Giải Địa Lí 9 Bài 29: Vùng Tây Nguyên (tiếp theo)

2.2 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Địa Lí lớp 9 Bài 29: Vùng Tây Nguyên (tiếp theo) chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Vùng Tây Nguyên (tiếp theo) lớp 9.

Giải bài tập Địa Lí Lớp 9 Bài 29: Vùng Tây Nguyên (tiếp theo)

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 106 SGK Địa lí 9: Dựa vào hình 29.1, hãy nhận xét tỉ lệ diện tích và sản lượng cà phê của Tây Nguyên so với cả nước. Vì sao cây cà phê được trồng nhiều nhất ở vùng này?

Giải Địa Lí 9 Bài 29: Vùng Tây Nguyên (tiếp theo) (ảnh 1)

Phương pháp giải:

Nhận xét biểu đồ.

Phân tích.

Trả lời:

* Nhận xét: Trong suốt giai đoạn 1995 - 2001 Tây Nguyên luôn có diện tích và sản lượng cà phê chiếm tỉ trọng cao trong cả nước.

- Diện tích: chiếm 85,1% năm 2001.

- Sản lượng: chiếm 90,6% năm 2001.

-> Tây Nguyên là vùng trồng cà phê lớn nhất nước ta.

* Cây cà phê được trồng nhiều nhất ở vùng này nhờ những điều kiện thuận lợi:

- Địa hình là các cao nguyên xếp tầng rộng lớn, đất badan với tầng phong hóa sâu, giàu chất dinh dưỡng là điều kiện để hình thành các vùng chuyên canh cà phê với quy mô rộng lớn.

- Khí hậu mang tính chất cận xích đạo, lượng nhiệt lớn, có 1 mùa mưa và khô sâu sắc tạo điều kiện để gieo trồng, thu hoạch, bảo quản, phơi sấy sản phẩm.

- Có một số hệ thống sông như Đồng Nai, Xê Xan, Xrê Pôk,... giúp cung cấp nước cho các vùng chuyên canh.

- Người dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất canh tác cà phê.

- Thị trường tiêu thụ lớn.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 106 SGK Địa lí 9: Dựa vào hình 29.2, xác định các vùng trồng cà phê, cao su, chè ở Tây Nguyên.

Trả lời:

- Cà phê được trồng khắp các tỉnh Tây Nguyên nhưng tập trung nhiều nhất ở Đăk Lắk, kế đó là Gia Lai.

- Cao su được trồng trên các cao nguyên thấp, trồng nhiều ở phía bắc (Kon Tum) và nam Tây Nguyên (Đăk Nông, phía nam tỉnh Lâm Đồng).

- Chè được trồng trên các cao nguyên cao (trên 600 m), trồng nhiều ở Lâm Đồng (vùng BLao) và Gia Lai.

=> Giải thích:

- Phân bố các cây công nghiệp trên gắn với phân bố đất ba dan và sự phân hóa khí hậu ở Tây Nguyên

- Cà phê (cà phê vối), cao su là các cây nhiệt đới nên trồng chủ yếu ồ cắc cao nguyên thấp

- Chè, cà phê chè là các cây có nguồn gốc cận nhiệt nên được trồng ở cắc cao nguyên cao hơn

Trả lời câu hỏi thảo luận số 3 trang 108 SGK Địa lí 9: Dựa vào bảng 29.1, hãy nhận xét tình hình phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên.

Bảng 29.2. Giá trị sản xuất công nghiệp của Tây Nguyên và cả nước (giá so sánh năm 1994, nghìn tỉ đồng)

Năm

Vùng

1995

2000

2002

Tây Nguyên

1,2

1,9

2,3

Cả nước

103,4

198,3

261,1

Phương pháp giải:

Phân tích bảng số liệu.

Trả lời:

* Tình hình phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên:

-  Giai đoạn 1995 -2002, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn vùng tăng lên nhanh, gấp 2,8 lần (từ 4,7 nghìn tỉ đồng lên 13,1 nghìn tỉ đồng).

- Trong các tỉnh giá trị sản xuất nông nghiệp đều tăng nhanh:

+ Đăk Lăk có giá trị sản xuất nông nghiệp lớn nhất vùng (7 nghìn tỉ đồng năm 2002) và tăng khá nhanh, gấp 2,8 lần (từ 2,5 lên 7 nghìn tỉ đồng).

+ Đứng thứ hai về giá sản xuất nông nghiệp của vùng là Lâm Đồng (3 nghìn tỉ đồng năm 2002), tăng gấp 2,7 lần (từ 1,1 lên 3 nghìn tỉ đồng).

+ Gia Lai đứng có giá trị sản xuất nông nghiệp đứng thứ 3 của vùng (2,5 nghìn tỉ đồng năm 2002), nhưng có sự tăng trưởng nhanh nhất, gấp 3,2 lần (từ 0,8 lên 2,5 nghìn tỉ đồng).

+ Kon Tum có giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp 2 lần với 0,6 nghìn tỉ đồng năm 2002.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 4 trang 108 SGK Địa lí 9: Tại sao hai tỉnh Đăk Lăk và Lâm Đồng dẫn đầu vùng về giá trị sản xuất nông nghiệp.

Phương pháp giải:

Phân tích và liên hệ.

Trả lời:

* Hai tỉnh Đăk Lăk và Lâm Đồng dẫn đầu vùng về giá trị sản xuất nông nghiệp vì:

- Hai tỉnh này có cơ cấu nông nghiệp phát triển theo hướng thâm canh, sản xuất hàng hóa với những thế mạnh tiêu biểu, nổi bật,đem lại nguồn nông sản có giá trị xuất khẩu lớn.

+ Đăk Lăk nổi bật nhất là cây cà phê với sản lượng cà phê dẫn đầu cả nước, là sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của tỉnh, đem lại giá trị lớn. Ngoài ra còn Đăk Lăk còn trồng cao su, hồ tiêu, bông.

+ Lâm Đồng là vùng chuyên canh chè lớn nhất cả nước, xây dựng được thương hiệu chè nổi tiếng, mang lại nguồn hàng xuất khẩu có giá trị cao. Ngoài ra, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) còn nổi tiếng về trồng hoa, rau quả ôn đới đem lại nguồn thu vô cùng lớn.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 5 trang 109 SGK Địa lí 9: Dựa vào bảng 29.2, tính tốc độ phát triển công nghiệp của Tây Nguyên và cả nước (lấy năm 1995 =100%).

Nhận xét tình hình phát triển công nghiệp ở Tây Nguyên.

Bảng 29.2. Giá trị sản xuất công nghiệp của Tây Nguyên và cả nước (giá so sánh năm 1994, nghìn tỉ đồng)

Năm

Vùng

1995

2000

2002

Tây Nguyên

1,2

1,9

2,3

Cả nước

103,4

198,3

261,1

Phương pháp giải:

Tính toán.

Phân tích bảng số liệu.

Trả lời:

 Giải Địa Lí 9 Bài 29: Vùng Tây Nguyên (tiếp theo) (ảnh 2)

* Nhận xét:

- Giá trị sản xuất công nghiệp của Tây Nguyên chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu công nghiệp cả nước (năm 2002  chỉ chiếm 0,9% so với cả nước).

- Trong giai đoạn 1995 -2002 công nghiệp của Tây Nguyên có tốc độ phát triển khá nhanh, năm 2002 tăng 91,7% so với năm năm 1995.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 6 trang 109 SGK Địa lí 9: Xác định trên hình 29.2, vị trí của nhà máy thủy điện Y-a-ly trên sông Xê Xan.

Nêu ý nghĩa của việc phát triển thủy điện ở Tây Nguyên.

Giải Địa Lí 9 Bài 29: Vùng Tây Nguyên (tiếp theo) (ảnh 3)

Phương pháp giải:

Đọc bản đồ.

Phân tích.

Trả lời:

* Xác định vị trí của các nhà máy thủy điện dựa vào kí hiệu và kênh chữ trên lược đồ để xác định.

* Ý nghĩa của việc phát triển thủy điện ở Tây Nguyên:

- Khai thác hiệu quả tiềm năng thủy điện của vùng.

- Cung cấp nguồn điện cho toàn vùng Tây Nguyên, một phần cho các vùng xung quanh qua đường dây tải điện 500 KW nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.

- Giá trị thủy lợi: hồ chứa nước có vai trò điều tiết nguồn nước vào mùa lũ – cạn giúp hạn chế thiên tai và cung cấp nước tưới cho sản xuất, sinh hoạt (đặc biệt hoạt động trồng cây công nghiệp lâu năm).

- Phát triển du lịch.

- Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

- Tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân.

-> Thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng phát triển.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 7 trang 111 SGK Địa lí 9: Dựa vào các hình 29.2, 14.1 hãy xác định:

- Vị trí của các thành phố nói trên.

- Những quốc lộ nối các thành phố này với TP. Hồ Chí Minh và các cảng biển của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Giải Địa Lí 9 Bài 29: Vùng Tây Nguyên (tiếp theo) (ảnh 3)

Phương pháp giải:

Đọc bản đồ.

Trả lời:

- Các thành phố: Plây Ku thuộc tỉnh Gia Lai, Buôn Ma Thuật thuộc tỉnh Đăk Lăk, Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng.

- Các quốc lộ:

+ Quốc lộ 19: Plây Ku – Quy Nhơn; đường Hồ Chí Minh: Plây Ku – TP. Hồ Chí Minh.

+ Quốc lộ 26: Buôn Ma Thuật – Nha Trang; đường Hồ Chí Minh: Buôn Ma Thuật – TP. Hồ Chí Minh.

+ Quốc lộ 20: TP. Hồ Chí Minh – Đà Lạt – Cam Ranh.

Câu hỏi và bài tập (trang 111 SGK Địa lí 9)

Bài 1 trang 111 SGK Địa Lí 9: Tây Nguyên có những điều kiện thuận lợi và khó khăn gì trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp?

Trả lời:

Những điều kiện thuận lợi và khó khăn gì trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp ở Tây Nguyên:

* Thuận lợi:

- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:

+ Đất: Diện tích ba dan lớn (1,36 triệu ha), phân bố tập trung thành vùng lớn trên bề mặt các cao nguyên thuận lợi để hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp có quy mô lớn.

+ Khí hậu: Mang tính chất cận xích đạo, nóng quanh năm, có một mùa mưa và khô sâu sắc và có sự phân hóa theo độ cao giúp cho Tây Nguyên phát triển được cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng.

+ Nguồn nước: Các hệ thống sông như Đồng Nai, Xê Xan, Xrê Pôk và nguồn nước ngầm là nguồn cung cấp nước dồi dào cho các hoạt động nông nghiệp. 

+ Đồng cỏ rộng lớn trên các cao nguyên có thể chăn thả gia súc lớn (trâu, bò).

+ Rừng: diện tích rừng lớn nhất nước với nhiều loại gỗ quý, chim, thú quý.

- Điều kiện kinh tế - xã hội:

+ Người dân có nhiều kinh nghiệm trồng cây công nghiệp lâu năm, trồng rừng.

+ Được Nhà nước chú trọng đầu tư, đang thu hút nhiều dự án đầu tư của trong và ngoài nước về cơ sở hạ tầng và cơ sở vậ tchất kĩ thuật.

+ Nhiều cơ sở, nhà máy chế biến đã được hình thành, giúp nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy sản xuất phát triển.

+ Nhu cầu lớn của thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài về các sản phẩm cây công nghiệp (cà phê, cao su, hồ tiêu ...).

* Khó khăn:

- Mùa khô kéo dài 4-5 tháng, việc làm thủy lợi khó khăn, tốn kém. Rừng dễ bị cháy.

- Tài nguyên rừng bị suy thóai do khai thác chưa hợp lí, do mở rộng diện tích đất nông nghiệp tự phát.

- Thiếu lao động có chuyên môn kĩ thuật, cơ sở vật chất kĩ thuật của nông - lâm nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Bài 2 trang 111 SGK Địa Lí 9: Tại sao nói Tây Nguyên có thế mạnh du lịch?

Phương pháp giải:

Phân tích.

Trả lời:

Nói Tây Nguyên có thế mạnh phát triển du lịch vì:

- Tây Nguyên có tài nguyên du lịch khá phong phú: gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn.

+ Tài nguyên du lịch tự nhiên: có nhiều thắng cảnh (hồ Xuân Hương, hồ Lăk, thác Yaly, thác Pren ...), các vườn quốc gia (Yok Đôn, Chư Mom Rây, Chư Yang Sin), các khu vực có khí hậu tốt (Đà Lạt, Ngọc Linh..).

+ Tài nguyên du lịch nhân văn: các di tích lịch sử (nhà tù Plây Ku, Buôn Ma Thuột), các lễ hội, văn hóa dân gian (lễ hội đâm trâu, văn hóa cồng chiêng), sản phẩm thủ công của các dân tộc    

⟹ Thuận lợi phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa.         

-  Vị trí địa lí của Tây Nguyên thuận lợi giao lưu với các vùng trong nước, với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công.

-  Cơ sở hạ tầng của các thành phố, cũng là các trung tâm du lịch của vùng (Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Plây Ku) ngày càng hoàn thiện.

- Hiện nay đã có nhiều tuyến quốc lộ nối các thành phố, khu du lịch Tây Nguyên tới các vùng phát triển ở Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ (quốc lộ 19,26, 20, đường Hồ Chí Minh); các sân bay (như Buôn Ma Thuật, Plây Ku, Đà Lạt) góp phần rất lớn thúc đẩy hoạt động du lịch của vùng.

Bài 3 trang 111 SGK Địa Lí 9: Sưu tầm tư liệu về thành phố Đà Lạt

Phương pháp giải:

Tự học, tự tìm hiểu.

Trả lời:

Giải Địa Lí 9 Bài 29: Vùng Tây Nguyên (tiếp theo) (ảnh 4)

* Khái quát:

Đà Lạt là thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng nằm trên Cao nguyên Lâm Viên thuộc vùng Tây Nguyên của nước Việt Nam. Thành Phố Đà Lạt cách Biên Hòa (Đồng Nai) 278km, Hà Nội 1.481km, Tp. Hồ Chí Minh 293km, Nha Trang (Khánh Hòa) 205km.

  * Điều kiện tự nhiên

- Địa hình được phân thành hai dạng rõ rệt: địa hình núi và địa hình bình nguyên trên núi.

- Nằm trên độ cao 1500 m nên thành phố có khí hậu miền núi ôn hòa dịu mát quanh năm.

* Điều kiện kinh tế - xã hội:

- Dân số thành phố tăng lên mạnh mẽ và có sự gia tăng cơ học đáng kể. Năm 2011, Đà Lạt có số dân là 211.696 người, chiếm 17,4% dân số tỉnh Lâm Đồng, mật độ dân số 536 người/km2.

- Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, đặc biệt là giao thông vận tải ngày càng phát triển, các tuyến quốc lộ nối thành phố với vùng kinh tế phía Đông và phía Nam (duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ), sân bay.

* Ngành du lịch:

- Du lịch chiếm 70% tổng GDP của thành phố.

- Đà Lạt hấp dẫn du khách bốn phương đầu tiên bởi vẻ đẹp của các loài hoa. Nơi đây được gọi là thành phố Hoa với hàng trăm, ngàn loại hoa, loại phong lan độc đáo, hoặc được sản sinh riêng trên mảnh đất này, hoặc lấy giống từ nhiều nơi như: Pháp, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Italy,…như hoa hồng, hoa bất tử, hoa đỗ quyên, hoa xác pháo, hoa tư tưởng, hoa trà mi, mi mô da, mai anh đào, thủy tiên trắng…

- Đà Lạt nổi tiếng về hồ, về thác nước và rừng thông. Những hồ đẹp ở Đà Lạt là hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện, hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh.

- Các điểm du lịch nổi tiếng khác: thung lung Tình Yêu, thung lung Vàng, Thiền viện Trúc Lâm, Bảo Tàng Lâm Đồng, thác Voi, thác Prenn, núi Lang Biang, Hoa sơn Điền Trang, Dinh Bảo Đại…

Lý thuyết Bài 29: Vùng Tây Nguyên (Phần 2. Kinh tế)

I. Tình hình phát triển kinh tế

a) Nông nghiệp

* Trồng trọt:

- Là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn của nước ta.

- Cây công nghiệp lâu năm phát triển khá nhanh, các loại cây quan trọng là cà phê, cao su, chè, điều…

=> Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

- Cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày cũng được phát triển.

- Trồng hoa quả ôn đới nổi tiếng ở Đà Lạt.

- Khó khăn: thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô, sự biến động của giá cả nông sản và công nghiệp chế biến chưa phát triển.

* Chăn nuôi:

 Chăn nuôi gia súc lớn được đẩy mạnh (bò, trâu).

* Lâm nghiệp:

Phát triển mạnh, kết hợp khai thác với trồng mới, khoanh nuôi, giao khoán bảo vệ rừng; gắn khai thác với chế biến.

b) Công nghiệp

- Chiếm tỉ lệ thấp trong cơ cấu GDP nhưng đang chuyển biến tích cực.

- Các ngành quan trọng nhất là chế biến nông – lâm sản và thủy điện.

+ Công nghiệp chế biến nông, lâm sản phát triển khá nhanh.

+ Công nghiệp thủy điện: các nhà máy thủy điện với quy mô lớn đã và đang được triển khai trên sông Xê Xan và Xrê Pôk.

c) Dịch vụ

- Xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 cả nước, sau Đồng bằng sông Cửu Long.

- Du lịch: có xu hướng phát triển mạnh. Du lịch sinh thái và văn hoá, nghỉ dưỡng phát triển (Đà Lạt, Bản Buôn).

- Việc xây dựng thủy điện, khai thác bô xít, xây dựng đường Hồ Chí Minh, đồng thời với việc nâng cấp mạng lưới đường ngang nối với các thành phố Duyên hải Nam Trung Bộ, Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của Tây Nguyên.

II. Các trung tâm kinh tế

- Buôn Ma Thuột là trung tâm công nghiệp.

- Đà Lạt: trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

- Plây Ku: phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, là trung tâm thương mại, du lịch.

Đánh giá

0

0 đánh giá