Top 23 bài Viết bài tập làm văn số 6 lớp 7 2024 hay nhất

2.5 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Viết bài tập làm văn số 6 lớp 7 hay nhất, giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho bài thi sắp tới. Mời các bạn đón xem:

Dàn ý Bài viết số 6 lớp 7 đề 1

I. Mở bài

- Bác Hồ để lại cho chúng ta những lời khuyên, lời dặn dò vô cùng sâu sắc và thấm thìa.

- Một trong số đó là câu thơ:

“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

II. Thân bài

1. Lời khuyên của Bác qua hai dòng thơ

- Mùa xuân, khí hậu ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc. Mùa xuân cũng là mùa cây cối dễ trồng, dễ phát triển. Mùa xuân có Tết cổ truyền, mọi người, mọi nhà vui vẻ đón xuân. Đó chính là thời điểm trồng cây thích hợp nhất.

- Bác đã khởi xướng ra một phong trào rất có ý nghĩa là trồng cây vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc: “Mùa xuân là Tết trồng cây”. Từ đó, mọi người đều gọi là “Tết trồng cây”.

- Lời dạy của Bác vừa hợp với đất trời, vừa hợp với lòng người.

- Trồng cây không chỉ đem lại lợi ích trước mắt cho cuộc sống của con người mà còn đem lại lợi ích lâu dài cho đất nước.

2. Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước

- Cây có tác dụng rất lớn, rất thiết thực cho cuộc sống của con người.

- Cây nói riêng rừng nói chung là “lá phổi xanh” cung cấp cho con người bao khí oxi quan trọng.

- Cây cho ta gỗ quý để làm nhà cửa, làm đồ dùng sinh hoạt trong gia đình như bàn ghế, giường, tủ…

- Khi cây mọc tự nhiên thành rừng hoặc khi cây được trồng nhiều thành rừng thì rừng giúp ta chống xói mòn đất, giữ độ ẩm, tạo nguồn nước cho suối, cho sông. Rừng là bức tường ngăn vững chắc không cho lũ đổ về sông. Rừng là môi trường sống của muôn loài vật. Rừng là kho thuốc đông y quý giá. Rừng cho ta cây cối để làm giấy phục vụ cho con người…

3. Chúng ta cần làm gì để thực hiện tốt lời dạy của Người?

- Hiểu được tầm quan trọng của cây cối đối với cuộc sống của con người. Từ đó, tích cực tham gia mọi hoạt động trồng cây gây rừng.

- Có ý thức bảo vệ cây cối, không ngắt lá, bẻ cành,..,

- Lên án những kẻ chặt cây phá rừng.

- Khuyên bảo, động viên, khuyến khích bạn bò, những người xung quanh tham gia “Tết trồng cây”.

III. Kết bài

- Tuy Bác đã đi xa nhưng lời khuyên của Bác về việc trồng cây vẫn mãi mãi còn vẹn nguyên ý nghĩa.

- Chúng ta vô cùng biết ơn Bác và luôn học tập và noi theo gương Bác

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 1 - Mẫu 1

Mỗi khi Tết đến, xuân về, cây cối lại đâm chồi nảy lộc, hoa cỏ tốt tươi. Lòng mỗi người phơi phới đón mùa xuân về và không quên hưởng ứng phong trào “trồng cây xanh” theo lời dạy của Bác Hồ:

“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

Mùa xuân là mùa bắt đầu của một năm, thời tiết ấm áp muôn hoa đua nở, cây cối tốt tươi chứ không còn nghèo nàn, khẳng khiu như mùa đông giá lạnh nữa. Thời tiết thuận lợi, kèm theo có những cơn mưa xuân đầu mùa là thời điểm thích hợp để trồng cây xanh, trồng cây vào mùa xuân cây cối sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển. Đó chính là lý do mà Bác cho rằng mùa xuân là mùa để trồng cây.

Nhưng ở câu thơ thứ hai từ “xuân” ở đây không còn là từ “xuân” để chỉ mùa bắt đầu của một năm nữa mà từ “xuân” trong “làm cho đất nước càng ngày càng xuân” là để chỉ sự tươi đẹp, giàu có, tươi mới của đất nước. Vậy việc trồng cây vào mùa xuân có liên quan gì đến sự giàu đẹp của đất nước? Chúng ta cần tìm hiểu về vai trò của cây xanh trong đời sống con người và sự phát triển của đất nước. Cây xanh trong quá trình quang hợp đã thải ra khí ô-xi – một loại khí rất cần thiết cho sự sống của con người và hút vào khí các-bô-níc – một loại khí gây ô nhiễm môi trường nhờ vậy mà vai trò to lớn của cây xanh là giúp điều hòa khí hậu, con người luôn được sống và làm việc trong một bầu không khí trong lành.

Ở đây Bác muốn nhấn mạnh đất nước tươi đẹp không chỉ ở sự giàu có về cơ sở vật chất mà còn là sự trù phú của của muôn loài, là sự trong lành trong môi trường mà chúng ta đang sống. Vai trò của cây xanh không chỉ dừng lại ở đó, thực tiễn cho thấy những nơi nào việc chặt phá rừng xảy ra phổ biến thì những nơi đó hay xảy ra các thiên tai như lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những người dân vùng đó. Vì vậy việc trồng nhiều cây xanh, đặc biệt là những nơi hay xảy ra lũ quét có ý nghĩa vô cùng to lớn, làm hạn chế các thiên tai vào đất liền. Trồng nhiều cây tạo thành rừng còn là nơi sinh sống, cư trú của rất nhiều loài động vật, đặc biệt là những động vật quý hiếm, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú của giới sinh vật nước ta. Không chỉ vậy cây xanh còn góp phần phát triển kinh tế đất nước thông qua việc cung cấp một lượng gỗ lớn để sản xuất các đồ dùng mĩ nghệ và công nghiệp sản xuất giấy. Phân tích vai trò của cây xanh ta mới hiểu rõ ý của Bác qua hai câu thơ.

Bác đã lấy việc trồng cây xanh vào mùa xuân làm cơ sở để tạo nên "mùa xuân" của đất nước. Đây là một lời dạy quý báu và ngày nay chúng ta vẫn ghi nhớ lời căn dặn ấy thông qua các hoạt động thực tiễn như ngày hội trồng cây xanh ở các cơ quan, trường học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo nên sự trong lành của bầu không khí.

Bác Hồ – vị cha già vĩ đại của cả dân tộc đã để lại cho chúng ta những lời dạy quý báu, một trong số đó là việc trồng cây vào mùa xuân để từ đó làm nên mùa xuân của đất nước.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 1 - Mẫu 2

Một vấn đề được Bác Hồ quan tâm đặc biệt là sự nghiệp trồng cây, trồng người: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Riêng về việc trồng cây, vào khoảng giữa năm 1959, Bác viết bài thơ kêu gọi nông dân trồng cây.

"Muốn làm nhà cửa tốt
Phải ra sức trồng cây
Chúng ta chuẩn bị từ nay
Dăm năm sau sẽ bắt tay dựng nhà"

Sau đó, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng và đón Tết âm lịch, Bác Hồ chính thức phát động phong trào Tết trồng cây trong cả nước. Phong trào diễn ra trong vòng 1 tháng từ 6 tháng 1 đến 6 tháng 2 năm 1960.

“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

Kể từ khi phát động phong trào cho đến khi Bác qua đời, mỗi năm cứ khi tết đến, xuân về Bác đều tự mình trồng cây trong Phủ chủ tịch để làm gương. Trực tiếp kêu gọi, theo dõi, nhắc nhở, động viên, vận động phong trào. Và không biết tự khi nào, Tết trồng cây đã trở thành một nếp sống đẹp, một truyền thống gắn bó không thể thiếu trong mỗi người dân khi xuân về.

Xã hội hiện đại là xã hội điện tử, tin học và công nghệ. Nhưng phía sau nó, xã hội hiện đại lại thải ra một lượng chất thải khổng lồ dẫn đến ô nhiễm môi trường, nguồn nước, thức ăn… ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe con người, thì việc trồng cây là một việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Mỗi nhà, mỗi khu phố, mỗi ban ngành… đều phải có trách nhiệm trồng cây xanh ở khu vực mình hay ở, những nơi công cộng để bảo vệ môi trường. Đúng như những điều Bác đã dạy trong lời phát động Tết trồng cây khi xưa: “Miền Bắc có độ 14 triệu người, trong số đó độ ba triệu trẻ em thơ ấu, một triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây… Như vậy, mỗi tết trồng được độ mười lăm triệu cây” thì chẳng mấy chốc đất nước ta sẽ phủ xanh đất trống đồi trọc, không những làm cho quang cảnh môi trường ngày càng cải thiện tốt hơn mà còn phát huy tác dụng tích cực của cây trong việc cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, nếu hiểu lễ phát động Tết trồng cây của Bác ở khía cạnh văn hóa thì lại thấy một ý nghĩa sâu sắc khác nữa trong lời dạy của Người. Chúng ta đều biết rằng, đất nước chúng ta là đất nước nông nghiệp, cây cỏ thiên nhiên gắn chặt với đời sống lao động, đời sống chiến đấu của người dân. Chính vì vậy, cây cỏ thiên nhiên trở thành biểu tượng cao đẹp cho tinh thần quật khởi của người Việt Nam. Cây tre là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của người miền Bắc, cây dừa là hình ảnh của đồng bào miền Nam giữ vững thành đồng Tổ quốc, cây cao su là sự dẻo dai bền bỉ của buôn làng Tây Nguyên chống Pháp… chỉ cần nhắc đến những loại cây ấy thôi cũng dễ khiến cho ta hình dung ra cuộc kháng chiến nhân dân vĩ đại của dân tộc. Ngoài ra, mỗi loại cây còn tượng trưng cho một vùng quê, một tỉnh khác nhau: cây nhãn Hưng Yên, cây vải Lục Ngạn, cây bưởi Đoan Hùng, cây cọ Vĩnh Phú, cây chôm chôm Cần Thơ… Còn phải kể đến, cây cỏ gắn với cuộc sống của từng người. Dường như trong ký ức của mỗi con người, trong những kỷ niệm của thời gian luôn gắn chặt với nhiều loài cây cỏ thiên nhiên. Ví dụ cây me, cây sấu gợi nhắc về tuổi ấu thơ trong trắng, mộng mơ, nghịch ngợm; cây phượng hồng, cây bằng lăng kỷ niệm của tuổi học trò, cành đào Tây Bắc, cành mai vàng xứ Huế gắn chặt với tết, cây đa, cây gạo là hình ảnh của làng quê đồng bằng Bắc bộ Việt Nam… Mỗi khi chúng ta trồng một cây xanh và chăm sóc nó sinh trưởng phát triển là ta đang tự làm phong phú cho đất nước, giữ một mầm xanh trong tâm hồn chúng ta và reo mầm xanh trong tâm hồn thế hệ tương lai.

Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương ta. Nhớ lại lời dạy của Người năm xưa, chúng ta càng thấy thấm thía. Những lời phát động đó cách đây hàng thế kỷ, trải qua bao thăng trầm, biến đổi của thời gian, nó không những còn nguyên giá trị, mà càng ngày chúng ta càng hiểu được nhiều ý nghĩa sâu xa của nó.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 1 - Mẫu 3

Cây xanh có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Bởi vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những câu thơ để nói về phong trào “Tết trồng cây”:

“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

Mùa xuân có thời tiết ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc. Con người cũng được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả khi dịp Tết cổ truyền đến. Bởi vậy, mùa xuân là thời điểm thích hợp để trồng cây. Hai câu thơ của Bác đã khởi xướng ra một phong trào rất có ý nghĩa là Tết trồng cây. Nếu như ở câu thơ thứ nhất, từ “xuân” ý chỉ mùa xuân của đất trời. Thì ở câu thơ thứ hai, từ “xuân” ý chỉ mùa xuân của đất nước. Bác không nhắc đến mùa xuân của cá nhân mình, mà nói về mùa xuân của cả đất nước. Kết quả của “Tết trồng cây” chính là giúp cho đất nước ngày càng tươi đẹp, phát triển. Cuộc sống của con người trở nên rực rỡ, hạnh phúc hơn. Đó chính là ngày xuân tươi đẹp của đất nước.

Chính vì vậy, mỗi người cần tích cực hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây” của Bác. Trước tiên, chúng ta cần hiểu đúng tầm quan trọng của cây xanh đối với môi trường thiên nhiên, cùng như cuộc sống của con người. Cây xanh giúp điều hòa khí hậu, là một yếu tố quan trọng để tạo nên những cánh rừng - tài nguyên vô cùng quý giá của mỗi quốc gia. Từ đó, nhà nước cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc những kẻ chặt cây phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Mỗi người cần có ý thức bảo vệ cây cối, không chặt phá rừng bừa bãi hay đốt rừng làm nương rẫy, tích cực tham gia trồng cây gây rừng…

Đối với mỗi học sinh cần ghi nhớ lời khuyên của Bác để tự giác nghiêm túc thực hiện. Hãy là một nhà tuyên truyền cho những người xung quanh tham gia vào phong trào “Tết trồng cây”.

Như vậy, qua câu thơ trên, Bác Hồ đã gửi gắm đến chúng ta một bài học quý giá. Phong trào “Tết trồng cây” vô cùng ý nghĩa, cần được hưởng ứng tích cực.

Dàn ý Bài viết số 6 lớp 7 đề 2

I. Mở bài

Giới thiệu câu tục ngữ: “ Thất bại là mẹ thành công”.

Trong cuộc sống mỗi chúng ta có ai chưa từng thất bại. Những thất bạn dù nhỏ hay lớn đều có một tác động rất lớn đến mỗi con người. Có người đã không thể tự đứng lên sau vấp ngã. Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ phải bỏ cuộc, thất bạn là gì mà đã làm bao người chán nản. Vậy để có những thành công đó hãy vượt qua những thất bại ấy ta phải làm những gì? Để khuyên chúng ta có động lực sau những lần thất bại để có được những thành công ông bà ta đã có câu: “Thất bại là mẹ thành công”. Chúng ta cùng đi tìm hiểu câu tục ngữ này.

II. Thân bài

1. Giải thích

* Nghĩa đen:

- “Thất bại” là những lần vấp ngã, khó khăn trong công việc và cuộc sống. Là những công việc ta vạch định không đạt được kết quả như mong muốn.

- “Thành công” là đạt được những kết quả đạt được theo ý ta muốn, và công việc đó được hoàn thành tốt đẹp, xuất sắc.

- “Mẹ”: Mẹ là người đã sinh ra, đã tạo nên con, vậy để có những thành công cần phải có thất bại.

* Nghĩa bóng: Mỗi người chúng ta ai cũng từng trải qua thất bại một lần. Vượt qua thất bại như thế nào mới là cách tốt, nhưng thất bại thường có hai loại người và hai phản ứng khác nhau:

- Có người bỏ cuộc như một con chim trúng tên thì tất yếu phải sợ cung

- Có những người quyết tâm để đạt được thành công. Khi thất bại họ đem vấn đề ra mổ xẻ, phân tích, tìm nguyên nhân để tiếp tục công việc của mình. Và đó là những người có những kinh nghiệm lớn, thành công lớn.

2. Tại sao “thất bại là mẹ thành công”?

- Sự mâu thuẫn của câu nói: “thành công” hoàn toàn trái ngược với “thất bại”.

- Nguyên nhân: Vì sau khi mỗi lần thất bại ta sẽ tìm được nguyên nhân dẫn đến sai sót của công việc, giúp ta có kinh nghiệm và giúp ta tránh được những sai lầm và bước tiếp đến thành công.

3. Tác động của thất bại

- Đối với người dễ nản chí: chấp nhận, sợ hãi khó khăn, thất bại.

- Đối với người có ý chí: vượt qua khó khăn, đối đầu với thử thách.

- Dẫn chứng:

  • Lúc nhỏ ta tập xe, sau mỗi lần té đau là ta sẽ biết đi.
  • Nhà bác học Edison đã thất bại hàng ngàn lần trước khi ông sáng tạo ra chiếc bóng đèn.

III. Kết bài

- Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề.

- Từ những phân tích rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

Video bài văn mẫu: Viết bài tập làm văn số 6

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 2 - Mẫu 1

Cuộc sống là một chặng hành trình đầy khó khăn và thử thách mà con người cần phải vượt qua. Ai cũng khao khát đạt được thành công. Và điều đó đã trở thành đích đến cho mọi nỗ lực của chúng ta. Ông cha ta đã có câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” để khuyên nhủ con người.

Thành công chính là kết quả, thành quả ngọt ngào mà một người gặt hái được sau những ngày tháng nỗ lực, cống hiến hết mình cho một công việc, mục đích nào đó. Nói một cách khác thành công chính là việc ta thực hiện được mục đích ban đầu mà ta đã đặt trong trong công việc, học tập, hay một lĩnh vực cụ thể nào đó. Thất bại là những lần ta vấp ngã, những lần ta không đạt được kết quả như mong muốn trong học tập, công việc hay cuộc sống. Còn hình ảnh “mẹ” chính là người phụ nữ đã sinh chúng ta ra đời, nuôi nấng và dạy dỗ cho chúng ta những nhiều bài học. Tóm lại cách nói “thất bại là mẹ thành công” nhằm khẳng định rằng mỗi thất bại trong cuộc đời con người sẽ trở thành một bài học bổ ích để chúng ta tiến đến thành công.

Cuộc sống là một cuộc hành trình gian nan với nhiều thử thách. Đôi khi vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà con người không thể có đạt được thành công, để rồi từ đó rơi vào thất bại. Nhưng chính từ những thất bại đó, chúng ta học được nhiều bài học khác nhau. Vì sau khi mỗi lần thất bại ta sẽ tìm được nguyên nhân dẫn đến sai sót của công việc, giúp ta có kinh nghiệm và giúp ta tránh được những sai lầm và bước tiếp đến thành công. Nhà bác học thiên tài, Thomas Edison đã phải trải qua hàng nghìn lần thất bại để tìm ra nguyên liệu để thắp sáng chiếc bóng đèn đầu tiên của nhân loại. Dân tộc Việt Nam đã phải trải qua vô số những cuộc khởi nghĩa thất bại, sai lầm từ con đường cứu nước để rồi chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của đất nước đã tìm ra ánh sáng của lí tưởng cách mạng vô sản, lãnh đạo nhân dân đánh bại thực dân Pháp. Mọi thành công của hiện tại là kết quả của thất bại ở quá khứ.
Như vậy, câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” là vô cùng đúng đắn. Mỗi người hãy ghi nhớ để từ đó biết vượt lên mọi nghịch cảnh, hoàn thiện bản thân. Chắc chắn rằng, thành công luôn ở phía cuối con đường.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 2 - Mẫu 2

Thành công chính là mục tiêu sống, là đích đến của mỗi con người. Con người chúng ta khi sinh ra lớn lên ai cũng muốn mình được thành công, khẳng định vị trí của mình trong công việc trong xã hội, được nhiều người ngưỡng mộ, nể phục cảm thấy mình làm được nhiều điều vĩ đại lớn lao. Nhưng đôi khi, thành công không đến dễ dàng, đôi khi chúng ta gặp phải thất bại. Chính vì vậy cần phải ghi nhớ rằng: “Thất bại là mẹ thành công”.

Đầu tiên “thành công” và “thất bại” là hai khái niệm khác nhau. Nếu thất bại là những lần ta vấp ngã, những lần ta không đạt được kết quả như mong muốn trong học tập, công việc hay cuộc sống. Thì thành công là khi chúng ta đạt được những điều mình mong muốn, hoàn thành tốt những mục tiêu đã đề ra trong học tập, công việc. Còn “mẹ” chính là người phụ nữ đã sinh chúng ta ra đời, nuôi nấng và dạy dỗ cho chúng ta những nhiều bài học. Câu tục ngữ mượn cách nói biểu tượng “thất bại là mẹ thành công” nhằm khẳng định rằng mỗi thất bại trong cuộc đời con người sẽ trở thành một bài học bổ ích để chúng ta tiến đến thành công.

Quả thật, có thành công nào không phải trả giá bằng muôn vàn những khó khăn, thất bại. Nhưng không phải ai cũng có thể vượt qua được những thử thách đó. Biết bao nhiêu doanh nghiệp khi mới thành lập thì hừng hực khí thế, nhưng đến khi gặp phải khó khăn lại loay hoay không biết phải xoay sở ra sao, phải nhờ đến sự giúp đỡ của Nhà nước. Có rất nhiều sinh viên khi còn đang đi học, không chịu cố gắng học tập để nâng cao kiến thức cũng như rèn luyện các kỹ năng mềm. Họ chỉ biết ngày đêm chìm trong những cuộc vui chơi, sa ngã vào những tệ nạn xã hội. Đến khi sắp ra trường vẫn không biết được tương lai mình sẽ như thế nào, mục tiêu của bản thân là gì. Thế mới thấy rằng, thất bại không đáng sợ, quan trọng là cách đối diện với thất bại của mỗi con người. Chỉ khi biết chấp nhận, vượt qua thì con người mới có thể vươn tới thành công.

Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe đến cái tên Arianna Huffington. Bà là một nữ doanh nhân, một chính trị gia, một nhà báo và là người phụ nữ quyền lực nhất giới truyền thông. Để có được thành công như vậy, bà từng nhận phải thất bại cay đắng khi chỉ có 0.55% phiếu bầu cho cuộc chạy đua tổng thống Mỹ năm 2003. Bà cũng đã cho xuất bản nhiều quyển sách nổi tiếng, được nhiều người đón nhận. Trước đó, cuốn sách đầu tiên là The Female Woman – xuất bản năm 1973 viết khi bà 23 tuổi được bán khá thành công, nhưng đến quyển sách thứ hai thì đã bị từ chối xuất bản 36 lần. Tuy nhiên, không vì thế mà Arianna Huffington nản lòng. Với lòng nhiệt huyết, quyết tâm cao độ dám vượt lên thất bại, bà đã tiếp tục viết và cho ra đời thêm 13 cuốn sách nữa, thường về các chủ đề quan điểm chính trị và viết tiểu sử. Hay không cần lấy ví dụ ở đâu quá xa xôi. Bạn có biết đến cái tên Nguyễn Công Phượng? Câu chuyện về chàng cầu thủ trẻ đã dám đương đầu với khó khăn để vượt qua chính giới hạn của bản thân. Trong kì thi đầu vào của lò đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An, cầu thủ này đã từng bị đánh trượt vì lý do không đủ thể lực. Nhận thức được mặt hạn chế của mình, anh đã nỗ lực rèn luyện để nâng cao thể lực. Đồng thời tiếp tục phát huy mặt mạnh về kỹ thuật. Đến ngày hôm nay, cái tên Nguyễn Công Phượng đã trở thành một trong những trụ cột không thể thiếu của Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam. Đó chính là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ.

Tóm lại, chúng ta cần phải nỗ lực không ngừng nghỉ nhưng cũng không đánh mất đi những giá trị tốt đẹp. Ranh giới giữa thành công và thất bại vô cùng mong manh. Hãy ghi nhớ câu nói “Thất bại là mẹ thành công” như một bài học quý giá.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 2 - Mẫu 3

Chặng đường đến với thành công, luôn phải trải qua khó khăn hay thậm chí là thất bại. Bởi vậy mà ông cha ta đã gửi gắm lời khuyên nhủ “Thất bại là mẹ thành công” vô cùng quý giá với mỗi người.

Về “thành công”, hiểu đơn giản nhất, là khi con người đạt được những mong muốn, mục tiêu của bản… Còn “thất bại” là không đạt được mong muốn, mục tiêu của bản thân. Hai khái niệm trên hoàn toàn đối lập nhau nhưng trong câu tục ngữ này lại được đặt trong mối quan hệ gắn bó qua từ “mẹ” - chỉ người đã sinh ra, chăm sóc và dạy dỗ mỗi người. Từ đó, nhờ có thất bại đã dạy cho con người những bài học quý giá, để từ đó rút ra được kinh nghiệm và nỗ lực hơn trước để tiếp tục chinh phục đích đến của sự thành công.

Khi đối mặt với thất bại, con người thường cảm thấy buồn bã, chán nản. Người có bản lĩnh cần vượt qua được cảm xúc ban đầu, nhìn nhận lại mọi vấn đề để từ đó rút ra được những bài học quý giá từ thất bại, và tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Tin chắc rằng phía cuối con đường là trái ngọt đang chờ đợi. Người không có bản lĩnh sẽ rơi vào khủng hoảng, luôn chìm đắm trong sự chán nản, không chịu phấn tiếp tục phấn đấu. Từ đó, thất bại sẽ nối tiếp thất bại. Bởi vậy mà lời khuyên của câu tục ngữ rất ý nghĩa đối với mỗi người.

Thomas Edison là một nhà phát minh vĩ đại, trước khi thành công, ông cũng đã phải trải qua hàng nghìn lần thất bại. Để tìm ra con đường đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã phải rút kinh nghiệm từ thất bại của các bậc tiền nhân. Bởi vậy mới thấy rằng, ngay cả những con người vĩ đại, họ cũng cần học tập từ thất bại.

Là một học sinh, em luôn cố gắng học tập thật tốt, tích cực rèn luyện bản thân. Nhờ có câu tục ngữ, em tin rằng bản thân sẽ biết cách vượt qua được khó khăn, thử thách để đạt được những mục tiêu của mình.

Tóm lại, “Thất bại là mẹ thành công” thực sự là một lời khuyên đúng đắn, giá trị. Mỗi người hãy ghi nhớ, để có được cách đối diện đúng đắn với thất bại trong cuộc sống.

Dàn ý Bài viết số 6 lớp 7 đề 3

I. Mở bài

- Vị trí và vai trò ngày càng quan trọng của việc giao tiếp trong đời sống hàng ngày: là hoạt động thường xuyên, thiết yếu của con người.

- Giới thiệu và trích dẫn hai câu tục ngữ, ca dao: “Lời nói gói vàng” và “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng sách”.

II. Thân bài

1. Giải thích

- Nghĩa đen:

  • “Lời nói gói vàng”: lời nói có giá trị lớn, quý giá như gói vàng.
  • “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”: lời nói là thứ không mất tiền mua, không mất nhiều công sức, tiền bạc cũng có được nên cần lựa lời để nói làm vừa lòng nhau (vừa lòng: đẹp lòng, hài lòng, có ấn tượng tốt…)

- Nghĩa bóng:

  • Lời nói là thứ rất quý giá, cần được quý trọng đúng mức.
  • Lời nói rất quý giá nhưng cũng là phương tiện giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày, ai cũng có thể sử dụng được nên cần sử dụng đúng với nội dung và hoàn cảnh để tạo nên hiệu quả giao tiếp tốt nhất (chọn lựa, tổ chức lời nói cho phù hợp với người nghe).

2. Vai trò của lời nói

- Để giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày; là phương tiện để trao đổi những thông tin, tâm tư, tình cảm,…

- Lời nói cũng thể hiện nhân cách của mỗi con người.

  • Lời nói điềm tĩnh, nhẹ nhàng, ngôn ngữ trong sáng thường thể hiện một con người lịch sự, văn minh, có học thức, có văn hóa…
  • Lời nói cộc cằn, thô lỗ… thường thể hiện một con người thiếu văn hóa, thô thiển…

- Câu tục ngữ và ca dao trên khẳng định vai trò của lời nói và cách thức nói năng trong cuộc sống.

3. Làm như thế nào để sử dụng lời nói đúng mực, hiệu quả?

- Trong giao tiếp phải bình tĩnh, cởi mở, suy nghĩ kĩ trước khi nói: cần phải nói gì, nói như thế nào để vừa đạt được mục đích nói vừa làm người nghe dễ tiếp thu.

- Phải hiểu các nguyên tắc ứng xử để sử dụng lời nói cho đúng mực và đạt hiệu quả giao tiếp.

III. Kết bài

- Khẳng định giá trị của hai câu tục ngữ và ca dao: thể hiện nhận thức đúng đắn của dân gian về ý nghĩa và vai trò của lời nói.

- Rút ra bài học cho bản thân: cần hiểu được vai trò quan trọng của lời nói và biết cách sử dụng lời nói một cách hiệu quả.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 3 - Mẫu 1

Tục ngữ Việt Nam có khá nhiều câu nêu kinh nghiệm về giá trị của lời nói và cách nói năng trong cuộc sống. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến hai câu sau đây: “Lời nói, gói vàng” và “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Khi mới đọc tưởng như hai câu tục ngữ trên có ý nghĩa trái ngược nhau bởi một câu để cao giá trị của lời nói qua phép so sánh kết hợp với phóng đại: lời nói như cả gói vàng, một câu lại khẳng định lời nói chẳng mất tiền mua, đó là phương tiện giao tiếp người ta sẵn có, tuỳ ý mình sử dụng. Nhưng thực ra hai câu này, tuy dài ngắn khác nhau, một câu ví von bóng bẩy, mang hàm ý, một câu giản dị trực tiếp nêu lời khuyên nhủ, song chúng đều có chung ý nghĩa sâu sắc là đề cao giá trị của lời nói và nêu kinh nghiệm khi giao tiếp bằng lời: phải lựa chọn từ ngữ sao cho chính xác, phù hợp, chọn cách nói sao cho tế nhị, dễ nghe.

Vì sao lời nói tuy “chẳng mất tiền mua” nhưng lại được so sánh với vàng - một thứ kim loại quý hiếm, có giá trị rất cao? Vì sao khi giao tiếp lại phải “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”? Ai cũng biết: người bình thường khi sinh ra sau “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”, sẽ dần biết nói. Vốn từ ngữ tiếng mẹ đẻ của mỗi người sẽ ngày càng phong phú hơn theo thời gian, cùng với sự trưởng thành và quá trình học tập (nếu có) của từng người. Hằng ngày, con người chủ yếu dùng ngôn ngữ để giao tiếp. Bởi vậy, thật thiệt thòi cho những người mắc khuyết tật khiến không nghe được không nói được. Lời nói là cây cầu âm thanh rất quý giá nhưng loại công cụ này không chỉ có lợi mà còn có hại nếu như ta “ăn không nên đọi, nói không nên lời” hoặc nói ra những lời vô duyên, bậy bạ, không đúng sự thật hay “nói lời mà chẳng giữ lời...”. Thông thường, bằng thính giác, ta nhận ra sự có mặt của ai đó qua giọng nói của người ấy nhưng để đánh giá tính cách, trình độ, thái độ của người ấy thì phải dựa vào lời nói và việc làm của họ. Lời nói gồm nội dung, ý nghĩa câu chữ và giọng điệu của người nói. Nếu biết “lựa lời”, tức là biết chọn lọc từ ngữ, giọng điệu và thời điểm nói, thì lời nói ấy sẽ làm “vừa lòng” người nghe, cuộc đối thoại sẽ đi đến kết quả tốt đẹp. Ngay cả khi ai đó có sự khúc mắc, mâu thuẫn với người khác, nếu có được người biết khéo léo, hoà giải đôi bên bằng những lời lẽ thấu tình, đạt lý, sắc sảo, thấm thìa mà vẫn nhẹ nhàng; dễ tiếp thu thì hẳn là mâu thuẫn sẽ được giải quyết êm đẹp bởi “nói phải củ cải cũng nghe”. Ngược lại, nếu phát ngôn tuỳ tiện, tục tĩu, ba hoa khoác lác, hoặc vu khống, xuyên tạc thì người nói sẽ bị chê cười, khinh ghét, còn có thể gây nên những hiểu lầm ngoài ý muốn, thậm chí gây những xích mích, xô xát dẫn đến những hậu quả nặng nề. Báo chí đã từng đăng không ít thông tin về những vụ việc đánh, giết nhau chỉ vì một lời đùa cợt, một câu chửi thề vu vơ hoặc những lời đàm tiếu vô tâm hay ác ý...

Video bài văn mẫu: Viết bài tập làm văn số 6

Lời nói chỉ thực sự là “gói vàng” khi đó là những lời hay, ý đẹp được nói đúng lúc, đúng chỗ, là những lời chân thực, có trọng lượng, giàu sức thuyết phục, là lời nói đi đôi với việc làm. Lời nói đẹp không chỉ là những câu thơ, câu văn trau chuốt, bóng bảy của các nghệ sĩ ngôn từ hay những bài diễn thuyết hùng hồn của các nhà hùng biện. Đó có thể chỉ là những lời lẽ tự nhiên, giản dị mà vẫn đi vào lòng người. Câu hỏi rất đỗi ân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi lễ đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2 tháng 9 năm 1945: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” đã làm xúc động hàng triệu trái tim người dân Việt Nam. Ngay cả những tiếng chào hỏi, lời xin lỗi, câu cảm ơn hằng ngày chúng ta nói với người xung quanh cũng có thể khiến người khác thấy ấm lòng, vơi bớt sự nhọc nhằn, bực bội. Quả là:

“Chẳng được phẩm oản mâm xôi
Cũng được lời nói cho vui tấm lòng”

Mỗi người đều có thể tạo ra những câu nói đẹp, có văn hoá nếu có ý thức “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “nghĩ rồi hẵng nói” và “Lời nói đi đôi với việc làm”.

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”

Người khôn biết ăn nói dễ nghe, biết “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nhưng cần phân biệt lời nói “dịu dàng”, thanh lịch với những lời đường mật, giả dối; phân biệt việc biết nói gì, nói vào lúc nào để đạt được mục đích giao tiếp với kiểu nói năng “ậm ừ cho qua”, “dĩ hoà vi quý”, né tránh tranh luận khi cần đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Nói sao cho vừa lòng nhau cũng không phải là sự tỉ tê, nịnh nọt, tâng bốc người khác để chuộc lợi cho bản thân. Chúng ta cần học cách nói năng, ứng xử của những “người khôn”, “người thanh” theo quan niệm dân gian về lờiăn tiếng nói. Đồng thời cũng không nên ngại nói thẳng, nói thật vì sợ mất lòng; cần nhắc nhở, phê phán những người ăn nói vô văn hoá, không hiểu biết mà cứ nói bừa; nhất là phải lên án thói xu nịnh, xuyên tạc, đặt điều... Có như vậy những lời nói “chẳng mất tiền mua” mới có thể trở thành phương tiện giao tiếp hữu hiệu, thành những âm thanh đẹp của cuộc đời.

Ngôn ngữ là tài sản chung của toàn xã hội, nhưng lời nói là tài sản riêng của mỗi cá nhân. Nhớ ghi những lời khuyên dạy của người xưa, mỗi chúng ta hãy luôn có ý thức làm giàu có thêm cho kho tài sản vô hình ấy. Đó chính là một biểu hiện cụ thể của sự, tiếp thu kinh nghiệm và tri ân người đi trước, phấn đấu tự hoàn thiện mình.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 3 - Mẫu 2

Ca dao, tục ngữ là kho tàng tri thức quý báu. Một trong số đó là câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” và câu ca dao: “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mời nói cho vừa lòng nhau” đều nói đến vai trò của lời nói trong cuộc sống.

Đầu tiên là câu “Lời nói gói vàng”. Câu tục ngữ đã sử dụng hình ảnh so sánh “lời nói” với “vàng” - một thứ vật chất quý giá, sang trọng trong đời sống xã hội. Vàng được xem như là định giá cho những giá trị vật chất. Như vậy, câu tục ngữ mang hàm ý so sánh lời nói quý giá như gói vàng. Nhưng dù quý giá như vậy, song lời nói lại là điều con người có thể tạo ra không mất tiền để có được:

“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Lời nói là thứ vô hình và rất giản dị, ai ai cũng có. Con người cũng cần không phải mất tiền để mua bán. Chính vì vậy mà phải biết lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Nhưng cũng chính vì vậy mà cần phải lựa lời nói để làm đẹp lòng vừa ý người đối thoại. Tóm lại cả hai câu đã cho thấy tầm quan trọng của lời nói trong cuộc sống.

Tầm quan trọng của lời nói trước hết là ở chỗ đó là phương tiện để con người giao tiếp với nhau hàng ngày, giúp con người hiểu trao đổi tình cảm cá nhân, thông tin xã hội… Lời nói phản ánh đúng hiện thực khách quan giúp con người có nhận thức đúng đắn về thế giới, từ đó có những hành động đúng. Ngược lại, những lời nói sai sự thật sẽ mang đến những hậu quả vô cùng tai hại. Bên cạnh đó, lời nói cũng có tác động rất lớn đến tình cảm, cảm xúc của con người. Lời nói dịu dàng, lịch sự khiến người nghe thấy dễ chịu, vui vẻ. Điều đó khiến không khí nói chuyện trở nên thân mật, mọi người xích lại gần nhau tạo được quan hệ gần gũi, chan hoà. Những lời nói cộc cằn thô lỗ sẽ gây mất thiện cảm với người giao tiếp.

Lời nói là một trong những yếu tố thể hiện nhân cách của con người. Cha ông ta từng có câu: “Người thanh tiếng nói cũng thanh…”. Những lời nói lịch sự, đúng mực cho biết chủ nhân của nó là người có học thức, có hiểu biết. Ngược lại sự thô lỗ, tục tằn chỉ khiến người khác có ấn tượng xấu về nhân cách của chủ nhân lời nói.

Ông cha ta cũng có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” nhắc nhở chúng ta phải suy nghĩ kĩ trước khi nói năng. Suy nghĩ để lựa chọn từ ngữ, suy nghĩ để diễn đạt cho dễ hiểu, dễ chấp nhận… Tuy nhiên, dù cần khiến người khác “vừa lòng” song không vì thế mà nói những lời xu nịnh, gian trá. Nguồn gốc của cái hay, cái đẹp ở đời vẫn là những sự thật phù hợp với thực tế khách quan. Điều quan trọng là chúng ta nói như thế nào để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Muốn làm được những điều đó, chúng ta cần học tập, trau dồi đạo đức và kiến thức một cách vững chắc, tập sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ, đọc các tác phẩm văn học để học được cách sử dụng ngôn ngữ…

Lời nói góp phần thể hiện nhân cách của một con người. Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam được biết đến là một biểu tượng của nhân cách Việt Nam. Dù là một người có học vấn uyên bác, am hiểu nhiều ngôn ngữ nước ngoài. Nhưng khi trò chuyện với nhân dân, Người vẫn giản dị trong lời nói hay bài viết. Cách nói, cách viết dễ hiểu, dùng những hình ảnh quen thuộc để nhân dân có thể tiếp thu nhanh chóng. Cách nói chuyện của Bác luôn phù hợp với từng đối tượng.

Đối với một học sinh - việc rèn luyện cho mình lời ăn tiếng nói là một điều vô cùng cần thiết. Đặc biệt, mỗi học sinh cần tránh xa hiện tượng nói tục chửi bậy đang rất phổ biến. “Người thanh tiếng nói cũng thanh” - lời nói tốt đẹp sẽ giúp con người nhận được tình cảm yêu mến từ những người xung quanh.

Qua phân tích trên, lời nói có một tầm quan trọng vô cùng to lớn. Mỗi người hãy ghi nhớ những câu ca dao, tục ngữ trên như một lời nhắc nhở đến rèn luyện bản thân trở thành những con người văn minh, thanh lịch.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 3 - Mẫu 3

Lời ăn tiếng nói có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Bởi vậy mà ông cha ta đã gửi gắm những lời khuyên quý giá qua câu: “Lời nói gói vàng”

Và:

“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Câu “Lời nói gói vàng” đã so sánh “lời nói” với “ gói vàng”. Vàng vốn là một kim loại có giá trị kinh tế rất cao. Từ đó, câu tục ngữ mang hàm ý so sánh lời nói quý giá như giống như vàng vậy. Dù quý giá như vậy, song lời nói lại là điều con người có thể tạo ra không mất tiền để có được:

“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Con người sinh ra có thể nói năng. Lời nói là thứ mà chẳng phải mất tiền để mua. Nhưng cũng chính vì vậy mà cần phải lựa lời nói để làm đẹp lòng vừa ý người nghe, tránh gây ra những bất hòa. Cả hai câu trên đều muốn khẳng định ý nghĩa, vai trò của lời nói.

Trước hết, lời nói là phương tiện để con người giao tiếp với nhau hàng ngày, giúp con người hiểu trao đổi tình cảm cá nhân, thông tin xã hội… Bởi vậy mà chúng ta mới cần: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nói năng sao cho thuyết phục cũng là một nghệ thuật. Không thể phủ nhận rằng, giao tiếp là một nhu cầu quan trọng của người. Chúng ta cần học cách nói năng sao cho khéo léo, để có thể xây dựng được những mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh và gặt hái được thành công trong cuộc sống. Tài năng hùng biện sẽ giúp con người đạt được những thành công nhất định. Chắc hẳn không ai là không biết đến cựu tổng thống Obama của nước Mỹ. Chính nhờ năng lực hùng biện tốt đã hỗ trợ đắc lực cho ông thành công trong lĩnh vực chính trị.

Bên cạnh đó, lời nói còn là một phương diện để con người có nhận thức đúng đắn về thế giới, từ đó có những hành động đúng. Những lời nói dối sẽ gây ra hậu quả to lớn - “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Cùng với đó, lời nói tác động mạnh mẽ đến cảm xúc con người. Những lời nói lịch sự khiến người nghe cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Những lời nói cộc cằn thô lỗ sẽ khiến người nghe khó chịu, đánh mất thiện cảm tốt đẹp. Lời nói cũng làm nên nhân cách của một con người. Có câu: “Người thanh tiếng nói cũng thanh…”. Những lời nói lịch sự, đúng mực cho biết chủ nhân của nó là người có học thức, có hiểu biết. Ngược lại sự thô lỗ, tục tằn chỉ khiến người khác có ấn tượng xấu về nhân cách của chủ nhân lời nói. Từ đó, lời nói cũng là một trong những ấn tượng ban đầu để đánh giá con người.

Nói năng sao cho phù hợp cũng là cả một nghệ thuật. Chân thành mà không mang cảm giác nịnh bợ, dối trá. Quan trọng nhất, con người cần dựa trên hoàn cảnh giao tiếp, đối tượng giao tiếp để lựa chọn lời nói cho phù hợp. Với học sinh như em cũng cần rèn luyện cách ăn nói lịch sự, cần tránh xa hiện tượng tục chửi bậy đang rất phổ biến. Cần hiểu được rằng lời nói tốt đẹp sẽ giúp con người nhận được tình cảm yêu mến từ những người xung quanh, cũng như có được thuận lợi trong cuộc sống.

Tóm lại, lời nói thực sự rất quan trọng, góp phần thể hiện nhân cách của con người. Chúng ta cần có cách nói năng phù hợp để đạt được hiệu quả giao tiếp.

Dàn ý bài viết số 6 lớp 7 đề 4

1. Mở bài

  • Giới thiệu vấn đề: Mùa xuân rất đẹp…
  • Nêu giới hạn vấn đề: Vì thế Bác phát động phong trào trồng cây…

2. Thân Bài

a. Giải thích sơ lược vấn đề

  • Mùa xuân:…Tết:…
  • Càng xuân: Hiểu như thế nào?

b. Vì sao tham gia phong trào trồng cây này?

Vì:

  • Cây xanh là lá phổi của thiên nhiên nó giúp ta điều hoà không khí như hút khí CO2 nhả khí O2…
  • Ngăn chặn lũ lụt
  • Tô điểm màu xanh cho đất nước thêm đẹp

c. Làm như thế nào để thực hiện lời dạy của Bác

  • Chống phá hoại rừng xanh
  • Chăm sóc và bảo vệ cây xanh nơi em sinh sống…
  • Giữ gìn rừng nguyên sinh và rừng đầu nguồn

3. Kết bài

  • Thực hịên lời dạy của Bác mùa xuân nào nhân dân ta cũng trồng cây đầu xuân…
  • Bản thân em ý thức như thế nào?
  • Tham gia nhiệt tình việc trồng cây ở nhà, ở trường…

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 4 - Mẫu 1

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, chúng ta luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc bên gia đình. Ngoài việc sum họp bên gia đình, khắp đất nước ta có một phong trào mới “Tết trồng cây” được mọi người hưởng ứng sôi nổi như một ngày lễ hội lớn vậy. Trong phong trào này, ta lại nhớ đến lời dạy bảo của Bác Hồ kính yêu:

“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

Qua hai dòng thơ trên, Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì? Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân lại có thể góp phần làm mùa xuân của đất nước?

Trong bốn mùa của đất nước, mùa xuân có khí hậu ấm áp, ôn hòa làm cho cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở. Đây là mùa thích hợp cho việc trồng cây. Bác đã nhắc nhở mọi người phải trồng cây để quanh ta có bầu không khí trong lành để chúng ta sống khỏe mạnh hơn. Trồng cây để chúng ta tô điểm cho cuộc sống trở nên xanh tươi hơn, gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên

Bác nói: “Mùa xuân là Tết trồng cây” mang ý nghĩa cả mùa xuân là Tết của trồng cây. Nhắc đến Tết là nhắc đến không khí tràn ngập niềm vui; khi trồng cây ta sẽ thấy sảng khoái, yêu đời, yêu thiên nhiên. Tết trồng cây khẳng định rằng việc trồng cây mang lợi ích rất lớn cho dân tộc ta hôm nay và cả tương lai.

Bác Hồ đã nói rõ mục đích của Tết trồng cây: “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ ‘xuân’ ở câu này không phải chỉ một mùa trong năm, mà mang ý nghĩa là sức sống tươi đẹp, trẻ trung của đất nước. Khi trồng cây, cây sẽ xanh tươi thì ở mọi nơi trên đất nước sẽ tràn ngập sức sống làm cho con người yêu thiên nhiên hơn. Nếu mỗi người chỉ trồng một cây thôi thì cũng đã góp phần nhỏ trong việc làm đẹp cho đất nước. Một thời gian sau, ta sẽ biến những nơi đất trống đồi trọc thành nơi phủ xanh.

Bác đã nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” để mọi người hiểu rõ vể lợi ích trồng cây trồng người.

Đúng vậy, trồng cây có lợi ích rất lớn đối với cuộc sống con người. Cây xanh làm giảm xói mòn. Hằng ngày, các nhà máy, các phương tiện giao thông đã thải khói bụi thì cây đã giúp ta phần nào khi thanh lọc những khí thải, lấy lại sự trong lành cho không khí. Vào mùa nước lũ, nếu không có cây chắn gió, chắn dòng nước lũ thì sẽ không biết bao nhiêu đồ đạc sẽ cuốn theo dòng nước lũ. Cây cối còn cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp, tạo ra những sản phẩm để phục vụ đời sống con người. Khi mùa hè chói chang, oi bức thì những hàng cây xanh sẽ che bóng mát, hứng chịu cái nắng gay gắt. Đứng dưới bóng cây, ta như lạc vào thế giới thần tiên tràn ngập một màu xanh tươi mát. Chính vì thế, nếu không có cây xanh thì sẽ chẳng còn ai tồn tại trên đời. Vì vậy, chúng ta phải trồng cây để bảo vệ môi trường, đây là việc cần thiết đối với toàn nhân loại.

Với lời dạy của Bác, ta thấy Bác rất quan tâm và gần gũi với thiên nhiên. Bác thường xuyên theo dõi, cổ vũ phong trào Tết trồng cây. Hằng năm, mỗi độ xuân về, Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng nhân dân. Trong khu nhà đơn sơ của mình, Bác đã tạo ra một môi trường thiên nhiên tươi đẹp, trồng và chăm sóc rất chu đáo. Từ việc làm và lời dạy của Bác, ta nhận thấy rằng con người ta sống không thể tách rời với thiên nhiên. Vì vậy, ta phải trồng cây để góp phần làm cho cuộc sống trở nên “xanh, sạch đẹp!”.

Là người học sinh, em thấy mình phải có trách nhiệm đối với việc trồng cây. Đồng thời, học sinh chúng ta phải tự giác, nhắc nhở các bạn phải tôn trọng về việc bảo vệ cây xanh. Mỗi học sinh phải có ý thức giữ gìn một môi trường trong lành. Và không biết từ bao giờ, Tết trồng cây đã trở thành một nếp sống đẹp; một truyền thống gắn bó với nhân dân ta khi mùa xuân về.

Qua lời dạy trên của Bác, ta càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa và lợi ích to lớn của việc trồng cây. Học sinh chúng em sẽ trồng cây để góp phần làm đẹp cho đất nước và sẽ cố gắng học thật giỏi để mai này xây dựng đất nước ngày một phồn vinh, thịnh vượng hơn.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 4 - Mẫu 2

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến mọi mặt của đời sống xã hội. Người cũng rất quan tâm đến môi trường và hiểu được ý nghĩa thiết thực của môi trường sống nên Bác đã động viên toàn thể quần chúng nhân dân tích cực trồng cây làm cho đất nước thêm xanh, thêm đẹp, thêm giàu sức sống:

“Mùa xuân là tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

Hai câu thơ của Bác đã khẳng định việc trồng cây đã trở thành một phong tục mới trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta. Việc trồng cây thực sự đã trở thành ngày hội náo nức, một việc làm có ý nghĩa để cho môi trường ngày càng xanh tươi, “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ “xuân” Bác dùng ở câu thơ này được hiểu với những hàm ý khác nhau. Trước hết, ta thấy từ “xuân” ở dòng thứ nhất chỉ mùa bắt đầu của một năm. Từ “xuân” thứ hai với nghĩa tượng trưng là nói về sức sống, vẻ tươi đẹp. Với câu nói đầy hình ảnh đó, Bác khuyên mọi người khi mùa xuân tới hãy tích cực trồng cây. Việc trồng cây sẽ góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.

Chúng ta đã hiểu lời khuyên của Bác, vậy thì vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước? Đó là vì, mùa xuân có tiết trời ấm áp, khí hậu ôn hoà rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây cối. Tết trồng cây đầu năm có ý nghĩa hết sức to lớn, nó tạo nên một môi trường sống trong sạch và tốt đẹp hơn; con người được sống trong bầu không khí trong lành, thoải mái. Việc trồng cây phủ xanh đồi núi trọc hay những vùng ven biển đang bị cát lấn có tác dụng ngăn được bão lũ, chống xói mòn, giảm bớt những hậu quả do thiên tai mang lại, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước. Trồng cây cho chúng ta một nguồn tài nguyên phong phú để phát triển ngành công nghiệp gỗ, sản xuất ra những đồ vật hữu dụng trong gia đình,.. Trồng cây sẽ tạo ra được những quang cảnh đẹp hơn, tạo nên cảnh quan kiến trúc thơ mộng, tôn thêm vẻ đẹp của nơi ở. Hơn nữa, cây xanh còn có tác dụng điều hoà không khí, chống lũ, bảo vệ đất đai và góp phần mang lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Không có cây xanh, chúng ta khó có thể tồn tại một cách bình yên và khoẻ mạnh được. Trồng cây, làm cho cây xanh tươi và nơi nào cũng có cây xanh thì đất nước sẽ xanh tươi, khắp nơi sẽ tràn đầy sự sống. Như thế, việc trồng cây thực sự đã và sẽ góp phần làm cho đất nước “càng ngày càng xuân” .

Qua lời thơ, ta thấy rằng, tết trồng cây là một việc làm ý nghĩa, trở thành một thuần phong mĩ tục tốt đẹp trong xã hội chúng ta. Là một học sinh, chúng ta phải làm theo lời Bác dạy. Chúng ta trồng một cây xanh nghĩa là chúng ta đã thắp một nén hương thơm để tưởng nhớ tới Bác Hồ kính yêu.

Dàn ý Bài viết số 6 lớp 7 đề 5

I. Mở bài

- Giới thiệu truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc: là truyền thống lâu đời, thể hiện những đạo lí tốt đẹp của dân tộc.

- Giới thiệu, trích dẫn bài ca dao.

II. Thân bài

1. Giải thích

- Nghĩa đen: “nhiễu điều” tấm vải đỏ, nhiễu điều phủ lấy giá gương tấm vải đỏ che phủ, bao bọc, bảo vệ gương.

- Nghĩa bóng: Mọi người phải biết đoàn kết, thương yêu nhau. Tinh thần đoàn kết thương yêu nhau là truyền thống của dân tộc.

2. Chứng minh

* Tại sao lại phải sống đoàn kết, thương yêu nhau?

- Đề cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống lao động: chống bão lũ, hạn hán….

- Để cùng chống giặc ngoại xâm…

- Để cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt: những người nghèo,nạn nhân chất độc màu da cam, những trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ em ung thư… (Có thể dẫn một số câu tục ngữ, ca dao có nội dung tương tự)

* Cần phải làm gì để thực hiện lời dạy của người xưa?

- Thương yêu đùm bọc và sống có trách nhiệm với chính những người thân yêu trong gia đình, hàng xóm…

- Sống có trách nhiệm với cộng đồng: tham gia các phong trào ủng hộ, các hoạt động từ thiện….

3. Liên hệ bản thân

Là học sinh, em có thể làm gì để thực hiện lời khuyên của dân gian ( yêu thương đoàn kết với bạn bè trong lớp, tham gia các hoạt động ủng hộ, quyên góp…)

III. Kết bài

- Khẳng định giá trị của bài ca dao: thể hiện được truyền thống tương thân tương ái quý báu của dân tộc.

- Khẳng định rằng truyền thống tốt đẹp ấy sẽ được thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối và phát huy.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 5 - Mẫu 1

Dân tộc Việt Nam có nhiều truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Một trong số đó là tinh thần tương thân tương ái. Điều đó được thể hiện trong bài ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Ở vế câu đầu tiên, hình ảnh “nhiễu điều” có nghĩa là tấm vải đỏ. Vậy nên “nhiễu điều phủ lấy giá gương” ý chỉ lấy tấm vải đỏ che phủ, bao bọc, bảo vệ gương. Chính vì vậy mà “Người trong một nước phải thương nhau cùng” - những người cùng chung nòi giống, sống trong cùng một đất nước hãy yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Câu ca dao muốn khuyên nhủ con người cần phải biết đoàn kết, thương yêu nhau. Tinh thần đoàn kết thương yêu nhau là truyền thống của dân tộc.

Có thể khẳng định đây là một cách sống tốt đẹp. Không phải ai sinh ra cũng được sống trong một hoàn cảnh tiện nghi, sung sướng. Rất nhiều những mảnh đời bất hạnh không có được đầy đủ mà phải vất vả kiếm sống. Hơn nữa, thế giới cũng luôn tồn tại những nguy cơ, hiểm họa đe dọa như thiên tai, dịch bệnh… có thể cướp đi của cải thậm chí là mạng sống của con người. Chính vì vậy, con người cần biết chia sẻ để giúp đỡ, cùng xây dựng một xã hội phát triển hơn.

Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống tương thân tương ái. Trong quá khứ, chúng ta đã đoàn kết lại, đùm bọc lẫn nhau vượt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1945, khi nhân dân ta phải đối mặt với “giặc đói”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Một nắm khi đói, bằng một gói khi no” được nhân dân hưởng ứng. Các hũ gạo cứu đói đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Đến hiện tại, tinh thần đó lại càng được nêu cao. Nhiều chương trình từ thiện đã thể hiện được tinh thần nhân ái giữa con người. Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như “Cặp lá yêu thương”, “Việc tử tế”... của Đài truyền hình Việt Nam đã giúp đỡ được biết bao mảnh đời khó khăn trong xã hội… Ngay trong những ngày đầy sóng gió của năm 2020 vừa qua, khi đất nước phải đối mặt với đại dịch Covid-19 thì tinh thần ấy lại càng lớn mạnh. Đó là những điểm phát lương thực thực phẩm miễn phí cho những người khó khăn. Những chính sách hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước đến những người nghèo. Hay những y bác sĩ nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Họ không ngại phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh để có thể cứu chữa cho bệnh nhân của mình. Hình ảnh bác sĩ với những vết hằn đỏ trên mặt vì phải đeo khẩu trang liên tục ngày này qua ngày khác thật sự khiến chúng ta cảm thấy xúc động.

Là một chủ nhân tương lai của đất nước, những học sinh như tôi cần ý thức được bài học về tinh thần “Thương người như thể thương thân”. Chúng ta hãy biến tình yêu thành hành động cụ thể để giúp cho đất nước ngày càng phát triển. Đặc biệt là học sinh, sinh viên cần biết giúp đỡ nhau trong học tập, cuộc sống. Giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ bản thân mình.

Như vậy, câu ca dao trên là một bài học đúng đắn dành cho con người. Mỗi người hãy ghi nhớ để có thể giữ cho mình một lối sống đẹp đẽ, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 5 - Mẫu 2

Kho tàng ca dao, tục ngữ của dân tộc Việt Nam đã đem đến cho thế hệ sau nhiều bài học quý giá. Một trong số đó là câu ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Câu tục ngữ là lời khuyên quý giá về tinh thần tương thân tương ái - một truyền thống lâu đời của dân tộc.

Câu ca dao đã mượn hình ảnh “nhiễu điều phủ lấy giá gương” ý chỉ tấm vải đỏ che phủ, bao bọc để bảo vệ tấm gương sáng bóng. Từ đó khuyên nhủ con người cần phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Từ hai hình ảnh trên, ông cha ta đã liên tưởng sâu xa đến tình cảm của những người dân trong cùng một dân tộc, cùng một nước, đã chảy chung một dòng máu quê hương, có mục đích chung thì cần biết thương yêu nhau. “Người trong một nước phải thương nhau cùng” - những người cùng chung nòi giống, sống trong cùng một đất nước hãy yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Câu ca dao muốn khuyên nhủ con người cần phải biết đoàn kết, thương yêu nhau. Tinh thần đoàn kết thương yêu nhau là truyền thống của dân tộc.

Trong cuộc sống, không phải ai sinh ra cũng đều được sống trong hạnh phúc. Rất nhiều những mảnh đời bất hạnh không có được đầy đủ mà phải vất vả kiếm sống. Hơn nữa, thế giới cũng luôn tồn tại những nguy cơ, hiểm họa đe dọa như thiên tai, dịch bệnh… có thể cướp đi của cải thậm chí là mạng sống của con người. Chính vì điều đó, chúng ta là những người được hưởng cuộc sống ấm no, đầy đủ về vật chất cần biết chia sẻ cho những người khó khăn hơn. Bởi khi biết giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương của những người chúng ta giúp đỡ. Bản thân cũng sẽ cảm thấy thanh thản và hạnh phúc. Có vậy, xã hội sẽ ngày một phát triển hơn. Cũng như bản thân cũng cảm thấy hạnh phúc hơn.

Trong những ngày không quên của năm 2020 vừa qua, khi mà đại dịch Covid-19 đã cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu người trên thế giới. Thì ở Việt Nam, chúng ta thật tự hào khi “chiến thắng đại dịch”. Toàn thể nhân dân đã đoàn kết một lòng và đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Đầu tiên, đó là những chính sách hỗ trợ đến từ Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo, người thất nghiệp… do ảnh hưởng của đại dịch. Tiếp đến là những phát minh đầy sáng tạo và tình người như cây ATM gạo, ATM khẩu trang… - ai cần thì đến lấy, tất cả đều miễn phí. Đó chính là tinh thần “lá lành đùm lá rách” thật đáng quý của con người Việt Nam.

Như vậy, câu ca dao đã đem đến cho con người những bài học quý giá về tinh thần tương thân tương ái. Bởi “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” - hãy biết yêu thương, chia sẻ để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 5 - Mẫu 3

Tương thân, tương ái là một truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Bởi vậy mà ông cha ta vẫn luôn nhắc nhở con cháu giữ gìn và phát huy truyền thống này. Điều đó được gửi gắm trong bài ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Bài ca dao gồm có hai vế. Ở về thứ nhất, “nhiễu điều” là tấm vải đỏ, “gương” là một đồ vật có bề mặt nhẵn, thường làm bằng thủy tinh, có thể phản chiếu hình ảnh. Hình ảnh “nhiễu điều phủ lấy giá gương” ý chỉ việc người xưa thường lấy tấm vải đỏ để che phủ, bao bọc lại gương để bảo vệ. Từ đó, chúng ta hình dung về sự đùm bọc, sẻ chia giữa con người với con người. Ở vế câu thứ hai, “người trong một nước phải thương nhau cùng” ý muốn nói những người cùng chung nòi giống, sống trong cùng một đất nước hãy yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Qua câu ca dao muốn khuyên nhủ con người cần phải biết sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Con người sinh ra có hoàn cảnh khác nhau: có người sung sướng, cũng có người nghèo khổ. Hơn nữa, chúng ta lại cùng chung sống trên một đất nước, có cùng nguồn gốc con Rồng cháu Tiên. Bởi vậy, tình yêu thương, sự đùm bọc hay giúp đỡ lẫn nhau là điều cần thiết trong cuộc sống. Một ví dụ cụ thể nhất là trong năm 1945, khi cả nước phải đối mặt với nạn đói kinh hoàng. Hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh với động phong trào “Một nắm khi đói, bằng một gói khi no”. Các hũ gạo cứu đói đó đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Đến hiện tại, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, nhưng tinh thần đó vẫn được phát huy. Các chương trình thiện nguyện vẫn được tổ chức hằng năm như như áo ấm cho em, hiến máu nhân đạo, gánh chữ lên non. Nhiều tấm lòng hảo tâm đã ủng hộ cho đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng của thiên tai. Hay sự đồng lòng, sẻ chia của chính quyền và nhân dân trong đại dịch… Tất cả đều cho thấy được một trái tim Việt Nam giàu nhân nghĩa.

Thệ trẻ hôm nay cần tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ nhau. Đặc biệt là học sinh, sinh viên cần biết giúp đỡ nhau trong học tập, cuộc sống. Chúng ta hãy tin rằng, giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ bản thân. Khi bạn trao đi yêu thương, sẽ nhận lại được yêu thương nhiều hơn.

Tóm lại, bài ca dao trên đã giúp mỗi người nhận ra được một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, chúng ta ý thức được trách nhiệm của bản thân qua đó.

Dàn ý Bài viết số 6 lớp 7 đề 6

I. Mở bài

- Phong trào học tập hiện nay.

- Trích dẫn lời khuyên Lênin.

II. Thân bài

1. Thế nào là “Học, học nữa, học mãi”?

- Học là tìm hiểu, lĩnh hội kiến thức để nâng cao kiến thức về mọi mặt.

- Học nữa là học thêm nâng cao bổ sung thêm vào những điều đã học.

- Học mãi là học không ngừng, học suốt đời.

2. Vì sao phải không ngừng học tập?

- Vì những kiến thức học ở trường chỉ là cơ bản. Muốn hoàn thành tốt công việc phải học mở rộng nâng cao để có kiến thức sâu rộng.

- Tri thức của nhân loại là vô hạn “biển học mênh mông” hiểu biết của con người là nhỏ bé. Để thỏa mãn sự ham hiểu biết, làm cho tâm hồn trí tuệ phong phú, nâng cao giá trị bản thân, con người cần phải không ngừng học tập.

- Xã hội phát triển, khoa học kĩ thuật cũng ngày một phát triển không ngừng, không học sẽ lạc hậu, sẽ ảnh hưởng đến đời sống của bản thân và xã hội.

3. Làm thế nào để thực hiện được lời khuyên của Lênin?

- Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, phải nắm vững kiến thức cơ bản để có cơ sở học nâng cao.

- Biết lựa chọn kiến thức để học theo yêu cầu công việc hoặc sở thích.

- Có kế hoạch và ý chí thực hiện kế hoạch đó, áp dụng những điều đã học vào cuộc sống.

III. Kết bài

- Một vĩ nhân đã từng nói: “Đường đời là cái thang không nấc chót, việc học là quyển sách không trang cuối”.

- Mỗi người chúng ta hãy coi học tập là hạnh phúc, niềm vui của đời mình.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 6 - Mẫu 1

Học tập có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Chính vì vậy mà Lê-nin đã khuyên nhủ mỗi người cần phải: “Học, học nữa, học mãi”. Câu nói đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc.

Đầu tiên, học là sự thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức. Có rất nhiều hình thức học tập như học ở trên lớp, học thêm, học từ thầy cô, học từ bạn bè… Lê-nin đã nhắc lại ba lần chữ “học” đồng thời mở rộng về chiều “thời gian” cho động từ “học” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập. Tiếp đến là cụm từ “học nữa” tức là tiếp tục học không ngừng nghỉ cho đến “học mãi” tức là học đến hết cuộc đời. Như vậy, câu nói trên muốn khuyên nhủ con người luôn luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức.

Trong một xã hội hiện đại, con người có thể học tập kiến thức ở bất kì nơi đâu. Những kiến thức học ở trường chỉ là cơ bản. Vốn tri thức của nhân loại là vô hạn “biển học mênh mông” hiểu biết của con người là nhỏ bé. Khi muốn hoàn thành tốt công việc phải học mở rộng nâng cao để có kiến thức sâu rộng. Để thỏa mãn sự ham hiểu biết, làm cho tâm hồn trí tuệ phong phú, nâng cao giá trị bản thân, con người cần phải không ngừng học tập. Nếu con người sống trong một xã hội đang phát triển nhưng không chịu học tập thì sẽ trở nên lạc hậu, sẽ ảnh hưởng đến đời sống của bản thân và xã hội. Việc học tập cũng không giới hạn độ tuổi của con người, dù còn trẻ hay đã lớn tuổi thì việc học tập cũng vô cùng cần thiết.

Chắc hẳn ai cũng biết đến chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Suốt ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước. Người đã tự mình học hỏi để rồi có được một vốn hiểu biết phong phú về văn hóa các nước. Cũng như am hiểu thông thạo nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Hoa, Nga… Kế thừa tinh thần đó của Bác, trong xã hội hiện tại, có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên tự mình học hỏi, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để có được kết quả cao trong học tập… Người luôn ý thức việc học không chỉ đối với học sinh, mà học tập là cả một quá trình suốt đời.

Việc học tập không ngừng nghỉ cũng cần phải có tinh thần tự giác trong học tập vì khối lượng kiến thức của nhân loại giống như một đại dương mênh mông vô tận. Mà những kiến thức học được ở trường lớp chỉ là một phần rất nhỏ của kho tàng tri thức nhân loại. Con người cũng chỉ học tập ở trường lớp cũng chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Vì vậy, chúng ta cần phải tận dụng tối đa khoảng thời gian đó, tự giác học tập để nâng cao tri thức, rút ngắn khoảng cách đến với thành công. Học tập không phải là con đường duy nhất, nhưng lại là con đường ngắn nhất.

Đối với tôi - một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ luôn ý thức được trách nhiệm học tập của bản thân. Từ đó, tôi luôn cố gắng rèn luyện cho mình tinh thần học tập không ngừng, bằng cách xây dựng cho mình một kế hoạch tự học hiệu quả và nghiêm túc thực hiện.

Như vậy, câu nói “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin đã đem đến cho con người một bài học vô cùng ý nghĩa. Mỗi người hãy ý thức được tầm quan trọng của việc học tập trong cuộc sống.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 6 - Mẫu 2

Có ai đó đã từng nói rằng: “Cái ta biết chỉ là giọt nước. Cái ta chưa biết là cả một đại dương mênh mông”. Việc học tập không bao giờ là kết thúc. Bởi thế mà nhà bác học học Charles Robert Darwin từng khẳng định: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Và Lê-nin cũng có một lời khuyên sâu sắc: “Học, học nữa, học mãi”.

Đầu tiên học là sự thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức. Lê-nin đã điệp “học” tới ba lần cũng như mở rộng về “thời gian” cho động từ “học” đã chứa đựng ý nghĩa to lớn. Từ học nữa tức là tiếp tục học không ngừng nghỉ cho đến “học mãi” tức là học đến hết cuộc đời. Như vậy, câu nói của V. Lênin muốn khuyên nhủ con người luôn luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức.

Học tập không ngừng đem lại cho con người nhiều lợi ích. Kiến thức trong xã hội là vô tận, nhưng hiểu biết của con người là vô hạn. Học tập chính là con đường để tiếp thu được những kiến thức đó. Chỉ có học tập mới có thể đem lại cho người ta hiểu biết nhiều hơn. Việc học tập cũng giúp thỏa mãn những ham muốn hiểu biết, khám phá thế giới xung quanh. Học tập cũng là con đường ngắn nhất để đến với thành công. Trong xã hội hiện đại, nếu bạn không chịu học hỏi những cái mới bạn chắc chắn sẽ trở nên lạc hậu. Điều đó gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bản thân mỗi người. Quan trọng nhất là những hiểu biết từ việc học tập, chúng ta sẽ đạt được những điều mà mình mong muốn cũng như được những người xung quanh kính trọng, ngưỡng mộ và yêu quý.

Dù là một nhà bác học thiên tài như Newton, Einstein, Thomas Edison thì họ vẫn luôn tìm tòi, học hỏi để nâng cao vốn hiểu biết của bản thân mình. Chính vì vậy, khi xã hội ngày càng phát triển, các bạn trẻ hãy ý thức được tầm quan trọng của việc học hỏi với con đường vươn tới thành công. Tuy nhiên, bên cạnh những bạn trẻ đang ngày đêm nỗ lực học tập chăm chỉ, tranh thủ từng thời gian để tích lũy kiến thức và kỹ năng nền tảng. Thì vẫn còn không ít những bạn trẻ lãng phí thời gian vào các trò chơi điện tử vô bổ, vào các mạng xã hội như: facebook, zalo… Chắc hẳn những con người ấy sẽ chẳng có ước mơ hay khao khát và cũng chẳng thể đạt được thành công.

Tuy nhiên vẫn có một số bạn trẻ có ý thức học tập nhưng lại học những thứ viển vông, cao siêu, xa rời thực tế. Điều ấy cũng gây lãng phí thời gian, tiền bạc cho gia đình và bản thân. Điều quan trọng nhất vẫn là tự ý thức được đam mê của bản thân và cố gắng học hỏi rèn kiến thức và rèn luyện kỹ năng để biến đam mê đó thành hiện thực. Khi còn là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi vẫn luôn nỗ lực học tập chăm chỉ, tích cực tham gia các hoạt động tập thể để rèn luyện kỹ năng cho bản thân.

Tóm lại, lời khuyên của Lê-nin đã để lại cho mỗi người bài học thật ý nghĩa. “Học, học nữa, học mãi” - học hỏi luôn là công việc suốt đời cần phải làm để vươn tới thành công.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 6 - Mẫu 3

Học tập là một quá trình dài, đòi hỏi con người luôn nỗ lực và kiên trì. Bởi vậy, V. Lê-nin đã đưa ra lời khuyên “Học, học nữa, học mãi” vô cùng ý nghĩa và giá trị đối với mỗi người.

Về khái niệm “học”, hiểu đơn giản là sự thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức. Trong câu nói của Lê-nin, từ “học” được nhắc lại tới ba lần kết hợp với các từ “nữa, mãi”. Với “học nữa” có nghĩa là tiếp tục học không ngừng nghỉ, cho đến “học mãi” tức là học đến hết cuộc đời. Tóm lại, V. Lênin muốn khuyên nhủ con người luôn luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức.

Xã hội đang ngày càng phát triển, khối lượng kiến thức mà con người tích lũy cùng nhiều hơn. Chính vì vậy, việc học tập là vô cùng cần thiết để nâng cao hiểu biết của bản thân. Khi đó, con người mới có thể thực hiện được ước mơ, mục tiêu đã đề ra. Chúng ta bước ra ngoài thế giới rộng lớn để học hỏi thêm điều mới mẻ, bổ ích cũng như có thêm trải nghiệm để bản thân trưởng thành hơn. Ngược lại, nếu chỉ biết sống thụ động mà không chịu tìm tòi sẽ chỉ thụt lùi lại phía sau. Không chỉ học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mà việc học là suốt đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng. Cuộc đời của Bác suốt đời học tập. Khi còn là một chàng thanh niên giàu lí tưởng hay khi đã trở thành một vị lãnh tụ. Bác vẫn tích cực học tập, tìm hiểu. Chúng ta biết được Bác có một vốn am hiểu sâu rộng, uyên bác. Không chỉ vậy, Bác còn biết nói rất nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Trung… Chúng ta tự hào về Bác, cũng cần học tập Bác nỗ lực học tập.

Đối với một học sinh, nhiệm vụ chính là học tập thì việc tích cực khám phá, tìm tòi là một điều cần thiết. Chúng ta cũng cần tránh xa lối sống thụ động, lười biếng và ngại tìm hiểu. Học tập chưa bao giờ là quá muộn.

Như vậy, câu nói của V. Lê-nin thật giá trị, ý nghĩa. Mỗi người hãy ghi nhớ để có thể tích cực học tập, trau dồi để hoàn thiện bản thân.

Dàn bài viết số 6 lớp 7 đề 7

Đề bài: suy nghĩ về câu nhiễu điều phủ lấy giá gương người trong một nước phải thương nhau cùng

1. Mở bài

  • Nhân dân ta từ xưa đến nay vốn có truyền thống yêu thương, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.
  • Dẫn câu ca dao: “Nhiễu điều… nhau cùng”.
  • Đây là nhắc nhở mọi người phải có lòng nhân ái, giúp đỡ lẫn nhau.

2. Thân bài

a. Giải thích

Nghĩa đen: “Nhiễu điều” là thứ hàng tơ lụa màu đỏ đẹp đắt giá; “giá gương” là vật dụng bằng gỗ chạm khắc khéo léo vừa đỡ lấy tấm gương soi vừa để trang hoàng nhà cửa. Nếu hai vật ấy đứng riêng lẻ thì không có gì đặc sắc. Nhưng đặt mảnh lụa đỏ phủ lên giá gương thì chúng tạo nên một cảnh tượng vừa rực rỡ, vừa uy nghiêm. Tấm “nhiễu điều” giữ cho gương sáng mãi, khỏi bị ố mờ vì bụi, còn tấm gương kia nhờ tấm nhiễu điều nên luôn sáng tươi mãi. Chính nhờ bao phủ, chở che cho nhau mà cả hai trở nên có giá trị, tôn vinh thêm nét đẹp.

Nghĩa bóng: Từ hai hình ảnh ví von gợi cảm đó, người xưa muốn nêu lên một lời khuyên: Là người trong một nước ta phải biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong lúc hoạn nạn, khó khăn.

Đây là chân lí, là phương châm sống cho mỗi người chúng ta.

b. Tại sao người trong một nước phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau?

Về mặt tình cảm: Người cùng chung một nước có cùng chung một nguồn gốc lịch sử, cùng chung một tổ tiên, nói cùng một thứ tiếng “mẹ đẻ”, cùng phong tục tập quán… không khác gì anh em trong một nhà.

Về mặt lí trí: Không ai có thể sống lẻ loi trong xã hội được mà phải hòa nhập vào cộng đồng, phải có bổn phận nghĩa vụ đối với nhau cùng nhau gắn bó, đoàn kết để đưa đất nước tiến lên.

Đây là cách sống, là đạo lí truyền thống của dân tộc ta từ ngàn xưa.

Nhờ tình tương thân tương ái đó mà dân tộc đã vượt qua biết bao gian khổ từ lúc dựng nước giữ nước, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau trong chiến đấu chống giặc thù, đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau khi trong nước có thiên tai lũ lụt. Chính nhờ tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “miếng khi đói bằng gói khi no” của người trong một nước nên đất nước ta, dân tộc ta mới đứng vững vàng cho đến hôm nay.

Yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau phải xuất phát từ lòng chân thành, tự nguyện, tự giác thì mới là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng. Nó vừa thể hiện nhân cách đạo đức của con người vừa là nền tảng xây dựng xã hội tốt đẹp.

3. Kết bài

Câu ca dao mãi mãi là một bài học giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người. Tình cảm yêu thương, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cần được phát huy ngày càng mạnh mẽ để cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 7 - Mẫu 1

Từ lâu người Việt đã có truyền thống yêu thương đùm bọc lẫn nhau, truyền thống đó càng được thể hiện rõ nếu một cá nhân trong một tập thể, một cộng đồng gặp khó khăn. Để con cháu mãi mãi giữ được truyền thống quý báu đó ông cha ta đã truyền lại câu ca dao mà không con người mang dòng máu Việt Nam quên được:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng

Chúng ta có thể hiểu rằng, nhiễu điều là một tấm vải màu đỏ, có thể nói là vô cùng quí giá và sang trọng trong xã hội thời xưa. Và vật quí giá đó được dùng để phủ lên tấm bài vị của tổ tiên. Tấm vải che chở, đùm bọc cho “giá gương” khỏi những bụi bặm, nhơ bẩn trong cuộc đời. Chính hình ảnh này đã khơi gợi lên hình ảnh yêu thương, sự đùm bọc sẻ chia của nhân dân ta, mà đời đời kiếp kiếp nhân dân giữ gìn, coi trọng nó như một phần của trái tim, một phần của tâm hồn của mình.

Truyền thuyết Con Rồng cháu tiên đã nói cho chúng ta biết chúng ta được sinh ra cùng một tổ tiên. Chúng ta, mỗi người con đất Việt, đều là con cháu của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, chúng ta cùng sinh ra trong một bọc trăm trứng thần kì. Điều đó có nghĩa là mỗi người, dù ở nơi đâu trên trái đất bao la và rộng lớn này, dù trong bộ phận nhỏ nhất, cũng chảy chung một dòng máu, đó là dòng máu Việt Nam. Chúng ta là anh em, nên yêu thương và che chở cho nhau là một điều tự nhiên và không bao giờ thay đổi. Truyền thuyết là vậy, nhưng cũng từ đó mà nhân dân ta đã tạo nên một sợi dây gắn kết bền chặt, một sợi dây gắn kết những tầm hồn, những tình yêu thương chúng ta dành cho nhau.

Cuộc sống ngày nay đã phát triển, con người được sống sung sướng hơn nhưng vẫn còn đây đó những cảnh đời bất hạnh, đau thương. Dòng đường đời lắm gian truân, nhiều phong ba bão táp, nên sẽ luôn có người ngã xuống, có người thất bại, có người biết tự mình đứng lên, cũng có người sẽ không bao giờ muốn gượng dậy. Nói thì dễ, nhưng để tự đứng dậy khi đã ngã xuống, thì không phải ai cũng làm được. Khi đó, chúng ta sẽ mong mỏi có một bàn tay ấm áp nắm lấy tay ta, kéo ta lên để ta bước tiếp trên con đường phía trước. Và bàn tay đó, không hoa mĩ, không trừu tượng như trong văn thơ đâu, đơn giản: Đó là tình yêu. Tình yêu thương con người, tình yêu đồng loại, tất cả, đều là sức mạnh giúp ta đứng lên. Tất nhiên, không phải tình yêu đó sẽ làm cho bạn bất tử, làm cho bạn không bao giờ vấp ngã, nhưng nó sẽ mãi che chở cho ta, làm cho ta ấm lòng, làm cho ta có thêm niềm tin vào cuộc sống này hơn. Để có được tình yêu đó, không phải là điều khó. Nếu ta biết trao sự giúp đỡ, tình yêu của mình cho người khác, thì sẽ có người khác lại giúp đỡ ta, san sẻ tình yêu cho ta. Nếu ai cũng biết chia sẻ tình yêu thương, thì cái thế giới này sẽ thật đầm ấm biết bao.

Sự che chở đùm bọc lẫn nhau sẽ làm cho xã hội ngày càng phát triển, xã hội ngày càng tiến đến sự công bằng, bình đẳng. Nếu như ta coi xã hội này là một vòng xích khổng lồ, thì mỗi cá nhân sẽ là một mắt xích. Một mắt xích bị tách rời, là vòng xích sẽ đứt, nghĩa là một con người không biết gắn kết, thì cả một tập thể, cả một xã hội sẽ phần nào bị ảnh hưởng. Thế nên, để cho xã hội có thể phát triển, thì cần phải biết gắn kết người dân lại với nhau, và thứ gắn chặt nhất, chính là tình yêu thương. Vượt lên trên cả điều này, tất cả những điều mà câu ca dao nhắc nhở chúng ta còn là cơ sở cho sự đoàn kết, mà có đoàn kết, chính là có tự do, có sức mạnh, là khẳng định của sự trường tồn vĩnh cửu.

Nếu mỗi chúng ta đều có ý thức tự giác giúp đỡ những con người khó khăn, xã hội sẽ nhanh chóng giàu mạnh. Nhưng có một cái khó khăn, đó là làm sao để 80 triệu con người Việt Nam, 80 triệu con tim cùng hòa chung nhịp đập, cùng biết san sẻ, cùng biết yêu thương lẫn nhau. Để đạt được điều này, đầu tiên, chúng ta cần rèn luyện nhân cách của mình, làm cho bản thân ta biết “cho” và biết “chia sẻ”. Việc rèn luyện là cả một quá trình, ta không thể một sớm một chiều có thể đạt được, mà là phải cố gắng không ngừng, và phải áp dụng nó trong mỗi ngày. Đơn giản nhất, hãy biết đùm bọc, yêu thương những người trong gia đình, những người ta gắn bó nhất. Rồi dần dần, tình cảm đó sẽ nâng lên là yêu thương giúp đỡ người trong một xóm, một phố, một đất nước. Thế giời ngoài kia đang đầy rẫy nhưng bi thảm của những cuộc đời bất hạnh, đang có những bàn tay mong mỏi được giúp đỡ: Từ những cơn lũ quét cuốn trôi một tỉnh thành, hay là những bàn tay của trẻ em đang trong độ tuổi đi học lại phải đi ăn xin vì bị bỏ rơi… Điều này đã thôi thúc chúng ta cần phải giúp đỡ họ, bằng những công việc cụ thể như quyên góp tiền ủng hộ, hay xây những nhà tình nghĩa cho trẻ em khuyết tật, người già neo đơn, hoặc những chiến dịch hiến máu nhân đạo của các tổ chức, cộng đồng, xã hội. Nó sẽ phần nào đem lại nụ cười cho những người gặp hoạn nạn, một nụ cười hạnh phúc. Tuy nhiên, ngày nay, tình yêu đó còn vượt qua cả biên giới, đó là chúng ta cần phải biết giúp đỡ tất cả mọi người dù họ thuộc quốc gia nào. Điều đó được thể hiện trong chính những hoạt động xã hội như cứu giúp Nhật Bản sau thảm họa, hay việc bảo vệ quyền con người trên các quốc gia. Tất cả góp phần tạo nên sự gắn kết giữa các dân tộc với nhau, làm cho thế giới này trở nên văn minh hơn, tốt đẹp hơn

Truyền tụng câu ca dao trong dân gian không chỉ có ý răn dạy, khuyên nhủ, còn là một trách nhiệm của mỗi con người Việt Nam ta, đó là cần phải biết yêu thương đùm bọc, che chở, đoàn kết giúp đỡ lần nhau. Chúng ta cần phải biết giúp đỡ nhau cùng tiến lên, cùng vượt qua khó khăn để tạo nên một cuộc sống đầy những niềm vui, hạnh phúc và thành công.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 7 - Mẫu 2

Dân tộc ta vốn có truyền thống đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Để diễn đạt tình nghĩa tha thiết này, ca dao có câu:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

Những hình ảnh trong câu ca dao thật dễ hiểu nhưng ý nghĩa của nó thì thật là sâu sắc. “Nhiễu điều” là tấm vải đỏ; “giá gương” là giá đỡ tấm gương. Hình ảnh “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” có nghĩa đen là tấm vải đỏ che phủ, giữ cho sạch và làm đẹp cho giá gương cùng cả tấm gương. Hai tiếng “phủ lấy” nhắc nhở, thể hiện sự gắn bó không tách rời giữa giá gương và nhiễu điều. Hình ảnh đó còn gợi lên nghĩa bóng đó là sự yêu thương, đùm bọc, che chở. Lấy nghĩa bóng đó, dân gian muốn nhắn nhủ mọi người trong cùng một cộng đồng cần phải biết yêu thương, đùm bọc, che chở cho nhau: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đó là một lời khuyên nhủ đậm đà tình nghĩa.

Vậy thì tại sao người trong một nước phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau? Trong tâm thức mỗi người Việt Nam đều tin các dân tộc trên đất nước ta là anh em. Con người cùng một nước, có cùng chung một nguồn gốc lịch sử. Mọi người trong cùng cộng đồng, cùng làng, cùng nước,… đời sống vật chất, tinh thần luôn gắn bó với nhau, rất cần đến sự quan tâm động viên giúp đỡ lẫn nhau; nhất là lúc có ai đó gặp khó khăn hoạn nạn. Hơn nữa, không ai có thể sống lẻ loi trong xã hội mà phải hoà nhập vào cộng đồng. Thương yêu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau là lẽ sống của mỗi người, nó đã trở thành một truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta. Tình cảm yêu thương đoàn kết tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần sẽ giúp con người vượt qua bao khó khăn, chiến thắng kẻ thù và thiên tai, đi tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Có thể kể đến các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân ta. Rồi những tấm lòng hảo tâm đóng góp vào các quỹ từ thiện đã giúp nhiều người nghèo khó, bệnh tật khắc phục được hoàn cảnh, vượt qua bệnh tật hiểm nghèo trở về với cuộc sống bình thường.

Chúng ta phải làm thế nào để phát huy được đạo lí tốt đẹp đó? Chúng ta cần tránh quan điểm: “Đèn nhà ai người ấy rạng”, có thái độ dửng dưng đứng trước nỗi đau khổ của họ hàng, làng xóm, dân tộc. Và yêu thương giúp đỡ lẫn nhau phải xuất phát từ lòng chân thành, tự nguyện thì đó mới là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng. Để phát huy được đạo lí tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, chúng ta phải biết quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh khi họ gặp khó khăn hoạn nạn với thái độ chân thành, kịp thời. Thương yêu, đùm bọc lẫn nhau là biểu hiện sự đoàn kết dân tộc. Mỗi người cần phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.

Ý nghĩa của câu ca dao đã trở nên muôn đời. Vì đó là bài học đã đúc kết bằng tâm huyết của nhân dân ta. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải biết phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp đó.

Dàn ý bài viết số 6 lớp 7 đề 8

Đề bài: giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công

1. Mở bài

Giới thiệu và nêu ý nghĩa câu tục ngữ “Thất bại là mẹ của thanh công”, câu tục ngữ là lời đúc kết kinh nghiệm của nhân dân ta từ thực tế cuộc sống, đồng thời là lời khuyên hữu ích cho mỗi người trong cuộc sống.

2. Thân bài

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: Câu tục ngữ khẳng định những sai lầm, thất bại chính là nguyên nhân dẫn đến thành công tiếp theo của con người.
Khẳng định tính chất đúng đắn và giải thích tại sao đúng?

  • Vì mỗi người để đạt đến một mục đích nào đó trong cuộc sống thì luôn phải trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn khởi đầu thường rất khó khăn.
  • Vì trong cuộc sống không phải lúc nào con người cũng gặp những thuận lợi, êm xuôi.
  • Vì sau một lần vấp ngã hay thất bại, ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân (nguyên nhân thất bại, làm thế nào để tránh thất bại).

Chứng minh (bằng dẫn chứng trong thực tế hoặc sách báo): Đứa trẻ tập đi dễ bị vấp ngã; lần đầu tiên tập bơi hoặc chơi một môn thể thao dễ lúng túng, không thành công; những nhà khoa học, nhà kinh tế lớn trên thế giới cũng đã thất bại nhiều lần mới có thể thành công và nổi tiếng.

Bàn luận, mở rộng:

  • Phê phán những người tự ti, thiếu lạc quan, dễ chán nản trong cuộc sống.
  • Yếu tố quan trọng để thành công sau thất bại: Sự tự nhận thức và ý thức cao của con người; ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống; lòng kiên trì, can đảm đối mặt với thử thách và chiến tháng nỗi sợ hãi của chính mình.

3. Kết bài

  • Tóm lại về ý nghĩa của câu tục ngữ.
  • Bài học kinh nghiệm cho bản thân.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 8 - Mẫu 1

Trong cuộc sống, mấy ai là không một lần gặp thất bại. Nhưng có người bị vấp ngã, bị thất bại đã chán nản, bỏ cuộc; có người lại biết đứng dậy, bước tiếp và thành công. Nói về vấn đề này, ông cha ta có câu: “Thất bại là mẹ của thành công”. Câu tục ngữ là sự đúc kết kinh nghiệm của nhân dân ta từ thực tế cuộc sống, đồng thời cũng là lời khuyên hữu ích cho mỗi người trong cuộc sống.

Ngắn gọn và súc tích câu tục ngữ trên đã khẳng định những sai lầm, thất bại chính là nguyên nhân dẫn đến thành công tiếp theo của con người.

Theo tôi, câu tục ngữ đã nêu lên một chân lí hoàn toàn đúng đắn.

Chúng ta biết rằng, mỗi người để đạt đến một mục đích nào đó trong cuộc sống thì luôn phải trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn khởi đầu thường là giai đoạn khó khăn nhất đối với chúng ta, bởi chúng ta sẽ phải bước những bước đi đầu tiên, thậm chí phải thử nghiệm những điều hoàn toàn mới lạ so với kinh nghiệm của chúng ta, không loại trừ cả những rủi ro, mạo hiểm. Do đó, thất bại là điều không ít người tránh khỏi,

Hơn nữa, trong cuộc sống, ai dám tự nhận rằng mình luôn luôn gặp những thuận lợi, êm xuôi, rằng may mắn lúc nào cũng mỉm cười với mình? Thiết nghĩ đó chỉ là điều ảo tưởng, phi thực tế. Cuộc sống đầy những điều bất ngờ, những sự ngẫu nhiên, những khúc rẽ quanh co khó lường, nên nguy cơ thất bại có thể luôn chờ đợi ta ở bất kì chặng đường nào trong cuộc đời chúng ta. Nói như nhà triết học Hi Lạp Xi-xê-rông: “Là con người thì có sai lầm, chỉ có kẻ ngu xuẩn mới cố chấp sai lầm của mình mà thôi”. Hay như Lê-nin đã nói: “Chỉ có ai không làm gì cả thì mới không mắc sai lầm”.

Khẳng định “Thất bại là mẹ của thành công” còn bởi lẽ sau mỗi lần vấp ngã hay thất bại, mỗi chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân những nguyên nhân nào dẫn đến thất bại, làm thế nào để tránh thất bại… Có thể nói, sau những va vấp đó, ta sẽ trưởng thành hơn, sẽ nhận được những bài học từ cuộc sống và vốn sống, vốn kinh nghiệm mà ta tích luỹ và rút kinh nghiệm bản thân thì mặc dù “cái giá” mà họ phải trả cho những thất bại đó có thể là khá “đắt”, nhưng bù lại, họ đã nhận biết được cái nào đúng, cái nào sai, làm thế nào là hợp lí; và chắc chắn trên bước đường đi tiếp, họ sẽ tránh không đi vào những sai lầm mà mình đã từng trải qua đó nữa.

Thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ này. Một đứa trẻ mới chập chững tập đi lúc đầu chắc chắn sẽ bị vấp ngã nhiều lần, nhưng nếu bé vịn giường, đứng lên đi tiếp thì chân bé sẽ cứng cáp hơn, bàn chân đặt trên mặt đất sẽ vững vàng hơn, và dần dần, bé sẽ đi vững và nhanh hơn.

Trên thế giới cũng có không ít tấm gương của các nhà khoa học, nhà kinh tế lớn đã thất bại nhiều lần mới có thể thành công và trở nên nổi tiếng. Nhà làm phim hoạt hình Mĩ nổi tiếng Oan Đi-xnây từng bị toà báo sa thải nhiều lần vì thiếu ý tưởng và bị phá sản nhiều lần trước khi sáng tạo nên Đi-xnây-len. Nhà khoa học Pháp Lu-I Pa-xto cũng chỉ là một học sinh trung bình về môn Hóa trong trường phổ thông (xếp thứ 15/22 học sinh của lớp), vậy mà sau này trở thành người đặt nền móng cho ngành vi sinh vật học cận đại. Lép Tôn-xtôi, tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Chiến tranh và hòa bình”, lại bị đình chỉ khi học đại học vì “vừa không có năng lực, vừa thiếu ý chí học tập”. Nhà tư bản lớn người Mĩ Hen-ri Pho bị cháy túi đến năm lần trước khi thành công. Còn ca sĩ ô-pê-ra nổi tiếng người Ý En-ri-cô Ca-ru-xô từng bị thầy giáo cho là thiếu chất giọng và không thể nào hát được. Như vậy, có thể nói, với những nhân vật nổi tiếng đó, thất bại không làm cho họ bị chùn bước mà trái lại là động lực đẩy họ bước tiếp đến thành công.

Nhìn vào cuộc sống ở quanh ta, có thể thấy hiện nay vẫn tồn tại không ít những người tự ti, thiếu lạc quan, dễ chán nản trong cuộc sống. Một nữ sinh lớp 12 tự tử vì thi trượt đại học, một người vợ tự tử vì chồng ngoại tình, một cô gái chết đi vì một lần lầm lỡ…, đó là những con người không dám sống, không can đảm đối mặt với những thất bại của mình. Cái chết của họ thật vô nghĩa và chỉ để lại nỗi đau cho gia đình và người thân.

Vậy nên, yếu tố quan trọng để con người có thể gặt hái được thành công sau thất bại, đó là sự tự nhận thức và ý thức cao của con người; là ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống; là lòng kiên trì, can đảm đối mặt với thử thách và chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình để tiếp tục tiến lên. Đúng như Lê-nin đã nói: “Người thông minh không phải là người không mắc sai lầm mà là người phạm sai lầm không trầm trọng và biết mau chóng sửa chữa nó”. Ta cũng hiểu rằng “Lòng can đảm của một người không phải là dám chết mà là dám sống”.

Như vậy, câu tục ngữ “Thất bại là mẹ của thành công” thật chí lí và hữu ích, không phải cho một đối tượng nào, mà là cho tất cả chúng ta, cho những người đã, đang và sẽ đối mặt với những chông gai, gian khó trong cuộc sống. Ai đó đã nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng chỉ là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Hi vọng rằng mỗi người trong chúng ta sẽ có cách nhìn nhận về thành và bại một cách cởi mở hơn, lạc quan hơn khi hướng về tương lai.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 8 - Mẫu 2

Ai chiến thắng mà không hề chiến bại?
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần

Tôi không nhớ câu thơ, lời hát do ai viết. Song, đúng là một triết lí tuyệt vời bởi nó nói đúng với chúng ta những điều đã, đang và sẽ xảy ra trong cuộc sống. Đời người vô cùng rộng lớn và không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Kể cả những người thành đạt nhất cũng không tránh khỏi đôi lần thất bại đắng cay. Song, chính sự thất bại đã làm con người trưởng thành, giàu kinh nghiệm và vững vàng đi tới chiến thắng. Chính thì thế mà ông cha ta đã đúc kết thành câu tục ngữ để khuyên dạy con, cháu: “Thất bại là mẹ thành công”.

Trước hết, ta hiểu câu tục ngữ như thế nào? Câu tục ngữ có sáu tiếng nhưng trong đó có hai tiếng trái ngược nhau: Thất bại là mẹ thành công. Đồng thời, chỉ trong có bốn từ đó thôi, mà dân gian kết hợp vừa so sánh để khẳng định qua từ là, lại kết hợp nghệ thuật ẩn dụ: Coi thất bại là người mẹ (của thành công). Khi nói đến mẹ chẳng nghĩ đến sự dạy bảo chí tình, chí nghĩa: Ai chẳng biết mẹ mong mỏi những điều tốt cho các con, mẹ mong các con thành đạt. Vậy có gì vô lí khi thất bại của mỗi chúng ta lại được ví dụ như mẹ ta. Vì thất bại giúp ta nhìn ra sai sót, nhìn ra chỗ yếu của mình để bổ sung cho ta hoàn thiện, để thêm cho ta sức mạnh. Thất bại nhiều lần, ta sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm được nhiều lần để đi đến chiến thắng. Thất bại lớn hay nhỏ, ít hay nhiều, nếu ta không lòng ngã chí, tất sẽ thành công. Trong cuộc sống con người không phải lúc nào cũng luôn gặp điều tốt đẹp, làm cái gì cũng thành công. Song điều quan trọng là phải có nghị lực nhìn vào thất bại ấy, mà rút kinh nghiệm, mà học hỏi, bổ sung hoàn thiện vốn hiểu biết của mình thì chắc chắn thành công sẽ đến.

Ta hiểu như thế vì cái lí, cái tình đều đúng. Ta hiểu như thế còn bởi tấm gương của các bậc tiền bối chính là kim chỉ nam cho ta noi theo. Ngày xưa, dân gian ta ca ngợi con người “có công mài sắt, có ngày nên kim”, như ông Đoàn Tử Quang – một con người có nghị lực phi thường. Sau nhiều lần đi thi không đỗ, ông vẫn tu dưỡng dùi mài kinh sử đèn sách, tiếp tục đi thi nhiều lần và đến năm 81 tuổi, ông đỗ Trạng Nguyên. Thật là một tấm gương sáng để khẳng định giá trị của câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công.

Ngày nay, cũng rất nhiều anh, chị học lớp 12 rất giỏi, song đi thi đại học không phải đỗ ngay. Có thể năm sau, năm sau nữa mới đỗ. Nhưng các anh, các chị cũng luôn luôn học tập với tinh thần thất bại là mẹ thành công để quyết chí đỗ đạt thành tài.

Lại nói chuyện xa hơn, trên thế giới, tấm gương của các thiên tài như, ông Ê-đi-xơn nhà vật lí nổi tiếng thế giới đã phải thất bại một nghìn lần trong thí nghiệm, mới tìm ra được chất dùng làm dây tóc bóng đèn đấy. Nếu không có một nghìn lần cố gắng của ông, thi không biết bao giờ mới có dây tóc bóng đèn để phục vụ con người? Bao nhiêu lần thất bại để đổi lấy một lần thành công, nhưng là một thành công tuyệt vời – một thành công sinh ra từ một nghìn người mẹ thất bại. Thật đáng khâm phục!

Thật giản dị, các bạn à! Trong lớp các bạn có những học sinh kém: Có thể đã vài ba lần bị điểm yếu khi trả bài kiểm tra. Hãy nhắc bạn ấy rút kinh nghiệm ngay từ những người mẹ thất bại ấy. Thế nào bạn ấy sẽ học giỏi lên đấy!

Trường tôi có nhiều bạn đã thực hiện được phần nào ý nghĩa của câu tục ngữ: Cụ thể bạn Trần Thị Thu Lan lớp tôi học yếu văn. Do đúc rút kinh nghiệm và say mê học hỏi nên lên lớp bạn đã là học sinh giỏi văn của trường, đạt giải nhì cấp quận trong kì thi học sinh giỏi cách đây ba năm và giải ba cuộc thì viết thư UPU Quốc tế lần thứ 30 của Hà Nội năm ấy. Bây giờ bạn đang học ở một lớp chuyên văn tại trường THPT Chu Văn An. Bạn ấy đã viết thiệp mừng gửi về Trường nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11 (cùng với các học sinh giỏi văn như Lê Na, Phương Liên)

Chúng con cảm ơn các thầy cô giáo đã giúp chúng con đạt thành công từ những lần thất bại ban đầu, để ngày hôm nay, chúng con yêu văn đến thế…

Hãy xem lại việc học của mình nhé và đừng nản lòng. Hãy xem kĩ lại công trình học tập thất bại để rút ra những kinh nghiệm đi đến thành công. Đừng bao giờ nghĩ rằng: Mãi mãi mình là người học kém, mãi mãi mình là người thất bại! Hãy vừng vàng bạn nhé, vì bên ta câu tục ngữ của cha ông ta luôn nhắc nhở, động viên: Thất bại là mẹ thành công đó, hỡi các bạn!

Dàn ý bài viết số 6 lớp 7 đề 9

Đề bài: lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

1. Mở bài

Trong cuộc sống, lời nói rất quan trọng, nó diễn tả tình cảm và quan hệ giữa con người với con người. Chính vì vậy, dân gian có câu: “Lời nói gói vàng” nhưng đồng thời cũng có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ông cha ta đã để lại cả 2 câu tục ngữ trên nhằm răn dạy con cháu giữ gìn lời ăn tiếng nói.

2. Thân bài

a. Giải thích

  • Lời nói là âm thanh, là ngôn ngữ được phát ra từ cửa miệng mỗi con người. Nó dùng để giao tiếp với mọi người trong cuộc sống.
  • Lời nói gói vàng là sự so sánh khéo léo và tế nhị của ông cha ta. So sánh lời nói với vật quý giá như vàng để khẳng định lời nói mỗi con người trong cuộc sống rất có giá trị và ý nghĩa.
  • Lời nói chẳng mất tiền mua: Câu trên khẳng định lời nói như vàng, bạc nhưng câu dưới “Lời nói chẳng mất tiền mua” mới nghe ta đã tưởng có sự mâu thuẫn giữa cách đánh giá của hai câu nhưng ý nghĩa của chúng không hề mâu thuẫn mà ngược lại, hai câu nói ấy hỗ trợ, bổ sung cho nhau làm cho giá trị lời nói càng được tăng lên.

Bởi vì lời nói của mỗi con người quý như vàng, song nó do chính bản thân chúng ta tự nói ra, không mất công tìm kiếm, mua bán, mua các sản phẩm khác. Nó là của quý mà tạo hoá ban tặng con người. Đáng quý hơn, lời nói thì bất tận, tuôn chảy mãi mãi, tồn tại mãi mãi, theo dòng thời gian cũng không bị bào mòn. Đó là điều vô cùng quý giá nên ông cha ta mới căn dặn con cháu: “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói kĩ hơn là trong khi giao tiếp với mọi người trong xã hội phải chọn từ ngữ để đạt hiệu quả trong việc diễn đạt tình cảm, suy nghĩ để người nghe hài lòng mà người nói đạt được nguyện vọng. Quả thật với những lời phân tích trên ta thấy lời nói rất giá trị và ý nghĩa.

b. Vì sao phải lựa lời để vừa lòng nhau

  • Vì phải lựa lời để nói để trong khi giao tiếp, đối thoại với mọi người xung quanh, người nói mới đạt được hiệu quả, mục đích mà mình định nói. Từ đó người nói mới tạo nên mối quan hệ sâu sắc tốt đẹp với mọi người chung quanh
  • Lựa lời nói sẽ được người nghe và những người xung quanh cảm phục, mến yêu, tin tưởng
  • Lựa những lời hay ý đẹp để giao tiếp đó chính là truyền thống đạo đức, văn hoá của người Việt

c. Ta phải làm gì để trở thành người nói lời hay ý đẹp?

  • Trước khi nói phải suy nghĩ, phải biết được đối tượng giao tiếp là bề trên hay lớp dưới để chọn ngôn ngữ nói cho phù hợp
  • Với bề trên, lời nói mang tính chất trân trọng, lễ phép, thưa gửi đàng hoàng
  • Với bạn bè lời nói phải chân tình, đoàn kết, không được ăn nói trịch thượng, doạ nạt
  • Với bất cứ ai không được nói trống không, không được nói có từ đệm.
  • Trong khi nói phải lưu ý: lời nói chân thành, giọng điệu, ngữ điệu phải thể hiện đúng mực

d. Mở rộng và bình luận:

Trong thực tế có nhiều bạn ăn nói cộc lốc, trịch thượng, hay đệm lót. Với những người ấy chúng ta phải khuyên nhủ chân thành để họ sửa đổi.

3. Kết bài

  • Rõ ràng ông cha ta khẳng định trong giao tiếp mà sử dụng lời hay ý đẹp sẽ đạt được mục đích, yêu cầu. Lời nói hay ấy chính là giá trị và ý nghĩa của cuộc sống.
  • Lời dạy của ông cha ta đã để lại cho tuổi thơ chúng ta một bài học vô cùng quý giá. Từ đó mỗi chúng ta sẽ nói lời hay ý đẹp trong giao tiếp.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 9 - Mẫu 1

Hằng ngày con người quan hệ giao tiếp với nhau bằng lời ăn tiếng nói. Vì vậy, lời nói đóng vai trò quan trọng trong việc khởi tạo những mối quan hệ tốt đẹp, xây dựng văn hóa giao tiếp của dân tộc. Sớm nhận thức được điều đó, ngay từ xưa ông bà ta đã có câu: “Lời nói gói vàng”, đồng thời cũng có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đó cũng là lời nhắc nhở mọi người về giá trị của lời nói và cũng là lời khuyên về cách sử dụng lời nói làm sao cho ý nghĩa để đẹp lòng nhau.

Lời nói quả thật mang ý nghĩa cực kì to lớn trong cuộc sống. Người ta nói: “Lời nói gói vàng”, hiển nhiên không phải lời nói bọc vàng trong đó bởi lời nói là cái vô hình không phải vật thể rõ ràng mà có thể bọc chứa. Tuy nhiên lời nói ra có thể chứa những ý nghĩa quý báu, đáng quý hơn cả vàng bạc, vật chất. Lời nói ra đúng lúc, đúng nơi mang ý nghĩa to lớn. Một lời khuyên ngăn có lí, có tình có thể giúp một con người đang sa vào những con đường lầm lỡ quay đầu lại, giúp họ đi đúng con đường của mình, đưa cuộc đời họ ra ánh sáng mới. Một lời động viên an ủi cho những người không may, vấp phải khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống giúp họ có thêm nghị lực để vươn lên, thấy mình được quan tâm và hạnh phúc. Chẳng phải như vậy không quý hơn vàng bạc sao? Lời nói cũng gắn kết con người với nhau, nó là biểu hiện của những tâm hồn đẹp. Có những người quý mến nhau, kết bạn chỉ đơn thuần vì lời nói là như thế. Những lời nói ra trở thành những câu nói bất hủ đi vào lịch sử bởi nó mang ý nghĩa sâu sắc, lớn lao tác động đến xã hội. Chẳng hạn như câu nói của Bác Hồ, Lê nin,…Chỉ cần một câu nói ý nghĩa có thể cứu vớt hàng triệu người lâm vào khủng hoảng, đường cùng. Từ đó ta thấy được giá trị to lớn của lời nói.

Lời nói quả thật ý nghĩa như vậy nhưng có phải nó tốn tiền gì để mua đâu. Lời nói xuất phát từ mỗi người, nó ảnh hưởng đến người đó và những người xung quanh họ. Nói sao để người khác nghe cảm thấy hài lòng, dễ chịu mới là cách nói của những người khéo léo. Cũng là lời nói, không phải dùng cái gì để mua nhưng tại sao lại quá nhiều người không biết dùng những từ ngữ đẹp, có giá trị để nói chuyện với nhau mà lại cứ nói chuyện lại làm cho người khác bực mình, khó chịu. Nhiều cuộc nói chuyện nhiều khi trở thành những cuộc đấu khẩu thậm chí là ẩu đả lẫn nhau cũng bởi lẽ đó. Do vậy, qua cách ăn nói với nhau hằng ngày người ta cũng đánh giá được mức độ tri thức văn hóa của con người. Vậy nên ông bà ta khuyên lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Hiển nhiên nói cho vừa lòng không phải những lời xu nịnh, sai sự thật để nghe cho sướng tai mà dễ chịu. Lời nói có giá trị mà làm vừa lòng nhau phải là những lời nói xuất phát từ tâm, mong muốn góp ý, xây dựng, kết hợp với cách nói năng phù hợp, gây được sự chú ý về tình cảm. Chỉ có những lời nói chân thành cùng nghệ thuật nói chuyện tốt mới đạt được hiệu quả giao tiếp.

Lời nói nằm trong tầm kiểm soát của mỗi người, muốn nói ra cho vừa lòng nhau thì phải “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” như ông bà đã dạy. Hãy suy nghĩ chín chắn trước mọi lời nói, bởi lời nói ra rồi không rút lại được. Nếu lỡ nói những câu không suy nghĩ có thể gây hại cho người khác hay chính bản thân ta. Phải rèn luyện cách nói chuyện, giao tiếp với mọi người thông qua học hỏi thêm nhiều từ mới, học cách nói chuyện hay của người khác, đồng thời giữ cho lời nói của mình luôn có giá trị. Tức là khi bạn nói ra câu gì người khác thường quan tâm lắng nghe, coi trọng nó. Để có được điều đó phải tạo được niềm tin với mọi người. Không thể nói những câu vô nghĩa, hời hợt suốt ngày, người ta sẽ đâm ra xem thường những gì bạn nói. Một điều quan trọng nữa là khi nói phải ở trong trạng thái tự tin và cảm thông chia sẻ với người khác. Có như vậy bạn mới lấy được lòng của người khác và được mọi người yêu quý.

Vậy nên, đúng như ông bà ta dạy “Lời nói gói vàng” và “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hai câu tục ngữ này không hề mâu thuẫn mà ngược lại còn bổ sung ý nghĩa cho nhau. Đó là những kinh nghiệm ứng xử, giao tiếp của ông bà để lại. Chúng ta phải biết học hỏi để lời nói có giá trị và đẹp lòng mọi người.

Bài tập làm văn số 6 lớp 7 đề 9 - Mẫu 2

Hằng ngày, trong giao tiếp, ứng xử, ta phải lựa chọn lời nói, cách diễn đạt sao cho vừa đảm bảo mối quan hệ đoàn kết, thân ái vừa đạt được hiệu quả giao tiếp. Điều này được nhân dân ta từ xưa luôn nhắc nhở nhau: “Lời nói gói vàng” và “Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hai câu trên thể hiện quan niệm của dân gian về giá trị và ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống.

Câu đầu là một phép ẩn dụ: lời nói được ngầm so sánh với gói vàng. Điều này đủ cho thấy lời nói, cụ thể là Tiếng Việt, là một thứ của quý lâu đời của nhân dân ta (Bác Hồ). Câu hai mộc mạc đơn sơ nhưng bóng bẩy không kém câu đầu. Lời khuyên của dân gian ở đây thật nhẹ nhàng mà sâu sắc biết bao. Tuy quý giá, nhưng “lời nói không mất tiền mua”. Ai cũng có thể nói ra những điều mình nghĩ đâu cần phải có tiền bạc hay có “gói vàng” mới nói được. Có điều biết “lựa lời” biết chọn từ ngữ, câu chữ để diễn đạt những suy nghĩ và cảm xúc của mình cần nói ra thì sẽ khiến người đối thoại được vui lòng “cho vừa lòng nhau” là như vậy. Và cuộc giao tiếp nhờ đó có hiệu quả tốt đẹp.

Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta phải lựa lời mà nói. Vì sao? Bởi vì tuy không phải tốn kém không mất tiền mua, nhưng giá trị của lời nói thật to lớn. Lời nói phản ánh trình độ văn hóa, là thước đo phẩm chất của mỗi người. Vì thế ta phải tự rèn luyện cho mình cách ăn nói lịch sự thể hiện lối sống văn minh, văn hóa.

Thế nào là cách nói văn minh lịch sự? Cách ăn nói văn minh lịch sử được biểu hiện ở nhiều mặt từ cách sử dụng từ ngữ, giọng điệu, dáng vẻ, nội dung vấn đề. Dù hoàn cảnh thế nào ta cũng phải nói năng đúng mực: không sử dụng những từ ngữ thô tục, không có thái độ cáu gắt, hỗn láo, hách dịch và phải luôn tỏ ra tôn trọng người đối thoại.

Tuy nhiên, không phải chỉ vì “để vừa lòng nhau” mà ta không chân thành, thẳng thắn nói thật lời phê bình những sai lầm khuyết điểm của bạn bè, đồng chí. Bởi vì như thế là ta xuề xòa, chín bỏ làm mười, thủ tiêu đấu tranh. Có điều trong những trường hợp này, ta lại càng hơn lúc nào hết phải “lựa lời”, lựa lúc tạo được sự đồng tình nơi người nghe. Chọn được những lời nói thích hợp như thế chính là ta đã làm tốt việc lựa lời theo đúng lời dạy của người xưa.

Cùng mang ý nghĩa tương tự còn có những câu tục ngữ ca dao khác: Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói; Học ăn, học nói, học gói, học mở; Chim khôn kêu tiếng rảnh rang – Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Những câu ca dao trên rất hay, như một danh ngôn, một lời khuyên quý giá, một kinh nghiệm đặc sắc về nói năng. Hiểu được điều này, chúng ta phải có ý thức rèn luyện lời ăn tiếng nói ngay từ lúc còn nhỏ. Phải học cách ăn nói lịch sự văn minh, tránh cách ăn nói thô tục để làm vừa lòng bạn bè, ông bà, cha mẹ thầy cô và cả những người xung quanh mình.

Đánh giá

0

0 đánh giá