20 câu Trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 39 (Chân trời sáng tạo 2024) có đáp án: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên

2.9 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa lí lớp 10 Bài 39: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên sách Chân trời sáng tạo. Bài viết gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa lí 10. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 39: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 39: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Phần 1: Trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 39: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Câu 1. Sự hạn chế của các nguồn tài nguyên thiên nhiên thể hiện rõ nhất ở

A. tài nguyên khoáng sản.

B. tài nguyên đất.

C. tài nguyên sinh vật.

D. tài nguyên nước.

Đáp án: A

Giải thích: Sự hạn chế của các nguồn tài nguyên thiên nhiên thể hiện rõ nhất ở tài nguyên khoáng sản.

Câu 2. Môi trường nào sau đây bao gồm các mối quan hệ xã hội trong sản xuất, trong phân phối, trong giao tiếp?

A. Môi trường xã hội.

B. Môi trường tự nhiên.

C. Môi trường tổng hợp.

D. Môi trường nhân tạo.

Đáp án: A

Giải thích: Môi trường xã hội bao gồm các mối quan hệ giữa con người với con người như luật lệ, phong tục tập quán, cam kết, quy định,...

Câu 3. Đặc điểm nào sau đây không phải của môi trường tự nhiên?

A. Phát triển theo quy luật tự nhiên, bị tác động của con người.

B. Có mối quan hệ trực tiếp đến sự phát triển của con người.

C. Con người không tác động vào thì các thành phần sẽ bị hủy hoại.

D. Gồm tất cả những gì thuộc về tự nhiên ở xung quanh con người.

Đáp án: C

Giải thích: Môi trường tự nhiên: xuất hiện trên bề mặt trái đất không phụ thuộc vào con người, con người tác động vào môi trường tự nhiên thay đổi, nhưng các thành phần tự nhiên vẫn phát triển theo quy luật tự nhiên.

Câu 4. Làm thế nào để hạn chế sự cạn kiệt nhanh chóng nguồn tài nguyên khoáng sản trong quá trình phát triển kinh tế?

A. Hạn chế khai thác các tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên khoáng sản.

B. Hạn chế khai thác các khoáng sản trong lòng đất, tài nguyên thiên nhiên.

C. Phải sử dụng tiết kiệm, tổng hợp, đồng thời sản xuất các vật liệu thay thế.

D. Hạn chế sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ khoáng sản trong tự nhiên.

Đáp án: C

Giải thích: Để hạn chế sự cạn kiệt nhanh chóng nguồn tài nguyên khoáng sản trong quá trình phát triển kinh tế, chúng ta cần phải sử dụng thật tiết kiệm, sử dụng tổng hợp, đồng thời sản xuất các vật liệu thay thế (chất dẻo tổng hợp).

Câu 5. Các nhà khoa học đã báo động về nguy cơ nào sau đây?

A. Mất cân bằng sinh thái, khủng hoảng môi trường.

B. Mất cân bằng sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học.

C. Ô nhiễm môi trường (nước, đất và không khí).

D. Suy giảm sự đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường.

Đáp án: A

Giải thích: Các nhà khoa học đã báo động về nguy cơ mất cân bằng sinh thái, khủng hoảng môi trường do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kĩ thuật làm cho môi trường sinh thái bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng.

Câu 6. Tài nguyên thiên nhiên vô hạn là tài nguyên nào sau đây?

A. Năng lượng Mặt Trời, đất, sinh vật.

B. Không khí, khoáng sản, đất, nước.

C. Nước, đất, sóng biển, khoáng sản.

D. Gió, thủy triều, sóng biển, địa nhiệt.

Đáp án: D

Giải thích: Tài nguyên thiên nhiên vô hạn: Là các loại tài nguyên có thể tự tái tạo liên tục, không phụ thuộc vào sự tác động của con người, như các loại năng lượng mặt trời, gió, thuỷ triều, sóng biển, địa nhiệt,...

Câu 7. Biện pháp quan trọng nhất để tránh nguy cơ cạn kiệt của tài nguyên khoáng sản là

A. khai thác một cách hợp lí, sử dụng tiết kiệm, sản xuất các vật liệu thay thế hiệu quả.

B. sản xuất các vật liệu thay thế, sử dụng một số loại nhất định và chỉ được khai thác ít.

C. ngừng khai thác, hạn chế sử dụng nhiều nhất và sản xuất vật liệu thay thế hiệu quả.

D. sử dụng tiết kiệm, phân loại tài nguyên, ngừng khai thác những tài nguyên cạn kiệt.

Đáp án: A

Giải thích: Tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, được phân loại dựa vào thuộc tính tự nhiên, dựa vào công dụng kinh tế và khả năng bị hao kiệt trong quá trình sử dụng của con người. Một số loại tài nguyên không thể khôi phục được, đặc biệt là khoáng sản nên đòi hỏi con người cần phải khai thác một cách hợp lí, sử dụng tiết kiệm, sản xuất các vật liệu thay thế hiệu quả.

Câu 8. Đặc điểm nào sau đây là đặc điểm của môi trường nhân tạo?

A. Có mối quan hệ trực tiếp đến sự phát triển của con người.

B. Là kết quả lao động của con người, phụ thuộc vào con người.

C. Gồm tất cả những gì thuộc về tự nhiên ở xung quanh con người.

D. Phát triển theo quy luật tự nhiên, bị tác động của con người.

Đáp án: B

Giải thích: Môi trường nhân tạo bao gồm các yếu tố vật chất, kĩ thuật do con người tạo ra và chịu sự chi phối của con người (nhà ở, công viên, thành phố, tiện nghi cuộc sống,...). Các thành phần của môi trường nhân tạo sẽ bị huỷ hoại nếu không có sự chăm sóc của con người. Trong giai đoạn hiện nay, dưới tác động của Cách mạng công nghiệp, môi trường nhân tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Câu 9. Tài nguyên có thể tái tạo bao gồm có

A. khoáng sản, nước.

B. sinh vật, khoáng sản.

C. đất, sinh vật, nước.

D. đất, khoáng sản.

Đáp án: C

Giải thích: Tài nguyên có thể tái tạo: Là các tài nguyên có thể tự duy trì hoặc tự bổ sung một cách liên tục nếu được quản lí một cách thông minh, như: nước, đất, sinh vật,...

Câu 10. Tài nguyên nào sau đây không thể khôi phục được?

A. Sinh vật.

B. Khoáng sản.

C. Nước.

D. Biển.

Đáp án: B

Giải thích: Tài nguyên không khôi phục được là các loại khoáng sản. Bởi sự hình thành các tài nguyên khoáng sản phải mất hàng triệu năm.

Câu 11. Biện pháp nào sau đây góp phần bảo vệ tài nguyên khoáng sản?

A. Khai thác khoáng sản năng lượng và phi kim.

B. Sử dụng tiết kiệm, sản xuất vật liệu thay thế.

C. Cấm khai thác khoáng sản dưới mọi hình thức.

D. Sử dụng hoang phí, khai thác hết để tạo mới.

Đáp án: B

Giải thích: Khoáng sản là nguồn tài nguyên quan trọng khó có thể thay thế và được sử dụng trong hầu hết các ngành sản xuất kinh tế công nghiệp. Vì vậy, việc hạn chế khai thác hay hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản là biện pháp chưa hợp lí và không mang tính khả thi hiện nay => Biện pháp hợp lí và hiệu quả nhất là phải sử dụng thật tiết kiệm, sử dụng tổng hợp, đồng thời sản xuất các vật liệu thay thế (chất dẻo tổng hợp).

Câu 12. Môi trường tự nhiên là nhân tố thuộc

A. môi trường địa lí.

B. môi trường xã hội.

C. môi trường sống.

D. môi trường nhân tạo.

Đáp án: C

Giải thích: Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường nhân tạo là nhân tố thuộc môi trường sống của con người.

Câu 13. Môi trường có quan hệ trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người, nên chúng ta cần phải

A. bảo vệ môi trường.

B. tạo môi trường mới.

C. sử dụng tài nguyên.

D. ít khai thác, tác động.

Đáp án: A

Giải thích: Con người không thể tồn tại nếu thiếu không khí để thở, thiếu nước uống hay nguồn thức ăn,… Tuy nhiên một khi những nguồn tài nguyên này bị hủy hoại ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đời sống (bệnh tật) => Vì vậy bảo vệ môi trường chính là bảo vệ đời sống con người, vì môi trường có quan hệ trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người.

Câu 14. Cơ sở nào để phân chia tài nguyên thiên nhiên thành đất, nước, khí hậu, sinh vật, khoáng sản?

A. Theo nhiệt lượng sinh ra.

B. Theo công dụng kinh tế.

C. Theo thuộc tính tự nhiên.

D. Theo khả năng hao kiệt.

Đáp án: C

Giải thích: Theo thuộc tính tự nhiên phân chia tài nguyên thành các loại: đất, nước, khí hậu, sinh vật, khoáng sản.

Câu 15. Người ta chia môi trường sống làm ba loại: Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường nhân tạo là dựa vào

A. kích thước.

B. thành phần.

C. tác nhân.

D. chức năng.

Đáp án: D

Giải thích: Người ta chia môi trường sống làm ba loại: Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường nhân tạo là dựa vào chức năng của môi trường.

Phần 2: Lý thuyết Địa lí 10 Bài 39: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên

I. Môi trường

1. Khái niệm và đặc điểm môi trường

a. Khái niệm

Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo, có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và tự nhiên.

b. Đặc điểm

- Môi trường sống của con người bao gồm: môi trường tự nhiên, môi trường nhân tạo và môi trường xã hội.

- Môi trường tự nhiên bao gồm đất, nước, khí hậu, sinh vật, sông ngòi, địa hình,... Các yếu tố này tồn tại, phát triển theo quy luật tự nhiên nhưng chịu tác động của con người.

- Môi trường nhân tạo bao gồm các yếu tố vật chất, kĩ thuật do con người tạo ra và chịu sự chi phối của con người. Các thành phần của môi trường nhân tạo sẽ bị huỷ hoại nếu không có sự chăm sóc của con người.

- Môi trường xã hội là các quan hệ xã hội trong sản xuất, trong phân phối, trong giao tiếp với các luật lệ, thể chế, quy định, cam kết ở các cấp khác nhau.

2. Vai trò của môi trường

- Nơi chứa đựng các nguồn tài nguyên cần thiết cho đời sống và sản xuất của con người.

- Giúp lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người.

- Không gian sống và bảo vệ con người, sinh vật khỏi những tác động từ bên ngoài.

- Chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra trong sinh hoạt và sản xuất.

II. Tài nguyên thiên nhiên

1. Khái niệm và đặc điểm của tài nguyên thiên nhiên

a. Khái niệm

Tài nguyên thiên nhiên là toàn bộ giá trị vật chất có trong tự nhiên mà con người có thể khai thác, chế biến, sử dụng để phục vụ cuộc sống của con người.

b. Đặc điểm

- Tài nguyên thiên nhiên phân bố không đồng đều trong không gian, phụ thuộc vào cấu tạo địa chất, khí hậu,... của các lãnh thổ.

- Đại bộ phận các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị kinh tế được hình thành qua quá trình phát triển lâu dài của lãnh thổ.

- Tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, được phân loại dựa vào thuộc tính tự nhiên, dựa vào công dụng kinh tế và khả năng bị hao kiệt.

2. Vai trò của tài nguyên thiên nhiên

- Tài nguyên thiên nhiên là một trong những nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế.

- Tài nguyên thiên nhiên là yếu tố quan trọng cho phát triển kinh tế ổn định và tích luỹ vốn.

+ Cung cấp nguyên, nhiên liệu ổn định cho sản xuất trong nước; góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

+ Khai thác để xuất khẩu, tích luỹ vốn thực hiện quá trình công nghiệp hoá, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống dân sinh,...

Xem thêm các bài trắc nghiệm Địa lí 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 37: Địa lí ngành du lịch và tài chính - ngân hàng

Trắc nghiệm Địa Lí 10 Ôn tập chương 10.3: Địa lí các ngành kinh tế

Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 39: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 40: Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh

Trắc nghiệm Địa Lí 10 Ôn tập chương 11: Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh

Đánh giá

0

0 đánh giá