Sách bài tập Ngữ Văn 6 Bài 1: Lắng nghe lịch sử nước mình | Chân trời sáng tạo

2.6 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài 1: Lắng nghe lịch sử nước mình sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 6. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài 1: Lắng nghe lịch sử nước mình

I. Đọc (trang 3, 4, 5 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Câu 1 trang 3 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Trình bày đặc điểm của văn bản (văn bản) truyện, văn bản truyền thuyết

Trả lời:

 

Văn bản truyện

Văn bản truyền thuyết

Khái niệm

Truyện là khái niệm chỉ các tác phẩm tự sự nói chung

Truyền thuyết là thể loại truyện kể dân gian, thường kể về sự kiện, nhân vật lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử. Đặc điểm của truyền thuyết được thể hiện qua cách xây dựng nhân vật, cốt truyện, sử dụng yếu tố kì ảo, lời kể,…

Nhân vật

Là con người hay loài vật, đồ vật đã được nhân hóa. Nhân vật trong truyện thường có những đặc điểm riêng biệt như hiền từ, hung dữ, thật thà, gian dối, ranh mãnh, khù khờ,… Khi đọc truyện, người đọc có thể nhận biết các đặc điểm này qua lời kể của người kể chuyện, hành động, lời nói, ý nghĩ của nhân vật.

Thường có các đặc điểm:

- Có những điểm khác lạ về lai lịch, phẩm chất, tài năng, sức mạnh,…

- Thường gắn với sự kiện lịch sử và có công lớn đối với cộng đồng.

- Được cộng đồng truyền tụng, tôn thờ.

Cốt truyện

Là chuỗi các sự việc chính được sắp xếp theo một trình tự nhất định và có liên quan chặt chẽ với nhau. Trong cốt truyện, các sự việc được sắp xếp theo trật tự thời gian và thường gắn với cuộc đời các nhân vật trong tác phẩm.

Có các đặc điểm:

- Thường xoay quanh công trạng, kì tích của nhân vật mà cộng đồng truyền tụng, tôn thờ.

- Thường sử dụng yếu tố kì ảo nhằm thể hiện tài năng, sức mạnh khác thường của nhân vật.

- Cuối truyện thường gợi nhắc các dấu tích xưa còn lưu lại đến hiện tại.

Yếu tố kì ảo

 

Là những hình ảnh, chi tiết kì lạ, hoang đường, là sản phẩm của trí tưởng tượng và nghệ thuật hư cấu dân gian. Yếu tố kì ảo trong truyền thuyết thường được sử dụng khi cần thể hiện sức mạnh của nhân vật truyền thuyết, phép thuật của thần linh,.. Qua đó, thể hiện nhận thức, tình cảm của nhân dân đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử.

 

Câu 2 trang 3 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Ý nào dưới đây không thể hiện đặc điểm của nhân vật truyền thuyết?

a. Thường có những điểm khác lạ về lai lịch, phẩm chất, tài năng, sức mạnh, ....

b. Nhân vật là những người bình thường, nghèo khổ.

c. Thường gắn với sự kiện lịch sử và có công lớn đối với cộng đồng.

d. Được cộng đồng truyền tụng, tôn thờ.

Trả lời:

Đáp án b

Câu 3 trang 3 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Đặc điểm nào dưới đây không phải là đặc điểm của cốt truyện truyền thuyết?

a. Thường xoay quanh công trạng, kì tích của nhân vật mà cộng đồng truyền tụng, tôn thờ.

b. Thường sử dụng yếu tố kì ảo nhằm thể hiện tài năng, sức mạnh khác thường của nhân vật.

c. Thường kết thúc có hậu: thưởng phạt phân minh.

d. Cuối truyện thường gợi nhắc các dấu tích xưa còn lưu lại đến hiện tại.

Trả lời:

Đáp án c

Câu 4 trang 3 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Đọc văn bản dưới đây và trả lời các câu hỏi bên dưới:

a. Vì sao Thiên Y A Na được dân trong vùng tôn xưng là “Ngọc Bà” hay “Thánh mẫu”?

b. Những đặc điểm nào ở nhân vật Thiên Y A Na trong văn bản trên giúp em nhận biết đó là nhân vật truyền thuyết?

c. Theo em, về cốt truyện, Truyền thuyết về Ngọc Bà Thiên Y A Na đã thể hiện những đặc điểm nào của cốt truyện truyền thuyết?

d. Tìm một số dẫn chứng cho thấy truyện có sử dụng yếu tố kì ảo và cho biết tác dụng của chúng trong văn bản trên.

đ. văn bản trên tuy không sử dụng lời của nhân vật, nhưng đặc điểm của các nhân vật vẫn được thể hiện rõ. Tại sao?

Trả lời:

a) Thiên Y A Na được dân trong vùng tôn xưng là “Ngọc Bà” hay “Thánh mẫu” vì: Trong thời gian ngắn ngủi lưu lại ở Đại An, bà đã tạo lập vườn tược nơi đất cũ, bày dân làng cách làm ruộng, cách chữa bệnh và nuôi dạy con cái.

b) Những đặc điểm ở nhân vật Thiên Y A Na giúp em nhận biết đó là nhân vật truyền thuyết:

- Ngọc Bà Thiên Y A Na, gắn với lịch sử xa xưa của vùng núi Đại An (Nha Trang, Khánh Hoà ngày nay) là người có công khai lập vùng đất vườn dưa, dạy cho dân cách trồng trọt,... góp phần phát triển vùng đất này. (Đặc điểm thứ nhất của nhân vật truyền thuyết). 

- Cũng vì vậy, nhân vật Ngọc Bà Thiên Y A Na, được dân trong vùng truyền tụng, tôn thờ. (Đặc điểm thứ hai của nhân vật truyền thuyết). 

c) Về cốt truyện, truyền thuyết về Ngọc Bà Thiên Y A Na đã thể hiện những đặc điểm của cốt truyện truyền thuyết:

- Thường xoay quanh công trạng, kì tích của nhân vật mà cộng đồng truyền tụng, tôn thờ. (Ngọc Bà Thiên Y A Na)

- Thường sử dụng yếu tố kì ảo nhằm thể hiện tài năng, sức mạnh khác thường của nhân vật. (Là con trời hóa thành cô gái trẻ mồ côi, biết dùng phép hóa thân thành khúc gỗ,…)

- Cuối truyện thường gợi nhắc các dấu tích xưa còn lưu lại đến hiện tại. (nhân dân xây dựng đền thờ Bà và chồng bà, hai con của bà và vợ chồng lão tiều phu)

d) 

- Trong Truyền thuyết về Ngọc Bà Thiên Y A Na, các chi tiết kì ảo là khả năng biến hoá của nhân vật chính (nhập vào và thoát ra khỏi khúc gỗ trầm hương một cách dễ dàng, đến hay đi đều bất ngờ, khi Bà hiển linh có tiếng nổ,...).

- Tác dụng của yếu tố kì ảo là:

+ Làm nổi bật vẻ kì ảo của nhân vật Ngọc Bà Thiên Y A Na.

+ Tạo những tình huống, sự việc bất ngờ, làm cho truyện thêm hấp dẫn, lôi cuốn,...

đ) Trong văn bản truyện nói chung, truyền thuyết nói riêng, tác giả có thể miêu tả nhân vật bằng nhiều yếu tố như lời của người kể chuyện, lời của nhân vật. Trong đó lời của nhân vật chỉ là yếu tố phụ, không nhất thiết phải có, còn lời của người kể chuyện là yếu tố quyết định, không thể thiếu.

Trong Truyền thuyết về Ngọc Bà Thiên Y A Na, nhờ lời của người kể chuyện mà các nhân vật vẫn được thể hiện rõ.

II. Tiếng Việt (trang 5, 6, 7 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Trình bày khái niệm từ đơn, từ phức, từ láy, từ ghép.

Trả lời:

Từ đơn

Từ phức

Từ láy

Từ ghép

Là từ gồm 1 tiếng.

Là từ gồm 2 tiếng trở nên.

Những từ phức có quan hệ láy âm giữa các tiếng.

Những từ phức được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa.

VD: anh, em, ăn, hoa, quả….

VD: hăng hái, gan dạ,…

VD: lung linh, long lanh,…

VD: nguy hiểm, xe cộ,…

Câu 2 trang 6 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Xác định từ đơn, từ ghép, từ láy trong các đoạn văn sau:

a. Một đêm nằm trằn trọc mãi không sao ngủ được, Thái tử định sang thư phòng xem sách, khi đi ngang qua vườn thượng uyển, bỗng thấy một cô gái trẻ, đẹp đang dạo chơi ở đó. Nghe tiếng động, cô gái vội vàng chạy về phía hoàng cung rồi biến mất. Nhưng vào một đêm khác, cô gái xuất hiện. (Truyền thuyết về Ngọc Bà Thiên Y A Na)

b. Lang Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Bèn làm theo lời thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng, cho nên gọi là bánh chưng. Rồi giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là bánh giầy. Còn lá xanh bọc ngoài và nhân ở trong ruột là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái. (Bánh chưng, bánh giầy)

Trả lời:

* Đoạn a

- Từ đơn: một, đêm, nằm, ngủ, vườn, bỗng, thấy, ở, đó, một, trẻ, đẹp,...

- Từ ghép: Thái tử, thư phòng, thượng uyển, cô gái, dạo chơi, hoàng cung,

xuất hiện,...

- Từ láy: trằn trọc, vội vàng.

* Đoạn b

- Từ đơn: tỉnh, dậy, vô, cùng, làm, theo, lời, thần, dặn, chọn, thật, tốt, bánh, vuông, bỏ, vào, chõ, chưng,...

- Từ ghép: Lang Liêu, gạo nếp, mừng rỡ, bánh chưng, bánh giầy, lá xanh, cha mẹ, yêu thương, đùm bọc,...

- Từ láy: không có

Câu 3 trang 6 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Theo em, “bánh vuông” hoặc “bánh tròn” trong đoạn b có phải là từ phức hay không?

Vì sao em cho là như vậy?

Trả lời:

Trường hợp “bánh vuông” cũng như “bánh tròn” trong đoạn (b) không phải là từ láy, cũng không phải là từ ghép. Chúng là các tập hợp từ đơn độc lập đứng cạnh nhau, nên dễ dàng xen thêm các từ đơn, ví dụ các từ “có hình” vào giữa: “bánh có hình vuông”, “bánh có hình tròn”,...

Câu 4 trang 6 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Trong thực tế giao tiếp, việc sử dụng từ đơn và từ phức, từ ghép và từ láy có những khác biệt về mức độ thông dụng.

Em hãy đánh dấu x vào các nhận định đúng, sai về mức độ thông dụng của chúng ở các ô tương ứng trong bảng dưới đây:

Trả lời:

Câu

Trong giao tiếp, người nói, người viết thường …

Đúng

Sai

a

Ít khi chỉ sử dụng toàn là các từ đơn.

x

 

b

Ít khi chỉ sử dụng toàn là từ phức

x

 

c

Ít khi sử dụng toàn từ láy.

x

 

d

Ít khi sử dụng toàn từ ghép.

x

 

đ

Ít khi kết hợp sử dụng từ đơn và từ phức.

 

x

e

Kết hợp sử dụng từ đơn và từ phức.

x

 

g

Kết hợp sử dụng cả từ đơn và từ ghép.

x

 

h

Kết hợp sử dụng từ đơn với từ ghép hoặc từ láy.

x

 

Câu 5 trang 6 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Trong câu văn “Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem đủ thứ của ngon vật lạ bày trên mâm cỗ mình làm để dự thi”, cụm từ “của ngon vật lạ” có phải thành ngữ không?

Tìm một cụm từ có nghĩa tương tự để thay thế cho cụm từ “của ngon vật lạ” mà không làm cho nghĩa của câu thay đổi.

Trả lời:

- Trong câu văn “Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem đủ thứ của ngon vật lạ bày trên mâm cỗ mình làm để dự thi”, cụm từ “của ngon vật lạ” là một thành ngữ.

- Cụm từ có thể thay thế cho “của ngon vật lạ” mà không làm cho nghĩa của câu thay đổi là: “sơn hào hải vị”, “món ăn quý hiếm”,...

Câu 6 trang 7 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Tạo từ ghép từ các tiếng gốc dưới đây và nhận xét về sự khác biệt giữa nghĩa của các từ ghép vừa tạo ra so với nghĩa của các tiếng gốc (từ đơn):

a. chơi ; b. vườn; c. sách ; d. núi.

Trả lời:

Chơi

→ Hoạt động giải trí/ nghỉ ngơi

Chơi chữ

→ Dùng các hiện tượng: đồng âm, đa nghĩa,… trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng nào đó trong lời nói.

Vườn

→ Khu đất ở sát cạnh nhà, dùng để trồng rau, cây ăn quả,…

Vườn tược

→ Vườn riêng của gia đình

Sách

→ Tập hợp số lượng những tờ giấy in đóng gộp thành quyển.

Sách giáo khoa

→ Sách soạn theo chương trình giảng dạy và học tập ở trường học.

Núi

→ Địa hình lồi, sườn dốc, nổi cao lên trên mặt đất, thường cao trên 200m.

Núi lửa

→ Núi hình chóp nón, có miệng ở đỉnh phun ra những chất nóng chảy từ lòng đất.

Câu 7 trang 7 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Tạo từ láy từ các tiếng gốc dưới đây và nhận xét về sự khác biệt giữa nghĩa của các từ láy vừa tạo ra so với nghĩa của các tiếng gốc (từ đơn): a. trẻ ; b. đẹp; c. động ; d. ngủ.

Trả lời:

Trẻ

→  Đứa bé, đứa nhỏ/ Ở vào thời kì còn ít tuổi.

Trẻ măng

→  Rất trẻ, chỉ vừa mới đến tuổi trưởng thành.

Đẹp

→  Có hình thức/ phẩm chất đem lại sự hứng thú đặc biệt, làm cho người ta thích nhìn ngắm.

Đẹp lòng

→  Hoàn toàn vừa ý, vừa lòng, không có điều gì chê trách.

Động

→  Hang rộng, ăn sâu vào trong núi

Động cơ

→  Máy biến một dạng năng lượng nào đó thành cơ năng.

Ngủ

→  Nhắm mắt lại, tạm dừng mọi hoạt động chân tay và tri giác, các hoạt động hô hấp, tuần hoàn chậm lại, toàn bộ cơ thể được nghỉ ngơi.

Ngủ gật

→ Ngủ ở tư thế ngồi hoặc đứng, đầu thi thoảng lại gật một cái.

Câu 8 trang 7 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Truyện Bánh chưng, bánh giầy gợi nhắc cho em nhớ đến thành ngữ nào về hình dáng của “Trời” và “Đất” theo quan niệm dân gian.

Trả lời:

Thành ngữ: Mẹ tròn con vuông

Hoặc có quan niệm: Trời tròn Đất vuông

III. Viết ngắn (trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Câu hỏi trang 7 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Viết một đoạn văn (khoảng 150 đến 200 chữ) trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp một công trình văn hoá ở địa phương (một ngôi chùa, một ngọn tháp, một tượng đài nghệ thuật,...). Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất hai từ đơn, hai từ phức.

Trả lời:

Cách làm:

- Chọn một công trình văn hoá ở địa phương, tìm thông tin về công trình đó.

- Viết đoạn văn trình bày cảm nhận của mình về công trình.

- Chú ý sử dụng từ đơn, từ phức khi viết.

Đoạn văn mẫu:

Nhắc đến thủ đô Hà Nội, người ta luôn nhớ đến Chùa Một Cột. Chùa nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Nó là một trong những di tích lịch sử văn hóa lâu đời, một biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Được dựng năm 1049, chùa có tên chữ là Diên Hựu, nghĩa là phúc lành dài lâu. Theo truyền tụng, sau khi Lý Thái Tông nằm mộng được Phật Bà dắt đi lên tòa sen ngự tọa, quần thần cho là điềm gở, xin vua cho xây ngôi chùa như bông sen nở trên mặt nước để cầu phúc. Ai đã từng đến thăm một lần thì khó có thể quên được vẻ đẹp của chùa Một Cột. Nằm giữa một hồ sen, chùa giống như một bông sen quý nhất đang toả hương. Những cây đại đứng cạnh chùa như tô điểm thêm không gian cổ kính. Mái chùa cong với nhiều đường nét tinh tế. Chùa ngự mình trên những thanh gỗ chắc chắn và có lẽ đã rất nhiều năm tuổi. Thân chùa là một cái cột rất lớn, màu nâu trầm tĩnh. Những bậc thang lên chùa đã bạc màu vì sương gió. Mấy chậu hoa hai bên lối vào chúa đứng lặng lẽ như những chàng lính chăm chỉ canh gác ngày đêm. Vào những ngày hè, khi ánh nắng váng chiếu xuống chùa Một Cột sáng rực lên như nụ sen hồng nở tung mình khoe sắc vẻ đẹp ấy thật cổ kính và thiêng liêng. Chùa là nơi lưu giữ nhiều những giá trị lịch sử của đất nước, là một biểu tượng của trí tuệ, của sự trường thọ, và sự cứu rỗi qua sự nhận thức đầy đủ trí tuệ. Chùa Một Cột quả thật là một trong những di tích cần được bảo tồn và lưu giữ.

IV. Viết (trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Câu 1 trang 7 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Trình bày đặc điểm kiểu bài tóm tắt nội dung chính của văn bản bằng sơ đồ.

Trả lời:

Tóm tắt văn bản bằng sơ đồ là cách lược bỏ các ý phụ, thông tin chi tiết, chỉ giữ lại những ý chính, thông tin cốt lõi và thể hiện dưới dạng sơ đồ.

Yêu cầu đối với sơ đồ tóm tắt văn bản:

a. Yêu cầu về nội dung:

- Tóm lược đúng và đủ các sự việc, phần, đoạn, ý chính trong văn bản.

- Sử dụng các từ khóa, cụm từ.

- Thể hiện được quan hệ giữa các sự việc, phần, đoạn, ý chính trong văn bản.

- Thể hiện được nội dung bao quát của văn bản.

b. Yêu cầu về hình thức:

- Kết hợp hài hòa, hợp lí giữa các từ khóa với hình vẽ, mũi tên, các kí hiệu,…

- Sáng rõ, có tính thẩm mĩ, giúp nắm bắt nội dung chính của văn bản một cách thuận lợi, dễ dàng.

Câu 2 trang 7 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Tóm tắt nội đung chính của văn bản Truyền thuyết về Ngọc Bà Thiên Y A Na bằng sơ đồ.

Trả lời:

Em hãy thực hiện các công việc sau:

- Đọc lại văn bản Truyền thuyết về Ngọc Bà Thiên Y A Na để nắm được nội dung chính của văn bản này.

- Xác định tổng số phần, đoạn, ý chính của văn bản (tương đương với chuỗi sự việc được kể trong văn bản) và mối quan hệ giữa các phần, đoạn, ý chính.

- Từ đó dự kiến số phần, đoạn, ý chính (số sự việc) sẽ được tóm tắt trong sơ đồ.

- Chọn từ khoá thể hiện được nội dung các phần, đoạn, ý chính.

- Vẽ sơ đồ.

Tham khảo hai sơ đồ dưới đây:

Bài 1: Viết trang 7

Bài 1: Viết trang 7

Lưu ý:

Dù vẽ sơ đồ tóm tắt bằng cách nào thì các em cũng phải sử dụng được một số từ khoá như:

- Tên các nhân vật, địa danh (Thiên Y A Na, vợ chồng ông tiều, thái tử, biển Bắc,...).

- Các sự kiện chính theo diễn biến hành động của nhân vật: được nhận làm con muôi, hoá thân và ra đi, kết hôn và sinh con, trở về và giúp dân, được dựng tháp thờ.

Sau khi tóm tắt xong em hãy tự kiểm tra lại sơ đồ theo các tiêu chí sau:

- Bao quát được nội dung chính của văn bản.

- Tương ứng về số phần, đoạn, ý chính giữa sơ đồ và văn bản.

- Sử dụng các từ khoá phù hợp để tóm tắt.

- Thể hiện rõ mối quan hệ giữa các phần, đoạn, ý chính của văn bản.

V. Nói và nghe (trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 6)

Câu 1 trang 7 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Trình bày các bước thảo luận nhóm nhỏ về một vấn đề cần có một giải pháp thống nhất.

Trả lời:

Để thảo luận nhóm có hiệu quả, cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị

Thành lập nhóm và phân công công việc

Một nhóm nhỏ nên gồm khoảng 6 thành viên. Nhóm trưởng chịu trách nhiệm phân công công việc, theo dõi tiến độ chuẩn bị và dẫn dắt buổi thảo luận. Thư kí ghi chép ý kiến của các thành viên trong buổi thảo luận.

Chuẩn bị nội dung buổi thảo luận

Sau khi chia nhóm, mỗi thành viên cần chuẩn bị nội dung theo sự phân công.

Bài 1: Nói và nghe trang 7

Thống nhất thời gian, địa điểm và mục tiêu của buổi thảo luận

Để thống nhất mục tiêu, thời gian thảo luận, cả nhóm cần trả lời những câu hỏi sau:

Mục đích của buổi thảo luận này là gì? Thời gian thảo luận dự kiến là bao lâu? Nhóm dẽ dành bao nhiêu thời gian cho mỗi ý kiến trong khi thảo luận?

Bước 2: Thảo luận

Trình bày ý kiến

Trong bước này, nhóm trưởng cần dẫn dắt để các thành viên trình bày ý kiến. Thư kí ghi chép, tổng hợp các ý kiến.

Phản hồi các ý kiến

Để làm rõ thêm các ý kiến cũng như sàng lọc các ý kiến chưa hợp lí, ta cần dành thời gian để phản hồi bằng cách nêu câu hỏi, đưa ra lí lẽ, dẫn chứng để phản đối ý kiến chưa hợp lí.

Để phản hồi được ý kiến của các bạn khác trong nhóm, trước hết cần lắng nghe và ghi chép cẩn thận ý kiến của bạn, những điều muốn trao đổi với bạn và những điều bạn muốn trao đổi lại

Thống nhất giải pháp

Trong bước này, thư kí sẽ tóm tắt ngắn gọn những ý kiến đã được trình bày trong buổi thảo luận, các thành viên trong nhóm quyết định giải pháp nào là tối ưu.

Câu 2 trang 7 SBT Ngữ Văn 6 Tập 1: Chuẩn bị ý kiến và tham gia buổi thảo luận nhóm nhỏ về một vấn đề cần tìm giải pháp thống nhất cho một trong các đề tài dưới đây:

Cần làm gì đề hình thành thói quen đọc sách?

Trình bày một số giải pháp để giúp nhau tiến bộ trong học tập.

Nêu những phương pháp hiệu quả để hoàn thành việc học bài, làm bài trước khi đến lớp.

Học môn Ngữ văn thế nào cho hiệu quả?

Bạn có thể làm gì để góp phần xây đựng nếp sống văn minh, lịch sự trong trường học?

Trả lời:

Yêu cầu thứ nhất: chuẩn bị ý kiến của mình để tham gia thảo luận.

Yêu cầu thứ hai: tham gia thảo luận (phát biểu ý kiến của em và thảo luận, phản hồi ý kiến của bạn khác trong nhóm để đưa ra kết luận về giải pháp thống nhất cho vấn đề).

Đối với yêu cầu thứ nhất, em cần:

- Chọn một trong số các đề tài mà SGK đã cho hoặc chọn đề tài khác mà em quan tâm.

- Chuẩn bị ý kiến của mình để phát biểu, trao đổi trong nhóm.

- Tập trình bày ý kiến của mình.

Gợi ý:

                Trong số những thói quen của con người, đọc sách là một thói quen tốt, đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời, trong đó có việc phát triển văn hóa đọc. Vì vậy, rèn luyện thói quen đọc sách của mỗi người là một trong những cách thức hiệu quả thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.

                Theo tổng kết của các nhà nghiên cứu, việc đọc sách mang lại 9 lợi ích sau đây: 1) Đọc sách giúp bạn nâng cao kiến thức bởi sách là nguồn tri thức vô tận về mọi lĩnh vực trong cuộc sống của những người đi trước viết ra kể lại và truyền đạt cho chúng ta; 2) Đọc sách giúp bạn cải thiện sự tập trung và tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích bởi. 3) Đọc sách giúp bạn mở rộng vốn từ bởi đọc sách bạn học được cách diễn đạt, kể chuyện logic thu hút người nghe nhờ khả năng tư duy với vốn từ ngữ phong phú ấn tượng; 4) Đọc sách giúp bạn cải thiện trí nhớ 5) Đọc sách là một hình thức giải trí nên giúp bạn giảm căng thẳng. 6) Đọc sách giúp bạn hoàn thiện kỹ năng viết bởi khi đọc sách bạn học được phong cách viết, sử dụng vốn từ của tác giả; 8) Đọc sách giúp bạn điều chỉnh được cảm xúc bản thân. 9) Đọc sách giúp bạn tạo dựng một thói quen lành mạnh, bổ ích và hạn chế những thói quen xấu như lười biếng, tư duy thụ động, thờ ơ vô cảm,…

                Vậy làm thế nào để người lớn rèn luyện thói quen đọc sách, nuôi dưỡng ham muốn đọc sách một cách lành mạnh? Muốn vậy, bạn đừng nóng vội đọc những cuốn sách có nội dung quá khó mà hãy bắt đầu từ những gì mình thích trước, có thể thu lượm được những điều mới mẻ, có ý nghĩa sau mỗi cuốn sách mình đã đọc. Bạn sẽ không thể rèn luyện được một thói quen lành mạnh khi đọc không có chủ đích. Nếu bạn đọc sách mà không ghi chép, không nghiền ngẫm thì bạn không thể rút ra được một ý chủ đạo nào, hoặc bạn đọc sách cho nó có thì cùng lắm bạn chỉ thu được một mớ thông tin rối bời, hoặc khi tâm trí đang muốn làm một việc khác mà vẫn phải đọc cho xong cuốn sách… Tất cả những trạng thái đó đều sẽ khiến việc đọc của bạn trở nên vô bổ và làm giảm bớt hứng thú đối việc đọc.

                  Việc hình thành và phát triển văn hóa đọc lành mạnh trong mỗi người có ý nghĩa vô cùng to lớn để tập hợp thành một bộ phận sức mạnh "mềm" của một quốc gia. Ngay từ ngày hôm nay, mỗi người chúng ta hãy nuôi dưỡng khát khao đối với việc đọc sách, hình thành thói quen đọc sách và rồi nó sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu, một nhu cầu lành mạnh, nó sẽ cho chúng ta hạnh phúc. Vì vậy, rèn luyện thói quen đọc sách của mỗi người là một trong những cách thức thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, góp phần hiện thực hóa Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Đánh giá

0

0 đánh giá