Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 2 (Cánh diều): Các chủ thể của nền kinh tế

3.8 K

Với tóm tắt lý thuyết Kinh tế pháp luật lớp 10 Bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế sách Cánh diều hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Kinh tế pháp luật 10.

Kinh tế pháp luật lớp 10 Bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế

Phần 1. Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế

1. Chủ thể sản xuất

- Chủ thể sản xuất là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, trực tiếp tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

- Chủ thể sản xuất sử dụng các yếu tố đầu vào như vốn, sức lao động, tài nguyên thiên nhiên, để sản xuất, kinh doanh và thu lợi nhuận.

- Chủ thể sản xuất luôn quan tâm đến việc lựa chọn loại hàng hoá sản xuất, xác định số lượng sản phẩm làm ra và kĩ thuật sản xuất phù hợp để có lợi nhất cho bản thân, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

- Ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, chủ thể sản xuất cần tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm đối với người tiêu dùng, với xã hội và môi trường, góp phần phát triển bền vững.

Lý thuyết KTPL 10 Cánh diều Bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế | Kinh tế Pháp luật 10

Sản xuất máy móc, thiết bị (minh họa)

2. Chủ thể trung gian

- Chủ thể trung gian là các cá nhân, tổ chức đóng vai trò cầu nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng trong nền kinh tế. Do sự phát triển của sản xuất và trao đổi, dưới tác động của phân công lao động xã hội, những chủ thể trung gian xuất hiện trên thị trường thực hiện kết nối các quan hệ mua và bán.

- Nhờ có các chủ thể trung gian mà nền kinh tế trở nên sống động, linh hoạt hơn. Chủ thể trung gian góp phần làm cho sản xuất và tiêu dùng trở nên tương thích với nhau, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng phát triển.

Lý thuyết KTPL 10 Cánh diều Bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế | Kinh tế Pháp luật 10

Nhân viên môi giới bất động sản đang tư vấn cho khách hàng (minh họa)

3. Chủ thể tiêu dùng

- Chủ thể tiêu dùng là người mua và sử dụng hàng hoá, dịch vụ để thoả mãn các nhu cầu của mình

- Người tiêu dùng ra quyết định chi tiêu dựa trên số tiền mình có, lựa chọn sản phẩm và phương thức mua hàng phù hợp với nhu cầu của cá nhân

- Sự phát triển đa dạng về nhu cầu của người tiêu dùng là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển. Vì vậy, ngoài việc thoả mãn nhu cầu của mình, người tiêu dùng cần có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của xã hội.

Lý thuyết KTPL 10 Cánh diều Bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế | Kinh tế Pháp luật 10

Người dân tiêu dùng sản phẩm (minh họa)

4. Chủ thể nhà nước

- Nhà nước là một chủ thể của nền kinh tế, có vai trò điều tiết và điều kiện thuật lợi cho các chủ thể kinh tế khác hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

- Nhà nước cũng tác động để điều chỉnh và khắc phục những vấn đề này sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Lý thuyết KTPL 10 Cánh diều Bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế | Kinh tế Pháp luật 10

Chủ thể nhà nước (minh họa)

Phần 2. Trắc nghiệm Kinh tế pháp luật 10 Bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế

Câu 1. Những người sản xuất, cung cấp hàng hoá, dịch vụ và thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội được gọi là gì?

A. Chủ thể sản xuất.

B. Chủ thể tiêu dùng.

C. Chủ thể trung gian.

D. Chủ thể nhà nước

Đáp án đúng là: A

Theo phần 1, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 KNTT, chủ thể sản xuất là những người sản xuất, cung cấp hàng hoá, dịch vụ và thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

Câu 2. Một trong những trách nhiệm của chủ thể sản xuất là

A. cung cấp thông tin trong các quan hệ mua - bản, sản xuất - tiêu dùng.

B. cung cấp những hàng hoá, dịch vụ không làm tổn hại tới sức khoẻ và lợi ích của con người trong xã hội.

C. có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của xã hội.

D. cung cấp những hàng hoá, dịch vụ.

Đáp án đúng là: B

Chủ thể sản xuất sử dụng các yếu tố sản xuất để sản xuất, kinh doanh và thu lợi nhuận và phải có trách nhiệm cung cấp những hàng hoá, dịch vụ không làm tổn hại tới sức khoẻ và lợi ích của con người trong xã hội. Vậy đáp án đầy đủ nhất là B.

Câu 3. Chủ thể tiêu dùng có vai trò gì trong việc phát triển sản xuất?

A. tác động.

B. chi phối.

C. định hướng, tạo động lực.

D. quyết định.

Đáp án đúng là: C

Chủ thể tiêu dùng có vai trò định hướng, tạo động lực cho sản xuất phát triển. 

Câu 4. Việc lựa chọn tiêu dùng những hàng hóa thân thiện với môi trường, không sử dụng những sản phẩm chế biến từ động vật hoang dã, sản phẩm của những doanh nghiệp gây ô nhiễm, tàn phá môi trường, gây độc hại đến sức khỏe con người thể hiện nội dung gì của chủ thể tiêu dùng?

A. Khái niệm.

B. Bản chất.

C. Vai trò.

D. Trách nhiệm.

Đáp án đúng là: D

Chủ thể tiêu dùng có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của xã hội, vì vậy việc lựa chọn tiêu dùng những hàng hóa thân thiện với môi trường, không sử dụng những sản phẩm chế biến từ động vật hoang dã,...là những việc làm thể hiện nội dung trách nhiệm của chủ thể tiêu dùng.

Câu 5. Công ty môi giới việc làm B lựa chọn hồ sơ những người đăng kí để gửi cho các doanh nghiệp, cửa hàng cần người làm việc phù hợp với thông tin trên hồ sơ. Trong trường hợp này, công ty B đang đóng vai trò chủ thể nào của nền kinh tế?

A. Chủ thể sản xuất.

B. Chủ thể trung gian.

C. Chủ thể tiêu dùng.

D. Chủ thể nhà nước

Đáp án đúng là: B

Môi giới việc làm là nơi trung gian giữa người cần việc và người có nhu cầu thuê mướn, giúp việc tìm kiếm việc làm và tuyển dụng nhanh chóng, hiệu quả. Vì vậy, trong trường hợp trên, công ty B đang đóng vai trò là chủ thể trung gian.

Câu 6. Việc các nhà phân phối hàng hóa mua, trữ hàng và bán lại cho các đại lí hoặc nhà bán lẻ giúp lưu thông hàng hóa hiệu quả thể hiện đặc điểm của chủ thể nào trong nền kinh tế?

A. Chủ thể nhà nước

B. Chủ thể tiêu dùng.

C. Chủ thể trung gian.

D. Chủ thể sản xuất.

Đáp án đúng là: C

Chủ thể trung gian là các cá nhân, tổ chức đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa các chủ thể sản xuất, tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường. Các nhà phân phối hàng hóa mua, trữ hàng và bán lại cho các đại lí hoặc nhà bán lẻ là chủ thể trung gian vì làm cầu nối giữa nơi sản xuất và người tiêu dùng.

Câu 7. Chủ thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước có vai trò quản nền kinh tế thông qua thực hiện chức năng quản lí nhà nước về kinh tế được gọi là gì?

A. Chủ thể nhà nước

B. Chủ thể tiêu dùng.

C. Chủ thể trung gian.

D. Chủ thể sản xuất.

Đáp án đúng là: A

Theo phần 4, Bài 2, SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 KNTT, chủ thể nhà nước là chủ thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước có vai trò quản nền kinh tế thông qua thực hiện chức năng quản lí nhà nước về kinh tế.

Câu 8. Nội dung nào dưới đây không phải chức năng quản lí nhà nước về kinh tế?

A. Tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cho phát triển kinh tế như xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, ban hành các chính sách, trực tiếp đầu tư vào một số lĩnh vực.

B. Tạo môi trường pháp lý thuận lợi và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội cho sự phát triển kinh tế.

C. Thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn liền với lợi ích cá nhân, tổ chức.

D. Thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đáp án đúng là: C

Nội dung chức năng quản lí nhà nước về kinh tế thể hiện qua việc:

- Tạo môi trường pháp lý thuận lợi và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội cho sự phát triển kinh tế.

- Tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cho phát triển kinh tế như xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, ban hành các chính sách, trực tiếp đầu tư vào một số lĩnh vực.

- Thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.

Câu 9. Chị C là nội trợ thường xuyên đi siêu thị để mua thực phẩm và các đồ gia dụng trong nhà. Trong trường hợp này chi C đóng vai trò là chủ thể gì của nền kinh tế?

A. Chủ thể sản xuất.

B. Chủ thể tiêu dùng.

C. Chủ thể trung gian.

D. Chủ thể nhà nước

Đáp án đúng là: B

Chủ thể tiêu dùng là người mua hàng hoá, dịch vụ để thoả mãn nhu cầu tiêu dùng cho sinh hoạt, sản xuất. Vậy chị C là chủ thể tiêu dùng vì thường xuyên đi siêu thị để mua thực phẩm và các đồ gia dụng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình.

Câu 10. Anh T là chủ của một công ty chuyên sản xuất giày dép, hằng ngày anh đến công ty giám sát và hướng dẫn nhân viên cách làm ra sản phẩm chuẩn. Sản phẩm của công ty anh T được rất nhiều người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Trong trường hợp trên, anh T tham gia vào nền kinh tế với vai trò là chủ thể gì?

A. Chủ thể nhà nước

B. Chủ thể sản xuất.

C. Chủ thể trung gian.

D. Chủ thể tiêu dùng.

Đáp án đúng là: B

Chủ thể sản xuất là những người sản xuất, cung cấp hàng hoá, dịch vụ và thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Vậy Anh T là chủ thể sản xuất vì cung cấp sản phẩm là giày dép cho người tiêu dùng.

Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Kinh tế pháp luật lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 1: Các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 3: Thị trường

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 4: Cơ chế thị trường

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 5: Ngân sách nhà nước

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 6: Thuế

Đánh giá

0

0 đánh giá