Sách bài tập Ngữ Văn 6 Bài 8: Những góc nhìn cuộc sống | Chân trời sáng tạo

3 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài 8: Những góc nhìn cuộc sống sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 6. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài 8: Những góc nhìn cuộc sống

I. Đọc (trang 26, 27, 28, 29, 30 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Câu 1 trang 26 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Văn nghị luận là gì?

Trả lời:

Văn nghị luận là loại văn bản có mục đích chính nhằm thuyết phục người đọc (người nghe) về một vấn đề.

Câu 2 trang 26 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Trình bày các yếu tố cơ bản của văn nghị luận.

Trả lời:

Các yếu tố cơ bản của văn nghị luận:

- Ý kiến: thể hiện quan điểm của người viết về vấn đề.

- Lí lẽ: cơ sở cho ý kiến, quan điểm của người viết.

- Bằng chứng: những minh chứng làm rõ cho lí lẽ, có thể là nhân vật, sự kiện, số liệu từ thực tế....

Câu 3 trang 26 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

NGƯỜI LỚN VÀ TRẺ EM CÓ NÊN ĐỐI THOẠI BÌNH ĐẲNG?

Do khoảng cách thế hệ, người lớn và trẻ em thường có nhiều khác biệt trong trải nghiệm và suy nghĩ về các vấn đề trong cuộc sống. Liệu người lớn và trẻ em có nên đối thoại bình đẳng với nhau hay không? Hãy đọc các ý kiến sau:

Ý kiến 1:

Ông bà ta có câu “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư; “Không thầy đố mày làm nên”. Quả thật vậy, người lớn và trẻ em không nên đối thoại bình đẳng mà trẻ em cần phải biết nghe lời người lớn.

Trẻ em cần phải nghe lời người lớn vì người lớn có nhiều kinh nghiệm hơn. Do vậy, người lớn sẽ có những lời khuyên, những bài học bổ ích để giúp cho trẻ em có được hướng đi đúng đắn trong cuộc sống.

Trong nhiều trường hợp, người lớn do từng trải nên cũng có tinh thần trách nhiệm cao hơn, trẻ em cần nghe theo người lớn để tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Tôi còn nhớ câu chuyện về mẹ của thầy Mạnh Tử. Thuở nhỏ, thầy Mạnh Tử tuy thông minh, tư chất hơn người nhưng lại ham chơi, một lần do ham chơi mà thầy trốn học. Khi thầy trở về, mẹ thầy Mạnh Tử không nói gì, lấy kéo cắt mảnh vải bà đang dệt ra làm đôi. Hành động ấy của mẹ làm thấy Mạnh Tử hết sức ngỡ ngàng. Người mẹ nói: " Việc nghỉ học của con cũng giống như việc mẹ cắt đứt mảnh vải này. Người quân tử học để thành danh, thỉnh giáo người khác là để làm tăng thêm tri thức. Có tri thức, thì lúc nhàn nhã sẽ được an tĩnh bình hoà, lúc hành động thì có thể rời xa tai hoạc. Con hôm nay trốn học, khó tránh khỏi việc ngày sau chỉ làm một chút việc nhỏ cũng bỏ dỡ giữa chừng, tương lai càng khó mà rời xa được tai hoạ". Nếu không nhờ nghe theo người mẹ ấy, liệu có thể có một thầy Mạnh Tử tiếng tăm lừng lẫy sau này?

Do vậy, không thể có chuyện người lớn và trẻ em đối thoại bình đẳng, mà người lớn phải đóng vai trò định hướng, chỉ dạy, còn trẻ em phải lắng nghe và vâng lời.

Ý kiến 2:

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò sẽ tốt hơn rất nhiều nếu người lớn và trẻ em có được những cuộc đối thoại bình đẳng.

Thứ nhất, dù trẻ em còn non nớt thì mỗi đứa trẻ đều có quan điểm riêng về thế giới, đều có những y kiến riêng đáng được tôn trọng. Có khi, những quan điểm của trẻ em về thế giới lại mang đến những thay đổi tích cực. Năm 11 tuổi, cô bé Ma-la-la Diu-sa-phơ-dai đã lên tiếng chống lại chế độ Ta-li-ban và bày tỏ quan điểm về việc xúc tiến giáo dục cho nữ giới tại Pa-ki-xtan. Tiếng nói của Ma-la-la đã

tạo ra nhiều thay đổi tích cực tại quê hương Cô. Ma-la-la là người trẻ tuổi nhất từng nhận được giải Nô-ben hoà bình, vào năm 2014.

Bạn thấy đấy, đâu phải cứ là tiếng nói của trẻ em thì sẽ ngây thơ, nông nổi và không có giá trị?

Thứ hai, người lớn cũng có khi mắc sai lầm, và họ cũng cần lắng nghe trẻ em để khắc phục lỗi sai của mình. Grét-ta Thân-bớt đã trở thành nhà hoạt động môi trường với những chiến dịch được quốc tế công nhận khi cố 15 tuổi. Trong bài diễn thuyết tại Hội nghị thượng đỉnh hành động vì môi trường của Liên hiệp quốc tại Niu Óoc, Grét – ta đã mạnh mẽ phê phán lãnh đạo các nước trên thế giới vì đã không có những hành động thiết thực và quyết liệt hơn để giảm thiểu khí thải: " Mọi người đang phải chịu đựng, đang chết dần. Toàn bộ hệ sinh thái đang sụp đổ.Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của sự tuyệt chủng hàng loạt. Nhưng tất cả những gì các vị nói là về tiền và những câu chuyện cổ tích về phát triển kinh tế. Sao các ngài lại dám làm như vậy?". Môi trường đang ngày càng ô nhiễm, sự sống của toàn cầu đang bị đe doạ, liệu những người lớn có giật mình thức tỉnh vì thông điệp của cô bé Grét – ta Thân – bớt?

Nhiều người cho rằng nếu trẻ em đối thoại bình đẳng với người lớn thì sẽ là vô lễ. Điều đó không đúng. Những đối thoại bình đẳng, cởi mở dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, trái lại, là một cơ hội tốt để người lớn và trẻ em thấu hiểu nhau hơn, để cả hai bên lắng nghe, tìm thấy tiếng nói chung và hoàn thiện bản thân.

a. Mỗi ý kiến trên là một văn bản riêng biệt. Em hãy cho biết trong hai văn bản trên, các tác giả bàn về vấn đề gì?

b. Tác giả của hai văn bản đã đưa ra những lí lẽ, bằng chứng nào để bảo vệ cho quan điềm của mình?

c. Dựa vào những ý kiến trao đổi ở trên, em hiểu thế nào là “đối thoại bình đẳng”?

d. Mỗi ý kiến đưa ra đều có điểm hợp lí và điểm chưa hợp lí. Chỉ ra những điểm hợp lí và chưa hợp lí ấy dựa vào bảng sau:

Ý kiến

Điểm hợp lí

Điểm chưa hợp lí

Ý kiến 1: Trẻ em và người lớn không nên đối thoại bình đẳng với nhau.

 

 

Ý kiến 2: Trẻ em và người lớn cần đối thoại bình đẳng với nhau.

 

 

Trả lời:

a. Hai văn bản cùng bàn về vấn đề: việc đối thoại bình đẳng giữa người lớn và trẻ em. Trong đó ý kiến 1 đưa ra quan điểm: người lớn và trẻ em không nên đối thoại bình đẳng với nhau. Ý kiến 2 đưa ra quan điểm: việc đối thoại bình đẳng giữa người lớn và trẻ em là rất cần thiết.

b. Các lí lẽ và bằng chứng được đưa ra:

Ý kiến 1: Không nên có sự đối thoại bình đẳng giữa người lớn và trẻ em 

Ý kiến 2: Nên có sự đối thoại bình đẳng  giữa người lớn và trẻ em

Lí lẽ 1.1: Trẻ em cần phải nghe lời người lớn bởi vì người lớn có nhiều trải nghiệm hơn.

Lí lẽ 1.2: Người lớn đủ khôn ngoan để giúp trẻ em không lầm đường, lạc lối.

Bằng chứng: mẹ thầy Mạnh Tử dạy con.

Lí lẽ 2.1: Trẻ em có những quan điểm riêng đáng được tôn trọng.

Bằng chứng: Những đóng góp của

Ma-la-la Diu-sa-phơ-dai cho cộng đồng của cô ở quê hương.

Lí lẽ 2.2: Người lớn cần lắng nghe trẻ

em để nhận ra những lỗi sai của mình.

Bằng chứng: Những ý kiến của Grét-ta

Thân-bớt về trách nhiệm bảo vệ môi

trường của người lớn.

c. “Đối thoại bình đẳng” trong văn bản chính là việc các ý kiến khác nhau được đưa ra xem xét một cách công bằng, không bị áp đặt. Dù là trẻ con hay người lớn thì đều có quyền nêu lên ý kiến của mình và các ý kiến ấy đều cần được tôn trọng và xem xét một cách công tâm. Tuy vậy, “Đối thoại bình đẳng” vẫn phải đảm bảo văn hoá giao tiếp, thể hiện sự lịch sự, tôn trọng đối phương.

d. Hai ý kiến trên văn bản đều có điểm hợp lí và chưa hợp lí. Điểm chưa hợp lí nằm ở chỗ cả hai ý kiến đều có cái nhìn một chiều, chưa đánh giá toàn vẹn vấn đề. Cụ thể là:

- Ý kiến 1: Hợp lí ở chỗ đã chỉ ra được trong nhiều trường hợp, trẻ em không đủ năng lực để quyết định và chịu trách nhiệm, nên phải nghe lời người lớn. Nhưng khi cho rằng “người lớn và trẻ em không nên có sự đối thoại bình đẳng”, thì ý kiến này đã phủ định tuyệt đối việc đối thoại bình đẳng, mà trong thực tế cuộc sống, nếu không có đối thoại bình đẳng thì không thể có sự thấu hiểu, và sẽ càng làm cho mối quan hệ giữa người lớn và trẻ em thêm xa cách.

- Ý kiến 2: Ý kiến hợp lí ở chỗ đã cho thấy trẻ em trong nhiều trường hợp cũng có những suy nghĩ, quan điểm đúng đắn, đáng để người lớn suy ngẫm. Điểm chưa hợp lí trong ý kiến này đó là đã không nhìn ra được những mặt hạn chế trong năng lực nhận thức của trẻ em, cũng như vai trò dẫn dắt của người lớn trong các cuộc đối thoại. Ta có thể thấy rằng, điểm bất hợp lí của ý kiến này lại chính là điểm hợp lí của ý kiến kia: Trong cuộc sống, trước một vấn đề đang có nhiều sự tranh cãi, có nhiều quan điểm trái chiều, ta nên nhìn nhận vấn đề từ nhiều quan điểm, nhiều góc nhìn để chọn cho mình một góc nhìn hợp lí nhất.

Câu 4 trang 28 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các cầu hỏi bên dưới:

VỀ HAI CÁCH HIỂU BÀI CA DAO RA ĐI ANH NHỚ QUÊ NHÀ

Ra đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương,

Nhớ ai dãi nắng dầu sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Bài ca dao Ra đi anh nhớ quê nhà được lưu hành khá rộng rãi và thống nhất trong nhân dân cũng như trong các tập sách sưu tầm, tuyển chọn ca dao. Cả bài vẻn vẹn có bốn câu, lời lẽ rất giản đị, dễ hiểu, tưởng chừng ai cũng hiểu như nhau, chẳng có chuyện gì phải bàn cãi, phân tích nữa. Thế nhưng thực tế đã có ít nhất hai cách hiểu khác nhau rõ rệt, cả hai cách đều có cơ sở và lí do để tồn tại. Cách hiểu thứ nhất nhấn mạnh vào nỗi “nhớ quê nhà” và coi chủ đề chính của bài ca dao là tình cảm quê hương đất nước. Cách hiểu thứ hai, nhấn mạnh vào nỗi “nhớ ai” ở hai câu cuối và coi chủ đề chính của bài ca dao là tình yêu đôi lứa.

Ở cách hiểu thứ nhất, tình yêu quê hương của chàng trai gắn với những hình ảnh bình dị, gần gũi, thân thuộc của quê hương. Mỗi con người, mỗi nhà thơ đều có cách định nghĩa riêng về quê hương của mình, không ai hoàn toàn giống ai cả. Quê hương của Tế Hanh in sâu trong tâm trí nhà thơ với “con sông xanh biếc”, “nước gương trong soi tóc những hàng tre”. Quê hương của Giang Nam có hoa, “có bướm”, “có những ngày trốn học bị đòn roi”,... Còn quê hương của chàng trai trong bài ca dao này là ““canh rau muống”, “cà dầm tương”, là những con người “dãi nắng dầu sương”, “tát nước bên đường”,... thật là tự nhiên và hợp tình hợp lí.

Ở cách hiểu thứ hai, nỗi nhớ quê nhà của anh gắn liền với nỗi nhớ người yêu. Cả hai nỗi nhớ đều chân thực, thiết tha. Qua đó, chàng trai bày tỏ tình yêu với người bạn gái. Đôi trai gái ở đây đã chú ý đến nhau nhưng chưa một lần thổ lộ, tình yêu của họ đang ở buổi ban đầu, e ấp, khó nói. Giờ đây, khi sắp sửa xa quê, chàng trai mới mạnh dạn gặp cô gái để giãi bày tâm sự. Cách diễn đạt nỗi nhớ từ xa đến gần, từ chung đến riêng, từ mơ hồ đến xác định và cách xưng hô “anh - ai” chứng tỏ rằng chàng trai rất e dè, thận trọng, dường như vừa nói vừa thăm dò sự phản ứng của cô gái. Nhằm mục đích bày tỏ tình yêu, nhưng suốt cả bài ca dao chàng trai ở đây (cũng giống như các chàng trai trong nhiều bài ca dao tỏ tình khác) đã né tránh không đụng chạm đến từ “yêu”, “thương” nào cả. Tất cả sự yêu thương đều dồn vào một từ “nhớ” được nhắc đi nhắc lại đến năm lần, mỗi lần một cung bậc khác nhau và càng về sau càng cụ thể, tha thiết. Nếu coi bài ca dao là lời tâm sự trước lúc đi xa của chàng trai với cô gái thì có một điều đặc biệt đáng chú ý nữa là, chàng trai chưa đi xa mà đã nhớ!

Mỗi cách hiểu đã trình bày và phân tích ở trên đều có chỗ hợp lí và chỗ hay riêng của nó. Nhưng nhìn chung thì cách hiểu thứ hai hay hơn và độc đáo hơn cách hiểu thứ nhất.

(Theo Hoàng Tiến Tựu, Bình giảng ca dao, NXB Giáo dục, 1999)

a. Tác giả đã đưa ra ý kiến gì về hai cách hiểu bài ca dao? Hãy xác định lí lẽ, bằng chứng tác giả đưa ra để củng cố cho hai ý kiến dựa vào sơ đồ sau:

Bài 8: Đọc trang 26, 27, 28, 29, 30

b. Em hãy tóm tắt nội dung của văn bản trên trong một đoạn văn (khoảng 150 đến 200 chữ).

e. Ở đoạn hai, việc tác giả nêu những ấn tượng về quê hương trong thơ Tế Hanh, Giang Nam có ý nghĩa gì?

d. Trong hai cách hiểu mà tác giả đưa ra, em thích cách hiểu nào hơn? Vì sao?

Trả lời:

a. HS trả lời dựa vào bảng sau:

Ý kiến

Lí lẽ

Bằng chứng

Ý kiến 1: Bài ca dao thể hiện nỗi nhớ quê hương.

Tình yêu quê hương của chàng trai gắn liền với những hình ảnh bình dị, gần gũi, thân thuộc của quê hương

Chàng trai định nghĩa quê hương qua các hình ảnh "canh rau muống", " cà dầm tương", những con người " dãi nắng dầu sương, tát nước bên đường".

Ý kiến 2: Bài ca dao thể hiện tình yêu đôi lứa

Tình yêu chưa một lần thổ lộ, tình yêu đang ở buổi ban đầu e ấp, khó nói

- Cách diễn đạt mơ hồ và cách xưng hô " anh-ai" như một cách bày tỏ kín đáo tình cảm, là một cách thăm dò cô gái.

- Tất cả yêu thương dồn vào từ " nhớ" được nói đi nói lại đến năm lần.

b. Dựa vào bảng trên, HS viết đoạn văn tóm tắt văn bản. Chú ý đoạn văn cần đảm bảo trình bày được các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng được nêu trong văn bản.

c. Việc tác giả nêu những ấn tượng về quê hương trong thơ Tế Hanh, Giang Nam nhằm khẳng định mỗi nhà thơ đều có những cách khác nhau định nghĩa về tình yêu quê hương của mình, từ đó nhấn mạnh vào nét riêng biệt, độc đáo của bài ca dao Ra đi anh nhớ quê nhà khi viết về quê hương, tình yêu quê hương đối với chàng trai thể hiện qua những hình ảnh gần gũi, bình dị của quê nhà, với những người lao động chất phác, chăm chỉ.

d. HS trình bày ý kiến về cách hiểu mà mình yêu thích, biết đưa ra những lí lẽ, bằng chứng để củng cố cho ý kiến của mình.

II. Tiếng Việt (trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Câu 1 trang 30 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Từ mượn là gì?

Trả lời:

Từ mượn là những từ mà tiếng Việt mượn từ ngôn ngữ nước ngoài để làm phong phú thêm cho vốn từ tiếng Việt.

Câu 2 trang 30 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Khi sử dtừ mượn trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta cần lưu ý điều gì?

Trả lời:

Khi sử dụng từ mượn, cần tránh lạm dụng. Chỉ nên dùng từ mượn trong trường hợp tiếng Việt không có từ tương đương để biểu đạt.

Câu 3 trang 30 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Em hãy chỉ ra từ mượn gốc Hán và từ mượn gốc ngôn ngữ phương Tây trong đoạn trích sau:

Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn. Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác tên mạng hời hợt và vội vã.

(Đặng Hoàng Giang, Bức xúc không làm ta vô can, NXB Hội Nhà văn, 2015)

Trả lời:

Các từ mượn trong ngữ liệu:

Từ mượn gốc Hán

Bản thân, cô đơn, tương tác.

Từ mượn gốc ngôn ngữ phương Tây

smartphone, online, like.

Câu 4 trang 30 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Giải thích nghĩa của các từ Hán Việt được in đậm trong các câu sau:

a. Thuở nhỏ, thầy Mạnh Tử tuy thông minh, tư chất hơn người nhưng lại ham chơi, một lần do ham chơi mà thầy trốn học.

b. Người quân tử học để thành danh, thỉnh giáo người khác là để làm tăng thêm tri thức.

c. Thứ nhất, dù trẻ em còn non nớt thì mỗi đứa trẻ đều có quan điểm riêng về thế giới, đều có những ý kiến riêng đáng được tôn trọng.

d. Tiếng nói của Ma-la-la đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực tại quê hương cô.

Trả lời:

Giải thích ý nghĩa các từ Hán Việt được in đậm:

- Thông minh: có năng lực trí tuệ tốt, hiểu nhanh, tiếp thu nhanh.

- Tư chất: tính chất vốn có của một người.

- Thành danh: dựng nên tên tuổi.

- Thỉnh giáo: xin người ta dạy bảo.

- Tri thức: những điều người ta vì kinh nghiệm và học tập mà biết, hay vì lí trí và cảm xúc mà biết.

- Quan điểm: điểm xuất phát quy định hướng suy nghĩ, cách xem xét, đánh giá về một sự vật, sự việc nào đó.

- Thế giới: Trái Đất, bề mặt là nơi toàn thể loài người đang sinh sống.

- Tôn trọng: tỏ thái độ đánh giá cao và cho là không được vi phạm hoặc xúc phạm đến.

- Tích cực: tỏ ra chủ động, có những hoạt động tạo ra sự biến động theo hướng phát triển.

Câu 5 trang 30 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Tìm các từ ghép có các yếu tố gốc Hán trong bảng sau và giải thích ý nghĩa của các từ đó:

STT

Yếu tố

Từ ghép gốc Hán

1

thuỷ (nước)

thuỷ triều,...

2

vô (không)

Vô biên,…

3

đồng (cùng)

Đồng niên, …

4

gia (thêm vào)

Gia vị, …

5

giáo (dạ bảo)

Giáo dục, …

Trả lời:

HS tìm thêm một số từ ghép Hán Việt từ yếu tố Hán Việt đã cho. Sau đó, lập bảng từ để giải nghĩa các từ Hán Việt tìm được, theo mẫu sau:

STT

Từ

Nghĩa

1

Thuỷ triều

Hiện tượng nước biển dâng lên rút xuống một hai lần trong ngày, chủ yếu do sức hút của mặt trăng và mặt trời.

2

Vô biên

Rộng lớn đến mức như không có giới hạn.

3

Đồng niên

Cùng tuổi

4

Gia vị

Thứ cho thêm vào món ăn để tăng mùi vị.

5

Giáo dục

Hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra.

Câu 6 trang 30 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Đặt câu với hai từ Hán Việt tìm được ở bài tập trên.

Trả lời:

- Hằng năm, nhân dân vùng biển phải chịu những cơn thủy triều lớn gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt.

- Nhờ có sự giáo dục của thầy cô mà chúng em mới đạt được thành công như ngày hôm nay.

III. Viết ngắn (trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Câu hỏi trang 20 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Giả sử một người bạn của em đang có bất đồng ý kiến với cha mẹ. Em hãy viết cho bạn một tin nhắn (dưới hình thức một đoạn văn) để gợi ý cách giúp bạn và cha mẹ hiểu nhau hơn (trong đoạn văn có sử dụng hai từ Hán Việt).

Trả lời:

HS viết đoạn văn, sau đó tự đánh giá đoạn văn dựa trên bảng kiểm sau:

Các phần của đoạn văn

Nội dung kiểm tra

Đạt/ Chưa đạt

Mở đoạn

Có phần mở đầu tin nhắn hướng đến đối tượng đọc.

 

Nêu được vấn đề cần giải quyết.

 

Thân đoạn

Trình bày được gợi ý giúp bạn và cha mẹ thấu hiểu

nhau hơn.

 

Nêu được lí lẽ, bằng chứng củng cố cho ý kiến của

mình.

 

Sử dụng một số từ ngữ để tạo sự liên kết chặt chẽ

giữa các câu.

 

Kết đoạn

Khẳng định lại ý kiến của bản thân.

 

Có phần kết thúc tin nhắn hướng đến người đọc.

 

* Gợi ý:

Gửi Hoa! Tớ biết mấy ngày hôm nay cậu rất buồn vì xảy ra mâu thuẫn với bố mẹ cậu, và tớ cũng biết cậu rất ấm ức vì bố mẹ không chịu hiểu mình. Nhưng Hoa biết không, đứng ở góc độ khách quan thì theo tớ chúng ta nên thông cảm với bố mẹ của cậu bởi khi ấy họ quá nóng giận nên mới có những lời lẽ trách móc như vậy. Bình tĩnh lại mà suy nghĩ thì Hoa cũng chưa giải thích rõ ràng vấn đề cho bố mẹ hiểu nên họ mới nổi nóng như vậy. Bố mẹ không phải siêu nhân, ông bụt hay bà tiên mà không biết nóng giận, cho nên chúng mình cần biết thông cảm với họ nhiều hơn. Bố mẹ nào cũng rất yêu thương con cái của mình, chỉ là đôi khi cuộc sống ngoài kia quá áp lực khiến họ dễ nổi giận mà thôi. Hãy gặp bố mẹ, nói lời xin lỗi và giải thích rõ ràng để bố mẹ có thể hiểu cậu hơn Hoa nhé! Tớ mong mọi vấn đề sẽ được giải quyết và cậu sẽ lại vui vẻ như bình thường. Thân mến!

IV. Viết (trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Câu 1 trang 31 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Chỉ ra những yêu câu đối với bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống.

Trả lời:

Những yêu cầu đối với bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống:

- Trình bày rõ ràng ý kiến về một hiện tượng cần bàn luận.

- Nêu lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ cho ý kiến.

- Đảm bảo bố cục ba phần của bài viết.

Mở bài: giới thiệu được hiện tượng người viết quan tâm và thể hiện rõ ý kiến của người viết về hiện tượng ấy.

Thân bài: đưa ra được ít nhất hai lí lẽ cụ thể để lí giải cho ý kiến của người viết. Các ý kiến được sắp xếp theo trình tự hợp lí. Người viết có thể sử dụng các từ ngữ để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận. Người viết cần đưa ra được bằng chứng thuyết phục để làm sáng tỏ lí lẽ.

Kết bài: khẳng định lại vấn đề và đưa ra những đề xuất.

Câu 2 trang 31 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Trong bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống, những từ ngữ như “bên cạnh đó”, “mặt khác”, “thứ nhất”, “thứ hai”, “thứ ba”,... có tác dụng gì?

Trả lời:

Các từ ngữ như “bên cạnh đó”, “mặt khác”, “thứ nhất”, “thứ hai”, “thứ ba”,... có tác dụng chuyển ý, giúp người đọc dễ dàng nhận ra mạch lập luận của bài viết.

Câu 3 trang 31 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Viết bài văn theo đề bài sau:

Việc hình thành thói quen tốt là rất cần thiết đối với HS. Hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ về việc hình thành một thói quen tốt mà em cho là quan trọng đối với bản thân.

Trả lời:

Hướng dẫn thực hiện bài viết:

Bước 1: Chuẩn bị bài viết

Xác định đề tài

Đề tài ở đây là việc hình thành thói quen tốt đối với các bạn HS. Trong cuộc sống, có nhiều thói quen tốt mà một HS cần hình thành như: thói quen đọc sách, thói quen đúng giờ, thói quen tự học, thói quen tập thể dục,... Em hãy lựa chọn một thói quen tốt mà em cho là quan trọng với bản thân để triển khai bài viết.

Thu thập tư liệu

Sau khi xác định được thói quen mình muốn viết, em hãy tiến hành thu thập tư liệu về thói quen ấy. Em có thể thu thập tư liệu dựa vào bảng sau:

STT

Tên bài viết, tác giả bàn về thói quen

Ý kiến của tác giả

Lí lẽ, bằng chứng đáng lưu ý

Ý kiến của tôi về vấn đề trong bài viết

1

 

 

 

 

1

 

 

 

 

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý

Em có thể dựa vào sơ đồ sau để tìm ý về thói quen cần bàn luận:

Bài 8: Viết trang 31

Sau đó, em chọn ra một ý kiến mình tâm đắc nhất để lập dàn ý.

Lập dàn ý

Em có thể lập dàn ý theo gợi ý sau:

MỞ BÀI

- Thói quen cần bàn luận: ....................................

- Ý kiến của tôi về thói quen đó: .............................

THÂN BÀI

- Lí lẽ 1: .............................................

- Bằng chứng 1: ...................................

- Lí lẽ 2: .............................................

- Bằng chứng 2: ...................................

- Trao đổi với ý kiến trái chiều (nếu có):...........................

KẾT BÀI

- Khẳng định lại vấn đề:..........................

- Giải pháp của tôi:..................................

Bước 3: Viết bài

Trước khi viết, em có thể tham khảo phần Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản trong SGK.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

Sau khi viết, em tự đánh giá lại bài viết của mình theo bảng kiểm sau:

Các phần của bài viết

Nội dung kiểm tra

Đạt/

Chưa đạt

Mở bài

Có dẫn dắt vào vấn đề cần bàn luận.

Nêu được cụ thể hiện tượng sẽ bàn luận.

 

Thân bài

Thể hiện rõ ràng ý kiến về hiện tượng.

Trình bày được ít nhất hai lí lẽ cụ thể để làm rõ ý kiến.

Đưa ra được bằng chứng thuyết phục để củng

cố cho lí lẽ.

Đã sắp xếp các lí lẽ, bằng chứng theo một trình

tự hợp lí.

 

Kết bài

Khẳng định lại ý kiến của mình.

Đề xuất được những giải pháp.

 

* Gợi ý:

Sách là kho kiến thức bất tận của nhân loại. Người đọc sách là những người miệt mài đi tìm hiểu đến tận cùng của kho báu quý giá ấy. Chính vì vậy, việc đọc sách của mỗi người là vô cùng cần thiết. Vai trò của việc đọc sách đối với việc tìm hiểu kiến thức cũng như để hoàn thiện bản thân mình ngày càng cần thiết và được trau dồi hơn.

Có rất nhiều định nghĩa về sách, mỗi người lại có cách hiểu, cách nhìn nhận riêng về sách. Tuy nhiên có thể nói ngắn gọn sách chính là tri thức, là nơi con người có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, trau dồi và rèn luyện bản thân mình. Hiện nay, sách có rất nhiều loại: Sách giải trí, sách khoa học, sách nấu ăn, sách chuyên đề,…Mỗi loại sách lại mang trong mình những đặc điểm riêng biệt, cung cấp cho người đọc những thông tin khác nhau.

Chính vì thế mà đọc sách có rất nhiều tác dụng, trước hết từ chức năng của từng loại sách sẽ tương ứng với những tác dụng khác nhau.

Trước hết, đọc sách để tìm hiểu, nâng cao kiến thức. Chúng ta không phải cái gì cũng biết, cái gì cũng tường tận. Khi đọc sách chúng ta sẽ vỡ ra được cái mình cần tìm như thế nào. Lê nin từng nói “Học, học nữa, học mãi”. Vấn đề học liên quan đến vấn đề đọc sách, vì chúng ta học cũng xuất phát từ việc đọc sách mà ra.

Cuộc sống của mỗi người bận rộn, thời gian nghỉ ngơi rất ít, nhiều khi bạn muốn tìm một phương tiện nào đó để xả stress. Sách chính là một nơi bạn có thể tìm đến để ru ngủ tâm hồn, để làm phong phú và thư giãn cho tâm hồn. Ở vấn đề này có mảng sách giải trí như truyện tranh, truyện ngôn tình, truyện trinh thám. Những cuốn sách này sẽ giúp bạn mở mang đầu óc, thư giãn tâm hồn, có thể hiểu thêm về cuộc sống xung quanh mình tốt hơn.

Đọc sách không chỉ nâng cao kiến thức mà đọc sách còn giúp chúng ta biết yêu thương và trân trọng những người xung quanh mình hơn. Sách với những nội dung giới thiệu tấm gương vượt khó, những hoàn cảnh khó khăn. Đọc để chúng ta thấy được ý chí, nghị lực phi thường của những điều tưởng chừng như không thể. Đến với sách, trái tim chai sạn bỗng nhiên như được tắm táp trở nên mềm mại, hiền hòa hơn.

Ở mỗi lứa tuổi tương ứng với những cách đọc sách, loại sách riêng, giúp mỗi người cảm thấy mình học tập và rèn luyện được rất nhiều từ sách. Đọc sách có vai trò, tác dụng lớn đối với mỗi người song phải đọc sách như thế nào, phương pháp đọc sách ra sao cũng là một vấn đề cần được đặt ra. Việc chọn sách để đọc, chọn môi trường đọc, chọn kiến thức để tìm hiểu rất cần thiết. Nó có thực sự phù hợp và cần thiết đối với cuộc sống của bạn hay không. Người ta bảo chọn sách để đọc cũng như việc chọn bạn mà chơi là vì thế. Những cuốn sách tốt sẽ khiến bạn tốt lên và ngược lại. Bởi vậy chọn sách vô cùng quan trọng.

Như vậy, cuộc sống của mỗi người, để không bị tụt hậu, để có thể tự tin hơn trong cuộc sống thì việc đọc sách là cực kỳ cần thiết và nên được rèn luyện hằng ngày. Tạo thói quen đọc sách để không ngừng nâng cao trí tuệ bản thân hơn.

V. Nói và nghe (trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Câu 1 trang 31 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Khi trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) trong đời sống, việc tóm tắt các ý dưới dạng dàn ý hoặc sơ đồ có tác dụng gì?

Trả lời:

Khi trình bày ý kiến về một hiện tượng, vấn đề trong đời sống, việc tóm tắt các ý dưới dạng dàn ý hoặc sơ đồ giúp cho người nới chủ động, nắm vững các nội dung trình bày, cũng như giúp cho người nghe đễ dàng theo dõi mạch lập luận của bài nói.

Câu 2 trang 31 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Trong khi trình bày ý kiến trước tập thể, em cần chú ý điều gì?

Trả lời:

Trong lúc trình bày ý kiến trước tập thể, cần chú ý:

- Dựa vào tóm tắt ý đã chuẩn bị từ trước.

- Trình bày từ khái quát đến cụ thể: tóm tắt hệ thống ý của bài nói trước, sau đó đi vào cụ thể từng phần.

- Kết nối các tư liệu trực quan (hình ảnh, đoạn phim, sơ đồ, bảng biểu...) với bài nói.

- Chú ý tương tác với khán giả bằng cách đến gần khán giả, giao tiếp bằng mắt.

Câu 3 trang 31 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Khi trao đổi với phản hồi của người nghe về bài nói của mình, em cần chú ý điều gì?

Trả lời:

Khi trao đổi với phản hồi của người nghe, cần chú ý:

- Có thái độ cầu thị, nghiêm túc lắng nghe và ghi chép ý kiến của khán giả.

- Lựa chọn một số câu hỏi, ý kiến phản biện mà em cho là quan trọng để phản hồi trong khuôn khổ thời gian cho phép.

- Sau buổi trình bày, có thể tiếp tục trao đổi với khán giả những ý kiến chưa được làm rõ (có thể thông qua một số phương tiện như thư điện tử, tin nhắn, mạng xã hội,...).

Câu 4 trang 31 SBT Ngữ Văn 6 Tập 2: Chuẩn bị bài nói theo đề bài sau:

Trong tiết sinh hoạt đầu tuần, lớp em sẽ tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề: Có nên chơi game online hay không? Em hãy chuẩn bị bài nói để trình bày ý kiến của mình trước lớp.

Trả lời:

Hướng dẫn thực hiện bài nói:

Bước 1: Xác định đề tài, thời gian và không gian nói

- Đề tài ở đây là game online.

- Thời gian nói là trong tiết sinh hoạt đầu tuần.

- Không gian nói là trong lớp học.

Bài nói sẽ được trình bày trước giáo viên và các bạn cùng lớp.

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý

- Viết ra câu trả lời cho câu hỏi: Có nên chơi game online hay không?

- Viết ra những lí lẽ, bằng chứng củng cố cho ý kiến của em.

- Em có thể tìm hiểu các thông tin về game onlie thông qua sách vở, các trang web uy tín.

Lập dàn ý

- Sắp xếp các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng theo trình tự hợp lí.

- Tìm hình ảnh, đoạn phim, sơ đồ, bảng biểu để tăng tính sinh động cho phần trình bày.

- Dự kiến những câu hỏi, ý kiến phản biện của người nghe và có phương án trả lời. Em có thể dựa vào những tư liệu mình tìm được về game online để chuẩn bị câu trả lời.

Bước 3: Luyện tập và trình bày

Luyện tập

Em có thể luyện nói trước gương hoặc luyện nói với các bạn trong nhóm. Khi luyện tập em cần chú ý lựa chọn từ ngữ cho phù hợp với văn nói, dự kiến phần mở đầu và kết thúc hấp dẫn.

Trình bày

Bài nói sẽ được trình bày vào tiết sinh hoạt đầu tuần, trong không gian lớp học, với đối tượng người nghe là thầy cô, các bạn cùng lớp, nên em có thể chọn cách trình bày gần gũi, tự nhiên. Khi trình bày em nên chú ý đến việc tương tác với người nghe.

Bước 4: Trao đổi và đánh giá

Em trao đổi với các ý kiến của các bạn về bài nói của mình. Khi trao đổi cần có thái độ cầu thị, lắng nghe.

Sau đó, trong vai trò người nói và người nghe, em hãy đánh giá bài nói của bản thân và của các bạn khác dựa vào bảng kiểm sau:

Nội dung kiểm tra

Đạt/ Chưa đạt

Bài trình bày có đủ các phần giới thiệu, nội dung và kết thúc.

 

Mở đầu và kết thúc ấn tượng, thu hút.

 

Thể hiện được ý kiến, lí lẽ, bằng chứng thuyết phục người nghe.

 

Người trình bày nói rõ ràng, rành mạch và đúng thời gian quy định.

 

Người trình bày tự tin, nhìn vào người nghe khi nói, sử dụng giọng điệu và điệu bộ hợp lí.

 

Người trình bày ghi nhận và phản hồi thoả đáng những câu hỏi, lí lẽ phản biện của khán giả.

 

* Gợi ý:

Theo thống kê, đối tượng phạm tội có liên quan đến Game Online ngày càng tăng cao. Không những trẻ hoá về độ tuổi mà mức độ phạm tội ko ngừng tăng cao. Hiện trạng đó gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh trong vấn đề giáo dục con trẻ và cảnh báo xã hội về sự nguy hại khôn lường của Game Online. Có thể khẳng định, Game Online mang đến những tai hoạ khủng khiếp chỉ đứng sau vấn nạn ma túy.

Online Game hay trò trò chơi trực tuyến là một dạng trò chơi được chơi thông qua mạng máy tính có kết nối internet, có tương tác giữa người chơi với nhau. Mục đích của nhà lập trình Game Online là thu hút người chơi nhằm thu về lợi ích từ việc tải hoặc chơi của người dùng. Thế nhưng có một số không ít người bạn trẻ, nhất là ở lứa tuổi học sinh lạm dụng game online quá mức. Họ bỏ bê việc học, gia đình, …Không những thế còn bất chấp vi phạm pháp luật một cách không kiểm soát. Chính vì thế, học sinh ngày càng hiện tượng nghiện game hơn, sa đà vào các trò giải trí vô bổ. Tác hại của hiện tượng nghiện Game Online là rất nghiêm trọng. Bởi trong game luôn có các yếu tố nhạy cảm như: tính đồi trụy (nhân vật có trang phục hở hang), tính bạo lực (cảnh đâm chém, máu và xác chết), tính kinh dị (hình tượng nhân vật dị dạng đáng sợ). 

Thứ nhất là đối với chính bản thân người chơi. Nó sẽ làm cho họ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, sức khỏe, tình thần, công việc và vấn đề pháp luật. nhiều bạn trẻ lao vào Game không ngại thức khuya dậy sớm, tinh thần lúc nào cũng nghĩ về Game để đến nỗi sức khỏe suy kiệt, tinh thần hoang tưởng, trí nhớ giảm sút nghiêm trọng.

Thứ hai là đối với gia đình và xã hội. Nghiện Game Online sẽ làm cho nhân cách, đạo đức, cách hành xử của con người trở nên tệ đi. Do khi chơi quá lâu, nhân cách của người chơi sẽ bị thay đổi theo như những hành động của các nhân vật trong game. Hơn thế nữa, nó còn tập cho ta những suy nghĩ không tốt, đồng thời làm cho đạo đức của chúng ta bị suy tồi, trở nên bạo lực và ảo tưởng. Việc đó sẽ dẫn đến cho ta có các hành vi không tốt trong gia đình, ra đời thì dễ bị khiêu khích, dễ dẫn đến xung đột với người ngoài.

Không thể phủ nhận vẫn có những game online có thể giúp chúng ta giải trí, bên cạnh đó cũng có một số loại game giúp ta phát triển tính sáng tạo, phản xạ nhanh và trí thông minh. Nhưng đồng thời, một số dòng game có nội dung đồi trụy, làm cho tâm hồn và đầu óc ta bị đen tối, lúc nào cũng suy nghĩ về các vấn đề vô bổ, không có ích cho đời sống. Thế nên, khi chơi game, chúng ta cũng cần phải có sự chọn lọc và lựa chọn đúng thể loại game để chơi sao cho hợp lý. Đồng thời, ta cũng cần phải biết đặt ra một khoảng thời gian để chơi sao cho phù hợp, tránh chơi quá nhiều để không bị lún sâu vào trò chơi. Và gia đình cũng cần phải có trách nhiệm để nhắc con em mình học tập, chơi thể thao, giáo dục cho con những tác hại mà game mang lại. Về phần nhà trường thì nên tổ chức các hoạt động lành mạnh để học sinh giam gia, vừa vui chơi giải trí, vừa học thêm được nhiều kiến thức lành mạnh. Nhà nước thì cần phải bắt các nhà lập trình nên các game có nội dung đồi bại , làm hư hỏng tâm hồn của mọi người.

Hiện tượng nghiện Game Online của học sinh hiện nay đã tăng đến mức báo động. không chỉ đơn giản là không thể dứt bỏ mà chính việc nghiện game đã dẫn đến các hành vi lệch lạc của học sinh và giới trẻ. Khắc phục hiện tượng mê game online của giới trẻ là một là một nhiệm vụ cần thực hiện quyết liệt ngay bây giờ.

Đánh giá

0

0 đánh giá