Giải Lịch Sử 8 Bài 19: Nhật Bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 - 1939)

1.1 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Lịch Sử lớp 8 Bài 19: Nhật Bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 - 1939) chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Nhật Bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 - 1939) lớp 8.

Giải bài tập Lịch Sử lớp 8 Bài 19: Nhật Bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 - 1939)

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi 1 Trang 97 SGK Lịch sử 8: Em có nhận xét gì về tình hình nước Nhật trong những năm 1918 - 1929?

Trả lời:

- Nhật Bản thu được nhiều lợi nhuận, không mất mát gì sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và nhanh chóng trở thành cường quốc duy nhất ở châu Á.

- Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng không đều, không ổn định, mất cân đối giữa nông nghiệp và công nghiệp:

+ Công nghiệp: Trong vòng 5 năm (1914 - 1919), sản lượng công nghiệp của Nhật Bản tăng gấp 5 lần. Nhiều công ti mới xuất hiện, mở rộng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường châu Á.

+ Nông nghiệp: không có gì thay đổi, những tàn dư phong kiến vẫn còn tồn tại nặng nề ở nông thôn. Giá thực phẩm, nhất là giá gạo tăng cao làm cho đời sống nhân dân vô cùng khó khăn.

- Năm 1927, Nhật Bản lại lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính làm cho 30 ngân hàng phải đóng cửa.

=> Như vậy, thời kì 1918 - 1929 chỉ là thời kì phục hồi ngắn ngủi của nền kinh tế Nhật Bản.

Trả lời câu hỏi 1 Trang 98 SGK Lịch sử 8: Trình bày kế hoạch xâm lược của Nhật Bản.

Trả lời:

- Để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng và giải quyết những khó khăn trong nước, giới cầm quyền Nhật tăng cường chính sách quân sự hóa đất nước, gây chiến tranh xâm lược và bành trướng ra bên ngoài.

- Năm 1927, Thủ tướng Nhật Bản Ta-na-ca đệ trình lên Nhật hoàng bản “Tấu thỉnh”, đề ra kế hoạch xâm lược và thống trị thế giới:

+ Khởi đầu là chiếm Trung Quốc, nơi tập trung 82% tổng số vốn đầu tư của Nhật Bản.

+ Sau đó chiếm Châu Á.

+ Cuối cùng là toàn thế giới.

- Tháng 9 - 1931, Nhật tiến đánh vùng Đông Bắc Trung Quốc, mở đầu cuộc xâm lược nước này với quy mô ngày càng rộng lớn, đánh dấu việc hình thành lò lửa chiến tranh ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trả lời câu hỏi 2 Trang 98 SGK Lịch sử 8: Cuộc đấu tranh chống phát xít của nhân dân Nhật Bản đã diễn ra như thế nào?

Trả lời:

- Trong thập niên 30 của thế kỉ XX, ở Nhật Bản diễn ra quá trình phát xít hóa bộ máy nhà nước.

- Phong trào đấu tranh của nhân dân Nhật Bản lan rộng khắp cả nước.

+ Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trong những năm 1929 - 1939 cuộc đấu tranh của nhân dân diễn ra mạnh mẽ.

+ Lực lượng tham gia: các tầng lớp nhân dân, binh lính, sĩ quan Nhật,…

+ Số lượng: Trong năm 1939 có trên 40 cuộc đấu tranh phản chiến của binh lính và sĩ quan.

=> Cuộc đấu tranh chống phát xít của nhân dân đã góp phần làm chậm lại quá trình phát xít hóa ở Nhật Bản.

Câu hỏi và bài tập (trang 98 sgk Lịch Sử 8)

Bài 1 Trang 98 SGK Lịch sử 8: Kinh tế Nhật Bản đã phát triển như thế nào sau Chiến tranh thế giới thứ nhất?

Trả lời:

- Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Nhật Bản thu được nhiều lợi nhuận, không mất mát gì và nhanh chóng trở thành cường quốc duy nhất ở châu Á.

- Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng không đều, không ổn định, mất cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp:

+ Công nghiệp: Phát triển với sự ra đời của các công ti mới và việc mở rộng sản xuất.

+ Nông nghiệp: Không có gì thay đổi, vẫn tồn tại những tàn dư phong kiến.

- Năm 1927, Nhật Bản lại lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính làm cho 30 ngân hàng phải đóng cửa.

=> Như vậy, sau chiến tranh thế giới thứ nhất nền kinh tế Nhật Bản phát triển nhưng là sự phát triển không ổn định.

Bài 2 Trang 98 SGK Lịch sử 8: Vì sao giới cầm quyền Nhật Bản tiến hành chiến tranh xâm lược bành trướng ra bên ngoài?

Trả lời:

Giới cầm quyền Nhật Bản đã tăng cường chính sách quân sự hóa đất nước, gây chiến tranh xâm lược, bành trướng ra bên ngoài: Để đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, giải quyết những khó khăn do thiếu nguyên liệu, thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Lý thuyết Bài 19: Nhật Bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 - 1939)

I. Nhật bản sau chiến tranh thế giới thứ nhất

- Nhật Bản hầu như không tham gia chiến trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng đã thu được nhiều lợi, nhất là về kinh tế (sản lượng công nghiệp tăng 5 lần). Nhưng kinh tế Nhật chỉ phát triển trong vài năm đầu.

- Ngay sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản ngày càng gặp khó khăn, nông nghiệp vẫn lạc hậu, không có gì thay đổi so với công nghiệp.

- Giá gạo tăng cao, đời sống nông dân rất khó khăn. Vì vậy, năm 1918, “cuộc bạo động lúa gạo” đã nổ ra, lôi cuốn tới 10 triệu người tham gia.

- Phong trào bãi công diễn ra sôi nổi. tháng 7 - 1922, Đảng Cộng sản Nhật Bản thành lập và trở thành lực lượng lãnh đạo phong trào công nhân.

- Năm 1927, Nhật Bản lại lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính đã:

+ Làm mất lòng tin của nhân dân và giới kinh doanh vào chính phủ.

+ Chấm dứt sự phục hồi ngắn ngủi của nền kinh tế nước này.

II. Nhật bản trong những năm 1929 - 1939

- Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Nhật Bản (sản lượng công nghiệp giảm tới 1/3) => Giới cầm quyền Nhật Bản chủ trương quân sự hóa đất nước, phát động chiến tranh xâm lược để thoát khỏi khủng hoảng.

- Tháng 9 - 1931, Nhật Bản tấn công vùng Đông Bắc Trung Quốc, dẫn tới việc hình thành lò lửa chiến tranh đầu tiên trên thế giới.

- Trong thập niên 30, ở Nhật Bản đã diễn ra quá trình thiết lập chế độ phát xít với việc sử dụng triệt để bộ máy quân sự và cảnh sát của chế độ quân chủ chuyên chế Nhật Bản.

- Giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân, kể cả binh sĩ, đã tiến hành cuộc đấu tranh mạnh mẽ, góp phần làm chậm lại quá trình phát xít hóa ở Nhật Bản.

Đánh giá

0

0 đánh giá