Giải Địa Lí 8 Bài 41: Miền bắc và Đông Bắc Bắc Bộ

1.9 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Địa Lí lớp 8 Bài 41: Miền bắc và Đông Bắc Bắc Bộ chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Miền bắc và Đông Bắc Bắc Bộ lớp 8.

Giải bài tập Địa Lí lớp 8 Bài 41: Miền bắc và Đông Bắc Bắc Bộ

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời Câu hỏi Mục 1 Trang 140 SGK Địa lí 8: Dựa trên hình 41.1 (SGK trang 141), xác định vị trí và giới hạn của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ.
Trả lời:

- Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ bao gồm khu vực đồi núi tả ngạn sông Hồng và khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

- Phía Bắc và Đông Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, phía Đông Nam giáp vịnh Bắc Bộ. 

- Nằm sát chí tuyến Bắc, tiếp liền với khu vực á nhiệt đới Hoa Nam (Trung Quốc), chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa Đông Bắc khô và lạnh.

Trả lời Câu hỏi 1 Mục 3 Trang 140 SGK Địa lí 8: Hãy xác định trên hình 41.1 (SGK trang 141):
- Các sơn nguyên đá vôi Hà Giang, Cao Bằng.
- Các dãy núi cánh cung Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều.
- Đồng bằng sông Hồng.
- Vùng quần đảo Hạ Long - Quảng Ninh.
Trả lời:
Dựa vào kí hiệu và kênh chữ trên lược đồ để xác định.


Giải Địa Lí 8 Bài 41: Miền bắc và Đông Bắc Bắc Bộ (ảnh 1)
 
Trả lời Câu hỏi 2 Mục 3 Trang 142 SGK Địa lí 8: Quan sát lát cắt địa hình dưới đây và nhận xét về hướng nghiêng của địa hình Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ.
Trả lời:

Hướng nghiêng của địa hình Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ là tây bắc - đông nam (thấp dần ra biển)

Trả lời Câu hỏi 3 Mục 3 Trang 142 SGK Địa lí 8: Quan sát hình 41.1 (SGK trang 141 ) xác định các hệ thống sông lớn và cho biết hướng chảy của chúng.
Trả lời:

Các hệ thống sông lớn:

- Hệ thống sông Hồng: hướng chảy tây bắc - đông nam.

- Hệ thống sông Thái Bình: hướng chảy vòng cung và tây bắc - đông nam.

- Hệ thống sông Kì Cùng - Bằng Giang: hướng chảy tây bắc - đông nam.

- Hệ thống sông duyên hải Quảng Ninh: hướng chảy vòng cung.

Trả lời Câu hỏi 4 Mục 3 Trang 142 SGK Địa lí 8: Để phòng chống lũ lụt ở đồng bằng sông Hồng, nhân dân ta đã làm gì?
Việc làm đó đã làm biến đổi địa hình ở đây như thế nào?
Trả lời:

- Các việc làm để phòng chống lũ lụt ở đồng bằng sông Hồng:

+ Đắp đê dọc hai bên bờ các sông.

+ Phân lũ vào các sông nhánh (qua sông Đáy), các vùng trũng đã được chuẩn bị trước.

+ Xây dựng các hồ chứa nước ở thượng lưu sông (Hồ Hòa Bình, hồ Thác Bà...).

+ Trồng rừng đầu nguồn.

+ Nạo vét lòng sông.

- Việc đắp đê lớn dọc các bờ sông ở đồng bằng Bắc Bộ đã phân chia đồng bằng thành nhiều ô trũng, thấp hơn mặt đê và mặt nước sông mùa lũ rất nhiều. Vùng đất trong đê ngày càng thoái hóa, vùng đất ngoài đê được bồ tụ phù sa hằng năm.

Câu hỏi và bài tập (Trang 143 SGK Địa lí 8)
Câu 1 Trang 143 SGK Địa lí 8: Vì sao tính chất nhiệt đới của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ bị giảm sút mạnh mẽ?
Trả lời:

- Miền Bắc và Bắc Trung Bộ là khu vực đầu tiên và trực tiếp đón nhiều đợt gió mùa Đông Bắc xâm nhập vào nước ta=> làm hạ thấp nền nhiệt vào mùa đông, miền có một mùa đông lạnh; trong năm có 3 tháng nhiệt độ dưới 150C.

- Miền ở vị trí tiếp giáp với vùng ngoại chí tuyến, á nhiệt đới Hoa Nam.

- Các cánh cung núi ở mở rộng về phía bắc, tạo điều kiện cho các luồng gió Đông Bắc dễ dàng lấn sâu vào Bắc Bộ.

=> Tính chất nhiệt đới của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ bị giảm sút mạnh mẽ.

Câu 2 Trang 143 SGK Địa lí 8: Chứng minh rằng miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ có tài nguyên phong phú, đa dạng. Nêu một số việc cần làm để bảo vệ môi trường tự nhiên trong miền.
Trả lời:

- Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ có tài nguyên phong phú, đa dạng:

+ Là miền giàu khoáng sản nhất so với cả nước, nổi bật là than đá (Quảng Ninh) với trữ lượng và chất lượng hàng đầu Đông Nam Á), apatit (Lào Cai), quặng sắt (Thái Nguyên), quặng thiếc và vonfram (Cao Bằng), thủy ngân (Hà Giang); đá vôi, đất sét... có ở nhiều nơi.

+ Nguồn năng lượng thủy điện giàu nhất nước ta: tập trung chủ yếu ở hệ thống sông Hồng (11 nghìn MW). Các nhà máy thủy điện lớn là: thủy điện Sơn La trên sông Đà (2400 MW) với công suất lớn nhất cả nước; thủy điện Hòa Bình trên sông Đà (1920 MW)... 

+ Có nhiều cảnh quan đẹp nổi tiếng: vịnh Hạ Long, bãi lắm Trà cổ, núi Mẫu Sơn, hồ Ba Bể; các vườn quốc gia Cúc Phương, Tam Đảo, Ba Vì...Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới.

+ Tài nguyên rừng khá giàu có với nhiều loại gỗ quý, cây thuốc, các loài chim thú.

+ Vùng biển phía Đông Nam với ngư trường lớn (Hải Phòng - Quảng Ninh) mang lại nguồn lợi thủy sản dồi dào, phát triển giao thông biển, du lịch biển, khai thác khoáng sản biển (cát ở Quảng Ninh).

+ Tài nguyên khí hậu và đất: địa hình miền núi thấp với đất feralit màu mỡ, khí hậu nhiệt đới có một mùa đông lạnh thuận lợi cho canh tác cây chè, quế, hồi, thảo quả, cây ăn quả...; chăn thả gia súc (trâu, bò).

- Một số việc cần làm để bảo vệ môi trường tự nhiên trong miền:

+ Trồng và bảo vệ rừng, chống xói mòn đất.

+ Bảo vệ môi trường biển trong lành.

+ Khai thác tài nguyên phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường.

Câu 3 Trang 143 SGK Địa lí 8: Vẽ biểu đồ khí hậu ba trạm Hà Giang, Hà Nội, Lạng Sơn theo bảng số liệu (SGK trang 143). Tính nhiệt độ trung bình năm và tổng lượng mưa năm của các trạm đã cho.
 
Trả lời:
Giải Địa Lí 8 Bài 41: Miền bắc và Đông Bắc Bắc Bộ (ảnh 2)
Giải Địa Lí 8 Bài 41: Miền bắc và Đông Bắc Bắc Bộ (ảnh 3)
Giải Địa Lí 8 Bài 41: Miền bắc và Đông Bắc Bắc Bộ (ảnh 4)

- Tính nhiệt độ trung bình năm và tổng lượng mưa năm của các trạm đã cho:

CT tính: Nhiệt độ trung bình năm = Tổng nhiệt độ trung bình 12 tháng : 12 (°C)

Tổng lượng mưa năm = Lượng mưa của 12 tháng cộng lại (mm)

+ Trạm Hà Nôi: nhiệt độ trung bình năm là 23,5°C; tổng lượng mưa năm của trạm là 1676mm.

+ Trạm Lang Sơn: nhiệt độ trung bình năm là 21,3°C; tổng lượng mưa năm của trạm là 1400mm.

+ Trạm Hà Giang: nhiệt độ trung bình năm là 22,5°C; tổng lượng mưa năm của trạm là 2362 mm.

Lý thuyết Bài 41: Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ

1. Vị trí và phạm vi lãnh thổ

- Gồm khu đồi núi tả ngạn sông Hồng và khu đồng bằng Bắc Bộ.

- Tiếp giáp:

+ Phía Bắc: Giáp Trung Quốc

+ Phía Tây: Giáp Tây Bắc

+ Phía Đông: Giáp Biển Đông

+ Phía Nam: Giáp Bắc Trung Bộ

=> Ý nghĩa về mặt tự nhiên: Chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều đợt gió mùa Đông Bắc (lạnh và khô).

2. Tính chất nhiệt đới bị giảm sút mạnh mẽ, mùa đông lạnh nhất cả nước

- Mùa đông: Lạnh, mưa phùn, gió bấc, lượng mưa nhỏ, kéo dài nhất cả nước, nhiệt độ thấp nhất có thể dưới 0 độ C ở miền núi và 5 độ C ở đồng bằng.

- Mùa hạ: Nóng ẩm, mưa nhiều (mưa ngâu vào giữa hạ - tháng 8).

3. Địa hình phần lớn là đồi núi thấp với nhiều cánh cung mở rộng về phía Bắc và quy tụ ở Tam Đảo

- Đồi núi thấp chiếm phần lớn diện tích nhưng rất đa dạng:

+ Địa hình cacxtơ đá vôi độc đáo.

+ Các cánh cung sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc, Sơn, Đông Triều.

+ Giữa các miền núi có các đồng bằng nhỏ: Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang…

- Địa hình núi cao nhất ở khu vực nền cổ thượng nguồn sông Chảy (trên 2000m): sơn nguyên Đồng Văn, Hà Giang.

- Sông ngòi: phát triển và toả rộng khắp miền, sông có thung lũng rộng, độ dốc nhỏ, hàm lượng phù sa tương đối lớn, hai mùa lũ – cạn rất rõ rệt.

4. Tài nguyên phong phú, đa dạng và nhiều cảnh quan đẹp nổi tiếng

- Tài nguyên:

+ Khoáng sản giàu có nhất cả nước, nổi bật nhất là than đá (Quảng Ninh), apatit (Lào Cai), quặng sắt (Thái Nguyên), quặng thiếc và vonfram (Cao Bằng), đá vôi…

+ Rừng khá giàu có nhưng đang bị chặt phá nhiều.

- Nhiều cảnh quan tự nhiên nổi tiếng: Vịnh Hạ Long, bãi tắm Trà Cổ, núi Mẫu Sơn, hồ Ba Bể, Tam Đảo, Ba Vì…

- Khó khăn: bão lụt, hạn hán, giá rét, rừng bị chặt phá, đất đai xói mòn, ô nhiễm môi trường biển…

Đánh giá

0

0 đánh giá