Soạn bài Thần trụ trời | Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 10

7.8 K

Tài liệu soạn bài Thần trụ trời Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 10. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Thần trụ trời hay nhất

Video bài giảng Thần trụ trời - Cánh diều

Trước khi đọc

Câu hỏi trang 13 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Bạn biết những truyện thần thoại nào? Hãy chia sẻ với các bạn trong nhóm về những truyện thần thoại ấy?

Trả lời:

- Truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng: đây là một truyện thần thoại của Việt Nam, giải thích đặc điểm của Mặt Trời và Mặt Trăng  và một số hiện tượng tự nhiên theo quan niệm dân gian.

- Thần Trụ trời: đây là một truyện thần thoại được lưu truyền khá sớm trong dân gian Việt Nam, giải thích sự hình thành của trời đất tự nhiên: biển, hồ, sông, núi, ...

- Nạn hồng thủy: Loài người càng phát triển càng kiêu ngạo với Trời và thánh thần. Zeus ra lệnh thần Mưa Bão hoạt động liên tục để “rửa sạch” trái đất. Loài người diệt vong, may còn sót lại một cặp vợ chồng là con của titan Promethe. Nhờ phép thuật của cha, họ tiếp tục sinh sôi nảy nở duy trì loài người cư trú khắp vùng Hi Lạp.

Đọc văn bản

Câu 1 trang 13 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Bạn hình dung như thế nào về vị thần Trụ trời?

Trả lời:

Hình dung về vị thần Trụ trời:

- Ngoại hình: vóc dáng khổng lồ, chân dài, có thể bước từ vùng này qua vùng khác.

- Hành động: Ngẩng đầu đội trời lên, đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa cao, vừa to để chống trời.

=> Vị thần Trụ trời có sức vóc mạnh mẽ, kì lạ mà những người bình thường không thực hiện được.

Câu 2 trang 13 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Trời và đất thay đổi như thế nào sau khi có cột chống trời?

Trả lời:

Sau khi có cột chống trời:

- Trời đất phân đôi.

- Đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp.

- Chỗ trời đất giáp nhau gọi là chân trời.

Câu 3 trang 14 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Bạn có nhận xét gì về cách kết thúc truyện?

Trả lời:

     Truyện thần thoại Thần Trụ trời được kết thúc bằng một bài vè, liệt kê tên của các vị thần như: thần Đếm cát, thần Tát bể (biển), thần Kể sao, thần Đào sông, thần Trồng cây, thần Xây rú (núi), thần Trụ trời.

=> Đây là cách kết thúc truyện độc đáo. Ở những câu vè phía trên, tác giả dân gian liệt kê tên các vị thần có công tiếp tục công việc đang còn dang dở và chốt lại bằng câu “Ông Trụ trời” như muốn khẳng định, tôn trọng, khắc ghi công lao của thần Trụ trời trong việc tạo ra trời đất.

Sau khi đọc

Câu 1 trang 14 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Chỉ ra các yếu tố về không gian, thời gian của câu chuyện.

Trả lời:

- Yếu tố về không gian trong truyện: trời và đất.

- Yếu tố về thời gian trong truyện: “thuở ấy” à chưa có thời gian cụ thể trong truyện.

Câu 2 trang 14 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận ra Thần Trụ Trời là một truyện thần thoại?

Trả lời:

     Những dấu hiệu nhận ra Thần Trụ trời là một truyện thần thoại bao gồm:

- Không gian: trời và đất à không gian vũ trụ, không thể hiện một địa điểm cụ thể.

- Thời gian: “thuở ấy” à thời gian mang tính chất cổ xưa, không rõ ràng.

- Cốt truyện: xoay quanh việc thần Trụ trời trong quá trình tạo lập nên trời và đất.

- Nhân vật: thần Trụ trời có vóc dáng khổng lồ và sức mạnh phi thường để thực hiện nhiệm vụ của mình là sáng tạp ra thế giới.

Câu 3 trang 14 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Tóm tắt quá trình tạo lập nên trời và đất của nhân vật thần Trụ trời. Từ đó, hãy nhận xét về đặc điểm của nhân vật này.

Trả lời:

- Tóm tắt quá trình tạo lập nên trời và đất của nhân vật thần Trụ trời:

+) Thần Trụ trời tự mình đào đất, đập đá, đắp thành một cái vừa cao, vừa to để chống trời.

+) Cột được đắp cao lên bao nhiêu thì trời được nâng lên dần chừng ấy à vòm trời được đẩy lên cao.

+) Khi trời cao và khô, thần phá cột, lấy đất đá ném tung đi khắp nơi à tạo ra hòn núi, hòn đảo, gò, đống, những dải đồi cao à mặt đất ngày nay thường không bằng phẳng.

+) Chỗ thần đào đất, đào đá đắp cột à biển rộng.

- Nhận xét về đặc điểm của nhân vật này: thần Trụ trời là người có năng lực phi thường, mạnh mẽ và đã có công tạo ra trời, đất.

Câu 4 trang 14 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Nêu nội dung bao quát của truyện Thần Trụ trời.

Trả lời:

     Nội dung bao quát của truyện Thần trụ trời.

     Truyện Thần Trụ trời thuộc nhóm thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên. Cụ thể ở đây, câu chuyện đã cho người đọc thấy được quá trình tạo ra trời, đất, thế gian của thần Trụ trời và các vị thần khác.

Câu 5 trang 14 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Nhận xét về cách giải thích quá trình tạo lập thế giới của tác giả dân gian. Ngày nay, cách giải thích ấy có còn phù hợp không? Vì sao?

Trả lời:

- Nhận xét cách giải thích quá trình tạo lập thế giới của tác giả dân gian:

     Đây là cách giải thích về thế giới của những người xưa cổ bằng trực quan và tưởng tượng, chưa có đầy đủ căn cứ, chưa được xác minh về độ chính xác và còn mang yếu tố hư cấu.

- Ngày nay, cách giải thích ấy không còn phù hợp. Vì xã hội bây giờ đã hiện đại và khoa học phát triển, có đủ nguồn thông tin, cách minh chứng khoa học nên khi giải thích bất kì một hiện tượng nào cũng luôn yêu cầu, đòi hỏi độ chính xác cao, có căn cứ rõ ràng, xác thực. Như vậy, thông tin ấy mới có thể thuyết phục được mọi người.

Câu 6 trang 14 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Cách hình dung và miêu tả đất, trời trong câu “đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp, ...” trong truyện Thần Trụ trời gợi cho bạn nhớ đến truyền thuyết nào của người Việt Nam? Hãy tóm tắt truyền thuyết ấy và chỉ ra điểm tương đồng giữa hai tác phẩm.

Trả lời:

- Cách hình dung và miêu tả đất, trời trong câu “đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp, ...” trong truyện Thần Trụ trời gợi cho chúng ta nhớ đến truyền thuyết Sự tích bánh chưng, bánh dày.

- Tóm tắt truyền thuyết Bánh chưng, bánh dày:

       Sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua Hùng Vương thứ 6 có ý định truyền ngôi cho con với điều kiện nếu ai tìm được món ăn ngon lành, để bày cỗ có ý nghĩa thì sẽ được nối ngôi. Trong khi các hoàng tử khác đua nhau tìm kiếm thứ của ngon vật lạ thì Lang Liêu – con trai thứ 18 lại lo lắng không biết cần chuẩn bị gì. Một hôm, chàng nằm mơ thấy có vị Thần đến bảo “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành”. Nghe xong, chàng lập tức chọn loại gạo nếp tốt nhất để làm bánh Chưng, bánh Dày. Cuối cùng, món ăn của Lang Liêu được nhà vua khen ngon, có ý nghĩa và quyết định truyền ngôi cho chàng. Từ đó, mỗi dịp Tết Nguyên Đán, bánh Chưng và bánh Dày là hai loại bánh không thể thiếu khi cúng Tổ Tiên và Trời Đất.

- Những điểm tương đồng giữa hai tác phẩm.

+) Đều có tính hư cấu.

+) Đều xuất hiện hình ảnh của các vị thần.

+) Đều nói về hình dạng của Trời và Đất: trời có hình tròn, đất có hình vuông.

Tóm tắt Thần trụ trời

     Thuở ấy, khi chưa có thế gian cũng như muôn vật và loài người, có một vị thần với ngoại hình và sức mạnh phi thường xuất hiện. Thần ngẩng đầu đội trời lên, tự mình đào đất, đập đá tạo thành một cái cột chống trời. Công việc cứ tiếp diễn như vậy, chẳng bao lâu trời và đất đã được phân đôi. Khi trời đã cao và khô, thần đã phá cột đi và lấy đất đá ném tung khắp nơi biến thành những hòn núi, hòn đảo, dải đồi cao, biển rộng. Vì vậy, ngày nay, mặt đất không được bằng phẳng. Vị thần ấy sau này được gọi là Trời hay Ngọc Hoàng giữ chức trông coi mọi việc trên trời, dưới đất. Từ đó, các vị thần khác như thần Sao, thần Sông, thần Biển cũng tiếp nối công việc còn dở dang để hoàn thiện thế gian này. Từ đó, dân gian lưu truyền câu hát:

Ông Đếm cát

Ông Tát bể (biển)

Ông Kể sao

Ông Đào sông

Ông Trồng cây

Ông Xây rú (núi)

Ông Trụ trời.

Xem thêm các bài giải Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Soạn bài Prô-mê-tê và loài người

Soạn bài Đi săn mặt đất

Soạn bài Thực hàng tiếng Việt lớp 10 trang 19 Tập 1

Soạn bài Cuộc tu bổ lại các giống vật

Đánh giá

0

0 đánh giá