khả năng tiếp thu kĩ thuật và công nghệ mới về trồng lúa.

+ Được Nhà nước chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật (thủy lợi, trạm, trại giống ...) ,

+ Mạng lưới cơ sở chế biến và dịch vụ sản xuất lương thực phát triển rộng.

- Nhu cầu lớn của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bài 2 trang 133 SGK Địa Lí 9: Phát triển mạnh công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm có ý nghĩa như thế nào đối với sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Phương pháp giải:

Phân tích và vận dụng.

Trả lời:

Ý nghĩa của việc phát triển mạnh công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm đối với sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long:

- Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản, tăng khả năng xuất khẩu, đem lại nguồn thu lớn.

- Góp phần sử dụng và bảo quản sản phẩm lâu dài hơn, đa dạng hóa sản phẩm lương thực, thực phẩm.

- Giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và chuyên môn hóa.

- Làm cho nền nông nghiệp của vùng tiến dần tới mô hình sản xuất liên kết nông, công nghiệp. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bài 3 trang 133 SGK Địa Lí 9: Dựa vào bảng 36.3: Vẽ biểu đồ cột thể hiện sản lượng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Nhận xét.

Bảng 36.3. Sản lượng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (nghìn tấn)

Năm

Vùng

1995

2000

2002

Đồng bằng sông Cửu Long

819,2

1169,1

1354,5

Cả nước

1584,4

2250,5

2647,4

Phương pháp giải:

Sử dụng kĩ năng vẽ biểu đồ cột

Trả lời:

Giải Địa Lí 9 Bài 36: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tiếp theo) (ảnh 3)

    Biểu đồ thể hiện sản lượng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Nhận xét:

- Nhìn chung sản lượng thủy cả nước và đồng bằng sông Cửu Long đều tăng liên tục.

+ Sản lượng thủy sản cả nước tăng nhanh từ 1584,4 nghìn tấn (1995) lên 2647,4 nghìn tấn (2002), tăng gấp 1,67 lần.

+ Sản lượng thủy sản đồng bằng sông  Cửu Long tăng từ 819,2 nghìn tấn (1995) lên 1354,5 nghìn tấn (2002), tăng gấp 1,65 lần.

- Sản lượng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long luôn chiếm tỉ trọng cao trong tổng sản lượng thủy sản cả nước (trên 50%), năm 1995 thủy sản đồng bằng sông Cửu Long chiếm 51,7% so với cả nước và năm 2002 chiếm 51,2%.

Lý thuyết Bài 36: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Phần 2. Kinh tế)

I. Tình hình phát triển kinh tế

a) Nông nghiệp

- Là vùng trọng điểm lúa lớn nhất của cả nước (chiếm 51,1% diện tích và 51,4% sản lượng lúa cả nước).

+ Bình quân lương thực theo đầu người đạt 1066,3 kg; gấp 2,3 lần trung bình cả nước (năm 2002).

+ Là vùng xuất khẩu gạo chủ lực của nước ta.

- Vùng trồng cây ăn quả nhiệt đới lớn nhất nước ta: xoài, dừa, cam, bưởi … 

- Nghề nuôi vịt đàn phát triển mạnh.

- Tổng sản lượng thủy sản chiếm hơn 50% cả nước, nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nghề nuôi tôm, cá nước ngọt xuất khẩu phát triển mạnh.

- Nghề rừng cũng giữ vị trí rất quan trọng, đặc biệt là trồng rừng ngập mặn ven biển và trên bán đảo Cà Mau.

b) Công nghiệp

- Tỉ trọng sản xuất công nghiệp còn thấp (khoảng 20% GDP toàn vùng năm 2002).

- Các ngành công nghiệp quan trọng: chế biến lương thực thực phẩm (chiếm tỉ trọng cao nhất), vật liệu xây dựng, cơ khí nông nghiệp và một số ngành công nghiệp khác.

- Công nghiệp phân bố chủ yếu ở các thành phố, thị xã, đặc biệt là Cần Thơ.

c) Dịch vụ

Các ngành chủ yếu: xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm, vận tải thủy và du lịch sinh thái bắt đầu phát triển.

- Hoạt động xuất khẩu: hàng xuất khẩu chủ lực là gạo, thủy sản đông lạnh, hoa quả.

- Giao thông đường thủy giữ vai trò quan trọng trong đời sống và hoạt động giao lưu kinh tế.

- Du lịch sinh thái phát triển: du lịch sông nước, miệt vườn, biển đảo.

II. Các trung tâm kinh tế

- Các thành phố: Cần Thơ, Mỹ Tho, Long Xuyên, Cà Mau là những trung tâm kinh tế của vùng.

 - Cần Thơ là trung tâm kinh tế lớn nhất.

 

Đánh giá

0

0 đánh giá