Với giải Câu 3 trang 26 sách bài tập Ngữ văn lớp 6 Chân trời sáng tạo chi tiết trong Bài 8: Những góc nhìn cuộc sống giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Ngữ văn 6. Mời các bạn đón xem:
Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài 8: Những góc nhìn cuộc sống
Câu 3 trang 26 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
NGƯỜI LỚN VÀ TRẺ EM CÓ NÊN ĐỐI THOẠI BÌNH ĐẲNG?
Do khoảng cách thế hệ, người lớn và trẻ em thường có nhiều khác biệt trong trải nghiệm và suy nghĩ về các vấn đề trong cuộc sống. Liệu người lớn và trẻ em có nên đối thoại bình đẳng với nhau hay không? Hãy đọc các ý kiến sau:
Ý kiến 1: Ông bà ta có câu “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư; “Không thầy đố mày làm nên”. Quả thật vậy, người lớn và trẻ em không nên đối thoại bình đẳng mà trẻ em cần phải biết nghe lời người lớn. Trẻ em cần phải nghe lời người lớn vì người lớn có nhiều kinh nghiệm hơn. Do vậy, người lớn sẽ có những lời khuyên, những bài học bổ ích để giúp cho trẻ em có được hướng đi đúng đắn trong cuộc sống. Trong nhiều trường hợp, người lớn do từng trải nên cũng có tinh thần trách nhiệm cao hơn, trẻ em cần nghe theo người lớn để tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Tôi còn nhớ câu chuyện về mẹ của thầy Mạnh Tử. Thuở nhỏ, thầy Mạnh Tử tuy thông minh, tư chất hơn người nhưng lại ham chơi, một lần do ham chơi mà thầy trốn học. Khi thầy trở về, mẹ thầy Mạnh Tử không nói gì, lấy kéo cắt mảnh vải bà đang dệt ra làm đôi. Hành động ấy của mẹ làm thấy Mạnh Tử hết sức ngỡ ngàng. Người mẹ nói: " Việc nghỉ học của con cũng giống như việc mẹ cắt đứt mảnh vải này. Người quân tử học để thành danh, thỉnh giáo người khác là để làm tăng thêm tri thức. Có tri thức, thì lúc nhàn nhã sẽ được an tĩnh bình hoà, lúc hành động thì có thể rời xa tai hoạc. Con hôm nay trốn học, khó tránh khỏi việc ngày sau chỉ làm một chút việc nhỏ cũng bỏ dỡ giữa chừng, tương lai càng khó mà rời xa được tai hoạ". Nếu không nhờ nghe theo người mẹ ấy, liệu có thể có một thầy Mạnh Tử tiếng tăm lừng lẫy sau này? Do vậy, không thể có chuyện người lớn và trẻ em đối thoại bình đẳng, mà người lớn phải đóng vai trò định hướng, chỉ dạy, còn trẻ em phải lắng nghe và vâng lời. |
Ý kiến 2: Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò sẽ tốt hơn rất nhiều nếu người lớn và trẻ em có được những cuộc đối thoại bình đẳng. Thứ nhất, dù trẻ em còn non nớt thì mỗi đứa trẻ đều có quan điểm riêng về thế giới, đều có những y kiến riêng đáng được tôn trọng. Có khi, những quan điểm của trẻ em về thế giới lại mang đến những thay đổi tích cực. Năm 11 tuổi, cô bé Ma-la-la Diu-sa-phơ-dai đã lên tiếng chống lại chế độ Ta-li-ban và bày tỏ quan điểm về việc xúc tiến giáo dục cho nữ giới tại Pa-ki-xtan. Tiếng nói của Ma-la-la đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực tại quê hương Cô. Ma-la-la là người trẻ tuổi nhất từng nhận được giải Nô-ben hoà bình, vào năm 2014. Bạn thấy đấy, đâu phải cứ là tiếng nói của trẻ em thì sẽ ngây thơ, nông nổi và không có giá trị? Thứ hai, người lớn cũng có khi mắc sai lầm, và họ cũng cần lắng nghe trẻ em để khắc phục lỗi sai của mình. Grét-ta Thân-bớt đã trở thành nhà hoạt động môi trường với những chiến dịch được quốc tế công nhận khi cố 15 tuổi. Trong bài diễn thuyết tại Hội nghị thượng đỉnh hành động vì môi trường của Liên hiệp quốc tại Niu Óoc, Grét – ta đã mạnh mẽ phê phán lãnh đạo các nước trên thế giới vì đã không có những hành động thiết thực và quyết liệt hơn để giảm thiểu khí thải: " Mọi người đang phải chịu đựng, đang chết dần. Toàn bộ hệ sinh thái đang sụp đổ.Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của sự tuyệt chủng hàng loạt. Nhưng tất cả những gì các vị nói là về tiền và những câu chuyện cổ tích về phát triển kinh tế. Sao các ngài lại dám làm như vậy?". Môi trường đang ngày càng ô nhiễm, sự sống của toàn cầu đang bị đe doạ, liệu những người lớn có giật mình thức tỉnh vì thông điệp của cô bé Grét – ta Thân – bớt? Nhiều người cho rằng nếu trẻ em đối thoại bình đẳng với người lớn thì sẽ là vô lễ. Điều đó không đúng. Những đối thoại bình đẳng, cởi mở dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, trái lại, là một cơ hội tốt để người lớn và trẻ em thấu hiểu nhau hơn, để cả hai bên lắng nghe, tìm thấy tiếng nói chung và hoàn thiện bản thân. |
a. Mỗi ý kiến trên là một văn bản riêng biệt. Em hãy cho biết trong hai văn bản trên, các tác giả bàn về vấn đề gì?
b. Tác giả của hai văn bản đã đưa ra những lí lẽ, bằng chứng nào để bảo vệ cho quan điềm của mình?
c. Dựa vào những ý kiến trao đổi ở trên, em hiểu thế nào là “đối thoại bình đẳng”?
d. Mỗi ý kiến đưa ra đều có điểm hợp lí và điểm chưa hợp lí. Chỉ ra những điểm hợp lí và chưa hợp lí ấy dựa vào bảng sau:
Ý kiến |
Điểm hợp lí |
Điểm chưa hợp lí |
Ý kiến 1: Trẻ em và người lớn không nên đối thoại bình đẳng với nhau. |
|
|
Ý kiến 2: Trẻ em và người lớn cần đối thoại bình đẳng với nhau. |
|
|
Trả lời:
a. Hai văn bản cùng bàn về vấn đề: việc đối thoại bình đẳng giữa người lớn và trẻ em. Trong đó ý kiến 1 đưa ra quan điểm: người lớn và trẻ em không nên đối thoại bình đẳng với nhau. Ý kiến 2 đưa ra quan điểm: việc đối thoại bình đẳng giữa người lớn và trẻ em là rất cần thiết.
b. Các lí lẽ và bằng chứng được đưa ra:
Ý kiến 1: Không nên có sự đối thoại bình đẳng giữa người lớn và trẻ em |
Ý kiến 2: Nên có sự đối thoại bình đẳng giữa người lớn và trẻ em |
Lí lẽ 1.1: Trẻ em cần phải nghe lời người lớn bởi vì người lớn có nhiều trải nghiệm hơn. Lí lẽ 1.2: Người lớn đủ khôn ngoan để giúp trẻ em không lầm đường, lạc lối. Bằng chứng: mẹ thầy Mạnh Tử dạy con. |
Lí lẽ 2.1: Trẻ em có những quan điểm riêng đáng được tôn trọng. Bằng chứng: Những đóng góp của Ma-la-la Diu-sa-phơ-dai cho cộng đồng của cô ở quê hương. Lí lẽ 2.2: Người lớn cần lắng nghe trẻ em để nhận ra những lỗi sai của mình. Bằng chứng: Những ý kiến của Grét-ta Thân-bớt về trách nhiệm bảo vệ môi trường của người lớn. |
c. “Đối thoại bình đẳng” trong văn bản chính là việc các ý kiến khác nhau được đưa ra xem xét một cách công bằng, không bị áp đặt. Dù là trẻ con hay người lớn thì đều có quyền nêu lên ý kiến của mình và các ý kiến ấy đều cần được tôn trọng và xem xét một cách công tâm. Tuy vậy, “Đối thoại bình đẳng” vẫn phải đảm bảo văn hoá giao tiếp, thể hiện sự lịch sự, tôn trọng đối phương.
d. Hai ý kiến trên văn bản đều có điểm hợp lí và chưa hợp lí. Điểm chưa hợp lí nằm ở chỗ cả hai ý kiến đều có cái nhìn một chiều, chưa đánh giá toàn vẹn vấn đề. Cụ thể là:
- Ý kiến 1: Hợp lí ở chỗ đã chỉ ra được trong nhiều trường hợp, trẻ em không đủ năng lực để quyết định và chịu trách nhiệm, nên phải nghe lời người lớn. Nhưng khi cho rằng “người lớn và trẻ em không nên có sự đối thoại bình đẳng”, thì ý kiến này đã phủ định tuyệt đối việc đối thoại bình đẳng, mà trong thực tế cuộc sống, nếu không có đối thoại bình đẳng thì không thể có sự thấu hiểu, và sẽ càng làm cho mối quan hệ giữa người lớn và trẻ em thêm xa cách.
- Ý kiến 2: Ý kiến hợp lí ở chỗ đã cho thấy trẻ em trong nhiều trường hợp cũng có những suy nghĩ, quan điểm đúng đắn, đáng để người lớn suy ngẫm. Điểm chưa hợp lí trong ý kiến này đó là đã không nhìn ra được những mặt hạn chế trong năng lực nhận thức của trẻ em, cũng như vai trò dẫn dắt của người lớn trong các cuộc đối thoại. Ta có thể thấy rằng, điểm bất hợp lí của ý kiến này lại chính là điểm hợp lí của ý kiến kia: Trong cuộc sống, trước một vấn đề đang có nhiều sự tranh cãi, có nhiều quan điểm trái chiều, ta nên nhìn nhận vấn đề từ nhiều quan điểm, nhiều góc nhìn để chọn cho mình một góc nhìn hợp lí nhất.
Xem thêm lời giải SBT Ngữ văn lớp 6 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Câu 1 trang 26 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Văn nghị luận là gì?...
Câu 2 trang 26 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Trình bày các yếu tố cơ bản của văn nghị luận...
Câu 3 trang 26 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:...
Câu 1 trang 30 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Từ mượn là gì?...
Câu 6 trang 30 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Đặt câu với hai từ Hán Việt tìm được ở bài tập trên...
Câu 3 trang 31 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Viết bài văn theo đề bài sau:...
Câu 4 trang 31 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Chuẩn bị bài nói theo đề bài sau:...