Văn bản Yêu và đồng cảm - Phong Tử Khải - Nội dung, tác giả, tác phẩm

15.4 K

Tài liệu tác giả tác phẩm Yêu và đồng cảm Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Yêu và đồng cảm lớp 10.

Yêu và đồng cảm - Ngữ văn lớp 10

I. Tác giả Phong Tử Khải

1. Tiểu sử

- Phong Tử Khải (1898-1975) là nhà tản văn, họa sĩ, dịch giả và nhà lí luận giáo dục âm nhạc, nghệ thuật nổi tiếng của Trung Quốc

- Ông từng tôn Pháp sư Hoằng Nhất (Lý Thúc Đồng) làm thầy, thông hiểu văn hóa Trung Quốc lẫn phương Tây.

2. Phong cách sáng tác

- Tản văn của ông có phong cách bình dị mộc mạc, ý nghĩa khoan hậu nhân từ mà sâu sắc, và cả sự thú vị hồn nhiên như trẻ thơ, là những giai phẩm được tôn sùng trong văn học hiện đại Trung Quốc, nhiều lần được chọn đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn bậc tiểu học và trung học.

- Tản văn và những bức “mạn họa” của ông được công chứng đặc biệt yêu thích bởi sự dung dị, thuần khiết mà ẩn chứa nhiều suy nghiệm thâm sâu của người thông hiểu cả văn hóa phương Đông lẫn văn hóa phương Tây.

- Trong các sáng tác của mình, ông luôn đề cao tấm lòng thơ trẻ trong cách nhìn đời và thực hành nghệ thuật

- Tranh của ông hài hước dí dỏm, lưu truyền rộng rãi, được nhiều người yêu thích, sưu tầm.

II. Tìm hiểu tác phẩm Yêu và đồng cảm

1. Xuất xứ

- Văn bản Yêu và đồng cảm được trích trong tập Sống vốn đơn thuần của Phong Tử Khải, là chương 5 của cuốn sách, có tiêu đề là Sống mà học nghệ thuật.

- Sống vốn đơn thuần là tập văn - họa khá đặc trưng cho phong cách viết, vẽ của tác giả

2. Bố cục Yêu và đồng cảm

Văn bản Yêu và đồng cảm được chia thành 4 phần:

Phần 1: đoạn 1 + 2: những cảm nhận ban đầu và cách lý giải của tác giả về lòng đồng cảm

Phần 2: đoạn 3: cách thể hiện và ý nghĩa của lòng đồng cảm

Phần 3: đoạn 4 + 5: đối tượng của lòng đồng cảm và điểm tương đồng trong sự đồng cảm giữa trẻ em và người nghệ sĩ

Phần 4: đoạn 6: thông điệp gửi gắm của tác giả mong muốn mọi người hãy có lòng đồng cảm với vạn vật trong cuộc sống thường ngày

3. Giá trị nội dung của Yêu và đồng cảm

- Cho thấy lòng đồng cảm luôn hiện hữu trong cuộc sống của con người và tác động đến cả vạn vật xung quanh

- Khẳng định giá trị và ý nghĩa của lòng đồng cảm đối với con người, giúp cuộc sống nhiều cảm xúc và con người có thể gần gũi, gắn kết nhau hơn

- Lòng đồng cảm không chỉ giữa con người với nhau mà còn giữa con người với thiên nhiên, vạn vật

- Càng tự nhiên, thuần khiết, chúng ta càng giàu lòng đồng cảm với người khác hơn, ví dụ như trẻ thơ, họa sĩ, là những đối tượng dễ đồng cảm với vạn vật

- Có sức truyền cảm mạnh mẽ tới độc giả, thúc đẩy mỗi cá nhân biết yêu thương và cảm thông với người khác

4. Giá trị nghệ thuật của Yêu và đồng cảm

- Ngôn từ mộc mạc, dễ hiểu

- Cách triển khai ý và luận điểm trong văn bản rõ ràng, logic

- Văn phong tự nhiên, dễ tiếp nhận

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Yêu và đồng cảm

1. Nghệ thuật qua cái nhìn của trẻ em

- Những câu nói về trẻ thơ:

+ Trẻ em phần lớn rất giàu lòng đồng cảm

+ Chúng không chỉ đồng cảm với con người mà bằng một cách hệt sức tự nhiên, còn đồng cảm với hết thảy sự vật như chó mèo, hoa cỏ, chim cá, bướm sâu,.... Tấm lòng chúng chân thành mà tự nhiên hơn nghệ sĩ nhiều. Chúng thường để ý đến những việc mà người lớn không chú tâm đến, phát hiện ra những điểm mà người lớn không phát hiện được.

+ Bản chất của trẻ em là nghệ thuật

+ Tuổi thơ quả là thời hoàng kim trong đời người

- Tác giả nhắc nhiều đến trẻ em và tuổi thơ như vậy nhằm nhấn mạnh nghệ thuật qua cái nhìn của trẻ em là nghệ thuật chân thật, chân chính nhất và tuổi thơ là lúc chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận tư vị của cái đẹp.

2. Tầm quan trọng của sự đồng cảm trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật

- Lí lẽ: Nếu không có tấm lòng đồng cảm bao la như thế mà chăm chăm vào kĩ thuật vẽ thì chắc chắn không thể trở thành hoạ sĩ thực sự. Dù có vẽ được thì tối đa cũng chỉ là thợ vẽ mà thôi.

- Dẫn chứng: Hoạ sĩ đưa tấm lòng mình về trạng thái hồn nhiên như trẻ nhỏ để miêu tả trẻ em, đồng thời cũng đặt lòng mình vào biểu cảm đau khổ của người ăn mày để khắc hoạ ăn mày.

- Lí lẽ: Nhờ có tấm lòng đồng cảm bao la như thế nên hoạ sĩ cũng đồng thời có được sức mạnh tinh thần phong phú mà dư dật.

- Dẫn chứng: Nếu nó không đủ khoáng đạt để đồng điệu với anh hùng thì không thể mô tả được anh hùng, nếu nó không đủ dịu dàng để hoà nhập cùng thiếu nữ thì không khắc hoạ được thiếu nữ.

3. Điểm tương đồng giữa trẻ em và người nghệ sĩ

- Điểm tương đồng giữa trẻ em và người nghệ sĩ là giàu lòng đồng cảm.

- Sự khâm phục, trân trọng trẻ em của tác giả được hình thành trên cơ sở tác giả phát hiện “bản chất của trẻ thơ là nghệ thuật”. Trẻ em không chỉ đồng cảm với con người mà bằng một cách hết sức tự nhiên, còn đồng cảm với hết thành sự vật như chó mèo, hoa cỏ, chim cá, bướm sâu. Chúng hồn nhiên trò chuyện với chó mèo, hồn nhiên hồn nhiên cây cỏ, hồn nhiên chơi với búp bê, tấm lòng chung chân thành mà tự nhiên hơn nghệ sĩ nhiều.

IV. Đọc tác phẩm: Yêu và đồng cảm

1. Một đứa bé vào phòng tôi, giúp tôi sắp xếp đồ đạc. Thấy cái đồng hồ quả quýt úp mặt xuống bàn, nó lật lại hộ. Thấy chén trà đặt phía sau quai ấm trà, nó chuyển đến trước vòi ẩm. Thấy đôi giày dưới gầm giường một xuôi một ngược, nó đảo lại giúp. Thấy dây treo tranh trên tường buông thông thì ra ngoài, nó bắc ghế trèo lên giấu vào trong hộ. Tôi cảm ơn “Cháu chăm quá, toàn dọn dẹp hộ chú thôi!”.

Nó trả lời: “Không đâu, chẳng qua thấy chúng như thế, cháu cứ bút rút không yên”. 

Đúng vậy, nó từng nói: “Đồng hồ quả quýt úp mặt xuống bàn, nó bực bội lắm đấy!”. 

“Chén trà nấp sau lưng mẹ thì làm sao uống sữa được?”

“Giày chiếc xuôi chiếc ngược, làm sao chúng nói chuyện được với nhau”

“Bím tóc của bức tranh thòng ra trước, trông như con ma vậy.”

Tôi phục sát đất tấm lòng đồng cảm phong phú của chú bé này. Từ đó tôi quả thực cũng để tâm tới vị trí của đồ vật, tạo điều kiện để chúng được dễ chịu. Vị trí đặt để chúng có dễ chịu, ta nhìn mới thấy thư thái. Bấy giờ tôi mới sực nhận ra đó là tâm cảnh trước cái đẹp, là thủ pháp thường dùng trong văn miêu tả, là vấn đề cấu trúc thường gặp trong hội hoạ. Những thứ đó đều được phát triển ra từ sự đồng cảm. Người bình thường chỉ có thể đồng cảm với đồng loại hoặc cùng lắm là với động vật mà thôi, còn nghệ sĩ lại có lòng đồng cảm bao la quảng đại như tấm lòng trời đất, trải khắp vạn vật có tình cũng như không có tình.

2. Hôm sau tới trường cấp ba dạy nghệ thuật, tôi cũng giảng cho các em thế này: Mọi vật trên đời đều có nhiều mặt, mỗi người chúng ta chỉ thấy được một mặt mà thôi. Ví như cùng một gốc cây, nhưng nhà khoa học, bác làm vườn, chủ thợ mộc, anh hoạ sĩ lại nhìn nhận nó dưới những góc độ khác nhau. Nhà khoa học thấy được tính chất và trạng thái của nó, bác làm vườn thấy sức sống của nó, chú thợ mộc thấy chất liệu của nó, anh hoạ sĩ thấy dáng vẻ của nó. Nhưng cái nhìn của anh hoạ sĩ lại khác hẳn ba người kia. Ba người kia đều có mục đích, đều nghĩ tới quan hệ nhân quả của cái cây, còn anh hoạ sĩ lại chỉ thưởng thức dáng vẻ của cái cây hiện tại, không còn mục đích gì khác. Thế nên anh hoạ sĩ thường nhìn thấy khía cạnh hình thức, chứ không phải khía cạnh thực tiễn. Nói cách khác là chỉ thấy thế giới của Mĩ chứ không phải thế giới của Chân và Thiện. Tiêu chuẩn giá trị trong thế giới của Mĩ khác hẳn trong thế giới của Chân và Thiện, chúng ta chỉ thưởng thúc dáng vẻ, màu sắc, hình dạng của sự vật, chứ không quan tâm tới giá trị thực tiễn của nó.

Bởi vậy một gốc cây khô, một tảng đá lạ chẳng có giá trị sử dụng gì cả, nhưng trong mắt các họa sĩ [...] lại là một đề tài tuyệt vời. Bông hoa dại không tên, trong mắt nhà thơ cũng đẹp đẽ lạ thường. Bởi vậy thế giới mà nghệ sĩ thấy có thể coi là một thế giới đại đồng?, bình đẳng. Tấm lòng của nghệ sĩ đối với mọi sự vật trên đời đều đồng cảm và nhiệt thành.

3.[...] Hoạ sĩ đưa tấm lòng mình về trạng thái hồn nhiên như trẻ nhỏ để miêu tả trẻ em, đồng thời cũng đặt lòng mình vào biểu cảm đau khổ của người ăn mày để khắc hoạ ăn mày. Tấm lòng của hoạ sĩ thường đồng điệu đồng cảm, cùng buồn cùng vui, cùng khóc cùng cười với đối tượng miêu tả; nếu không có tấm lòng đồng cảm bao la như thế mà chăm chăm vào kĩ thuật vẽ thì chắc chắn không thể trở thành hoạ sĩ thực sự được. Dù có vẽ được thì tối đa cũng chỉ là thợ vẽ mà thôi.

Nhờ có tấm lòng đồng cảm bao la như thế nên hoạ sĩ cũng đồng thời có được sức mạnh tinh thần phong phú mà dư dật”. Nếu nó không đủ khoáng đạt để đồng điệu với anh hùng thì không mô tả được anh hùng, nếu nó không đủ dịu dàng để hòa nhịp cùng thiếu nữ thì không khắc hoạ được thiếu nữ. Do đó, nghệ sĩ lớn ắt là những người có nhân cách vĩ đại.

4. Lòng đồng cảm của nghệ sĩ không chỉ dành cho đồng loại mà trải khắp sinh vật và phi sinh vật ở mọi nơi; chó ngựa cỏ hoa, trong thế giới của Mĩ đều là vật sống có linh hồn, biết cười biết khóc. Nhà thơ thường nghe thấy chim cuốc kêu ra máu, con dế mùa thu, thấy hoa đào cười gió đông, bươm bướm dắt xuân về, nếu xét dưới góc nhìn thực tiễn thì những điều đó đều là lời lảm nhảm của nhà thơ. Thực ra nếu chúng ta bước được vào thế giới của Mĩ, mở rộng lòng ra để biết đồng cảm nhiều hơn với vạn vật thì sẽ cảm nhận được rõ rệt những tình cảnh ấy. Hoạ sĩ và nhà thơ chẳng khác gì nhau, hoạ chăng là hoạ sĩ chú trọng đến hình dạng và tư thái mà thôi. Chưa đích thân trải nghiệm sức sống của rồng ngựa thì chẳng vẽ được rồng ngựa, không chứng kiến vẻ đẹp rắn rỏi của tùng bách thì đâu hoạ nổi tùng bách. [...] Hoạ sĩ chúng tôi vẽ một cái bình hoa là phải để tâm vào bình hoa, để mình biến thành bình hoa, cảm nhận cái lục của bình hoa mới thể hiện được cái thần của bình hoa. Tấm lòng chúng tôi phải chiếu sáng cùng với bình minh thì mới miêu tả được bình minh, dập dờn theo sóng bể lăn tăn thì mới khắc hoạ được sóng bể. Đây là cảnh giới “ta và vật một thể”, vạn vật đều thu cả vào tâm trí của người nghệ sĩ.

5 [...]Người bình thường bẩm sinh ít nhiều cũng đã có sự đồng điệu đồng cảm với hình dạng tư thái của vạn vật rồi. Cách bày biện trang trí nhà cửa, hình dạng màu sắc đồ đạc, sở dĩ đòi hỏi mĩ quan, là để phù hợp với thiên bẩm ấy. Thấy toàn những hình dạng màu sắc đẹp đẽ, tâm hồn chúng ta cũng thư thái lây; trái lại nếu chỉ thấy rặt những hình dạng, màu mè xấu xí, chúng ta cũng đâm ra khó chịu. Có điều mức độ đồng cảm nông sâu cao thấp khác nhau. Có lẽ chẳng ai trên đời hoàn toàn vô cảm với thế giới của hình dạng và màu sắc cả, có chăng là kẻ tư chất nông cạn cùng cục hoặc là nô lệ của lí trí, ấy đúng thực là người “vô tình” vậy.

Về mặt này chúng ta không thể không ca tụng các em bé. Bởi trẻ em phần lớn rất giàu lòng đồng cảm. Hơn nữa, chúng không chỉ đồng cảm với con người mà bằng một cách hết sức tự nhiên, còn đồng cảm với hết thảy sự vật như chó mèo, hoa cỏ, chim cá, bướm sâu,... Chúng hồn nhiên trò chuyện với chó mèo, hồn nhiên hôn lên hoa cỏ, hồn nhiên chơi với búp bê, tấm lòng chúng chân thành mà tự nhiên hơn nghệ sĩ nhiều! Chúng thường để ý đến những việc mà người lớn không chú tâm đến, phát hiện ra những điểm mà người lớn không phát hiện được. Bởi vậy bản chất của trẻ thơ là nghệ thuật.

Nói cách khác, con người ta vốn là nghệ thuật, vốn giàu lòng đồng cảm. Chỉ vì lớn lên bị cách nghĩ của người đời dồn ép, nên tấm lòng ấy mới bị cản trở hoặc hao mòn. Chỉ có kẻ thông minh mới không khuất phục, dù bên ngoài chịu đủ thứ áp bức thì bên trong vẫn giữ được lòng đồng cảm đáng quý nọ. Những người ấy chính là nghệ sĩ.

6 Các nhà phê bình nghệ thuật phương Tây khi bàn về tâm lí nghệ thuật, có cách nói gọi là “đặt tình cảm vào", chỉ việc chúng ta đặt tình cảm của mình vào tác phẩm nghệ thuật hoặc thiên nhiên đẹp đẽ, đồng cảm với chúng, bấy giờ sẽ thể nghiệm được tư vị của cái đẹp. Chúng ta lại biết hành vi hoà mình này hay gặp nhất trong cuộc sống của trẻ nhỏ. Chúng thường dốc hết hứng thú vào chơi đùa mê mải, quên cả đói rét mệt mỏi.

[...] Tuổi thơ quả là thời hoàng kim trong đời người! Tuy thời hoàng kim của chúng ta đã trôi qua, nhưng nhờ bồi dưỡng về nghệ thuật, chúng ta vẫn có thể thấy lại thế giới hạnh phúc, nhân ái và hoà bình ấy.

Xem thêm các bài tóm tắt tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Tác giả - tác phẩm: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Tác giả - tác phẩm: Yêu và đồng cảm

Tác giả - tác phẩm: Chữ bầu lên nhà thơ

Tác giả - tác phẩm: Thế giới mạng và tôi

Tác giả - tác phẩm: Héc- to từ biệt Ăng- đrô- mác

Đánh giá

0

0 đánh giá